- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Người Đàn Bà Phía Bên Này Doi Đất

11 Tháng Mười Một 20143:00 SA(Xem: 31808)
ChauDoc-AnGiang-VN-nhn
Châu Đốc- An Giang- ảnh Nguyễn Hoàng Nam



K
hi cô mở mắt ra, đã thấy con thuyền chỏng chơ cập sát vào sàn nước nhà mình. 
Lặng không một chớm chòng chành. 
Nước mắt cô ứa ra từng giọt nặng chĩu. Doi đất phía bên kia chỉ còn là một vệt mờ mờ phủ trong màu xanh dừa nước và bần Đước.
Đã hết thật rồi.

*

Lần mở mắt thứ nhất là bầu trời xanh trong chói chang trên mặt sàn nước.
Ngày cô mới chào đời, mẹ của cô, theo tục lệ, đã vội ẵm cô trong bọc khăn rằn nhàu nhò ra chào sàn nước. Một dòng sông in bóng bầu trời xanh mênh mang mở ra trong con mắt ký ức của tuổi thơ. 
Tuổi thơ mênh mang ngập tràn nước.
Và từ đó trở đi, cuộc đời của cô gắn liền với sàn nước. Như cuộc đời của ngoại, của mẹ, của Gái chị, Gái em, Gái lớn và cô, Gái nhỏ rồi sẽ cắm xuống mặt sông, cột vào chân sàn nước của người đàn ông đã chọn mình.
Cũng như bao nhiêu làng xóm ven sông khác, nhà mẹ cô nằm vắt vẻo bên bờ sông, con sông chạy ngoằn ngoèo theo đường lộ cái. Con sông bao đời thân thuộc hơn con đường. Cái sàn nước, nhà nào cũng làm chồm ra mặt sông trở thành cái bộ mặt xanh mướt của mỗi nhà. 
Bước chân chập chững tập đi của cô chỉ loanh quanh nơi sàn nước, nơi mẹ cô ngồi lui cui, lưng còng, vai gầy cắm đầu xuống mặt sông vò tay đám áo quần cứng còng nhiễm phèn của cả nhà. Rồi Gái chị, Gái em, Gái lớn lần lượt giã từ sàn nước nhà mẹ từng chiều muộn tắt nắng với rất nhiều bịn rịn, lưu luyến rời sàn nước thân quen từ nhỏ để đến cột cuộc đời mình vào sàn nước nhà người đàn ông xa lạ nào đó.
Cuộc đời một người đàn bà chỉ tính bằng chiều dài cái sàn nước.
Một chiều mẹ ôm chặt cô vào lòng, mùi trầu, mùi dầu tràm quyện với mùi lục bình, mùi rong rêu quấn quanh chân cột sàn nước, cái mùi theo cô mãi những ngày đêm xa nhà trắc trở sau này, thành một mớ ký ức chòng chành và sóng sánh không ngừng:
- Cả đời mẹ đã cột chặt vào cái sàn nước này. Con phải đi xa khỏi cái sàn nước mới khá lên được
Bóng mẹ đổ dài qua bóng sàn, trượt xuống mặt sông, vỡ ra thành những vệt dài. Cái vệt dài mong nhớ đó đi theo cô hết phần đời còn lại.

Lần mở mắt thứ hai, là bầu trời xanh chao nghiêng hắt lên từ một lòng sông lạ.
Cô không còn nhớ nổi vì sao mình nằm chỏng chơ dưới lòng con thuyền này, neo cột vào một bến sông lạ. Chồm ra giữa mặt sông như một doi đất cô độc bị đánh rơi trên đường con sông vùng chạy ra biển. Đêm trước, cô còn nép trong vách phên lát tường hăng mùi trầu và áo quần con nít cũ của nhà mình. Đêm sau cô đã nằm ngửa trong lòng thuyền, mái tóc con gái 17 tuổi xổ tung lênh láng trăng muộn.

Đêm đó trăng 17, cô còn nhớ, và mùi người đàn ông xa lạ đó, mùi rượu nồng nặc, mùi áo quần bắt nắng khê nồng, mùi tanh của bùn đất dưới thân ghe… Tất cả ập vào cô cùng một lúc, cùng một câu nói qua kẽ răng, như nhát rựa chém vào cột sàn:
- Cô về đây là để trừ nợ, chẳng phải vợ chồng gì! Hiểu chưa?
Và từ đó đời cô bắt đầu tập quen với những chòng chành sóng sánh va lắc mới ở bên này doi đất.
Người đàn ông cô gọi là chồng, chưa bao giờ biết tên thật của cô. Trong cơn say bí tỉ mềm mụp mỗi khuya anh gọi cô bằng tất cả những cái tên anh học được từ những quán nhậu kiêm tiệm karaoke mọc lên chi chít như nấm đầu mùa mưa trong thị xã:
- Hồng, Cúc, Hoa, Diễm, Đẹp…
Cô chấp nhận những cái tên xa lạ đó, cảm thấy mình được an toàn trong vỏ bọc của những cái tên lạ. Miễn là anh không chạm được vào con bé Gái nhỏ, ẩn núp sâu trong tim cô, thắt thỏm run rẩy trong cái kẹp ba lá, áo bà ba vá, cặp nách hai bẹ chuối cây, bập bềnh theo trái dừa khô thả nổi đập chân bành bạch quẩn quanh bên sàn nước nhà mẹ. Miễn là anh để yên cho con bé Gái nhỏ ngủ yên trong vùng ký ức ngọt ngào của tuổi thơ. Và những xúc cảm, những rung động, yêu thương âu yếm cũng ngủ yên sâu trong tim cô, như con bé ấy.

Con sông cắt hai doi đất bằng dòng chảy sâu và xiết của con nước lớn lúc nào cũng đầy ăm ắp nên hai doi đất nhô ra giữa sông, nhìn từ xa như chạm mũi vào nhau, đến gần mới thấy từ mũi này qua mũi kia phải mất hết mấy tiếng đồng hồ tay chèo khỏe.

Bên này doi đất bồi, bên kia doi đất lở. Dần dần doi đất bên này nhà cửa lấp đầy vội vã, xiên xẹo, chạy theo mép nước. Những người đàn bà hàng xóm lạ, sau một đêm giở liếp cửa ngượng nghịu nhìn nhau chào, khóe mắt nhăn chĩu chịt chân chim, trên gò má lốm đốm tàn nhang và những vết bầm tím. 

Doi đất bên kia vẫn xanh rậm rịt bần đước, dừa nước chen chúc và những câu chuyện hoang đường về vùng nước xoáy dìm chết thuyền bè mon men lại gần bờ.

Mặt trời mọc lên từ doi đất bên này và lặn ở doi đất bên kia. 

Mỗi chiều, từ doi đất bên này, khói bếp trấu, bếp rơm thơm len lỏi rập rềnh trên sàn nước, mùi cơm gạo mới, mùi rau cỏ tập tàng vườn nhà, mùi cá sông tép đồng, mắm nẫu dìu dịu ngây ngây giục những người đàn ông nhanh tay neo ghe vào chân sàn, khoát nước sông rửa vội tay chân, tiện tay ngắt ngang trái ớt xanh trong bụi ớt rung rinh đầu sàn. Rồi khoan khoái ngồi khoanh chân chữ ngũ, cầm đôi đũa tre xới vội bát cơm dẻo thơm hạt gạo mới, cắn một đuôi ớt non, quẹt một miếng nước mắm nhĩ, hít hà như đang lùa cả hương đất trời Nam bộ vào lòng.
Mỗi chiều, cô ngồi lặng bên sàn nước nhà mình nhìn doi đất bên kia chìm trong màu vàng lung linh kỳ ảo, thứ ánh sáng hắt lên và khuếch tán rực rỡ từ lòng sông trong vắt. 
Một chiều như vậy, khi người đàn ông của cô đi lưới cá muộn chưa về, cô cao hứng nhảy ào xuống chân sàn tắm vội. Cảm giác bập bềnh theo trái dừa khô thả nổi, đập chân bành bạch quẩn quanh chân sàn nước nhà mẹ rưng rưng trở về. Từ đâu xa trên mặt sóng dập dềnh văng vẳng tiếng gọi thì thào:
- Gái nhỏ à, Gái nhỏ…
Cô rùng mình, ngưng tay khỏa nước, quay mặt nhìn về doi đất phía bên kia. Từ sát mép nước, bóng một người đàn ông đứng ngược sáng, ánh nắng cuối ngày dát một màu óng ánh như bụi vàng quanh thân hình rắn rỏi sừng sững.
Cô giật mình, leo hẳn lên trên mặt sàn nước, ngồi cúi người hong khô mái tóc ướt. Nhưng cảm giác từng vùng da thịt hằn lên dưới tà áo bà ba nóng bỏng trong tia mắt săm soi sờ sững của người đàn ông làm cô vừa bối rối vừa ngộp thở, cảm giác bồi hồi, hối hả cô chưa từng có với chồng. Bên kia sông, từng hồi âm thanh xao xuyến vẫn lan đi không ngừng:
- Gái nhỏ à, Gái nhỏ…
Và cô cứ ngồi như vậy, co người lại, mắt nhìn sững vào doi đất bên kia, nơi người đàn ông trong ngược bóng chiều tà cũng đăm đăm cắm tia nhìn vào cô, không rời. 
Cho đến khi bóng tối sụp xuống. Che phủ mọi thứ.
Cô lết thết, thờ thẫn bước vào nhà, thổi bùng bếp trấu, khơi lại ngọn đèn dầu tù mù trên bàn thờ. 
- Cô xoay bức hình của bả vào trong tường giùm tui!
Giọng của chồng cất lên đục ngầu, đột ngột từ sau lưng làm cô giật nảy mình. Cô biết anh đã say mềm. Bao giờ cũng vậy, khi say mềm về, anh sẽ úp tấm hình má chồng trên bàn thờ vào tường. Anh vừa sợ vừa căm ghét đôi mắt sáng quắc nhưng thê thiết của bà.
Anh ngồi bó gối một góc nhà, cười gằn với cô:
- Bà ấy có gì mà tiếc nữa. Đáng lẽ bà ấy không có chỗ trên bàn thờ. Tía tui còn thì không đời nào có chuyện đó đâu. 
Anh lôi tay cô ra, chỉ vào vết chém mờ mờ trên chân cột sàn.
- Đây nè, đây là chỗ tía cột bả lại, để coi bả còn dám bỏ nhà đi theo thằng kia không! 
Và sau đó cười gằn thêm vài hơi nữa:
- Cái vệt máu này, cái vệt máu khô trên mặt sàn này. Đêm đó bả tự mình tháo dây chèo xuồng đi, tui gọi “tía ơi, má bỏ đi kìa tía”. Lúc đó tui mới có 10 tuổi, một thằng con nít 10 tuổi, biết làm gì khi mẹ mình bỏ mình mà đi! Tía tui trở cán rựa, chặt đứt sợi dây xuồng, tui thề là ổng chỉ chặt đứt sợi dây xuồng….
Rồi anh cất giọng cười u u thê lương, nghe nổi da gà hơn tiếng khóc.
Vệt máu ấy, có ngày cô thấy rõ, có ngày không. Nhất là những ngày mưa, nước nhỏ ròng ròng từ mặt sàn xuống mặt sông cũng thẫm một màu nâu đỏ như máu ứa. 
Nhất là những ngày mưa, đôi mắt má chồng từ bức hình chân dung nhìn xuyên qua anh, qua cô, qua căn nhà trống ra mặt sông khắc khoải như sắp bước xuống chạy xấp xãi đi. Những lúc như vậy, cô cũng chịu không nổi, và phải lật đật úp mặt bà vào tường.
**
Chiều nay nữa, chiều rất muộn, chồng cô vẫn chưa về.
Cô ngồi trầm mình trong nắng chiều rớt, nhìn đăm đắm về doi đất phía bên kia. Người đàn ông vẫn đứng đó, im phăng phắc. Chợt xuyên qua khoảng cách của chiều dài lòng sông, cô thấy cánh tay anh đưa lên vây vẫy, mơ hồ nhưng quả quyết, đôi môi mấp máy không rõ lời. Từ trong vô thanh, cô nghe đầu óc mình ong ong đồng vọng và tim nhói buốt đau đớn :
- Anh chờ em, lâu lắm rồi. Anh sẽ chờ.
Cô quay phắt người, đi vào nhà. Đôi mắt đau đáu vẫn dính theo vào người cô, khắp người cô nhức nhối như bị ai đánh đập. Và kiệt sức.
Chiều sau, chiều sau nữa, mỗi chiều muộn, cô giấu mình sau liếp cửa, mắt nhìn qua bên kia doi đất. Người đàn ông vẫn đứng đó, sát mép nước, nhưng khuôn mặt sầu muộn, đầu cúi xuống, tất cả nét u buồn tan chảy đều rõ ràng chói lọi trong nắng quái ủ rũ cuối ngày. Cô úp mặt vào tay, nước mắt ràn rụa. Trái tim nhói lên từng hồi như có ai xiết chặt, rồi buông ra, rồi lại xiết chặt.

Chồng cô lảo đảo bước vào nhà, say mèm, nằm vật ra tấm phản gỗ, miệng không ngớt lẩm bẩm:
- Hồng, Cúc, Diễm, Hoa…
Cô bậm môi, cầm lấy cái mái chèo, hai chân lật đật như quấn vào nhau xiên xẹo bước ra đến cửa. Đi ngang bàn thờ, đôi mắt của má chồng nhìn theo cô hun hút, nửa bồn chồn, nửa ẩn ức. Cô lập cập lật bức hình xoay vào tường, rồi đi như chạy ra phía sàn nước.

Một cơn mưa rào ào ào trút xuống, hai hàm răng của cô đập vào nhau lẩy bẩy, nước tuôn chảy từ mặt sàn xuống lòng thuyền đùng đục màu nâu đỏ như màu máu khô.
Cô rùng mình, vừa vì lạnh, vừa vì sợ hãi, nước quất vào mặt cô ràn rạt, lòng sông nổi sóng ùng ục trong cơn giông gió. Sức mạnh của tuổi 20 và tiếng gọi không ngừng từ bên kia doi đất đẩy cô bươn bải như cái máy chèo về phía trước. Doi đất bên kia từ từ hiện ra sau màn mưa, chơm chởm rễ bần đước và dừa nước ken dày, dưới sát mép nước, người đàn ông vẫn đứng, cơ ngực nổi vồng, mắt nhìn trân trân về phía trước. 
Sóng từ bờ xô đẩy cô như điên cuồng về phía giữa sông, trong khi gió trên đầu ràn rạt hắt cô về phía ngược lại, chiếc thuyền mỏng manh quay vòng vòng, mất phương hướng. Một màn nước từ trên cao úp chụp xuống, trời đất quanh cô tối sầm lại.
Khi cô tỉnh dậy, trước mắt cô là bầu trời màu vàng trong vắt, sau đó đến khuôn mặt trầm ngâm cúi xuống bên cô và tiếng gọi thì thào:
- Em đã tỉnh rồi à?
Cô òa khóc, thì ra người đàn ông đó, cô đang ở trong vòng tay của người đàn ông đó, người đàn ông mỗi chiều làm từng thớ thịt trong người cô run rẩy, khao khát và chờ đợi. Cô nhắm nghiền mắt, hít sâu mùi da thịt trộn lẫn bùn đất, cây cỏ, mùi sình và mùi gió sông lồng lộng khoáng đạt thanh thản. Khi cô mở mắt ra, người đàn ông vẫn cúi xuống bên cô, gần hơn, gần hơn nữa. 
- Có phải em từ doi đất bên kia qua? Người em có mùi khói bếp, mùi rơm rạ. Mùi trẻ con.
Cô rùng mình, thảng thốt. Người đàn ông này bị mù. Thay vì đôi mắt, chỉ là một khoảng không trống rỗng, đục ngầu.
Cô vùng dậy rời khỏi tay người đàn ông. Khuôn mặt ông cau lại, trong một thoáng.
- Em nên trở về đi, trước khi trời sụp tối. Không có em, bên ấy không có mùi khói bếp. Chiều nào tôi cũng nương theo hướng gió để nghe mùi khói bếp bay về. 
- Còn cơn mưa? – cô lẩm bẩm.
- Không có cơn mưa nào. Đừng lo, tôi sẽ đưa em về!
Cô rời tay người đàn ông, tập tễnh đi về phía chiếc xuồng của mình. Trời hanh khô và trong veo, từ bờ bên này nhìn thấy rõ sàn nước nhà cô nhuộm vàng trong nắng chiều và bóng chồng cô lờ mờ nằm vắt ngang chiếc phản gỗ mệt nhọc.
- Tôi tự đến, tôi sẽ tự về lại được- Cô vừa nói vừa ứa nước mắt.
Chỉ bằng một cái đẩy nhẹ nhàng, xuồng của cô đã ở giữa dòng nước, phân chia rõ ràng, một bên trong đến thấy nắng dưới lòng sông , một bên đục ngầu màu nâu đỏ. Là dòng nơi cô quay về.
Cô nhắm mắt lại, trời đất tối sầm, một tiếng nổ nhỏ trong đầu cô làm tất cả xoay tròn đảo lộn:
- Người đàn ông ấy bị mù, chưa bao giờ ông ta nhìn thấy mình cả!

Khi cô mở mắt ra, đã thấy con thuyền chỏng chơ cập sát vào sàn nước nhà mình. 
Lặng không một chớm chòng chành. 
Nước mắt cô ứa ra từng giọt nặng chĩu. Doi đất phía bên kia chỉ còn là một vệt mờ mờ phủ trong màu xanh dừa nước và bần Đước.
Đã hết thật rồi.

**

Nửa đêm cô tỉnh giấc, bên vuông cửa mở toang hoác, chồng cô đứng nhìn chăm chăm hướng doi đất phía bên kia. Một quầng sáng như lửa lan cháy rực rỡ trên mặt sông:
- Người ta đốt phá sạch rừng đước để làm bờ kè. Đất đó được quy hoạch rồi.
Cô nghe khắp người nhộn nhạo, đau buốt:
- Còn người đàn ông mù?
- Làm gì có người đàn ông mù nào! Bên đó trước giờ vẫn là rừng đước hoang vu không người thôi!

UYÊN LÊ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89831)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75455)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103529)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86948)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92455)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109090)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84176)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83224)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75552)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 80513)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.