- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Như Một Giấc Mơ Dài

10 Tháng Mười Hai 20141:48 SA(Xem: 32328)



buu y 2

Bửu Ý ký tặng sách cho Đinh Cường, Lữ Quỳnh.


huế chiều chạng vạng hàng me

ý ơi bạn vẫn mùng che giấc sầu

Đinh Cường

 

Khoảng mùa hè năm 1985, Bửu Ý vào chơi Sài Gòn. Ở thành phố này, thời gian của anh thường dành cho, quanh quẩn, với những người bạn thân Đinh Cường, La Quang Thanh, Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Văn… Trong một lần ngồi với nhau, uống rượu, nói nhiều chuyện lan man từ trưa đến chiều, bỗng câu chuyện bất ngờ chuyển đề tài về vợ con. Một bạn nói, Bửu Ý lần này trở về Huế nên tính chuyện cưới vợ đi. Anh em cười hưởng ứng, trong khi Bửu Ý nói chậm rãi, không đâu, moa cũng như Sơn, không có tính gì chuyện vợ con đâu. Cuộc rượu vui vẻ khép lại trong không khí tình thân, ấm áp.

Tuần sau Bửu Ý về Huế, và chỉ hơn một tuần sau nữa, thì có tin nhắn của anh cho Trịnh Công Sơn, moa quyết định cưới vợ; và ngày làm đám cưới cũng cận kề. Thế là anh em ở Sài Gòn, vừa rất vui và cũng vừa lo sốt vó. Lữ Quỳnh lấy chiếc PC của Sơn chạy thông báo bạn bè, còn nhớ trong số đó có anh Đăng Ngọc Hồ và Hồ Đăng Lễ. Anh Hồ đang khám bệnh ở phòng mạch, còn anh Lễ đang ngồi uống bia với các bạn ở gần nhà.

Sau này nghe kể lại, đám cưới của Bửu Ý ở Huế đẹp lắm. Cô dâu không lạ với các bạn. Chị Lợi làm việc văn phòng trường đại học Sư Phạm. Chị rất thân thiện với bạn bè của anh. Các cháu Mưa và Tây lần lược chào đời.  Cháu gái đầu lòng lớn lên rất xinh đẹp và giống mẹ, cháu học giỏi, tốt nghiệp ban Pháp văn, du học Pháp. Hiện nay là giáo sư Pháp văn, theo nghiệp cha ở trường đại học Huế. Tây, cháu trai thứ hai, cũng giỏi dang, tốt nghiệp trường Mỹ Thuật, có nhiều tranh, cháu sinh năm 1988, sau khi Bửu Ý đi giảng dạy ở Pháp về.

Có thể nói gia đình anh Bửu Ý rất đẹp, đầm ấm, hạnh phúc vô cùng. Cho đến một ngày trong năm 2005, tôi choáng váng nhận tin chị Lợi mất vì ung thư. Tôi phone, email chia buồn với anh. Lần về thăm nhà sau đó, tôi ra Huế thắp hương cho chị và ngồi nghe anh kể chuyện. Thật buồn.

Với Bửu Ý, cũng như Đinh Cường, Trịnh Công Sơn là những người bạn lớn, người anh cả của gia đình tôi. Các anh đã san sẻ những khó khăn của tôi, đã tham dự vào sinh hoạt nghèo khó, buồn vui của tôi và các cháu. Qua các anh dường như tôi đã trưởng thành hơn, biết sống từ bi và độ lượng hơn. Không thể quên những lúc nửa đêm Trinh Công Sơn lên đập tay vào cánh cỗng bằng tôn ở căn phòng tôi thuê, thức tôi dậy, bắc hai chiếc ghế đẩu nhỏ, ngồi dưới mái hiên lạnh lẽo để uống với nhau những ly vodka, mà đôi khi chẳng nói với nhau lời nào. Tôi vẫn không quên một buổi chiều mùa đông cuối năm 1976 ở thành nội Huế, Đinh Cường đi bộ đem qua cho cháu BêLa bấy giờ vừa tròn tuổi, nửa chiếc bánh ga-tô lớn, nói, nhà làm có một chiếc bánh, chia hai, một nửa biếu người lớn tuổi nhất là ông cụ của Võ Đình và người nhỏ tuổi nhất là cháu BêLa đây. Tôi quá xúc động và nhớ mãi.

Rồi còn biết bao kỷ niệm buồn vui với các bạn Định Giang, Bửu Chỉ, Tôn Thất Văn…

buu y-1

NĐThuần, ĐCường, Bửu Ý, Lữ Quỳnh, Siphani.

Bửu Ý có một thời làm thư ký toà soạn báo Mai, ở Sàigòn, hình như năm 1963. Anh sáng tác Kịch, viết khảo luận, viết tạp văn. Anh dịch nhiều sách , có những cuốn mà sau 1985, khi liên kết với nhà xuất bản Văn Nghệ, tôi đã xin phép tái bản như Vườn Đá Tảng của Nikos Kazantzaki, Con Lừa Và Tôi của Juan Ramon Jimenez… Nhưng chỉ được in cuốn Con Lừa Và Tôi.

Tháng 11 năm 2013, tôi về thăm nhà, theo Đinh Cường ra Huế dự triển lãm tranh của anh bày ở căn hộ nhà cũ của Trịnh Công Sơn, nay là Gác Trịnh, nơi lưu niệm một số di vật và hình ảnh của anh. Thật vui lần này có Siphani ở Pháp về, có họa sĩ Nguyễn Đình Thuần từ California, có Ban Mai ở Quy Nhơn ra.

Thật cảm động trong bữa tiệc tối trên sân thượng Câu Lạc Bộ thể thao, Bửu Ý đã đứng dậy, trịnh trọng nói lời chào mừng họa sĩ Đinh Cường và các bạn ở xa về đây. Anh lo tuổi tác và sức khỏe của anh em, không biết có còn được gặp lại nhau như thế này một lần nữa trong thời gian tới? Tối hôm đó có các anh Dương Đình Châu, Nguyễn Hữu Châu Phan, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An, Bửu Nam... Đêm xuống, Huế se lạnh. Bỗng Bửu Ý gọi với, vì tôi ngồi ở cuối bàn: Lữ Quỳnh hãy quay lưng lại, nhìn dòng sông…Tôi nghe lời anh và nhìn ra cả một dòng sông lấp lánh ánh đèn thật thơ mộng, nhìn một lần để rồi nhớ mãi. Thì ra anh không bỏ sót một điều gì để tặng bạn mình.

Bây giờ cách nhau nửa vòng trái đất ở xa anh, tôi và Đinh Cường (cũng không gần gũi gì, phải mất sáu giờ bay nếu muốn gặp mặt) luôn nghĩ đến anh. Vẫn mong có dịp về lại Huế, về lại con đường Hàng Me, nay có nhà hàng Gecko của các cháu.  Rất vui thấy anh an bình ngồi giữa các bạn ở chiếc bàn cuối quán. Một Bửu Ý không bao giờ thấy thay đổi, một Bửu Ý nhìn vào để kính trọng và tin cậy trao đổi, học hỏi.

San Jose đang mùa đông, suốt tuần qua mưa nhiều và tầng mây thấp. Sáng nay trời ửng nắng, ngồi viết những giòng này, để kịp gửi về cho Quán Văn. Có cháu Hải qua, vội nhờ scan mấy tấm hình của bác Bửu Ý.  

Anh Ý ơi, hãy giữ sức khỏe. Anh bây giờ có nhiều niềm vui hơn, vì vừa có cháu ngoại kháu khỉnh,bên cạnh vợ chồng Mưa tài năng và Tây nghệ sĩ. Nghĩ về anh, đôi khi Quỳnh liên tưởng đến một giấc mơ dài, một giấc mơ êm đềm, hiền hậu, ấm áp. Quỳnh vẫn thường có những giấc mơ, mà lạ thay, những giấc mơ kỳ diệu, luôn lặp lại nhiều lần. Trong đó quanh quẩn, vẫn là hình bóng bạn bè, để lúc tỉnh ra bao giờ cũng cảm thấy nuối tiếc và yêu mến nhẹ nhàng đời sống hơn.

 

San Jose, December 8- 2014

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Hai 20156:51 SA(Xem: 29133)
Tết thường được nhắc đến với những món ăn đặc trưng “thịt mỡ dưa hành,” và những mùi hương gây nhớ “thoảng mùi khói pháo thoảng mùi nhang.” Nhưng mỗi đứa trẻ mang theo nó một món ăn một hình ảnh một mùi hương riêng, không hẳn giống như những gì chúng ta thường gợi nhắc.
18 Tháng Hai 20155:56 SA(Xem: 31325)
Nguyễn Hữu Sinh- hay người Lâm Di vẫn gọi là Má Giám Sinh. Má chứ không phải Mã như trong Kiều của cụ Tố Như. Là vì, khi đẻ ra má Sinh đã có một mảng chàm, chiếm đến hai phần ba má phải.
17 Tháng Hai 20153:10 SA(Xem: 29943)
Năm Mùi lại sắp đến và ta thường hỏi là tại sao tên gọi là Mùi, không là dê, dương hay vị ...? Phần này đưa ra vài cách nhìn hầu giải thích phần nào các lý do dẫn đến hiện tượng trên.
09 Tháng Hai 20152:59 SA(Xem: 32672)
Tôi gặp anh Nguyễn Trọng Hiền vào một dịp đi thăm một trại trồng cranberry ở New Jersey để xem người ta gặt cranberry ra sao, do một người bạn tổ chức vào một cuối tuần đầu tháng 10 nhân chuyến tôi đi thăm Miền Đông giữa thu vừa qua.
06 Tháng Hai 20152:57 SA(Xem: 35553)
để bắt đầu một buổi sáng như thông lệ nhiều cánh cửa mở trên đôi chân tất tả và khép lại không có chỗ cho sương mù thảnh thơi
05 Tháng Hai 20152:57 SA(Xem: 37953)
Quang Trung Nguyễn Huệ (1752-1792) và nhà Tây Sơn (1778-1802) là một thí dụ tiêu biều của lối viết sử một chiều trong khối sử văn cổ điển. Các tác giả thường chọn một phe để tái dựng giai đoạn lịch sử này, chẳng hạn, như “sử mệnh cách mạng của thợ thuyền đồng ruộng hay nông dân,” từng được Karl Marx thời trẻ gọi là”bị khoai của cách mạng vô sản [bag of potatoes].”
28 Tháng Giêng 20151:28 SA(Xem: 32439)
Anh G thân mến, Gửi bài cho anh về hội họa để cho vào Văn Học số sau, chẳng nhớ tôi có nói gì về hai cái truyện ngắn của Mai Kim Ngọc và Vũ Quỳnh Hương không? Hai truyện của Thế Giang quả là đặc biệt. Nhưng tôi nghĩ “khám phá” lớn kỳ này của Văn Học là MKN và VQH. Rất khó tin rằng đó là hai cây bút mới. “Mới” từ lúc nào?
28 Tháng Giêng 20151:21 SA(Xem: 32541)
Vòng vèo từng sợi mây trời Vẽ chi đậm nhạt ngôn lời đong đưa Em ngồi vẫy tóc nắng mưa Sầu hai giếng mắt dây dưa những gì Hay là mộng mị li ti Bồng bềnh biển gió trôi về ngàn phương.
27 Tháng Giêng 20159:03 CH(Xem: 33852)
Có người chỉ đọc vì mê cái bìa sách đẹp. Có người đọc vì thích sưu tập sách. Hảy tìm người đàn ông biết đọc mình, từ trang đầu tới trang cuối...
26 Tháng Giêng 20153:30 SA(Xem: 33635)
Nơi có những buổi sáng vàng nắng lung linh Em chạy đuổi tuổi mình Mãi miết Phía bên kia bờ phù du Có gì là bất diệt? Hay chỉ là nắng vàng ngập trong từng buổi mai lên?