tranh Lê Thánh Thư
(Một gợi ý từ họa sĩ Lê Thánh Thư)
Kể từ ngày có người mới về, dãy nhà trọ này thêm ồn ào và chật hẹp. Cái kẻ lập dị ấy, phải đến cả tháng mới giặt quần áo một lần. Hôm nào hắn giặt thì biết ngay, cả khu nhà trọ ai nấy nhường dây phơi cho hắn. Mỗi việc giặt quần áo thôi nhìn cũng thấy ngứa mắt, xả đi xả lại cả chục nước rồi còn ngâm nào nước xả vải, thơm phức. Xanh đỏ, tím vàng có cả, một dãy quần, một dãy áo, khăn tắm, ... ngay ngắn bài bản.
Hắn có rất nhiều bạn bè tới thăm. Trung bình hai ba ngày lại có một cuộc nhậu. Điều này khiến nhiều người thèm thuồng và ghen tị.
Ông chủ nhà chỉ chực cơ hội để tống khứ hắn đi, than hắn dùng nước nhiều, đi khuya về trễ, rồi khách khứa đến hò dô chúc tụng. Dùng nhiều điện nhiều nước hắn cũng có quỵt đâu. khổ thân người già. Chẳng bù cho căn phòng của Thúy, hai người ở mà nhỏ như cái bắt muỗi. Đã thế, cửa sổ nhằm hướng Tây, từ sáng đến chiều nắng hắt vào nóng hầm hập. Quanh năm suốt tháng, bật quạt số lớn nhất. Buổi trưa ăn cơm, mồ hôi vả ra như tắm.
Cả hai cùng muốn có một cái máy lạnh, nhưng không ai nói ra.
Mỗi ngày căn phòng như nhỏ lại, bởi bao nhiêu đồ vật sắm mới, đã thế những thứ không còn dùng được nữa lại chẳng chịu vất đi. Cái gì cũng cho vào thùng cac- ton, rồi xếp chồng lên nhau, một cái đổ thì tất cả đổ thôi. Anh ta biện luận như thế này, dầu gì đồ vật cũng có ký ức, gắn bó với con người, …
Một con chuột chạy qua nhanh như chớp. Đêm chúng rúc rích chẳng cho ai ngủ. Không muốn nói là tự hào, nhưng sự bề bộn của hai người họ cũng dễ thương như Thúy đùa đây chính là một cách rèn luyện trí nhớ. Ví dụ, chiếc kéo để trong một chiếc hộp nhựa, chiếc hộp nằm hộc bàn mặc dù trong hộc bàn có đến hàng trăm món, từ son phấn, gương lược đến tai nghe, sạc điện thoại.
Thúy thua anh một con giáp, nhưng nhìn hai người không chênh lệch là bao. Hai đứa có khuôn mặt giống nhau đến lạ, ra đường nhiều người còn nhầm là anh em ruột. Vậy mà sống với nhau ngần ấy năm, nó vẫn nghĩ về anh như một ẩn số. Nó chỉ giỏi tưởng tượng, như thể chàng cựu sinh viên mỹ thuật của nó có đến bốn, năm phiên bản và hình thù. Mà nếu xảy ra như thế thì đố nó sống được.
Ngay cả bản thân Thúy cũng thế thôi. Bốn ông họa sĩ bạn của anh ta vẽ mỗi ông vẽ một kiểu, đặt cạnh nhau trông thật buồn cười. Ông thì vẽ Thúy có cái mũi vừa thấp tẹt vừa to. Ông thì vẽ cái miệng rộng hoác và cặp môi dầy những muốn chiếm hết cả khuôn mặt. Ông thì vẽ kiểu gì, khuôn mặt đen kịt, với một mớ tóc đen lõa xõa. (Xin lỗi những người vắng mặt, những ông họa sĩ để ký họa chân dung nó. Như nó thú nhận, nó không đọc được ngôn ngữ hội họa, thậm chí là tranh của người yêu nó).
Nó bảo gia tài của nó chỉ có tình yêu. Nó yêu anh hơn tất thảy, yêu cả những thói quen xấu, yêu cả ngón tay cầm điếu thuốc lá, cả làn khói trắng xám, cả mùi thuốc lá trong hơi thở và chẳng dám cắt nghĩa. Cô Phương bảo tình yêu của nó chẳng được xây dựng trên nền tảng cụ thể, khó mà đi đến một đám cưới. Thúy còn quá trẻ, cô Phương khuyên nó nên học hành cho ra hồn chứ đừng theo đuổi một tình yêu vớ vẩn. Nó chỉ là một cô sinh viên bình thường, không xinh xẻo lắm, không mồm mép. Hằng ngày, nó đến lớp từ bảy giờ sáng đến gần mười hai giờ trưa. Lúc nào cũng bảo học hành chán phèo, chẳng hứng thú, chẳng đam mê, chỉ đợi tiếng chuông báo hết tiết mà về. Nếu nó xin được vào ký túc xá thì hẵng mọi sự đã khác. Nói thế để làm gì, bạn bè nhìn nó đầy thương cảm, bảo mày làm vợ sớm quá. Nghĩ cũng phải, nó quên mất mình là sinh viên, theo kiểu thầy cô vẫn nhắc nhở về vai trò cá nhân, rằng mình mang một tầm vóc (nhất định) góp phần xây dựng môi trường sống xung quanh.
Cô sinh viên này không dám đi thang máy. Cả năm nay, lúc nào nó cũng ám ảnh về những cái chết mắc kẹt trong thang máy. Trong hành lang thang máy, ít nhất nó cũng phải gặp gặp hai mươi khuôn mặt khác nhau, từ giáo viên, sinh viên thì còn may, chứ nói chi những kẻ không rõ tăm tích, quấy rối. Năm đầu, nghĩ cái gì cũng cũng ra chất phóng sự, báo chí, ra đề tài để viết, năm sau thì mải mê theo đuổi tình yêu, hẹn hò, các buổi liên hoan, ca nhạc. Buổi tối, cô nào cô náy nó xoắn xuýt váy áo, đợi người yêu đến, hoặc đi đâu lang thang, mua cái này sắm cái nọ. Nếu khoảng đời sinh viên không có lấy một anh để hẹn hò thì những sinh viên như Thúy sẽ phát bệnh mà chết mất.
Nếu để Thúy ngồi viết tán phét một tác giả, tác phẩm nào đó có mặt trong sách giáo khoa thì điều đó là quá đơn giản. Thúy biết cách lấy từng 0,25 điểm bằng những ý nhỏ thế nào. Thúy biết bôi dài đến mười ba mặt giấy nội trong một trăm phút thế nào. Và nghĩ lại thì Thúy thật cừ, đậu á khoa khi thi đại học, rồi tuyển thắng vào lớp tài năng. Nhưng khi vào học, Thúy chẳng có phương hướng nào cả. Năm sau, thì nhảy tọt xuống lớp thường.
Không thích thú việc học, không đến thư viện, không mượn giáo trình và cày hàng tuần cho một môn thi, nó ra tiệm photo copy mua đại đến một tập tài liệu nhỏ rồi cứ thế, thi không được thì thi lại, chẳng hề gì. Bình an và vô sự trước tất thảy mọi thứ. Vô sự với nhiều ánh mắt, say đắm, chân thành và thương cảm.
***
Nó cúi xuống, lấy chiếc kéo bấm chỉ trong giỏ xách ra tỉa những sợi tóc cháy xém, chẻ ngọn. Nào thuốc nhuộm, thuốc duỗi, thuốc uốn đổ lên cái đầu này. Mỗi lần buồn, nó lại đem tóc mình ra tiệm, mặc người ta làm gì thì làm, miễn sao thay đổi.
Giờ này, anh lại cặm cụi đọc sách như chẳng biết gì xung quanh cả. Khi làm việc thì không ai làm phiền ai cả. “Nhìn đấy, có bao giờ anh chịu ra khỏi cái góc ấy đâu, khác nào hai đứa học trò cấp một, dùng phấn để chia chỗ ngồi”, nghe Thúy nói thế, anh nhảy lên. “Phải rồi, cái này có thể là cảm hứng cho một tác phẩm. Về khoảng cách. Khoảng cách chỉ bằng một gạch trắng!”
“Nóng chết đi được. Hôm nay đến hạn trả tiền nhà, à không”, Thúy buột miệng nói, và cảm thấy mình thật vô duyên. Thúy chữa cháy bằng việc khen ông chủ nhà, “nghĩ lạ, mấy năm trời mà không tăng tiền.” Chắc ông là người kỳ lạ nhất trần gian này. “Mà về già chắc mình cũng thế, lẩm cẩm, suốt ngày than vãn, …”
Anh gấp sách lại, chẳng buồn liếc sáng nhìn Thúy. Cô Phương ẵm con mèo đi ngang qua cửa sổ, “tao bắt được rồi, trốn đi đâu” Nhà cô Phương, người sao vật vậy, con mèo nào cũng béo úc núc như chủ, chẳng đi đâu, rú rú trong nhà, chẳng biết đực cái nỗi gì. Cứ như cô này yêu con mèo hơn chồng cô, mà cô cũng có chồng, cũng sinh con, nhưng khinh ghét đàn ông vô hạn. Rảnh thì cô ngồi trước cửa thêu tranh chữ thập. Chiếc kính trễ xuống tận cánh mũi, thỉnh thoảng cô mới ngước lên, hất hất gọng kính. Đối với cô Phương thì Thúy là một đứa có đôi mắt tinh tường, chỉ có nó mới hiểu được hết những bức tranh thêu cùng với sự tỉ mẫn và tâm huyết của cô dành cho chúng mà cô gọi là thông điệp. Những mẫu thêu chằng chịt ký tự, những ô vuông vô nghĩa trên bản mẫu, những ký kiệu màu chỉ hãng DMC tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với nhau, nhưng đến tay Cô Phương, chúng trở thành những bông hoa hồng, hoa lan, hoa violet, thành những góa phụ phụ Châu Âu mắt nâu, lạnh lùng, cô độc cho đến những bộ tứ bình, những con mèo, rồi tĩnh vật. Chắc vì nó có nốt ruồi son trên môi, nhiều lúc nó giận cái nốt ruồi này vô cớ, vì nói gì ai cũng nghe, không nịnh nọt cũng biến nó thành kẻ được lòng người khác. Và khi miệng nó mở miệng bình phẩm bình phẩm về những bức tranh thêu của Cô Phương cũng thế.
Nhìn thấy cố Phương ẵm con mèo vào phòng, anh nói khẽ trong tai Thúy, “em đi theo mà hậu hạ thánh nữ đi. Bảo đừng kết hôn, đàn ông tầm thường mà.” Cô Phương đã nói ra điều này với một vài người, biết đâu, nó vẫn lưỡng lự chứ không hẳn là nghe răm rắp.
Anh phóng xe đi đâu đó.
“Chẳng biết ai gọi, đi rồi. Mới tắm xong mà vẫn còn nóng,”.
“Hôm nay, em mặc đồ đẹp quá. Em mặc đầm nhìn như mười sáu, mười bảy tuổi, già lắm thì mười tám.”
“Em muốn học thêu tranh.”
“Đúng rồi, thêu tranh là một cách để thiền. Em biết suốt ngày chị thêu tranh là về cái gì mà. Chị không dám đọc báo, không dám tiếp xúc với nhiều người lạ. Chị không thích hoa tươi, vì nó héo, chị lại buồn, lại làm thơ, đa cảm khổ lắm.”
“Chị giống Nero quá.”
Nói xong, cả hai cùng lăn ra cười. Nó thấy rùng mình, như thể mình là cái máy.
Cô Phương nhìn những thùng cac-ton trong phòng Thúy một lượt. Cả những bức tranh được úp vào tường. Nó bật máy tính lên. Trong lúc đợi nó khởi động, Thúy rót cho cô Phương một cốc nước, nhưng cô lắc đầu.
“Có cà phê không?”
“Hai cốc nhé.”
Giữa nó và cô Phương có nhiều sở thích giống nhau, cũng chính từ đó, hai người xem nhau như chị em mặc dù cô Phương đã năm mươi mốt.
Nó uống một ngụm, thêm ngụm nữa.
“Chị mới thêu mấy bức nữa. Hoa hướng dương.”
“Thêu chữ thập?”
Có thể một ngày đẹp trời nào đấy, Thúy sẽ viết truyện về cô Phương hoặc về khu nhà trọ này. Khó nhất là những chữ đầu tiên, mà hơn nữa, cuộc đời họ bằng phẳng quá. Nó sẽ xây dựng hình tượng một người đàn bà có tâm hồn thánh thiện, thoát tục.
“Anh ấy bảo em ngộ độc vì chị đấy.:
“Chắc là hắn ghen. Buồn cười quá. Ngộ độc! Cho chị hỏi nhé, về tình yêu của em. Em yêu anh về cái gì?”
“Em không biết. Em có bao giờ suy xét nhiều đâu.”
“Ôi hóa ra tình yêu của em, ha ha, cần mần như con ong vậy, hả thiên thần? Người đàn ông của em chỉ là một công chức- họa sĩ. Những tác phẩm của anh ta, em nhìn này, chỉ hơn những bức tranh thêu của chị một chút. Một con ong cần mẫn. Một cựu sinh viên mỹ thuật làm nghề chép anh, cần mẫn, cần mẫn, như con ong.”
Thúy thinh lặng.
Cô Phương cứ lượn qua lượn lại quanh những bức tranh đang úp vào tường khiến Thúy khó chịu. Ngay cả Thúy, đầu óc đầy tò mò nhưng không cho phép của anh thì thôi. Cô Phương hí húi lật mặt kia của bức tranh ra xem.
“Bầy người. Một bầy người lổn nhổn, ẩn nấp, những khóm hoa màu đen.”
Như sợ phát hiện, cô Phương lấy khăn mềm lau qua rồi kéo ghế tiếp tục thêu.
Nó nằm xuống tấm nệm mỏng, cạnh cửa sổ, quay quạt qua hướng của mình. Nó tháo kính, dụi dịu mắt. Nó mơ hồ rằng mình đã trò chuyện với người trong tranh. Đó là một nó gái mang mặt nạ. Tức quá, nó càu nhàu vô cớ, từ cái giá vẽ, đến chiếc ấm đun nước, đến màu ga trải giường. Giống như hôm nay, đang ngủ trưa thiu thiu, con ả đó lại xuất hiện. Nó diện bộ váy trắng muốt như trinh nữ. Không bình tĩnh được, nó nhắn tin cho anh, vòng vo, tình cảm, chân thành, rằng nó muốn được xem những bức tranh anh úp vào tường, chỉ một chút thôi. Anh không nhắn lại.
Thở một hơi thật sâu, nó đưa mắt nhìn xung quanh với những khung tranh khô khốc và thơm mùi gỗ, những khuôn giấy mỏng cất giấu bí ẩn. Những nét vẽ ngang dọc, đen trắng lộm cộm hiện lên trong đầu nó chợt nhòe ra như bóng đêm, loang lổ,
***
Thúy mở máy tính lên. Muốn viết một cái gì đó. Sẽ bắt đầu từ đâu? Từ bấu trời xám đục, mây mù, tháng năm, của cái Sài Gòn này ư? Một cơn giông? Một bức tranh? Thôi chết, ngày mai Thúy thi hai môn. Bần thần, Thúy chẳng tập trung cho việc gì cả.
Anh vẫn hí hoáy vẽ. Thuốc lá. Cà phê. Ôi có khi nào tranh của anh sặc mùi cà phê cùng thuốc lá khồng nhỉ, cả son phấn và chuột cống nữa. Một cảm giác lạnh lẽo vây bủa lấy Thúy. Căn phòng chỉ cách nghĩa địa mấy trăm mét, mở cửa he hé đã thấy màu tím của gạch men, màu vàng của hoa cúc, và những đóm lửa li ti của nhang hương. Một lần nào đó, Thuy không nhớ rõ, anh đã phác họa bức tranh từ những gợi ý này, khi Thúy chỉ buột miệng nói cuộc sống này ngắn ngủi quá. Nó chỉ chừng trăm mét, từ cánh cửa này đến dãy mộ kia.
Im như pho tượng. Anh nhìn ra cửa sổ. Con người này chẳng có trí nhớ gì cả, chẳng nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức. Thậm chí bức tranh vừa mới thảo hôm qua, hôm nay đã quên. Và tất nhiên, mỗi việc xếp chúng ngay ngắn với anh cũng là khó vô cùng. Sau vài tháng, Thúy lại lôi chúng ra, xếp lại cho ngăn nắp và đi đóng khung, tiết kiệm diện tích mà thôi. Những bức vẽ minh họa cho báo, cho các truyện ngắn, bìa sách, rất nhiều, có khi chúng chìm vào quên lãng không hay. Những truyện ngắn đăng báo cứ na ná nhau, như thầy giáo đùa, chỉ cần thay tên nhân vật, thay tên truyện, rồi cho nhân vật dìm xuống bùn, dìm vài ba lần, rồi vớt lên. Thế là ra đời một truyện ngắn, một kịch bản phim truyện.
Còn đây là những bức chân dung, với phong cách vẽ của anh, ai cũng trở nên xấu xí và luộm thuộm. Mắt lồi, mồm rộng hoắc, tay chân dài đuồng đuỗng. Bụng phệ. Râu ria vụng về.
***
Hai đứa đã ấn định ngày cưới, bảo không làm tiệc tùng rình rang, chỉ mời vài chục người bạn, như báo hỉ. Hơn nữa, sống với nhau ngần ấy năm, việc cưới hỏi, không quá cần thiết nữa. Quen quá, giống như hôm nào anh ra đường quên mang theo điện thoại, khẩu tráng y tế, thì nó nhắc nhở.
Chân nó sưng tấy và cương mủ, đau nhức khắp mình. Con mèo nhà cô Phương dở chứng, đang hiền lành, bỗng uồm ra mà cấu lên hai hai bắp chân nó, nhiễm trùng đến nơi thì nguy, mủ chảy rin rít ở bắp chân.
Mấy hôm nay, xuất hiện tiếng hát của con bé phòng bên, như vịt đực. Em không còn ngây thơ. Em không còn ngây thơ.
Môt cơn giông.
Cánh cửa đóng sầm như muốn vỡ toang tấm kính trên đó.
Năm giờ chiều. Nó cứ nằm lì như cục thịt thế kia, một mớ tóc rụng trên gối. Mồ hôi nóng ướt hết mặt mũi. Nó với tay tắt chuông báo thức. Tiếng dép lê chà xuống nền nhà hành lang của bà già có tám đứa con gái vang lên. Đằng nào cũng phải dậy. Mai có hai môn thi.
***
Anh đã chết một năm rồi. Vậy mà nhiều lúc Thúy vẫn chưa tin lắm, có lúc Thúy nghĩ anh chỉ đi xa. Giống như cái chết của ông ngoại, lúc nó còn bé tí, mẹ Thúy bảo ông chỉ đi xa.
Thúy lục tung hết mọi thứ trong phòng. Nó bật đèn gác xép. Một bộ tứ bình, tranh chép, hai bức tranh trừu tượng, cũng tranh chép. Mấy bức chân dung. Sao anh ta lại giấu Thúy bức tranh này chứ.
Đây là bức đầu tiên được triển lãm. Chẳng ai mua cả.
“Cả bầy người bát nháo”, cô Phương nói thế. Những đôi tay (chỉ có thể là của quỷ) cứ tua tủa mọc ra. Chín mươi chín cánh tay. Có những màu chẳng gọi được tên. Chỉ mấy hôm không lên gác xép dọn dẹp mà bức tranh đã kịp mọc thêm vài cánh tay khác. Cả những ngón tay cũng rõ ra trông thấy, móng, da, những nếp nhăn ở mỗi đốt.
Căn phòng đột ngọt tối sầm lại vì mất điện.
Tiếng chó ăng ẳng từ cái trại giống nhói bên tai. Lũ chó phát điên vì cái nóng này mất. Ôi, lại mấy con chó động cởn ấy, cứ như lão ta nuôi chó để cắn người không bằng, con nào con nấy mắt đỏ như lửa, răng nanh nhe ra hau háu.
Có thể Thúy đã bắt gặp bức tranh nào ở đâu đó, chỉ trong thành phố này thôi. Hoặc một buổi triễn lãm. Hoặc bảo tàng.
Hôm nay, Thúy chuyển nhà nửa đêm. Nó không muốn đợi đến mai.
Lúc nào hai bên tai Thúy cũng ong ong tiếng trẻ con khóc. Cứ như lũ người trong tranh đã để lấy hết oxi của Thúy từ căn phòng này. Hai tay Thúy nắm chặt lại, thở gắt.
Trong đêm tối, mắt nó vẫn thấy từ bức tranh, những cánh tay mọc tua tủa.
Sài Gòn 2012- 2013
K.N