- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tháng Ba Gẫy Súng

23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 82831)


thangbags_trichdoan

 (Da Nang Mar.29-1975 / AP Photo)


Cao Xuân Huy

Tháng Ba Gẫy Súng trích đoạn

 

Tin tức về chỗ tàu sẽ vào bốc tưởng rằng rất kín đáo, rất bí mật, chỉ riêng Thủy Quân Lục Chiến biết, hóa ra đã có quá nhiều người biết. Chuyến tàu dành riêng cho tiểu đoàn 4, nhưng khi chúng tôi đến nơi, số người đã đứng đợi sẵn cũng có đến cả vài ngàn, xấp xỉ với số người đang chạy ngược chạy xuôi theo chiếc tàu.

 

Con tàu khá nhỏ, sức chứa tối đa theo tôi ước lượng chỉ có thể chứa được hơn ngàn người, đó là đã kể đến trường hợp nêm người như nêm cối. Vậy mà số người muốn được lên tàu, cũng theo ước lượng của tôi, có đến trên chục ngàn. Chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc thi tuyển bằng bắp thịt và giá phải trả bằng máu, bằng sinh mạng của từng thí sinh để kiếm được một chỗ trên tàu. Một cuộc thi không có trọng tài, không có giám thị, không có hội đồng giám khảo, mà cuộc thi chỉ có những thí sinh là những người đang chạy cho xa Việt Cộng, đang liều mạng sống để khỏi rơi vào tay Việt Cộng.

 

Tôi rùng mình, tưởng rằng bàn giao tuyến cho tiểu đoàn 7, buông tay súng trở về phía sau là đã an toàn, yên ổn để lên tàu. Bây giờ mới thấy rằng còn quá nhiều cam go, còn quá nhiều nguy hiểm. Chỉ khác lúc trước là thay vì cầm súng chiến đấu với địch, bây giờ chúng tôi không cầm súng và chiến đấu với dân, chiến đấu với lính, với đồng đội, bạn bè mình, và cái giá phải trả cũng không rẻ gì hơn. Chấp nhận húc đầu vào tranh giành với người nhà để lọt được vào con số một phần mười nếu được thì có một vé trên tàu, nếu thua thì thân xác sẽ trôi nổi bập bềnh theo sóng nước. Không có một lựa chọn nào khác nếu không muốn bị sa vào tay Việt Cộng.

 

Sẵn súng ống trong tay, chúng tôi chiếm được vị trí hàng đầu trong đám đông đứng đợi tàu rất dễ dàng, chẳng ai phản đối, chẳng ai la ó, họ sợ vì chúng tôi có súng hay họ khinh vì không ai muốn dây với hủi. Chuyện cùi hủi gì đó nào còn nghĩa lý gì trong lúc này. Vấn đề chính của lúc này là lên tàu, phải lên tàu bằng mọi giá. Những chuyện khác tính sau. Chiếc tàu từ từ vào điểm hẹn.

 

Chúng tôi bị đám đông phía sau đẩy lấn tới đàng trước. Cả khối người xô đẩy, chen lấn ùn ùn dồn nhau ra biển. Tôi bị đẩy ra xa bờ dần. Nước lên đến đầu gối tôi, nước lên đến bụng tôi, nước lên đến ngực tôi. Nước lên nữa, lên cao nữa. Sóng nâng đám người lên cao, sóng đánh bật đám người rã ra, nhận chìm đám người xuống đáy, sóng đánh văng nhiều người lên bờ, sóng kéo nhiều người ra ngoài xa, sóng lại nâng đám người lên cao, sóng lại đánh bật đám người rã ra, sóng lại nhận chìm đám người xuống đáy, sóng lại kéo nhiều người ra ngoài xa. Cứ thế sóng nhồi, cứ thế liên tục sóng nhồi.

 

Tôi đã ra xa bờ nhưng cũng phải còn xa tôi mới tới được chiếc tàu. Nước và sóng đã không để yên cho tôi bơi ra tàu theo một đường thẳng. Bụng tôi đã chứa khá nhiều nước biển, vậy mà miệng tôi vẫn cứ tiếp tục dồn nước biển vào bụng sau mỗi lần bị sóng nhồi, và cứ sau mỗi lần bị sóng nhồi, tôi lại ra xa bờ và xa chiếc tàu hơn một chút. Tha hồ mà ngụp lặn, tha hồ mà vẫy vùng. Tiểu đoàn 4 Kình Ngư nào có sợ gì biển cả. Tôi là một con cá kình đang “nhởn nhơ” với biển to, đang “tung tăng vui đùa” cùng sóng dữ trong khi chân tay tôi mỏi nhừ dần, rã rời dần, trong khi bụng tôi phình to dần vì nước biển. Cái chết đến mỗi lúc một gần tôi hơn. Con “cá dữ” đang chờ lúc chết đuối.

 

Buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi vớ được chiếc ba lô căng phồng không biết của ai. Tuy cái ba lô đã thấm khá nhiều nước nhưng vẫn có giá trị của một cái phao cứu mạng tôi lúc này. Tôi ôm chắc mà không đeo vào lưng vì cái dây đeo đã tụt ra khỏi móc sắt. Tay ôm cứng ba lô, tôi thả nổi cái mạng sống bấp bênh của mình. Tuy đang chờ chết nhưng lần chờ chết này tôi lại rất bình tĩnh, không hốt hoảng, không run sợ như lần chờ viên đạn ghim sau lưng lúc nãy. Một chút thèm thuồng nhìn những người đã leo được lên tàu, và một chút hối tiếc nhìn những người còn đang đứng trên bờ mỗi khi sóng đưa tôi lên cao. Tăng thêm một vài ngụm nước biển vào bụng, mất dần thêm một chút sức lực mỗi khi sóng nhận chìm tôi xuống. Tôi không còn ý niệm về thời gian, nên không thể nhớ nổi tình trạng bập bềnh này kéo dài trong bao nhiêu lâu.

 

Có một người không biết từ đâu đến, xuất hiện cạnh tôi, ối giào, cũng chỉ bình thường như những người bình thường đang ngụp lặn giống tôi và quanh tôi. Nhưng không, anh chàng này không giống ai hết, nét mặt của anh chàng có một cái vẻ gì đó có thể gây nguy hiểm đến cho tôi. Linh cảm được điều này, nhưng tôi không làm sao có thể tránh xa anh ta. Anh chàng nhìn tôi một cách van lơn, nhìn cái ba lô tôi đang ôm một cách thèm thuồng, anh chàng cố gắng nói thật lớn với tôi, nhưng giọng bị đứt quãng vì hụt hơi, vì mệt, vì gió và vì tiếng sóng:

Anh đưa em ra tàu với. Em bơi hết nổi rồi.

Hình như có một dòng điện cao thế vừa chạm vào người tôi, tôi hốt hoảng, tôi run lên vì sợ. Anh chàng này đúng là thần chết đến bắt tôi đi. Trời ơi, có phải thần chết cũng có khuôn mặt của người, hay thần chết đang vờn tôi như mèo vờn chuột. Tôi hấp tấp nói, chỉ sợ anh ta không kịp nghe tôi nói:

Tôi không ra tàu đâu, tôi đang quay vào bờ.

Mặc cho tôi không ra tàu, mặc cho tôi đang quay vào bờ, mặc cho tôi hấp tấp nói, anh ta ôm cứng lấy tôi, biến tôi thành cái phao giống như tôi đang ôm cứng cái ba lô. Mặc cho tôi giẫy giụa, mặc cho tôi đạp, mặc cho tôi lên gối, sức nặng nghìn cân ôm cứng lấy tôi. Người tôi từ từ chìm xuống, cái ba lô không chịu nổi hai người cũng từ từ chìm xuống. Anh chàng vẫn ôm cứng lấy tôi và càng lúc càng cứng hơn mặc dầu cả ba - anh chàng, tôi và cái ba lô - đã chìm sâu xuống dưới mặt nước, mặc dầu sóng vẫn nhồi cả ba lên xuống, “tung tăng” trong nước.

Một con sóng mạnh nâng bổng chúng tôi lên cao, thật cao rồi ném mạnh chúng tôi xuống. Anh chàng biến mất, cái ba lô cũng biến mất, chỉ còn lại mình tôi ngơ ngẩn, nước chỉ còn ngang ngực, tôi chỉ còn cách bờ hơn chục thước. Con sóng lớn đã ném tôi vào bờ, con sóng lớn đã cứu tôi. Không hiểu anh chàng thần chết có được ném vào bờ như tôi không. Tôi nương theo những con sóng nhỏ đi lần vào bờ. Cũng đã có rất nhiều người quay trở lại bờ như tôi, chán nản, tuyệt vọng.

 

Cũng vẫn còn rất nhiều người hăm hở lội ra tàu. Tôi đi thất thểu trên bờ cát, không còn biết mình phải làm gì, và cũng không quyết định được gì.

Tôi gặp thiếu úy Sĩ - Lâm Chí Sĩ - tiểu đoàn 2 Pháo Binh, quần áo còn khô, mái tóc mềm dài phủ ót bay bay theo gió, nụ cười bẽn lẽn như con gái cố hữu vẫn nở trên môi, mặt Sĩ đang phừng phừng vì rượu. Thấy tôi, Sĩ đưa tay vẫy:

- Ê Râu, làm vài nắp cho ấm, mày.

Tôi sà ngay vào, uống liền tù tì năm, sáu nắp bi đông rượu. Rượu khá nặng nhưng chỉ đủ làm nóng bụng chứ không đủ làm ấm người.

- Rượu đâu ra mà có giờ này vậy?

Sĩ chỉ một người cũng mặc quần áo của tiểu đoàn 2 Pháo Binh ngồi bên cạnh.

- Của thằng này, thằng Lộc. Nó làm phân chi khu trưởng ở Gia Hội mang theo cả bốn năm lít.

- Sao tụi mày không xuống tàu?

Sĩ cười lớn tiếng kiểu hát bội:

- Ha... ha... ha... còn mày sao không xuống tàu?

Tôi cũng cười, lắc đầu:

- Tao suýt chết đuối.

- Tội nghiệp thằng con trai, mày suýt chết đuối rồi cũng lại lên bờ, bố mày ngồi đây nhậu để coi những thằng suýt chết đuối như mày, bố mày cũng ở trên bờ. Tôi gật gù:

- Mẹ kiếp, cũng có lý.

 

Tôi ngồi nhậu và trở thành kẻ bàng quan, ngồi ngắm nhìn thiên hạ.

Rất nhiều người từ biển trở lại bờ, người ngợm quần áo ướt sũng, kẻ khóc vì đã không ra được đến tàu, người cười vì vừa thoát chết, người đi lang thang thất thểu, kẻ ngồi hoặc nằm vật ra bất cần mọi chuyện sẽ ra sao.

Những người quần áo còn khô vẫn nhấp nha nhấp nhổm, nửa như muốn thử thời vận, nửa như rụt rè sợ hãi. Chỉ có những người lính Quân Y Thủy Quân Lục Chiến là những người đặc biệt trong số những người quần áo khô. Họ không nhấp nha nhấp nhổm mà họ hoạt động thực sự. Họ tập họp thành những toán cấp cứu đặc biệt, lăng xăng hết tiêm thuốc cho người này, lại hô hấp nhân tạo cho người khác mới từ biển vào, hết băng bó cho người này, lại đem băng ca khiêng người khác. Xin cám ơn và xin nghiêng mình kính phục những người lính Quân Y này.

 

Ngoài xa, chiếc tàu đã đông người nhưng vẫn còn đậu nguyên một chỗ, hình như cố tình kéo dài thời gian để bốc thêm được càng nhiều người càng tốt. Sức tải không thành vấn đề chỉ có sức chứa của chiếc tàu và tinh thần của thủy thủ đoàn mới là điều quan trọng. Những người đã lên được trên tàu đang cố gắng kéo những người vừa bám vào được thành tàu. Nhiều người không ai kéo đang cố gắng leo lên tàu từ mọi chỗ có thể bám mà leo. Có người leo lên được nhưng cũng có người rơi trở lại xuống biển. Lại còn có cả người trên tàu ngã xuống biển theo người mình đang cố kéo lên.

 

Từ bờ ra đến tàu khoảng cách hơn trăm thước, tôi không còn trông thấy mầu xanh của nước biển mà chỉ thuần một mầu đen của đầu người. Đầu của những người đang cố gắng bơi ra chiếc tàu.

 

Trên tàu đã chật người, tỷ lệ một phần mười hình như đã đủ số, trên bờ đã có khá nhiều người trở lại, dưới nước đã có nhiều người trôi dạt ra xa, nhưng cuộc thi đã chấm dứt hay chưa khi mà số người bơi ra vẫn còn nhiều và số người bám quanh tàu mỗi lúc một đông thêm.

 

Chiếc tàu bắt đầu kéo bửng, những người bám vào bửng tàu được nâng lên cao khỏi mặt nước, một số người may mắn rơi ngay vào trong lòng tàu, số còn lại lần lượt rơi xuống biển. Bửng tàu đã được kéo lên hoàn toàn nhưng không khép kín nổi vì giữa bửng và thành tàu đã kẹp cứng một thân người. Người bị kẹp nửa thân trên nằm trong lòng tàu, nửa thân dưới thò ra ngoài, hai chân giãy giụa, đạp đạp trong không khí được chừng nửa phút rồi ngay đơ. Hai cái chân của người xấu số trở thành có ích cho nhiều người còn ở dưới nước, họ bám vào đó để tiếp tục leo lên tàu. Lúc đầu hai cái chân còn đủ hai ống quần, dần dần chẳng còn gì cả và cuối cùng, cả hai chân đều bị gãy. Nhưng gãy thì gãy, người ta vẫn bám vào đó để leo lên tàu. Ít ra cũng có đến cả chục người leo được lên tàu nhờ cặp chân đó. Và chắc chắn sẽ còn được thêm nhiều người nữa nếu... Chiếc tàu phụt khói từ từ quay mũi ra biển. Chân vịt đạp nước đẩy không biết bao nhiêu người ra xa tàu, và không biết là đã chém đứt bao nhiêu người.

 

Thân tàu quay ngang đập vỡ không biết bao nhiêu đầu người, và không biết đã nhận chìm bao nhiêu người xuống sâu dưới đáy tàu.

Biết bao nhiêu người đã chết vì chiếc tàu quay mũi.

Nhưng...

Chiếc tàu đã không ngừng quay khi cái mũi đã hướng ra biển. Mà, chiếc tàu vẫn tiếp tục quay, mũi tàu lại từ từ hướng vào bờ.

Chân vịt lại chém thêm không biết là bao nhiêu người. Thân tàu lại đập vỡ thêm không biết là bao nhiêu cái đầu, và lại nhận chìm thêm không biết là bao nhiêu người xuống sâu dưới đáy tàu. Tại sao chiếc tàu bỗng dưng quay đúng một vòng tròn để làm chết biết bao nhiêu là người như vậy?

Đã có những xác chết trôi nổi dập dềnh xen lẫn với những xác sống đang cố bơi ra tàu hoặc đang cố giữ cho mình không trở thành xác chết. Chiếc tàu lại nằm im như đang mời gọi.

 

Chúng tôi ở cách xa vùng mặt trận có đến nửa cây số, tiếng súng chỉ nghe văng vẳng, nhưng chết chóc lại nhiều hơn có đến cả trăm lần.

 

Ủa, tại sao lại có người từ trên tàu nhảy xuống biển, không lẽ mắt tôi đã hoa lên vì rượu. Không phải một người, hai người mà là rất nhiều. Rõ ràng là mắt tôi trông thấy người ta leo qua lan can tàu, có người còn ngần ngừ, có người không ngần ngừ nhảy xuống biển. Lại có người lao mình qua lan can tàu để nhảy xuống biển.

Không tin nổi ở mắt mình mặc dầu tôi đã dụi mắt thật nhiều lần. Tôi hỏi Sĩ:

- Mày có thấy người ta nhảy từ trên tàu xuống biển không?

Sĩ cũng ngạc nhiên không kém tôi.

- Đụ mẹ, kỳ quá mày!

 

Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, nhưng chúng tôi không có thời giờ để ngạc nhiên. Hai chiếc M-113 chở đầy người chạy từ hướng mặt trận đã cán bừa lên những người vừa từ biển lên còn đang nằm vật ra mà thở, và cán luôn cả những người không kịp chạy tránh đường.

Vừa thấy bóng thiếu úy Ngô Du - một trung đội trưởng của đại đội tôi - từ dưới biển trở lên, đang lảo đảo như muốn ngã gần mé nước, tôi và Sĩ chạy vọt tới đỡ và kéo Du chạy thật nhanh vừa kịp chiếc M-113 chạy lướt qua sát người chúng tôi.

Hai chiếc M-113 lội xuống nước để ra chiếc tàu. Những cái bánh xích đua nhau cán lên đầu của không biết bao nhiêu là người đang nhấp nhô từ bờ ra đến tàu. Ra đến nơi, chuyển hết người lên tàu xong, hai chiếc xe lội nước quay đầu lội vào bờ. Lại không biết bao nhiêu là đầu người bị nghiền nát bởi những cái bánh xích.

Vào đến bờ, hai chiếc M-113 ngừng lại. Từ vị trí tài xế, một cái đầu thò ra, nhìn quanh rồi la lớn.

- Ai muốn lên tàu thì leo lên tôi chở ra.

Lúc đầu nhiều người ngần ngại, nghi ngờ, nhưng rồi lác đác cũng có người leo lên. Có đến cả 15 phút mà hai chiếc M-113 vẫn chưa đầy người. Cái đầu lại thò ra, nhìn quanh rồi la lớn.

- Leo lên gấp đi mấy cha, tôi ra chuyến này không trở vô nữa đâu.

Lại có thêm vài người leo lên.

Tôi phân vân trong sự chọn lựa. Nên hay không nên leo lên. Tôi hỏi Sĩ:

- Lên không mày? Sĩ lắc đầu:

- Tao không muốn chạy thoát bằng cái chết của những người đang lóp ngóp dưới kia.

Câu nói của Sĩ đã cho tôi một quyết định:

- Mẹ kiếp, có mày có tao hay không có mày không có tao thì những người đang lóp ngóp dưới kia cũng sẽ bị những cái xích sắt này cán. Đừng có triết lý ba xu thằng con trai.

Sĩ cười bướng:

- Tao có nói khác gì mày đâu, nhưng tao không.

- Được rồi, phụ tao đưa thằng Du lên.

Sĩ và tôi đưa thiếu úy Du lên thiết vận xa.

Trước khi leo lên, tôi nắm chặt vai Sĩ:

- Hy vọng sẽ gặp mày ở Đà Nẵng.

Sĩ nhìn tôi cười:

- Đụ mẹ, đồ cải lương, cút mẹ mày đi thằng con trai. Hai chiếc M-113 lại lội nước ra tàu.

 

Lần này tôi mục kích tận mắt những cái xích sắt nghiến nát những đầu người. Tiếng máy nổ và tiếng nước vỗ đã át đi những tiếng thét tiếng la và có thể, cả tiếng vỡ của những cái đầu, nhưng không có gì có thể che lấp được những mảnh quần áo và mầu đỏ của máu cuộn theo chiều quay của xích sắt. Màu đỏ của máu và những mảnh vải cuộn theo chúng tôi suốt cả lộ trình khoảng một trăm thước. Màu đỏ của máu và những mảnh quần áo chắc chắn còn dính cả thịt còn trồi lên, trồi lên xen lẫn với bọt nước phía sau chúng tôi. Không hiểu tôi có dã man không, không hiểu tôi có chai đá không, không hiểu tôi đã trở thành súc vật chưa, hay vì tôi đã nhìn thấy quá nhiều cái chết từ sáng đến giờ, hay vì tôi đã yên tâm trên đường ra tàu an toàn mà tôi rất thản nhiên, lòng tôi rất bình thản khi nhìn những cái chết, quá nhiều cái chết ngay dưới chỗ mình ngồi, bị chết bằng ngay cái phương tiện mình đang sử dụng. Tôi nhìn những cái chết như một kẻ bàng quan, vô thưởng vô phạt. Không hiểu thằng Sĩ hèn nhát không dám nhìn cảnh này hay thằng Sĩ quá can đảm chọn lựa ở lại, chấp nhận bất cứ một điều gì sẽ xảy ra cho nó khi sa vào tay Việt Cộng. Dù sao thì tao cũng mong là lần chia tay vừa rồi chỉ là tạm biệt thôi Sĩ ạ.

 

Chiếc M-113 cặp sát vào thành tàu.

 

Người trên tàu phần lớn là Thủy Quân Lục Chiến. Lính của tiểu đoàn 4 tôi cũng khá đông. Tuy khoảng cách từ mui xe thiết giáp đến boong tàu khá xa nhưng được khá nhiều đàn em giúp nên tôi và Du lên tàu không khó khăn gì mấy. Có điều làm tôi xúc động là trong số người giúp tôi lên tàu có binh nhất Vạn - Nguyễn Văn Vạn. Vạn là dân Vũng Tàu, khi nhỏ phải đi bán báo chứ không được đi học, lớn một chút làm nghề đánh xe ngựa cho du khách, và nguồn lợi tức chính là hành nghề mặt rô ở các quán bia ôm, các xóm chị em ta. Vạn là một tay du đãng nổi tiếng ở Vũng Tàu. Cách đây ít lâu, vì vi phạm kỷ luật, tôi đã cho đóng bốn cái cọc trói căng hai chân hai tay Vạn ra, đánh theo hệ thống quân giai, bắt đầu từ tiểu đội phó là mười roi, đến tiểu đội trưởng số roi được nhân gấp đôi, và cứ theo cấp số nhân như vậy mà đánh. Mỗi lần Vạn xỉu là y tá chích thuốc và tạt nước vào người cho tỉnh dậy để đánh tiếp. Chưa đến lượt tôi đánh, Vạn đã xỉu ba lần. Sau trận đòn, chúng tôi phải đưa Vạn lên bệnh xá của lữ đoàn, nằm lại mười ngày vì bị đái ra máu. Tôi không sợ chuyện thù oán của lính tráng, nhưng không thể ngờ được là Vạn lại là người hăng hái, sốt sắng nhất khi kéo tôi lên tàu.

 

Lên đến trên tàu, không khí quá nặng nề ngột ngạt. Không phải nặng nề ngột ngạt vì số người trên tàu quá đông, mà vì cả tàu đang bị bao trùm bằng mùi giết chóc, căng thẳng. Huy mập nhét vào tay tôi khẩu súng ngắn, dặn dò:

- Súng tôi lên đạn sẵn, ông giữ cẩn thận.

- Còn gì nữa để mà phải thủ súng lên đạn sẵn?

- Thì ông cứ giữ đề phòng. Biết đâu có lúc phải xài tới.

 

Chưa kịp tìm chỗ ngồi, tôi nghe một tiếng súng nổ.

Hai người lính Thủy Quân Lục Chiến cúi xuống khiêng xác một người lính Bộ Binh vừa bị bắn chết ném xuống biển...

 

Cao Xuân Huy


 cxh_t3gs

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Bảy 201511:31 CH(Xem: 29880)
Sự nghiệp viết điếu văn của tôi bắt đầu từ Tạ Văn Thế, Thế trước đây học Văn khoa, công tác ở công ty mai táng quận, đã từng giữ đến chức trưởng phòng tổ chức nhân sự và thuộc diện quy hoạch cán bộ nòng cốt nhưng sau đợt bình chọn người đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, mặc dù ba năm liền là chiến sĩ thi đua nhưng vẫn bị loại nên Thế bất mãn và xin về nghỉ mất sức.
18 Tháng Bảy 201511:10 CH(Xem: 27103)
Ruben là một danh họa bậc nhất ở Mexico, ông lại yêu say đắm Isabel, cô người mẫu của mình. Ấy vậy mà ngược lại, cô nàng lại tỏ ra tình tứ với tình địch của ông, gã này chẳng tiếng tăm gì cả. Isabel vẫn hay gọi ông Ruben là “Churro” bé nhỏ của nàng. “Churro” vốn là tên một loại bánh ngọt, mà cũng là tên thường gọi của người Mễ cho những chú chó con nuôi trong nhà. Ruben lại cho đó là một cái tên gọi tuyệt vời. Bởi thế cho nên hễ có ai đến thăm nơi ông vẽ, ông lại hí hửng khoe: “Ấy, nàng lại sắp gọi tôi “Churro” đấy”. Mỗi khi ông cười, chiếc áo lót như muốn bật tung ra, bởi lẽ ông càng ngày càng béo ra.
07 Tháng Bảy 20153:38 SA(Xem: 31940)
LTS: Đông Duy là bút hiệu của Hoàng Kiếm Nam. Ông là nhà thơ, nhà văn, bên những sáng tác văn chương , ông còn có nhiều tác phẩm về hội họa và ca khúc, đồng thời cũng là nhà báo kỳ cựu trong làng báo Việt Nam ở hải ngoại. Chúng tôi xin hân hạnh gởi đến quí bạn đọc và văn hữu những thi phẩm của thi sĩ Đông Duy Hoàng Kiếm Nam.
07 Tháng Bảy 20152:08 SA(Xem: 28562)
“ Bản quyền cho những công trình trí tuệ đã tự động có hiệu lực ngay từ phút đầu khi được sáng tạo mà không cần phải được xác nhận hay công bố. Tác giả không cần phải đăng ký, hoặc xin biên lai bản quyền (copy right) ở những quốc gia sở tại .
06 Tháng Bảy 20153:00 SA(Xem: 18385)
Ngày 4/7/1407, tại Kim Lăng, kinh đô đầu tiên của Đại Minh từ 1368 tới khoảng năm 1421, Chu Lệ hay Đệ [Zhou Li] miếu hiệu Thành Tổ (Ming Zhengzu, 17/7/1402-22/8/1424) họp triều thần, chấp thuận lời xin của “1120” kỳ lão xứ Giao Châu [An Nam] hơn hai tháng trước là “con cháu nhà Trần đă chết hết không người thừa kế…. Giao Châu là đất cũ của Trung Hoa xin đặt quan cai trị, để sớm được thánh giáo gột rửa thói tật man di.” (1) Hôm sau, 5/7/1407, Chu Lệ ban chiếu thành lập “Giao Chỉ Đô Thống sứ ti” [Jiaozhi dutong tusi], một đơn vị quân chính cấp phủ hay tỉnh [Provincial Commandery]. (2) Và, như thế, sau gần 500 năm tái lập quốc thống dưới tên Đại Việt—hay An Nam, từ 1164/1175—nước Việt trung cổ tạm thời bị xóa tên.
05 Tháng Bảy 20152:32 SA(Xem: 31535)
LTS_ Người Quân Tử là truyện ngắn trích từ Tầu Ngựa Cũ, tác phẩm văn học được trao giải thưởng văn chương 1961. Người Quân Tử và Áo Mới của Linh Bảo đã được Trung tâm Văn Bút Quốc tế / PEN International tuyển chọn là hai trong số 26 truyện ngắn hay nhất thế giới năm đó.
05 Tháng Bảy 20151:57 SA(Xem: 29823)
Linh Bảo là một tên tuổi văn học của Miền Nam từ những năm 1950s. Các tác phẩm của Linh Bảo được lần lượt xuất bản tại Miền Nam từ 1953 tới 1975. Chỉ có Mây Tần là tuyển tập đoản văn duy nhất được xuất bản ở hải ngoại (1981). Sau 1975, không có một tác phẩm nào của Linh Bảo được in ở trong nước.
02 Tháng Bảy 20153:15 SA(Xem: 33252)
Lửa cháy cao, kêu lốp bốp. Lão nhìn ngọn lửa hồi lâu và định sẽ đếm số tiền lần cuối cùng. Đây là ngọn lửa lớn nhất, cũng là thứ ánh sáng rực rỡ nhất từng ấy năm ở căn nhà này. Lưỡi lửa ăn vào gỗ, và cao lớn thêm. Cánh cửa ngập trong lửa, khói bốc nghi ngút. Ngọn lửa nuốt lấy ngôi nhà, cái miệng nó thật rộng, ăn cũng thật nhanh. “….” – Bất chợt lão gào lên. Giọng lão khàn đặc, mấy con chữ như bị tắc và gãy từ trong họng. Và khi lão gào thêm một tiếng nữa, chúng văng ra thành những cục máu. Mồ hôi lão nhễ nhại nhưng không phải vì nóng. Những giọt mồ hôi lạnh như nước đá. “Cướp…Ối giời ơi…Cướp…”
21 Tháng Sáu 20151:37 SA(Xem: 31362)
Mặc Đỗ nhà văn, nhà báo, dịch giả là một trong những tên tuổi của văn học Miền Nam trước 1975. Sau 1975, sang Mỹ tỵ nạn ở cái tuổi 58 còn tràn đầy sức sáng tạo nhưng anh đã chọn một cuộc sống quy ẩn, chữ của Mai Thảo. Mặc Đỗ gần như dứt khoát không xuất hiện hay có tham dự nào trong sinh hoạt cộng đồng văn chương ở hải ngoại -- [biển ngoài, chữ của Mặc Đỗ], thái độ chọn lựa đó khiến tên tuổi anh hầu như rơi vào quên lãng.
07 Tháng Sáu 20152:55 SA(Xem: 31495)
Lẩn thẩn với màu Sắc Bây giờ quá nửa đêm Có thể giữa ngày- và Lại đi trên đường dài