- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Một người ngồi trong ghế bành

20 Tháng Chín 20144:30 SA(Xem: 42055)

NguyenXuanHoang-1970

Sinh năm 1940 tại Nha Trang, Khánh Hòa, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng dạy triết tại Trung học Petrus Ký, Sàigòn; từng làm Tổng thư ký tạp chí Văn thời kỳ chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng, báo quán tại 36 Phạm Ngũ Lão quận Nhì. Năm 1985, định cư tại California, làm Tổng thư ký nhật báo Người Việt từ 1986 đến 1998, sau đó lên San José làm Tổng thư ký tuần báo Việt Mercury, ấn bản tiếng Việt của nhật báo San Jose Mercury News. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng tiếp tục trông coi tạp chí Văn tục bản sau khi Mai Thảo qua đời cho đến khi  Văn đình bản 2008.

 

Một người ngồi trong ghế bành trích từ tập Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta, nxb Sóng, Sàigòn, 1974. Đặc điểm của truyện ngắn này là xây dựng trên đối thoại nhân vật trong một không khí Tây phương xám lạnh dưới trần mưa ám khói thuốc, và cách dứt truyện đột ngột.  Truyện mang khí hậu riêng của những quán hầm lạnh lẽo và ảm đạm. Tập trung vào khí hậu truyện là đặc tính chung của truyện ngắn miền Nam trước 75, như trong những truyện ngắn Lòng thành của Túy Hồng, Lòng trần của Nguyễn Thị Thụy Vũ, Hai bên sông của Thái Lãng, Đôi mắt hạt trai đen của Duy Lam, Viên đạn bắn vào nhà Thục của Thảo Trường, Cũng đành của Dương Nghiễm Mậu, Bạch hóa của Cung Tích Biền, Nhà có cửa khóa trái của Trần Thị Ngh và Ngôi nhà mà tôi đã ở của Viên Linh.. trong cùng tập truyện. [Trần Vũ] 


TranhPG
Tranh Paul Gauguin




Tôi gõ cửa một lần nữa. Vẫn không nghe thấy tiếng trả lời. Chắc không có Diệp ở nhà. Tôi châm thêm một điếu khác, và trong đốm lửa nhỏ lập loè, tôi dò dẫm từng bực thang trở xuống. Cầu thang hôi một mùi khó chịu và thanh gỗ vịn tay rít nháp nghe lợm cổ họng. Kỳ quá, không biết cô nhỏ này đi đâu. Hồi sáng gặp tôi ngoài phố, cô còn nhắc, anh nhớ đến, thế nào anh cũng phải đến nghe, vậy mà tôi đã gõ cửa không biết bao nhiêu lần, đốt không biết đến điếu thuốc thứ mấy vẫn biệt tăm em.

 

Xuống đến mặt đường tôi mới biết trời đang mưa. Cơn mưa không to lắm, có lẽ bão rớt của miền Trung, nhưng gió từ bờ sông thổi lùa trong hơi nước mát lạnh làm tôi rùng mình. Thời tiết thay đổi đột ngột như vậy, buổi sáng sớm nay có chút sương mù và còn lâm râm vài hột. Tôi đi nép trong hàng hiên tránh mưa và trong bụng thầm tiếc về việc đã tới nhà thăm Diệp. Sẽ đi đâu bây giờ đây? Tôi nghĩ đến quán nước quen có mấy người bạn ngồi ở đó. Từ xa ánh đèn pha của một chiếc xe chạy ngược chiều làm tôi chói mắt. Tôi bước ra lề đường đưa tay đón xe. Trời vẫn mưa lặng lẽ. Bỗng nhiên tôi khám phá ra là dù có hơi tiếc về việc thất hứa của Diệp, nhưng tôi không xúc động về thái độ của nàng. Đốm lửa đỏ của điếu thuốc cho tôi cái cảm giác ấm áp và tỉnh táo hơn. Chiếc xe trờ tới và bất ngờ đậu sát bên tôi. Đèn chiếu vụt tắt.

“Taxi!”

Tôi cúi đầu xuống chực hỏi người tài xế coi có đi không, nhưng đèn trong xe đã vụt sáng. Tôi thấy Diệp ngồi trong xe và đang mở sắc lấy tiền.

“Anh!”

Diệp thò đầu ra cửa xe kêu tôi. Cái vẻ hối hả làm lạ hẳn một Diệp lặng lẽ và trầm tĩnh mà tôi từng quen biết. Trả tiền xong Diệp bước xuống xe, cầm tay tôi kéo đi, không nói thêm một lời.

Và chúng tôi trở lại căn gác của Diệp.

“Anh không giận em phải không?”

“Không.”

“Tin chừng bao nhiêu?”

“Một trăm phần trăm.”

“Thôi, đừng có giận giả bộ, ông ơi!”

Diệp ôm chặt cánh tay tôi bên hông nàng.

“Cám ơn anh. Ấm quá!”

“Ấm cái quái gì. Lạnh thấy mồ.”

“Đừng có thô bỉ với đàn bà con gái nghe ông!”

Diệp thả tay tôi ra, nhưng mùi thơm của tóc nàng bay tận mũi tôi.

Đến chân cầu thang, Diệp mở sắc tay lấy cây đèn bấm nhỏ, và chúng tôi lần lên gác.

“Em có chút chuyện nhờ anh.”

“Biết rồi. Nhưng chuyện gì vậy?”

“Bí mật!”...

Diệp mở khoá đẩy cửa vào.

“Chút nữa em nói cho anh nghe.”

 

Nhà tối mù mù, tôi đứng im trên bục cửa, Diệp lần đến bên vách bật đèn trên trần. Ánh sáng chói chang đổ ập xuống làm ngợp mắt. Diệp nói: “Anh ngồi xuống đây chờ em một chút.” Và nàng bỏ ra nhà sau. Tôi ngồi lên ghế dựa, bắt chéo chân và tình cờ ngó thấy một mảng bùn vấy ở đầu mũi giầy. Con đường từ quãng nhà tôi xuống phố thật tệ, những hôm trời mưa đường lầy lội không thể tưởng, những lỗ trũng đầy nước, ổ gà tùm lum, mặt lộ dợn sóng làm chao xe, nhiều bữa đang chạy ngon trớn tôi bỗng hụp xe xuống một cái, tá hoả tam tinh, tưởng chết đi được. Diệp đã thay quần áo xong. Nàng đứng trước mặt tôi, trong tay ly trà đang bốc khói:

“Anh nghĩ cái gì vậy. Anh coi nhà em có đẹp không?”

Nhà của Diệp là một căn phòng hẹp, trần nhà thấp, tường quét vôi màu vàng sẫm tối ám và trơ trẽn. Tôi không ưa lắm cái tối tăm ảm đạm và cái vẻ nhớp nhúa của căn phòng. Tuy vậy tôi đã nói, dù tôi không tin lắm điều tôi nói:

“Đẹp. Đẹp lắm!”

“Thôi đi ông. Đừng bày đặt nịnh đầm.”

“Đẹp thiệt mà.”

Diệp ngồi xuống ghế đối diện tôi, đẩy cái gạt tàn thuốc bằng sành về phía tôi. Lúc này tôi mới nhìn thấy Diệp rõ hơn. Nàng đã thay chiếc áo dài màu xanh thẫm, choàng trên vai một chiếc áo len nhẹ cùng màu nhưng nhạt hơn nhiều, hai cánh tay bỏ lửng, quần chẽn, ống khá rộng phủ gót chân. Da mặt Diệp xanh xao, và trên đôi gò má hơi hóp của nàng, tôi nhìn thấy lấm chấm những nốt mụn nhỏ, hai con mắt đen sâu và to chìm dưới lớp màu xanh (khá xanh) của phấn. Nhìn màu da ấy của Diệp, tôi như nghe thấy lại có lần nàng nói, anh thấy không, da em khô thế này đầu em không có đến lấy một sợi tóc mượt, em bị đau gan đó anh, chịu không cách nào trị cho hết được. Dù sao, tôi phải công nhận là Diệp đẹp. Có lẽ vì cái dáng cao cao của nàng, bộ ngực khoẻ mạnh trên một thân thể khá mong manh, cái vẻ lạnh lẽo ở khuôn mặt cẩm thạch, cùng với mớ tóc rối đen khô làm tôi choáng váng.

“Nhất định là anh nịnh em.”

“Nịnh em thì tôi ăn cái giải gì!”

“Thôi, được rồi. Anh uống nước đi, rồi đưa em đến đó nghe.”

“Đến đâu?”

Diệp sửa cách ngồi:

“Chỗ anh vẫn thường ngồi với mấy ông bạn của anh đó!”

“Ở đâu? Hồi này em làm sao vậy?”

“Thôi, anh đưa em đi rồi em sẽ chỉ cho.”

Tôi đốt thêm một điếu thuốc nữa và nhìn những ngón tay ám khói vàng nghệ của mình.

Tôi thực tình không hiểu Diệp muốn gì.

“Nhưng sao em lại nhờ tôi?”

“Chớ em còn biết phải nhờ ai bây giờ?”

“Có cái gì ở chỗ đó?”

“Em cần gặp một người.”

“Một người? Quen?”

“Em không biết người ta, nhưng người ta nói người ta biết em. Người ta nói người ta ao ước được quen em.”

“Tóm lại là em muốn gặp một người đàn ông ngưỡng mộ em, phải không?”

“Không phải vậy đâu.”...

“Thì đó là một người yêu em cũng vậy thôi!”

“Đừng có xịa ông.”

“Tôi có nói là em yêu người ta đâu. Rồi. Bây giờ đi được chưa?”

 

Tôi dụi điếu thuốc cháy dở xuống cái gạt tàn và đứng dậy.

Mưa lâm râm nhỏ hạt và trời vẫn lạnh. Diệp đội khăn lên đầu, mái tóc giấu sụp dưới lớp vải. Chúng tôi đi dọc trở lại theo những hàng hiên. Phố vắng. Diệp nói:

“Phải biết đón xe khó thế này, lúc nãy em đã giữ chiếc taxi cho xong.”

Rốt cuộc chúng tôi phải kéo bộ một quãng khá dài. Khi đi ngang qua chiếc xe mì của người Tàu núp dưới chái hiên, tôi hỏi Diệp:

“Em có thấy đói không? Mình ăn cái gì đi!”

“Ở chỗ đó có bán thức ăn mà” - Diệp cười, “Có lần ở sở về đi ngang qua đó em thấy anh ngồi ăn với mấy ông bạn của anh. Mình có thể vừa ăn vừa chờ đợi được mà anh.”

“Chờ đợi? Chờ đợi cái gì mới được chứ?”

“Trời đất! Mới nói đó mà anh đã quên rồi. Sao mau quên dữ vậy ông?”

 

Tôi nắm tay Diệp băng qua con lộ nhỏ. Những ngón tay tròn mềm và lạnh lẽo của nàng nằm trong tay tôi làm tôi sợ. Chúng tôi đã ra đến đường lớn. Mặt lộ đọng nước mưa sáng lấp lánh ánh điện từ những cột trụ trồng dọc theo hai bên lề đường. Xe cộ chuyển động ồn ào đến chóng mặt. Dù Diệp đội khăn, tôi tưởng nhìn thấy mái tóc nàng ướt sũng trên một đôi mắt hân hoan cười cợt. Diệp đi bên tôi tung tăng như một thiếu nữ mới lớn. Có lúc nàng giống một chiếc bong bóng mà sức căng đã giảm không bay được lên cao, lơ lửng trên sợi chỉ nằm trong tay một cậu bé lúc nào cũng chực ngã. Một chiếc xe nhà binh phóng qua thật nhanh làm bắn nước lên người chúng tôi. Diệp giật tay tôi nhảy lui lại. Tôi nghe rõ tiếng nàng lẩm bẩm nguyền rủa người lái xe mắc dịch. Đến ngã tư đường Diệp bảo tôi:

“Anh qua đây với em một tí.”

“Chỗ này sao? Tôi có bao giờ ngồi ở chỗ này đâu.”

“Đâu có. Em muốn mua cho anh một gói thuốc mà.”

“Anh hút Winston phải không?”

“Sao biết?”

“Sao không biết. Anh làm gì mà em không biết. Anh, đi đâu, ở đâu, quen ai, em biết hết.”

“Biết gì nhiều dữ. Còn gì nữa nói nghe chơi.”

“Muốn nghe thiệt không. Nói toạc móng heo, không được giận à nghen.”

“Bộ tưởng tôi con nít à. Hồi này làm sao vậy, cô ba?”

“Có sao đâu. Anh thực tế một chút coi. Lè phè quá trời. Lông bông lêu bêu cái kiểu anh, ai mà yêu cho nổi ông.”

Điếu thuốc kẹp giữa hai ngón tay, sắp đặt vào môi đã bị tôi kéo lại. Tôi vỗ điếu thuốc lên bao diêm. Tôi nói:

“Ai mà yêu cho nổi. Yêu ai mà ai yêu?”.

“Đừng có hỏi giọng nhà quê, ông! Lại đây, em mua cho ông mấy tờ báo. Tờ này phải không?”.

Tôi đứng lại giữa chừng, hơi sợ hãi một chút. Cái cách hiểu biết và nói năng của Diệp làm tôi bối rối. Tôi nghịch chiếc nắp bật lửa, hỏi:

“Em chẳng quên thứ gì hết. Sao em còn đợi gì mà chẳng lấy quách tôi đi có hơn không.”

“Đừng có giễu nghe bạn.”

Đâu có ai ngăn cản không cho chúng tôi cười thả ga giữa đường phố trong một đêm lạnh lẽo và riêng tư như thế này.

Quả như lời Diệp nói, quán nước quen, trần bằng gỗ đánh vẹc-ni, ghế bành rộng thấp, điện ấm và không sáng lắm. Tôi đẩy cửa kính và đứng qua một bên nhường Diệp vào trước. Nàng lột khăn xuống rũ nước mưa và chúng tôi chọn một chiếc bàn hơi khuất trong góc phòng.

“Anh thường ngồi bàn này phải không?”

“Đúng rồi.”

“Anh uống cà phê đen nghe. Kêu cho em một ly sữa nóng đi anh.”

“Không, để tôi gọi cái gì bỏ bụng. Đói muốn chết đây này.”

Diệp biên món ăn lên giấy đưa cho người hầu bàn kéo tay áo nhìn đồng hồ, thở dài.

Tôi hỏi:

“Mệt hả?”.

“Đừng giễu ông. Em khoẻ mà.”

Diệp có vẻ khoẻ thật, dưới ánh đèn chụp bóng tròn, da mặt Diệp hồng hào hơn lúc nãy nhiều. Nàng đập tay lên vai tôi:

“Kìa anh, anh có thấy chiếc ghế bành da màu đỏ kia không. Ừa, ở chỗ đó đó, cá với anh mười ăn một, là thế nào cũng có một người ngồi ở đó.”

Tôi nói:

“Tôi chẳng hiểu trời trăng gì hết.”

Và tôi phá lên cười.

“Còn em, bộ anh tưởng em hiểu trăng sao gì hả?”

Nói xong, Diệp ngã đầu ra sau ghế, cười bằng tất cả cái dáng điệu kỳ cục của nàng. Người hầu bàn đến bên chúng tôi, nghiêng mình lễ phép:

“Ông bà gọi thêm món chi?”

“Không.” Diệp nói trong tiếng cười. “À, à mà có; làm ơn gọi cho tôi một chú bồi khác.”

Nhưng liền ngay khi đó tiếng cười của nàng chợt tắt sau câu nói và mắt Diệp mở lớn ngạc nhiên hướng về chiếc ghế bằng da màu đỏ. Một người đàn ông đã ngồi trong ấy tự bao giờ.

 

Thức ăn đã mang lên và tôi bắt đầu bữa cơm tối một mình./.

 

 

 Nguyễn Xuân Hoàng

Tác giả xem lại và hiệu đính ngày 8 tháng 12-2010.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 2894)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 2155)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
12 Tháng Chín 20242:10 CH(Xem: 1804)
Ngày xưa hồi còn nhỏ, tui hay nghe bà cố tui đọc câu: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Tui thấy ngồ ngộ dễ thương nên tui nhớ luôn câu ấy ở trong đầu. / Mấy mươi năm trôi qua cho đến giờ tuổi đã về chiều, ngồi ngẫm lại đời mình. À! người ta thì "còn duyên kẻ đón người đưa" còn mình hết cả một đời người trôi qua mà mình có chút duyên nào đâu, vì từ nhỏ cho tới lớn đâu có ai đón đưa, thương nhớ mình chứ ... Xấu hổ thiệt nhưng cũng phải thú thiệt vì ở cái tuổi này rồi, có níu kéo gì nữa đâu hè!! Nói thiệt may ra ông trời ổng thấy tội tội mà kiếp sau ổng cho mình có chút "diên" (duyên)làm vốn lận lưng.
12 Tháng Chín 20242:02 CH(Xem: 3210)
đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi! đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi!
03 Tháng Chín 20243:54 CH(Xem: 3120)
Bài thơ “GIÓ” của thi sĩ Nguyễn Chí Trung GỒM 48 tiểu đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tất cả là 192 câu thơ được viết theo thể thơ lục bát. Xuất hiện lần đầu trên thi đàn quốc tế “International Writers In Belgrade” vào năm 2003./ Từ 2004 đến nay khắp các Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ĐHTCQT International Poetry Festival trên thế giới từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc mời tác giả Nguyễn Chí Trung tham dự và đọc Thơ, Ông đều trình bày bài thơ này. Vì thế bài thơ GIÓ được dịch ra nhiều thứ tiếng gốc La tinh của Ậu châu, và cả tiếng Hindi của Ấn, hay tiếng Ả Rập, hay Thụy Điển hay ngôn ngữ tổng hợp Serbo-Croatia v... v...
02 Tháng Chín 20243:46 SA(Xem: 1851)
Khi em trở lại / Bằng những cánh tay vàng của lá / Buồn ở nhớ nhung / Những đám mây mùa hè lẩn trốn / Em còn đâu đó trong tôi
02 Tháng Chín 20242:11 SA(Xem: 2345)
Tôi biết chị Hoàng Thị Bích Hà qua một cuộc gặp gỡ giao lưu giới thiệu sách song ngữ "Nhịp Điệu Việt." Từ lần đầu tiên gặp gỡ đó, giữa chúng tôi đã nảy sinh một sự kết nối đặc biệt. Chị Hà để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi không chỉ bởi vẻ hiền dịu, mà còn bởi sự sắc sảo và tinh tế trong từng bài viết của chị. Mỗi tác phẩm của chị đều thể hiện một sự chu đáo, cẩn trọng và đầy tâm huyết. Hoàng Thị Bích Hà là một tác giả đầy nhiệt tâm với một gia tài văn chương đáng nể. Chị đã xuất bản 16 tác phẩm gồm 4 cuốn bình luận văn học, 2 tập truyện ngắn và tùy bút, cùng 10 tập thơ. Ngoài ra, chị còn góp mặt trong nhiều tuyển văn và thơ, khẳng định vị thế của mình trong làng văn học trong và ngoài nước. Trong tập truyện "Bông Cúc Xanh," chị Hà một lần nữa cho chúng ta thấy khả năng văn chương của mình qua những câu chuyện ngắn đầy sâu lắng và ý nghĩa. (Võ Thị Như Mai )
01 Tháng Chín 202412:44 SA(Xem: 3625)
LỜI TÁC GIẢ- Thứ Bảy, ngày 17 tháng 8 năm 2024, đài phát thanh Radio del Poeta CALIDOSCOPIO - Musica y Poesia del Mundo (Âm Nhạc Và Thi Ca Thế Giới) - giới thiệu Thơ của Nguyễn Chí Trung trong chương trình phát sóng từ Mexico và Argentina (tại Tây Ban Nha và Ý vào ngày hôm sau, Chủ Nhật 20.08). Nữ thi sĩ Ana Maria Garrido, giám đốc nghệ thuật của chương trình, đọc một tác phẩm Thơ của NCT, tựa đề là Tam Ca "RỪNG - LÁ - CÂY" :
31 Tháng Tám 202411:53 CH(Xem: 3089)
nhiều hơn tôi tưởng / thơ làm tôi / con mắt dốc ngược vào tóc / búi thi em xõa mềm / hồn cảnh nghiêng sâu huyền mắt thoại
31 Tháng Tám 202411:44 CH(Xem: 3142)
Bụi tro hụt hẫng lời ru / Cho rưng rưng trắng phù du mái đầu / Lá rơi níu hạt mưa ngâu / Ta về níu bóng giàn trầu hóa duyên