- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

PHÁO THUYỀN TRÊN DÒNG YANG-TSÉ

10 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 101522)
canonniere-du-yang-tse-07-g-content
 
Steve Mc Queen và nữ truyền giáo Candice Bergen trong phim: 
 Pháo thuyền trên dòng Yang Tsé là phim The Sand Pebbles.



Một hôm, Toàn bất ngờ đến từ sau lưng, phủ một lần vải đen trùm xuống đầu tôi và nói:

- Nhiều khi người ta có thể nhìn xuyên qua màn đen.

 

Câu nói lửng lơ và Toàn rời ra. Tôi quay lại, trông thấy làn vải đen lúc nãy đang vung vẩy lên xuống trong tay Toàn, gần như một điệu múa

- Cái gì không trông thấy mới thật kích thích.

Toàn lại nói, vẫn lửng lơ không rõ nghĩa. Mẩu vải đen cứ phất phơ, lùng phùng từng lúc tung xòe ra như cái nan quạt, khi chấp chới tựa một cánh dơi chập chờn rồi rũ xuống như một mình rắn. Loài rắn hổ. Có ý nghĩ cực mạnh chạy qua đầu tôi, là Toàn là một con rắn hổ chỉ chực mổ vào người mình, nhưng Toàn đã bước tới, phe phẩy mẩu vải như một tay matador thiện nghệ. Toàn xếp hẳn mẩu vải thành một giải băng và dùng nó để bịt mắt tôi.

- Chị trông thấy gì không ?

Khuôn mặt Toàn xáp gần đến nỗi thổi phà từng con hơi thở nóng hực vào má tôi.

- Không thấy gì hết.

Tôi trả lời.

 

Toàn xiết thật mạnh băng vải rồi lại hỏi.

- Đã thấy gì chưa?

Tôi vẫn lắc đầu. Lần này Toàn xiết chặt hơn nữa làm tôi bỏng rát ở mắt.

- Người ta chỉ chịu khó suy nghĩ khi đau đớn.

 

Toàn nói với hai bàn tay ghịt chặt với hai đầu vải, không trông thấy nhưng tôi hình dung ra bắp tay Toàn nổi lên gân guốc và mồ hôi ở cổ tay nó chạm vào mặt tôi rườn rượt, nhớp nhờn. Băng vải căng cứng đến đau hai bên thái dương. Tôi quát :

- Đủ rồi.

Tiếng thét của tôi, trong một giây, bức phá khoảng không khí nặng nề hơi ấm của căn phòng. Toàn bỏ đi, tôi loay hoay gỡ dây vải. Mảnh vải đen rơi xuống, thõng thượt, nằm chết như cái xác rắn vắt vẻo lên thành ghế. Tôi còn nhức ở mắt, Toàn đã ra góc nhà ngồi dạo bản đàn mà nó ưa thích. Tiếng đàn đại vĩ cầm trầm trầm, từng điệu, từng thanh, từng nhịp, từng cung, lên bổng rồi lại trầm trầm liên tục gần nhu bứt rứt.

 

Toàn ngồi hơi cúi, liếc nhìn tôi bằng đôi mắt vô hình. Cánh tay mặt của Toàn mãi miết kéo mã vĩ, tay trái ôm lấy thùng đàn như một người đàn ông say mê ôm một người đàn bà. Năm ngón tay Toàn bấm xuống dây đàn, nhấc lên, rồi lại miết xuống. Thanh mã vĩ đưa tới, kéo lui, đưa tới, rồi lại kéo lui. Tiếng đàn cò cưa phừng phừng không điêu luyện, giống tiếng một lưỡi cưa cùn trên dây thép chùng nhão. Thứ âm thanh chùng nhão bò trườn, lê lết, oằn oại lấn dần trong phòng, nuốt từ cái bàn ăn qua tủ sách đến tận chỗ tôi.

- Đủ rồi !

Tôi quát lên lần nữa, không chịu nổi sự lì lợm tai quái ở dáng nhìn trừng trừng nhưng vô hình dạng của nó, Tiếng đàn đột ngột đứt quãng. Thanh mã vĩ rời ra và cái thùng đàn tròn lẳn đầy đủ hình dạng một người đàn bà thôi nhúc nhích. Toàn cất tiếng:

- Cấm đàn hay cấm nhìn chị ?

- Cả hai.

- Đúng rồi, cả hai đều là gỗ đá vô tri.

 

Toàn cười sực lên, đứng dậy biến mất vào buồng riêng.

Tôi còn lại một mình, sợ.

Từ lâu Toàn đã sống trong sự bất thường của thế giới màu đen vây lấy nó, nhưng buổi tối nay, sự bất thường đó đã trở thành nghiêm trọng. Nghiêm trọng hơn nữa là tôi hiểu căn do của sự bất thường ấy. Tôi quẹt tay lên má, chùi giọt mồ hôi nhờn nhờn lúc nãy như đã bám sâu vào da. Khi tôi trở vào buồng ngủ, những tiếng động của Toàn từ buồng bên vọng sang kêu lịch kịch. Tôi kéo chăn trùm kín đầu, trốn thứ tiếng động giẫy giụa của một thân mình dằn vặt cô đơn. Nhưng dưới lớp chăn, trong bóng tối bao trùm, tôi lại bắt gặp cái màu đen mà Toàn đã muốn tôi đối diện, nhìn và trông thấy.

 

*

Ngày đến, tôi thức giấc muộn, bần thần vì cả đêm không nhắm mắt. Tôi nhớ đã nhìn thao láo suốt đêm vào tấm màn đen căng cứng, trong tư thế nằm ngửa với hai tay ôm lấy đầu trốn tránh. Buổi sáng chủ nhật xác xơ, hình ảnh Toàn hằn lên bên hông cửa sổ. Những tàn cây bên ngoài gầy guộc trơ xương, như đang đưa những cánh tay khẳng khiu lên trời van xin thượng đế một ân phước. Tôi đến bàn ăn lấy phần ăn sáng của mình, một ly cà phê đen với một viên đường vỡ duy nhất. Toàn là người lo điểm tâm trong nhà, mỗi buổi sáng nó đặt bên tách cà phê của tôi một viên đường vỡ, và tôi hiểu.

- Chị nói sang đây sẽ không bỏ Toàn, chỉ sống cho Toàn và một mình Toàn. Nhớ không ?

Toàn nói, khi nhận ra tôi đã hiện diện trong phòng.

- Chị nhớ.

 

Tôi đáp.

Nghe tôi nói “Chị nhớ”, Toàn đứng phắt dậy.

- Nhớ sao không làm ? Ai hy sinh cho chị ?

- Toàn hy sinh cho chị.

 

Tôi trả lời, lặp lại, không dám ngửng lên. Toàn bước đến chậm chạp, như hôm qua, từ sau lưng lùa bàn tay bịt lấy mắt tôi.

- Đừng !

 

Tôi cố gỡ tay Toàn với tách cà phê đang cầm, mười ngón tay Toàn đè mắt tôi đen tối. Hơi thở Toàn sau tóc chậm, nặng, đứt quãng.

- Đừng, cho chị xin ...

 

Mười ngón tay Toàn nới lỏng dần dần, ôm lấy thái dương, ve vuốt lấy má, lần xuống cầm rồi đùa với ngấn cổ. Tôi rùng mình, hai bàn tay Toàn như hai gọng kềm kẹp cứng, không buông. Toàn tiếp tục động tác mạnh bạo, khi mơn trớn cho đến lúc tôi nổi gai phải hất tay nó ra.

- Thôi đủ rồi.

- “Đủ rồi”. Lúc nào cũng đủ rồi.

 

Toàn day tôi lại, lấy ngón tay trỏ lần theo sóng mũi tôi xuống môi, và ngừng ở môi. Tôi thấy mình nhượng bộ và đáp ứng tất cả những trò chơi của Toàn. Để làm gì ? Để Toàn đừng tuyệt vọng đi đến tự hủy ?

- Chị biết hôn không ?

 

Khuôn mặt Toàn bất ngờ rơi xà xuống, vết thẹo ăn sâu giữa môi hiện ra sâu hoắm. Tôi hốt hoảng chống hai tay đỡ lấy ngực Toàn, tách cà phê đổ xuống ghế bành ẩm ướt. Hai bàn tay Toàn đã chụp vội, nâng khuôn mặt tôi lên hôn.

- Chị xem phim thấy người ta hôn nhau thì phải biết hôn.

- Đủ rồi !

 

Cặp môi mang vết sẹo trờ tới, tôi nghiêng mặt tránh nên đôi môi Toàn rơi vào má, gai gai, cảm giác vừa mềm, vừa khô, vừa ướt. Cặp môi Toàn ở trên da mặt tôi, đầu Toàn gục trong khoảng cổ không chịu rời đi. Tôi thôi chống trả, để nguyên thân người ướt cà phê, vươn hai tay ôm lấy khuôn mặt đó. Tôi không thấy ghê sợ sự tiếp xúc của da thịt mình với cái khuôn mặt lồi lõm những chỗ thịt phồng trồi trũng không liền da. Tôi chỉ thấy thương Toàn.

- Đủ rồi, đi đánh đàn đi.

 

Toàn nhìn tôi lạnh lùng như tất cả bao lần tôi cự tuyệt, nhưng tia nhìn vô hình đã dịu đi. Tiếng đại vĩ cầm vọng lên, cũng giống hôm qua, trầm trầm không điêu luyện và thất vọng. Toàn nghe thấy gì trong điệu nhạc dạo mãi từ ngày này qua tháng khác? Tôi không biết, nhưng tôi đã rõ cái hình ảnh mà Toàn muốn tôi trông thấy trong tấm màn đen.

- Toàn phải có một người bạn gái.

 

Tôi nói, lúc Toàn không ngờ nhất, đang cắm cúi với cây mã vĩ. Tiếng đàn vụt im, nhường cho ánh mắt nhìn không có hình dạng, hướng về chỗ tôi không mấy chính xác.

- Chị nói gì ?

- Toàn phải có bạn gái.

- Ai dám yêu thằng này ?

- Chị sẽ tìm cho Toàn.

 

Toàn im lặng một lúc rồi đứng lên mở cửa sổ. Hơi gió lạnh ùa vào, hai lớp màn cửa thổi tốc lên, rơi xuống rồi lại rung động dập dình như đôi cánh bướm bị nghẽn. Toàn quay lại, cố tình hướng mặt nhìn ra cửa, cho ánh sáng soi rõ những vết sẹo chằng chịt ngang dọc trên khuôn mặt. Những vết sẹo mà tôi đã chứng kiến, đã thấy chúng bầm dập vì khâu dối, đã thấy chúng chai nám vì nắng hải đảo cháy lửa. Khuôn mặt đầy sẹo của Toàn kỳ dị kinh khủng dưới ánh sáng ngày.

- Chị nhìn kỹ tôi, ai yêu được khuôn mặt này. Bộ chị tưởng Toàn không biết mặt mũi mình như thế nào hay sao ? Chỉ cần sờ vào là biết !

Toàn đưa mười ngón tay lên rờ nắn lớp da tật nguyền, đột nhiên những móng tay cong lại cào mạnh như muốn lột tróc cái hình thù kinh tởm.

- Đừng, Toàn !

Tôi hét lên, chạy tới, giằng lấy những đầu móng đang cào cấu trầy trụa khuôn mặt nó. Thân hình Toàn giật lên, cả tấm lưng co giật vùng vẫy muốn chạy trốn. Toàn cất tiếng hú đau đớn, tôi ghì cứng lấy Toàn, áp mặt nó vào mặt tôi, vít lấy đầu, xoa xoa lớp da sần xùi, hôn vào từng chỗ sẹo vỗ về, an ủi.

- Đừng bao giờ làm vậy nữa nghe Toàn, đừng bao giờ, nghe chị, đừng bao giờ...

- Chị đâu có yêu Toàn.

- Chị không thể, chị không có quyền...

 

Toàn ôm lấy tôi, vòng hai tay ôm lấy lưng tôi. Đợi cho tất cả nguôi ngoai, bình tĩnh, tôi gỡ tay Toàn, nói trong hơi thở kiệt sức.

- Chị sẽ tìm cho Toàn một người bạn gái, chị hứa, chị hứa ...

 

Toàn bỏ ra ngồi ở bàn ăn, cầm lấy cuốn sách cố quên sự xúc động quá mạnh vừa qua. Ngón tay Toàn sờ soạng những mặt chữ nổi, lần từng mẫu tự, cố tìm một ý nghĩa trên trang giấy. Cái hình dáng Toàn ngồi chịu đựng, mệt nhọc đè lên tôi. Không có gì đau đớn bằng phải chứng kiến một đời sống thân thuộc chết dần mòn, thoi thóp ở bên trong. Những khuôn mặt của chúng bạn gái lần lượt lướt qua, những dấu hỏi, phân vân, xét đoán, do dự, sợ hãi lẫn lộn không thành hình thể. Joelle, Kate, Florence, Isabelle? Ai cũng được, nhưng không thể là tôi, nhất định không thể là tôi.

 

*

Kate vào nhà, cởi áo dạ rồi mới tháo mũ. Mớ tóc đỏ tuôn ra từ chiếc nón nỉ rơi xuống thân áo đầm len có đính một hàng khuy nút. Kate nói để cô ta tự nhiên, rồi ngồi xuống sofa. Cô ta đưa mắt nhìn quanh quất, tôi biết Kate kiếm ai.

- Kate uống chút rượu ?

 

Tôi hỏi vỉ Kate ít khi uống rượu. Quả nhiên cô ta lắc đầu, nhưng tôi mời thêm lần nữa, cố tình nài ép và Kate nhận lời. Tôi rót Vodka vào ly thủy tinh trao cho Kate. Tôi nhìn đăm đăm vào chất lỏng trong suốt lúc cô ta đưa lên môi uống, như thể tôi mong đó là phương thuốc nhiệm màu làm tăng can đảm cho Kate.

- Trời lạnh uống rượu nhiều khi cũng thú.

 

Kate đặt ly xuống bàn, xoa hai tay vào nhau dễ chịu. Kate còn trẻ, trạc tuổi Toàn, hiền lành và biết suy nghĩ. Nhìn cô ta thoải mái, không có vẻ bồn chồn, tôi cảm thấy yên tâm. Tôi đã nói với Kate về Toàn, là Toàn gặp một tai nạn, phải sống cô độc nên rất buồn. Nếu Kate có thể đến chơi với Toàn vào cuối tuần...

Kate chuyện trò vu vơ với tôi về đời sống, hỏi có phải Toàn thích chơi đàn và đọc sách ? Nhà có tủ sách lớn quá. Tôi trả lời là Toàn say mê vĩ cầm, còn tủ sách là của tôi vì Toàn chỉ đọc được một ít sách đặc biệt dành riêng cho những người như Toàn. Kate ngạc nhiên hỏi tại sao, tôi cố giải thích cho cô ta hiểu rằng Toàn rất yếu thị giác, bị thương ở mắt. Tôi muốn chuẩn bị cho Kate nhiều hơn nữa, nhưng cô ta có vẻ tự tin và nói tôi không phải lo.

- Kate hiểu, Kate đã gặp những trường hợp như vậy. Chị đừng ngại, Kate tin mình sẽ trở thành bạn thân của Toàn.

Kate nắm tay tôi trấn an, khuôn mặt cô ta vẫn bình thường và điềm tĩnh.

- Kate đã gặp nhiều người thanh niên, Kate biết xử sự, Kate sẽ không để chị buồn. Chị cho Kate gặp Toàn đi.

 

Khi ấy tiếng đại vĩ cầm của Toàn từ buồng trong trổi lên. Tôi thấy mặt Kate có hơi thay đổi. Tôi hiểu vì sao, tiếng đàn chùng nhão, rã rời gần như bệnh hoạn của Toàn, đối với tôi dù đã quen thuộc nhưng mỗi khi tấu lên vẫn mang một thứ âm thanh lạnh lẽo kỳ quặc. Song Kate đã đứng lên, nói cho cô ta vào gặp Toàn. Tôi đưa Kate đến trước cửa buồng Toàn, gõ tay nói có khách. Toàn không trả lời, tiếng đàn vẫn cò cưa ở một điệu duy nhất. Tôi và Kate đẩy cửa vào, Toàn đang ngồi quay lưng, hai vai rung rung với thân đàn và thanh mã vĩ kéo qua lại. Tôi nghe Kate nói chào Toàn, cô ta bước hẳn vào buồng. Toàn dấu mặt mải miết kéo mã vĩ như không nghe thấy gì hết. Tôi nhìn Kate đứng sau lưng Toàn, với tiếng đại vĩ cầm xoáy tròn trong buồng. Tự nhiên tôi hối tiếc đã đưa Kate tới đây, thấy giận hờn ghen tuông trong lòng. ý nghĩ sắp mất Toàn làm tôi hơi buồn, dù biết mâu thuẫn. Kate vừa đặt tay lên vai Toàn.

 

Những gì xảy ra kế tiếp ngoài dự đoán của tôi, của Toàn, của Kate. Lúc Toàn quay đầu lại, khuôn mặt từ từ quay sang phơi bày những thớ thịt nhăn nheo, trồi trũng ghê tởm với hai lỗ hổng ở mắt, một nửa cánh mũi không còn hình thể, và một rãnh thẹo chạy từ nhân trung ngang môi xuống quá cằm, thì Kate vụt rú lên. Khuôn mặt Kate khiếp hãi, sự điềm tĩnh biến thành kinh hoàng tột độ. Thứ tiếng rú của một người đàn bà sợ hãi quá mức làm rũ liệt cả chân tay tôi, rồi Kate bỏ chạy. Cô ta vừa chạy vừa la thét gọi cầu cứu. Lúc Kate đã chạy ra khỏi nhà, những tiếng hú ác quỷ, quái vật hãy còn rớt lại trong hành lang, cây đại vĩ cầm ngả xấp trên đất và tôi thấy từ hai hố mắt Toàn những giọt nước mắt ứa ra. Ở khối thịt ngày xưa là mặt mũi Toàn, toát ra vẻ đau đớn, tủi hổ. Những giọt nước tủi hổ lăn từng hột xuống bờ môi run run hằn thẹo. Toàn khóc không có tiếng, nhưng tôi thì bật khóc nức nở. Tôi ôm lấy Toàn, ghì xiết lấy mặt mũi tóc tai nó. Nước mắt tôi hòa vào những giọt nước ở hố mắt Toàn.

- Không ai có thể yêu Toàn, làm bạn gái của Toàn.

 

Toàn nói với tiếng rên đau đớn, tôi bịt môi nó nói tôi yêu Toàn, sẽ làm bạn gái của Toàn. Tôi nói tôi sẽ làm tất cả những gì Toàn muốn, để Toàn không cô đơn, để Toàn được sống bình thường như tất cả mọi người thanh niên. Tôi chấp nhận hết, chấp nhận tất cả. Toàn hỏi tại sao tôi tiếc, tại sao gìn giữ với Toàn. Tôi nói tôi không tiếc với Toàn nữa đâu, người ta cưỡng bức tôi trên biển, tôi còn gì để gìn giữ.

 

Hai chúng tôi ôm nhau trên thảm. Toàn úp mặt vào tóc tôi khóc thầm lặng. Tôi vỗ về trên lưng Toàn như ngày xưa, dạo nào tôi thường vỗ về nó. Cách đây đã lâu lắm. Những hình ảnh cũ, những thương yêu máu mủ của quá khứ hiện về, những kỷ niệm dịu dàng khiến tôi nghĩ tôi và Toàn là một. Tôi và Toàn đã thuộc về nhau từ dòng máu, đâu có khác biệt gì nếu tôi thuộc về Toàn hôm nay, lấy máu của hai chúng tôi trộn lại. Tôi không muốn thuộc về một người đàn ông nào khác nữa. Tất cả đàn ông làm tôi ghê sợ, trừ Toàn. Hai chúng tôi nhìn những đám mây trôi tịch mịch lặng lẽ qua ô cửa sổ. Tôi tả cho Toàn nghe màu sắc của những cụm mây, của đường chân trời đuối lịm ngoài xa. Toàn không trông thấy và tôi bù đắp cho Toàn những thiếu xót của thân thể. Hai chúng tôi chia sẻ cái màn tối vây bọc lấy nhau. Nụ hôn của Toàn dài thăm thẳm như chiều sâu của bóng tối. Sau nụ hôn đó, tôi biết chúng tôi không còn thuộc về thế giới luân lý của loài người.

 

*

Hôm đầu tiên, hai chúng tôi ăn cơm trong yên lặng. Toàn ngồi đối diện tôi, đầu hơi cúi, chăm chú nhìn bát cơm. Chỉ có tiếng những hạt mưa rơi vỡ rả rích và ánh đèn trần vặn nhỏ, buông thứ ánh sáng loãng giăng lên bàn. Tôi nhìn ánh điện vỡ li ti trên da mặt Toàn, cố nghĩ đó không phải là những ngấn sẹo mà là thứ ánh sáng trổ hoa màu vàng. Toàn cắm cúi ăn với trận mưa mỗi lúc một lớn. Hai chúng tôi chờ nhau lên tiếng, nhưng rồi chỉ một bàn tay Toàn trờ tới, trên khăn trải bàn nắm lấy tay tôi, những ngón tay mở rộng, xòe đan vào nhau, ấp ủ xúc cảm và nhục cảm cho nhau. Toàn vẫn cúi đầu yên lặng, nhưng nói với tôi rất nhiều bằng cách tiếp xúc ấy. Sau bữa cơm, Toàn đứng lên kéo tôi vào buồng.

 

Hai chúng tôi đứng gần nhau trong bóng tối, chỉ có ánh sáng của những hạt mưa, phản chiếu từ trụ đèn đường, hắt dội vào buồng điểm lăn tăn lấm tấm từng hôït nhỏ lóng lánh trên thân thể Toàn. Tôi để yên cho Toàn cởi quần áo, bàn tay Toàn khéo léo, giống như tất cả người mù đều có đôi bàn tay tinh tường. Toàn gỡ từng khuy cúc, hôn vào từng chỗ da thịt tôi vừa thôi hết giam hãm. Đến lúc Toàn tháo làn áo lót, thì đột nhiên bên ngoài có tia chớp chói lòe, lóe đập vào buồng soi vữa một nửa khuôn mặt của Toàn. Tôi vụt gai người bắt gặp trong thứ ánh sáng xanh điện, một thứ ánh thép sắc lạnh của từng nhát mác chém bổ xuống. Những thanh mã tấu bầm xuống, xối xả, liền tay, từng nhát, từng nhát man rợ lên mặt mũi Toàn. Tôi cũng thấy giữa ánh chớp của cơn giông những hình ảnh tắt hiện, tắt hiện đau đớn điên dại của thân xác chính mình. Tất cả những hình ảnh đó, gẫy vụn, rách nát, hiện lên trên khuôn mặt xần xùi của Toàn.

- Đừng, ...

Tôi rụt người lại trong cơn sợ hãi.

Toàn nhận ra sự không tự nhiên, ôm lấy tôi cố truyền hơi nóng từ người nó sang. Toàn thì thầm bên tai tôi những câu nói yêu đương vô bờ bến nhất.

- Tòan yêu chị vô vàn, Toàn không hối hận gì hết. Đừng nhìn mặt Toàn, sẽ làm chị sợ.

 

Toàn bảo tôi quay lưng lại, nói đừng sợ, đừng nhớ, đừng nghĩ gì hết, sống cho hai chị em thôi. Tôi gật đầu, tôi sẽ không nhớ... Toàn bước tới, ôm tôi vào lòng, áp thân mình vào lưng tôi. Tiếng của những giọt mưa bắn lách tách trên mặt kính, tiếng Toàn nói thật nhỏ rằng Toàn muốn yêu tôi từ sau lưng, tiếng của chính tôi đáp lại là tôi cần Toàn và cho Toàn hết. Bây giờ trong nhà chỉ có hai chúng tôi với một tình yêu cật ruột.

 

Khi Toàn lấy băng vải đen hôm nọ buộc quanh mắt tôi, hơi ấm từ người Toàn cũng đã truyền hẳn sang tôi. Sức nóng tỏa lan, cuồn cuộn và tôi trông thấy xuyên qua tấm màn đen những hình ảnh thật rõ nét. Hai chúng tôi lõa thể nhập vào làm một, hai cánh tay Toàn ôm vòng quanh bụng tôi, một đôi môi hôn tôi ở cổ, lần xuống vai và cắn vào lưng. Một cảm giác chậm, rạt rào tình thương, từ sâu kín dâng lên dần. Những đau đớn từ vết thương ở quá khứ tan vào niềm sung sướng không ngờ, nhịp nhàng ở mỗi cử động của Toàn thận trọng, nhẹ nhàng, từng chút, từng chút, cho từng yêu thương máu mủ.

 

Tôi và Toàn yêu nhau trong bóng tối, gượng nhẹ, xoa dịu, giúp đỡ lẫn nhau xóa nhòa một vết thương không may mắn của cuộc đời. Rồi Toàn bồng tôi lên giường, rồi tôi úp mặt vào ngực Toàn khóc nức nở vì sung sướng, đã bù đắp, giải thoát được cho nhau. Những giọt nước mắt nhiễu xuống chan hòa ngực Toàn nồng ấm. Rồi Toàn mơn man những sợi lông măng ở cằm tôi, hỏi tôi có yêu Toàn, có hạnh phúc hay là hối tiếc? Tôi trả lời là tôi yêu Toàn, rất hạnh phúc và không hối tiếc. Có thể tôi đang phạm tội, nhưng ai hiểu cho rằng một giọt máu đào hơn ao nước lã, và tôi cần giọt máu đào của Tòan biết chừng nào.

 

Trăng lên, cơn mưa tạnh. Hai chúng tôi nằm kề nhau lắng nghe im ắng của đêm hoang vu như thuở loài người còn tiền sử. Thời hồng hoang, trong gia tộc chị em vẫn thường lấy nhau, tôi và Toàn chỉ lập lại cách sống của loài người ban sơ. Đêm thanh vắng che chở cho chúng tôi, không có con mắt của người ngoài, không có luân lý của cuộc đời, không có chi hết, chỉ có chị em chúng tôi yêu nhau.

 

*

Những ngày sau đó, những ngày tôi và Toàn chung sống với nhau thật tuyệt diệu. Tôi là chị, là người yêu, vợ của Toàn. Toàn là em, là người tình, là chồng tôi. Thật tuyệt diệu khi tất cả những tình cảm ấy gộp lại làm một, thứ tình thương duy nhất gọi là tình yêu. Tôi không thể xa Toàn, những giờ làm việc trong hãng trở nên ray rứt nhớ nhung. Những phút hấp tấp bước như chạy vào nhà để bồi hồi lịm người trong tay nhau. Những nụ hôn trao vội vàng, những ghì xiết hối hả ... Đêm nằm bên gối Toàn thường nhắc lại những kỷ niệm cũ.

- Chị còn nhớ những buổi chiều mình đi dạo ở bãi sau? Toàn nhớ mãi chiếc áo tím của chị in trên nền cát vàng chạy dài đến chân núi. Tóc chị lúc đó còn dài chấm lưng, gió biển thổi phất bay theo từng gợn mây trắng. Toàn yêu chị từ lúc đó, chị biết không ?

 

Chị biết không ? Toàn úp mặt vào tóc tôi thì thầm, sống mũi Toàn cọ đùa vào chân tóc. Những lúc ấy hai chúng tôi trở về với quá khứ, sống mũi Toàn hãy còn nguyên vẹn hình hài, chưa gẫy nát, tôi hãy còn mái tóc thề con gái chưa tủi nhục. Toàn còn kể nhiều kỷ niệm khác, làm như đôi mắt mù lòa không trông thấy được hiện tại và tương lai của Toàn khi chỉ còn thấy những hình ảnh xưa cũ lúc trước.

- Chị nhớ bắt đầu trang điểm lúc nào không ? Buổi tối sinh nhật anh Thuấn, chị Niệm đem phấn tới đánh cho chị. Toàn núp ngoài cửa buồng lén nhìn vào chắc chị không biết ? Tối đó ba nhốt chị trong buồng cấm không cho đi, chị khóc suốt đêm làm Toàn cũng khóc theo, chị nhớ không ?

Chị nhớ không ? Tôi nhớ. Nhớ Toàn luôn lẽo đẽo theo sau vòi vĩnh, nhớ Toàn đeo lấy mình từng bước, không rời, không chịu ngủ giường riêng, giận hờn mỗi khi Thuấn đến đón đi chơi.

- Chị còn yêu anh Thuấn phải không ?

Toàn thường hỏi tôi câu đó đầy ghen tuông, hờn mát.

- Anh Thuấn hôn chị rồi phải không ? Nó đã làm gì chị?

 

Nếu tôi gật đầu thì Toàn trở nên hung dữ, ân ái mạnh bạo, lấy móng tay cào sướt lưng tôi như để trả thù, để rồi sau đó khóc lóc xin lỗi. Nếu tôi lắc đầu quả quyết Thuấn chỉ là bạn, Toàn có vẻ bằng lòng, không muốn tôi thuộc về ai khác.

- Chị hứa đi, đừng lấy ai khác ngoài Toàn, hứa đi.

- Chị hứa.

 

Tôi hứa. Tôi biết mình không thể nào bỏ rơi Toàn, không thể nào sống xa nó. Chúng tôi nằm áp người vào nhau cho hơi nóng của cả hai trùm lên thân thể trốn mùa đông bên ngoài dầy đặc cơn mưa tuyết. Những hạt tuyết rơi lất phất chạm vào mặt kính, đọng rồi tan, tan rồi đọng. Suốt mùa đông, tôi và Toàn giam kín trong nhà không đi đâu, xa lánh mọi người. Tôi sợ người ta khám phá cuộc tình của mình, tôi sợ tôi bỏ nó ra đi. Chúng tôi có thể ngủ vùi hàng giờ trong chăn ấm bên nhau. Giữa những cơn ân ái, khi trao thân cho Toàn, hai chữ loạn luân thường lởn vởn hiện trên trần nhà. Tôi rúc mặt vào ngực Toàn để không phải nhìn cái chữ loạn luân vô hình, nhưng rắn rỏi đậm nét viết thật rõ ràng ở trần buồng. Băng vải đen bịt quanh mắt là phương cách tốt nhất để tôi không thấy nó. Có khi cuối tuần, suốt ngày tôi giữ nguyên giải băng đen quanh mắt chia sẻ thế giới không ánh sáng của Toàn. Chúng tôi chơi trốn tìm nhau trong nhà. Núp sau cánh cửa, trốn trong tủ quần áo, nín thở,... Toàn dạy tôi học những bài học vỡ lòng của người mù. Làm thế nào để di chuyển trong bóng tối ? Từ phòng khách xuống bếp mất bao nhiêu bước chân ? Từ bàn ăn đến đài truyền hình cách mấy sải tay ? Làm thế nào để biết thức ăn vừa chín tới ?

- Thì nếm thử !

Toàn cười ròn tan khi tôi hỏi nó điều đó.

- Chị muốn canh giờ giấc để biết ngày hay đêm thì phải tập kiểm soát cơn đói và sự bài tiết của cơ thể.

- Nhưng làm sao mặc đúng kiểu áo mình muốn ?

- Phải tập rờ nắn sợi vải, tẩm vào mỗi kiểu quần áo một mùi nước hoa riêng...

 

Dần dà tôi bước vào thế giới bóng tối của Toàn một cách lý thú. Mỗi khi tôi vấp ngã, Toàn cười thành tiếng. Mỗi khi Toàn lấy lộn bột mì với bột bắp tôi cười chế nhạo. Những niềm tin vui nhỏ bé mà chỉ từ khi trở thành vợ chồng, tôi mới biết cảm thông chia sẻ với Toàn.

 

Chưa có bao giờ tôi hạnh phúc như vậy. Hạnh phúc được làm một người đàn bà bình thường, có cuộc sống lứa đôi, thứ hạnh phúc mà tôi tưởng đã mất từ sau tai nạn. Toàn đã chịu khó đến trường mù, chịu khó lãnh hàng từ trường tật nguyền về ráp nối ở nhà kiếm thêm tiền phụ tôi. Những đồng tiền rẻ mạt nhưng lại là niềm vui của chúng tôi. Toàn vui vì thấy hữu ích. Tôi vui vì Toàn đã bớt bất bình thường, chăm chỉ tập luyện vĩ cầm, gắng sức học tiếng Pháp với mặt chữ nổi. Toàn bỏ hút thuốc lá, bỏ uống rượu. Tôi cảm động vì thấy Toàn cố gắng trở thành một người chồng gương mẫu. Nhiều lúc Toàn ngượng ngập một cách trẻ con, cố ý phát âm chữ “Chị” thành “Chi”.

- Chi còn yêu Toàn không ?

- Còn, với một điều kiện phải gọi bằng chị.

- Sao không cho Toàn gọi bằng tên ?

- Chị yêu Toàn, và muốn được mãi mãi làm chị của Toàn, Toàn hiểu không ?

 

Toàn gật đầu, yên lặng để cho tôi vuốt ve những sợi tóc lòa xòa trước trán. Cũng có những buổi tối, sáng trăng, tôi và Toàn đi dạo bên ngoài. Mỗi khi ra đường, tôi luôn cố gắng ăn vận, trang điểm sao cho Toàn biết rằng tôi làm đẹp vì Toàn, để Toàn được hãnh diện đi bên tôi. Toàn rất nhạy cảm, đứng chờ tôi thay quần áo, rồi với vẻ trịnh trọng khen tôi đẹp với dáng vẻ say mê ngắm nghía. Những lúc ấy Toàn thật tội nghiệp, khi đưa ngón tay mơn qua môi tôi để đoán màu son, khi rờ nắn lớp vải để đoán kiểu áo.

- Đêm nay chị đẹp lắm, Toàn rất hài lòng.

Tôi muốn khóc khi đó, nhưng đè nén được cảm xúc, giữ cho buổi tối được trọn vẹn, thắt lại cà vạt cho Toàn, rồi hai chúng tôi bát phố. Thường thường Toàn nắm tay tôi cho vào túi áo dạ của Toàn, chúng tôi chọn những con đường thật vắng, ít người qua lại, để Toàn không phải nghe những lời xầm xì hay tiếng kêu sợ hãi của các đứa bé đi ngang. Chúng tôi có một quán ăn quen, gần nhà, tôi và Toàn chỉ dám đi ăn tối thứ hai là tối thưa khách nhất. Người chủ quán dành cho chúng tôi một bàn ăn khuất trong góc, có cắm đèn cầy và một bông hồng.

- Chị đừng kêu những món đắt tiền, Toàn chỉ muốn ngồi đây với chị, thức ăn không quan trọng đâu.

Tôi và Toàn dùng bữa dưới ánh bạch lạp êm đềm, có nụ hồng nở dịu dàng và những chăm sóc ân cần của người chủ quán già.

- Ông bà dùng bữa có ngon miệng ?

- Vâng, tốt lắm.

Toàn mạnh dạn trả lời thay tôi. Nét mặt rạng rỡ, sung sướng. Suốt bữa ăn đôi chân chúng tôi quấn lấy nhau, không rời.

 

*

Rồi mùa đông đi qua trong tình yêu lén lút của hai chúng tôi. Mùa xuân đến làm nẩy chồi những nụ non trên thân cây lật trước đường. Những cành khẳng khiu tỏa vươn như đôi tay thiếu nữ kết vòng hoa trái. Từng đọt xanh nhú mình tìm sự sống. Tôi đã tưởng, trong nắng sáng dờn dợn, cuộc sống mình tái sinh cùng với thiên nhiên huyền nhiệm đó. Nhưng nào ngờ đột biến vùng thức dậy khi Toàn đòi hỏi tôi một đứa con.

 

Toàn nói nó chỉ tìm được cuộc sống bình thường nếu được chung sống với tôi như đôi vợ chồng đàng hoàng, sinh con đẻ cái ...

Tôi sợ hãi từ chối. ý tưởng có một đứa con với Toàn như mũi kim khều phọt giọt máu tội lỗi. Nó chọc thủng tấm màn đen đui mù mà tôi che dấu sự loạn luân. Những đứa trẻ kết tinh từ huyết thống loạn luân ít khi bình thường. Tôi nói với Tòan làm sao ăn nói với gia đình, với bố mẹ, với họ hàng ? Không lẽ sống cô lập, trốn tránh gia tộc suốt đời ? Tôi sợ. Run rẩy khi nghe Toàn thì thầm muốn có một đứa bé.

- Đừng ! Đừng nghĩ đến chuyện đó, chị sợ lắm !

Tôi hốt hoảng, giọng Toàn rên rỉ khẩn nài, vòng tay ôm mạnh chắc, những ghì xiết ôm tròn xót xa.

- Cho Toàn một đứa bé, một đứa, một đứa thôi. Nó sẽ gọi mình là ba mẹ. Mình sẽ cho nó thật nhiều tình thương.

 

Toàn van lơn mỗi đêm, thúc hối, ám ảnh, quên mất khía cạnh loạn luân của tình yêu cả hai. Tôi đã phá bỏ lý trí để yêu Toàn, nhưng không đủ can đảm tạo hình ra tội lỗi. Rồi làm sao giải thích cho đứa con vế mối quan hệ bố mẹ nó ?

- Không ! Chị không muốn ! Mình không phải là vợ chồng, hiểu cho chị, cho chị... Tôi khóc khi Toàn hôn vùi vào cổ.

- Nhưng Toàn muốn ! Toàn muốn !

Toàn hất đầu, hất đầu, những cái hất đầu ích kỷ, những giọt nước mắt của tôi mặn đắng và không lối thoát.

- Thương giùm chị, giùm chị ...

 

Nhưng Toàn không hiểu, không xem đó là lời năn nỉ của người chị đã đến ranh giới chót của tình thương em. Toàn cho đó là sự chống đối. Bắt đầu từ hôm đó Toàn thay đổi, trở về trạng thái lầm lì, hung bạo trước đây. Toàn biến dạng, từ từ, chậm chạp, đến dần cực điểm của hung dữ, đàn áp, sai khiến. Toàn cấm tôi uống thuốc ngừa thai, lục lọi khám phá từng chỗ dấu thuốc với một ý nghĩ duy nhất là bắt tôi có con. Ban đêm tôi không dám ngủ chung với Toàn. Ban ngày vùi đầu vào máy truyền hình để tránh trò chuyện. Tôi sống trong sự kháng cự, bị rình mò, chờ đợi sự tấn công.

 

Hôm đó, tôi ngồi trước máy truyền hình xem một cuốn phim quay lại. Những hình ảnh thoáng qua, rời rạc, hiện lên, biến mất. Tiếng vĩ cầm của Toàn đã từ lâu vọng lên trở lại cái điệp khúc chùng nhão, vô hồn, vô tính. Tiếng đàn cuốn từng vòng dây thép gai, xoáy từng chốt đinh ba chấu trong đầu tôi. Thứ âm thanh sắc nhọn, thủy tinh, cứa vào từng thớ thịt trong lúc trên màn ảnh là một chuyện phim đầy biến động. Tôi chỉ nhớ cuốn phim có cái tên lạ là Pháo Thuyền Trên Dòng Yăng-Tsé, có Steve Mc Queen đóng. Chuyện một người thủy thủ phục vụ trên một chiến thuyền Hoa Kỳ nối liền Hàn Châu và Hán Khẩu. Có những xáo trộn tâm tính con người thật dữ dội. Có những phản ứng bản năng bất thường. Tôi chỉ nhớ chừng ấy, còn bao nhiêu hình ảnh khác không phải là của cuốn phim mà là cảnh một bào thai đẻ non đương sinh nở trong lòng người mẹ. Trên màn ảnh tôi thấy một bọc nước vỡ, một cuống nhau lòng thòng, những mũi thuốc giục, những cơn rặn tím bầm thân thể, những tia máu phọt ra theo từng cái quẫy mình. Những tia máu cứ bắn ra, cái đầu hài nhi thậm thụt trồi ra thụt vào. Một kềm gắp, một máy hút, một da con toang hoác! Và ở giữa cái dạ con toang hoác đỏ lòm đó là cái đầu hài nhi mang khuôn mặt của Steve Mc Queen bậm môi trợn mắt khúc cuối đoạn phim bị bắn té ngồi lảo đảo gượng dậy bò bơi trườn lềnh bềnh trong túi nước. Ánh mắt người lính thủy lạc đi, thất thần khi thấy ở bụng mình một lỗ thủng máu huyết cứ trào ra, trào ra. Tôi nghe được câu nói của người lính sắp chết : mais bon sang! Qu’est ce qui m’est arrivé? J’étais encore chez moi hier! Đứa trẻ vùng vẫy. Mười ngón tay cào cấu. Mười ngón chân giẫy đạp. Bụng người mẹ rách bươm và tiếng đàn của Toàn cuồng loạn liên tục một điệu chà xát mải miết trên dây thần kinh tôi căng cứng. Đầu tôi rối chằng với những hình ảnh xếp chồng trong thứ âm thanh ép chặt. Tôi không hiểu nổi câu nói sau cùng của người lính thủy bị bắn trên màn ảnh. Tôi muốn hiểu và muốn trông thấy khuôn mặt thật của hài nhi nhưng tiếng đàn đã đổ ào đứt ngang. Không còn là tiếng đàn nhưng là ly bể chai vỡ, cửa đóng máu ngừng, tim thôi đập phổi trút hơi và dạ con khép chặt. Tòa đến đứng sau lưng im lìm.

- Cho Toàn một đứa bé.

- Không! Chị không thể!

 

Toàn không nghe tôi nói, hươi chiếc lưỡi lam xanh biếc ngời chiếu lên sát mặt tôi. Rồi Toàn vụt cắt mạnh dây đàn đứt phựt. Một. Toàn gầm gừ rồi hươi tiếp lưỡi lam lên cao trở lại, vung lên múa xuống. Toàn hoa ánh lam xanh ngời như khi múa làn vải đen chấp chới chập chờn rờn rợn. Hình ảnh cái xác rắn chết thõng thượt hôm nào sống dậy, ngoằn ngoèo trườn trườn quấn lấy yết hầu tôi lúc Toàn kề lưỡi lam vào cổ tôi gạch nhẹ. Máu chảy ứa ra bỏng xót. Tôi căng người sợ hãi, hai tay chới với tìm sự chống đỡ.

- Đừng!

- Chị đâu yêu Toàn ?

- Chị thương Toàn.

- Không đúng! Thương sao không muốn có con với Toàn!

Toàn hét lên và cắt đứt thêm một sợi dây đàn. Hai rồi.

- Không! Đừng ép chị!

 

Tôi đẩy Toàn, xô hất bỏ chạy. Toàn rượt theo, tủ sách bàn ăn ghế đẩu đâm sầm vào người tôi ngã xấp té ngữa. Tôi đứng lên, té ngã, chậu cây níu chân, cửa buồng chắn lối, hành lang dài thẳm. Phòng tắm, phòng tắm, chốt khóa, tên bố, tên mẹ, tôi thét gọi với tiếng động của Toàn đập phá.

- Trời ơi! Tha cho chị!

Toàn không nghe, phá cửa, chụp lấy tôi xé áo.

- Đừng! Buông chị!

Tôi ngã xuống sàn gạch. Toàn ngã đè lên người. Thằng này tật nguyền, lúc điên lúc tỉnh, phải chị sợ vậy không? Phải chị sợ vậy không? Nói! Toàn tát tôi, lột áo, hai bàn tay mạnh bạo, mười ngón tay hung dữ bẻ quặt tay tôi, bắp đùi đè ngang chân, hơi thở, tiếng la, men gạch lát tường, đèn trần, khăn tắm, thân thể trần truồng, nhễ nhại, bả vai, bắp thịt, sức lực, môi cắn, tay cào, móng nhọn, mũi, mắt, ngấn sẹo, tinh trùng, bào thai, đứa bé, tôi hét gọi mẹ bị Toàn bịt miệng.

- Nói yêu Toàn! Nói muốn có con với Toàn! Nói! Nói!

 

Toàn hãm tôi tàn bạo trên mặt đất. Nói thèm muốn da thịt tôi thơm mát, thèm ngực tôi tròn trịa, đùi tôi tươi trắng, con chúng tôi kháu khỉnh. Toàn nói, nói thật nhiều không ngừng trong lúc tôi giẫy giụa la khóc thét kêu van nài đau đớn.

 

Tôi nắm trần truồng trên đất. Phòng tắm tan hoang. Thần kinh xơ xác. Tôi nghĩ đến một điều gì đó mà không nghĩ ra. Một vài giọt máu dập ở môi trong mằn mặn. Từ đâu cuốn phim lúc nãy quay lại, chậm chạp mà rõ ràng. Tôi nằm đó xem lại cuộn phim trong trí nhớ. Cảnh người lính thủy xung đột với thủy thủ đoàn, ý niệm danh dự giằng co trong đầu viên thuyền trưởng. Những người Trung hoa quá khích. Những pha bạo động. Người phụ máy bị tra tấn. Người nữ truyền giáo thơ ngây. Viên đạn bắn vào bụng Steve Mc Queen trổ ra sau lưng, câu nói bừng tỉnh trước khi chết. Câu nói? Người thủy thủ nói điều gì tôi không hiểu ? Giống xem phim câm không có tiếng...

 

Lâu lắm lúc tôi gượng dậy trời vẫn sáng tỏ. Toàn đang ngồi khóc ở bàn ăn. Tiếng khóc thút thít hiền lành. Tiếng khóc của Toàn thời thơ ấu. Cánh cửa sổ mở rộng, không có chút nắng nào. Tôi nhìn bầu trời, màu trời đục lờ lợ. Đột nhiên tôi nhớ lại tất cả, nhớ từng chi tiết thật kỹ càng. Nhớ từ lúc đặt chân xuống thuyền vượt biên gặp hải tặc cho đến lúc Toàn hãm tôi mới đây. Nhớ cả câu nói của người lính thủy bị bắn. Nhưng mà... Trời ơi! Chuyện gì đã xảy ra? Chúng tôi còn ở Vũng Tàu hôm qua kia mà! Tôi gục xuống, Toàn quay lại mặt đầy thẹo. Vết thẹo. Trời ơi, buổi sáng.

 


 

TRẦN VŨ

© Copyright Trần Vũ 1991

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 84755)
Q ua chiến tranh, Việt Nam đã chịu biết bao đau thương tan nát. Bằng những hình ảnh và những trang viết, Hợp Lưu 113 sẽ đưa chúng ta một lần nữa... lội qua chiến tranh. Nhìn lại, không phải để đào sâu thêm sự thù hận bởi biên giới chính trị, mà để suy nghiệm về cuộc chiến Việt Nam như những “trận hậu chấn” dần dần tan vào lịch sử...
04 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 121215)
K hông còn gọi là vũ khí, một khẩu colt giữa điệp trùng AK chỉ còn để yên tâm biết trong tay có bạn giữa mịt mùng núi rừng không tìm ra lối đi
04 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 85612)
... D ạo ấy tôi là người yêu của lính. Ban đầu là thiếu úy thông dịch viên chiến trường, xong tụt xuống chuẩn úy Quân Trường Thủ Đức, rồi leo lên trung úy Quân Y, chặp sau đại úy Hải Quân, cuối cùng trở lại hàm thiếu úy binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. [...] Mấy tay này, tiếc thay, chết như sung rụng. Tôi ôm nỗi buồn góa phụ cô đơn rên rỉ nhạc Trịnh anh nằm xuống sau một lần đã đến đây ...
02 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 119649)
l úc chúng mình cùng ưu tư chung một đoạn cuối tiếng ve rền nuối tiếc em lẩm cẩm hỏi về điều kỳ diệu của mùa xuân tôi vội nén lại một mùa xuân thất sủng...
01 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 85729)
T ừ ngày 7/3/1975, khi Văn Tiến Dũng bắt đầu cô lập Ban Mê Thuột, tới ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, vừa chẵn 55 ngày. Thật khó ngờ chỉ trong vòng 55 ngày và 55 đêm mà đạo quân hơn một triệu người–có hơn phần tư thế kỷ kinh nghiệm tác chiến, với những vũ khí khá hiện đại như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [VNCH]– bị sụp đổ hoàn toàn [...] Những hình ảnh điên loạn mà ống kính các phóng viên quốc tế thu nhận được chẳng khác cảnh vỡ đê trước con nước lũ, hay sự sụp đổ của một tòa lâu đài dựng trên bãi cát, khi nước triều dâng lên.
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 98080)
C on gái lớn của chúng tôi lấy chồng đã nhiều năm, có hai con. Ông bà thông gia theo đạo Phật. Ông là cư sĩ của một đạo tràng và ăn chay trường từ mấy chục năm qua. Vốn là một dược sĩ, nhưng ông lại nghiên cứu về đạo Phật và có bằng cử nhân Phật Học của trường đại học Vạn Hạnh, Saigon. Kỳ nào có ông đến giảng pháp lý là được nhiều người đến đón nghe. Chúng tôi không phải Phật tử thuần thành, nhưng mỗi năm cũng đi chùa mươi lần và ít khi bỏ lễ Giao Thừa trong đêm trừ tịch.
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 104355)
T ôi sinh năm 1991 — năm Liên Xô tan rã, người bố quân nhân oai hùng của tôi phải rời quân ngũ vì có người thân vượt biên, hoen ố lí lịch trong sạch mấy đời bần nông của gia đình.
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 121748)
(tưởng niệm nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang) đ à lạt của một thời mệt nhọc một thời chiến tranh đi qua tuổi trẻ việt nam những đêm thức trắng
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 95642)
L ời tác giả : Viết Ký ức Hà Nội, tôi xem như là một sự đối thoại với Hà Nội, ba mươi sáu phố phường của chị Ban Mai. Cái nhìn của tác giả Ban Mai là của một người phương Nam về Hà Nội với nhiều suy nghĩ và ưu tư. Còn tôi, là cái nhìn của một người trẻ đã từng sống và học tập ở đây...
28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 105817)
T ôi và nhà thơ Trần Hữu Dũng hiện lưu giữ khoảng 200 số tạp chí Văn, nói không phải “khoe”, đó là một số lượng không phải nhỏ. Có người gạ mua với giá cao, nhưng tôi không bán, bạn tôi tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu yêu đồ cổ nói bán làm gì; dĩ nhiên có thể copy lại để lưu giữ, tuy vậy đọc bản chính vẫn sướng hơn.