- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tóc mai ngày cũ

18 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 73403)


lanhl117
 Lan - Ảnh Blackscorpion

L
TS: Về quê xưa gặp người cũ là bức tranh tình cảm thơ mộng. Tuy nhiên, với vài trang viết ngắn Nguyễn Văn đã đưa câu chuyện thường tình của một thời đại phân ly bỗng mặn nước mắt và phũ phàng như những cơn mưa miền Trung. Chúng tôi trân trọng giới thiệu Tóc Mai Ngày Cũ , một sáng tác mới của Nguyễn Văn với quí độc giả và văn hữu của Hợp Lưu.
Tạp Chí Hợp Lưu




 Tôi ghé thăm Lan vào một ngày trời mưa dầm rả rích. Những cơn mưa dai dẳng làm chết cây, thối đất mùa đông của miền Trung. Bầu trời thấp tè, xám đục và u ám một màu chì. Thành phố nằm co ro, rét mướt trong cơn mưa. Phố xá trông đìu hiu. Cảnh buôn bán cũng chùng lại, uể oải như cô gái già đang đến hồi ở cữ.
 Nhà Lan nằm ở ngã ba thị xã Tuy Hòa. Trước mặt là quốc lộ Một, con đường chạy xuyên từ Nam ra Bắc. Năm 2005, thị xã được nâng lên cấp thành phố, người ta làm quốc lộ mới chạy dọc theo chân núi phía Tây, con đường nhộn nhịp ngày xưa trở thành đường nội thành.
 Căn nhà cấp bốn xập xệ của gia đình Lan được sửa sang lại thành quán cà phê ôm. Khoảng sân xi măng nhỏ xinh xắn phía trước thành khu vườn cây cảnh. Bên những chậu mai, gốc trứng cá thấy kê những chiếc ghế đá cho khách ngồi. Gian trong đặt chừng năm sáu chiếc bàn vuông. Mặt bàn được làm từ thứ ván ép công nghiệp, lâu ngày mốc thếch. Ghế ngồi là loại ghế xếp, chân bằng sắt đã bắt đầu rỉ sét. Một chiếc quầy kính nằm bên góc phòng, bên trong trưng bày đủ thứ, từ bia Heineken, nước Coca, đến thuốc lá ngoại với đủ loại nhãn mác… Nhìn vẻ hoang vắng của căn quán, người ta dễ đoán biết chủ nhân của nó đang hồi làm ăn thất bát. Cái đáng giá nhất ở đây, có lẽ là những bức tranh thơ bằng vải viết theo lối chữ thảo bay bướm, treo lạc lõng dọc bức tường vôi ám khói, loang lổ.
 Ngoài những bài Thu Điếu, Thu Ẩm, Thu Vịnh của Nguyễn Khuyến, còn thấy chép một câu đối khá hay, không rõ của ai.
“ Bản thủy vô ba, tự phong xây diện.
 Nguyên sơn bất lão, vị tuyết bạch đầu.”
( Tạm dịch: Bản chất nước vốn bình lặng, chỉ có gió mới làm cho nó nổi cơn ba đào. Núi non vốn không có tuổi, chỉ vì tuyết sương mà thành ra bạc đầu.)
 Lại có một bài, thể thơ tự do, lời lẽ mông lung, không thấy đề tên tác giả:

“tình là gì?
 rượu uống nghìn ly, trắng mắt
 đàn bà mỗi ngày, mỗi đẹp
 mình mỗi lúc, mỗi già
 sông bên bồi, bên lở
 người kẻ ở, kẻ đi
 thôi nói chi, buồn chi
 đời như ly rượu nhạt
 biết ai là bạn tri âm giữa cõi hồng trần?...”

 Quán ngày mưa vắng ngơ vắng ngắt, chỉ độc một người khách là tôi. Trong quán chỉ có Lan với đứa bé gái khoảng 14, 15 tuổi, người ốm tong, thuôn đuột như cây chuối, đang nằm đong đưa đọc sách trên võng. Đứa bé gọi Lan bằng cô, không biết quan hệ bà con thế nào.
 Ngày xưa tôi với Lan và Trân là bạn cùng lớp, đi đâu cũng ba người, chơi thân đến tưởng chừng như không thể thiếu nhau trong đời. Chúng tôi như ba đỉnh của một tam giác đều, cùng nằm trong một mặt phẳng nhưng không thể xích lại gần nhau. Ngày Lan đi lấy chồng, tôi chui vào quán thịt chó của nhà Trân nằm đối diện, ngồi đốt thuốc, phun khói mù mịt. Nhà Lan bên kia đường đang treo đèn kết hoa, khách khứa ăn uống nói cười râm ran cả một góc phố.
 Bố Trân thọt chân, tướng ngũ đoản, nhìn tôi châm bẩm. Ông họ Tôn, không biết tên gọi là gì. Nghe kể, gốc gác gia đình ông có dây mơ rễ má với triều đình nhà Nguyễn. Ông chỉ có mụn con gái là Tôn Nữ Huyền Trân. Trân mặt tròn phúng phính, mập lùn giống bố, bước đi lạch phạch. Mắt cô nàng cận đến 5 độ, đeo cặp kính dày như đít chai, học giỏi nhất lớp. Mãi đến sau này tôi mới biết ngày ấy Trân yêu thầm tôi, trong khi tôi lại đi mê đắm cô bạn nhà bên kia đường.
Bố Trân nói giọng Huế, nhẹ đến đong đưa:
“Trân vừa sang bên nớ. Thế mi không đi ăn cưới hỉ?”
“Không!...Bác bán cho cháu xị rượu.”
“Mi uống?”
“Phải…”
“Có tâm sự hỉ?”
Trong khi tôi ngồi cố đưa cái thứ nước cay nồng ấy qua cổ họng, lão Tôn như đọc được nỗi buồn của tôi.
“Mi không biết chi về đàn bà! Con Lan vướng số hồng nhan, mắt nhìn có đuôi ướt át thế kia, ít nhất cũng vài đời chồng. Thích chi mô!”
 Tôi nhìn lão Tôn bằng cái nhìn của kẻ sắp sửa gây rối. Tôi muốn văng tục mấy câu. May mà tôi đã không làm. Tôi quơ chai rượu ngửa cổ nốc sạch. Vừa để cái chai không xuống mặt bàn, cũng là lúc mắt tôi đổ hào quang. Bầu trời như vỡ ra thành muôn ngàn đốm sáng, rồi mọi thứ bỗng dưng tắt ngấm, không còn lại gì ngoài một khoảng tối mênh mông đen đặc. Người tôi đổ gập xuống mặt bàn như thân chuối gãy. Tai còn nghe văng vẳng tiếng pháo nổ đì đẹt. Bên ấy đang làm lễ rước dâu…
 Bao năm không gặp, Lan xưa giờ thành góa phụ, dáng dấp phong trần. Dung nhan ngày nào không tàn phai theo thời gian mà chín chắn, sắc sảo hơn. Lan làm bà chủ quán, mặt trát phấn, tỉa mày cong, môi thoa son đỏ, nói chuyện đẩy đưa với khách. Cuộc đời có muôn trò vui, buồn làm gì cho héo đời. Lan bảo thế.
 Câu chuyện giữa chúng tôi rời rạc đến ngượng ngập. Cả hai ngồi nhìn màn mưa giăng ngoài cửa quán. Nước chảy từ mái tôn rải đều xuống hàng hiên. Tiếng mưa u u, đơn điệu, rời rã. Trời đất trắng xóa một màu.
“Anh về thăm quê bao lâu?”
“Khoảng ít tuần…”
“Chị nhà không về cùng anh à?”
“Không...”
“Anh sinh được mấy cháu rồi?”
“Hai.”
“Con trai chứ?”
“Con trai.”
“Giá như mình có một đứa thì hay,” Lan nói mơ màng.
“Sao không chịu đẻ?”
“Bác sĩ bảo Lan vô sinh.”
“Chữa được không?”
“Không.”
 Lại im lặng. Lan thừ người, đưa mắt nhìn ra cửa. Ngoài kia, nước chảy thành dòng trên mặt đường, đổ dồn về phía con dốc thấp. Vẫn mắt bồ câu xưa, nhưng ánh nhìn đờ đẫn. Hai bên khóe mắt, mỗi khi cười lại thấy hằn vết chân chim. Đã có một thời tôi yêu Lan nhiều biết bao nhiêu…
“Trời cứ mưa thế này làm gì có khách, chán thật! Anh ở đây uống rượu với Lan, nha?”
“Ừ.”
 Lan đem ra chai Nếp Than, rót đầy hai chiếc ly. Thức nhấm là mực khô nướng, chấm với tương ớt. Vẫn thứ rượu cũ, thức nhấm quen, hương vị chừng như không còn như ngày nào.
“Anh còn nhớ nhỏ Trân không?”
“Còn.”
“Trân bây giờ là hiệu trưởng trường THCS ở phường, vẫn cu ky một mình. Nhỏ vẫn thường ghé đây, cứ hỏi thăm luôn về anh. Để Lan điện thoại Trân sang nói chuyện cho vui.”
‘Ừ.”
“Ở Mỹ vui không?”
“Ly hương thì vui gì.”
“Không biết sao, Lan vẫn cứ muốn sang bên đó!…”
“Sao lại muốn đi?”
“Bây giờ chán đàn ông Việt, muốn lấy chồng Tây!... Anh có người bạn Mỹ nào, giới thiệu cho Lan.”
“Thế chồng Lan ngày xưa đâu?”
“Bỏ nhau rồi. Mà Lan cưới những ba lần chứ đâu phải một. Mình không sinh được con, lại trắng tay. Họ ở với mình làm gì. Đàn ông các anh nếu không bắt đàn bà tụi Lan sinh con để nối dõi thì cũng là thứ tham tiền, hám gái, có mới nới cũ. Nói chung là thứ giống đực thô bỉ, chẳng ra gì…” Lời lẽ Lan nghe chán chường, cay đắng. “Ước gì mình trở lại như ngày xưa anh nhỉ?...Nhỏ Trân còn thương anh lắm!”
 “Chuyện cũ, nhắc làm gì!” Tôi nói bối rối.
 Trước đường, có một người trùm áo mưa kín cả mặt, tay cầm chiếc dù, đứng thập thò nhìn vô quán.
“Ở lại đây với Lan đêm nay, nha? Hay là anh cũng giống như mấy ông Việt Kiều chỉ thích gái trẻ.…”
 Lan nhìn tôi, mắt lả lơi. Tôi ngồi, mặt đỏ bừng. Cơn giận dữ bỗng từ đâu tuôn trào. Tay chân co giật. Người run bắn. Tôi cố kiềm để không giáng cho Lan một cái tát. Lan rót đầy ly rượu, nhấc tay uống cạn. Giọng nói tỉnh queo:
“Ở Mỹ bao năm, cứ tưởng anh thay đổi, không ngờ lại còn nhát cáy như ngày xưa!...”
 Rồi Lan cười. Tiếng cười vỡ ra loảng xoảng, tan trong không gian se lạnh, man dại đến đĩ thỏa. Người tôi dật dờ. Đầu óc xoay tít như chong chóng. Tôi thấy chiếc ghế mình đang ngồi không còn cố định nữa. Nó bồng bềnh, đong đưa như đang trôi giữa dòng nước lũ. Tôi nghe có một thứ gì đó đang dâng lên trong cổ họng, róng riết đòi giải thoát. Cảm giác thật tởm lợm. Tôi xô ghế, lao ra rãnh nước trước mặt quán, người cong lại, rồi mọi thứ bỗng trào lên phun bắn ra, xối xả. Toàn thức ăn, lợn cợn. Những thứ chỉ ít phút trước đây còn sạch sẽ, thơm tho, vậy mà …Tất cả, phút chốc hòa quyện theo nước mưa, trôi tuột về phía cống thoát.
 Tôi đứng bơ vơ bên đường. Tôi không biết mình sẽ đi đâu khi cơn mưa còn đang giăng mù mịt. Tôi cứ để đầu trần, quần áo phong phanh giữa trời đất, bước hoang hoải về phía trước. Mặc cho mưa dội lên tóc. Mưa tuôn trên mặt. Một cảm giác lạnh buốt, rời rã đến nhẹ hẫng miên man trong da thịt. Tiếng Lan cười, lúc xa lúc gần, văng vẳng trong không gian sũng nước. Tất cả hình như không có thật, chắc tôi quá mẫn cảm, mà cũng có thể do tôi tưởng tượng ra.

 Bỗng một chiếc dù của ai đó che lên phía trên đầu. Không biết sao tôi cứ nghĩ là Lan. Tôi xoay mình lại. Trước mặt tôi lúc đó là một con người hoàn toàn khác. Một thân hình nhỏ nhắn, xúng xính trong chiếc áo đi mưa, mặt tròn phúng phính, mắt kính dày như đít chai, đang nhìn tôi khóc ròng...

Nguyễn Văn
Chicago 10, 2012.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 100532)
Hoa ôm cứng lấy tôi. Hoa bảo: Hãy yêu Hoa đi. Nắng buổi chiều chiếu rọi xuyên qua bản vẽ làm rách nát từng đường trên cơ thể Hoa. Tôi nằm dát người trên chiếu, nghe tiếng súng nổ và hiểu Đà-nẵng đang cơn hấp hối.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109711)
một con thuyền dính bùa ngải của sông ý nghĩ găm đầy tháng năm mắc cạn em cố quên làm gì! khi ngay cả cánh tay anh cũng ảo
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 87080)
Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Ngô Thế Vinh còn là một sinh viên y khoa, đảm nhiệm chức vụ chủ bút cho tạp chí Tình Thương, tờ báo của những người sinh viên áo trắng. Trong thời gian này tôi là một sĩ quan rất trẻ của QLVNCH. Cả Ngô Thế Vinh và tôi bị cuốn vào một biến động làm rung chuyển rừng núi Tây Nguyên: vụ nổi loạn đòi tự trị của những sắc tộc thiểu số, mà báo chí thời đó gọi là FULRO.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 90054)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75843)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103996)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 87393)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92876)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109532)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84566)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].