- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GẶP HAI NHÀ THƠ HUẾ

22 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 108885)
 

1. GẶP NHÀ THƠ NGUYỄN KHOA ĐIỀM

nguyenkhoadiem-nguyenphamhung

 Nguyễn Khoa Điềm & Nguyễn Phạm Hùng

Tôi đến thăm anh một chiều mưa Huế. Nói chính xác là một chiều mưa rằm Huế. Trời xầm xì và mưa lách nhách. Lá cây ướt đầm.

Tôi được gặp anh lần đầu vào năm 1981, 1982 gì đó, tại một Hội nghị khoa học về Vương triều Lý ở Hà Bắc. Khi đó tôi là người nghiên cứu trẻ, còn anh đã là nhà thơ nổi danh, là một “ông quan văn nghệ”. Hình như lúc đó anh là Chủ tịch Hội văn nghệ Bình Trị Thiên. Gọi là biết, cũng chỉ thoáng qua, vì tôi làm văn học cổ, còn anh là nhà thơ hiện đại. Hình như có nói dăm ba câu xã giao.

Sau đó tôi được “gặp” anh nhiều lần, nhưng là qua màn hình ti vi. Tôi không có cơ hội, và cũng không có nhu cầu gặp anh, khi anh là một ông quan văn nghệ to.

Gần đây, khi anh trở về với cõi lặng của nhân gian, của đời người và của xứ Huế, nhân chuyến công tác Huế, tôi chợt muốn đến thăm anh, vô tư và đường đột như một kẻ qua đường chợt dừng chân dưới một vòm cây bên lữ quán, với tư cách một người đọc thơ anh, và anh, chỉ với tư cách một nhà thơ. Đơn giản thế thôi.

Tôi nhờ anh bạn trẻ người Huế hỏi thăm nhà, và chúng tôi cùng đến nhà anh.

Một chiều mưa Huế buồn và lặng lẽ. Một căn nhà có nhiều cây, yên tĩnh và thanh quạnh ở phường Vĩ Dạ. Bạn tôi đã điện thoại trước xin phép gặp anh. Và chúng tôi đội mưa đến. Anh đã tạo cho tôi một ấn tượng mạnh. Hai cánh cổng đã mở sẵn. Dắt xe vào sân, đã thấy chị người nhà đứng đón. Vào nhà, anh đã khăn áo chỉnh tề, chỉn chu, ngồi đợi với ấm trà pha sẵn.

Chỉ với thế thôi, lúc ấy, tôi chợt nghĩ, chẳng cần thăm gì nữa, về cũng được rồi. Chỉ thế là tôi biết thế nào là Nguyễn Khoa Điềm rồi. Một Nguyễn Khoa Điềm bằng xương bằng thịt không có cái giàm danh bên mình, bình dị và gần gũi.

Và câu chuyện của chúng tôi cũng thật giản dị, vu vơ, chuyện đời, chuyện người, chuyện văn chương thế sự… Ngoài kia trời vẫn lách nhách mưa. Giọng anh nhỏ nhẹ và lành. Tôi chợt hiểu, thế nào là cõi lặng của anh.

Trong cái cõi lặng của Huế, của những mái chùa, của dòng sông Hương lặng lẽ chảy trôi, của những thân phận lam lũ bên phá Tam Giang, anh trở về cõi lặng của riêng mình và viết những vần thơ về cõi lặng đó. Tôi đã đọc thơ anh trong những tháng ngày chiến tranh trước đây, nó ám ảnh mãi thế hệ chúng tôi. Tôi đã đọc thơ anh trong những ngày anh làm “ông quan văn nghệ” to nhất nước, thú thực chẳng thấy hứng thú gì, vì mọi lẽ. Tôi đọc “Cõi lặng” của anh trong những ngày Huế thật buồn thật lặng giữa trời mưa thu se se và ẩm ướt.

Nhưng hình như, tôi thấy cõi lòng anh chẳng thanh lặng, vô ưu, vô sự chút nào.

Hình như trong cái Cõi lặng của riêng anh, hay Cõi lặng của đất nước và dân tộc này, vẫn xôn xao những điều chẳng bao giờ yên ả./.


 

2. GẶP NHÀ THƠ TRẦN VÀNG SAO

nguyenphamhung-tranvangsao

 Nguyễn Phạm Hùng & Trần Vàng Sao


Đến Huế, tôi muốn gặp hai nhà thơ, một người “đã lên lên bổng tít bao chừng” là Nguyễn Khoa Điềm, từng là một “ông quan văn nghệ” to nhất nước, và một người ở tận cùng của sự đau khổ, theo những gì tôi được nghe, là Trần Vàng Sao, nhưng lại là hai người bạn chí thân của nhau.

Qua chỉ dẫn của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, tôi và anh bạn trẻ người Huế cùng nhau đến thăm anh Đính (tên thật của Trần Vàng Sao). Tôi đến thăm anh vì sự cảm thông, thậm chí thương cảm số phận trớ trêu của anh. Tôi đến vì sự kính phục tác giả “Bài thơ của một người yêu nước mình”.

Vòng vèo qua vài con ngõ, vài đoạn đường phường Vĩ Dạ, chúng tôi dừng chân trước cổng một ngôi nhà vườn khá rộng thoáng. Đó là một bất ngờ, tôi cứ tưởng anh ăn ở úi xùi lắm khi số phận xô đẩy anh đến bước đường cùng. Nhưng không, một nơi ở đáng mơ ước của nhiều người Huế, thanh lặng và bình yên, có một thân cây to gần như cổ thụ trước nhà nghe nói được người cha của anh trồng từ khi dựng ngôi nhà này. Và với một cuộc sống đầm ấm hình như “tứ đại đồng đường”.

Và bất ngờ hơn, tôi được gặp anh, một con người rắn rỏi, nhỏ bé nhưng quắc thước, tràn trề sự lạc quan, thông minh sắc sảo và đầy cá tính. Từ cái miệng mím chặt, tôi cố hình dung lúc anh “chưởi” nó thế nào? Con người anh như một cái cánh cung queo quắt nhưng đầy sung lực, lúc nào cũng như đang giương lên để phóng vút một mũi tên. Lời anh sang sảng và rành rõ.

Anh ôm lấy tôi chặt ấm như một người thân quen. Anh nói với tôi thân thiết như một người bạn cũ. Anh cởi lòng cởi dạ với tôi như một tri kỷ. Anh cởi mở đến kinh ngạc về mọi điều, từ cuộc đời anh, đến thơ văn, đến công việc, đến triết lý Phật giáo và Thiền Đạt Ma…

Anh làm tôi bị choáng ngợp, bị bất ngờ. Từ cái cảm giác thương cảm vô duyên, tôi bị khuất phục thành kính trọng, khâm phục và có phần nể sợ một tâm hồn, một cốt cách, một phong thái.

Trong con người anh có cái hiền dịu của một người già xứ Huế, nhưng có cái sắc mạnh đầy nội lực của Thiền. Trong căn phòng khách khá xuề xòa chất ngổn ngang bừa bộn sách vở, nhưng ấn tượng mạnh nhất với tôi là những bức tranh Bồ Đề Đạt Ma anh vẽ treo la liệt trên tường và vương vãi khắp phòng. Tôi bỗng nhìn thấy hầu hết những bức tranh vẽ Bồ Đề Đạt Ma đều có dáng vẻ của anh, và ngắm anh, tôi lại thấy có cái gì đó hao hao giống Bồ Đề Đạt Ma.

Cuộc đời là một bể khổ, người ta phải vượt qua bể khổ đó để đến bến bờ sung sướng, hạnh phúc. Bất chợt, tôi thấy dáng anh dường như không có dáng của người đau khổ, mà sung mãn và sung sướng. Phải chăng anh đã Giác Ngộ? Phải chăng người ta chỉ có thể đến được bến bờ Giác Ngộ khi bị rơi vào Bể Khổ, và nhất là khi vượt qua được Bể Khổ đó?

Tôi cứ băn khoăn, anh đang đau khổ hay đang sung sướng? Anh đang hạnh phúc hay đang bất hạnh?

Và chợt nhìn lên những bức tranh Bồ Đề Đạt Ma treo la liệt trên tường và vương vãi khắp phòng, tôi bỗng rùng mình thức nhận./.


NPH



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 99228)
Về Mùa biển động... V ới đôi mắt tinh tường, cái nhìn thàng hậu (nhân bản) Nguyễn Mộng Giác đã xây dựng lại cuộc đời của nhiều gia đình, nhiều nhân vật trong thế hệ những người đã sống hoặc lớn lên ở trong Nam, thời kỳ chia đôi đất nước... Là nhân chứng có con mắt bao quát và sâu xa, ông nhìn và viết lại xã hội miền Nam trước 1975, thuật lại biến cố Phật Giáo những năm 60, biến cố Mậu Thân thập niên 70, biến cố 30 tháng tư 1975, thuật lại cuộc di tản, thuật lại cuộc đời tha hương trên đất Mỹ.. .
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 96672)
Hồn tôi ngây ngây như người nhọc nhằn leo núi, lúc lên tới đỉnh chỉ thấy những khối đá tảng xù xì rêu phong, và nhìn trở xuống là một vực thẳm đầy mây". ( Tha hương , Văn Nghệ xuất bản 1989, trang 1849). Đó là hình ảnh nhà văn Nguyễn Mộng Giác với Mùa biển động.
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 72444)
M ùa biển động tập 5, Tha hương là tập cuối, dày nhất, hơn 600 trang, quan trọng nhất và được độc giả mong đợi, để biết số phận nhân vật sẽ ra sao, qua cuộc «đổi đời» tháng 4-1975.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 85775)
H ồi xưa, mẹ tôi thường theo mùa mà gọi những người đàn bà bán hàng rong vào nhà để mua hàng của họ. Mùa sen, mẹ tôi mua sen để lấy nhụy ướp trà, mùa cà cuống, mùa cốm, mùa sắn dây…
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 92119)
T ôi có thể kể một câu chuyện giống như diễn tiến tự nhiên của cuộc sống. Tất nhiên điều đó không có hại gì cho sự nghiệp văn chương của tôi. Trừ phi tôi muốn dây dưa bằng những thứ ì xèo người ta gọi là vạ miệng. Con chữ giết người. Sự sứt mẻ tinh thần đem đến những mớ bòng bòng rắc rối. Và họa vô đơn chí sẽ có một vài kẻ bắt vạ không lương thiện. Họ làm tổn thương tâm hồn nhà văn của tôi.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 87999)
T ôi thật sự muốn viết đôi dòng tưởng nhớ anh Nguyễn Mộng Giác nhưng ngày qua bốn ngày, vẫn không viết được gì. Nhớ rất nhiều chuyện. Nghĩ rất nhiều chuyện. Âm ỉ âm u.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 91034)
T háng 10, năm 1999, lần đầu tiên tôi gửi bài cho báo Văn Học. Gửi thử thôi. Không có hy vọng báo đăng. Một vài cây viết kỳ cựu trước 1975 bảo tôi, Văn Học, Văn “tuyển” bài lắm. Có người còn dọa, làm thơ phải biết “nhậu”, viết văn phải biết xã giao, phải có quen biết, có gửi gắm,… Đóng cửa như tôi thì viết có mà để giun dế đọc.
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 78225)
Một phóng sự ngắn về nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người vừa ra đi trong sự tiếc thương của bằng hữu. Mời quý vị theo dõi trong phóng sự sau đây  (video 3 phút).
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 100158)
V ì người tụng một thời Kinh Tôi đi rước nắng về in hiên trời Chiều trông chiều vẫn thảnh thơi Tôi đi hái thuốc về in hiên nhà...
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 85138)
T ừ xưa tới nay chúng ta cứ nghĩ rằng sở dĩ con người biết đọc là vì i biết nói, nghĩa là biết tạo ra ngôn từ và phát biểu - còn thú vật vốn không biết nói thì làm sao biết đọc cho được. Thế mà các nhà nghiên cứu phòng thí nghiệm khoa tâm lí và khả năng nhận thức gọi là laboratoire de la psychologie cognitive thuộc trung tâm nói trên, chỉ sau một tháng rưỡi trời khảo sát, đà có thể phủ định điều mà chúng ta hằng tin chắc, khẳng định ngược lại rằng loài vượn babouin tuy không biết nói nhưng biết đọc hẳn hòi.