- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thế giới ngược

17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 102302)
hoaibang_hl109


LTS: Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu, Hoài Băng còn rất trẻ hiện là sinh viên tại Hà Nội. Chúng tôi trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Thế giới ngược” của cô đến cùng quí độc giả và văn hữu.
TCHL


Sự thật là tôi không khóc khi chị cướp mất người đàn ông của tôi. Chị trơ trẽn mơn trớn anh ngay trước mắt tôi, rồi lại giả đò lúng túng vì những hành động ấy. Giá tôi có thể đẩy chị về nơi thật xa. Đẩy chị vào khoảng không vô chừng của bóng tối, trong sa mạc, cát bụi.
Anh về nhà muộn, phảng nồng mùi nước hoa rẻ tiền. Ngày nào cũng vậy, anh thật sự đã trở thành người khác từ khi quen chị. Anh cúi xuống hôn nhẹ lên tóc tôi. Cái lặng im của tôi, anh không lạ.
-Lại giận gì anh nữa phải không?
-Anh nên về nhà sớm hơn mới phải, căn nhà rất vắng lạnh và anh biết em sợ điều đó.
Anh nhìn tôi dịu dàng, trìu mến rồi khẽ gật đầu.
-Anh xin lỗi! Anh sẽ nghe lời em. Bà Liên chăm em không tốt phải không?
-Không có.
-Thật không? Em muốn anh thay người giúp việc mới chứ? Một cô gái trẻ để làm bạn với em.
Tôi dằn dỗi.
-Cũng vậy cả thôi! Nhà chỉ có hai người đàn bà em thấy trống trải lắm! Anh lại bận nhiều công chuyện.
Anh đưa cho tôi ly sữa bốc khói nghi ngút. Anh uống cafê, luôn là như vậy. Anh thích cafê, không phải loại đắng chát. Cafê anh uống rất ngọt, thơm và quánh sữa. Tôi không thích vị ngọt, vị của ly sữa trên tay tôi lúc này. Nhưng tôi cần phải uống. Tôi cần sống khỏe mạnh để giành giật lại anh. Anh là của tôi. Đó là lý do duy nhất khiến tôi muốn mình còn tồn tại.

*
Tôi nhìn vào bóng tối. Những con người trong tưởng tượng không chết đi mà sống dậy. Họ ngồi đối diện tôi hoặc giả đò không thấy tôi. Anh rất chú trọng cách ăn mặc. Luôn là sơ mi trắng và cavát đủ màu. Giày da luôn sáng bóng, bóng hơn cả những lọn tóc quánh đặc gel anh vuốt mỗi khi ra khỏi nhà. Anh lại gần, đưa tay vuốt má tôi “em thích chị ấy chứ?”. “Ai?”. “Cô gái anh đưa về lần trước, cô ấy rất được”. “Có cô nào đưa về mà anh không nói câu ấy đâu, rốt cuộc thì sao chứ? Đàn bà qua tay anh đều là đồ ngốc”. “Nhưng em nói là không thích họ còn gì. Song Tuyết khác, em hãy thử tin anh một lần đi”. Tôi cười nhạt nhẽo và quả quyết “Không thể. Vì em ghét cô ta”. “Em có lý do chứ?”. “Những cô gái em ghét, anh chưa từng hỏi lý do”. Anh lặng lẽ đi về phía cửa mang theo tiếng thở dài ngao ngán. Tôi muốn với tay mà không sao chạm tới anh. “Anh cần cô ta hơn em phải không?”. “Anh cần thời gian”. Cánh cửa đóng sầm rồi lại bật mở. Anh đứng lừng lững trước những tia sáng ảm đạm lọt khe lấn chiếm vào sâu căn phòng. Ánh mắt anh thẳm lặng xoáy sâu vào tận cùng trong cảm giác của tôi. “Em nói đúng. Anh cần cô ta”. “Anh… cần…cô… ta…”. Câu nói kéo lê trong khoảng tối và vang động đến những mảng sáng lễnh loãng của căn phòng màu hồng nhạt. Những thanh âm tách rời va đập làm tan rách lớp màng nhĩ mỏng tang. Buốt nhức. Tôi đưa tay bịt chặt hai lá tai nhỏ đang rỉ máu vì những tổn thương. Lần đầu tiên anh nói cần một người con gái khác hơn tôi. Tôi không tin điều đó. Hoặc là anh đang nói dối hoặc là tôi mơ.
Chị hất tôi xuống khỏi xe lăn rồi lại lấy chân đạp đổ nó. Chị độc ác hơn những ả mà anh đã đưa về. Họ chưa bao giờ làm thế. Họ không đụng chạm đến tôi vì họ không thích tôi. Cũng giống như tôi chưa bao giờ thích họ. Tôi giống một đứa trẻ khiếm khuyết về ngôn ngữ. Một đứa trẻ câm có nghệ thuật. Cái câm lặng khiến kẻ khác khó chịu, run sợ, lánh xa, bực tức, thương cảm… hoặc còn hơn thế nữa. Chị cướp anh thật dễ dàng, cũng dễ dàng như hất ngã một con bé tàn tật. Tôi ghét mùi nước hoa chị dùng. Khét nồng và đĩ thõa. Chị chỉ là một bông hoa tỏa hương nhân tạo trong vô vàn những bông hoa anh đã trồng. “Tôi có được coi là một bông trong số ấy?”. Nhiều lúc tôi tự hỏi. Chị vẫn đứng đó nhìn tôi như chị sắp giết tôi. Phải. Sao chị không giết tôi. Chỉ cần thế thôi anh sẽ hết yêu chị, thậm chí là ghét chị.
Bà ta lại đến. Lần nào đến bà ta cũng lầm bầm vài câu gì đó tôi nghe không hiểu. Tôi nghĩ bà ta theo đạo và luôn đọc kinh bất cứ lúc nào có thể. Bà ta thường gọi tôi là con câm hay con rồ. Có thể bà ta tưởng tôi là người câm thật. Đưa cho tôi ly sữa bà nói: “con rồ uống đi”. Tôi đưa tay hất mạnh cho ly sữa rớt xuống nền, thầm nhảy múa trong óc bởi một hình ảnh thoáng qua: Cái mặt xanh tái mét vì sợ hãi và tức giận. Tiếng leng keng của những mảnh pha lê vỡ làm cho cuộc sống vui hơn dù chỉ nháo nhộn chưa đầy ba tích tắc. Bà ta quắc mắt nhìn tôi. Cánh tay phải dơ lên rồi lại hụt hẫng thụt xuống. Tôi không tỏ vẻ lo lắng mà ngược lại cảm thấy đắc ý như một tay chơi thắng lớn trong xới bạc mà Mario Puzo dàn dựng. Tôi thường gọi thầm bà ta trong suy nghĩ là “bà già chết tiệt”. Vừa vun đống pha lê bà già chết tiệt vừa lẩm bẩm những câu chửi tục tĩu. Tôi cần một bà già như thế, cuộc sống sẽ thú vị hơn rất nhiều.

*
Trời mưa, chỉ có thể là thế. Tôi thích những cơn mưa. Những cơn mưa dai dẳng và kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Tất cả đều phải ở dưới mái hiên than phiền và cầu nguyện. Người ta sợ lũ quét, sợ lốc xoáy, lụt lội hoặc sợ ảnh hưởng tới tiến trình của những công việc dở dang. Cả anh cũng vậy. Kệ! Tôi vui vì mình vẫn còn những điều ước xấu xa. Tôi còn biết ganh tị thế là còn thiết tha với cuộc sống. Chỉ sợ quên hết sạch mọi điều kể cả nỗi buồn. Không thể! Với tôi không buồn là đã chết. Không buồn đã đành, nếu không cả vui thì là đã tiêu tan. Tôi không biết tìm niềm vui ở nơi nào khác ngoài bốn bức tường trắng bóc. Những ly sữa thơm đượm và những cử chỉ vuốt ve âu yếm của anh. Căn nhà rộng lớn. Khoảng đất xung quanh cũng rộng lớn. Một thế giới bưng bít với mọi thế giới khác. Lánh xa. Tách biệt. Chỉ có mình tôi, bà Liên, anh và sự hiện hữu vô hình của chị. Sao chị lại xuất hiện. Một sự xuất hiện làm lu mờ mọi thứ kể cả tôi. Anh trân trọng chị một cách khác. Những người đàn bà trước đây chưa từng nhận được. Tôi không thể nói chính xác, có một cái gì đó len lỏi chế ngự anh, chi phối anh. Anh không bỏ mặc tôi. Nhưng anh dành nhiều thời gian hơn cho chị. Tôi không thể làm gì dù biết họ bên nhau. Người ta cần một đôi chân để rình rập. Tôi có sẵn hai khỉu xương tàn phế để trốn chạy. Tôi trốn trong góc phòng tối thẫm, màu hồng ngả sang xanh sậm. Bốn bức tường quây lấy tôi, không một sợi linh hồn bé bỏng nào lọt qua được khe cửa hòa nhập với thế giới bên ngoài. Những lúc ấy, bà Liên thường vào phòng kể cho tôi nghe đủ chuyện. Chuyện con cái bà ở dưới quê. Chuyện cấy cày gặt hái. Chuyện đường phố. Chuyện lễ tết. Chuyện thời trẻ của bà… Tôi vẫn im lặng. Cái im lặng cố hữu khiến kẻ khác đã quen song vẫn phải giật mình. Bà quay ra bật ti vi. Tôi ghét những giọng nói xa lạ phát ra từ thứ đồ vật vô chi vô giác đó. Nhưng tôi không muốn lên tiếng. Những đất nước xa lạ tôi chưa từng nghe tới. Những con người đủ màu da sắc tộc. Những chuyến xe công cộng đông vui. Tôi hình dung ra mình đang ngồi trên một chuyến buýt chạy thẳng hướng Tây của thành phố. Anh nói ở đó mọc lên vô số các khu chung cư cao cấp. Một đại lộ thênh thang nằm trong lòng của cây cầu thế kỉ. Điều đó thực sự gây cho tôi hứng thú để tạo nên những cuộc hành trình trong liên tưởng. Bà Liên hỏi “Cô có muốn xem phim không?”. Tôi vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi gió đang đùa giỡn trên những mầm sống non tơ. Bà ta lại hỏi “Cô xem phim cho đỡ buồn rồi chiều tôi đưa cô ra ngoài đi dạo, ở trong nhà mãi cô làm sao chịu nổi”. Nói rồi bà ta mở cửa đi ra. Chắc đã đến giờ bà ta phải đi chợ nấu cơm. Tôi không biết nấu cơm. Tôi chưa bao giờ làm việc đó và cũng không hiểu nó có nghĩa là gì. Tôi chỉ biết ăn, cái thứ hạt nở màu trắng thơm đượm và những món khiến tôi phát ngấy. Bộ phim chiếu cảnh một đôi nam nữ quấn quýt lấy nhau trong góc tối của khu garage. Ai đó đã giàn dựng một cảnh phim độc ác đến vậy. Tôi thấy trái tim run rẩy và đau buốt. Họ hôn nhau, ngay trước mắt tôi. Trơ trẽn và ti tiện. Nụ hôn của anh và chị cũng trơ trẽn và ti tiện ngay trước mắt tôi. Tôi nhìn vào bức hình chụp chung cả nhà ngày trước, nước mắt trực hòa tan những ảo mộng đã khô kiệt theo năm tháng. Người chết được lên thiên đường. Kẻ sống nằm trong địa ngục. Gía ngày ấy tôi được quyền lựa chọn tôi đã chọn thiên đường.
-Sao em không ra ngoài một lát? Anh sẽ bảo bà Liên đưa em đi.
Tôi không phản đối cũng không đồng ý. Anh lên nhà thay đồ. Hôm nay anh ăn mặc có phần lạ. Không phải phong cách lịch sự chỉnh chu của một ông giám đốc trẻ mà là của một chàng trai trẻ. Đã rất lâu rồi tôi không thấy anh mặc đồ jeans, áo phông. Người anh phảng phất mùi hương quyến rũ. Anh sắp đi chơi. Đã rất lâu anh không rủ tôi đi chơi. Chắc anh biết tôi sẽ im lặng. Anh hôn lên tóc tôi chào tạm biệt rồi quay sang nhắc nhở bà Liên một vài điều gì đó. Bà Liên vâng dạ rồi hỏi tôi.
-Cô đi dạo một lát chứ?
Tôi im lặng vì còn đang bận nghĩ đến anh. Tình yêu của anh dành cho tôi đang bị san sẻ với người đàn bà khác. Giá mẹ còn sống, mẹ sẽ đưa tôi đi dạo chứ không phải là người đàn bà này. Sao mẹ lại chết? Cả cha nữa? Sao ai cũng lần lượt bỏ lại tôi trong căn nhà hoang lạnh này. Rồi cũng có lúc anh quên tôi. Bỏ mặc tôi cho sự lấn áp của nỗi cô đơn trong bốn bức tường vô tri. Tôi quay sang bà Liên, cái nhìn không thân thiện nhưng cũng không quá khắc nghiệt.

-Cô có biết hôm nay là ngày gì không?
Tôi không nói và bà ta lại kiên nhẫn trả lời câu hỏi của mình như suốt ba mươi phút vừa qua.
-Hôm nay là hai mươi tháng mười một, là ngày nhà giáo Việt Nam. Cô biết nhà giáo chứ?
Tôi lắc đầu.
-Nhà giáo là những người truyền dạy kiến thức cho lớp trẻ. À tôi nghe nói ngày trước cậu nhà cũng thuê rất nhiều giáo viên giỏi dạy riêng cho cô đúng không?
Tôi gật đầu.
-Sao cô không học.
-Không thích.
Bà ta tỏ vẻ mừng rỡ vì đã quấn hút được tôi vào câu chuyện của mình.
-Ai cũng muốn được đi học, sao cô lại không thích.
Tôi không trả lời bà ta nữa vì chính tôi cũng không biết vì sao mình lại không thích. Những người thầy, họ ghét cái im lặng cố hữu của tôi. Họ ghét thái độ cáu bẳn của tôi. Những trò đập phá và cả những màn thách thức nữa. Họ lần lượt bỏ đi. Thì ra những người thầy lại được coi là cao quý. Sao tôi chưa từng nghe đến sự cao quý của họ. Những bông hoa tươi rỡ đủ màu sắc kia là để dành cho họ sao? Những cô cậu mặt mũi non xinh kia là học trò của họ sao? Tôi là học trò của ai? Chẳng ai cả.
-Bà ơi! Bà mua giùm tôi một bó hoa thật tươi ở phía đằng kia được không?
-Được chứ! Chắc cô muốn tặng nó cho ai đó phải không? Tôi sẽ đưa cô đi.
Anh đèo chị trên chiếc Attila. Tay chị xách một rỏ Lan màu tím nhạt. Tôi thấy mắt mình mờ đi như ảo ảnh. Khi tôi mở mắt ra thì không còn thấy ai nữa ngoài những người xa lạ. Bó hoa trên tay tôi lả tả rơi trong vô thức. Người bán hàng có cái mặt bự chát đầy phấn son tươi cười hớn hở.
-Bó ấy là đẹp rồi! Cô mua đi kẻo lát nữa hết lại chẳng có mà mua. Từ giờ tới chiều kiểu gì cũng cháy hoa cho mà xem.
Tôi không buồn tiếp chuyện với người đàn bà ấy. Bà Liên rút tiền trả và vừa ôm bó hoa vừa đẩy xe lăn cho tôi. Đường phố hết sạch chỗ cho những người đến sau. Bà đẩy xe vào khuôn viên và theo lối đó trở về nhà.
-Có phải ngày nào người ta cũng phải chen lấn thế này không hả bà?
-Cũng tùy, song nhìn chung thì tình trạng giao thông đang được báo động cô ạ!
-Sao lại có nhiều người đến vậy nhỉ?
-Tại cô cứ ở trong nhà mãi nên không biết đấy thôi! Thời buổi này cứ ra khỏi nhà là đụng phải người cô ạ!
Thì ra là như vậy, cái thế giới của tôi thì cô đơn lạnh lẽo thiếu vắng bóng dáng con người. Thế giới của họ thì xô bồ quá tải. Tôi đã ở trong nhà suốt gần mười lăm năm. Mười lăm năm ngồi xe lăn, anh là người đàn ông duy nhất gần gũi tôi, chăm sóc và yêu thương tôi. Tôi không có khái niệm về những người đàn ông lạ. Người đàn ông ở trần, mặc quần soóc đi lại trước mặt tôi, chỉ có thể là anh. Mẹ tôi cũng chết cách đây mười lăm năm, cả cha nữa. Sao tôi không chết, cái chết nhẹ nhàng và thanh thản hơn gấp bao lần.

*
Đưa ngón tay trỏ ứa máu vì gai hoa hồng lên môi. Mùi máu tanh lợm. Tôi quay sang phía bà Liên.
-Bà đem lọ hoa này vào phòng anh Khang giúp tôi.
Bà ta hơi ngạc nhiên nhưng cuối cùng thì chẳng hỏi gì cả. Tôi lăn xe trở lại phòng ngủ. Căn phòng màu hồng nhạt với những bức tranh vui nhộn. Anh treo chúng lên tường để tôi không cảm thấy không gian quá trống trải và lạnh lẽo. Sự lạnh lẽo không nằm trong không gian ngôi nhà. Anh đã không hiểu điều đó.
Tôi nhắm mắt lại, những sắc màu bắt đầu vũ điệu trong đêm. Những đứa trẻ bước ra từ trong tranh vẽ chơi trò đu quay, nhảy dây và múa hát… chúng nhìn tôi với anh mắt tò mò thương hại. Tôi muốn đẩy chúng ra khỏi căn phòng mà không sao làm được. Chúng tan vào hư vô để lại tôi với đôi tay hụt hẫng. Tôi bất lực. Ánh sáng lan khắp căn phòng chưa đầy một tích tắc. Tôi nhắm mắt bất động. Anh đi chơi về. Đúng là mùi cơ thể anh. Anh ngồi xuống bên cạnh đưa tay vuốt tóc tôi rồi hôn nhẹ lên trán. Cái hôn làm đảo lộn tất cả trong tôi. Tôi đưa tay ôm chầm lấy anh trước khi kịp ý thức.
-Anh đừng đi nữa em sợ lắm!
-Có anh đây rồi em sợ điều gì nào?
Tôi ôm trầm lấy hai vai anh và gắn chặt hai đôi môi làm một. Bất chợt anh xô ngã tôi và hét lớn.
-Em làm trò gì vậy?
-Anh đừng bỏ em.
Trong tôi đã định hình một kết cục như vậy. Tôi cần phải khóc để giải tỏa. Sau khi bình tĩnh lại, anh đưa bàn tay lau nước mắt cho tôi.
-Ngoan nào, chúng ta là anh em. Anh sẽ chăm sóc em suốt đời nếu em muốn. Nhưng em không được làm như thế nữa. Em hiểu không?
Tôi nằm xuống, quay mặt vào phía bức tường màu hồng phấn. Anh lay vai tôi gọi nhỏ. Nhưng tôi không còn nghe thấy gì nữa. Thế giới của tôi đang dần sụp đổ. Anh sẽ làm gì khi trở lại căn phòng màu lam ưa thích của mình. Anh sẽ bấm máy gọi cho chị để nghe những lời an ủi sực nức sự giả tạo hay sẽ hành hạ mình chìm trong một cơn say bồng bột. Anh có kiếm cho tôi một người đàn ông để tôi quên anh không? Chưa bao giờ anh nghĩ đến điều đó. Sẽ đau khổ hơn khi một ngày kia người đàn ông anh tin tưởng giao phó tôi đột nhiên biến mất. Anh sợ. Những viễn cảnh không mấy tốt đẹp mà anh đoán định khiến anh muốn giam cầm tôi trong chiếc lồng sơn son sang trọng này. Sao anh không cho tôi gặp gỡ đàn ông. Mỗi khi đồng nghiệp của anh đến nhà, anh đều bảo bà Liên đưa tôi ra vườn lánh mặt. Những chàng trai trẻ tuổi lại gần thì anh cố tìm cách đẩy ra xa. Anh nói “Họ chỉ giỏi nịnh bợ cấp trên thôi! Loại người như thế không từ mọi thủ đoạn để đạt được mục đích . Em nên cẩn thận, đừng để người ta lợi dụng”. Rồi anh bảo “Anh không muốn em phải nếm trải vị đắng của tình yêu. Một người như em sẽ không đủ sức để chịu đựng…”. Anh còn hứa sẽ chăm sóc tôi suốt đời. Để rồi, khi con tim tôi lên tiếng. Nó đã gọi tên anh. Không thể khác được. Tôi đã sai. Anh nói tôi sai. Chị bảo tôi không đúng. Bà Liên hốt hoảng “Cô ơi sao ra nông nỗi này?”. Anh chấm dứt hết mọi chuyện bằng một đám cưới linh đình của anh và chị. Ngày cưới anh, bà Liên đưa tôi lên ban công tầng hai, tầng ba. Từ đây, tôi có thể sải mắt nhìn ra thành phố. Thành phố nằm ngay cạnh ngôi nhà tôi. Nằm trong ngôi nhà tôi. Tôi thấy mình khó khăn bước từng bước trong bộ váy màu trắng trinh nguyên tiến đến trước anh. Nhưng tia nắng xoáy sâu vào mắt nhức nhối đã kéo lê tôi trở về với thực tại. Ngày mai chị sẽ đến sống ở đây, trong căn phòng màu lam anh ưa thích. Tôi buộc phải đối diện với chị hàng ngày. Tôi nghĩ mình sẽ phải trốn trong căn phòng lạnh giá kia nhiều hơn.
 
*
Bà Liên xin nghỉ việc với lý do chồng đang ốm nặng. Anh chưa thể tìm thấy người giúp việc mới phù hợp. Tôi nói không cần. Chị nghỉ việc ở nhà để dưỡng thai và chăm tôi. Sự im lặng của tôi luôn làm chị phát bực. Và cuối cùng, điều chỉ có trong tưởng tượng của tôi đã trở thành sự thật. Chị xô tôi ngã và đạp đổ luôn chiếc xe lăn của tôi. Tôi bò lê vào căn phòng tối khóc rức. Tôi không đủ can đảm để chết vì tôi còn phải sống để giành giật lại anh. Anh ít quan tâm đến tôi hơn trước. Anh yêu chị ngay trước đôi mắt mờ đục vì đau của tôi. Chỉ tiếc, tôi không có một đôi chân lành lặn để chạy, nếu không tôi sẽ chạy thật xa. Rời bỏ ngôi nhà này. Ngày chị trượt chân trên bậc cầu thang ngã sảy thai, anh như người lên cơn điên dại. Chị nói tôi đã đẩy chị bằng một cách nào đó khiến anh tin. Lần đầu tiên trong đời anh tát tôi. Cái tát hằn vào nơi sâu cùng của trí nhớ. Tôi im lặng thực sự kể từ đó. Ngày chị ra viện, anh thuê một cô bé giúp việc nhỏ tuổi để chăm chị và tôi. Con bé sợ chị nhưng luôn mồm gọi tôi là con câm, con vô tích sự. Chị nghe thấy tất cả. Chị không đe nẹt nó mà còn cổ xúy. Khi anh nghe thấy chị nhục mạ tôi anh cũng không có ý kiến gì chỉ quát lấy lệ “Cô im đi. Đàn bà ai cũng như cô thì có mà loạn?”.
Không ngủ được, tôi trở dậy khẽ đẩy xe lăn ra khỏi phòng. Phòng đối diện của tôi là của cô bé giúp việc. Tiếng khóc rưng rức của người đàn bà mặc bộ đồ màu đen khiến tôi đứng lặng. Một hồi lâu, tôi nhận ra chị. Tôi lại gần đặt bàn tay bé bỏng lên đôi vai run rẩy. Chị quay lại nhìn tôi, nước mắt vẫn lăn dài trên má. Trong căn phòng màu nâu xám, anh và cô bé tuổi chưa đầy mười lăm đang quấn lấy nhau điên cuồng như vũ bão. Thế giới được ghép từ những mảnh vỡ thời gian trong tôi thêm một lần vụn vỡ. Người đó có phải anh tôi? Người anh mà tôi từng tôn thờ. Tôi lao chiếc xe ra phía cửa. Những bậc cửa làm tôi mất tự chủ, chỉ còn đọng lại phía sau những tiếng rên rỉ đĩ thõa của con đàn bà tuổi mười lăm.

*
-Cô bé không có chấn thương nào nghiêm trọng nhưng tâm bệnh thì đáng chú ý đấy!
-Vâng! chúng tôi biết. Nhưng không biết phải làm sao với cô bé?
-Qua những biểu hiện mà anh chị cung cấp cộng thêm những quan sát của chúng tôi thì cô bé này mắc chứng tự kỷ rất nặng. Mà xin hỏi thêm anh, cô bé bị câm đã lâu chưa?
-Em tôi không câm nhưng nó rất ít nói.
-Có thể đó là hậu quả của căn bệnh tự kỷ trong thời gian quá dài không được chấn chỉnh. Chúng tôi cũng xin thông báo cho anh chị một tin buồn. Cô bé không còn ít nói mà là không thể nói được nữa. Thanh quản không còn khả năng hoạt động.
Tôi nghe thấy tất cả cuộc đối thoại mà ông bác sĩ già trao đổi với anh chị. Tôi vẫn biết có một bóng ma hàng đêm chế ngự tôi, nhưng tôi đã không biết phải gọi nó là gì? Đó là bóng ma tự kỉ. Thật đơn giản.
Tôi trở về với căn phòng màu hồng. Một đêm mưa dịu dàng rớt xuống. Anh chị không có ý định chữa bệnh cho tôi. Nói cách khác, bệnh của tôi vô phương cứu chữa. Tôi thiếp dần đi trong cơn mộng mị. Bóng tối lờ mờ ập xuống…
Anh đẩy cửa căn phòng…
Chị đưa chân đạp đổ chiếc xe lăn…
Con bé gắt lên “ăn mau lên con rồ”…
Tất cả nhập nhòa hiện ra, chúng lơ lửng rồi xoay trộn đan xen vào nhau khiến sự phân biệt ảo thực trong đầu tôi trở nên nhiễu loạn. Tôi nằm ẹp trên chiếc giường trải nệm thơm phức. Hai tay tôi sờ sững trong cái màn đêm thăm thẳm. Tôi cảm nhận được hơi thở yếu ớt của chính mình. Tiếng con tim loạn nhịp theo từng hơi thở ấy.
Anh đẩy cửa căn phòng…
Chị đưa chân đạp đổ chiếc xe lăn…
Con bé gắt lên “ăn mau lên con rồ”…
Cái hố đen sâu hút mở ra và bất chợt kéo tuột tôi vào trong đó. Bóng tối dần chiếm lĩnh mọi ngóc ngách. Những con người trong tưởng tượng không chết đi mà sống dậy. Tất cả bủa vây lấy tôi trong một căn phòng cô đơn không ánh sáng.

Hoài Băng
Hà Nội 10/12/2009

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 119723)
B iển tràn vào thành phố dải Phù Tang mặn chát lệ mùa khô ... Họ đã chết nhưng những nhành hoa Anh Đào vẫn thăng hoa nỗi khốn khó trước ngọn Phú Sĩ
20 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 107677)
T ôi trở về ngôi nhà của gia đình sau hơn hai mươi năm xa cách. Ngôi nhà chừng như không thay đổi mấy ở mặt tiền. Vẫn ba gian tường quét vôi trắng, điểm một vài khung cửa khép hờ, một chái bếp ở hiên sau và mảnh sân con vuông vức nơi lối ra vào. Dấu tích của thời gian chỉ ẩn hiện lờ mờ từng đốm ố trên vách tường cũ, đã ngả màu cháo lòng và loang lổ đây đó như những vệt mụt nhọt thâm sâu...
19 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 96953)
. . Với tôi, thơ không rao truyền một ngôn ngữ nào to tát: thơ chỉ là tâm sự, là “một chút riêng tư”trao gởi người thân, bạn bè, những kẻ đồng hành biết, và sẽ quen.” . . .
17 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 78874)
C húng tôi tiếp đón những người khách đầu tiên của chương trình 500 lịch sử phỏng vấn, với niềm hân hoan xen lẫn xúc động. Tưởng rằng sẽ rất bỡ ngỡ và khó khăn khi phỏng vấn một người lạ về những gì rất riêng tư, thế nhưng mọi việc đã trôi qua thật êm đềm, nỗi thương đau cũng như niềm hạnh phúc của từng người đã được chia sớt trong ân cần và thương cảm.
15 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 77832)
.. . M ắt thuyền của Nguyễn Xuân Tường Vy là một minh chứng về kiếm tìm và kiến tạo bản sắc của một cây bút. Mười hai tác phẩm của chị đã cho tôi những trải nghiệm thú vị. Khi dấn bước vào con đường văn chương chữ nghĩa, có lẽ ai cũng mong cho mình sẽ có được bước khởi đầu thuận lợi. Song con đường đến thành công thường luôn chứa đựng nhiều thử thách. Một khi được tôi luyện qua thử thách, mỗi cây bút sẽ trưởng thành hơn, vững vàng hơn: “ Có thể vượt qua thế giới lớn lao của loài người, không phải bằng cách tự xóa bỏ mình đi mà bằng cách mở rộng bản sắc của chính mình ” (R. Tagor)
15 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 93043)
N hư nhiều người, khi đọc bài “Tìm Thăm Nguyễn Hữu Đang” của Phùng Quán, chúng tôi rất xúc động. Cụ là một người xuất sắc về đủ mọi lãnh vực: văn chương, khoa học, chính trị, thông thạo nhiều thứ tiếng, mà suốt hơn 50 năm qua đã bị đọa đầy đến cùng cực...
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 122388)
Ơ i Hoài Khanh đang còn ở Biên Hoà tóc bạc phơ nhớ đêm giáng sinh nào lên Đà Lạt thăm Thiện Ơi Hoàng trúc Ly khuất mặt những câu thơ Thiện ngợi ca bởi Thiện là thi sĩ là hoạ sĩ lạ lùng kia đã đi qua rồi đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (7) Thiện đã về Thiện đã tới.
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 101759)
N hà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, dịch giả, giáo sư, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện vừa qua đời vào ngày 8 tháng 3 tức thứ ba vừa qua tại Houston Texas, hưởng thọ 71 tuổi, theo Cáo bạch của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ cũng như sự xác nhận của gia đình.
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 97902)
G iấc mơ thổ kể chuyện một lũ người hoá điên vì ám ảnh quá khứ. Quá khứ ở trong mọi ý nghĩ, đè nặng lên từng số phận. Quá khứ hằn dấu lên ngôn ngữ, trong những lời nói đã trở thành thói quen, được phát ra như những khẩu hiệu trơ cứng, như trong câu của Quý với Vĩnh lúc đi săn rồng “ Khẩn trương lên giặc lái đến bây giờ ”. Quá khứ ở trong từng thức ăn, đồ uống, trong giải trí, trong thịt rồng, tim phượng, trong “rượu Armagnac Marquis de Caussade, đóng chai năm 71” , và trong “trận World Cup của năm 66” .
10 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 101854)
... T iếng khóc thút thít hiền lành. Tiếng khóc của Toàn thời thơ ấu. Cánh cửa sổ mở rộng, không có chút nắng nào. Tôi nhìn bầu trời, màu trời đục lờ lợ. Đột nhiên tôi nhớ lại tất cả, nhớ từng chi tiết thật kỹ càng. Nhớ từ lúc đặt chân xuống thuyền vượt biên gặp hải tặc cho đến lúc Toàn hãm tôi mới đây. Nhớ cả câu nói của người lính thủy bị bắn. Nhưng mà... Trời ơi! Chuyện gì đã xảy ra? Chúng tôi còn ở Vũng Tàu hôm qua kia mà! Tôi gục xuống, Toàn quay lại mặt đầy thẹo. Vết thẹo. Trời ơi, buổi sáng.