- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HẢI HẠC

13 Tháng Năm 20153:53 SA(Xem: 30857)


Hai hac 1

Ông Tổ nghề

 

Đám đông đã chia thành hai phe và tranh cãi rất quyết liệt. Cuộc tranh cãi có khi đổ máu đã kéo dài suốt 40 năm. Sự tranh cãi ấy bắt đầu từ những thứ tài sản cướp được của những người chạy trốn. Đôi lúc, qua những khe cửa rất nhỏ từ xa, có những ánh mắt nhìn về phía họ mà sợ hãi. “Lạy trời, lạy thánh, cho chúng ôm hết về mà im tiếng ngay đi”. Đó là bọn đĩ điếm và quân ăn cướp. Chúng đang giành giật nhau cái bức tượng màu trắng bạch kia là ông Tổ nghề của chúng. Có ông, chúng mới mang lại cái may mắn làm nghề được. Cuộc tranh cãi không ai nhường nhịn ai, nhưng đã đến lúc phải khánh thành bức tượng cho đúng ngày lễ trọng đại của dân chúng. Vậy nên về sau, chúng đều tôn xưng cụ Tổ là Tổ chung của cả hai nghề.

 Dù sao thì điếm và ăn trộm cũng là đồng minh của nhau. Cụ Tổ sẽ bảo kê cho chúng cả. Ngày xưa, cụ đã phò trợ con cháu khai mỏ để đúc tiền, nấu nước biển làm muối đều có lợi chung cho thiên hạ. Cụ đã lập ra rất nhiều nhà thổ để chứa nhan sắc để dành đấy mà chờ lấy lãi từ sự ban ân sủng của bọn vua quan hay thương buôn. Chúng tụ họp lại mua vui thì chúng được lãi nhiều. Còn bọn người nhan sắc ấy vừa có tiền lại vừa nộp thuế làm lợi cho ngân khố chung. Còn những kẻ trộm thì dùng những bàn tay thần kỳ để khoắn sạch ngân khố ấy một cách nhanh và gọn, không để lại dấu vết. Chúng lập ra thật nhiều hội thảo để bán mua để được thật nhiều tiền thuế vào ngân khố chung. Cứ thế việc bán mua diễn ra rất sôi động, đủ các mặt hàng không sót một thứ gì: phân trẻ con, son phấn, nữ trang, vàng bạc, ngoại tệ, đất đai, huân chương huy chương, bằng cấp, và cả những chiếc bằng vàng đến ghế đã gãy. Chúng còn bày ra những phiên chợ bán cả nội tạng người sống. Chung quy là những đồng tiền ấy đã quay từng vòng tròn và rơi dần dần trong túi của bọn chúng cả, như trò xay nghiền bột ở cái cối đá. Như vậy, cụ Tổ đã mang lại nhiều phúc lành cho chúng lắm.

Bức tượng đã hoàn thiện những khâu cuối cùng khi đã tô son môi và sơn xong bộ móng tay màu đỏ choét. Sáng hôm ấy, chúng móc ông cụ vào một cái cẩu rồi đặt trên một chiếc thùng xe tải lớn. “Ông quá nặng, quả là hết sức nặng”, đám đông trầm trồ. Ông được chở đến đặt trên chiếc bệ ở một công viên rất rộng lớn. Ông đứng đấy, nét mặt rất uy nghiêm, theo cái nhìn rất uy nghiêm rất riêng của bọn chúng. Chúng không ngớt tấm tắc khen và vuốt ve:

 “ Nhìn cụ Tổ như thần Ác, rất đẹp”

“ Nhìn như đao phủ chứ, thế này mới đạt chuẩn”

“ Như thần Bạch Mi ấy nhỉ”

“ Cụ tập Gym thật là siêng năng, bắp tay kìa, cứ cuồn cuộn”

Cứ đến mồng một, ngày rằm thì bọn gái điếm thì đều lấy khăn tay lau mồ hôi lau qua mặt cụ Tổ một lượt. Rằng như vậy thì khách sẽ lưu luyến lắm. Còn bọn trộm thì thắp hương khấn vái vào những kỳ thi lên cấp. Cứ đến mỗi kỳ, chúng phải thi thố thể hiện đẳng cấp của mình. Chúng được huấn luyện ngón nghề rất công phu: hành thích (ám sát), hành tẩu (bỏ chạy), hành ẩn (ẩn trốn), hành quy (hóa thân) và hành phục (nhập vai). Luật lệ của bọn chúng rất nghiêm ngặt và phức tạp: chỉ được truyền nghề cho con cháu ruột và dâu rể trong ngày mồng một và ngày rằm. Trong lần ấy, chúng được uống tiết gà sống và theo chân sư phụ trong ngày đầu tiên. Các môn sinh phải thực hiện thành công 99 vụ trộm trót lọt thì sẽ đạt cấp “ Phong” lên một chức khác cao hơn: cấp “Hỏa”. Đạt cấp "Hỏa" xem như gã học trò được giữ chức "trợ lý ăn trộm" và có quyền lập bàn thờ tổ và nhận đệ tử. Rồi cứ thế chúng thi nhau tập luyện để đạt các cấp cao hơn: Sơn, Thủy, Thổ, Mộc. Kẻ nào kém cỏi thì bị đánh rớt cho làm ăn mày nên chúng cố tìm mọi cách để thoát thân kể cả độn thổ hay bán rẻ người thân của chúng. Tháng tư năm nay trời nắng nóng rất sớm, cảnh buôn bán vẫn rất tấp nập. Những gương mặt nhan sắc được trát phấn thật dày đon đả chào thưa. Mồ hôi chảy nhễ nhại, những khuôn mặt phấn loang lổ màu trắng đen. Mùi nước hoa, mùi người, mùi mồ hôi…quyện vào nhau làm con người ta phấn khích dữ lắm. Người ta tổ chức cả lễ diễu hành rầm rộ ngoài phố với những chiếc xe rác mang cái đầu voi làm bằng giấy bồi được phủ lên những miếng vải màu mè đỏ xanh vàng rất rực rỡ. Người ta tổ chức rước kiệu những nhan sắc của nghề điếm. Hai cô gái mặt hoa được điểm trang thật kỹ lưỡng ngồi trên những chiếc xe ấy và đi giữa phố, chúng còn được che cả lọng vàng được cắt dán tỉ mỉ của những tay hàng mã lành nghề. Ngập tiếng tung hô. Năm nay chúng ăn mừng thật lớn. Những gương mặt gân guốc với những ánh mắt như lưỡi lê cứ ngước lên trên. Súng và gươm đao phủ khắp lối ngõ. Bọn kẻ trộm với đầy đủ sắc phong được ngồi chễm chệ ở hàng ghế phía trên. Chúng tụ hội về đây rất đông. Chúng bắt tay nhau, ôm hôn thắm thiết trước ống kính truyền hình. Tình cảm hay đang dò xét ánh mắt của nhau mà tính nước giành giật những cái ghế của cụ Tổ.

 Bên dưới, đám đệ tử đang duyệt binh, chúng đi hai bước thụt lùi ba bước rất điệu nghệ. Lũ ăn mày đang lếch thếch đứng hai bên đường nhìn chúng rất thán phục.

Có rất nhiều sư phụ đã đến dự, ngực đeo đầy huân chương. Họ được ngồi ở bục bên trên dành cho những người từng mang chức sắc. Họ đã từng đã truyền nghề cho chúng nay đã giải nghệ vì tuổi gà sức yếu nhìn lũ trâu ăn phè phỡn mà ứa cả ruột gan. Chúng không hề biết chia chát mà còn vơ vét đến nỗi các cụ không có những lộc rơi lộc vãi nào cả.

 Bên dưới, đám dân đen hò reo ủng hộ rất nhiệt tình.

 Trưa, tắt nghẽn đường. Mọi thứ ùn ùn. Đói bụng. Chúng đạp lên nhau tìm đường về nhà.

Tối khuya, đám hậu duệ của chúng phóng xe bạt mạng, hoặc rung lắc trong những cái loa vặn to hết cỡ, hoặc chém nhau. Chúng đang ngáo đá.

Hàng ngày, hàng tuần, chúng lại rèn luyện và thi lên cấp. Những cuộc mua bán. Những lễ lạt. Những bức tượng. Những cái cổng chào. Những chiếc ghế. Những chiếc huân chương. Những con số. Những giải thưởng. Hoa hòe, lủng lẳng và cũng đầy phản trắc.

Bọn gái điếm lần lượt mặc vào và cởi ra những bộ váy áo liên tục trong ngày.

Bọn kẻ trộm lần lượt được sắc phong và đánh rớt. Lũ ăn mày kêu la đầy đường.

Bức tượng của cụ Tổ vẫn sừng sững vậy. Nghiêm trang. Vẫn đôi môi và bộ móng tay đỏ choét. Cụ càng ngày càng bị béo phì ra bởi con cháu cứ ép cụ phải ăn lộc liên tục. Cụ sắp đạt chuẩn của kỷ lục ghi nét thế giới.

Chúng rất tự hào. Chúng đúc tượng cụ có mặt khắp mọi nơi, trong nhà ngoài ngỏ. Thỉnh thoảng chúng lại sờ lên đầu cụ và khề khà: “ Cụ được lắm, chúng con cảm ơn công lao to lớn của cụ”.

Hải Hạc. 29.4.2015

 

Loài thú biến dị

Thời thế đã thay đổi - những con cá ngựa đang ngo ngoe trong cái chậu lớn. Chúng đang tiếc nuối về những móng vó và những bắp chân khỏe - sức dai -hí vang - phi nhanh. Tại thủ phủ ở xứ trầm hương, thành phố nằm dọc bờ biển người ta bày bán la liệt đủ mọi hình thức: sống, vừa chết còn tươi, khô và có cả dạng đã tán nghiền thành bột mịn. Ở những nhà hàng đặc sản người ta còn chưng cả loài cá ngựa chễm chệ trên danh sách thực đơn với các món chiên giòn, hấp cuộn rau sống hay chưng thuốc bắc...Bàn dân thiên hạ đã thi nhau ùa về rất đông đúc: quốc nội có, quốc ngoại có. Tất cả như đang chơi trò súc sắc cá ngựa trên cái mặt giấy nhỏ xíu. Chúng đua chen nhau về đích. Người ta đã gán cho thành phố có cái tên rất đặc biệt: " vương quốc cá ngựa". Người đua chen cùng với đủ vị của đồ ăn thức uống đầy men say mang thân xác biến dị của loài yên hùng thất thế. Nếu ai đó hỏi: " loài cá ngựa phơi khô hay còn sống thì tốt hơn?", người ta sẽ trả lời ngay lập tức: " tất nhiên là loài còn sống". Những con cá ngựa sẽ ngo ngoe như những tinh binh hùng mạnh. Chúng sẽ cho sinh ra những đứa con trai vạm vỡ, những bắp chân trùi trụi đen nhẻm như những đứa con trai của người dân xóm chài. Có những quý bà đến chợ, trên tay cầm theo một chai rượu đế hảo hạng, loại rượu đặc biệt nặng của làng Bàu Đá, bà cúi xuống cầm vợt bắt mấy cặp cá ngựa thật to, nhanh tay bắt lấy rồi thả nhanh vào chai rượu. Lũ cá ngựa ấy sẽ được uống rượu thật say mà đi vào cái chết một cách êm ái. Có ông còn máu hơn, mở cốp xe bưng ra bình rượu sung ngâm với bìm bịp và dăm bảy con tắc kè, ông vừa thả vào đó thêm mấy chục cặp hải mã - ông dặn trước chủ sạp chỉ lựa những con đực đang mang thai. Loài cá ngựa ở đây có đủ chủng loại: đầu ngắn, vằn, mõm dài, đen, gai…người ta tha hồ mà chọn lựa. Những đứa con trai từ đó sẽ được sinh ra đủ kiểu: đầu ngắn như lũ khỉ, mõm lợn dài như loài thú ăn kiến có bộ móng vuốc trước rất sắc nhọn – loài này có đôi tai vểnh lên như tai thỏ và đuôi của loài chuột khổng lồ có thân mình đầy những lớp vảy cứng, chúng mang một lớp giáp thật chắc chắn. Bọn chúng được xếp loại vào bộ thú thiếu răng, chúng nuốt chửng thức ăn rất nhanh và gọn. Điều kỳ lạ là những loài này chúng đã thay đổi khẩu vị từ khi chúng rời rừng xanh. Chúng không ăn mối mọt mà lại trở thành bạn của nhau. Cái gì chúng cũng có thể ăn được: bờ kênh, con mương, con sông, những hàng cây xanh tươi tốt, bê tông sắt thép gì cũng được chúng tiêu hóa sất. Chúng tiêu hóa cả những thi hài mang linh hồn của đất và biển. Chúng có loại ngôn ngữ rất đặc biệt: ngôn ngữ độc thoại.
- Chúng ta là loài biến dị hiếm có trên hành tinh này, để có được ngày hôm nay chúng ta đã phải đánh đổi thật nhiều thứ, chúng ta không cần tay chân và cơ bắp của loài người, chúng ta không cần trái tim của chúng, chúng ta có thể bơi để luồn lách rất nhanh, có thể tự mang thai và duy trì nòi giống– chúng nói với giọng rất tự hào.
- Thật quang vinh! – chúng tung hô – Loài chuột muôn năm ! Muôn năm!

Tiếng súc sắc của trò cá ngựa mỗi lúc một gần. Chúng reo reo. Nóng ruột.
Thực tế chúng là loài dễ bị thương tổn. Chỉ cần nghe thấy tiếng gió, chúng đã có cảm giác của sự bất an. Chúng luôn xù những lớp vảy cứng ra như loài nhím, vểnh đôi tai nghe ngóng như loài thỏ, và cái mũi luôn hít hít ngửi ngửi mọi thứ. Chúng như những con chuột chuyên nghiệp. Chúng đánh hơi và nhảy xồ tới tấp khi ai đó gọi tên thật của chúng hoặc chỉ là na ná. Chúng trấn an bằng máu, cái mùi máu của những con cá ngựa sặc rượu trong những chiếc thẩu kia.

*

Mấy chục năm sau.
Một cuộc hội thảo đã mở ra. Người ta quyết định khai quật lại hình hài của loài thú bị biến dị. Một loại gen kìa lạ được phát hiện. Ngay lập tức, chúng được đưa vào phục vụ cho một công trình nghiên cứu sinh học. Dưới kính hiển vi, những tế bào màu đỏ mang hình hài của loài cá ngựa bị đột biến gen. Chúng vẫn còn sống. Chúng đang há những cái mõm dài hít hít. Người ta đặt tên cho loài gen biến dị này là: loài sinh thể khát máu.
Xứ trầm hương vẫn đang nhộn nhịp, tiếng bán mua trả giá và từng cặp bọ ngựa được thả thẳng vào những thẩu rượu. Chúng đang có một giấc say dài để rơi vào cõi chết. Những tinh binh hùng hậu lại sinh ra những đứa con trai vạm vỡ và những bắp chân khỏe - sức dai -hí vang - phi nhanh. Chúng đang phi trong làn nước để kịp bắt lấy cái hình hài đã mất. Tiếng vó ngựa đâu đó vọng lại, tiếng răng rắc từ những chiếc nắp của những cái quan tài đang xếp hàng chờ xét nghiệm.
Kỳ lạ thật, người ta lại phát hiện chúng có những bộ xương y hệt một người đã quá cố hơn một trăm năm về trước, đặc biệt là cái hộp sọ ngắn hớt về phía sau như một loài tinh tinh. Chúng không còn nguyên trạng như trong trí nhớ hay nỗi ám ảnh kinh hoàng của rất nhiều người già còn sống kể lại.

 Hình như có tiếng súc sắc tan trong gió, tiếng ngựa từ xa vọng lại dưới lớp lá mục. Từng đụn mối ùn ùn bò ra. Lúc nhúc.

 

GIẤC NGỦ CỦA THIÊN LÔI

 

Thiên lôi đang nằm buồn bỗng nghe vọng lên từ phía trần gian nhiều tiếng xầm xì. Họ nói rỉ vào tai nhau. Ông ta bèn vận hết thần phép từ đôi tai để lắng nghe mà không thể nghe rõ được. Chả là thời gian gần đây dân chơi rượu rỉ tai nhau về công năng thần kỳ của một loại rượu có kèm "biệt dược" được gọi với cái tên rất mỹ miều ‘Tiên tửu’, nghĩa là càng uống vào càng được như tiên. Thiên lôi tò mò, một hôm cải trang thành một lão tiều phu ghé lại một buôn làng nhỏ dỏng tai nghe ngóng. Suốt một ngày mệt mỏi, lão mới biết được gốc tích của những loại biệt dược kia, đó là loại rượu ngâm cây thuốc rất đặc biệt. Đó là thần dược giảm đau và mang lại cảm giác phiêu bồng. Một điều đặc biệt là khi uống rượu này vào, con người ta thường có được thứ khoái vị như đang ở thiên đường. Tất cả như đang bay bổng, cả vũ trụ nhỏ bé nằm gọn trong đôi cánh. Chúng được bày bán khắp nơi, chỉ cần hỏi bất cứ quán ăn nào nơi đây là muốn mua bao nhiêu cũng có. Nhiều người rành rõi trong giới uống rượu cũng phải tấm tắc: “không có loại nào có thể so được với tiên tửu, chỉ có chúng mới làm mình nổi cơn điên”. Thế là rượu vào, từng cơn điên hứng chí vô cùng. Từng đám thanh niên rú xe ga lao vùn vụt giữa xa lộ, chỉ cần ai đó liếc mắt không thẳng cũng bị chúng rút dao bầu đâm xéo qua bụng lòi ruột giữa ban ngày.

“ Cho ta thử một ngụm xem sao”

Khà khà, một ngụm, hai ngụm...

“Rượu ngon, khà khà…”

Thiên Lôi nói rồi bước đi ngật ngưỡng. Lão đã uống hết sạch đến không còn đồng nào trong túi. Lão thấy mình đang bay, lão đang bay với sự nhẹ hẫng, không mất một chút sức lực để vận công cân đẩu vân.

“ Xã hội này loạn cả rồi, loạn thật rồi”- Mấy người mẹ lẩm bẩm, họ càm ràm những lời lí nhí trong miệng, họ sợ đám con trai mới lên lên của họ.

Thiên Lôi đang ngủ, lời nói của những người mẹ lọt vào tai, ông ta giật phắc dậy đi ngược hướng gió. Họ ở đâu thế nhỉ ?

“Lạy trời lạy Phật thánh có thiêng xin về chứng dám lòng thành…”, tiếng khấn rì rầm bay lên cùng với khói nhang trắng xóa. Tro bụi vàng mã bay mịt mù.

“ Một lũ u mê”. Lão sờ tay nải tìm chiếc búa, nó biến đâu mất, lão không nhớ lại được điều gì hôm qua cả. Lão đã ngủ, ngủ thật say, ai đó đã đánh cắp của lão.

“ Những cái đầu u mê, những bộ não bùn, chúng bay nhiệt thành quá vậy”, lão lẩm bẩm, một thời đại bi kịch, lão chẳng nhớ gì hôm qua. Lão chẳng biết đường nào mà lần để tìm chiếc búa. Lão thấy hình của chúng được người ta treo khắp nơi, rực đỏ. Chúng treo cao lên những nóc nhà, mái phố, hội trường, lớp học…Lão đã thấy chúng phần phật bay giữa quãng trường có ngôi mộ hình hộp, lão đã đến đấy xem, nhìn mặt gã này thật khả nghi, nhưng gã ta đã chết.

 

*

 

Sáng nay lão ghé ngang một đền thờ lớn. Người ta đi cúng lễ. Những bàn tay chắp lại lạy như bổ củi, đứng lúc nhúc đầy bên dưới sân, phía sau ồ ạt chen lấn. Tiếng kêu la oai oải. Lạ thật. Người ta lạy và khấn rì rầm. Có câu nào họ cầu chúc sức khỏe cho ơn trên đã phù hộ cho họ không nhỉ. Họ cứ lạy và cúi đầu, chẳng bao giờ ngước lên. Hình như họ sợ, đúng rồi, họ vừa ngu vừa sợ vừa ngại vừa tránh né. Ôi, trần gian mấy ngàn năm văn hiến mà như những mớ vỡ vụn và đứt gãy được các bồi sử tô chuốt đắp dựng đục đẽo ra những gương mặt đền chùa cúng vái giống nhau tới mức quái đản. Chúng đang báng bổ cội nguồn. Những vuông chữ Tàu vẽ vời trên những tấm vải đỏ đang treo khắp mặt đền. Cả những tấm vải đỏ có hình cái búa của lão, nó đang bị móc vào cái lưỡi liềm cong vòng sát khí. Hình như nó đang bị yểm bùa. Một thứ ma thuật từ máu. Lão buột miệng cười, khà khà, phen này ông mà tìm ra được chiếc búa thì chúng mày biết tay ông.

“ Này ông kia, lại đây, ở đây không có chỗ cho ăn xin nhá, ra ngoài kia đi!”, gã dẹp trật tự mặc đồng phục màu xanh bộ đội vừa nói tới tấp vừa cầm tay lão kéo ra.

Lão trố mắt nhìn hắn, mặt hắn đang phừng phừng, hình như hắn vừa được uống tiên tửu, lão nghĩ vậy. Lão nói: “nó đâu, cho tôi một ngụm, ở đây ngột ngạt bức bối quá”

“ Gì, lão nói cái gì, lão vừa xin cái gì ?”

“Ta xin rượu đấy, tiên tửu, cậu có không cho tôi xin một ngụm”, lão nhắc lại.

“Ông này điên dữ, thôi ra ngoài kia đi, tôi mà thấy ông còn léng phéng ở đây thì không xong với tôi đâu”.

Tệ thật. Giá trị ở đây đảo lộn hết cả chẳng biết đường nào mà lần. Lão đã được mấy ngàn tuổi rồi mà bị cái thằng oắt con mắng đuổi. Mắt lão mờ đi, lão thấy uất nghẹn cả cổ, lão phải tìm gấp cái búa để bay về trời.

 

Ngoài đường vẫn đang phần phật những lá cờ nhuốm màu đỏ máu. Phía Tây đang chớp giật.

Tiếng than khóc, mùi tử khí mỗi lúc một nặng nề, giăng mắc thiên la địa võng. Lão thấy vô vọng. Không ai thấy manh mối nào về chiếc búa của lão. Lão không thể về trời. Lão phải ở lại đây cho đến khi nào tìm ra nó. Lão thấy nỗi sợ hãi đang chảy rần rật trong huyết quản. Lão sợ tiếng khóc la, tiếng oán hờn của bao người khuất mặt.

 

Đùng… đùng…đoàng… phía Đông đang có chớp giật, sấm sét lại vang, chúng bủa vây tứ phía. Gió rủa. 

 

Lão chạy vòng quanh. Lão hỏi. Lão hét lên. Nó ở đâu. Bặt vô âm tín. Người ta đã cất giấu nó ở nơi nào thật bí mật. Lão chỉ thấy được âm thanh của nó với mùi tử khí bay lên nồng nặc.

Lão sà vào đám thanh niên, lão ngồi với họ, ngật ngà men tiên tửu. Phiêu diêu…phiêu diêu…lão đang bay với cả đám thanh niên ấy. Lão thấy chúng thỉnh thoảng lại vật nhau, đổ máu rồi lại cười nhe cả hàm răng màu đỏ, rồi choàng vai bá cổ nhau, những đôi mắt đỏ nhức nhối.

 

*

 

Lão trở thành gã tiều phu tử tế một cách bất đắc dĩ. Lão phải ở trọ lại chốn trần gian này để tìm cái búa, nó là vật bất ly thân, là tánh mạng của lão, hơn nữa, nó là danh dự của lão. Đêm lão ngủ một giấc say, ngày lão chăm chỉ vào rừng đốn củi. Có một thứ đã an ủi lão rất nhiều, nó làm lão đỡ sợ, đỡ đau đớn hơn cả là tiên tửu. Lão uống suốt bốn mùa, không chiều nào mà lão không uống. Mỗi lần lão ghé quán, lão lại cười: “khà khà, lão sắp được lên thiên đường đây”. Lão chủ quán lại lắc đầu cười mỉm.

Tối, lão được một giấc bay lên tiên, cảm giác lâng lâng, những cô tiên bên cung Hằng đang quây quần bên lão. Họ vuốt ve mơn trớn. Thỉnh thoảng lão đưa tay lên cao với với rồi cười khà khà. Tối nay, lão ghé ngang cổng Trời, lão không thể vào được. Lão ngó nghiêng, lừng thừng, không lẽ mình tha hương cả khi đang đứng cổng nhà của mình ư?. Lão thảng thốt, ứ nghẹn. Lão khóc. Trần gian lấm tấm mưa. Rồi ào ạt, thác lũ xoáy tràn những con mương, cuốn xô bờ kênh, nước tấp những xác người lềnh bềnh từ đại dương trở về với đất.

 

Mỗi sớm mai, lão lại bật dậy và điều đầu tiên mà lão nghĩ là về chiếc búa. Nó vẫn bặt vô âm tín.

Đùng…đùng…tiếng sấm dồn dập hơn. Mùi tử khí. Lão lại chạy vòng quanh. Lão hết hơi. Tiếng khóc ai oán vọng lại khắp nơi. Mặt lão nhăn nhúm lại, lão khóc. Trời bắt đầu đổ mưa. Thác cuộn.

Vẫn không ai lộ cho lão một manh mối về kẻ trộm. Trần gian rộng lớn nhưng lão đã đi tìm khắp hang cùng ngõ hẻm. Lão nghi lắm. Không lẽ nó đang nằm ở trong cái hộp được canh gác cẩn mật cùng với cái xác chết của gã kia. Tai lão dỏng lên. Đùng…đùng…. Âm thanh vọng ra từ hướng ấy. Gió bủa vây. Mùi cháy khét lẹt. Mùi tử khí lại bốc lên. Lão choáng.

 

Lão ân ận. Lão dằn vặt. Tại lão cả, tại lão ham vui mà ngủ quên. Lão phải trả giá, lão phải bù đắp…,lão cứ lẩm bẩm suốt ngày như vậy. Lão kiên nhẫn đợi. Lão vẫn phải là một gã tiều phu chăm chỉ và tử tế để trọ lại ở đây. Cứ đến chiều lão lại đến cùng với tiên tửu để tiễn đưa mặt trời. Dù sao ở trần gian một  năm chỉ là một ngày ở Thiên đường. Khà khà, lão lại cười, mắt rướm lệ, sẽ có một ngày ta tóm được ngươi, ngươi đừng giả chết như vậy. Mùi tiên tửu lại thơm sực nức trên mũi, lão ngửa cổ nuốt ực, đêm nay ta lại được nhìn thấy cổng nhà. Huyết quản lão lại chảy rần rật. Gió từ đâu bỗng thỏi manh, nhanh, gấp, lão dỏng tai

 

Đùng…đùng…mùi khét lẹt, mùi tử khí lại xông lên. Lão khóc. Lão lại hớt hải chạy quanh đi tìm. Trời đang đổ mưa.

 

18.4.2015. H.H

 

 

 Hải Hạc

Loài Hải Hạc được sinh ra sau một cơn đại hồng thủy. Chúng là những đứa con không hôn thú. Chúng sinh ra từ nỗi sợ hãi của mẹ Âu Cơ. Chúng bay ra từ ánh mắt thất thần của nàng – người phụ nữ xinh đẹp kiều diễm đã bị con rồng biển chín đầu phương Bắc dùng sức mạnh mà cưỡng bức. Đôi mắt đẹp của nàng lúc này đã biến thành một cái hồ, người ta gọi nó là Hồ Ma. Một cái hồ màu đỏ chết chóc nằm giữa thung lũng sâu, bao quanh là những dãy núi đen thẫm. Theo truyền thuyết, người ta nói rằng, Hồ Ma mang lại điều ác mộng cho muôn loài, nếu sinh vật nào nhìn trực diện vào nó thì ngay lập tức bị chúng biến những bộ hài cốt màu trắng bạch. Nếu ai đó lỡ cơn khát uống nhầm giọt nước mắt của Hồ Ma sẽ chỉ còn vài phút để sống, sau đó vĩnh viễn trút làn hơi tàn mà chưa kịp thấy đau đớn. Nhiều ý niệm khủng khiếp bắt đầu hình thành từ cái màu đỏ chết chóc của Hồ Ma ấy. Người ta muốn bỏ chạy mà không được, đành phải tự tử. Những thây xác vừa trút làn hơi cuối vội biến thành những hài cốt cứng như đá vôi, quắt queo cả lại trong chớp mắt. Người dân nơi đây nói với nhau rằng: “Hồ Ma đã bị một lời nguyền của loài quỹ dữ”, nếu không làm thế thì những đứa con Hải Hạc của nàng sẽ rời xa, vĩnh viễn biến mất khỏi thế giới này.

Hồ Ma là khắc tinh của muôn loài. Cứ trời chạng vạng thì nó phát ra một thứ ánh sáng ma quái, xanh nhợt nhạt cả núi rừng, mặt hồ máu thẫm đen. Các loài sinh vật bị nhòa bởi thứ ánh sáng ma quái ấy nên không tìm được lối về. Chúng vừa dừng chân lại thì ngay lập tức bị bất động và hóa đá. Những bức tượng sống của chúng la liệt khắp nơi. Tượng khi chúng vừa chợp mắt ngủ, khi chúng vừa há miệng uống nước, tượng chúng đang rỉa cánh, tượng bà mẹ đang mớm cho đứa con còn đỏ hỏn, tượng khi chúng còn nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương….Tất cả co rút lại. Méo mó. Hãi hùng. Quái dị đến mức không làm người ta sợ hãi mà làm người ta cứ nhìn trân trối cho đến chết.

Những đứa con Hải Hạc của nàng hàng ngày vẫn làm tổ trên những đụn cát chứa đầy những chước quỷ ác độc. Nàng đang cố bảo vệ chúng. Thời tiết ngày càng khô và khắc nghiệt. Hải Hạc luôn khát, khát rất nhanh, cơ thể luôn bị mất nước. Hàng ngày chúng phải sà xuống uống nước mắt của mẹ, chỉ trong chớp mắt, chúng biến thành những bức tượng hài nhi thật đau thương. Nàng khóc thật nhiều. Nước mắt nàng rơi xuống những bức tượng bằng xương khô. Chúng rã cả ra, tan rất nhanh trong đất. Hôm sau, lúc bình minh vừa dậy, lũ Hải Hạc đã lên đường đi kiếm ăn. Chúng bay đi rất xa, cả mấy trăm km về hướng Tây địa cầu. Chúng bay thành từng đàn, loài này rất thương yêu nhau, không có con nào bị bỏ rơi lại trong đói khát.

Chúng bay lên, từ trên cao, chúng nhìn thấy ở bên dưới: những hình hài bất động của đồng loại đang phơi trắng lóa quanh miệng hồ. Đường bờ vòng quanh, không có lối thoát nào cả. Chúng nhìn thẳng vào mắt của mẹ: “con mắt ấy không còn con ngươi”. Tử huyệt của mẹ đang nằm gọn trong bàn tay của con quái thú phương Bắc ấy. Chúng bất lực, khẩn cầu. Bộ lông của chúng ngày càng đỏ hồng rực rỡ, nhất là khi chúng xòe đôi cánh ra và cất lên những giai điệu mang bóng dáng của mặt trời trầm tử lúc hoàng hôn. Màu đỏ hồng của chúng tựa như loài san hô tuyệt vời từ đại dương. Khi mặt trời vừa tắt hẳn thì màu san hô đỏ ấy bị hòa tan theo những dòng cuộn trào của thủy triều đỏ - cơn cuồng thú của con rồng ác độc. Những dòng máu chảy cuộn trào dâng cao thành những cái cột lớn. Hồ Ma lúc này một màu đen thẫm. Những hình hài lại tiếp tục gieo mình xuống hồ và ở lại ở đó vĩnh viễn. Những bộ xương co rút, những bức tượng méo mó kì dị lại mọc lên. Tất cả chúng không nhớ gì về nỗi đau đớn trước khi đi vào cõi chết. Người ta bảo: “ cái chết ở đây êm ái nhất hành tinh, đó là một thiên đường của sự chết chóc”. Dưới đáy hồ vẫn cuồn cuộn những lời tung hô hả hê mừng cho những hình hài hóa thạch mới. Không một tiếng hú mang dại nào để báo hiệu cho sự chết. Mọi thứ nơi đây đều tuyệt đối diễn ra trong yên lặng, kể cả tiếng rên rỉ vì yêu thương.

Loài Hải Hạc vẫn tiếp tục sinh sôi trên những đụn cát nóng bỏng chết chóc. Chúng tiếp tục kiếm ăn, chúng có thể ăn bất cứ cái gì có thể: tảo đỏ, xác chết của loài chuột dơi, đại bàng , bồ câu hay là loài mèo chó từng rất thân thiện với chúng. Chúng vẫn uống nước mắt của mẹ ở Hồ Ma và hóa thành những bức tượng đài vĩnh cửu màu trắng bạch giữa mặt hồ màu đỏ.

17.4.2015. H.H

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 4740)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 4545)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
16 Tháng Mười 20235:20 CH(Xem: 4976)
Nắng lạc lõng nắng tàn trên hè phố / Chiều bơ vơ chiều té xuống sông / Tôi im lặng tôi ngồi nghe sóng vỗ / Đời vô thường nên có cũng như không
16 Tháng Mười 20235:01 CH(Xem: 5438)
phương đông có quê hương là mặt trời / phương tây có thành phố đầy cổ tích / gửi về nàng chìm đắm / thanh thản những đóa hoa mộc lan / thì thầm điều to nhỏ / trong khu vườn hoang dã / ngơ ngác như mây mưa…
16 Tháng Mười 20234:35 CH(Xem: 5164)
Bay đi từ cánh đồng nào thân cò của mẹ / Chắt chiu hạt gạo đồng tiền / Mười đứa con nhân lên mười lần thương khó / Một trăm ngã nhọc nhằn vạn nẻo đắng cay
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 4560)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4927)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 7141)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 6447)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4633)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi