- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NAH : TIẾNG HÁT CỦA MỘT LOÀI CHIM TUYẾT

26 Tháng Hai 20154:33 SA(Xem: 31758)

 

Noell S. Oszvald 2
Photo - Noell S. Oszvald



"Tự do bắt đầu ở nơi sự ngu dốt kết thúc".
Victor Hugo

 

Tôi nghĩ có lẽ chẳng cần viết gì về em, mà chỉ mong được cùng bạn lắng nghe tâm hồn của một thế giới tuy rất lạ nhưng tiếng nói của nó có thể chạm đến những rung động từ đáy tâm hồn chúng ta. Em gọi tên mình là Nah Chó Điên để tưởng nhớ tới một người thầy, một người bạn đã khuất. Nah có nghĩa là Không, và em bảo em đã đi hết vòng tròn của chữ không trong đạo phật rồi. Đối với tôi, em là một loài chim lạ, con chim tuyết trong bài hát Snowbird của ca nhạc sĩ xứ Quebec, Gene MacLellan. Em là lớp cỏ nằm sâu trong đất, chờ một ngày biến lớp tuyết lạnh giá kia trở thành một đồng cỏ xanh. Và con chim tuyết ấy sẽ luôn hát bài hát của chính nó – bài hát nói với chúng ta rằng hoa rồi sẽ lại nở trong mùa xuân.

 

Nah là một rapper nổi tiếng của làng rap VN, một thanh niên trẻ chưa đầy 24 tuổi. Tên đầy đủ của em là Nah Aka Nguyễn Vũ Sơn. Bài nhạc rap mới nhất của em mang đầy tính chất nổi loạn, là cách diễn đạt sự căm phẫn của một người trẻ qua văn hoá của nhạc rap. ĐMCS nhịp điệu bằng những câu văng tục, những câu chửi thề nhưng ngược lại tâm hồn của Nah thì xanh đầy ước mơ - Nah ước mong âm nhạc của em sẽ đánh thức được các bạn trẻ trong nước. Hãy nghe Nah nói với các bạn bằng thứ ngôn ngữ của riêng em:

“Tao thề với trời đất, với vũ trụ và thượng đế, nếu tao không làm được nhiệm vụ thức tỉnh giới trẻ Việt Nam, nếu tao làm sai và để đất nước của tổ tiên rơi vào tay kẻ ác, tao sẽ tự thiêu, như tất cả những người yêu nước đã từng tự thiêu. Tự thiêu vì hổ thẹn khi mình bất lực trước cái ác. Ăn chay ngồi thiền làm gì, khi thấy cuộc đời và đạo đức dân tộc mình suy tàn mà vẫn dửng dưng?”

Nah bảo rằng khi còn ở VN em luôn nhìn thấy những vấn đề nhức nhối chung quanh đời sống. Em tự nhận rằng mình là một kẻ hèn nhát! Em tức giận khi thấy công an giao thông vô cớ thổi phạt người đi đường để kiếm tiền hối lộ, rồi em tức giận khi thấy người dân đành chấp nhận số phận và cũng coi đó là một điều bình thường. Nah phản kháng bằng cách không đội mũ bảo hiểm; tuy nhiên, khi bị bắt vào đồn công an em lại vẫn phải hối lộ cho họ. Trong em luôn có sự đấu tranh, giằng co mâu thuẫn. Và sự đè nén đó có thể tìm thấy trong ngôn từ của ĐMCS:

 

“Từ ngày mai tao sẽ không đưa công lộ một cắc nào. Tao không hối lộ, tao không luồn cúi. Tao không hèn như những con cừu mày nhốt trong chuồng cũi.”

 

Nah gọi những bạn trẻ trong VN và chính bản thân em là những con zombie, những con người mà thần trí bị mê muội “cả một thế hệ bị tẩy não như những con zombie bắn vào chỉ tốn đạn.”

Trong cái thế giới im lặng cam chịu đó, những người trẻ của chúng ta bị bỏ rơi! Cha mẹ, thầy cô, học đường đã vô tình bỏ rơi cả một thế hệ thanh niên. Họ muốn tuổi trẻ nhiệt huyết cũng phải cúi đầu sống cam chịu như họ. Nah không muốn vậy, tôi chắc nhiều thanh niên cũng không muốn vậy. Và điều này đã đưa đến cái chết đau thương của một thanh niên Pháp Luân Công mà tôi sẽ nói đến sau này.

Nếu chúng ta nhìn tuổi trẻ Hồng Kông với lòng khâm phục vì cả một thế hệ có tư tưởng độc lập và tự tin thì chúng ta phải nhìn như thế nào về tuổi trẻ VN? Cho dù chưa thành công, Joshua Wong và các bạn của em đã chứng tỏ với Bắc Kinh về ước vọng dân chủ và nội lực của người dân Hồng Kông. Riêng về tuổi trẻ VN, chỉ cần xem qua cuộc phỏng vấn của BBC nhân đánh dấu 85 năm đảng CSVN lãnh đạo sẽ thấy chạnh lòng với tầng lớp thanh niên được coi là “ưu tú” của đất nước. Nhìn các em lúng túng với mớ lý luận Mác Lê đã phá sản cùng các câu trả lời thiếu tính lý luận kiểu “chỉ biết còn đảng còn mình” khiến người xem không giận mà chỉ thấy thật buồn, tiếc, và thương cảm cho một thế hệ bị bỏ rơi! Tự hỏi chúng ta có trách nhiệm gì đối với tâm hồn những người trẻ hôm nay.

Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa, điển hình như Nguyễn Doãn Kiên và một số thanh niên Pháp Luân Công. Chúng ta thấy gì phía sau kế hoạch cầm búa đến đập lăng Hồ Chí Minh của Nguyễn Doãn Kiên? Có lẽ không ai đồng tình với việc làm dại dột của các em, tuy nhiên tôi kính trọng suy tư của những người trẻ này. Nguyễn Doãn Kiên đã chia sẻ với các bạn của mình trước lúc em thực hiện kế hoạch: “Con ma lớn nhất không phải là tên đại ma đầu Hồ Chí Minh mà là sự sợ hãi trong lòng mỗi người dân Việt chúng ta.”

Đúng sáng mùng bốn Tết tức là ngày 03/02/14, bốn thanh niên Pháp Luân Công đã đến lăng Hồ Chí Minh trên hai chiếc honda và họ bị bắt ngay khi tiếp cận gần sát chân lăng. Có đến sáu người đã bị bắt trong vụ này, trong đó có hai người chụp hình và quay phim. Họ là Nguyễn Doãn Kiên, Vũ Hồng Tố, Nguyễn Văn Kiệm, Trịnh Minh Khánh, Nguyễn Văn Lượng và Phạm Văn Hảo. Không ai biết thêm gì về họ cho đến khi nghe được thông tin từ tù nhân Trương Minh Tam. Anh Tam kể rằng trong trại giam các thanh niên này đã bị đánh đập rất tàn nhẫn. Nhưng cứ sau một cú đấm đá đau điếng của quản giáo, sau mỗi lần họ ngã xuống, anh lại nghe câu: “đả đảo cộng sản” từ những thanh niên Pháp Luân Công này. Thông tin cuối cùng được biết về họ là một trong sáu thanh niên này đã tự tử và qua đời trong trại giam.

Trước hàng loạt những vô lý của xã hội, hàng loạt những đau thương như vậy, ĐMCS là thứ ngôn ngữ mà những người tuổi trẻ như Nah muốn dùng. Hơn nữa bản thân nhạc rap vốn là thể loại âm nhạc xuất thân và phát triển ở những khu tập trung của những người nghèo khổ, người da màu tại Hoa Kỳ; nơi gắn liền với nhiều tệ nạn xã hội và băng đảng. Có thể coi nhạc rap là thứ âm nhạc giúp những người sống dưới đáy xã hội dùng để tố cáo thực trạng kỳ thị, bất công đối với bản thân mình. Nếu ai đã từng coi một số video về dân oan, điển hình là đoạn mới nhất của gia đình dân oan Mai Thị Kim Hương tại chợ Tuyên Nhơn, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An thì sẽ thấy cái điệp khúc đó cũng được lập đi lập lại trong các câu nhắm vào lãnh đạo CS và lực lượng công an. Kiểu như: “ĐM mày không ra đánh lấy Hoàng Sa, Trường Sa, mày giật chén cơm của tao” hoặc “Thằng nào muốn làm liệt sỹ, nhào vô! Tao bây giờ tao điên rồi”

Đó là một gia đình dân oan gồm bốn người. Họ mất đất, mất nhà từ năm 2009, kiếm sống duy nhất bằng một chiếc xe đẩy bán nước mía. Khi công an đến giăng dây cô lập cấm buôn bán, em Nguyễn Mai Trung Tuấn 15 tuổi, đã bảo vệ mẹ và chỗ bán bằng cách tròng một sợi dây vào cổ và nói với lực lượng công an rằng: cứ giết em đi, đừng hủy hoại nguồn sống duy nhất của gia đình em. Một gã công an đã giật sợi dây trên tay em và siết cổ em đến ngất lịm. Với bằng ấy những sự uất ức, tôi nghĩ ĐMCS là tiếng nói của sự căm phẫn, là lời tố cáo thật nhất của những con người bị dồn đến chân tường.

 

Bằng một cách nhìn, cách nghĩ bộc phát, Nah và các bạn em đang thách thức thực trạng xã hội bằng những hành động có chủ đích, có ý thức và chấp nhận hy sinh. Bằng cung cách riêng, Nah và nhóm của em cũng đang làm cái việc mà nhà cách mạng Vaclav Havel gọi là “cuộc nổi loạn tuyệt vời của con cái” và chính ông đã trải nghiệm những năm tháng nổi loạn đó. Khi các sinh viên, học sinh Tiệp Khắc tham gia biểu tình trên đường phố thì cha mẹ họ vẫn còn sợ hãi. Các thanh niên này đã giúp các bậc cha mẹ vượt qua sự sợ hãi và buộc họ phải đứng về phía sự thật cùng với mình. Chính những người trẻ này đã giúp đưa đất nước Tiệp Khắc đến mùa xuân dân chủ năm 1989. Hãy nghe Nah tâm sự về những mất mát của em. Nah bảo rằng em đã đánh cược những gì mình đang có:

 

“Cha mẹ tôi đã nói trước rằng họ sẽ không còn coi tôi là con, và tôi sẽ tự cắt đứt mọi liên hệ với gia đình, nếu như tôi tiếp tục làm chính trị. Em trai tôi còn bé, không hiểu chuyện, nên hổ thẹn vì tôi. Người yêu tôi, một người đã gắn bó với tôi 6 năm, và gia đình của cô ta, cũng đã chối bỏ tôi. Nhiều bạn bè anh em thân thiết đã quay lưng với tôi…”

Và hãy đọc một đoạn thư em viết cho cha mẹ:

“Con xin lỗi bố mẹ vì đã không làm tròn được chữ hiếu, vì con mà gia đình mình phải điêu đứng. Bố mẹ sinh tồn qua chiến tranh, của cải bố mẹ khó khăn dành dụm một cách lương thiện, công ơn sinh thành và lo cho tương lai của hai anh em tụi con, nhưng rồi gia đình mình đổ vỡ hết vì những chuyện con làm. Mẹ đòi ly dị bố, bé Sao thì đòi bỏ học. Nguy hiểm luôn rình rập. Bố mẹ đã trải qua nhiều khổ đau trong quá khứ, nay đến khi đã già mà vẫn không được an vui cùng con cái. Có thể lúc này bố mẹ giận con lắm. Có thể con vẫn chỉ là thằng nhóc ngông cuồng và dại khờ. Nhưng con biết, không có tự do nào mà không phải trả giá. Con chỉ có một cuộc đời, con không thể phí hoài nó như những kẻ khác được…”

Bài hát ĐMCS ra đời cùng với thời gian mà các blogger VN đang tham gia vào phong trào “Tôi Không Thích Đảng Cộng Sản”. Có thể nói một cách nào đó bài hát này đã cổ vũ và giúp các blogger trong nước đẩy phong trào này thêm lớn mạnh. Ngoài ra nếu theo dõi sẽ thấy Nah và nhóm của em cũng giúp phân phát các đường link của tác phẩm Từ Độc Tài Đến Dân Chủ của tác giả Gene Sharp. Các hoạt động của họ chứng tỏ các bạn trẻ này đang theo đuổi phương thức Đấu Tranh Bất Bạo Động.  

Khi được hỏi về logo Zombie của nhóm, tác giả Khang Kanny Nguyễn chia sẻ rằng bức hình chỉ mang một ý nghĩa đơn giản là “Open Mind, Open Eyes”. Cũng như Nah, Kanny cho rằng những người trẻ VN hiện nay như những con zombie đang không còn là mình. Và Zombie Nguyễn là thông điệp - Hãy mở mắt, thông não, nhìn cho rõ sự việc và lên đường đi tìm lại chính mình. Ngày VN thật sự dân chủ là ngày cả dân tộc, cả thế hệ trẻ không còn là những con zombie nữa.

Nah và cả nhóm cho rằng mọi thay đổi chính trị đều xuất phát từ thay đổi trong nhận thức, em bảo: “Nếu người da đen dùng nhạc rap để đòi quyền bình đẳng chủng tộc, thì tôi xin mượn nhạc rap của các bạn để đấu tranh phi bạo lực đòi nhân quyền cho dân tộc Việt Nam”.

Xin cám ơn Nah và nhạc rap. Cám ơn tiếng hát của loài chim tuyết. Mặc dù tôi chưa quen được với cách diễn đạt của các em, nhưng xin nghiêng mình trước những nỗ lực và hy sinh của các bạn trẻ. Hãy luôn hát bài hát của chính em. Bài hát đã cho chúng tôi một niềm tin - hoa rồi sẽ lại nở khi mùa xuân đến.

 
NGUYỆT QUỲNH

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 97372)
H ơi cay của rượu lan dần cổ họng chạy dọc thân thể. Cảm giác đầu lưỡi ngọt dư vị rượu trắng không pha như hôn nhân không giá thú, biết nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân. Lâu dần cô ghiền cái hơi của gã, không thể sống thiếu gã. Cô thấy mình bị một sợi dây vô hình thít chặt ngang cổ, càng quẫy đạp càng riết chặt hơn, cô kêu cứu nhưng chẳng ai nghe được bởi gã đã ăn mất lưỡi của cô sau từng muỗng hôn ngọt ngào, gằn xé lẫn khinh bỉ.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 92880)
T rịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Hiện định cư tại bang California, Hoa Kì.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91538)
T răng non mới chớm lưỡi liềm, nhưng sao tôi nhức nhối lạ thường. Nhức từ bên trong, và cảm thấy cô đơn như chưa từng. Nấm mộ nhà thơ nhô lên, dưới ba thước đất là một nắm xương khô. Nhưng trên mặt đất này, thơ ông vẫn toả sáng những dòng đối chọi lại bệnh tật tàn khốc của ông bằng những niềm hạnh phúc hầu như không tưởng. Nhìn ra xa, biển tít tắp lấp lánh như dát gương. Dăm cánh buồm trắng những con thuyền câu về muộn nhấp nhô ẩn hiện.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 99892)
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.
25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106655)
... T ôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi...
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91917)
“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn ... . " (Trần Mạnh Hảo)
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106069)
LTS : Nguyễn Thi Quyên, hiện là Nghiên cứu sinh ngành Văn học so sánh tại Đại học Strasbourg, Cộng Hòa Pháp. Câu chuyện về Trương Chi đã được tác giả viết trong một đêm mưa như gửi tiếng lòng về với quê hương xa xôi.Tạp chí Hợp Lưu trân trọng giới thiệu “Trương Chi” đến cùng quí độc giả và văn hữu khắp nơi. Tạp Chí Hợp Lưu
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105635)
P l ease help us to secure the immediate and unconditional release of Viet Khang
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 127615)
l à ngày em không còn nghĩ về anh nữa sự tự tin của anh không đủ giữ gìn những kí ức về nhau
18 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 41528)
Lời toà soạn: Mùa thu năm rồi, dưới sự bảo trợ của chương trình học bổng Fulbright của Hoa Kỳ,Giáo sư Tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP-HCM/Sàigòn, đã có mặt tại Hoa Kỳ để thu thập chất liệu cho dự án nghiên cứu về các nhà văn nữ Việt tại hải ngoại. Trong dịp này, chị đã có dịp tiếp xúc với nhà văn/nhà báo Trùng Dương, cũng là một thành viên Fulbright của niên khoá 1990-91, và là một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của nền văn học Miền Nam 1954-1975. Sau đây là cuộc nói chuyện giữa hai thế hệ văn học từ hai môi trường khác biệt, mà nhà văn Trùng Dương đã, với sự đồng ý của người phỏng vấn, dành cho tạp chí Hợp Lưu ...