- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

“Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác: Sự khám phá nhân cách văn hóa Việt

22 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 106130)


scmlu-content

Cái nhìn mới mẻ táo bạo về người anh hùng áo vải

Lịch sử Việt Nam có không ít những nhân vật lớn với tầm vóc tạo dựng thời đại mà cuộc đời của họ tự nó đã là những pho tiểu thuyết. Song rất tiếc, cho đến nay tiểu thuyết lịch sử Việt Nam mới chỉ dừng lại ở sự khai thác có tính chất minh hoạ lịch sử về một vài giai đoạn và một số khía cạnh của những nhân cách văn hoá lớn này. Rất hiếm tác phẩm tái hiện các anh hùng dân tộc một cách toàn diện, từ góc nhìn nhân văn và thế sự, tái tạo lại quá trình hình thành và sự toả rạng của những nhân cách lớn này, trong khuôn khổ một thời đại lịch sử, càng rất hiếm tác phẩm trình bày họ như là những nhân cách văn hoá Việt Nam vừa gần gũi, bình dị, vừa hấp dẫn, cao siêu .


Trong bối cảnh đó, bộ trường thiên tiểu thuyết
 Sông Côn mùa lũ trên 2000 trang của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Việt kiều Mỹ, được NXB Văn học Hà Nội tái bản năm 1998 đã trở thành một sự kiện văn học đáng kể vì đem đến cho người đọc một bức tranh hoành tráng về thời đại Tây Sơn, trên đó nổi bật lên hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung như một nhân cách văn hoá lớn , có sự cuốn hút trí thức đương thời, một nhân cách bắt rễ sâu vào trong từng số phận bé nhỏ của đời sống và vươn tới tầm vóc tạo dựng thời đại.

Người anh hùng Nguyễn Huệ bấy lâu vẫn định hình trong chính sử và dã sử như một người nông dân áo vải cờ đào mà cái ấn tượng về cốt cách nông dân võ biền, mạnh mẽ của ông đã in đậm trong tâm thức số đông như một ấn tượng lịch sử. Người ta đã quen coi Nguyễn Huệ như một hình ảnh tượng trưng cho những người nông dân chân đất, quật cường, dũng mãnh, song dường như cái khí phách anh hùng ấy không thể có chung nguồn mạch với văn hoá Nho giáo nói riêng và tư duy bác học nói chung. Nếu như trong Phẩm Tiết, Nguyên Huy Thiệp đã khai thác cái ấn tượng võ biền này để tạo dựng một Quang Trung thế tục, sàm sỡ và cao ngạo đế vương thường gây tranh cãi, thì trong 
Sông Côn mùa lũ Nguyễn Mộng Giác đã cãi lại định kiến văn hóa này khi trình bày Nguyễn Huệ như một nhân cách trí thức hấp thụ các tinh hoa văn hoá bác học qua một ông đồ là giáo Hiến, tiếp thu các đạo lý từ Nho giáo, và từ nhiều nguồn khác để trở thành nhân vật anh hùng.

Theo dõi quá trình hình thành nhân cách này ta thấy rõ bản lĩnh của Nguyễn Huệ không phải đơn thuần là sự thăng hoa của bản năng giải phóng trong con người nông dân, mà là sự tự khẳng định có ý thức của một nhân cách văn hoá mới trong thời đại ấy. Do đó sức mạnh của người anh hùng Nguyễn Huệ không phải là quyền lực hoang dã của bạo chúa. Chính cốt cách văn hoá, bản chất trí thức này đã tạo cho nhân vật Nguyễn Huệ trong tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác có một sức hấp dẫn lôi cuốn trí thức đương thời.


Nguyễn Mộng Giác đã rất tinh tế và cao tay khi trình bày quá trình vừa hút vừa đẩy của Quang Trung với Nho giáo nói chung và các sĩ phu Bắc Hà nói riêng. Hấp thụ đạo Nho từ thuở ấu thơ, Nguyễn Huệ trong tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác đã vượt lên đạo Nho, tìm thấy trong đời thường và trong lịch sử cái lý lẽ phê phán những hạn chế của đạo Nho và những hủ nho trong đó có giáo Hiến thầy mình. Tuy đánh giá thấp tầm vóc và bản lĩnh văn hoá của những tri thức đương thời, nhiều lúc giận họ, căm thù họ, cảm thấy bất lực trước sự bảo thủ và gàn dở của họ, thậm chí có lúc định giết họ, nhưng Nguyễn Huệ vẫn không nản trí trong việc tìm đến họ, tha thiết lôi họ vào dòng chảy thác lũ của khởi nghĩa nông dân.


Chính cái nhìn mới, cái nhìn giải phóng, cái nhìn tạo dựng thời đại của Nguyễn Huệ toả ra từ nhân cách văn hóa rất Việt Nam của ông đã tạo cho ông một sức hấp dẫn có thể lôi kéo những trí thức lớn đương thời đi theo phong trào Tây Sơn. Thành công lớn của Nguyễn Mộng Giác là đã trình bày thuyết phục và nhuần nhuyễn sức hấp dẫn văn hoá của người anh hùng nông dân Nguyễn Huệ, thách thức những định kiến lịch sử. Đó là một góc nhìn rất mới mẻ và táo bạo của nhà văn với nhân vật lịch sử độc đáo, phức tạp này.


Nội soi nhân cách văn hóa người anh hùng Nguyễn Huệ


Khi trình bày, tái hiện, lý giải các mối quan hệ trí thức nông dân trong lịch sử và giữa các nhân vật lịch sử, các nhà văn xưa nay thường nhìn các sự kiện qua lăng kính của thân phận người trí thức với những bi kịch, éo le và giằng xé của họ trong sự hợp tác với lãnh tụ nhân dân. Chẳng hạn, tiểu thuyết 
Vạn Xuân (Dix mille printemps)của nhà văn Pháp Yveline Feray và các tác phẩm văn học, sân khấu khác về Nguyễn Trãi đã khai thác bi kịch của người tri thức có công trong bối cảnh hậu chiến thời Lê.

Cách nhìn phổ biến trong các tác phẩm này là trình bày một đối trọng tri thức bạo chúa, văn hoá quyền lực, kẻ sĩ nông dân trong một ý nghĩa nào đó thì đối trọng này là một tương quan có ý nghĩa và thuyết phục. Nhưng dường như văn hoá Việt Nam có độ nhoè, độ dính kết, độ dung hoà giao thoa và cộng sinh giữa cái thái cực đã tạo ra những quan hệ phức tạp, đa tầng và đa sắc hơn giữa những thế lực và những quan điểm trong tiến trình lịch sử. Vì thế, cái nhìn phân tuyến lưỡng cực, đối trọng theo tinh thần duy lý cổ điển phương Tây và cách sử dụng lăng kính tri thức nhìn một xã hội nông dân, một trật tự nông dân sẽ có nguy cơ bất cập.


Nguyễn Mộng Giác có bản lĩnh sáng tạo tránh được công thức có tính định kiến và áp đặt này. Tác giả di chuyển người tri thức từ vị trí đứng ngoài bổ sung, đối trọng và đối lập với người nông dân vào bên trong cấu trúc nhân cách của người anh hùng Nguyễn Huệ, để nội soi người anh hùng này, khám phá những mâu thuẫn, những giằng xé, những gắn kết, những cộng sinh lai tạp trong quá trình lịch sử và tâm lý, tìm ra mã số văn hoá thống nhất trong nhân cách lãnh tụ khởi nghĩa nông dân. Và việc lồng trí thức vào nông dân, lồng con người thế tục vào con người huyền thoại, lồng con người tình nghĩa vào con người quyền lực, lồng cái nhìn nhân bản vào cái nhìn chính trị, lồng dã sử, huyền sử vào chính sử đó là cái cơ chế sáng tạo nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ của Nguyễn Mộng Giác trong 
Sông Côn mùa lũ.

Ta thấy rõ và cảm thông với sự song tồn, đồng tồn, tương hợp trong con người Nguyễn Huệ một học trò giỏi cuả Nho học và một người phê phán Nho học, một người tôn trọng đạo lý tình nghĩa và một lãnh tụ quyền biến thao lược dám làm những việc cần làm (như dấy binh đánh lại Nguyễn Nhạc anh mình), một người bạn, người tình, người học trò thuỷ chung, ân nghĩa và một bản lĩnh anh hùng dám đạp đổ cả triều đình để dành lấy giang sơn. Sự dung hoà, giao thoa, cộng sinh giữa các mặt đối lập trong nhân cách Nguyễn Huệ phản ánh biện chứng văn hoá hỗn dung của người Việt, làm nên tính cách Việt Nam của nhân vật Quang Trung trong bộ tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Mộng Giác, khiến nhân vật này mamg sinh động và đầy tính nhân bản khác hẳn với Nguyễn Huệ trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái và cũng khác về cốt cách văn hoá với Pie đại đế trong tiểu thuyết Nga.


Trên cơ sở cấu trúc nhân cách văn hoá của Nguyễn Huệ, Nguyễn Mộng Giác đã gắn kết các tư liệu lịch sử với chiều sâu nhân bản trong đời sống tâm lý, thế tục của nhân vật được hư cấu một cách tỉ mỉ và sinh động. Ngay từ khi Nguyễn Huệ còn là cậu học trò, Nguyễn Mộng Giác đã để cho người bạn gái của ông là cô An cảm nhận được cái áp lực văn hoá trong nhân cách anh hùng bộc lộ qua từng câu nói đùa, từng ánh mắt giễu cợt và cử chỉ đời thường rất hồn nhiên vô tâm. Khi Nguyễn Huệ trở thành bậc vương tướng, Nguyễn Mộng Giác lại để cho cô An có lúc cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp của một người bạn cũ thời thơ ấu và để cho Nguyễn Huệ sống trong trạng thái cô đơn khi quyết định tiến hành nội chiến với chính người anh của mình.


Những nhân cách văn hoá trong đời thường


Nguyên lý văn hoá lưỡng hợp, hỗn dung đặc trưng của dân tộc Việt dường như đã trở thành miếng đất màu mỡ cho tư duy nghệ thuật của người viết tiểu thuyết lịch sử, kết hợp nhuần nhuyễn chính sử, dã sử và huyền sử với tưởng tượng, hư cấu và khai thác chiều sâu tâm lý để sáng tạo ra những nhân vật nhiều chiều chập chờn giữa huyền thoại và giải huyền thoại, giữa đời thường và lịch sử, giữa sứ mệnh và tự do, giữa quyền lực và nhân tính. Nguyễn Huệ trong
 Sông Côn mùa lũ là một nhân vật tiểu thyết như vậy, một nhân vật mang tính ám ảnh của văn hoá Việt Nam với tất cả những mâu thuẫn, giằng xé giữa con người nhân bản và con người chính trị như nhà lý luận Nguyễn Hữu Lê đã chỉ ra khi bàn về đặc tính đối thoại và giao tiếp của tư duy nghệ thuật.

Nhân vật cô An, người bạn gái của Nguyễn Huệ cũng là một tham số văn hóa gia tăng tính lưỡng hợp, hỗn dung của văn hoá Việt trong thế giới các nhân vật tiểu thuyết của Sông Côn mùa lũ. An dường như là hiện thân của những con người bé nhỏ bị bóng đè trong lịch sử, trong trường hợp cụ thể của An, cô bị bóng người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ ám ảnh suốt cuộc đời. Nguyễn Huệ từng gần gũi An như một người yêu trong tâm tưởng, đã gieo vào An những kỷ niệm, những ấn tượng, đã giễu cợt những khao khát trần thế nhỏ bé của cô rồi lại cưu mang cô trong những bối rối của đời thường để cuối cùng cô vừa bị lịch sử cuốn mất người yêu có nhân cách lớn lao và cướp đi cả những hạnh phúc đời thường bé nhỏ.


Một thân phận chung chiêng giữa cái cao cả và cái tầm thường , một người phụ nữ Việt Nam mang nghịch lý của số phận thân nhân vô danh bị giằng xé giữa khát vọng lịch sử văn hoá lớn lao và thực tế thấp hèn, dở dang, tội nghiệp. Những kỷ niệm về Nguyễn Huệ lướt qua cuộc đời An như đưôi sao chổi quệt vào một hành tinh bé nhỏ làm đổ vỡ sâu sắc cuộc đời cô. Trong số phận An có chất chứa cả những điều éo le kỳ thú của số phận nhân dân, cả những đức hạnh, những guằng xé của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử.


Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Mộng Giác kết thúc bộ trường thiên tiểu thuyết bằng hình ảnh cô con gái An lần đầu hành kinh. Cái kết ấy gợi lại hình ảnh người thiếu nữ An xưa kia lúc mới gặp Nguyễn Huệ, trong ngày đầu hành kinh đã hốt hoảng lo âu trước nhịp sống thường tình của người phụ nữ. Và , ta không khỏi suy nghĩ, cái nhịp sống thường tình ấy thực ra từ lâu không còn thường tình nữa, đó là thời điểm đáng báo động mà người phụ nữ phải đơn côi đối diện và đối thoại cùng những biến động kỳ vĩ của lịch sử, những hốt hoảng âu lo ngây thơ kia chính là tiên cảm, là linh giác của đời người phụ nữ luôn luôn sợ hãi lo âu vì bị bóng của những nhân cách siêu việt do chính mình góp phần bé nhỏ tác thành đè nặng suốt đời. Liệu có một người anh hùng nào sẽ đến phủ bóng lên cuộc đời cô gái con An? Những thân phận bình thường được nhấn trở thành một tín hiệu nghệ thuật có sức ám ảnh nâng cảm nhận của người đọc lên tầm suy tư triết học và văn hoá.


Bên cạnh An, những con người bé nhỏ bình thường khác trong 
Sông Côn mùa lũ như giáo Hiến, Lãng, Chinh, Thọ Hương... cũng có những cái riêng để đi vào lịch sử, tham dự vào nhân cách văn hoá của Nguyễn Huệ ở những mức độ khác nhau. Trong tương quan lịch sử, họ là những “mẫu số chung tầm thường”, một hai trong muôn ngàn, nhưng trong tương quan văn hoá là thế sự, họ cũng in dấu ấn vào nhân cách anh hùng trong một chuỗi những sự kiện, hành vi tưởng như bé nhỏ, thường tình vô nghĩa và bằng cách đó họ góp phần bộc lộ và khám phá những chiều kích nhân bản khác nhau trong nhân cách dân tộc và nhân cách anh hùng dân tộc.

Khác với những cây bút tiểu thuyết thường khai thác hành vi lịch sử của quần chúng như là những lực lượng cơ bắp, Nguyễn Mộng Giác xây dựng những con người bé nhỏ như những nhân cách văn hoá trong đời thường góp phần đan dệt và phản chiếu nhân cách văn hoá của người anh hùng áo vải Quang Trung. Họ đều là những nhân vật nhạy cảm văn hoá, sống thường trực trong tư cách nhân chứng văn hoá trước dòng chảy lạnh lùng và khốc liệt của lịch sử để đón nhận và lưu giữ những ấn tượng sâu sắc từ mỗi sự kiện, mỗi hành vi, mỗi xao động nhỏ trong dòng chảy ào ạt tàn nhẫn ấy.


Trước khi là nạn nhân của sự quên lãng, vô tâm và phản bội thường thấy trong lich sử, những con người bé nhỏ này ngày ngày là nạn nhân của nhân tính bén nhạy trong mình, để rồi như An và Lãng bị choáng váng ám ảnh mãi bởi một vụ nghĩa quân hành quyết một người vô tội nhằm trấn an người Thượng sau vụ tranh chấp muối, hay như ông giáo Hiến nổi giận đánh con trai là Chinh khi thấy anh xách xâu tai người về như một dấu hiệu của thái độ say sưa bạo lực...


Lịch sử được tái hiện qua biết bao sự kiện hành vi thế sự, mỗi sự kiện nhỏ lại được nhà văn khai thác sâu những vang dội của nó vào thế giới nhân tính, trở thành những tín hiệu tâm linh, văn hóa. Sự kiện lịch sử chỉ như một thứ thẻ căn cước để Nguyễn Mộng Giác đi vào thế giới nhân tính thâm u, khuất khúc, thăm thẳm trong từng nhân vật mà thăm dò những ấn tượng tâm lý, những xáo động nhân bản, những nhức nhối nhân văn, những khắc khoải văn hoá vừa dữ dội vừa tinh tế. Và cái tinh thần văn hoá nhất quán trong những nhân vật này là tinh thần văn hoá Việt nam đầy nhân bản, đầy mặc cảm thân phận, nặng tình, trọng nghĩa, ân oán rạch ròi và ngôn thứ phân minh.


Cái nhìn xuyên suốt bộ trường thiên tiểu thuyết 
Sông Côn mùa lũ là cái nhìn văn hoá, là sự khám phá, lý giải kết nối chuỗi nhân cách văn hoá từ thường nhân đến vĩ nhân làm nên một dòng chảy văn hoá tâm linh nhất quán qua từng trang sách. Dòng chảy văn hóa đó là sự hoà quyện của logic lịch sử, lôgic đời sống và lôgic nghệ thuật trong dung môi văn hoá Việt Nam đầy tính nhân bản, lưỡng hợp hỗn dung. Đó chính là mã số của sức mạnh Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam.

Sông Côn mùa lũ
 được sáng tác ở Việt Nam từ năm 1977 đến 1981, xuất bản lần đầu ở Hoa Kỳ năm 1990. Có lẽ cách nhìn nghệ thuật vừa táo bạo, trí tuệ, vừa sâu sắc và nhân bản của tác giả Nguyễn Mộng Giác - một cách nhìn tôn vinh văn hoá Việt Nam, gợi ra những vấn đề day dứt, nhức nhối về quan hệ quần chúng và lãnh tụ, cá nhân và lịch sử đã khiến cho bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ được độc giả trong nước đón nhận trân trọng và nồng nhiệt. Bài viết này không có tham vọng giới thiệu toàn diện bộ sách đồ sộ công phu này mà chỉ gợi ý một mã số, một lối vào tác phẩm để bạn đọc tham khảo và tự mình thẩm định./.


Thứ sáu ngày 13/7/2012 


Đỗ Minh Tuấn


Nguồn:
http://trannhuong.com/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Tám 20236:52 CH(Xem: 5900)
Chẳng biết tôi có tưởng tượng hay không, nhưng hôm nay rõ ràng là mặt biển nhìn cao hơn bờ, dù hãy còn thấp thoáng từ xa lắm. Trời trưa nắng gắt, lối đi dẫn xuống bãi biển dường như cứ tiếp tục trải dài thêm theo từng bước chân của tôi. Chưa thấy nhà của ông Morpheus ở đâu cả. Hai bên đường là những cụm xương rồng tua tủa trông dữ tợn, nhưng lại lác đác điểm những bông hoa màu sắc rực rỡ. Gió biển khô khốc, nồng nồng trong mũi tôi. Tiếng sóng vỗ nghe chập chờn từ tít ngoài xa. Tôi cố nhìn xem có những dấu hiệu gì đặc biệt hai bên đường để khi quay về có thể lần theo ra lại đường cái. Toàn là xương rồng và xương rồng, không có lấy một cái cây cao hay một mỏm đá. Dưới chân tôi là cát trắng lẫn vào sỏi đá, khiến đường đi thấy gập ghềnh, không mời gọi.
15 Tháng Tám 20235:39 CH(Xem: 5775)
Trước sân anh thơ thẩn / Đăm đăm trông nhạn về / Mây chiều còn phiêu bạt / Lang thang trên đồi quê / In the yard I was pacing / Longing for faraway news / Whilst the clouds kept wandering / High above the rural hills /
05 Tháng Tám 20239:50 CH(Xem: 5566)
“Khi người ta 19 tuổi, người ta là bà hoàng” - đó là một câu trong bộ tiểu thuyết sử thi “Con đường đau khổ” của nhà văn Nga A. Tolstoy mà bố từng lấy làm đề từ cho bài cảm ngôn “Viết dành cho con gái năm con 19 tuổi” từ những năm bố còn là một chàng trai mơ mộng lang thang trên những nẻo rừng Tây Bắc. Vài chục năm sau, vào lúc con đọc những dòng này của bố, khi con chuẩn bị bước vào năm thứ hai đại học, cũng là lúc cả xã hội ta đang trong một cơn xáo động kinh hoàng với bao giá trị đảo lộn quay cuồng khiến những cô cậu sinh viên quen sống trong vòng tay gia đình che chở như con phải hoang mang, ngơ ngác, hoảng sợ…
04 Tháng Tám 20236:06 CH(Xem: 6151)
Ta về dỗ giấc chiêm bao / Lặng nghe bao tiếng thì thào của đêm / Ta về dỗ giấc mơ em / Dỗ cho giấc mộng cũ mèm, mới ra
04 Tháng Tám 20235:53 CH(Xem: 5990)
Từ bao giờ thấy 'mọi sự không là gì cả' / rồi giật mình, nói ra e hố / từ bao giờ biết 'nhiều sự không là gì cả' / rồi giật mình, nói ra e thừa / từ bao giờ thấy không nên nói chi nữa/ rồi giật mình, ồ mình thành cục đất rồi / từ bao giờ / đất có trên đời?
04 Tháng Tám 20235:45 CH(Xem: 6419)
Em hong tóc mùa nắng vàng / Thoảng lên ngày Hạ nồng nàn vai thơm / Gió đùa hôn ngọn tóc vương / Đong đưa nhánh phượng rơi hương bên thềm
04 Tháng Tám 20235:00 CH(Xem: 4937)
bơ phờ là lúc em ánh sáng / ngàn năm mỏi mệt ngân hà / thiên thu bay mãi trời xa / nông nổi ẩn mờ hoài niệm
04 Tháng Tám 20234:38 CH(Xem: 6229)
tôi đã tha hương bên bờ sông nước chảy / một viên sỏi một nhánh rong / như mắt thủy xanh rêu tiền kiếp / tôi nỡ nào để thủy trôi đi làm giọt mưa tan / vào tiềm thức mịt mù của số phận
04 Tháng Tám 20233:39 CH(Xem: 6319)
tôi về đây nghe hết một thời / thân này hồn sẽ bỏ, chia đôi / còn xin giữ lại cho mình chút / nắng sớm mưa chiều … theo mây trôi
04 Tháng Tám 20233:26 CH(Xem: 5402)
mùa xuân/ em đến/ ngại ngần/ mùa hè/ ta ngủ/ căn phần/