- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TRỜI XANH HẺM NHỎ

13 Tháng Năm 20154:12 SA(Xem: 31987)
HemNho1

Tin nhắn chú Tư e không qua khỏi đêm nay làm Nhiên đờ đẫn. Nhiên đóng cửa phòng mạch, chạy chẳng kịp chào ai. Đường vào nhà chú ngoằn nghèo rắc rối tựa ma trận. Sau rốt Nhiên vẫn đến được theo quán tính. Sự âm u lạnh lẽo cô buồn bàng bạc khắp nhà. Một vùng cấm mấy chục năm nay không hề có bóng đàn bà. Chú cấm tiệt. Cấm luôn thằng con trai duy nhất, không được có bạn gái.

Bụi bám đầy nhà và dưới giường. Ảm đạm. Chú Tư nằm dán chặt xuống giường, tiếng thở hơi đuối. Căn bệnh ung thư buộc chú phải cắt phân nữa dạ dày, bớt ăn, thêm thuốc, người càng ngày càng héo. Chú gắng gượng, khẽ gật đầu chào Nhiên:

- Nhiên à. Có lẽ hôm nay chú sẽ… Chú muốn… nói chuyện này với cháu…

Nhiên thảng thốt:

- Kìa chú! Chú cháu gặp nhau mỗi tuần. Còn chuyện gì mà chú chưa nói?

- Con còn nhớ… thùng kẽm ngâm xác số 13… sát tường bên phải không?

Nhiên dè dặt:

- Xác người phụ nữ. Chuyện này con và chú đã biết hết mà.

- Vẫn chưa hết con à…

Năm ấy Nhiên mới tập tễnh vào y khoa năm nhất. Còn chú Tư, kĩ thuật viên kiêm quản lý phòng xác giải phẫu. Tất cả sinh viên đều xưng hô chú cháu với ông. Chỉ Nhiên khác biệt. Bạn bè trơ mắt khi Nhiên gọi chú bằng thầy. Mà lại là thầy dạy tiếng Anh. Nhà chú Tư không xa chốn trọ của Nhiên, cuối con hẻm nhếch nhác trong xóm lao động nghèo. Trên cao nhìn xuống, căn nhà như cái chấm nhỏ lạc lõng. Nhưng từ mảnh sân trước nhà chú nhìn lên, lồng lộng bầu trời xanh vắt. Chú hay bảo Nhiên, hẻm cụt chốn thị thành chứ không phải ngõ cụt đời chú. Ở hẻm cụt thế mà hay, tránh xa cái ồn ào xô bồ bụi bặm của Sài Gòn. Nhất là những đêm trăng tròn, ánh trăng vàng đổ đầy mảnh sân trước nhà. Chú bày đồ nhậu, gọi Nhiên sang. Ánh trăng ôm chặt hai người đang nhỏ to chuyện đời, chuyện trường y. Mỗi lần rót rượu, chú Tư thường lắc nhẹ chiếc li cho bóng trăng tan vỡ rồi mới ngửa cổ uống đánh ực. Có lần Nhiên thắc mắc sao chú uống nhiều thế, chú giải thích, đơn giản, mùi rượu át mùi phóc môn ngâm xác ám đầy người. Nhiên đã từng tin thế, nhưng hơi ngờ ngợ. Cuộc đời của con người này hẳn còn nhiều bí mật…

*

*     *

 Sau năm 1975, thời bao cấp loay hoay không lối ra, cuộc sống đảo lộn cùng cực. Chú Tư gò lưng trên chiếc xe đạp thồ cà tàng chở khách kiếm cơm qua ngày. Một lần chú chở một vị khách mặt mũi có vẻ trí thức, sáng sủa nhưng gầy gò. Tốt! Khách càng gầy, đạp càng nhẹ. Bỗng khách ngồi sau bâng quơ câu rủa đời bằng tiếng Anh. What the hell is this world! - Cái thế giới chết tiệt này! Chú Tư ngứa miệng chen ngang:

“Ông thầy ơi. Ông nói chữ world thiếu âm L rồi.”

Vị khách giật mình:

“Ông mới là ông thầy chứ không phải tôi. Ông làm nghề xe thồ phí quá!”

Khách là giảng viên trường đại học y, phòng thực tập đang thiếu người quản lý xác…

Tận hôm nay Nhiên vẫn chưa quên được cảm giác ớn lạnh mỗi khi bước vào phòng giải phẫu. Mùi hóa chất hăng hắc xốc lên tận đỉnh đầu. Từng xác người được nâng lên khỏi bề mặt dung dịch sóng sánh màu hư ảo. Họ đang lặng lẽ cống hiến cho khoa học.

Chú Tư cần mẫn làm sạch từng xác một. Chú lọc những mẫu thịt thừa rơi rớt sau khi sinh viên thực tập. Đôi khi xác người được lật úp để sinh viên nghiên cứu phần lưng. Nhiên để ý, đã một tuần từ ngày nhận xác, chẳng bao giờ chú Tư lật úp xác ở thùng số 13. Chẳng bao giờ. Không ai thắc mắc điều đó.

Rảnh rỗi Nhiên đều tranh thủ xuống phòng giải phẫu. Nhiên muốn gần với những xác người bởi tương lai của mình. Nhưng còn chú Tư, cái gì đã khiến chú tận tụy bên những xác người? Nhiên đã hỏi, và chú chỉ trả lời một cách bí hiểm: “Nghề này như cái nghiệp con à.”

Nhiên đã không hỏi chú Tư về nghề nữa. Nhưng rồi một ngày, tuần thứ hai từ ngày nhận xác số 13, chú Tư cẩn thận lật úp xác. Mắt rưng rưng nhiều oán hận, chú bảo Nhiên: “Xác vợ chú!”

Nhiên choáng người. Trên lưng xác rõ một vết cắt ngọt xớt dài cỡ ba phân đã khâu lại khéo léo. Chú bảo Nhiên vết cắt do chính chú khâu lại. Trong khoa giải phẫu, sinh viên đoán nhăng đoán cuội xác này vô thừa nhận, chết do bị chém. Chẳng ai biết xác này là vợ chú. Cái xác như một uẩn khúc khiến Nhiên không nén nổi tò mò tìm đến nhà chú.

Hẻm nghèo nhưng giàu muỗi. Nhiên quơ tay quạt liên hồi. Chú Tư bình thản rít một hơi thuốc thật dài rồi phả khói lên cả hai tay hai chân, ra chiều khoái chí. Lạ thay chẳng muỗi nào dám bén mảng làn da ám khói. Chú Tư cười khà khà kể chuyện đời dài như con hẻm ba lần xuyệt.

Chú từng làm thông dịch viên cho cố vấn Mỹ ở Sài Gòn. Mới tung tẩy được  vài tháng, cố vấn Mỹ di tản, chấm dứt chiến tranh. Ba chữ thông dịch viên như cái án chung thân vô hình. Đi đâu xin việc cũng bị từ chối khéo. Hai vợ chồng chú cùng thằng con vô hướng bị kéo xệch lên vùng kinh tế mới.

Nhiên đã buột miệng hỏi:

“Con thấy sau Bảy lăm, người ta bỏ nước đi rần rần, nhất là mấy người làm cho Mỹ. Sao chú không đi?”

Chú vẫn lặng câm. Mắt trừng trừng nhìn lên như nuốt chửng ánh trăng. Tia mắt hằn oán giận, nuối tiếc, lẫn hả hê. Nhiên tiếp tục hỏi:

“Chú vẫn ở đây vì chú yêu quê hương?”

Một li rượu được cạn trong im lặng.

“Hay chú không có tiền?”

Hai li…

“Hay chú yêu chế độ?”

Ba li…

“Hay chú có lý tưởng?”

Bốn li…

Dứt li thứ tư, chú Tư rít một hơi thuốc dài, phà đầy khói lên trời. Chú mở miệng. Chú nói một mạch dài. Con nên bỏ cách hỏi xát muối vào lòng Nhiên à. Chú không đi vì chú không thích người Mỹ. Thế thôi. Họ đã phủi tay, ruồng bỏ VNCH. Sống ở đời có trước có sau. Một lần bất tín vạn lần bất tin… Đúng ra chú không có tiền. Mảnh đất này- chú nhìn xuống nền nhà gạch xám xỉn, bầu trời này- chú nhìn lên ánh trăng đầy tự do- là của người Việt, muốn ở đâu là quyền của người Việt.

*

*     *

Nắng mùa hè rát mặt. Chú hăm hở vào phòng chuẩn bị ướp xác. Uống một ly rượu trắng, phà hơi rượu lên hai bàn tay. Mười ngón tay xoắn nhau, khớp tay răng rắc. Chú kéo tấm vải trắng đang che phủ một xác người. Và chú sựng người, khụy xuống nền nhà. Chú lần theo mép bàn, gượng nhìn kỹ. Chú buột miệng, Thanh …em! Chiếc áo trắng của chú bệt sát lưng bởi đẫm mồ hôi. Máy lạnh chạy vù vù, chú vẫn nóng bừng bừng. Cái nóng trong tâm. Những vạt nắng lùa qua quạt thông gió trên tường, hắt lên sàn nhà những bóng nắng nhảy nhót kỳ quái. Đầu chú quay cuồng mờ mịt... Vợ của chú, người mà chú trông ngóng bao nhiêu năm nay đây ư?

Chú đã ở riết quanh xác cho đến tận đêm để truyền phóc môn, để chuyện trò cùng vợ…

“ Thanh! Hôm ấy, lên rẫy về, con chúng mình kể lại em đi Sài gòn lấy hàng. Anh tưởng rằng em đi như mọi lần. Ai ngờ đó là lần cuối anh và con ở bên em. Con cứ đứng trước thềm bậc cửa ngóng em mỗi ngày. Mẹ hứa về nhanh, sao mấy năm rồi chẳng thấy mẹ? Anh chỉ biết vỗ về con, ừ mẹ đi thêm vài năm nữa, rồi mẹ sẽ đem thật nhiều tiền về.

Ngày ấy anh bất tài thật. Nhớ ngày đầu lên núi làm rẫy, anh còn nhầm cây lúa cùng cỏ dại. Và em đã cố gắng bươn chải kiếm thêm tiền  nhưng cuộc sống của chúng ta vẫn không khá nổi. Em đòi ly thân. Anh vô hướng lần nữa. Căn nhà nhỏ tẹo nay càng nhỏ hơn. Đến bữa, hai mâm cơm riêng biệt. Em và con bên mâm có thịt. Em có tiền. Anh lủi thủi nhai sắn mà lòng ngổn ngang.

Ngày em đi, xóm giềng thuật lại, em gạt nước mắt ngoái nhìn túp lều mãi. Mấy lần em bước hụt chân. Anh biết, em còn nặng lòng với ngôi nhà, với bố con anh, nên anh đã cố làm lụng nuôi con và hi vọng suốt mấy năm trời mà em vẫn không quay lại.

Về thành phố anh làm chàng xe thồ bất đắc dĩ. Trong cõi đời này, chỉ có anh lập dị, đi xe thồ mà lẽo đẽo con phía trước. Nhiều khi cả ngày chẳng được cuốc xe. Ai cũng tưởng anh đang chở khách, chính là con. Vợ chồng mình xuất thân từ cô nhi viện. Ra đời càng lạc lõng.Em rời xa anh có lẽ anh không còn thằng Tư ngạo mạn như ngày xưa. Thời thế tạo anh hùng. Biết làm sao được.

Anh từng có giấc mơ đẹp ngày gặp lại em. Phũ phàng, anh và em hội ngộ trong phòng giải phẫu. Anh đang giải phẫu thân xác em. Ngửa mặt, anh muốn rủa đời. Hai chữ mồ côi cứ neo chặt đời anh”.

Chú Tư ôm xác vợ khóc rồi hét Thanh ơi như người điên dại. Khóc đến khi hai mắt ráo hoảnh. Hai mắt trừng tận sáng hôm sau. Một đêm dài nhất trong đời chú. Dài hơn cả đêm chú biết người vợ yêu quay lưng, bỏ lại cha con chú với núi rừng.

- Đã hai tuần trôi qua, chú vẫn giấu mọi người sao? Con sẽ giúp một tay quyết xác sự thật.

Nhiên và chú đã đi ngược thời gian. Đi từ nơi cuối cùng nhận xác-trường y, đến bệnh viện, gặp người xích lô đưa Thanh đi cấp cứu, đọc biên bản của cảnh sát điều tra, và thăm căn nhà Thanh đã ra đi vĩnh viễn.

Một villa gỗ kín cổng nổi bật trong khu phố giàu. Nhà xây bằng gỗ quí, phủ một màu đỏ sậm lạnh như màu máu khô. Nhiên cảm thấy như ngạt thở và sặc sụa trong không gian ấy. Màu sậm tàn nhẫn đang cắt phăng niềm cảm xúc. Chú Tư tặc lưỡi, thế mà Thanh đã ở đây hơn sáu năm trời. Trên tường treo la liệt các bức tranh chép lại thời Phục Hưng. Toàn tranh phụ nữ. Rải rác dăm tấm hình khỏa thân còn sót trong góc phòng. Phòng của Thanh trên lầu rõ dấu vết cửa kiếng vỡ và máu. Chủ nhân ngôi nhà đang đi xa. Chỉ có vài người giúp việc còn kiên nhẫn chờ đợi chủ. Chính họ đã giúp cảnh sát mô phỏng những gì đã xảy ra trong đêm bi thương và trước đó.

Thanh bỏ hai cha con về thành sống với người chồng thứ hai. Người chồng đang đánh gỗ tận bên Lào. Dễ chừng nữa năm mới về nhà. Những lần anh ta đi xa, Thanh gần như bị giam lỏng trên lầu một, không thể ra khỏi nhà. Ăn uống có người hầu hạ. Nàng như con chim quí run rẩy xanh xao, chỉ quanh quẩn trong lồng son. Hầu như ngắm đường phố qua cửa sổ là thú vui duy nhất của nàng. Nàng chán chường mấy trò hát hò hoặc đắm mình trong trang sách. Nảng cứ tha thẩn phòng này qua phòng khác để giết thời gian. Nàng lọt vào căn phòng chứa tất cả đồ thừa thải trong nhà. Phòng ẩm thấp tăm tối. Nàng chạy kiếm đèn cầy. Nàng háo hức trò chơi mới, tìm những gì khác lạ. Nàng đã tìm thấy một hộp gỗ nhỏ. Chiếc hộp mà nàng đã quên mất từ lâu. Trong đó chẳng có gì quí, ngoài hình người con trai. Ôm chặt hình, nàng bật khóc.

Ông xích lô nhớ rõ. Đêm ấy mưa nặng hạt to đùng. Đang lang thang kiếm khách. Tiếng nhạc AKAI nhà bên văng vẳng tuồng cải lương. “Trời mưa bong bóng phập phòng. Mẹ đi lấy chồng con ở với ai”. Ông chợt nghe tiếng xoảng cửa kính vỡ trên lầu một. Tiếng hét “giúp tôi” át hẳn mưa. Một thiếu phụ mờ ảo trong đêm đang gắng chui qua cửa sổ rồi trườn đến lan can. Ông dừng xe, cố gắng đỡ người phụ nữ. Nhưng lan can lầu một cao quá. Kiễng người trên chiếc xe xích lô, ông mới chạm chân người thiếu phụ. Họ cứ chênh vênh như thế. Ông chờ đợi nàng thả người xuống chút nữa. Mưa trơn trượt, nàng đã vuột khỏi tầm tay ông xích lô rồi nằm sõng soài trên đường. Nén chặt sợ hãi, ông chở nàng đi bệnh viện.

Gần sáng Thanh qua đời vì đa chấn thương vùng bụng, mất máu nhiều. Trước khi chết nàng có nhắc đến chú Tư và người con trai.

- Con vẫn mơ hồ tại sao thím Thanh muốn hiến xác trước khi qua đời.

- Ngày chú thím ra khỏi cô nhi viện, sơ dặn dò các con ít vướng bận gia đình nên hiến xác, làm việc nghĩa cho khoa học. Chú Tư trầm ngâm nhớ.

 

 

*

*     *

 

Nhiên ngồi thừ ngắm chú Tư. Người sắp chết, cơ mặt gần như bất động, khó kiếm nỗi nụ cười. Mới ngày nào chú vẫn ngạo mạn về gương mặt này: Nếp nhăn chỉ là ký ức những nụ cười ngạo nghễ, chứ không phải dấu vết bất lực tuổi già. Vậy mà bây giờ…

Chú Tư than đau quá. Cơn đau lan khắp người. Nhiên tiêm cho chú mũi morphin với hi vọng chú sẽ thanh thản khi ra đi. Nhưng thuốc đã mang lại một tác dụng ngoài ý muốn. Chỉ sau mấy phút, gương mặt chú Tư bất ngờ nhẹ nhõm, ánh mắt lại có thần, giọng đột nhiên trở nên mạch lạc. Chú kể cho Nhiên về vết chém trên xác vợ.

Cả đêm chú nhìn đăm đăm chai dịch truyền chứa chất phóc môn. Từng giọt hóa chất, nhỏ từng giọt theo ống nhựa len lỏi vào động mạch người chết. Đôi mắt cứ lắc lư theo nhịp dịch truyền. Mắt nổ đom đóm. Hoảng loạn. Đầu óc chú lảo đảo, lắc lư, bồng bềnh vì quá kiệt sức căng thẳng. Chân chú vấp vào giá sắt để chai dịch truyền. Giá sắt sụp, chân vướng dây truyền, chú ngã sấp lên bàn giải phẫu. Phập. Mũi dao trên tay chú đã ngập sâu vào thân xác người vợ đáng thương. Máu. Máu ứa ra trên dao. Máu thấm đôi găng tay. Hình như máu đã chảy trong tim trong não của chú.. Những giọt nắng lọt qua cửa sổ thông gió không còn nhảy nhót. Nắng ngã. Nắng quay. Rồi trượt dài bên chú. Ngồi sát góc tường lạnh, chú thở rít từng cơn như người bệnh suyễn. Con dao vẫn rung bần bật. Chú thở mạnh, dao càng rung. Nín thở, dao đứng yên. Nhéo chặt bắp tay, hồi tỉnh, nhìn xác vợ, chú càng hoa mắt. Xác người vợ hiền lật úp từ bao giờ. Con dao ngập lút trên lưng. Dăm ba phút trước xác còn ngửa kia mà. Mặt bàn xoay úp ngửa, chú đã khóa. Lẽ nào linh hồn người chết biết xấu hổ.

- Như vậy chú đã đâm. Tại sao vậy? Nhiên hỏi dồn dập. Chú đã vượt qua được hận thù sau cuộc chiến. Chú đã hòa hợp cùng cuộc sống mới. Chú làm được tất cả. Sao chú không bỏ qua cho thím? Không quên được mối hận bị vợ bỏ rơi?

- Không. Chú chỉ vấp ngã. Chú không đâm vợ. Chú vẫn thương vợ mà.

- Lúc đó chú cầm dao giải phẫu.

- Tất nhiên, giải phẫu để ướp xác. Chỉ là tai nạn con à.

- Chú đã khâu lại vết cắt trên lưng.

-Chú Tư lặng yên…gật đầu. Chú đã khâu luôn vết thương lòng.

Chú rướn mắt lên bàn thờ. Lung linh hình người vợ trẻ như đang cười với người sống. Bao năm qua căn nhà vẫn vậy. Chú muốn vậy. Dù chú dư tiền xây nhà cao tầng. Thứ tiếng Anh bị nguyền rủa sau 75 nay thành thần tài hộ mệnh của chú.Trung tâm Anh ngữ nào ở thành phố này cũng muốn có tên Tư trong danh sách giảng viên. Chú không muốn lạc lõng trong xóm nghèo. Chú mong đến ngày người vợ hiền trở về với hình ảnh chú Tư nghèo trong căn nhà cấp bốn. Chú không tin rằng thím đã xa.

- Nhiên à. Con nhìn ra sân kìa. Chú Tư đổi giọng ngọt ngào. Em đấy ư. Bao nhiêu năm rồi anh vẫn chờ em. Anh biết, mình không thể thiếu nhau. Chờ anh với. Em bay nhanh quá.

Nhiên nhìn ra sân, chẳng thấy gì. Ngoài sân nắng chiều vẫn chưa tắt. Trái lại sáng hơn ngày thường. Có lẽ những cây dầu trong hẻm đã bị hạ. Hay những cây rào chắn trong lòng chú đã không còn. Những gì chú Tư nhìn ngoài sân chỉ là ảo giác của thuốc morphin giảm đau. Ngoảnh lại. Chú đã nhắm mắt tự bao giờ. Trên miệng thoáng nụ cười “đếch cần đời”. Chắc chú đã bay xa. Để lại sáu mươi bốn năm trần ai trên dương thế.

Nhiên nhắc khéo con chú Tư.

- Giấy tờ hiến xác đầy đủ chưa con? Tối nay phụ chú giải phẫu xác ba con.

Nhiên bước ra ngoài gọi xe trường y đến đón xác.

Trên cao, trong con hẻm, mênh mang bầu trời rất xanh veo.

THÁI BẢO

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89798)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75450)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103523)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86947)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92453)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109083)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84174)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83220)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75547)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 80505)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.