- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Hãy Chết Đi, Nguyễn Huy Thiệp...

22 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 97247)



nhavan_nguyenhuythiep_2-content

Cách đây hai tuần, trong khi đang tập nhị khúc, một bộ môn bắt buộc của Taekwondo, tôi bỗng phát hiện ra ngực mình nổi lên một cục nhỏ như khối u. Khối u rất kỳ dị. Ngự ngay giữa phần hõm của lõm ngực. Chính xác, đầu hơi chếch về bên phải một chút. Đụng vào nhói đau và khi ấn nó đã chạy như có chân. Sự phát hiện bất ngờ làm tôi tê điếng. Dù rất hoảng hốt, tôi vẫn không nói với ai. Chỉ thận trọng theo dõi. Cảm giác đầu tiên ập vào tôi và đánh chiếm lớn dần sau đó là những gương mặt đã chết vì căn bệnh ung thư. Thời gian vừa qua tôi đã tiễn đưa khá nhiều bạn bè và có người thân yêu đến mức sau đó tôi buộc phải gác lại tất cả công việc riêng để ngồi vào bàn thực hiện Di cảo để lại theo lời trăn trối của họ. Không lẽ bây giờ tới lượt mình sao? Tôi không dám nghĩ về điều đó. Vậy khối u chạy trong ngực là gì?



Trước cái chết hiển dụ, tôi thấy mình chưa chuẩn bị được gì và quá bỡ ngỡ. Vợ dại, con thơ, nợ nần, cơm áo… là những “nỗi đau” trần thế nhưng lúc này nghe nhói lòng nếu mình có vé bị loại khỏi cuộc chơi, không còn quyền “can dự” nữa! Ôi cái cuộc đời dã man, mật ngọt, đau đớn và phù du. Nó là cái gì mà chúng ta cứ níu kéo, chì chiết mãi thế? Không thể dứt bỏ!... Nó bí ẩn khôn khuây, tuyệt vọng và tàn bạo! Nó như cái thế giới hỗn loạn được xây dựng và cắt ra từ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Đó là Quỷ ở với người, Cún, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Chảy đi sông ơi, Thương nhớ đồng quê, Thương tất cả cho đời bạc [1]...

Trong thời gian đấu tranh để có thể đủ cam đảm đến bệnh viện xét nghiệm, tôi đã phải đối mặt với các câu hỏi những gì đã từng thụ hưởng về văn hóa trong cuộc đời quá ngắn này liệu còn ý nghĩa? Kẻ lên đường sau bao nhọc nhằn “chiến đấu” những gì mang theo và ai mới là người đáng kể? Thật bất ngờ ở “điểm chết” này tôi đã nhận ra tầm vóc hết sức lớn lao trong những ẩn ngữ văn chương của Nguyễn Huy Thiệp. Y, con phù du lớn nhất. Một tên ngoại hạng. Một tay ngoại cỡ. Một bút pháp điếm loạn viết về cái ác mà không ghê tay. Có thể xem y như người viết về cái ác thành công nhất từ trước đến nay của văn chương chúng ta. Y có thể làm nổi khùng và chửi toáng lên với bất cứ bậc khả kính nào khi đọc văn y nhưng sau đó lại lặng lẽ tẩm ngẩm tầm ngầm đi tìm những tác phẩm mới của y để quét không sót một chữ! Với tôi, trước cái chết, y là tay đáng kể duy nhất và cuối cùng. Vệt sao băng quét qua cuộc đời...

Lạy ơn trên, thật may mắn, khối u của tôi sau gần một tuần đấu tranh đến bệnh viện và siêu âm xét nghiệm kỹ chỉ là vấn đề nhỏ trong y học. Đó là chiếc xương “xương lưỡi kiếm” ẩn sâu trong ngực mà tên Adam nào cũng có. Khi bạn tập tành quá sức như luyện võ, cử tạ… tự khắc nó sẽ “cộm” lên. Sau đó tự khắc nó sẽ lặn đi! Lưỡi kiếm ơi là lưỡi kiếm! Nhưng rõ ràng là tôi không còn bình yên được nữa! Một lưỡi kiếm của Nguyễn Huy Thiệp đã xẹt ngang hồn tôi…

***

Nhiều nhà phê bình vẫn phàn nàn Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn không có tim hay không có lương tâm. Sao y có thể say mê tẩn mẩn tỉ mỉ về cái ác đến bệnh hoạn vậy? Tôi thực sự nghĩ rằng đó là vì tấm lòng và tình yêu cuộc sống quá lớn của ông! Trong tác phẩm mới nhất, Vong bướm cũng thể hiện rất rõ điều ấy!

Người bạn vong niên của Nguyễn Huy Thiệp là nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, có nói về tính sa đọa của Thiệp gần đây. “Bạn có để ý hai tác phẩm mới của Thiệp không? Toàn ăn chơi, toàn chim bướm! Đó là dấu hiệu của kẻ sắp rời bỏ và tiếc nuối cuộc trần gian này…”. Giăng lưới bắt chim [2] - tập tiểu luận phê bình và Vong bướm - kịch bản chèo, liệu điều ấy có thực không?

Trước hết, phải nhìn nhận khi viết Vong Bướm quan niệm về thi sĩ và nghiệp văn với Nguyễn Huy Thiệp vẫn là hết sức nhăng nhố. Là người từng gây ra những cuộc tranh luận dữ dội “Trò chuyện với hoa thủy tiên” ông đã chỉ trích thẳng về thói rẻ rúng và đốn mạt của bọn làm thơ bằng mấy câu lục bát của Nguyễn Bảo Sinh “Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ / Hôm qua nó bảo dí thơ vào l…/ Vợ tôi nửa dại nửa khôn / Hôm nay lại bảo dí l… vào thơ”. Và đây, ông viết “Tôi không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó; nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa…” [3].

Và ông rất tâm đắc với ghi chú của một viên cò người Pháp về nghề văn - từ một tư liệu tìm thấy trong hồ sơ của nhà văn Giông tốSố đỏ nổi tiếng: - “Viên cò thời Pháp thuộc ghi vào hồ sơ Vũ Trọng Phụng “Vô nghề nghiệp”. Từ trạng thái vô nghề nghiệp chuyển sang trạng thái lưu manh ranh giới chỉ là một cái tặc lưỡi…” [4].


vongbuom-content

Với Vong bướm, rõ ràng là Nguyễn Huy Thiệp vẫn theo đuổi cách nhìn phúng dụ và tinh quái ấy! Cách viết ám chỉ bọn vô công rồi nghề, than mây khóc gió, chỉ rặt tài vặt móc méo chặt câu bẻ chữ dăm câu vần vè xuôi ngược làm trò và rốt cuộc, cuộc đời cuộc đời của đám lưu manh, du thủ du ấy thực chẳng ra gì! Đáng thương thay! Có vẻ như Thiệp muốn dạy bọn làm thơ “không cẩn thận là chuốc vào danh hão, hại thân, thân khổ đấy!...” [5]. Kiểu của Thiệp xưa nay vẫn thế khi viết về các nhà thơ, và đặc biệt là thơ Việt Nam!

Tuy nhiên khi đọc Vong bướm, một lần nữa tôi nhận ra Thiệp là người ít tìm được khoái cảm khi làm tình, lúc chim bướm (!). Trong văn xuôi của ông thể hiện nghiêm trọng điều ấy. Bởi những cuộc tình của ông thường nghiêng về âm mưu, chớp nhoáng, chiếm dụng, cưỡng đoạt, cộc cằn, tục tằn, nóng nảy, thô bạo… thể hiện cái phần thú, phần xác nhiều hơn phần hồn. Mà tình yêu đích thực vẫn do sự thăng hoa của cả hai phần thể xác và tâm hồn cộng lại!Vong bướm tập hợp rất nhiều “gái” - cánh bướm - trên sân khấu nhưng không có cuộc “làm tình” nào ra trò (!). Bởi cốt còn bầm dập, khốn nạn chẳng ăn thua gì huống là vong! Tôi nhớ nhà văn Tô Hoài từng vẽ chân dung thi sĩ Nguyễn Bính, một người bạn cùng thế hệ ông như sau: "thấy gái như ếch vồ hoa, quạ vào chuồng lợn” [6]. Nguyễn Huy Thiệp viết về Nguyễn Bính nhưng lại chia đôi Đạo - Đời và hoàn toàn không thấy say đắm, khoái thú vì tình yêu để nguyện nếu chết thì cũng sẽ hóa thân thành bươm bướm bay lượn trên những giấc mơ ái ân cũng chính là cách "đạt đạo" vậy! Cái vẻ bao dung dáng dấp đại ca về vẻ "đáng thương", "nhầm lẫn" theo cách nhìn "cần được giáo dục cho sáng mắt ra" của Nguyễn Huy Thiệp có vẻ thích hợp cho một trại cải huấn tình dục tuổi mới lớn hơn những nghệ sĩ dấn thân.

 

Vì thế, tôi không thích lắm cái Đạo thuần khiết hay quá tỉnh táo mà ông đặt ra trong Vong bướm. Khi mà trước đó chính ông nhận ra cái chớp mắt sắc sắc không không, vô thường của nó: “Mê mê sảng sảng bon chen hận thù” hay cắt gọt không thừa thãi nén trong mấy câu lục bát quá đỗi tài hoa về cái thói đời nhăng nhố “Ốm đau tử biệt sinh ly / Chợ chiều băm mặt cười khì thế nhân / Đời người giấc mộng phù vân / Chuyến tàu ga xép dừng chân nơi nào…”. Ở điểm này đã phá tan các lớp ngôn ngữ “giải chấp” những sai lầm, trầm luân, khổ đau của kiếp người nghệ sĩ - mà theo cách giải thích của Thiệp - chính là phiên bản cuộc đời của thi sĩ Nguyễn Bính.

Để làm gì? Theo tôi đây là cuộc “giải cứu” vô nghĩa. Theo tôi, cái “đạo” lớn nhất của Nguyễn Bính là đã “phấn đấu” cho dù truân chuyên, bầm dập, “dưới đáy địa ngục”… để trở thành một cánh bướm chấp chới tuyệt đẹp trong vườn dâu (bể) của thi ca Việt Nam. Đạo và đắc đạo chính là chỗ ấy chứ không nằm ở những biện minh, kiểu cảnh, duy lý Điệp Lang ký khế ước với Ma vương làm bạn với bốn con quỷ Tửu (rượu chè), Sắc (trai gái), Yên (ma túy), Đổ (cờ bạc) bốn ngọn núi Sinh - Lão - Bệnh - Tử đến với ánh sáng Chân - Thiện - Mỹ.

Tôi vẫn thích cái “ấm ớ” hơi lơ ngơ lẩn ngẩn của Trang Chu, hỏi một giấc mộng mình hóa bướm hay bướm đã hóa mình. Vong bướm còn chưa thuyết phục tôi ở sơ đồ thân trò hay tích trò đòi hỏi những điểm yếu, điểm mạnh khi xây dựng một cấu trúc chỉnh thể lý tưởng về chèo như chính Thiệp đã viết, “miếng cháo văn hóa tinh thần cho người ốm yếu”, vì hầu hết kịch bản chèo cổ chỉ truyền khẩu chứ không lưu giữ bằng văn tự.

Nhưng thực sự, tác phẩm đã ru hồn tôi bằng những câu thơ oán thán rất “khả năng” của một nhà văn danh tiếng trên văn đàn, cho thấy khả năng “vần vè” của ông xuất chúng, thượng thừa: “Thương thay số kiếp con người / Trầm luân bể khổ cuộc đời đa đoan” hay “Vong này đích thực vong tình / Xem ra vong bướm ở mình ở ta / Đạo nào tất cả cũng là / Âm dương đực cái đàn bà đàn ông”… Rõ ràng cái còn lại của Vong bướm không phải bản chất như tác giả cố tình lý giải mà chỉ là hiện tượng. Sự xuất thần của những câu thơ!

Kịch bản chèo Truyền thuyết tìm vua theo tôi là sắc sảo hơn, đúng chất Nguyễn Huy Thiệp hơn khi ông trở về đề tài quen thuộc của mình đó là chính trị. Nếu so sánh về tâm - lực, tôi nghĩ ông đầu tư và gửi gắm vào vở chèo này nhiều hơn Vong bướm. Tuy viết về một câu chuyện lịch sử còn lưu lại trong Sử ký, xảy ra từ thế kỷ 16, “nhà Lê suy vong, nhà Mạc truất ngôi, Mạc Đăng Dung khởi chuyện động giời, giết Cung Hoàng tiếm ngôi Hoàng đế”. Tướng quân Nguyễn Kim đi tìm chúa Chổm, giọt máu của nhà Lê để tìm vua hành đạo. Tuy chèo cổ nhưng qua ngòi bút tài hoa của nhà văn, dấu nối giữa truyền thống và hiện đại rất mạch lạc, biến hóa, nhuần nhuyễn. Nhân vật, lớp lang, đối thoại, chữ nghĩa… được “dụng công” nhiều hơn.

Có những tiểu xảo mạnh bạo như Nguyễn Huy Thiệp đã cho các nhân vật là Hề và Thầy bói phát ngôn như sau:“HỀ: Ông ơi, ông có thấy Rồng đen quấn cột ở đâu đây không? THẦY BÓI: Tìm ai thì bỏ tiền vào cái đĩa này tôi mách cho! HẾ: Thế bỏ bao nhiêu?-THẦY BÓI: Thôi cứ tùy tâm! Cứ bỏ 100 đô-la Mỹ là được!- HỀ: (nhảy dựng lên) Chết! Ta đang ở trong vô minh lịch sử sao lại tiêu tiền hiện đại thế này? - THẦY BÓI: Lịch sử chẳng qua chỉ là cặn bã của người xưa thôi! Lịch sử mà không có lợi cho “cái đang là” thì nghĩa lý gì! Nào bỏ tiền vào đây!... ”. Dấu ấn và thế lực của đồng tiền lúc nào rõ rệt, làm ngả nghiêng thời đại. “Lịch sử là cặn bã của người xưa” đó là một cái nhìn táo bạo.

Tuy nhiên ở một đoạn khác khi Nguyễn Huy Thiệp đòi “chém phăng lịch sử” thì bông phèng và tếu táo: “HỀ: Gian nan mới tỏ chí anh hùng. Lịch sử giao cho toàn việc nặng. Tớ mà tóm được, phải giết phăng - TIẾNG ĐẾ: Giết phăng ai đấy? HỀ: Giết phăng lịch sử. TIẾNG ĐẾ: Sao lại giết phăng lịch sử? - HỀ: Lịch sử là thằng đéo nào? Giao toàn việc nặng cho tao thế này? Không bắt, không giết phăng đi thì để làm gì?...”. Chữ Đạo đặt ra khi tướng quân Nguyễn Kim đi tìm chúa Chổm như tìm một đấng minh quân, một lý tưởng để ký thác ý nghĩa cuộc sống. Nhưng hành trình đi tìm “vua” đã được xây dựng trên bốn đạo quân Vô Dụng, Vô Đức, Vô Sản, Vô Nhân. Nhà văn đã cho nhân vật nói “Ta lấy hưng quốc dấy nghĩa! Thế là bọn họ tìm đến mà thôi!...”. Câu hỏi như câu trả lời “sao Vô Dụng còn mà Hữu Dụng chết?” như nỗi trêu ngươi muôn đời và thách thức kẻ tri thức và người nghệ sĩ. Nó còn được đúc kết bàng bạc trong câu lục bát “Nay hoàng hôn mai hôn hoàng / Tử sinh thôi cũng chẳng màng dở hay…”.

Hãy đọc để hiểu thêm cách nhìn và từ đây ngẫm nghĩ cách hư cấu của Nguyễn Huy Thiệp khi viết về những nhân vật lịch sử hay có liên quan đến lịch sử: “Kho tàng truyện cổ ở ta đầy rẫy những thằng ngốc, thằng khù khờ nhưng rốt cuộc đều “ăn nên làm ra”…Những anh hùng thì bị chém cổ mà phụ nữ thì đức hạnh tuyệt vời. Giữa cái thế giới người trong truyện cổ và thế giới người của đời thực gây nên nỗi hoang mang dịu ngọt…” [7].

***

Dù sao đi nữa, Vong bướm vẫn cho thấy tài năng, cốt cách nghệ sĩ lớn ở Nguyễn Huy Thiệp. Ông là người có đạo đức, luôn ý thức và đã giữ được phẩm hạnh của mình. Đó là luôn thể nghiệm trên địa hạt chữ nghĩa, cày xới đắc lực trên cánh đồng văn chương. Thiệp là người duy nhất hiện nay cho thấy sự nặng ký, tầm cỡ, đa dạng của ngòi bút ở nhiều thể loại truyện ngắn, kịch, tiểu luận phê bình, tiểu thuyết… và bây giờ là chèo.

Và cũng chính vì lẽ đó mà tôi cũng mong muốn Nguyễn Huy Thiệp cần phải… chết đi! Bởi lẽ từ khi ông xuất hiện, văn đàn không có nhân vật nào đáng kể nữa! Tôi cho rằng Thiệp là người của trời. Sự có mặt của ông trong làng văn chương hôm nay là một biến thiên của trời đất, vũ trụ, nó là duyên nghiệp, không phải muốn là được. Bởi ông viết gì cũng hay, cũng quyến rũ. Cái hay của một bậc thức giả, thâm thúy, thâm nho và thay mặt Thượng đế đánh thức một phía tối nào đó trong tâm hồn chúng ta. Ông đã rắc ánh sáng vào vết thương, vào sự tối tăm của mê lộ, một hành trình chênh vênh của kiếp người u u minh minh, giữa trần gian và địa ngục. Ông lặn sâu vào những vỉa kinh hoàng nhất của đời sống để tạc vào câu chữ.

Để tạm khép lại bài này, tôi nhắc lại một khái niệm về Muối, trong một tiểu luận đã viết của Nguyễn Huy Thiệp: “Trong tác phẩm của mình những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần. Văn học ở ta rất ít muối…” [8].

Cám ơn nhà văn. Một lần nữa trên hành trình sáng tạo, ông đã gửi đến cho chúng ta niềm tin vào khát vọng ngày mai tươi đẹp dẫu hôm nay còn quá nhiều giả dối. Vong bướm, là một tác phẩm có nhiều Muối!

Sài Gòn, tháng 3/2012

[1] Tên những truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
[2]
 Tiểu luận Nguyễn Huy Thiệp - Nxb. Thanh Niên & Phương Đông, 7.2010
[3]
 Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn (bài 3) - Tiểu luận Nguyễn Huy Thiệp
[4]
 Một góc sơ xuất trong thế giới nội tâm nhà văn - Tiểu luận Nguyễn Huy Thiệp.
[5]
 Truyền thuyết tìm vua - kịch bản chèo Nguyễn Huy Thiệp.
[6]
 Cát bụi chân ai – Hồi Ký Tô Hoài (Nxb. Hội Nhà Văn 2005)
[7]
 Nhà văn và bốn trùm “mafia” - Tiểu luận Nguyễn Huy Thiệp.
[8]
 Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn - Tiểu luận Nguyễn Huy Thiệp.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Hai 202310:17 CH(Xem: 6380)
Bài thơ viết ngoài công lộ / Bị tuần cảnh chặn gắn giấy phạt / Lý do những con chữ không thắt dây an toàn /
13 Tháng Hai 20232:28 SA(Xem: 6387)
Con đường phía trước còn dài, chúc ai vững bước, dùi mài chí kia, ngày mai rồi hết phân ly, quê hương, bốn bể, một bề lành an, nhắc ai dừng bước gian tham, nhất là quyền lực, bạo tàn, hại dân
13 Tháng Hai 20232:24 SA(Xem: 6274)
Nhớ lại những tháng năm xưa thời còn ở quê nhà. Đêm giao thừa sau khi đặt mâm cúng xong cả nhà mình đều xuất hành về hướng đông đi lễ chùa, má mặc áo dài màu nâu còn mình và bọn trẻ lại mặc đồ tây bình thường theo má. Má lạy Phật lạy hương linh ông bà chùa Long Khánh rồi sang chùa Tâm Ấn cũng như thế. Mình nhớ ngày ấy trời trong lắm lại mang hương xuân lành lạnh, đường phố sạch đẹp và đâu đó vẫn còn lác đác vài người phu quét lá bên đường còn sót lại. Mình hít hương xuân ngày đầu năm mới vào hồn với cả hân hoan.
13 Tháng Hai 20232:10 SA(Xem: 7271)
Dắt xe vào cổng, đập ngay vào mắt tôi là một bộ nâu sồng trong phòng khách. Không lẽ là vị Đại đức yêu văn chương - điện ảnh kết nối FB với tôi mấy tháng trước đã tìm đến, sau khi tôi cho địa chỉ nhà riêng? “Bố! Mẹ Thơm đã về!” Con gái lớn của tôi reo lên hồ hởi khi thấy tôi bước vào. “Mẹ đừng nói, xem bố có nhớ mẹ Thơm của con không?”. Tôi thoáng ngỡ ngàng trước vị ni cô vẻ tiều tụy, rồi nhận ra ngay cô hàng xóm của mình gần 10 năm trước…
13 Tháng Hai 202312:43 SA(Xem: 6942)
順天者存,逆天者亡 Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong Thuận với thiên nhiên thì còn. Nghịch với thiên nhiên thì mất. [Mạnh Tử] “Kế hoạch phát triển nào cũng phải tính tới cái giá môi sinh phải trả – environmental costs – đối với sức khoẻ của người dân và cả trên nguồn tài nguyên lâu dài của đất nước.” Ngô Thế Vinh
06 Tháng Giêng 202312:51 SA(Xem: 7145)
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”. Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào, thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng đọc tiểu sử của thầy, trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường CVA có một năm 52-53, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 51-52. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 54, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Saigon năm 53-60. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Saigon trước năm 54.
06 Tháng Giêng 202312:11 SA(Xem: 6777)
Nguyễn Du chỉ thốt lên một lần duy nhất: Ta vốn có tính yêu núi khi ông Bắc hành, ở đoạn cuối sứ trình; nhưng cái tính đó, ông đã bộc lộ biết bao lần trong 254 bài qua cả ba tập thơ chữ Hán của mình! Ai ham đọc sách mà không biết câu nói có tự cổ xưa: Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn (Kẻ trí thì vui với sông nước, người nhân thì vui với núi non); song cái ý tưởng sách vở thể hiện khát vọng thoát tục thanh cao, mơ ước được tựa vào non xanh để tìm sự yên tĩnh vĩnh hằng của nội tâm đó đã được Nguyễn Du trải nghiệm bằng toàn bộ cảm giác buồn, vui, qua các đoạn đời phong trần của mình, và ông miêu tả chúng qua bao vần thơ chữ Hán thực thấm thía, rung động.
06 Tháng Giêng 202312:02 SA(Xem: 7680)
bạn có thể vừa đi làn trái, lại cũng đi được luôn cả làn phải không hề lăn tăn chi? / và bạn quả thật (đang) làm được thế ư, thậm chí còn nhiều hơn? / vậy bạn đáng nể quá rồi / người siêu nhất trần gian!
05 Tháng Giêng 202311:09 CH(Xem: 7247)
Võ Tòng Xuân, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 (tuổi con rồng / Canh Thìn), tại làng Ba Chúc trong vùng Thất Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Xuất thân từ một gia đình nghèo với 5 anh em. Học xong trung học đệ nhất cấp, VTX lên Sài Gòn sớm, sống tự lập, vất vả vừa đi học vừa đi làm để cải thiện sinh kế gia đình và nuôi các em... Miền Nam năm 1972, đang giữa cuộc chiến tranh Bắc Nam rất khốc liệt – giữa Mùa Hè Đỏ Lửa, Đại học Cần Thơ lúc đó là đại học duy nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), được thành lập từ 31/03/1966 thời Việt Nam Cộng Hòa đang trên đà phát triển mạnh, và đã có khóa tốt nghiệp đầu tiên ra trường (1970). Võ Tòng Xuân đã được GS Nguyễn Duy Xuân (1970-1975) – là Viện trưởng thứ hai sau GS Phạm Hoàng Hộ (1966-1970), viết thư mời ông về phụ trách khoa nông nghiệp – lúc đó trường vẫn còn là có tên là Cao Đẳng Nông nghiệp, với tư cách một chuyên gia về lúa.
17 Tháng Mười Hai 20222:10 SA(Xem: 6654)
Được tin buồn: cụ ông ĐẶNG VĂN NGỮ (Thân phụ của anh Đặng Hiền, cựu hs PTG ĐN niên khoá 75) Sinh năm: 1933 Đã từ trần vào ngày 06 tháng 12 năm 2022 (nhằm ngày 13 tháng 11 năm Nhâm Dần) Hưởng Thọ: 90 Tuổi