- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TRỞ LẠI ĐÂY YÊU EM

08 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 44520)

thienthe-nguyen_trong_khoi-content

 Thiên thể- tranh Nguyễn Ngọc Khôi


Bà ngoại tôi kể, dòng họ tôi đời nào cũng có một người chết vì tình.

Có thể dòng máu đa tình chảy ngấm ngầm trong huyết quản, truyền từ đời nàng Công nữ Nguyễn Phúc Hồng Miên đầu tiên đã gieo mầm mống yêu si cuồng thái quá cho các nàng Tôn nữ.

Thường chỉ là các nàng Tôn nữ mới đủ can đảm chết vì tình. Những người đàn ông trong dòng họ tôi chỉ đủ can đảm để bỏ chạy.

Có thể căn nhà biệt thự cổ truyền qua bốn đời đó xây phạm vào cung Nhan Sắc, nên bốn đời nhan sắc u uất khép mình trong bức tường kiểu Tây thuộc địa dầy 8 phân, những người đàn ông dần dần rời bỏ căn nhà quanh năm bốc mờ mờ khí lạnh và nằm trũng sâu trong vùng gió. Vì ở sát cạnh bờ biển lở. 

Có thể chân móng ngôi nhà xây lên từ một bờ biển lở, mà hàng dương cong mình chắn gió cũng không ngăn nổi con sóng mặn đập rầm rầm vào chân tường mỗi đêm. Và cát lở rào rào như tiếng chân người bỏ chạy về phiá biển.

Khi dì Hường chết, tôi còn chưa sinh ra đời. 

Mẹ kể dì Hường rất đẹp. Dòng họ tôi, đời nào cũng có gái đẹp. Sở hữu nét mặn mà từ các ông bố hoàng thân quý phái, phong lưu và các bà mệ nhan sắc u trầm, đài các.

Nhưng vẻ đẹp dì Hường rất khác lạ. 

Lần theo hai bức tường hành lang chạy dọc theo lan can cầu thang gỗ đàn hương, nổi bật giữa ngổn ngang những bức hình chân dung truyền thần đen trắng, khăn vấn, áo nhung , vòng kiềng lóng lánh là bức hình chụp duy nhất của dì Hường.

Dì không ngồi theo kiểu các mệ ngày xưa thông thường, hai bàn tay xòe đều mười ngón trên đầu gối khép nép, mắt nhìn thẳng ra phía trước, môi gượng nở nụ cười buồn muôn thủa của gái Huế. Dì ngồi đó, trong chiếc áo đầm ren tím, mong manh như bông hoa Lys trên cái cuống trắng nõn là thân hình thon thả , cần cổ cao mượt mà, hai bàn tay vươn ra phía trước và đôi mắt to đen lóng lánh như đang bừng bừng cơn sốt, đôi môi hồng đầy đặn khác thường. Khuôn mặt sống động đến độ trong ánh chiều mờ mờ ảo ảo của tia nắng quái cuối cùng, có thể cảm nhận được hơi thở ẩm ướt phả ra từ đôi môi đang run run mấy máy như muốn thốt lên:

- Hãy trở lại đây, yêu em!

Lời nói thì thầm đó miên man rì rầm chạy dọc theo các vách tường buốt lạnh, theo hành lang đầy gió, luồn vào những khe cửa tối tăm nhất của những căn phòng luôn ẩm lạnh, lẩn quất trong áo, trong khăn, trong tóc những người đàn bà còn ở lại trong căn nhà:

- Hãy trở lại đây yêu em!

Bức hình đó được chụp hai tháng trước khi dì chết.

Và sáu tháng sau khi dượng Hường bỏ đi.

Đó đã là một mối tình rất đẹp. Nhiều người trong nhà còn nhớ lại. Dượng Hường là một bác sĩ, thời đó lấy được một ông Docteur tốt nghiệp trường Tây là niềm mơ ước cháy bỏng của các tiểu thư tỉnh lẻ. Dượng Hường lặng lẽ, trầm mặc, người gầy xương xương, khuôn mặt nhìn nghiêng như bức tượng cổ Hy lạp. Hai gia đình quen nhau lui tới hơn ba tháng là tính chuyện cưới hỏi, đám cưới linh đình nhất tỉnh lỵ thời đó, cô dâu chú rể lịch sự trong soire trắng và áo vest đen, chỉ nắm tay nhau, đi bên cạnh nhau mà chưa hề nhìn vào mắt nhau.

Đám cưới thời xưa là như thế, mẹ giải thích.

Nhưng dì Hường yêu ông chồng Docteur bằng tình yêu nhuốm mùi tiểu thuyết và đầy tôn thờ. Tình yêu đó của cô gái trẻ sáng bừng như mặt trời rọi vào từng góc khuất của ngôi nhà cổ, nhẹ nhõm như gió Nam chạy bằng những bước chân rón rén trên thềm gạch và cháy bỏng trong mắt mỗi khi dì nhắc đến tên anh chồng ít nói lạnh lùng.

Mọi người hầu như nghẹt thở vì ganh tỵ khi nói về tình yêu của dì. 

Cho đến khi các bà dì khám phá ra những vết bầm tím và vết sướt lờ mờ trên cổ tay của dì, sau đó hiện ngày càng nhiều trên bờ vai trần và chiếc cổ cao ba ngấn. Rồi một ngày không kìm được các bà dì đã pha thuốc ngủ cho dì Hường uống và tìm ra sự thật. Bà ngoại tôi hầu như chết ngất vì đau đớn, khắp thân thể của dì đâu đâu cũng có những vết roi, vết cào, vết sước, vết cấu xé, vết trước chưa lành, vết sau còn tươi rói chồng chất lên nhau.

Khi tỉnh dậy, dù tra khảo bao nhiêu, dì nhất định cắn môi ứa nước mắt không nói. Trong đôi mắt màu đen thẫm lóng lánh một tia tím rất lạ như vết sướt của kim cương đó, chỉ có bừng bừng một cơn sốt tình yêu hơn là đau đớn thể xác.

Nhà ngoại tôi chưa hết xao xác về bí mật khủng khiếp của ông Docteur cao ngạo lạnh lùng này, thì chồng dì Hường bỏ nhà ra đi. Cùng với một cô y tá trẻ. 

Trong khi bà ngoại tôi thở phào nhẹ nhõm, thì dì Hường trở về lại căn nhà cổ xanh xao như một xác chết. Từ đó linh hồn của dì Hường cũng tắt lịm , dần dần khắp căn nhà lạnh luôn rì rầm hơi thở thì thầm bồn chồn:

- Trở về đây yêu em!

Hơi thở đó vẫn không ngưng thì thào sau khi dì Hường đã chết, một đêm không có gió, không có cả tiếng sóng đập vào chân tường, như gió và sóng chỉ ngừng trong một ngày. Nghe nói căn phòng của dì tràn ngập hoa Lys, mùi thơm đặc quánh như nỗi đau vón cục đó một tuần sau vẫn bao phủ căn nhà.

Cho đến bây giờ vẫn vương vất khắp các bức tường.

Cho đến bây giờ hoa Lys không bao giờ được cắm trong nhà ngoại.

Cho đến bây giờ các bà dì vẫn chằm chặp rình rập mấy cô con gái Công Tằng Tôn Nữ mắt đen đến tuổi yêu trong nhà như rình lò thuốc súng.

Mấy chị họ của tôi, chị nào cũng đẹp. Nhưng mà ướt át nhất, gần giống với nhan sắc dì Hường nhất chỉ có chị Nhường chị. Dì Hai của tôi sinh ra hai đứa con gái, Nhường chị và Nhường em. Nhường em cao ráo sinh động,khỏe mạnh, da nâu bánh mật bao nhiêu thì Nhường chị dịu dàng, mềm mại, như một cành liễu rũ bấy nhiêu.

Chị Nhường chị chơi thân với tôi, mặc dù tôi học kém chị đến hai lớp, chỉ vì chị mê ông thầy dạy văn của tôi. Ông thầy này cũng gầy xương, cũng lạnh lùng không kém ông dượng Docteur ngày xưa của dì Hường, là tôi đoán như vậy, nhưng có giọng giảng văn say sưa, trầm ấm, truyền cảm như lên đồng, và đôi mắt sáng như điện. Chị Nhường thầm yêu thầy từ ngày học lớp 10 mà không dám nói, đến năm lớp 12, sắp tốt nghiệp đến nơi mới cuống cuồng si mê.

Chiều nào chị Nhường cũng xin phép qua nhà tôi ôn bài, chưa kịp phủi chân đã nhảy lên giường nằm, ôm cứng chiếc gối ôm vào lòng, mở tròn mắt, say sưa bắt tôi kể chuyện thầy dạy Văn. Bao giờ cũng có nhiêu đó câu hỏi lập đi lập lại:

- Thầy có nói gì hông? Thầy có nhắc đến tên chị hông? Hôm nay Thầy giảng bài gì? Có hay hông? Thầy đọc thư của chị chưa? Có trả lời cho chị hông?

Ngày nào tôi cũng chỉ có một cái lắc đầu. Cũng không dám tả cho chị nghe cái chau mày tối sầm của thầy khi nhận thư "của chị em" mà hết hai phần ba lá thư là do tôi tự biên tự diễn nhờ là học sinh giỏi văn cưng của thầy, sau đó là cục lơ lạnh như tảng băng ngầm ném ra cho con mắt đau đáu trông chờ thư trả lời của tôi.

Nhưng hôm nay tôi cắn môi tung một tin sét đánh:

- Hôm nay thầy từ biệt, chuẩn bị chuyển về tỉnh dạy.

Làn da trắng hồng của chị Nhường chuyển sang sắc xanh tái, nước mắt bắt đầu ngân ngấn và đôi môi hồng đầy đặn run run:

- Thiệt hông? Giờ chị phải làm sao đây Út? Chị không thể sống thiếu thầy được!

Trời ơi, tôi than thầm trong bụng, giờ mới hiểu "không thầy đố mày làm nên" là như vậy đây!

Rồi chị chuyển sang khóc ròng ròng, nước mắt đầm đìa như mưa:

- Điệu này chắc chị chết quá, sống không nổi, Út à!

Tôi quýnh quíu hết tay chân, hình ảnh dì Hường và đôi mắt bồn chồn lên cơn sốt, đôi môi run rẩy thì thầm miên man trong căn nhà cổ hiện lên làm tôi rùng mình. 

- Từ từ để em tính cái coi. Nhường cuống quít lên làm em hoảng quá à!

Những lời rì rầm từ đôi mắt dì Hường ong ong trong đầu tôi. Tôi ôm chầm lấy chị Nhường:

- Em có cách rồi, nhẹ nhàng không được thì phải dùng biện pháp mạnh thôi! Năn nỉ không được thì hăm dọa, khủng bố! 

Tối đó hai chị em đi tới khuya mới về, rón rén chui vào giường, hai chân còn lạnh ngắt, lá me trước ngõ nhà thầy rụng như mưa trên đầu. Cả đêm người chị Nhường như lên cơn sốt, áp chặt vào lưng tôi, hơi thở nóng hầm hập.

Trời vừa mờ sáng, mẹ đã lay tôi và chị Nhường dậy:

- Thầy dạy văn tìm con kìa.

Hai chị em run rẩy chạy lập cập ra ngoài cổng rào. Thầy đứng đó, bên giàn hoa bông giấy, màu áo chemise trắng nổi bật bên màu hoa tím, tay cầm xấp giấy dày cộp. Chị Nhường phong phanh trong áo lụa, run rẩy trong gió sớm, làn môi hồng nhợt nhạt như bông hoa mắc cở. Thầy chau mày nhìn đăm đăm vào chị Nhường:

- Hai em dán mấy cái poster này lên hàng cây trước nhà tôi? Hai em gan thiệt! May mà tôi dậy sớm tò mò đọc thử, rồi tịch thu nếu không thì hai em gặp rắc rối rồi. Vừa can tội làm mất vệ sinh vừa dán quảng cáo không xin phép trước, nội dung thì gây hoang mang khó hiểu!

Chợt một nụ cười ấm áp thoáng qua rất nhanh trên môi thầy. Thầy dúi vào bàn tay run lẩy bẩy của chị Nhường một lá thư mỏng:

- Tôi gửi em lá thư cảnh cáo. Riêng mấy tờ poster này tôi sẽ giữ lại làm bằng chứng.

Và thầy quay lưng đi.

Cho đến bây giờ, chị Nhường vẫn còn giữ những tờ giấy A4, in chữ to đậm "Hãy trở lại yêu em!", "Xin anh đừng đi!" và lá thư hồng chỉ có một dòng chữ nghiêng "Tôi sẽ trở lại yêu em" ép sau lưng tấm hình cưới phóng to. 

Vẫn đôi mắt bừng bừng như đang lên cơn sốt hao hao giống dì Hường , chỉ khác đôi môi hồng đầy đặn ngây ngất cười, bên cạnh anh thầy dạy Văn trong nét mày nhẹ nhõm không chau. Và hai bàn tay đan vào nhau chặt không muốn rời!

UYÊN LÊ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tư 20244:07 CH(Xem: 9363)
On the evening of December 21, 1946, the Bach Mai radio resumed its operations somewhere in the province of Ha Dong after a day of silence. One of its broadcasts was Ho Chi Minh’s appeal to the Viets for a war of resistance. He reportedly said: The gang of French colonialists is aiming to reconquer our country. The hour is grave. Let us stand up and unify ourselves, regardless of ideologies, ethnicities [or] religions. You should fight by all means at your disposal. You have to fight with your guns, your pickaxes, your shovels [or] your sticks. You have to save the independence and territorial integrity of our country. The final victory will be ours. Long live independent and indivisible Viet Nam. Long live democracy.
09 Tháng Giêng 202511:36 SA(Xem: 1055)
Tháng 5 năm 1990, chúng tôi sang Quận Cam, nhà văn Mai Thảo dẫn đến thăm và giới thiệu với một họa sĩ, mà chúng tôi chưa quen: Khánh Trường. Mai Thảo cho biết Khánh Trường dự định ra một tập san văn học, đăng những tác phẩm ở trong và ngoài nước, và cần được giúp đỡ. Đó chính là Mai Thảo: ông ghét cộng sản, vì cái chết của Vũ Hoàng Chương và bản thân ông bị truy lùng trong gần hai năm, trước khi vượt biển, thoát. Ông không đọc tác phẩm trong nước, nhưng «đứa nào» làm chuyện hòa giải, giao lưu, ông ủng hộ; «đứa nào» bị đánh, ông tận tình bênh vực và giúp đỡ. Ở Mai Thảo là hai chữ Tự do đúng nghiã mà nhiều người Việt không hiểu, dù họ sang Mỹ để tìm «tự do». Bên cạnh Mai Thảo, Nhật Tiến cũng công khai ủng hộ Khánh Trường. Lập trường giao lưu của Nhật Tiến ai cũng rõ. Đó là hai nhà văn đàn anh, đứng đằng sau Hợp Lưu, trụ đỡ Khánh Trường trong những ngày sóng gió. Phía chống Hợp Lưu, cũng không thiếu những cây đa cây đề. Mai Thảo sang Paris cùng với Khánh Trường, để ra mắt Hợp Lưu số 1.
07 Tháng Giêng 202510:28 CH(Xem: 781)
Anh với tình quên cả rừng thơ / Dỗ trái tim trở chứng dại khờ / Tập ảnh cũ nụ cười ở lại / Con đường về xốc nổi lời ca
07 Tháng Giêng 20259:23 CH(Xem: 930)
đưa em qua ngõ phù vân / kịp mùa xuân chạm đến gần nở hoa / anh đi mang nặng tính nhà / gởi theo hương tóc phồn hoa giữa trời /
07 Tháng Giêng 20259:15 CH(Xem: 918)
không hẳn là nhớ, không hẳn thương / chỉ một chút vấn vương / những mảnh rời rạc của giấc mơ rất ngắn / không phải Hồ Gươm hay cầu Thê Húc / nhưng là con đường dốc đưa lên đỉnh Phượng Hoàng / mây trắng và cơm lam / tiếng cười cao và trăng hoa đáy mắt /
07 Tháng Giêng 20258:42 CH(Xem: 562)
Nắng ươm cánh mai vàng lên mùa tươi mới / những cánh én mang tới niềm vui mùa Xuân / vườn xanh muôn hoa đơm mật ngọt / mê mẩn bướm, ong lơi lả hương ngần /
06 Tháng Giêng 202510:10 CH(Xem: 800)
Mười lăm năm trước, vào cuối mùa thu, tôi có chuyến đi đến sa mạc Sahara ở Maroc. Tôi đã mang trong mình "cảm giác sa mạc" trước và trong khi viết tập thơ SA MAC (1975). Sau khi lấy bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư Dr.-Ing. tại Viện Đại học Kỹ Thuật Stuttgart, tôi đã có một chuyến đi dài ngày xuyên nước Mỹ vào năm 1977 để xem liệu mình có thể định cư, làm việc và sinh sống ở đó hay không. Trong suốt hành trình dài xuyên Bắc Mỹ, cảm giác về cuộc sống sa mạc dần dần mạnh mẽ hơn trong tôi.Tôi trở về Đức, nơi tôi sống và học tập từ năm 1967. Tôi sống từ đó cho đến ngày nay (2025). Tôi bắt đầu làm quen với triết học và âm nhạc Đức từ rất sớm, khi mới 16-17 tuổi. Trên thực tế, Heidegger và Bach là lý do khiến tôi học ở Đức chứ không phải ở Pháp, Anh hay Mỹ...
06 Tháng Giêng 20252:41 SA(Xem: 863)
Nhớ anh đi lạc trong Thung Mây / Làm sao ra thoát khỏi anh đây / Sương mù dày đặc trong tâm thức / Rượu cần không uống mà em say
03 Tháng Giêng 20256:27 CH(Xem: 537)
Yosano Akiko (1878-1942) là nhà thơ, nhà cải cách xã hội và nhà nữ quyền tiên phong Nhật Bản. Bà được ngưỡng mộ như là nữ thi sĩ lớn nhất nhưng gây tranh cãi nhất của Nhật Bản thời hiện đại. Bà đóng góp một phần lớn trong việc cải cách thể thơ tanka phổ biến với lịch sử trên 12 thế kỷ thành một thể thơ hiện đại. Những bài thơ dưới đây là từ tuyển tập thơ “Tóc Rối” (Midaregami) qua bản dịch tiếng Anh của Roger Pulvers. Đây là tập thơ đầu tiên và cũng nổi tiếng nhất của bà được xuất bản năm 1901 khi bà mới 23 tuổi và nó gây một chấn động văn hóa lớn.
03 Tháng Giêng 20253:32 CH(Xem: 1029)
Hoang vu rất mực áo dài / Lên núi ngồi thở tóc mai bệt hồng / Nàng chưa từng thấy sương không / Hồn tôi mộ địa đã thông suốt trời / Chuông đồng lệch tiếng kinh rơi /