- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Máu chảy về tim

22 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 35601)


illustration-oil-dtc-content

 (Illustration- tranh sơn dầu- Đinh Trường Chinh)


Tôi bặt tin em đã gần chục năm. Lần cuối gặp nhau, tôi quay lưng dấu cái thổn thức, ê chề của một thằng đàn ông mới lớn bị tước lột tình yêu, lẽ sống. Từ đó đến nay, vết thương ngày càng sâu, khiến tôi thụt đầu vào mai sống khép kín, lặng lờ. Cố gắng dỗ dành cho máu bớt dồn về tim. Không tin. Không yêu. Sống dật dờ cho qua ngày qua tháng.

Chiều nay, nói chuyện với bé Nhạn xong, tim tôi trật nhịp. Buông điện thoại xuống, tôi vớ vội cái túi bỏ vào hai bộ quần áo, vài thứ vật dụng cá nhân, rồi lật đật đón xe ra phi trường, lấy chuyến bay sớm nhất về San Diego. Thành phố vào thu, chiều buông ánh vàng trên những tàn lá đổi màu. Xe băng qua những con đường hun hút, trơ trụi. Mặt trời đỏ mới đó vắt vẻo sau lùm cây đã sà xuống xuyên vào da, vào thịt, chui vào đun nóng phần hồn tưởng đã phần nào được dỗ yên. 

* * *

Trong cùng một không gian tương tự, hơn một chục năm trước, cũng trong tia nắng chiều vàng khi xe lăn bánh băng đèo ngang Lâm Đồng, chính ánh mắt em đã dọi vào da, tràn vào máu, buột chặt linh hồn tôi. Thời đó, chúng tôi một nhóm học sinh, sinh viên cùng với thầy Quang, cô Thanh theo xe bus lên Đà Lạt sinh hoạt. Chiếc xe bus bé xíu nhét không biết bao nhiêu mạng, ngột ngạt đầy mùi xăng dầu, mùi mồ hôi người, mùi phân bón… Xe chạy bon bon vượt những con đường ngoằn nghèo đầy ổ gà. Vài người bạn lớp 12, cô Thanh và tôi ngồi ở cuối xe lo cho đám học trò lớp sáu, lớp bảy, rồi đến các em lớp 8, lớp 9. Ngồi khoảng giữa xe là nhóm học sinh lớp 10, lớp 11, trong đó có em ngồi kế cạnh thầy Quang. Đôi chân tê liệt của thầy bất động. Người thầy nặng chịch. Thân hình Thầy chiếm gần hết mặt ghế. Tôi xót bụng thấy em ngồi nhín người. Mỗi khi xe dằn mạnh, tôi nín thở chỉ sợ em rớt ra khỏi ghế.

Mặt thầy Quang trắng nhợt. Mặt em xanh như tàu lá. Thỉnh thoảng em vươn chiếc cổ gầy hướng ra phía cửa sổ xe như cố tìm hít chút không khí tưởng tượng. Đường đèo ghập ghềnh đến quặn thắt. Đã có lúc tôi tưởng em không thể kham nổi. Tôi thấy em cúi xuống mở túi xách lấy khăn. Em cẩn thận mở chai dầu xả rắc vào khăn ướt, rồi một tay nâng đầu Thầy, một tay nhẹ nhàng lau khuôn mặt tái nhợt đổ mồ hôi hột của thầy. Thấy Thầy tỉnh táo hơn, em như hoàn toàn phục sức. Mắt em chan chứa cái nhìn của đứa con trìu mến nhìn ông Bố, và cũng mạnh mẽ, dào dạt như người mẹ âu yếm đứa con thơ. Tất cả chúng tôi đều yêu Thầy. Nhưng nhìn trong mắt em, tôi thấy tình yêu tôi bé nhỏ. Trong khi lòng tôi chỉ muốn gào lớn tôi yêu em nhiều hơn con đường đèo, nhiều hơn hàng thông xanh, nhiều hơn cả bầu trời đầy những cụm mây ửng tím đang phủ kín ngọn đồi.

Vào những năm đầu thập niên 80, chúng tôi lũ học sinh thành phần con Mỹ Nguỵ cũng phần nào ổn định đời sống trường lớp trở lại. Lớp nào bị tống ra khỏi Sài Gòn đã hoàn toàn mất tích. Lớp còn lại rồi cũng quen dần với cuộc đổi đời, trở lại với sinh hoạt học hành, trường lớp. Một số Thầy Cô Giáo thời xưa dạy các môn toán lý hoá còn được giữ lại, vì các chị em dân quân được cách mạng hoá phép trở thành hiệu trưởng, hiệu phó, thầy cô giáo chỉ kiêm nỗi việc giảng dạy các bộ môn đạo đức, chính trị, địa lý, lịch sử v.v… Cách mạng “khoan dung” nhường lại các bộ môn cần kiến thức, kỹ năng thật sự cho một số giáo viên “mỹ nguỵ”. Cô Thanh, Thầy Ẩn, Thầy Quang thuộc về thành phần này. Cô Thanh dạy vật lý lớp 6,7,8 trường Võ Trường Toản. Thầy Ẩn chồng Cô Thanh dạy Chuyên Toán Lê Hồng Phong. Thầy Quang em trai cô thời xưa dạy triết, sau này dạy môn hình học. Những năm gần đây Thầy bệnh liệt hoàn toàn hai chân, nên học sinh thường tụ tập lại ở căn nhà trệt nhỏ xíu của Thầy Cô cùng học, cùng sinh hoạt.

Thầy Quang nằm trên giường bệnh đã hơn 2 năm nay, dạy cho đám học sinh do cô Thanh đem về. Toàn là các con em Mỹ Nguỵ. Gia đình ai cũng có cha học tập cải tạo, mẹ bị chính quyền gây khó quấy nhiễu. Ai cũng khó khăn không có tiền đóng học phí. Các em đều nghèo như nhau, chỉ giàu ở mỗi cái gốc gia thế mà cô Thanh thường nói đó chính là gia sản quý báu để xây dựng lại tương lai đất nước sau này.

Thầy Quang còn rất trẻ, năm 78, Thầy bị Việt Cộng bắt nhốt liệt vào lớp kẻ thù chính trị và kẻ thù tư tưởng. Khi thầy được thả về nhà, phổi thầy đầy chất nước vàng, miệng khạc ra từng ngụm máu đỏ. Cô Thanh chăm sóc chữa trị cho Thầy, nhưng hai chân bị cùm lâu năm của Thầy trở nên tê liệt. Nhà tôi trong căn hẻm nhỏ, đối diện nhà Thầy. Tuy tôi không có duyên làm học trò trong lớp của Thầy Ẩn hay Cô Thanh, nhưng tôi ghiền ngồi ở góc nhà một tuần hai buổi chiều nghe thầy Quang ngồi dựa lưng trên tấm phảng gỗ giảng giải và đọc cho chúng tôi nghe những cuốn sách văn chương thầy thuộc lòng trong đầu. Trong căn phòng bé xíu nóng như thiu đốt ở sát chợ Tân Định, chúng tôi ngồi yên, nín thở lắng nghe, nuốt vội từng lời của thầy. Bọn chúng tôi một sàn từ lớp 11 trở lên. Lớp tuổi của mộng mơ, say mê, tìm tòi. Lớp tuổi giàu chí hướng, khát khao, đầy tin yêu vào cuộc đời.

Tôi cũng không có tiền góp học phí, nên tôi trả lễ bằng cách giúp thầy Quang dạy toán, dạy lý cho các em nhỏ lớp bảy, lớp tám. Nhờ đó tôi được gặp em. Ngày cô Thanh đưa em vào nhóm dạy kèm của tôi, em nói, em cần học vật lý và hình học. Em đi vượt biên về, nhảy từ lớp sáu lên lớp tám, mất căn bản, cần học gấp rút chương trình một năm lớp bảy trong vài tuần. Tôi phì cười trả lời, được rồi, tôi sẽ dạy cho em, nhưng không phải là vài tuần, mà sẽ là vài tháng… Em chớp mắt quả quyết nhìn tôi nói em không có thì giờ, buổi sáng đi học, buổi chiều em phải lo phụ mẹ buôn bán, rồi phải chăn 4 đứa em nghịch phá, làm sao có vài tháng đi học. Tôi nói đùa, thì tuỳ vào trí thông minh của em hết.

Đúng bốn tuần, em cảm ơn tôi và từ giã các bạn học trong nhóm. Cô Thanh cho tôi biết em đứng đầu lớp trong đợt thi vật lý vừa rồi. Tôi nửa vui, nửa buồn, nhìn em chào tạm biệt mà lòng thấy lòng hụt hẫng. Em dắt xe đạp quay ra, tôi tiễn em đến đầu ngõ, hỏi bâng quơ, em thích đọc sách không, tôi cho em mượn. Em quay ngược đầu xe vào nhà tôi ngồi lì mấy tiếng đồng hồ quên cả giờ về. Em tham lam lựa một chồng cao không bưng nỗi. Tôi mượn cớ đạp xe theo giúp em chở sách về nhà. Trên đường về, em giải thích, nhà em thuộc thành phần văn hoá đồi truỵ phản động, công an ghé thăm đều đều nên có cuốn sách nào là bị tịch thu cuốn đó. Có lần Mẹ em nổi giận gom sách vở đốt hết để khỏi bị tịch thu nữa.

Ngày hôm sau, em gõ cửa nhà tôi trả lại cuốn sách đầu tiên. Tôi rủ em sang nghe Thầy Quang đọc sách, từ đó, em không bao giờ vắng mặt tuần hai lần ngồi cùng tôi ở góc nhà Thầy. Cả bọn toàn là các anh chị lớp 11, 12, em vừa vào lớp tám, bé xíu, nhưng Thầy giảng đến đâu em thông đến đó. Em có trí nhớ đặc biệt như Thầy, em nhớ thuộc lòng từng đoạn văn, bài thơ, từng cuốn sách. Thỉnh thoảng thấy Thầy mệt, em tình nguyện đọc thơ thế Thầy. Tôi sống hạnh phúc nhất một tuần hai lần khi ngồi nghe Thầy giảng có bóng em bên cạnh. Khi em không hiểu, em liếc sang tôi giả bộ mặt ngơ ngác. Tôi cũng tức thì đóng vai chú cuội ngu ngơ. Khi em đắc ý lời thầy, em nhìn sang tôi nheo mắt cười. Tôi nghe lòng reo ngàn nốt nhạc. Có lần em thì thầm nói với tôi, em yêu Thầy hơn yêu những cuốn sách, những bài thơ, lý thuyết Thầy giảng, tôi chạnh lòng tự hỏi em có biết tôi yêu em hơn tôi yêu thầy.

Em bước vào năm cuối trung học, tôi vào năm thứ ba đại học bách khoa. Ngoài giờ ở trường, chúng tôi sống, học hành, sinh hoạt bên nhau, gắn bó riêng và gắn bó chung dưới mái nhà của cô Thanh. Thầy Quang ngày càng yếu dần, cô Thanh và chúng tôi muốn có một thời gian riêng biệt với thầy, nên tổ chức cho cả nhóm đi Đà Lạt. Tôi mừng thầm trong bụng, tôi nhất định sẽ dựa vào phong cảnh trữ tình của phố núi này để ngỏ lời tỏ tình với em.

Xe băng băng trên đường quốc lộ 20, vượt đèo Prenn rồi rẽ trái đường Trần Hưng Đạo, tiến sâu vào lòng thung lũng. Đêm trong vắt chằng chịt sao trời. Sau khi thả hết hành khách ở khu chợ Đà Lạt, xe đưa chúng tôi lên một khu đồi tối vắng, ngả rẻ ngoằn nghèo. Xe đỗ lại nơi có căn biệt thự cũ kỷ, nằm chèo queo trơ trụi trên đỉnh ngọn đồi đìu hiu hút gió. Chúng tôi xúm lại giúp đỡ thầy Quang xuống. Và lăn xe đưa Thầy vào nhà.

Cả bọn mệt nhoài. Ai cũng tự tìm chỗ thay đồ, cất hành lý, tìm chỗ nghỉ ngơi. Một ngày đi đường là quá sức chịu đựng của Thầy. Mặt thầy tái mét, da lạnh ngắt, người run lên từng hồi. Em rủ tôi xuống hầm tìm củi đốt lò sưởi cho Thầy. Trong khi tôi nhen lửa, em vào bếp đun nước, pha trà, nấu cháo. Các bạn cùng lớp với em thay đồ vào phòng nghỉ ngơi, em nhất định trải chiếu ngồi bên cạnh cái tràng kỹ phòng ngoài nơi sẽ là giường ngủ của Thầy. Nhìn ra cửa sổ, những bóng đen chằn chịt lượn qua lượn lại theo tàn lá gió đưa, em chỉ tay bảo chỗ của tôi là ở kế bên em cạnh cửa sổ. Rồi yên tâm có tôi bên cạnh, em lăng xăng đút cháo, dâng trà, mắt em không rời Thầy một phút.

Đêm xuống, khi chắc là Thầy đã ngủ yên, em rụng xuống ngủ say như chết. Tôi nằm cạnh bên em, nghe hàng thông già lao xao tán tỉnh. Lần đầu tiên máu huyết trong người tôi rần rật chảy. Tai tôi nghe tiếng gió hú từng hồi. Mắt tôi sợ hãi nhìn ánh trăng sà xuống vuốt ve khuôn mặt sáng ngời trong giấc ngủ bình yên của em. Tôi thức trắng đêm cố gắng tự kiềm chế cái cảm giác lạ kỳ đang hung hăng xâm chiếm, tràn ngập.

Những ngày sau đó, Thầy Quang có vẻ khoẻ hơn, vui vẻ hơn. Chúng tôi chia ra từng nhóm sinh hoạt, em lúc nào cũng một tay nắm chặt tay tôi, một bên đeo sát Thầy. Buổi chiều cuối cùng, sau 2 tuần đọc cho chúng tôi nghe những đoạn chính trong Những Người Khốn Khổ, Thầy dựa lưng vào ghế, nói Thầy muốn được xem đám học trò diễn lại một đoạn trong câu chuyện. Ai cũng lắc đầu, le lưỡi. Em nhanh nhẹn đứng dậy đạo diễn mọi người, rồi em đóng vai nàng Fantine vào những giờ phút cuối đời. Bắt tôi một bên làm Jean Valijean nhìn em từ giã cõi đời.

Thầy Quang qua đời ba ngày sau khi từ Đà Lạt trở về. Em như người mất trí. Khi quan tài hạ huyệt, em lao người xuống theo Thầy. Tôi ghì giữ chặt em trong tay. Người em không còn chút sinh lực, lao lên rồi ngả xuống như sợi dây đàn bị căng đứt. Sau đó, em bỏ ăn bỏ học, bỏ cả những sinh hoạt thường ngày. Em không nói, không cười, cũng không muốn gặp ai. Có khi em trông lạ lẫm, xa vắng. Có khi em quấn quít, lẽo đẽo đeo tôi từng bước không rời. Tôi và Cô Thanh tìm cách đưa em trở lại cuộc sống bình thường. Chúng tôi nhờ em thay thế Thầy dạy nhóm Việt Văn. Em gật đầu.

Ngày đầu tiên em ngồi tay không dựa tường, trông em hệt như hiện sinh của Thầy. Em chậm rãi đọc thuộc lòng đoạn truyện “Người Cầm Quyền Khôi Phục Uy Quyền” của Victor Hugo Thầy vừa đọc cho chúng tôi nghe đôi tuần trước ở Đà Lạt. Giọng em nhẹ bổng, đứt quãng. Đọc đến đoạn “Chúng ta ai cũng cùng một bà mẹ: đất. Người ta trả Fantine lại cho bà mẹ ấy…”, em nghẹn lời, giải tán cả nhóm, rồi em phóng xe ra ngoài. Tôi chạy theo em dỗ dành, em theo tôi về nhà. Em khóc cả buổi chiều, tối đến em mệt lả ngủ trên giường của tôi.

Khi ánh trăng leo song dọi vào phòng, tôi thấy em tỉnh táo. Mắt em sáng nhìn tôi quả quyết nói em yêu tôi. Rồi em ôm chặt như sợ tôi biến mất. Tôi say sưa với tình yêu, không phân biệt được mình đang mê hay tỉnh. Em cuốn quít, tan vào trong tôi. Trong đêm thơm nồng, chúng tôi tan trong nhau như trăng tan trong nước.

Tôi mất em từ đêm trăng đó. Hôm giỗ 49 ngày của Thầy, tôi trông mãi, chỉ thấy bé Nhạn, đứa em kế của em đến đặt hoa trên bàn thờ của Thầy. Không bao lâu sau, cô Thanh báo tin em lấy chồng. Ngày cuối cùng tôi gặp em là ngày em lên xe hoa. Sài Gòn mùa nắng khô đến cháy họng, tôi nuốt xuống chút cảm xúc mặn chát còn lại, nhìn em xa lạ trong chiếc áo trắng. Mặt em vô cảm nhìn tôi. Nhưng trong đôi mắt sâu thẳm quen thuộc, tôi bắt gặp cái nhìn tuyệt vọng, hệt như ánh mắt em vĩnh biệt Thầy Quang ngày nào. Tôi quay lưng. Đi mãi. Đi hoài. Chẳng biết đi đâu. Về đâu. Chỉ biết cuộc đời mình từ nay sẽ mãi là chuyến tàu đêm. Không có bến đỗ.

* * *

Tôi đặt chân xuống San Diego dưới màn trời u ám. Gió rít từng cơn gọi bão. Những lằn mây vần vũ, khúc xám xịt, khúc đỏ rực, từng cụm, từng mảng, thịnh nộ kéo về phủ kín một bầu trời đè nặng trên đầu. Xe ngừng ở bệnh viện UC San Diego. Nhạn đón tôi ở cửa. Lượt qua tình hình sức khoẻ của em, rồi Nhạn đưa tôi vào một căn phòng ở khu tim mạch. Em nằm yên, ngước nhìn tôi với cặp mắt sâu hóm. Em mở vòng tay… tôi ôm ghì lấy em như đứa trẻ lạc tìm ra mẹ.

Chúng tôi quấn quít bên nhau như chưa hề xa cách. Em luồn tay trong tóc tôi vuốt ve. Mặt em sát mặt tôi. Mắt em âu yếm. Tôi nghe em thở mạnh, hít từng hơi dài, như thể đang cố tìm lại hương vị xưa cũ. Tôi ở lại bệnh viện. Trời đêm không trăng sao. Không gian dày đặc ký ức. Em không ngủ, nhưng hơi thở từ từ yếu dần. Tôi giữ chặt em trong tay, nghe bóng đêm rình rập.

Sáng hôm sau, Nhạn đưa bé An, con gái em vào thăm mẹ. Đứa bé gái độ chừng 10 tuổi nhìn tôi chằm chằm. Em nắm tay bé An. Rồi nắm tay tôi. Nụ cười mãn nguyện hiện trên khoé mắt. Tay em bóp chặt tay tôi, như thể muốn nói điều gì. Ngay trong khoảnh khắc đó, tôi gặp lại cái nhìn chan chứa tình yêu trong mắt em, như ánh mắt chan chứa mây trời buổi chiều xe đò băng ngang ngọn đèo ngày nào. Em thầm thì trút vào tai tôi lời cuối: “Anh có biết là, em yêu anh hơn yêu Thầy.”

Giờ đưa tiễn em, trời đất mủi lòng rải xuống những giọt mưa thu, làm dậy lên mùi đất tươi xen mùi cây lá. Gió đưa mùi hương cỏ dại. Tôi nghe mùi hương ký ức đêm trăng ngày xưa. Quan tài hạ xuống, gió tung cơn bụi mù cùng đám lá vàng. Tôi nhìn bé An níu chặt tay cô Nhạn, chợt nghe máu ấm trong tim. Tôi cuối hỏi Nhạn, Bé An sinh ngày nào. Rồi tôi lẩm nhấm đếm ngày, đếm tháng…

NGUYÊN YÊN

 

(*) Bài đăng trên Hợp Lưu với sự đồng ý của tác giả

Và bài đã được đăng lần đầu ở damau.org (27-11-2012)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 4763)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 4563)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
16 Tháng Mười 20235:20 CH(Xem: 5017)
Nắng lạc lõng nắng tàn trên hè phố / Chiều bơ vơ chiều té xuống sông / Tôi im lặng tôi ngồi nghe sóng vỗ / Đời vô thường nên có cũng như không
16 Tháng Mười 20235:01 CH(Xem: 5493)
phương đông có quê hương là mặt trời / phương tây có thành phố đầy cổ tích / gửi về nàng chìm đắm / thanh thản những đóa hoa mộc lan / thì thầm điều to nhỏ / trong khu vườn hoang dã / ngơ ngác như mây mưa…
16 Tháng Mười 20234:35 CH(Xem: 5201)
Bay đi từ cánh đồng nào thân cò của mẹ / Chắt chiu hạt gạo đồng tiền / Mười đứa con nhân lên mười lần thương khó / Một trăm ngã nhọc nhằn vạn nẻo đắng cay
16 Tháng Mười 20234:16 CH(Xem: 4585)
Dự án “Funan Techo Canal” nhằm phục hồi một hệ thống đường thủy đã được xây dựng và vận hành từ triều đại Đế chế Funan-Khmer [sic] có từ khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Công trình này nhằm cải thiện giao thông đường thủy trong lãnh thổ Cam Bốt. Con kênh này có chiều dài 180 km, kết nối 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep. Mục đích chính của dự án này như một kết nối lại với lịch sử và nhằm cải thiện giao thông đường thủy cho các cộng đồng cư dân địa phương. Triển khai dự án này phù hợp với cam kết của Cam Bốt theo điều khoản 1 và 2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, với sự bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng những quyền hạn và các lợi ích chính đáng.(1) [trích Thông Báo của Cambodia gửi Ủy Ban Thư Ký Sông Mekong]
07 Tháng Mười 202311:06 CH(Xem: 4950)
...Mai Ninh, Trần Vũ, Lê thị Thấm Vân vẫn viết về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đã qua. Trần Diệu Hằng với Vũ điệu của loài công, Mưa đất lạ và Chôm chôm yêu dấu vẫn là những tập truyện ngắn liên quan cuộc sống người tỵ nạn, đến tâm tình từ góc độ một người tỵ nạn. Lê thị Huệ với Bụi Hồng, Kỷ niệm với Mỵ Anh và Rồng rắn vẫn là những soi chiếu vào tâm tình những cảnh đời của nếp sống di dân qua hình ảnh cô sinh viên thuở trước và bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhận ra đề tài về tính dục vẫn là nét trổi bật trong các truyện của các nhà văn kể trên (trừ Trần Diệu Hằng). Thứ văn chương với đề tài có xu hướng trổi bật về tính dục đã mở đầu như một thứ cách mạng tình dục trong tiểu thuyết. Trước đây thì cũng có Tuý Hồng, Lệ Hằng, Thụy Vũ... cũng đậm mà chưa đặc, chưa đủ mặn. Ai là người đánh trống, cầm cờ về đề tài này? Có thể là Trần Vũ, Trân Sa hay Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An và nhất là Lê thị Thấm Vân. Truyện sẽ không viết, sẽ không đọc, nếu không có trai gái.
23 Tháng Chín 202310:53 CH(Xem: 7176)
Trong những thập niên tới—khi các văn khố hoàn toàn mở rộng—chúng ta mới có thể biết rõ ai là người Việt đầu tiên đã đến Mỹ và tiếp cận với nền chính trị Mỹ. Cách nào đi nữa, Bùi Viện khó thể là nhân vật này… /... Nguyễn Sinh Côn—dưới bí danh Paul Thành, rồi Nguyễn Ái Quốc—có thể là người Việt đầu tiên đến Mỹ, và chắc chắn là người đầu tiên nghiên cứu hệ thống chính trị Mỹ… /... Phần tư thế kỷ sau, Nguyễn Sinh Côn—với bí danh Hồ Chí Minh—thực sự móc nối được với cơ quan tình báo chiến lược (OSS) Mỹ, được tặng bí danh “Lucius,” rồi bước vào Hà Nội giữa cao trào cách mạng 1945.[lvii] Mặc dù Liên bang Mỹ đã chọn thái độ “hands-off” [không can thiệp] khi liên quân Pháp-Bri-tên khởi đầu cuộc tái xâm lăng Việt Nam năm 1945, / ...cũng như thiết lập sự chính thống cho chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, qua cuộc bầu cử quốc hội 1946 và bản Hiến Pháp 9/11/1946...—đồng thời có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp suốt 8 năm kế tiếp.
21 Tháng Chín 20232:50 CH(Xem: 6490)
Mùa thu trải ra trải ra / Từng bước chân trên ngọn cỏ khô / Có em chạy băng qua cánh đồng hoang tưởng / Nụ hôn vội một sáng ướt mưa / Có phải em và mùa thu / Chia tay và nỗi buồn có thật / Như mưa / Rơi xuống đời nhau.
15 Tháng Chín 202312:19 SA(Xem: 4646)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Anh Nguyễn Văn Cử, Pháp Danh Gelek Gamba / Cựu học sinh Chu Văn An và Trần Lục / Cựu Sĩ Quan Võ Bị Thủ Đức, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa / Sinh ngày 16 tháng 4 năm 1944 tại Hải Phòng, Việt Nam / Đã quá vãng ngày 22 tháng 8 năm 2023 / tại San Jose, California / Hưởng thọ 79 tuổi