- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

28,5

13 Tháng Năm 20154:22 SA(Xem: 30595)

Nhatronghem1
LTS:Cận cái chết, nhìn cái chết ... một tâm trạng đau buồn, ray rứt. Những ra đi vĩnh viễn, mất mát và bấu víu vào mất mát. Nuối tiếc. Trịnh Duy Kỳ đến với Hợp Lưu lần đầu với 28,5 với những cái trên. Xin giới thiệu đến độc giả.
Tạp Chí Hợp Lưu

 

 

 

Căn nhà vắng tanh chỉ có mỗi con chuột với đôi mắt lấm lét đứng gặm mẩu cơm nguội đang rơi vãi ngay trên con đường. Thời gian trôi chậm, đắng nghét có màu xám xám của mạng nhện đang giăng mắc lên cơn đau trong lòng của Nó.

 

Chiếc đồng hồ trong căn nhà từ đường của bà Ngoại đã hết pin từ 3 tháng trước. Cái kim giây và giờ thì đứng gần sát vào nhau, không chút mảy may động đậy. Nó đã quên xé lịch khoảng hơn 1 tháng nay.

 

Ngày thứ 29. Nó không đếm lịch nhưng căn cứ vào nỗi đau của má đang in hằn lên khuôn mặt để tính. Sự chết đang đến gần quá. Nó y chang như ánh mặt trời cuối ngày sắp tắt, còn đọng lại chút ánh sáng hiếm hoi cứ lịm dần rồi nhường lại khoảng tối cùng với tiếng la hét và nhiều cơn đau đang kéo dài.

 

Căn nhà Nó ở rất tối. Nó cảm thấy cái âm thanh của sự lạnh lẽo và hờn căm cứ róng riết bên tai mỗi đêm. Căn nhà cứ im ắng như cơn uất nghẹn. Cái kiểu thiếu ánh sáng nhưng lại thừa không gian để những khoảng rỗng tồn tại tạo ra sự cô đơn ở trong đó.

 

Nó không đủ tỉnh táo để sắp xếp thời gian làm thêm được việc gì nữa. Ngón tay của Nó đã bắt đầu cấu nghiến lấy cơn đau một cách vô tội vạ.  Ngón tay đã cong khô lên, từng lớp da khô bóc dần ra để lộ khoảng da non như kiểu da rắn. Cứ mùa lạnh về, Nó lại bị như vậy.

 

Má Nó đau nặng vào khoảng thời gian khí trời rất lạnh và có mưa.

 

Ngày 28, vị cha xứ đến đọc kinh cho má Nó. Ông cần mẫn tụng niệm mong linh hồn má được mau lên thiên đàng. Vị cha xứ cần mẫn giở kinh theo tràng hạt, miệng thì cứ đọc lẩm nhẩm bài kinh mà hình như Nó thuộc. Nó đã không theo đạo từ khi cha Nó bỏ nhà đi biệt xứ. Nhưng Nó vẫn thuộc rất nhiều kinh thánh, theo bản năng hay đơn giản chỉ là sự bắt chước. Nó không rõ lắm. Hôm ấy, căn nhà Nó nhuộm đầy mưa. Vị cha xứ ra về với đôi mắt chứa nỗi buồn không thể tả. Nó đứng nhìn theo đôi mắt ấy một cách không rời. Đôi mắt đã đánh thức cơn đau nào đó rất quen đang ở trong trí nhớ của Nó. Ngày bà Ngoại Nó mất, hình như đã thấy một lần.

 

Ngày 28, Nó rời khỏi nhà để bước chân ra phố. Cái cảm giác nhơm nhớp của mưa khiến Nó khó chịu.

 

Nó rời đi trong thời gian rất ngắn. Vì có người trông coi má hộ. Ngày 28, Nó chia tay người yêu. Cơn đau chỉ gây cảm giác tê tê chứ không dữ dội như Nó tưởng.  Cô gái N đến và gặp Nó nói đúng một câu: “Mình chia tay đi. Em không thể chịu nổi khi phải tiếp tục chung sống với người giống như anh.” Nó không đáp trả, xoay xoay cái ly cà phê đen trước mặt. Nó nhìn qua thấy bàn tay N rời khỏi tay Nó.

 

Má nó đã nhiều ngày không được tắm. Vì căn bệnh hay sự thỏa hiệp không được diễn ra, Má Nó khó tính hơn thường ngày. Má Nó cần sự tha thứ. Nó nghĩ vậy. Ai chết cũng cần sự tha thứ. Nó quay về nhà và nhìn vào đôi mắt tội nghiệp ấy, từng quầng đen đã phủ kín lên đôi mắt. Nắm tay Nó, má trăn trở với cái giọng run run: “Hãy tha thứ cho Má. Ở lại một mình chắc con sẽ buồn lắm.”

 

Thời gian bắt đầu ăn dần lên khuôn mặt của má. Má Nó ít nói hẳn đi, những câu nói bắt đầu rơi vào trạng thái lưng chừng khó hiểu.

 

28,5, Nó đang cần kiểm nghiệm mọi thứ. Khúc quanh trong chính cuộc sống của má. Ngày yêu cha, Má đã hy sinh khá nhiều thứ. Ông đã rời bỏ ra đi chỉ sau một cuộc cãi vã. Dường như, ông đã không chịu nổi được sự kiểm soát và sự cục tính của má. Má thì không thể nào sống chung với một người suốt ngày say rượu. Hôn nhân đổ vỡ. Má Nó ở vậy suốt 30 năm trời. Bà không thể nào đi tiếp thêm bước nữa. Má nói khi Nó còn bé xíu: “Má mà bước tiếp con sẽ khổ.”  Không có dấu chấm nào được đặt thêm vào cuộc đời của má nữa.

 

28,4 – má gọi giật ngược Nó thức giấc: “con ơi, má đau quá! Phải làm sao.” Ngay cả Nó cũng bất lực khi nghe một cơn đau như vậy. Một ngày, khoảng 50 lần Nó đi ngang qua sự lưng chừng của căn phòng. Căn phòng có con mèo già cứ nhìn chằm chằm vào chiếc gương ở phía trước. Chiếc gương đã bị cáu bẩn lên, nhìn mờ mờ ảo ảo mang lại cảm giác rờn rợn mỗi khi soi gương mặt vào. Gương mặt trở nên dị dạng và méo mó hẳn đi. Nó không còn nhận ra gương mặt của mình. Điều đó, khiến Nó sợ hãi.

 

Cứ mỗi đêm, Nó trải qua cảm giác ấy khi ở một mình với má. Có lẽ, con mèo đang giữ bí mật về chiếc gương như lời ông Ngoại kể: “cái gương nhốt ý nghĩ của con người.” Nó quyết định thử.

 

Nhưng làm sao để bước vào thế giới ấy. “Phải có cách chứ!” – Nó thầm nghĩ. Giữa đêm, má Nó thường ngủ rất say. Cái khoảnh khắc ấy, con người có thể bước vào thế giới của gương như sự soi xét của lương tri.

 

28,3 – Nó cứ loanh quanh đi tìm cái gì rất cũ. À, ngày Nó với người yêu đi qua một cái nghĩa trang vào lúc đêm tối. Cô N nói với với Nó: “tình yêu cũng giống như cái chết. Chỉ khi chết thì người ta mới yêu nhau dài được.” Nhưng Nó lại nghĩ: “khi chết rồi thì yêu còn có nghĩa lý gì.”

 

Nó chợt nhớ câu này của cô M.

 

Con mèo già đi ngang qua cái gương, gầm gừ giận dữ như xé cơn đau của Má ra thành từng mảnh. Tiếng kêu hoang dại, ức chế như xỉa xói vào tâm hồn cái âm thanh lạc điệu.

 

28,2, mang dáng dấp của con đường. Ngày ấy, cơn lạnh đã dồn dập vào phổi rất khắc nghiệt. Nó đã đi cái quãng dài gần như bất tận. Con đường tối. Cái bóng Nó bị xuyên thủng vào từng góc chết của khúc quanh. Bóng Nó tối hơn con đường. Khi đi trên đó, Nó chỉ muốn tự sát. Tự sát với con đường rất thích: không ai biết, chẳng ai hay. Cái chết lặng im, cái chết không thành lời. Các mẫu số quy lại chỉ là sự lựa chọn để phù hợp cho sự mất mát chung.

 

28,1, điểm từ cô gái N đến M là gì?

 

Không có điểm chung: Chỉ là đường vòng, đường elip, hay đường xích đạo để dẫn tới kết thúc.  Nó quen N. Nó hay ra bờ sông ngồi ngắm cảnh. Sông đẹp. Cô N rất dịu dàng và tinh tế. Cô N hay đọc thơ cho Nó nghe. Vào buổi chiều, Nó đã nắm tay cô N thật chặt. N đã để yên tay ở đó như để cảm nhận sự dịu dàng và ấm áp đến từ Nó. Thế là yêu. Nhưng tay của N quá lạnh. Tay Nó về cơ bản cũng lạnh. Theo định luật bảo toàn năng lượng thì: Lạnh + Lạnh = Buốt giá. Cô N không thích như vậy.  Đời cứ chạy lòng vòng theo kiểu Godot.

 

Chiếc gương đã muốn ói Nó ra bên ngoài. Vì cơn đau của má Nó: “Con đâu rồi? Con ơi!” Nhưng Nó vẫn muốn nấn ná lại. “Vì còn sự kiểm nghiệm nhỏ nữa vào khoảng 28,5.”

 

Con mèo già đã bắt đầu gầm gừ, đưa móng vuốt lên cào cào trên mặt tấm kiếng. Nó nhìn thấy gương mặt của con mèo gần hơn và rất dữ tợn.

 

28,5 khoảng thời gian làm cho Nó nhớ nhất. À, ngày Nó ra đời. Má Nó nói: “ Sinh nhật má sẽ mua nến cho con.” Nhưng chưa một lần, Nó có một bữa tiệc sinh nhật đúng nghĩa. Nó chưa bao giờ được má Nó thắp nến vào hôm ấy cả. Mà Nó hay quên. Vì cuộc sống mưu sinh, vất vả. Má mua cho Nó một bộ đèn cày bằng nhựa. Nó đã thắp suốt 32 năm.

 

Nó hạnh phúc được một lần. Hạnh phúc vì cô M đã đốt nến cho Nó. Cô M không thích thơ. Cô ấy thích cảnh sắc thiên nhiên của các con đường. M đã pha cho Nó ly cà phê rất ngon. Cà phê vẫn còn đọng ở khóe môi. Nhưng M đã đi đâu mất. Nó còn nhớ cái hôm, Nó rượt M chạy qua đường hầm. Đường hầm tối lắm. Xe cộ tất nập và cái ánh sáng ấy làm Nó lóa hết cả mắt. M mất tích. Nó đã khóc rất nhiều đêm. Nó đi tìm M. Vào hôm, trời thật đẹp Nó gặp lại M. M cũng đốt nến cho chàng trai khác. Nó thầm nghĩ: “Sẽ có một cuộc mất tích khác sắp xảy ra. Không phải trong đường hầm. Có thể ở trên sông.” M thích sông, cái lạnh ở chỗ ấy sẽ làm cho cuộc biến mất hoàn hảo hơn.

 

Chiếc gương nhẫn nhịn trả lời: “Sự chịu đựng của tao đã đủ. Cái nhớ nhung của mày sao mà giả tạo không chịu được. Mày kể về sự biến mất cứ như trong phim.” Nó nói: “Tao có thích thế đâu. Tại sự thật vốn dĩ không thể thay đổi.  Ai chẳng biết mất tích là điều tồi tệ nhất quả đất này.” Gương điên tiết: “Mày thoát ra khỏi tao đi. Nếu không tao sẽ nuốt chửng mày.” Nó cứ thản nhiên trả lời: “Nhưng tao không sợ. Mày mới là người đang sợ hãi. Mày sợ tao nhìn thấu mày ư! Tao mà mất tích à. Tao là chuyên gia của việc làm cho người ta xóa hết dấu vết.”

 

Chiếc gương tức giận rồi nuốt chửng con mèo đang đứng trước mặt mình vào phía trong nó. Con mèo kêu lên âm thanh như bị ai bóp cổ cho đến tiếng kêu tắt ngấm. Chiếc gương mỉm cười nhìn Nó tự đắc: “mày cảm thấy sợ tao rồi chứ.” Nhưng Nó đã phá hiện bề mặt chiếc gương đã thay đổi. Chiếc gương đã mang gương mặt con mèo.

 

29,5, ngày định mệnh.  Nước mắt của ngày đó thật nhiều. Nó khóc. Má Nó khóc Má nó dặn dò nhiều thứ lắm: Má Nó đã cất giấu một bức thư viết riêng cho Nó. Nội dung bức thư chỉ có vài dòng vỏn vẹn: “Má thương con đến hết cuộc đời này.”

 

Hôm ấy, trời lạnh. Cái ống thở Oxi đã báo đến dấu đỏ. Má Nó đang ngơm ngớp vì thiếu không khí để thở. Nó cảm thấy lo sợ. Nó lấy xe rời khỏi nhà vào lúc 4 giờ sáng. Hôm ấy, trời vẫn còn tối. Nó đã bị lạc đường.

 

Má mất lỗi hoàn toàn tại Nó. Nếu không lạc đường. Nếu trời không tối. Nếu thời gian không rút ngắn lại như sợi thun kéo giãn ra rồi bắn lên mặt Nó. Phát bắn đau điếng, làm Nó khóc nhiều. Nước mắt rơi lên tấm chăn đắp cho Má.

 

Người ta đã mang Má đi như đã mang bà Ngoại đi.  Nó nhớ lúc bà Ngoại đi mãi mà không quay trở lại. Khi hỏi, thì Má nói: “bà Ngoại đi nghỉ ở nơi rất xa. Lâu lắm mới về.”

 

Khi ấy, Nó cứ tưởng bà Ngoại đã đi du lịch dài hạn ở đâu đó trên quả địa cầu này.

 

Má Nó cũng vậy. Không biết bao giờ mới trở về. Nó nhìn những vòng hoa người ra treo đầy ở góc nhà. Phía dưới nền nhà, có vết xước của chiếc quan tài bị lôi đi. Tâm hồn Nó bây giờ cũng vậy.

 

Nhưng thực chất, truyện đã không kết thúc như vậy.

Chính Nó đã không di chuyển về ngày 29,5. Cuộc chạy trong buổi tối kia chỉ mang sự tưởng tượng. Chính nó đã bị mắc kẹt ở ngày 28,5. Nó đã bị chiếc gương kia nuốt chửng.

 

Và Má Nó vẫn cứ mất!

 

TRỊNH DUY KỲ

Sài gòn ngày 10/04/2015

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90032)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75835)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103978)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 87377)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92862)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109513)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84552)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83593)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75930)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 80725)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.