LTS: Chúng tôi nhận được bài phỏng vấn từ Dịch giả, nhà nguyên cứu văn hóa Phan Hồng Giang, đó là bài phỏng vấn được thực hiện bởi nhà thơ Hồng Thanh Quang phỏng vấn ông về : Sêkhốp, về vấn đề trí thức, về Hoài Thanh, và về... tình yêu...Tuy bài đăng ở báo "lề phải" nhưng bài phỏng vấn có những "giá trị" cao hơn là "chính trị" ở xứ Âu Lạc, nên dù ở báo "lề phải" hay "lề trái" chúng tôi xin được mạn phép chia sẻ cùng quí văn hữu và độc giả Hợp Lưu.
TẠP CHÍ HỢP LƯU
" Nhắn tin cho tôi, ông dặn : “Đừng đề TS trước tên của tôi, chỉ cần ghi là Phan Hồng Giang là đủ !” Ở tuổi cổ lai hy, ông muốn bớt đi những thêm thắt không cần thiết cho cuộc sống của mình… Đối với tôi, ông luôn là một bậc bề trên cả về tuổi đời lẫn những gì chiêm nghiệm được trong cái gọi là “cõi đời bé tí” này. Và những gì ông nói luôn gợi mở cho tôi những suy nghĩ mới về những điều tưởng như rất cũ…" (Hồng Thanh Quang)
*
Hồng Thanh Quang : Ông đã từng ở nước Nga bao nhiêu năm ?
Phan Hồng Giang : Tổng cộng là 13 năm, gồm những năm học đại học, làm nghiên cứu sinh, thực tập sinh và làm chuyên gia. Không quá nhiều và cũng không quá ít…
- Tôi thấy nhiều người sang Nga làm luận án tiến sĩ nhưng lại chọn toàn những đề tài mà chắc chắn các chuyên gia Nga không thể am hiểu bằng người mình. Đề tài luận án tiến sĩ của ông là gì ?
- Có thể trong một đề tài cụ thể nào đấy (về các tác giả Việt Nam chẳng hạn) kiến thức chuyên sâu về đề tài ấy của thầy hướng dẫn là không bằng người mình nhưng thầy giáo có thể truyền đạt cho nghiên cứu sinh ta phương pháp luận nghiên cứu, cách bố cục diễn giải các vấn đề đặt ra. Điều này là rất quan trọng với học vấn của NCS.
Về phần tôi, tôi chọn đề tài luận án TSKH của mình là về tính quốc tế của văn học xô viết. Tôi muốn khẳng định rằng không có sự đứt đoạn từ văn học cổ điển Nga sang văn học Nga xô viết hiểu theo nghĩa tốt đẹp nhất của khái niệm này. Tiếp nối những giá trị truyền thống cao quý của văn học Nga, văn học Nga xô viết mang đậm tính quốc tế - tính nhân văn, tính vĩnh cửu, tính nhân loại qua những tác phẩm ưu tú nhất của mình ( theo đánh giá của tôi).
- Nhìn lại từ ngày hôm nay, ông vẫn hài lòng về luận án của mình ?
- Đã 30 năm qua kể từ lúc bảo vệ xong luận án, cảm giác của tôi bây giờ cũng như ngày ấy là cảm giác của một thợ cày vừa cày xong sào ruộng của anh ta hay của một người hoàn thành ổn thỏa vai diễn của mình trên sân khấu…
- Chúng ta ai cũng là sản phẩm của một hệ thống giáo dục nhất định. Ông nghĩ sao về hiện tượng “khỏi vòng là cong đuôi” khi một số người luôn tìm mọi cách gièm pha chính cái môi trường đã góp phần tạo dựng cho họ hành trang tri thức mà họ đang sở hữu ? Phải chăng trí thức luôn là phản tỉnh ?
- Thực ra trong cái vốn học vấn (tôi muốn nói đến lĩnh vực khoa học xã hội & nhân văn) mà nhiều người trong chúng ta có hôm nay, theo tôi, phần từ học đường mang lại có lẽ chỉ chiếm không quá 30%. Phần chủ yếu là do tự ta thu nhận được từ những trải nghiệm, chiêm nghiệm qua công việc, sách vở và cuộc sống. Đôi khi với một số người, hoàn cảnh giáo dục còn có hiệu ứng ngược : Hồi nhỏ tôi đã từng nhiều năm học bên Trung Quốc. Cung cách sinh hoạt theo kiểu “trại lính” chỉ càng mài sắc thêm trong tôi những khao khát về tự do, khiến tôi dị ứng hoàn toàn với những gì là áp đặt, là trói buộc.
Nếu dưới góc độ tình nghĩa , sự phủ nhận những gì đã nuôi dưỡng mình thời trẻ là điều đáng trách thì nhìn từ góc độ khác - góc độ nhận thức chẳng hạn - sự từ bỏ những gì có thời mình đã ngoan ngoãn tiếp nhận đôi khi lại là điều đáng mong đợi. Lấy ví dụ như những người từng học ở Trường Plekhanov chuyên dậy quản lý kinh tế theo phương pháp kế hoạch hóa - tập trung bao cấp thì đạt điểm càng cao sau này càng dễ gây tác hại (!) khi làm việc trên thực tế. Họ chỉ có thể ăn nên làm ra khi “phản tỉnh”, ngộ ra một điều đơn giản : kinh tế thị trường là thành quả lớn lao của trí tuệ loài người.
- Văn học và văn học Nga… Ông là một trong những dịch giả thành công nhất trong việc đưa các nhà văn Nga lại gần hơn với độc giả Việt Nam. Nhiều người đánh giá cao các dịch phẩm truyện ngắn Sêkhốp của ông. Ông có thể cho biết vì sao ông lại chọn Sêkhôp ?
- Vì văn chương của Sêkhôp rất đẹp và dung dị, rất đời thường, đầy tính nhân văn mà không cao đàm khoát luận. Thêm nữa cái tạng của tôi lại thiên về thích đọc thể loại truyện ngắn (ngoài Sêkhốp là Bunhin, Paustovski…) và “ngại” những trường thiên tiểu thuyết…
- Sêkhốp đã dành rất nhiều trang viết của mình để nói về thân phận những người trí thức Nga. Và phần lớn những nhân vật trí thức của ông đều bất hạnh và dường như đều vô ích đối với xã hội. Ông có thể lý giải vì sao không ?
- Trí thức là loại người chỉ sở hữu tài sản duy nhất là cái đầu có kiến thức sâu rộng, biết suy xét theo cách riêng và biết lo nghĩ một cách vô tư nhất cho quyền lợi chung của dân tộc và đất nước. Ở những nước có trình độ phát triển cao về văn minh vật chất - tinh thần thường không còn mấy ai nêu lên và bàn thảo về vấn đề trí thức vì trên thực tế dường như nó đương nhiên đã được giải quyết thỏa đáng từ lâu ( nhờ đó mà xã hội mới phát triển ! ). Vấn đề trí thức thường chỉ được bàn đến nhiều, khi xã hội còn lấn cấn về vai trò, chỗ đứng của trí thức, còn chưa rõ ràng về mối quan hệ giữa chính quyền, trí thức và đông đảo nhân dân.
Nước Nga thế kỷ XIX là nước Nga của chế độ chuyên chế Sa hoàng đầy hà khắc, một môi trường thuận lợi cho những kẻ vô học mà nham hiểm (như tên trộm ngựa chuyên nghiệp Gr. Raspuchin, kẻ đã leo lên tới vị trí điều khiển triều đình), nhưng lại là môi trường hoàn toàn ô nhiễm đối với những ai có tầm và có tâm ! Bởi vậy thật dễ hiểu tâm trạng chủ đạo của giới trí thức Nga khi ấy là chán nản khi phải đối diện với những điều phi lý đầy rẫy chung quanh mà chỉ còn biết bất lực đứng nhìn! Sêkhôp đồng cảm với tâm trạng ấy và ông day dứt đưa vào những trang văn của mình…
- Phải chăng đa phần các trí thức Nga trong thời của Sêkhốp đều xa rời thực tế, không biết rõ những nhu cầu thực của xã hội, lại luôn bị mặc cảm và tự giày vò mình bằng những mâu thuẫn nội tâm nên rốt cuộc lắm chữ mà không hữu dụng ?
- Tôi chia sẻ với nhận xét chí lý và tinh tế của anh. Điều này hình như là căn bệnh mạn tính của trí thức không may mắn ở nhiều thời, nhiều nước. Nhưng tôi muốn nói thêm : Họ đáng thương hơn là đáng trách, họ đã là nạn nhân trước khi có thể là “bị cáo” bất đắc dĩ !
- Con người nói chung, đặc biệt là trí thức, cần phải có những khao khát tinh thần lớn hơn những ham muốn vật chất thì may ra mới bảo toàn được nhân cách của mình. Tiếc thay phần lớn chúng ta đều bị lôi cuốn theo những cái gọi là bả phù hoa. Và đó có lẽ là lý do khiến trí thức đánh mất đi vai trò cần có của mình trong xã hội. Ông nghĩ sao về nhận xét này ?
- Suy nghĩ khá tiêu cực của anh, không may cho chúng ta là lại được thực tế xác nhận. Tuy nhiên cũng phải nói cho hết nhẽ là lỗi ở đây không hoàn toàn thuộc về giới trí thức. Không phải là những người siêu phàm, việc họ lo toan cho đời sống của bản thân, của gia đình, vợ con là điều dễ hiểu. Miễn là xã hội đừng lợi dụng nhu cầu ấy của họ để đẩy họ vào tình cảnh phải đánh đổi sự im lặng “ngoan hiền” để nhận sự bảo đảm về vật chất và không bị chăm sóc thái quá về tinh thần.
Không có quy tắc nào không có ngoại lệ : Bên cạnh số đông khó thoát khỏi cảnh vợ con bìu ríu, cũng có không ít người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, dấn thân vào cuộc đối đầu không cân sức với quyền lực của dùi cui và còng số 8 với niềm tin về sự chiến thắng của công lý.
- Tôi nhớ đến nhân vật giáo sư trong “Một câu chuyện tẻ nhạt” của Sêkhôp. Vị giáo sư đó đã đạt được nhiều thành tựu trong khoa học, có uy tín cao trên thế giới, gia đình yên ấm… Vậy mà ông vẫn không cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình… Hình như càng có trí thức thì con người ta càng dễ bị rơi vào tâm lý không thỏa mãn với hiện trạng của mình, khi những gì đạt được dù có vẻ thành công bao nhiêu cũng không đáng kể gì so với những giá trị tinh thần và đạo đức mà ta đã đánh mất trong hành trình vươn lên ?
- Tôi đồng tình với nhận xét chua chát của anh . Nhà văn Nga đầu thế kỷ XIX Griboêđốp đã viết vở kịch kinh điển mang tựa đề “Nỗi khổ vì có trí tuệ”. Càng biết lắm ngóc ngách của nhân tình thế thái, càng dễ thất vọng. Thế nên chẳng phải các cụ ta khi xưa đã từng hay nói : “Thiên hạ ngu si hưởng thái bình…” đó sao ? Nhưng lại cũng phải chua thêm rằng thường chỉ là trong một xã hội đầy khuyết tật mang tính hệ thống thì cái gọi là thành công của người trí thức mới phải bị đánh đổi bằng sự sa sút của các giá trị đạo đức, tinh thần.
- Sêkhốp từng để cho một nhân vật của mình nói : “ Tôi không tin vào giới trí thức của chúng ta, giới trí thức đạo đức giả, dối trá, thần kinh, vô giáo dục, lười biếng, tôi thậm chí còn không tin cả khi họ vật vã và than thở, bởi lẽ những kẻ chèn ép họ cũng xuất thân từ chính trong giới của họ. Khi họ còn đang là sinh viên thì đó là một tầng lớp người tốt, trung thực, đó là hy vọng của chúng ta, là tương lai của nước Nga, nhưng chỉ cần những sinh viên đó bước ra ngoài đường cái để tự lập, trở thành người lớn thì hy vọng của chúng ta và tương lai của nước Nga lập tức tan thành khói và còn lại trên cái phin lọc toàn những tiến sĩ nhà cao cửa rộng, những công chức háo của và những kỹ sư biển thủ…”. Ông nghĩ thế nào về câu nói đó ?
- Đấy là tâm trạng thất vọng giận dữ đến cùng cực của chính Sê khốp trước thực trạng suy thoái đạo đức nhanh chóng mọi nơi mọi lúc của đám sinh viên trẻ khi gia nhập thế giới người lớn, những kẻ đã kịp thoái hóa từ lâu trong môi trường xã hội ô nhiễm vô phương cứu chữa. Trong cơn giận dữ , Sê khốp khó tránh rơi vào phiến diện, vơ đũa cả nắm. Dù sao thì tôi vẫn tin dòng chảy chính của cuộc đời phải là dòng trong, dòng của cái thiện, cái đẹp; “hết cơn bĩ cực đến thời thái lai !”.
- Mọi sự so sánh, tất nhiên đều khập khiễng. Nhưng ông có thấy những nhân vật trí thức của Sêkhốp có những nét gần với những trí thức khổ hạnh trong một số tác phẩm của Nam Cao không ?
- Nam Cao quả là gần gũi với Sê khốp cả về chủ đề tư tưởng-nghệ thuật cũng như về lối viết. Với các tác phẩm Sống mòn, Đời thừa, Trăng sáng…, Nam Cao đem lại cho văn xuôi Việt Nam hình ảnh khó quên về những người trí thức nghèo, bế tắc trong cuộc mưu sinh khó nhọc, thất bại trong việc thực hiện những mong ước nhỏ nhoi rồi chết dần chết mòn trong sự lãng quên của người đời…
- Ông nghĩ thế nào về nhận xét, ở đâu mà giới trí thức không trở thành tầng lớp thực sự tiên phong, điểm tựa thực sự vững chãi, trí tuệ thực sự đạo đức thì tất yếu phải dựa vào sức mạnh hoang dã của các tầng lớp khác nhằm thay đổi cách thức phát triển xã hội. Và rốt cuộc những biến thiên chính trị sẽ tàn khốc với nhiều hệ lụy dài lâu ?
- Theo tôi, nhận xét này quá chính xác và sâu sắc. Người xưa đã đúc kết rành rẽ : “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Xã hội không lúc nào ngừng vận động mà sự vận động nào cũng cần có những thế lực dẫn đầu. Thế nên nếu dẫn đường không phải là “nguyên khí”, là trí tuệ với các chuẩn mực đạo đức tối đa, thì sự hỗn loạn, sự “hoang dã” như anh vừa nhắc tới là khó tránh, hệ lụy sẽ rất nặng nề. Những gì đã và đang diễn ra ở Lybia là bài học nhỡn tiền.
Tương phản với tình trạng ấy là bức tranh chuyển hóa khá suôn sẻ ở nước láng giềng Myanmar : Tôi tin chắc rằng tổng thống Thein Sein cũng là một bậc đại trí thức như thủ lĩnh phe đối lập - nữ chí sĩ Aung San Suu Kyi. Những quyết định sáng suốt bất ngờ cách đây vài năm của vị tổng thống xuất thân nhà binh ấy đã dẫn tới sự bắt tay giữa hai con người này, những người đại diện cao nhất cho quyền lực chính trị và tinh thần của nhân dân nước bạn. Hành động này đã thể hiện mạnh mẽ ý chí hòa hợp đoàn kết của cả dân tộc, đưa đất nước Myanmar chuyển mình êm thấm từ độc tài chuyên chế quân phiệt sang thể chế dân chủ trước sự ngỡ ngàng mừng vui của bạn bè khắp năm châu.
- Xin lỗi, với bản thân ông, TS Phan Hồng Giang, có khi nào ông cảm thấy tiếc về việc gì đó quan trọng mà ông đã không kịp làm khi còn đương chức không ?
- Nếu bám sát từng chữ trong câu hỏi của anh thì tôi không trả lời được. Thứ nhất, tôi chẳng có “việc gì quan trọng” gắn với chức vụ tầm tầm trước đây của mình cả - công việc chính của tôi là quản lý một viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật mà như anh biết rồi đấy, công việc gọi là nghiên cứu (nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội & nhân văn) ở xứ “con rồng cháu tiên” này nông sâu, rộng hẹp thế nào chẳng nhiều người quan tâm và không có ảnh hưởng gì đến …“hòa bình thế giới” (!). Thứ hai, nếu quả có việc gì đó quan trọng thật liên quan đến tôi thì một mình tôi làm sao hoàn thành được mà tiếc hay không tiếc !
Xin lỗi, tôi có thể đàm đạo tiếp với anh nếu anh cho tôi “nắn” lại câu hỏi trên của anh ?
- Dạ vâng, xin mời ông !
- Tôi muốn đổi thành : “ Có điều mong muốn rất lớn nào mà cho tới giờ , khi còn đang sống (!), anh vẫn chưa được chứng kiến ?”
Tôi đã có dịp tham gia công tác tư vấn ở Hội đồng Chính sách khoa học & công nghệ quốc gia (1997 - 2001) và Hội đồng Lý luận TƯ (2002 – 06). Là người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, tôi cảm nhận rõ ràng sự xuống cấp nhiều mặt của lĩnh vực này mà nguyên nhân bao trùm trước tiên lại không nằm ở bản thân văn hóa. Với nhiệm vụ tư vấn của mình, cũng như nhiều thành viên khác của Hội đồng, tôi đã bày tỏ sự mong muốn các cấp có thẩm quyền tiến hành cải thiện tình trạng văn hóa chung của đất nước bắt đầu từ sự thay đổi mạnh mẽ thể chế theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ, thượng tôn pháp luật. (Ý tứ này tôi đã trình bày trong bài “Xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội – Bắt đầu từ đâu ?”; bài này sau đó đã được đăng trên tờ “Văn nghệ công an” số ra ngày 6/12/ 2006). Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã chỉ rõ sự cần thiết phải tiếp tục tiến hành đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới chính trị. Tiếc rằng chúng ta chưa làm được bao nhiêu theo hướng này. Kết quả là hoạt động của bộ máy nhà nước còn thiếu minh bạch công khai, quyền làm chủ của người dân còn bị vi phạm khá phổ biến, tham nhũng hoành hành chưa có dấu hiệu bị đẩy lùi, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa chính trị, đạo đức, lối sống nghiêm trọng… Nếu tình trạng này còn kéo dài, chậm được khắc phục thì không thể mong đợi điều gì tốt đẹp hơn cho nền văn hóa nước nhà. Và đây quả sẽ là điều nhức nhối khôn nguôi của tất cả những ai quan tâm đến vận mệnh đất nước.
- Tôi nhớ đến cha ông, nhà phê bình Hoài Thanh. Cá nhân tôi vẫn cho rằng đó là một tên tuổi lớn trong đời sống văn học nước ta thế kỷ XX. Với tư cách là nhà nghiên cứu văn học, ông đánh giá thế nào về nhà phê bình Hoài Thanh ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời ?
- Tôi nghĩ rằng nhận định của anh là đánh giá tổng thể về nhà phê bình Hoài Thanh mà tôi chỉ có thể tán đồng. Đi sâu vào các giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp văn học của Hoài Thanh, ta có thể thấy đâu đó những ý kiến cho rằng Hoài Thanh trước 1945 hay hơn Hoài Thanh sau mốc đó. Theo tôi, đánh giá theo kiểu này ít nhiều mang mầu sắc chính trị hóa. Dù đối tượng phê bình của ông có thay đổi, thay đổi rất nhiều nữa là đàng khác, thì theo tôi, phong cách phê bình của ông từ trong cội nguồn vẫn là nhất quán – ông vẫn luôn trung thực với chính mình, vẫn “tự chiều mình” chỉ bình phẩm những gì cá nhân ông yêu thích, vẫn “lấy hồn ta để hiểu hồn người ”, văn chương của ông vẫn nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng, không có vẻ gì là đao to búa lớn.
Không có cầu thủ nào đá trận nào cũng hay. Không có nhà văn nào viết cái gì cũng “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Hoài Thanh cũng không phải là ngoại lệ. Tác phẩm chưa hay vì nhiều lẽ khác nhau không tiêu biểu cho sự nghiệp của nhà văn. Chính những trang viết hay mới làm nên gương mặt nhà văn. Trước 1945, Thi nhân Việt Nam có thể nói là tuyệt tác xuất thần của ông khi vừa ngoài 30 tuổi. Sau 1945, ông viết rất sâu, rất hay về Truyện Kiều, về Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Hoa tiên, về cụ Phan Bội Châu. Ông ghi nhận một cách đầy thuyết phục sự xuất hiện ban đầu đầy hứa hẹn của Giang Nam, Thanh Hải, Lê Anh Xuân, Lưu Quang Vũ, Lý Phương Liên, Nguyễn Duy… Tập Di bút và di cảo hàm chứa nhiều suy tư thâm thúy mà sinh thời ông chưa muốn công bố, được in ra năm 1993, cũng là cuốn sách nên đọc.
Thiết nghĩ với một đời người qua đi như chớp mắt, làm được nhiều việc hữu ích như Hoài Thanh đã làm thật đáng trân trọng.
- Ông nghĩ thế nào về câu nói, một nhà phê bình văn học thường xuất phát từ một nhà văn không thành công ?
- Tôi nhớ trong cuốn Đaghextan của tôi có chi tiết khá hài hước được R. Gamzatov ghi lại trong sổ tay như sau :
“Ở Trường Đại học văn học chúng tôi đã có một sự diễn biến thế này. Năm thứ nhất – có 20 nhà thơ, 4 nhà văn xuôi và 1 nhà viết kịch. Năm thứ hai – có 15 nhà thơ, 8 nhà văn xuôi, 1 nhà viết kịch và 1 nhà phê bình. Năm thứ ba - có 8 nhà thơ, 10 nhà văn xuôi, 1 nhà viết kịch và 6 nhà phê bình. Đến cuối năm thứ năm – chỉ có 1 nhà thơ, 1 nhà văn xuôi, 1 nhà viết kịch, còn lại tất cả đều là nhà phê bình ! Chuyện đó tất nhiên là chuyện tiếu lâm, phóng đại. Nhưng điều có thật là nhiều người bắt đầu nghề viết bằng thơ, sau đó chuyển sang viết văn xuôi, viết kịch rồi cuối cùng viết các bài phê bình…”.
Từ đây có thể nhận ra cái gọi là “hạt nhân hợp lý” trong nhận xét anh vừa nêu : dường như viết phê bình là dễ nhất trong các thể loại văn chương.
Thực ra lật xới sâu thêm có thể thấy ý kiến trên có phần phiến diện. Nói đến văn chương, ta mặc nhiên nói đến những trang viết hay, chất lượng cao. Những trang viết dở không đại diện cho bất cứ cái gì, thậm chi còn là tai họa cho người đọc, ít nhất cũng làm họ mất thì giờ quý báu của mình. ( Năm 1936, trong cuốn Văn chương và hành động, phàn nàn về tình trạng tràn ngập các tác phẩm dở trên văn đàn, Hoài Thanh từng van nài các nhà văn nếu chưa viết được cái gì ra hồn, “ xin hãy làm một việc đại ân đại nghĩa là … tạm ngừng viết !”). Dưới góc nhìn này thì có thể kết luận rằng trong bất cứ thể loại nào, viết được cho hay là điều rất khó như nhau. Tôi chưa từng biết người nào làm thơ dở, viết văn xuôi cùn mà lại có tác phẩm phê bình hay. Và xưa nay dường như các cây bút đáng gọi là “tài năng phê bình” xem ra có vẻ rất hiếm hoi !
- Ông đã bao giờ nghe thấy cha mình nói một lời tiếc nuối nào không về những gì đã viết ?
- Nghe trực tiếp từ ông thì chưa nhưng tôi biết về cuối đời ông đã bày tỏ sự không hài lòng với những bài viết mang tính chất “tự kiểm điểm”, tự phê phán cuốn Thi nhân Việt Nam và cả những bài tham gia cuộc tranh luận về nghệ thuật với các ông Hải Triều, Bùi Công Trừng, Phan Văn Hùm.
Ông không hề cổ súy cho quan điểm “nghệ thuật vị nghê thuật”, “trốn vào tháp ngà, ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi thống khổ của dân vô sản” như các đối thủ đã gán oan cho ông. Ông chủ trương văn chương phải vị nhân sinh, nhưng phải là thông qua thứ văn chương mang đặc trưng nghệ thuật thực sự.
Cuối đời, vào đầu năm 1982, khi tâm sự với con trai cả của mình là nhà văn Từ Sơn, ông đã đặc biệt trân trọng tác phẩm Thi nhân Việt Nam : “ Cha viết văn đã 50 năm, nhưng công việc cha thích nhất là dạy học và bình thơ, bình thơ hay, vô luận là của ai. Cha biết văn chương của cha cũng vầy vậy thôi. Nếu không có cuốn Thi nhân Việt Nam thì không chắc gì người ta đã công nhận cha thực sự là một nhà văn”. Xin nhớ : mãi 6 năm sau, đến năm 1988, cuốn Thi nhân Việt Nam mới hết gây e ngại và được phép in lại !
- Sêkhôp có nhiều truyện ngắn hay về tình yêu, lãng mạn, cảm động. Thế nhưng các tư liệu thực tế cho thấy, trong đời sống riêng tư, Sêkhôp rất bất hạnh. Ông có thể lý giải điều này không?
- Tôi nghĩ điều anh nói không có gì lạ cả. Giữa câu chuyện được mô tả trong tác phẩm và cuộc đời riêng của tác giả không phải lúc nào cũng có sự tương đồng. Ấy là chưa nói đến việc nếu trong đời riêng gặp nhiều bất hạnh thì biết đâu điều này càng khiến người viết đi tìm hạnh phúc trong thế giới tưởng tượng hư cấu để bù đắp lại sự thiếu hụt…, như nhà văn nghèo khó A.Grin đã gửi gắm hy vọng của mình vào những Cánh buồm đỏ thắm đầy mộng ảo…
Thực ra trong đời Sêkhốp cũng đã có những tháng ngày hạnh phúc : Những lúc ấy, ông đã được yêu và quan trọng hơn cả là yêu được một người. Những ngày vì bệnh tật, ông phải ở Ialta, một thành phố trên bờ biển phía nam nước Nga , trong xa cách với người yêu , sau này là vợ - nữ diễn viên Olga Knipe. Nàng đã viết cho ông những dòng thư đầy yêu thương : “Ôi, em thật muốn được ngồi trong căn phòng của anh, để nghỉ ngơi thật yên lành, thật yên lành bên anh, sau đó sẽ trêu chọc anh, nói đủ lời ngô nghê, pha trò cười cho anh. Anh còn nhớ không, anh đã tiễn em lên cầu thang, và cầu thang lúc ấy đã kêu cót két một cách đáng ghét ? Lần ấy em yêu anh quá chừng. Ôi, em cứ viết như một con bé học trò mãi thế này …”.
Sêkhôp đã đáp lại : “Em yêu thương, em thân thiết, cô diễn viên tuyệt vời của anh, anh vẫn sống, khỏe mạnh, anh đang nhớ tới em, khao khát gặp em… Trời vẫn không có một giọt mưa, tất cả đều khô héo, nói gọn lại là sau ngày em đi, ở đây thật buồn chán. Không có em, anh đến phải treo cổ lên mất thôi… Trời vẫn nắng chang chang. Có đàn sếu bay qua , kêu buồn tẻ . Anh yêu em, Ôlia ạ”.
Ngay cả khi gặp chuyện không mong muốn trong tình yêu, đó chưa chắc đã là điều đáng phải than vãn. Cô gái Natali trong tuyệt phẩm cùng tên của I.Bunhin đã nói với người yêu sau bao buồn khổ xa cách : “ Không có tình yêu nào bất hạnh đâu anh ạ. Lẽ nào điệu nhạc buồn nhất trên thế gian này lại không mang đến hạnh phúc ?”. Lý lẽ của cô Natali kể cũng dễ lọt tai đấy chứ ? Tôi nghĩ với Sêkhôp cũng vậy, chưa chắc ông đã là người bất hạnh trong tình yêu…
- Câu hỏi cuối cùng : Dịch giả Phan Hồng Giang có cảm thấy mình là người hạnh phúc trong tình yêu ?
- Cứ theo quan niệm của cô Natali vừa nhắc ở trên thì kiểu gì tôi cũng là người hạnh phúc trong tình yêu. Nhưng thôi trả lời như thế thì có vẻ không nghiêm túc lắm. Xin nói thật với anh hồi còn trẻ tôi cũng đã gặp không ít trắc trở trong tình yêu. Nhờ giời là đến tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, tôi đã may mắn tìm được người ý hợp tâm đầu, biết yêu thương nhau, giúp nhau trong công việc, tôn trọng cá tính khác biệt của nhau, cùng chia sẻ những lo toan cho cuộc sống thường ngày và cho con cháu.
Tuổi già không có gì quý hơn sự bình yên. Và tôi đã có nó./.
____________
Bài đã đăng trên phụ trương của báo Đại đoàn kết - Tinh hoa Việt, số 3
ra ngày 10/5/2015
- Từ khóa :
- Hồng Thanh Quang
- ,
- Phan Hồng Giang