- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Bên này bờ Thái Bình Dương…

23 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 38793)
Tôi khăn gói quả mướp về Nam Cali đã gần một năm nay, nhưng chưa dứt được cái rễ với Oregon, cái tiểu bang nghèo nàn song nổi tiếng về các chương trình bảo vệ môi trường nằm lọt thỏm giữa hai tiểu bang với nền kinh tế cũng như dân số khá đồ sộ, đó là Washington ở phía bắc giáp ranh với Canada và California trấn phía nam sát biên giới Mexico, cùng nằm dọc theo bờ biển miền Tây nước Mỹ.

Trong khoảng thời gian chưa tới một năm ở Cali, nơi thực ra thì tôi đã định cư từ hồi qua Mỹ cho tới đầu thế kỷ 21, tôi cũng đã chạy lên chạy xuống cái West Coast này tới ba lần, mỗi lần lái xe một mình cả 15 tiếng, bạn bè nghe ai cũng lè lưỡi lắc đầu, nhưng ít ai hiểu được niềm vui đường trường của tôi. Tại sao tôi vẫn chưa chịu ở yên một chỗ, vài người hỏi. Mắc chứng gì mà tại sao tôi cứ phải chạy lên chạy xuống dọc theo bờ biển miền tây Hoa Kỳ dài trên 1,200 miles này mà không biết mỏi, biết chán. Tại sao tôi chưa dứt được với tiểu bang nhiều mưa Oregon, có bạn thắc mắc, có cái gì ở đây lôi cuốn tôi khiến tôi chưa dứt được. Một năm nữa tôi sẽ bước sang tuổi 70 – đúng ra theo tuổi ta, tính cả chín tháng trong bụng mẹ coi như một tuổi, thì tôi đã “thất thập cổ lai hi” rồi -- tại sao tôi chưa chịu dừng chân.

Bờ biển miền Tây Hoa Kỳ

Hồi xẩy ra trận khủng hoảng địa ốc với giá nhà tuột dốc thê thảm khiến nhiều người rơi vào cảnh tán gia bại sản và cũng không thiếu người trở thành dân vô gia cư sống lây lất đó đây, một chị bạn bên Florida rủ tôi sang đó mua một căn trong chung cư mà giá từ trên 200 ngàn đô xuống chỉ còn mấy chục ngàn. Tôi lắc đầu: đơn giản vì tôi không hình dung được mình đứng bên bờ biển Đại Tây Dương ngóng sang… Âu châu.

Thật vậy, một cách tình cảm thì tôi thích được đứng bên này bờ Thái Bình Dương để còn được… ngóng về quê mẹ, để nghe “ruột đau chín chiều”, không cho mình mà cho dân tộc vẫn, sau gần 40 năm thống nhất hoà bình độc lập nhưng không có tự do, mà vẫn còn điêu đứng, lầm than trăm chiều. Bên cạnh một môi trường tan nát vì phát triển kinh tế vô tổ chức và vô cùng hỗn độn, một nền giáo dục ngu dân, là cái họa mất nước trước sự xâm lấn dần dần từ biển đảo tới núi rừng Việt Nam của Trung Quốc, mà biểu tình để bầy tỏ niềm ưu tư và lòng yêu nước thì bị chính quyền cộng sản đàn áp, bắt bớ, vùi dập, hết sức vô lý và nghịch tình.

Khi chồng tôi về hưu, gia đình tôi lúc ấy đang sống ở vùng chân đồi Quận Vàng (El Dorado) ở Bắc California, giữa rừng cây sồi và thông ngó xuống thung lũng Coloma, nơi vào giữa thế kỷ 19 diễn ra vụ Gold Rush khi James Marshall tìm thấy một cục vàng lóng lánh sáng ngời trong đất khi đang đào móng để xây một xưởng cưa cây bên bờ sông American River. Sau 20 năm sống trong rừng, chồng tôi nói muốn về hưu ở nơi nào gần biển. Anh sinh ra và lớn lên ở Copenhagen, Denmark, nên biển là một phần lớn của đời sống của anh. Chúng tôi mấy lần đi dọc theo bờ biển ở California nhưng không tìm thấy nơi nào vừa túi tiền. Hồi ấy cô con gái út đang theo học Đại học Tiểu bang Humboldt ở tỉnh Arcata, gần biên giới Oregon, nên chúng tôi thường đi thăm cháu luôn thể tìm hiểu về vùng cực bắc của Cali, vùng vốn được mệnh danh là quê hương của loài cây gỗ đỏ - the redwood country.

Tôi yêu bờ biển miền Tây Hoa Kỳ, ngoài lý do để có dịp đứng bên này bờ Thái Bình Dương, còn vì thiên nhiên dọc theo vùng này. Thương nhất là những cụm rừng cổ thụ gỗ đỏ (redwood) ngạo nghễ và có vẻ gì đó như thiêng liêng khiến mình sững sờ, nghe tâm tư lắng đọng. Loài cây này chỉ mọc ở vùng cực bắc Cali, gọi là giant redwood (khác với loại đại thụ sequoia mọc dọc theo sườn phía tây của rặng Sierra Nevada trong tiểu bang California). Giống cây đại thụ đỏ này chỉ mọc dọc theo bờ biển ở vùng cực bắc Cali, nơi có sương mù ẩm ướt, là loại cây cao nhất thế giới, tới 378 feet, đường kính trung bình ở gốc cây tới 22 feet. Cây sequoia thấp hơn, cao nhất là 311 feet, nhưng đường kính gốc cây rộng hơn, tới 44 feet, nặng hơn, do đấy được coi là loài cây lớn nhất thế giới, và thường chỉ mọc trên cao độ từ 4,000 feet trở đi.

trungduong_bnbtbd_1-content 

Loài đại thụ sequoia cũng là giống gỗ đỏ, không cao bằng loài đại thụ redwood nhưng vạm vỡ hơn, và chỉ mọc ở cao độ 4,000 feet. Hình bên trái chụp vợ chồng người bạn, anh chị Thiên và Thương, đến chơi từ Vancouver vào một mùa hè; và hình giữa, chụp cô bạn Nguyệt Hồng đến từ Saigòn vào một mùa đông đang ngửa cổ… đo chiều cao của cây, cả hai hình chụp trong công viên Calaveras Big Trees. Hai nơi để xem đại thụ sequoia là Calaveras Big Trees và Sequoia National Park ở trung phần của California. Hình bên phải là rừng redwood Jedediah Smith Redwood State Park, một trong những cụm rừng gỗ đỏ mọc dọc theo bờ biển cực bắc Cali. Trong hình là anh chị Nguyễn Tường Thiết và Thái Vân đến chơi từ Seattle. (Ảnh Trùng Dương, 2006 và 2009)

Mỗi lần lái xe dọc theo xa lộ 101, còn có tên là redwood highway, khoảng gần thành phố Eureka nằm ở cực bắc Cali, hễ có nhiều thì giờ là tôi phải lấy Avenue of the Giants, tức Đường Đại Thụ, là con đường song song với đường 101 xuyên qua những cụm rừng redwood, để có dịp hít thở hương thơm của cây redwood và ngắm nhìn những thân cây vạm vỡ, thẳng đứng sừng sững như muốn hoà vào với trời mây. Một lần tôi có dịp đi xuyên Avenue of the Giants đúng vào lúc trời mưa. Không kềm lòng được, tôi đậu xe, lôi cây dù vẫn thủ sẵn trong xe ra rồi cứ thế đi tung tăng, tự dưng xúc động tới muốn ứa nước mắt.

Và tôi càng thấm thía hơn tại sao vào cuối thập niên 1990 có một người phụ nữ trẻ tên Julia Butterfly Hill (*) đã leo lên sống 738 ngày cả thẩy, bất kể nắng mưa gió bão, từ ngày 10 tháng 12 năm1997 tới ngày 18 tháng 12 năm 1999, trên một cái cây redwood khoảng 1,000 tuổi, mà cô đặt tên là Luna, để ngăn không cho hãng Pacific Lumber Company, là chủ nhân của cụm rừng có cây đại thụ này, đốn xuống làm thành ván xây nhà. Việc làm của Julia đã gây tiếng vang khắp nước Mỹ và thế giới. Về sau, để Julia bằng lòng rời khỏi Luna, hãng Pacific đành nhượng bộ, bằng lòng sang cây này lại cho Julia và những người hỗ trợ cô, với giá 50,000 Mỹ kim. Pacific cũng thỏa thuận lập một vòng đai bảo vệ rộng 200 feet đường kính xung quanh Luna. Nhờ hành động can trường này của cô Julia, Luna trở thành thân quen không chỉ với người yêu thiên nhiên tại Mỹ mà cả thế giới. Do đấy, khi một năm sau khi cô Julia xuống khỏi Luna, vào một ngày tháng 11 một người nào đó đã đem cưa máy vào cắt một vòng sâu vào gốc cây xung quanh Luna, gây bất bình nơi nhiều người khắp nơi.

trungduong_bnbtbd_2-content 

Hình trên bên trái, vào năm 1997, Julia Butterfly Hill, lúc ấy mới 23 tuổi, leo lên cây đại thụ gỗ đỏ khoảng 1,000 tuổi mà cô đặt tên là Luna, lập một cái sàn ở độ cao 180 feet và sống trên đó, quyết định tử thủ để ngăn hãng Pacific Lumber Co. chặt cây đó xuống làm ván. Sau hai năm chịu đựng nắng mưa gió bão của trời và của cả giới truyền thông, cô Julia đã thành công trong việc cứu được Luna và tạo sự quan tâm quốc tế về việc khai thác lâm sản tại các khu rừng già. (Ảnh Internet) Bên phải, hình bìa cuốn sách The Legacy of Luna do Julia viết về kinh nghiệm bảo vệ Luna, do nhà HarperCollins Inc. xuất bản năm 2000. (Ảnh amazon.com)

Ô, và đấy mới chỉ là chuyện rừng cây cổ thụ gỗ đỏ dọc theo bờ biển Thái Bình thôi. Còn nhiều chuyện, cảnh dọc theo bờ biển miền Tây này nữa kể ra chắc phải cả cuốn sách. Và đấy là chưa kể những vườn cây, ruộng rau mà tôi cũng yêu nữa dọc theo xa lộ xuyên bang 5. Tôi thích nhất là những lần lái xe dọc theo xa lộ 5 khoảng trên và dưới thủ phủ Sacramento vốn là cái nôi nông nghiệp của Cali, với những ruộng rau, lúa và vườn cây ăn trái bạt ngàn, rải rác đó đây dọc theo những vườn cây ăn trái là những hộp tổ ong sơn trắng, đôi khi bằng những mầu pastel khác nhau, mà các nhà nông mướn của những người nuôi ong để giúp hoa thụ phấn mà đơm trái. Tôi thường ngất ngây nhìn những vườn cây ăn trái hoa nở trắng xoá hoặc mầu hồng nhạt, và nghĩ tới từng bầy ong mật bận rộn hút nhị, chuyền hết bông này tới bông kia với những cái chân nhỏ mong manh nhưng dính đầy phấn hoa để giúp hoa thụ phấn mà đơm trái.

trungduong_bnbtbd_3-content 
Những hộp tổ ong sơn mầu trắng do nhà vườn mướn của các nhà nuôi ong mật vào mỗi cuối đông hoặc đầu xuân tại Bắc Cali để ong giúp hoa thụ phấn đơm trái. Mặc dù có những giống khác như bướm, dơi và chim như loài hummingbird cũng giúp thụ phấn, nhưng hai phần ba trái cây và đậu ta dùng là do kết quả của công lao thụ phấn của ong mật. Các khoa học gia và nhà nông nghiệp kết luận nếu trên trái đất này không còn ong mật nữa thì loài người chỉ có thể tồn tại được bốn năm. (Ảnh Trùng Dương, 2010)

Nghĩ tới loài ong mật thì tôi lại không khỏi nhớ tới những bài báo và phim tài liệu về một hiện tượng khiến các nhà nuôi ong ở Mỹ cũng như bên Âu Châu rất lo ngại, đó là hiện tượng ong thợ bỗng dưng biến mất, tiếng nhà nghề là “colony collapse disorder” (CDD, tạm dùng cụm từ “chứng rối loạn sụt giảm bầy đàn”), diễn ra từ giữa thập niên 2000 tới nay. Riêng tại Mỹ, khoảng từ 20 tới 40 phần trăm tổ ong, ước khoảng 50 tỉ ong mật, đã bị hủy hoại bởi hiện tượng CCD. Có nhóm nghiên cứu quy trách nhiệm vào việc nông gia từ một thập niên qua gia tăng sử dụng thuốc trừ sâu có lượng neonicotinoid cao đã ảnh hưởng tới ong bị mất hướng không tìm được đường về lại tổ và chết ở đâu đó. Có nhóm nghiên cứu lại quy trách nhiệm CDD vào một loài nấm mới, vào virus, vào một loài ký sinh trùng sống trên mình ong mật, và vào các hoạt động của con người đã phá vỡ trật tự sinh hoạt của ong mật, khiến chúng mất môi trường sống và bị nhiễm nhiều loại vi rút cũng như nhiều loại nấm. Ong rất cần cho nông nghiệp, ai cũng đã biết. Hai phần ba trái cây và đậu có được là do ong nuôi và ong tự nhiên thụ phấn. Chính nhà khoa học Albert Einstein cũng từng nói, nếu ong mật biến mất khỏi mặt đất thì con người chỉ tồn tại được bốn năm sau đó.

Tình cờ Bandon

Sau nhiều thảo luận, vợ chồng tôi rủ nhau đi lên Oregon tìm nơi về hưu. Oregon là một trong vài tiểu bang không thu thuế hàng bán (sales tax). Đi ngang qua Oregon mà bạn cần đổ xăng, bạn phải chờ nhân viên trạm xăng đổ xăng cho bạn chứ không được tự đổ xăng lấy, có lẽ để tạo công ăn việc làm cho một số người.

Song cái lôi cuốn chúng tôi nhất, phải kể tới luật trợ tử, tức Death with Dignity Act, có nghĩa là quyền xin y sĩ giúp cho mình chết nếu bị bệnh nan y vô phương cứu chữa và sẽ chết trong vòng sáu tháng. Luật này nguyên là một đề luật (initiative) do dân Oregon khởi xướng và bỏ phiếu thuận từ năm 1994 nhưng mãi tới 1997 mới được áp dụng sau khi đa số dân Oregon bỏ phiếu chống đề luật đòi hủy bỏ Death with Dignity. Nhưng phải mãi tới năm 2006 luật này lên tới Tối cao Pháp viện Mỹ và được tòa này bỏ phiếu gián tiếp công nhận luật Death with Dignity khi phán quyết rằng đấy là quyền của tiểu bang và chính phủ liên bang, hồi ấy là chính quyền của Tổng thống Bush (con), không được xía vào đòi treo bằng các y sĩ tham dự vào việc viết toa thuốc độc cho các bệnh nhân nan y muốn được giúp kết liễu đời mình. Ngoài Oregon, tiểu bang Washington (cũng qua hình thức initiative), Montana (qua một án lệ của toà Tối Cao) và Vermont (qua lập pháp) cũng đã có luật này.(**)

Chúng tôi đặt chân tới Bandon do một sự tình cờ, qua lời giới thiệu của con gái út. Đó là một thành phố nhỏ có dân số khoảng 3,000 người, với một số đông là dân về hưu, nằm ngay bên bờ biển, dọc theo xa lộ 101 cách biên giới với tiểu bang Cali khoảng 1 giờ lái xe. Như nhiều người dân về hưu tại đây mà tôi gặp sau này, chúng tôi “phải lòng”Bandon ngay khi mới đặt chân tới, nơi có những bãi cát mịn trải dài, điểm đó đây là những tảng đá đủ mọi hình thù kích thích trí tưởng tượng mặc sức hình dung ra mọi hình người và thú. Một trong những hòn đá đó đã đi vào văn học sử Việt Nam hải ngoại khi anh Nguyễn Tường Thiết, tác giả “Nhất Linh Cha Tôi”, cùng vợ là Thái Vân và Trần Mộng Tú cùng chồng là anh Frank từ Seattle xuống Bandon chơi và được tôi đưa ra thăm, đã đặt tên hòn đá là Hòn Vua vì nhìn từ phía bắc xuống, hòn đá trông giống y trang một vì vua đang ngồi, với mũ mãng tề chỉnh và... ngóng ra biển.(***)

Đây cũng là nơi dừng chân của nhiều loài chim thiên di trên đường di trú hàng năm. Ngoài khơi là đường di trú của loài cá voi xám vào mỗi đầu mùa xuân và đầu mùa thu, nếu có ống nhòm tốt và đủ kiên nhẫn có thể thấy chúng hoặc trên đường bơi lên Bắc cực đề kiếm đồ ăn hoặc xuôi nam về vịnh Baja California thuộc Mexico để sanh và dưỡng con. Chúng tôi “phải lòng” Bandon ngay tức thì cũng phải thôi.

Đó là cuối hè năm 2001 khi chúng tôi ký giấy mua miếng đất cách bờ biển có hai trăm bước. Tiếc là sau sáu tháng thuê phòng ở quán trọ Cái Bàn Đá ở bên kia đường trong khi theo giõi thợ thuyền xây móng và ráp dựng ngôi nhà tiền chế trên miếng đất mới mua, chồng tôi dọn vô ngôi nhà mới ở chưa đầy hai tuần thì and bị một cơn động tim, rồi ra đi vài ngày sau đó. Anh bỏ lại căn nhà với các khung ảnh gia đình còn vương vãi trên nền nhà trong phòng khách – anh bị động tim bất tỉnh trong khi đang trang hoàng nhà để đón tôi lên chơi vì lúc đó tôi còn đang làm việc ở Bắc Cali. Mẹ con tôi sau đó đã đem tro của anh ra biển Bandon trải. Anh qua đời tính ra đã được tròn 10 năm vào tháng Tư vừa rồi.

 

trungduong_bnbtbd_4-content


Hình trên, bãi biển Bandon, một phần trong vùng môi sinh được bảo vệ tên là Oregon Islands National Wildlife Refuge, nằm dọc theo bờ biển Oregon và dài tới 320 miles. Phải, “Hòn Vua”, một tảng đá ở bãi biển phía tây nam Bandon trông giống như một ông vua Việt Nam ngồi, với mũ áo tề chỉnh trang nghiêm, ngóng ra biển Thái Bình Dương. (Ảnh Trùng Dương, 2010)

Sau khi về hưu, tôi dọn về căn nhà bên bờ biển này, với nhiều dự án trong đầu. Lần đầu tiên tôi thấy mình thực sự sống trong một khung cảnh lý tưởng. Còn gì lý tưởng bằng một ngôi nhà bên bờ biển, không nợ nần lệ thuộc vào ai, và hoàn toàn tự do làm chủ lấy đời mình. Đây cũng là thời kỳ tôi trở lại với viết lách, bên cạnh thú vui nhiếp ảnh và du lịch. Hàng năm, với chiếc Honda Hybrid vừa chạy xăng vừa chạy điện, tôi đi lên đi xuống dọc theo bờ biển miền Tây nhiều lần, có lần đi sang cả Vancouver, B.C. thuộc Canada (tôi không dám mạo hiểm lái xe sang Tijuana thuộc Mexico), do đấy bờ biển miền Tây Hoa Kỳ trở thành thân quen, tới độ nhiều khi trên đường thiên lý đêm khuya chỉ có mình tôi dong duổi mà tôi vẫn cảm thấy an toàn, kể cả vào mùa đông hay trong cơn mưa xối xả. Tôi ngán nhất tuyết, nên vào mùa đông tôi thường chọn đường 101 đi dọc theo bờ biển, không dám dùng xa lộ 5 phải đi qua vài cái đèo cao thường có tuyết phủ, dù cảnh trí rất đẹp.

Bà chị tôi, định cư ở San Diego từ 1975, rất buồn thấy tôi chọn Bandon để về hưu. Chị nói: “Tưởng cô về hưu dọn về dưới này cho có chị có em. Sao lại dọn đi xa thêm nữa là thế nào? Anh chị em 11 đứa, giờ chỉ còn vài đứa với nhau. Chị là người lớn nhất, bệnh hoài, chả biết đi lúc nào…” Tôi nghe cũng mủi lòng, nhưng tìm cách trấn an chị: “Để sống thử vài năm xem thế nào. Với lại, em vẫn chẳng thường đi lên đi xuống Nam Cali thăm chị thăm em, đây sao!”

Sống ở Bandon được nửa thập niên, một mình đương đầu với những mùa đông gió bão, có trận thổi bay cả một phần mái nhà, tôi bắt đầu… thấm đòn. Dù có theo chủ trương khắc kỷ cách mấy, có lúc tôi cũng phải nhận là mình cảm thấy hiu quạnh một mình đi ra đi vào căn nhà rộng thênh thang. Bạn bè ở xa muốn tới chơi, phải lái xe nhiều dặm đường, có ham lắm rồi cũng chùn chân vì… lớn tuổi, tới chơi chỉ được một lần, rồi thôi, mặc dù tôi mời gọi. Con cháu thì bận làm, học, giỏi lắm một năm một lần ghé chơi. Thêm vào đó là nỗi lởn vởn trong đầu tôi cái chết của chồng tôi. Anh bị động tim, bất tỉnh nằm trên sàn nhà tới hai ngày mới được một ông hàng xóm khám phá ra, do đấy đã quá trễ. Tôi lo cho các con tôi nhiều hơn, nếu lỡ có chuyện gì xẩy ra cho tôi, phải bỏ công ăn việc làm chạy lên lo cho tôi, tội chúng. Nên cuối cùng tôi đành cuốn gói rời Bandon xuôi nam, nhưng vẫn nuối tiếc giữ nơi cư trú ở Oregon, phần lớn vì cái luật trợ tử, dù vẫn hy vọng sẽ không phải dùng tới nó.

Và tôi vẫn đi lên đi xuống dọc theo bờ biển miền Tây Hoa Kỳ. Được hỏi khi nào ngưng, tôi chỉ biết cười và trả lời là tới khi nào không còn lái xe được nữa. Tôi thèm những lúc thả hồn giữa những cụm rừng đại thụ gỗ đỏ cao thấu trời mây; giõi theo những cánh chim thiên di hàng năm không biết mỏi, và tưởng tượng từng đàn cá voi bận rộn xuôi nam ngược bắc ngoài khơi; để tưởng nhớ tới người chồng quá cố đã đưa bờ vai cho tôi tựa những bước đầu tị nạn; để đắm mình giữa khung cảnh thiên nhiên nơi những bãi biển nhờ được luật pháp bảo vệ nên sẽ được giữ nguyên trạng thiên nhiên không ai được quyền khai thác bên này bờ Thái Bình Dương; và để ngóng về quê mẹ chưa một lần về thăm….


TRÙNG DƯƠNG

[ 2013/05]

 

Ghi chú:

(*) Xem thêm về Julia Hill tại http://en.wikipedia.org/wiki/Julia_Butterfly_Hill

(**) Xem thêm bài về luật trợ tử tại http://www.diendantheky.net/2013/05/trung-duong-ve-quyen-uoc-chet-khi-bi.html

(***) Nguyễn Tường Thiết, “Hòn Vua ở Bandon”, http://www.diendantheky.net/2011/08/hon-vua-o-bandon.html. Cũng nhân chuyến viếng thăm này của các bạn từ tây bắc, tôi có cảm hứng viết bài “Trông vời quê mẹ…”, về pho tượng thiên nhiên đã gợi liên tưởng tới ba vì vua nhà Nguyễn bị chính quyền thuộc địa Pháp đầy đi biệt xứ vì âm mưu lật đổ Pháp, tại http://damau.org/archives/10762.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Hai 202310:17 CH(Xem: 6361)
Bài thơ viết ngoài công lộ / Bị tuần cảnh chặn gắn giấy phạt / Lý do những con chữ không thắt dây an toàn /
13 Tháng Hai 20232:28 SA(Xem: 6363)
Con đường phía trước còn dài, chúc ai vững bước, dùi mài chí kia, ngày mai rồi hết phân ly, quê hương, bốn bể, một bề lành an, nhắc ai dừng bước gian tham, nhất là quyền lực, bạo tàn, hại dân
13 Tháng Hai 20232:24 SA(Xem: 6242)
Nhớ lại những tháng năm xưa thời còn ở quê nhà. Đêm giao thừa sau khi đặt mâm cúng xong cả nhà mình đều xuất hành về hướng đông đi lễ chùa, má mặc áo dài màu nâu còn mình và bọn trẻ lại mặc đồ tây bình thường theo má. Má lạy Phật lạy hương linh ông bà chùa Long Khánh rồi sang chùa Tâm Ấn cũng như thế. Mình nhớ ngày ấy trời trong lắm lại mang hương xuân lành lạnh, đường phố sạch đẹp và đâu đó vẫn còn lác đác vài người phu quét lá bên đường còn sót lại. Mình hít hương xuân ngày đầu năm mới vào hồn với cả hân hoan.
13 Tháng Hai 20232:10 SA(Xem: 7246)
Dắt xe vào cổng, đập ngay vào mắt tôi là một bộ nâu sồng trong phòng khách. Không lẽ là vị Đại đức yêu văn chương - điện ảnh kết nối FB với tôi mấy tháng trước đã tìm đến, sau khi tôi cho địa chỉ nhà riêng? “Bố! Mẹ Thơm đã về!” Con gái lớn của tôi reo lên hồ hởi khi thấy tôi bước vào. “Mẹ đừng nói, xem bố có nhớ mẹ Thơm của con không?”. Tôi thoáng ngỡ ngàng trước vị ni cô vẻ tiều tụy, rồi nhận ra ngay cô hàng xóm của mình gần 10 năm trước…
13 Tháng Hai 202312:43 SA(Xem: 6917)
順天者存,逆天者亡 Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong Thuận với thiên nhiên thì còn. Nghịch với thiên nhiên thì mất. [Mạnh Tử] “Kế hoạch phát triển nào cũng phải tính tới cái giá môi sinh phải trả – environmental costs – đối với sức khoẻ của người dân và cả trên nguồn tài nguyên lâu dài của đất nước.” Ngô Thế Vinh
06 Tháng Giêng 202312:51 SA(Xem: 7107)
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”. Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào, thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng đọc tiểu sử của thầy, trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường CVA có một năm 52-53, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 51-52. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 54, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Saigon năm 53-60. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Saigon trước năm 54.
06 Tháng Giêng 202312:11 SA(Xem: 6753)
Nguyễn Du chỉ thốt lên một lần duy nhất: Ta vốn có tính yêu núi khi ông Bắc hành, ở đoạn cuối sứ trình; nhưng cái tính đó, ông đã bộc lộ biết bao lần trong 254 bài qua cả ba tập thơ chữ Hán của mình! Ai ham đọc sách mà không biết câu nói có tự cổ xưa: Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn (Kẻ trí thì vui với sông nước, người nhân thì vui với núi non); song cái ý tưởng sách vở thể hiện khát vọng thoát tục thanh cao, mơ ước được tựa vào non xanh để tìm sự yên tĩnh vĩnh hằng của nội tâm đó đã được Nguyễn Du trải nghiệm bằng toàn bộ cảm giác buồn, vui, qua các đoạn đời phong trần của mình, và ông miêu tả chúng qua bao vần thơ chữ Hán thực thấm thía, rung động.
06 Tháng Giêng 202312:02 SA(Xem: 7640)
bạn có thể vừa đi làn trái, lại cũng đi được luôn cả làn phải không hề lăn tăn chi? / và bạn quả thật (đang) làm được thế ư, thậm chí còn nhiều hơn? / vậy bạn đáng nể quá rồi / người siêu nhất trần gian!
05 Tháng Giêng 202311:09 CH(Xem: 7209)
Võ Tòng Xuân, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 (tuổi con rồng / Canh Thìn), tại làng Ba Chúc trong vùng Thất Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Xuất thân từ một gia đình nghèo với 5 anh em. Học xong trung học đệ nhất cấp, VTX lên Sài Gòn sớm, sống tự lập, vất vả vừa đi học vừa đi làm để cải thiện sinh kế gia đình và nuôi các em... Miền Nam năm 1972, đang giữa cuộc chiến tranh Bắc Nam rất khốc liệt – giữa Mùa Hè Đỏ Lửa, Đại học Cần Thơ lúc đó là đại học duy nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), được thành lập từ 31/03/1966 thời Việt Nam Cộng Hòa đang trên đà phát triển mạnh, và đã có khóa tốt nghiệp đầu tiên ra trường (1970). Võ Tòng Xuân đã được GS Nguyễn Duy Xuân (1970-1975) – là Viện trưởng thứ hai sau GS Phạm Hoàng Hộ (1966-1970), viết thư mời ông về phụ trách khoa nông nghiệp – lúc đó trường vẫn còn là có tên là Cao Đẳng Nông nghiệp, với tư cách một chuyên gia về lúa.
17 Tháng Mười Hai 20222:10 SA(Xem: 6624)
Được tin buồn: cụ ông ĐẶNG VĂN NGỮ (Thân phụ của anh Đặng Hiền, cựu hs PTG ĐN niên khoá 75) Sinh năm: 1933 Đã từ trần vào ngày 06 tháng 12 năm 2022 (nhằm ngày 13 tháng 11 năm Nhâm Dần) Hưởng Thọ: 90 Tuổi