- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Buôn Làng Buồn, Nướng Vị Giác

02 Tháng Mười Một 201412:01 SA(Xem: 31673)


AnhMat-NguyenHoangNam
Ánh Mắt / ành Nguyễn Hoàng Nam



LTS: Nguyễn Hoàng Anh Thư ngoài làm thơ, còn viết một số truyện ngắn. Thư giới thiệu hai truyện gởi đến Hợp Lưu như sau: " Buôn Làng buồn" đó là men say, thứ men say buồn của núi rừng và đầy sự cảm nghiệm thú vị. "Nướng vị giác" sẽ khiến bạn có cảm giác như cô ấy đang nhai, đang nghiền từng con chữ. Có một điều gì đó như đang nếm, đang trải qua những cảm giác từ thế giới của truyện”. Tuy nhiên, khi đọc chúng tôi có cảm tưởng như đang xem những bức tranh xã hội thật u tối và phiền muộn …Chúng tôi mời quí văn hữu và bạn đọc cùng đi vào không gian truyện của Nguyễn Hoàng Anh Thư.

Tạp Chí Hợp Lưu

 

 

BUÔN LÀNG BUỒN
 

Tôi đã ghé qua một buôn làng đang phiền muộn. Buôn làng này nằm trên rẻo cao của một thị trấn nhỏ. Tất cả gần 100 hộ dân. Điều đặc biệt là họ không mang nỗi buồn theo trong giờ lên rẫy, trong các cuộc hội hè và cả trong giấc ngủ. Chỉ đôi khi có vài đôi mắt trũng sâu không chứa điều gì ở trong đó. Những đôi mắt đen nhánh, đen và to như mắt của trâu rừng. Những đôi mắt tròn xoe cười như nắng khi mặt trời vừa lên. Những nụ cười cũng tròn xoe lấp lánh trắng dưới đôi mắt và làn da đem nhẻm.

Tối nay, câu chuyện của già làng tạm gác lại trong tiếng tù và còn váng vất trên ngọn men. Những hũ rượu đã vơi và những đôi mắt lim dim. Những câu chuyện già làng kể đi kể lại. Những bài hát được hát đi hát lại. Những con người ngồi đấy choàng lên nhau giữa màng đêm những sọc xanh đỏ vàng của những mảnh trang phục thổ cẩm đã thẫm màu. Mùa hè năm nay sông trông buồn rũ rượi, cây cối trong nhà héo úa hết cả. Những bông hoa trắng rã rượi trên vùng núi xứ nhiệt đới này. Hình như tất cả đã hẹn nhau đi xem lễ hội gió mây, ở trên núi ấy. Họ đã đi qua và mắt không nhìn thấy những hạt sương đang xâu chuỗi trên lưới nhện. Họ lướt qua cánh rừng tràm, ở đó nghe nói đang có trận mưa máu.

Một buổi sáng mùa hè trên núi, trong văng vắt.

Đã có rất nhiều tiếng khóc. Họ đang khóc trâu. Một cụ già đang trùm chiếc khăn kín mít gần cả khuôn mặt và một cậu bé đen nhẻm đang dắt trâu đi. Cậu bé có đôi mắt thật đen của núi rừng. Hôm nay cả làng dậy từ sáng sớm để khóc trâu. Con trâu không biết khóc. Đôi mắt của nó lúc nào cũng buồn buồn mơ mơ dại dại giữa núi rừng. Họ thương trâu và tiễn trâu về với giàng. Giàng sẽ cho họ mùa màng bội thu.

Gió sáng sớm lùa trên chóp núi đìu hiu lành lạnh. Tiếng phèng la, tiếng chiêng tiếng trống đã bắt đầu động đậy. Họ chuẩn bị cúng giàng.

Họ cùng quàng tay vào nhau mà đi hứng mưa.

-ọ..ọ…ọ…ọ…tiếng trâu kêu

Họ đi vây tròn. Họ chạy vây tròn. Núi rừng vây tròn. Con trâu đứng ở giữa, ngơ ngác nhìn. Nó không nghe được tiếng người ta hò hét, cả tiếng chiêng tiếng trống đang khuấy sâu vào tận lòng núi. Nó nghe tiếng nứt, núi đang đổ nhào về phía nó. Nó giựt mạnh, sợi dây thừng kéo cái mũi, mũi nó sắp đứt, cái cột đã được người ta đóng bằng bê tông chôn sâu xuống. Những trận mưa lao đang đâm vào nó. Núi đang gần ngã nhào. Những tiếng hò reo đang đâm vào mắt nó. Đùi nó đang bị xả. Tiếp tục mưa lao...bắt đầu một trận mưa máu. Lưng nó đang bị xả. Mưa máu. Người ta hò reo, chiêng trống hò reo, người người đang ngồi trên khán đài bật dậy hò reo. Người ta ngửa cổ uống mưa. Nó thật ngọt. Đám trẻ con cười ngất như đang lên cơn hoang dại của núi rừng. Bốn vó chân trâu đẫm máu. Con trâu đang hứng trận mưa máu. Nó gắng sức chạy vầy quanh. Người vẫn chạy theo vây quanh. Đôi mắt nó gần rớt ra. Nó không còn thấy gì cả. Cả cặp sừng đang bị băm ra. Người ta ngửa cổ hứng máu. Hò reo và cười ngất giữa núi rừng vây quanh.

Và họ đã đi vòng quanh nhau, cùng uống mưa máu. Nó ngọt ngào và lên men rượu máu. Họ tu ừng ực cho đã cơn khát. Họ bảo nhau: “Uống đi”, như người ta uống rượu rắn ấy, những con rắn đang cuộn tròn vào nhau, chúng đang lên men.

-ự..ự…ự…tiếng ngưười vừa nhảy vừa phóng lao

-ự..ự..ự…tiếng trâu đang rên

Phía bên kia, những người khác đã đốt những cụm lửa thật to. Họ chuẩn bị thiêu.

-ọ..ọ…

Con trâu đang thoi thóp chờ giàng đưa về trời. Đôi mắt nó lờ đờ không chịu nhắm nghiền lại. Đôi mắt to và đen thật hiền. Đến khi sắp chết cũng thật hiền. Người ta đang khiêng nó lên.

Cụm lửa bùng lên chờ đợi, bên dãy núi đang nghiêng.

Mặt trời nhuốm đỏ máu. Rừng nhuốm đỏ máu. Một trận mưa máu đã được uống cạn. Con trâu nằm vật xuống giữa một vòng người vẫn đang còn vòng quanh. Trước mắt nó là một thảm cỏ đỏ màu máu. Những ngọn cỏ đang đâm ra từ những lá sách. Chúng mọc băm quanh thân, phủ lên màu bùn đỏ.

Lửa đã bắt đầu, có mấy cái nồi to đặt trên ngọn lửa lớn đang sôi sùng sục. Họ băm nhỏ ruột, gan, lá lách… và từng mảng thịt trâu cho vào đấy. Họ bỏ vào cả những loại lá rừng. Họ đang nấu món tả pín lù. Khói bốc nghi ngút.

Họ ăn xì xoạp, họ tu rượu ừng ực. Những đôi mắt đen tròn xoe nhìn nhau rất hiền tựa mắt trâu. Họ hát và cười vang. Họ gõ chiêng, gõ phèng la và chạy vòng tròn quanh ngọn lửa. Những đôi chân đất, những mái tóc bện rối với sương rừng.

Họ cùng quang vai vào nhau, quàng vai vào núi , chúc tụng nhau. Họ lảo đảo ngả nghiêng. Núi cũng lảo đảo ngả nghiêng.

 

***

Ngày hôm sau, họ chuẩn bị tiếp các món ăn chế biến từ cá: cá gói lá rừng vùi tro, cá nướng, lạp cá, gỏi cá, cá nướng ống, mắm cá; các loại côn trùng nhuyễn thể: ếch, nhái, con sùng, mối, con dế, kiến chua, kiến thơm, kiến đỏ, nhộng ong. Trong những buổi hội làng, họ thường chuẩn bị thật nhiều. Phần thịt của con trâu được chia làm rất nhiều món: thịt nướng tươi, nướng khô,nướng bằng ống tre, xào, lạp thịt, và có rất nhiều loại nấm thật lạ. Những bình rượu cũng độc đáo từ hương vị, đó là những bí mật của rễ cây rừng lên men. Họ chuẩn bị cúng giàng. Họ cúng và cầu nguyện.

 

Họ kể, ngôi làng này như đang bị ma ám. Nhiều người đã ra đi rất bí ẩn. Sự bí ẩn không thể lý giải được khi mà con ma cứ cướp đi thật bất ngờ. Có một gia đình vừa trải qua những ngày buồn đau tột độ khi 2 người con chết chỉ trong vòng 9 ngày. Mới tháng 2 vừa rồi chứ có xa xôi gì, một gia đình đã lần lượt mất đi đứa con gái hơn 20 tuổi và đứa con trai thua chị hai tuổi. Đứa con gái ốm yếu vì bệnh gan chết thì không nói, đứa con trai đang thật mạnh khỏe lại chết thật đột ngột khi đang cày rẫy. Họ kể về nhiều người đang khỏe mạnh, ngày ngày xuống suối bắt cá, lên nương làm rẫy bỗng đổ bệnh rồi mất, phần lớn dưới tuổi 40. Chỉ còn lại những tấm thân mòn mỏi của người già ở lại. Ngày ngày họ ngồi bệt ở bậu cửa và ngước nhìn một nơi rất xa xăm.

Ai ? ai đã lấy đi những đứa con của họ? Dòng sông ngoài kia vẫn chảy, nhưng mùa hè này thật cạn, nó đang trơ dần lớp đáy màu đỏ úa và vô vàn lớp lá rửa mục. Họ vẫn uống nước ở dòng sông này. Nghe nói phía thượng nguồn con sông đang bị cắt bởi những công trình gì đấy. Người ta chắn đập, người ta làm đường gì đó. Bây giờ không còn một con cá dưới sông. Những con suối cũng đã đục một màu đỏ ối, bị khoét bởi những con đường nhựa dang dở. Người ta phải vào tận rừng sâu mới bắt được những con cá trên nguồn.

Bữa tiệc cúng giàng đến ba ngày.

Mình sông đã nghe tiếng rắc. Chúng đang khô và vặn mình qua những ngọn núi rũ ngọn.

 

Họ đã ngưng tiếng phèn la và đã rủ nhau ra về. Còn lại những tán nhà trống hoác, vắng lặng và mùi men rượu chua ủ nồng trên những chiếc chiếu bẩn thỉu. Tôi đi qua một dải gồ ghề, hoang dã bao phủ bởi rừng với những tán tre mọc dày đặc cộng vởi cỏ voi cao ngang thắt lưng. Tôi thấy già làng đang đứng đó một mình khấn vái. Tiếng lầm rầm. Ông ngước mặt lên trời, trước tượng giàng được làm bằng gỗ với những nhát đục đẽo thô sơ. Tôi thấy hai hốc mắt của tượng gỗ như đang nhấp nháy dưới ánh chiều còn sót lại lờ mờ. Một bệ gỗ, trên đấy người ta đặt gà, xôi, cá, thịt, tất cả đều bọc trong những gói lá.

*** 

Tôi  đã thấy tất cả mọi thứ trong màu đen bởi mặt trời ở đây lặn sớm vào buổi sáng. Bức tượng kia thật là đối xứng hoàn hảo: đôi mắt, đôi vú, đôi tay, đôi chân trên một cái cọc gỗ. Tôi nhìn thấy những bông hoa ở đây mọc thẳng đứng, những ngọn núi được cắt đồng đều nhau và một dòng sông không bao giờ đổ. Họ bảo, đó là ý nguyện của giàng, giàng muốn thế. Mọi thứ cần phải hoàn hảo trong một trục đối xứng thật cân bằng. Họ dâng lên giàng tất cả, chỉ cầu xin giàng đừng lấy đi sinh mạng những đức con của họ. Nhưng rồi, dòng sông đã cạn khô, những tiếng thở dài và vặn mình. Nghe tiếng “ rắc”. Chúng đang vỡ vụn ra từ đáy sông. Dòng sông đang chảy ngược về trời. Họ khấn nguyện. Họ sẽ băng rừng vượt suối tìm cái để cúng giàng. Những con trâu đang còn nằm đó chờ họ khóc. Họ lại được nếm món tả pín lù đầy mê hoặc trong tiếng cồng chiêng gọi hồn về núi.

 

Nguyễn Hoàng Anh Thư

 



NƯỚNG VỊ GIÁC

 


Cô muốn ăn một con cà cuống đực nguyên con. Cô yêu cầu chủ quán. Những người bếp lật đật lục tung những ngăn tủ đá để tìm. Họ thấy toàn là những con cà cuống cái. Họ soi thật kĩ từng con. Đây là quán ăn rất nổi tiếng và uy tín của một người chủ quán gốc Hoa. Đó là một ngôi nhà xanh thật thoáng đãng, trước mặt vẫn giữ nguyên phong cảnh hoang sơ của làng quê.
Hôm qua cô đọc một cuốn sách, người ta đã viết rất liêu trai con chữ.Tục truyền rằng Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà cuống. Thấy thơm một cách lạ lùng, ông ta gửi dâng vua Hán một mớ và gọi là quế đố nghĩa là con sâu cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận rằng nó giống mùi quế thực, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi người một con. Bất ngờ, trong đám có một ông lắm chuyện lại tâu rằng: "Đó không phải là con sâu sống trong cây quế (quế đố), mà chỉ là một con sâu sống dưới nước" (thủy đố). Vua mới phán rằng: "Thử nãi Đà chi cuống dã" (Đó là lời nói láo của Đà). Dần dần chữ Đà Cuống đọc chệch ra thành Cà Cuống. Nó còn có một tên nữa là long sắt nghĩa là "rận rồng" "( Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng). Cô muốn nếm bằng vị giác của những điều đó.
Cô ngồi chờ, đã mấy tiếng đồng hồ người ta vẫn chưa kiếm ra một con cà cuống đực. Họ đang lúi húi trong bếp. Tất tả. Những giọt mồ hôi rơi xuống bếp than lèo xèo. Họ tìm trong những cái chảo họ đã nấu.
- Đôi lúc nó núp trong ấy đấy, vừa mới thấy nó đây thôi - cô nghe tiếng họ nói.
Cô nghe thấy tiếng nó lúc nhúc, ở ngoài kia, phía sau nhà thải của khu bếp. Cô thấy nó cắn nhau chí chóe, nhìn xa như một lũ rận. 
Cô lôi cuốn sách ra đọc : "Cà cuống có thể sống trên bờ hoặc nơi hồ, ao, đầm hay các ruộng lúa nước. Chúng có thể bơi lội nhờ các đôi chân bè, kẹp chặt mồi nhờ các móng nhọn. Tuy bay không khỏe nhưng về đêm, cà cuống có thể bay từ dưới ruộng lúa lên bờ đến những nơi có ánh đèn điện vì chúng rất nhạy cảm với kích thích của ánh sáng điện. Cà cuống rất háu ăn, chúng tấn công và hút máu của nhiều động vật thủy sinh như: tôm, tép, trai, nòng nọc, nhái, cá con v.v... . Ở Singapore, fwai fa shim im là một món cà cuống được ưa chuộng. Người Thái Lan gọi cà cuống là mangda. Họ trộn nhuyễn toàn cơ thể, có khi vứt bỏ mắt, cánh và những bộ phận xơ cứng, với hành, kiệu, ớt, đường, thêm vào nước chanh, nước mắm thành một thứ bột nhão gọi là nam prik mangda để ăn với cơm hay rau .Còn người Trung Quốc ăn cà cuống theo kiểu luộc thêm một chút muối ở Quảng Châu, hoặc xào trong dầu mè ở Bắc Kinh "
Cô muốn nếm chúng ngay, nhưng phải là con đực, con cái không có tinh dầu. Cô muốn nếm trực tiếp không qua một món chế biến nào từ nó.
- "Bọng tinh dầu ở gáy cà cuống đực, thoang thoảng mùi hương quế rất khó tả, là gia vị quý giá được pha chế vào nước mắm, không thể thiếu trong các món ăn truyền thống như bún chả, bún thang, chả cá, bánh cuốn, và chính nó làm cho các món ăn nói trên có hương vị nổi tiếng của nghệ thuật ẩm thực Hà Nội truyền thống" - cô đọc tiếp - Cà cuống đi vào ẩm thực tự bao giờ thì không ai biết nhưng khi nhắc đến những món ăn được ưa chuộng như: bún thang ,chả cá, bánh cuốn, bún chả, bún nem, bánh dày thì bí quyết để làm cho món ăn này ngon và thơm đó chính là cho thêm một vài miếng cà cuống tự nhiên cắt nhỏ vào thì lập tức hương vị của món ăn đó dậy mùi thơm đến độ tuyệt vời, khó quên và rất đặc trưng cho món ăn đó. Dùng đầu nhọn của que tre hay mũi dao rạch một đường ngang ở vị trí giữa đôi chân thứ ba. Gấp bụng cà cuống xuống để bộc lộ hai túi tinh dầu, đây chính là phần tinh túy nhất trong con cà cuống. Dùng kẹp khẽ gắp túi và rút ra một cách nhẹ nhàng (tránh làm rách túi), rồi chích túi cho tinh dầu chảy vào lọ khô, sạch, đậy kín. Nếu đựng trong lọ có nút mài thì có thể bảo quản được rất lâu". 
Cô đọc mải miết, người ta vẫn chưa tìm ra con cà cuống đực nguyên con cho cô. Cô muốn món nướng. Cô ngửi thấy mùi tinh dầu Cà cuống nướng thơm phức. Hình như trong cái bếp kia. Nó nằm dưới ngọn lửa ga ấy. 
Cô lại nghe tiếng lúc nhúc, cảm giác nhồn nhột trên từng đốt sống. Chúng đang bò. 
- Đợi đến khi nào đây, thưa ông - cô lên tiếng hỏi vọng vào.
Chủ quán lật đật đi ra. Cô thấy mồ hôi lão nhẫy nhụa, có cái mùi thoang thoảng của tinh dầu quế. 
- Xin cô cho chúng tôi ngày mai, ở chỗ chúng tôi luôn có những loại đặc sản như thế này, đã uy tín mấy chục năm nay, hôm nay chúng tôi sơ sẩy đã để chúng bò đi mất, có lẽ người bếp đã quên buộc miệng cái túi. 
Nhìn ngoài kia, ngoài cái hồ nước, cô thấy một con cò nước khá lớn nằm gục trên bờ do bị một con cà cuống lớn hút cạn máu. 
Cô có cảm giác mằn mặn tanh tanh của vị tinh dầu trôi qua cổ.
- Cảm ơn ông, cô gắng gượng nói, tôi đã thưởng thức vị đó nãy giờ, tôi thấy trên đôi cánh chúng ông đã không tẩy sạch mùi từ ống cống. 

Tối hôm ấy cô vẫn muốn thử lại mùi tinh dầu nướng trong trang sách. Lần này cô ngửi nó có màu nâu huyết dụ như cánh gián. Chúng lúc nhúc trong cuống họng cô. Cô có cảm giác buồn nôn.
Sáng sớm, vị bác sĩ khám cho cô nói :
- Cô bị rối loạn vị giác, có lẽ nó liên quan đến đường tiêu hóa, cô qua phòng siêu âm đợi tôi.
Bác sĩ siêu âm cho cô, quái lạ, trong cái dạ dày của cô đầy những con chữ bò lúc nhúc như những con gián, chúng vẫn còn nguyên con, chưa kịp tiêu hóa. 

 

NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
06 Tháng Mười Một 201412:08 SA
Khách
bạn đã nhận ra Từ Sâm , là câu chuyện của con người hiện đại
02 Tháng Mười Một 20146:19 CH
Khách
Buôn Làng Buồn phác họa tương đối thành công một thế giới siêu thực. Sở dĩ chỉ là tương đối vì trong không gian ma mị ấy còn sót lại 03 dấu vết của con người hiện đại: Khán đài, chiếc nồi to và Tôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tư 20241:03 SA(Xem: 851)
Lời Giới Thiệu: Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp tham vấn vào ngày 23/04/2024 tại thành phố Cần Thơ về Dự án Kênh đào Funan Techo. Việt Ecology Foundation xin giới thiệu một bài viết của BS Ngô Thế Vinh về Dự án đang gây nhiều tranh cãi này. Ông là người từ rất sớm gióng lên tiếng chuông cảnh báo về hiểm họa của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong, đã viết nhiều bài khảo luận và là tác giả hai cuốn sách Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng (2000) và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007). Ông cũng được biết tới như một nhà hoạt động môi sinh bền bỉ từ ngót 30 năm nay, với mối quan tâm bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong và ĐBSCL.
21 Tháng Tư 20249:22 SA(Xem: 969)
Gia đình chúng tôi rất đau buồn & thương tiếc báo tin cùng thân bằng quyến thuộc & bạn hữu: Chồng, Cha, Ông, Em, Anh, Chú, Bác của chúng tôi:Cụ Ông VŨ - NGỰ- CHIÊU / Tiến-Sĩ Sử Học Thế-Giới, Đại Học Madison, WI, Hoa-Kỳ / Tiến-Sĩ Luật Khoa, Đại Học Houston, TX, Hoa-Kỳ / Cử Nhân Giáo Khoa Triết Đông, Đại-Học Văn-Khoa Sài gòn, Việt nam / Cựu Sĩ-Quan Trừ-Bị Thủ-Đức Khóa 16; Cựu Sĩ-Quan Pháo Binh Nhẩy Dù / QLVNCH / Nhà văn NGUYÊN-VŨ / Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN./ Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. / Hưởng thọ 82 tuổi.
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 1071)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
18 Tháng Tư 20244:07 CH(Xem: 992)
On the evening of December 21, 1946, the Bach Mai radio resumed its operations somewhere in the province of Ha Dong after a day of silence. One of its broadcasts was Ho Chi Minh’s appeal to the Viets for a war of resistance. He reportedly said: The gang of French colonialists is aiming to reconquer our country. The hour is grave. Let us stand up and unify ourselves, regardless of ideologies, ethnicities [or] religions. You should fight by all means at your disposal. You have to fight with your guns, your pickaxes, your shovels [or] your sticks. You have to save the independence and territorial integrity of our country. The final victory will be ours. Long live independent and indivisible Viet Nam. Long live democracy.
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 2910)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 5957)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 6941)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
18 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 60407)
R ồi đến cuộc sụp đổ của miền Nam mùa Xuân 1975 và nhiệm kỳ Tổng thống vừa tròn 40 tiếng đồng hồ của Tướng Minh. Lệnh buông súng đầu hàng của Tướng Minh sáng ngày 30/4/1975 khiến nhiều người, vốn chẳng biết nhiều về những diễn biến tại hậu trường sân khấu chính trị, trút mọi trách nhiệm việc “ mất nước ” (sic) lên đầu ông “ hàng Tướng ” này. [Những lời thở than, khóc lóc “ mất nước ” cũng chẳng khác gì việc đồng hoá một chế độ chính trị với “ Tổ Quốc ” trên trình độ hiểu biết chữ Việt!]
22 Tháng Tư 20242:54 CH(Xem: 792)
Tối thứ sáu 23/2/2024, chị Duyên gửi cho tôi link bài thơ “Tạm biệt một căn phòng” [1] của anh Phạm Cao Hoàng ghi gửi anh Trương Vũ./ Căn phòng này / chiếc bàn này / nơi chúng ta đã từng ngồi / nâng ly / chúc mừng một bức tranh vừa hoàn tất / chúc mừng một cuốn sách vừa in xong / chào mừng một người bạn từ phương xa đến /
22 Tháng Tư 20242:24 CH(Xem: 925)
Ngày nào tôi cũng gắng làm cho đặc sắc / Cố hữu chỉ là một chủ xị buồn / Đêm tôi uống với lá / Nghe gió rung cành / Rồi chỉ thấy giọt mù lên mắt tượng / Ngày nào là ngày nào làm sao biết /