- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Bờ nước đục

20 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 97495)

ntlam_nuoc_duc-content
Thử hình dung một con tàu đang rẽ sóng…Du khách tụ họp trên boong ngắm biển ngắm trời, thay phiên chụp những pô hình solo hay tập thể trên cái nền lô nhô đảo nhỏ đảo to dưới bầu trời đang bừng sáng vì vầng dương vừa lấn được mấy lớp mây mù để phết nhanh lên mặt nước từng mảng rộng đủ các cung bậc của màu lam. Trong khi đó nơi từng dưới trên cái ghế bành trưởng giả có kẻ ngồi riêng một góc nhấm nháp đến chai bia thứ ba thứ bốn từ khi tàu rời cảng mà vẫn chưa kích thích được chút nào thần khí lữ khách. Chiếc bách gắn động cơ ấy là tàu Bạch Đằng của công ty du lịch Hải Phòng đang bập bềnh giữa vịnh Hạ Long còn lữ khách là tôi, kẻ sắp thủ vai chính cho câu chuyện đang đi lạng quạng mấy đường bái tổ này trong khi chờ đợi dưới bếp người ta luộc mấy chú mực tươi mua lẻ từ chiếc thuyền chài xiêu vẹo vào lúc tàu ghé hòn Gà Chọi hay hòn Mâm Xôi gì đó.
Từ lâu tôi đã biết lá tử vi mình khó được hân hạnh kết thúc kiểu Kinh Kha hoặc Chu Thần nên tôi chỉ có thể chọc tức định mệnh những khi buồn chán bằng thủ đoạn vặt, chẳng hạn mua vé số tặng lão hành khất mù hay như lúc này chơi trò un peu, beaucoup, pas du tout… với mấy cọng râu mực vừa được bưng lên còn bốc hơi nghi ngút trên bàn. Nói cho dễ hiểu, tôi thuộc loại bất đắc chí đã và đang ru ngủ mình bằng các thú vui vô tích sự : tiếu ngạo giang hồ ngắn hạn, ái ân vụng, phá phách nhặng xị nơi mấy quán vỉa hè. Không hẳn là hoàn toàn buông thả cho số mạng vì lắm lúc nổi máu trượng phu tôi cũng muốn làm một điều gì chứng tỏ sự hiện diện của kẻ mày râu với trời đất núi sông nhưng lá số hẩm hiu của tôi lúc nào cũng vuột hụt những khoảnh khắc gay cấn có triển vọng được người đời sau tặng cho mỹ từ oanh liệt, hào hùng, đại loại…Nói có sách, mách có chứng; và tôi sẽ cho phép nhân vật phụ nấn ná nơi hậu trường thêm vài phút, đơn độc như cánh hải âu và đăm chiêu như cá mắc cạn để tác giả rảnh tay chỉnh đốn lại các thứ tình tiết lôi thôi còn thiếu mạch lạc để tiếp tục hầu chuyện quí vị ...

Tôi đã mất liên lạc với hắn từ bao giờ không biết, kể từ đêm chia tay nơi cái quán lộ thiên đầy bàn ghế khập khiễng bày giữa đống gò mả dưới bầu trời nhờ nhờ không trăng sao chéo góc chợ Bà Chiểu. Lúc ấy vào khoảng tháng mười hay mười một, cuối mùa mưa với những trận bão rớt và không khí thường ẩm đặc hơi nước. Tôi còn nhớ cả hai đã hút thuốc và nhắp trà đậm đến đắng chát cổ họng – cái thú uống trà đậm kéo theo hơi thuốc lào tôi đã học ở hắn - để giữ thần trí được tỉnh táo cho cuộc chuyện trò. Chu đã bị bắt trong chuyến ra Hà Nội tiếp xúc với nhóm văn nghệ bí mật và công an đã lục soát nhà anh chàng tuần qua, hắn thông báo tin mới nhất. An ninh văn hóa đã được tung ra để lùng cả nhóm. Vợ Chu nhắn cho hắn biết là bọn họ đã lục thấy tấm hình chụp chung vào dịp sinh nhật chồng năm trước mà cô ta chưa kịp đốt. Đêm ấy Chu, hắn, tôi cùng hai thi sĩ khác đã khí phách và lãng mạn quá đà, các bài thơ thay phiên vang rền giữa vòng vây của câm lặng ô nhục, những cốc rượu trong cất từ một làng miền Bắc xa xôi đốt bừng tâm sự thời thế, âm ỉ từ bao mùa dưới đống tro lạnh bỗng phựt lên ngọn lửa bất diệt của sáng tạo và lương tri. Bây giờ phải trả giá cho sự thách thức! Tôi nhìn ánh mắt sâu thẳm hơn đêm tối thỉnh thoảng ánh lên một đóm sáng man dại dưới vầng trán khổ hạnh của hắn, khóe miệng nửa khinh bạc nửa âu lo. Tôi thương hắn và thương mình. Loài thú bị dồn đến bờ vực, trước mặt là nhà tù và bản án.
Từ đêm đó hắn biệt tăm. Gần cả năm sau, vài mẩu tin mơ hồ cho biết hắn bị tóm trong lúc tìm cách vượt biên ở một bờ biển. Nhưng cũng có mấy con phe đường dài tháng tháng ngồi tàu Thống Nhất vào nam ra bắc tình cờ gặp tôi trên đường Tự Do cũ lại loan tin hắn đã thoát an toàn. Vậy thì hắn đang bó gối sau rào kẽm gai ở Chimawan hay ôm chấn song nhà giam nội địa nào đó, có trời mà biết! Thật tình lúc ấy tôi đang lo sốt vó cho thân mình, hơi đâu đi kiểm chứng những tin đồn thất thiệt. Quan tâm duy nhất của tôi là làm thế nào đối phó với những thẩm tra, bắt bớ sắp chụp lên đầu. Tôi không chút nghi ngờ rằng lý lịch mình đang nằm trong một chồng hồ sơ của bộ nội vụ, và các “chuyên gia” tu nghiệp tận Liên Xô, Trung Quốc đang tốn không ít chất xám để điều nghiên trường hợp tôi: đường đường chính chính là công dân hợp pháp vừa là cán bộ nghiên cứu của một viện uy tín. Đằng sau mấy bài khảo cứu, tham luận về mô típ Angkor hoặc thủy mặc đời Tống, tôi là một dấu hỏi vô can hay nhồi thuốc nổ? Tình thế thật là tấn thối lưỡng nan, dở đi dở ở. Đào tẩu đi chui ư? Thành công thì không nói, ngược lại thất bại thì chẳng khác chi tôi tự tố cáo mình. Biết đâu các tâm lý gia của chế độ đang mỉm cười ngắm tôi tự đấu trí từng ngày!

Con tàu vẫn rẽ sóng, tiếng động cơ nổ êm giữa bao la trời nước. Nhấp nhô quần đảo từ xa như tranh lụa trong sương. Hơi men thấm dần bốc thành cảm hứng, đây là lúc ứng khẩu vài câu tuyệt cú ghi lại một ngày đáng nhớ trong đời. Giai nhân đang chờ được chinh phục, tình yêu như chai bia sủi bọt chỉ cần thêm mồi nhắm của nghệ thuật tán tỉnh. Đêm trước ở Thiên Trù vào lúc mặt trời sắp tắt nàng đã chẳng cho phép tôi nắm lấy bàn tay nhỏ mềm của nàng là gì? Rồi đứng giữa những tháp gạch lở lói, trên đầu đàn dơi muỗi rít ré chập choạng, nàng đã chẳng để tôi vuốt ve mái tóc hay sao? Nếu không có ông bố tháp tùng trong chuyến viếng chùa Hương biết đâu điều hào hứng hơn đã có thể xảy ra làm chất liệu tươi mát cho mấy bài thơ tình tôi nhét vội vào túi xắc nàng lúc xuống đò trở ra suối Yến!
 Có thời buổi nào kỳ quái cho bằng những năm tháng ấy khi mà bất cứ người nào cũng có hai bộ mặt: vị lãnh tụ anh minh thực chất là tay cuồng tín sát nhân, nhà triết gia cách mạng lúc trùm chăn ngủ là tên đớn hèn xảo trá. Thế thì làm sao nàng có thể nhận ra bên dưới tóc râu lãng mạn, ánh mắt nam châm và y phục trang nhã là một gã mang án treo với sợi thòng lọng vô hình quanh cổ nối dài đến một ngôi biệt thự xinh xắn nào đó mà chủ nhân là thứ chằng tinh thời đại biết dùng điện thoại và mật mã điệp báo. Nhưng tôi đã quyết định thí con xe cuối. Món vàng đóng hụi tự do đã biến thành chiếc thuyền nằm đâu đó nơi bờ kinh cửa lạch. Còn vài tuần nữa là hết tháng bà già đi biển; người học trò cũ dưới Rạch Giá đã chuẩn bị xong gạo, nước, dầu. Lần thẩm tra gần đây nhất tương đối suông sẻ; hai tên công an nội vụ mới ra lò sau hơn năm tiếng đồng hồ chất vấn, soi mói sắc diện, đã yêu cầu tôi ký tên vào bản tự khai rồi thân thiện tiễn ra cửa. Tất nhiên các điều cung khai của tôi đã được dàn dựng một cách tự nhiên hữu lý nhất - với kinh nghiệm chạm trán nhiều lần với bạo quyền hắn đã căn dặn tôi trước khi chia tay sách lược đối đáp với bọn lấy cung để bảo vệ lẫn nhau, nếu chẳng may không thoát khỏi tay chúng. Nhưng tôi không thể cả tin vào thần kinh của mình cũng như của anh em trong nhóm đang nằm trong tình trạng căng thẳng âu lo thường xuyên. Thú thật nhiều bận đi uống rượu khuya về, thoáng thấy bóng công an là tự nhiên có phản xạ muốn trốn chạy. Chịu đựng mãi sức ép cân não ấy đến thánh sớm muộn cũng bị bệnh tâm trí!
Tuy vậy con người là thứ sinh vật khó lường. Chỉ chịu khó nằm yên vài tuần như con thú trúng đạn tìm nơi ẩn náu chờ ngày hồi sức để chạy biến vào rừng; thế mà chẳng biết cái gì thôi thúc tôi làm việc liều lĩnh: đột nhập thám thính miền đất nhiều tai ương. Vụ Chu sa lưới năm nọ chẳng là một bài học đáng nhớ hay sao? Sĩ khí chăng, hay máu mạo hiểm ngông cuồng? Hoặc vài hình ảnh văn chương lâu nay chìm khuất tiềm thức bỗng bật tiếng gọi mời? Một ràng buộc danh dự với bản thân không cho phép ngoảnh mặt làm ngơ trước số phận bằng hữu khiến tôi quay lại đấu trường lần cuối? Chỉ biết là tình cờ trong một tiệc giỗ khi người anh họ đang làm hướng dẫn viên du lịch cho biết công ty anh ta sắp tổ chức chuyến du ngoạn ra Bắc và nhân tiện ngỏ ý thu xếp một chỗ trong đoàn nếu tôi thích; tiền nong lúc ấy không còn là vấn đề, tôi gật đầu chụp ngay cơ hội.

Cái tin đồn hắn bị tóm là sự thật. Đáp máy bay xuống Nội Bài lên xe ca vừa đến Hà Nội là tôi biến. Phải di chuyển xuất kỳ bất ý với bản đồ trong túi và học thuộc đường phố như dân bản địa. Trong khi đám du khách còn đang lục tục kéo nhau vào một quán ăn ở phố Trường Tiền, tôi đã chễm chệ trên chiếc xích lô tồi tàn kêu rên tựa bà già thấp khớp trực chỉ địa điểm liên lạc. Mười lăm phút sau tôi có mặt trong con hẻm chật trên đường X có hai hàng sấu lêu nghêu, bước nhanh vào quán rượu trá hình chỉ có giới văn nghệ chui thăm viếng. Chủ quán - một nhạc sĩ nằm ngoài mọi biên chế - giữa hai hớp đế và mấy hạt lạc rang đã lược thuật chuyến đi thất bại của hắn. Trong lúc cấp bách chẳng tìm được ai giúp và không thể vượt biên ở Sài Gòn vì phí tổn quá lớn, hắn trở ra Hà Nội chạy vạy góp một số tiền rồi nhanh chân lẻn xuống Hải Phòng. Giá vượt biên ngoài này chỉ tốn một hai khâu và giỏi lắm hắn cũng chỉ có thể vơ vào được khoảng đó. Nằm mấy tuần ở xóm chợ Sắt với tay bạn buôn đồ ngoại, họ tìm cách móc nối với đám dân chài Quảng Ninh. Nhưng ra đến Hòn Gai thì động, tổ chức cũng như khách chưa kịp tháo thân đã bị tóm cổ ráo. Tin mới nhất cho biết là hắn đang làm bạn với Chu đâu đó trong các xà lim Hỏa Lò. Vậy là mọi sự sáng tỏ!
Không tiện nấn ná thêm tôi làm một hơi cạn ly cay, chào chủ quán rồi quay về tiệm ăn nuốt vội bát cơm khô khốc với mấy miếng thịt dai – tránh cho mình một sự vắng mặt quá lâu bởi tôi chắc đến tám chín mươi phần trăm là gã hướng dẫn gốc Bắc Ninh kèm đoàn du khách có dính dáng đến Mai Chí Thọ nhiều hơn là đền Hùng và Văn Miếu. Vài hôm sau lợi dụng chương trình thăm viếng ba mươi sáu phố phường, tôi tranh thủ nhờ người đưa đến cư xá Y tìm thăm vợ con hắn. Tôi muốn giúp gia đình nhỏ đáng thương ấy một ít tiền, và chủ yếu hỏi chị vợ xem có cất được một tập thơ chép tay nào của chồng hay ít ra có thể chỉ cho tôi các nơi gửi gắm mớ sáng tác của hắn. Tôi đã nhủ bụng, ngay từ khi lên máy bay ở Tân Sơn Nhất, dù nguy hiểm đến đâu cũng tìm cách mang về một cái gì của bạn. Ước ao lớn nhất của tôi là giải thoát các tập thơ của hắn rồi tìm cách mang ra nước ngoài. Nhưng, như đã nói từ đầu, số tôi không khá.Vợ hắn cho biết, khi bị bắt hắn mang trên người cái túi duy nhất đựng tất cả bản thảo của nhiều năm sáng tác. Rồi sau đó, qua mấy lần khám nhà công an đã cướp đi những giấy má còn lại, kể cả nhật ký và thư từ bè bạn.
Thế là tôi chẳng còn cơ hội đóng vai đặc nhiệm giữa Long thành! Ngay cả hai địa chỉ ám muội ở đường X và cư xá Y, những nơi tôi vẫn hình dung trong đầu như bẫy sập của lũ săn người rình bắt con mồi – tôi đã đến và đi an toàn. Giá có một bóng đen đằng sau một gốc sấu già hoặc ngách cầu thang nào đó nhảy ập vào tôi với còng và súng cho các nhà chép tiểu sử sau này có thể thêu dệt thêm các tình tiết ly kỳ. Hay là trong trường hợp tôi, nói theo tiếng lóng nhà nghề, người ta đã áp dụng kế sách “sợi dây dài tối đa”, có nghĩa theo dõi từ xa trong nhiều năm trước khi quyết định hành động đối với kẻ tình nghi…
 Giờ tôi phải làm gì? Dĩ nhiên không thể bắt chước Rambo đột nhập ngục thất hay phá pháp trường! Thành thử có thể xem chuyến Bắc du với tiết mục chính là cuộc croisière Hạ Long này như một trò hành hương hơi buồn cười đi ngược lại con đường khổ nạn của hắn, được tô điểm với chút hơi men và phấn hương con gái. Âu cũng là một cách họa vận lập dị cho hoàn cảnh hắn, nhà thơ câm nín đang bó mình trong bốn vách tù hãm. Và tôi có thể hình dung cái nhếch mép ngạo đời của tên bạn nếu hắn biết được sự đời chiếu và liên tưởng kém ý vị này.
Đúng vậy - hỡi độc giả thân mến - những buổi đàm đạo thơ văn nghệ thuật giữa chúng tôi trước đó đâu chỉ thuần phản kháng và liều chết xông vào kẻ thù! Giả sử một ngày nào đó cái truyện ngắn này lỡ lọt vào tay hắn, chắc chắn kẻ tri kỷ ngoại hạng của cái đẹp vô hình sẽ bịt mũi chế nhạo tôi là đã nhấn quá mạnh bàn đạp dương cầm. Nói theo kiểu hắn, nên dạo sostenuto mấy gam thứ thì hơn… Dù đang sống giữa trại tù mênh mông và sự bất ổn sinh mạng từng giờ, loại người sành điệu không cần gào rống lên gân bởi Novalis đã chẳng từng nói đại ý rằng các anh hùng chỉ thích đọc và làm thơ tình mà thôi hay sao? Đổi nghề là vừa, nhà múa bút tài tử hỡi!
 
Linh tính phái đẹp quả khó lường. Nhắc đến tình yêu là sự bất ngờ sẽ diễn ra. Nấp sau cánh gà từ lâu, nàng không thể xuất hiện đúng lúc hơn để tiếp sức một cách duyên dáng cho cảm hứng sắp cạn của tác giả. Và Colette hoặc Edith Piaf cũng sẽ ngạc nhiên khi nghe giọng oanh vàng cất tiếng:
-T’ennuies?
-Trop! Tôi đáp,vừa tiết kiệm được một âm tiết.
-Tới rồi!
Ngữ điệu khô khan thế này chứng tỏ người đẹp còn giận tôi không ít, gã vũ phu táo tợn đã lợi dụng khoảnh khắc hoàng hôn hôm trước làm cho nàng xao xuyến nhớ nhung, đúng không nào? A, tàu sắp cặp bến, em nhắc tôi chuẩn bị động tác ga lăng bế kiều nữ lên bờ chứ gì! Ô kê, đắc co…Vứt cọng râu mực nhai dở vào ly bia, tôi dìu nàng trở lên boong. Còn mấy cấp thang cuối tôi giả vờ say, ngã vào người nàng thều thào:
- Tôi yêu em, yêu em như tên tù yêu manh chiếu rách nhà lao!
- Đừng mượn hơi men giở trò cải lương!
Nàng bật cười xô tôi ra, không hiểu mấy chai bia chứa loại hóa chất nào khiến cho tôi bật ra lời so sánh văn chương lạ lẫm. Dù sao nàng cũng cho phép kẻ hèn nắm tay một giây trước khi cả hai cùng đặt chân lên sàn tàu giữa thanh thiên bạch nhật. Bóng dáng ông bố cựu thương gia chưa kịp xuất hiện để can thiệp vào tình duyên mới chớm của đôi trẻ thì một biến cố có vẻ nghiêm trọng lắm vừa xảy ra đúng vào lúc ấy. Bám vào lan can hông tàu, du khách nhao nhao thò đầu ra nhìn vừa tích cực tham gia bằng bộ máy phát âm của từng người:
- Chìm đâu mất rồi, chìm lỉm rồi!
- Bà ta biết bơi không?
- Nhảy xuống cứu cho nhanh, còn bàn luận cái gì!
 Chúng tôi kịp trờ tới để nghe ông bố đạo mạo của nàng phán ra câu minh triết kia. Tức khắc, như một cung phản xạ vừa được thiết lập giữa cái miệng và cặp chân trước đó còn quá cách biệt bởi tính bất ngờ của tai nạn, có bóng người phóng xuống biển. Sau năm bảy giây lặn ngụp, hai cái đầu, một có tóc một không, nhô lên cùng lượt. Đám du khách hiểu ra ngay động cơ đã khiến nhà sư trẻ kia ra tay nhanh như thế. Người đàn bà trượt chân khi leo thang từ tàu lớn xuống ghe nhỏ để vào bờ là bà cô của vị tu hành; cả hai luôn luôn đi bên nhau những lúc viếng cảnh chùa hay khói nhang tụng niệm. 
Chuyến đổ bộ của khoảng hai muơi người đồng hành lên Hòn Gai sau đó diễn ra khá êm thắm, tôi ngồi bên cạnh nhà sư còn đang xuýt xoa tiếc cái gọng kính ngoại đã chọn đáy vịnh làm nơi thoát tục vĩnh viễn. Như trong đoạn phim của một đạo diễn cắc cớ, nàng với cha lại ngồi trên chiếc đò khác từ từ cập vào bờ trước. Nhìn ngắm mái tóc kiều diễm phủ bờ vai mềm, tôi chợt xúc động và suýt quên mất hắn, quên luôn những mắc xích tượng trưng khóa tôi vào hắn ở cái khoảnh khắc của kẻ sắp nghiêng mình trước một tượng đài nặc danh.

Không còn chỗ nào thích hợp hơn cho một cuộc vây bắt và sa lưới. Khu thị tứ chỉ vỏn vẹn dăm con lộ đất rải đá lởm chởm tụ về cái chợ chồm hổm bên cạnh mép nước bẩn đen ngòm bụi than do các mỏ đổ ra từ thời Pháp thuộc. Tôi chịu khó quan sát mớ quang gánh của mấy mụ bán hàng không mặn mà lắm với khách. Eo sèo mấy cọng rau muống, vài con tép tanh tưởi, một trái cam sành thiếu tháng khô queo bên cạnh một chùm dâu lạ tí teo như một nhánh tiêu non. Thật tình khó thể tưởng tượng một cái gì bi tráng để làm nền cho đoạn văn mô tả phút sa cơ của một thi nhân. Đi xa thêm chục thước, hiện ra một mái chùa xưa từng trải qua nhiều dâu bể. Dấu vết các cuộc dội bom hơn mười năm trước còn hiển hiện khắp nơi, ngay cả trước sân chùa. Tôi rảo quanh bồn nước với hòn non bộ xấu xí, cố ý tìm xem có chú cá vàng nào đang vui hưởng thái bình ở chốn cuối trời ni chăng nhưng vô ích. Buồn tình tôi lách qua cửa nhỏ tam quan lang thang một vòng, hi vọng sẽ gặp được nàng cũng vừa đánh lạc được sự cảnh giác của phụ thân tách khỏi đoàn du khách sang trọng đang diễn hành giữa mớ thúng mủng xác xơ với đám trẻ nhóc đi chân trần lấm đầy bụi đất.
Hồi lâu vẫn chẳng thấy bóng kiều dù đã chú mục nhìn các gian hàng lưu niệm bày mớ san hô, rong đá, hoặc vỏ sò vỏ nghêu ghép hình con công con cò, cây dừa bụi trúc, tôi lạc lõng bước qua bến đò máy kế cận bâng quơ ngó mông… Sau cả tuần lữ du vòng vo tôi nhận ra một điều gần như phổ biến ngoài này: chỉ có những gì thuộc đất trời là hữu tình, phần nào bị bàn tay con người cải tạo là coi như phải chịu cùng số phận như nhau! Nhà cửa chật chội đổ nát, phố xá bưng bít ngột ngạt, dân tình nhẫn nhục khắc khổ; lịch sử có vẻ đang chống trả mỏi mệt với sự tàn tạ trên một mảnh đất già cằn. Chỉ bọn nhóc tì và các cửa hàng rau mậu dịch là phần nào thoát khỏi cái không khí ảm đạm thâm căn ấy.
Chẳng còn lý do nào để nán lại nơi này. Tránh con mắt soi mói của bọn thiếu niên với sắc mặt vừa âu lo vừa thiếu thốn, tôi lại thả vật vờ xuống bãi chợ bên mép vịnh nhìn đội ngũ ghe thuyền đậu chen nhau trong một cái vũng không rộng lắm. Trên sườn đồi đá bên phải là các dãy cư xá tươm tất, không hiểu dành cho lãnh đạo ngành mỏ hay chức sắc địa phưong? Tôi lại vu vơ nghĩ đến hắn, giờ phút này đang đợi kẻng báo cơm hay ngắm trời mây ngoài chấn song để biến không gian xà lim thành cảm hứng trữ tình. Tôi không thể không nhớ lần đầu gặp nhau một chiều mưa bão trong cái quán cóc ngập nước, mỗi lần có chiếc vận tải chạy ngang là sóng tràn như biển… Sài Gòn giữa cơn địa chấn, những con người thất thần đi tìm nhau giữa lũ hình nhân có cái đầu được thay thế bằng ống loa, hắn với tôi như hai kẻ từ hành tinh lạ tình cờ nhờ vào phép mầu của văn chương lại trở thành thân thiết hơn ruột thịt. Đúng là lộ phùng tri kỷ! Trong óc tim trống vắng trước cảnh vô tâm của đá, nước, trời bỗng lóe lên ý thức hơi muộn màng. Tôi đã sống những ngày tháng cô đọng mãnh liệt, sự tao ngộ đã giúp tôi thăng hoa mọi khổ nhục và khát vọng, giúp tôi nhận ra diện mục của chính mình giữa cát bụi bể dâu. Cảm ơn mi, kẻ dám nuôi cuồng vọng vá trời bằng sáng tạo; cảm ơn mi, trái tim hồn nhiên hớn hở như trẻ thơ khi bắt gặp bất cứ âm ba nào của chân mỹ, dù là nét vẽ hay điệu hò mộc mạc đơn sơ nhất. Biết bao giờ ta lại có thể kéo mi về nhà dùng bữa cơm đạm bạc để được nghe mi nửa vui nửa buồn thốt ra câu nói chân tình sau khi ăn một hơi ngon lành mấy bát với người bạn mới quen chưa trọn một buổi chiều:
 - Ở Việt Nam, thơ ca không thể sánh với cơm gạo!
Và làm sao ta đoán được rằng lời đối đáp ba hoa của mình hôm ấy sau khi vấn đưa cho mi điếu thuốc ngon lại có cơ trở thành một câu nói tiên tri:
 - Và trước lúc hành quyết, tử tội thường xin điếu thuốc chứ đâu có tên nào đòi thơ Lý Bạch hoặc nhạc Chopin!

*
Hình như đoạn đường về bao giờ cũng mất ít thời gian hơn bận đi, và một lần nữa, tôi lại kiểm tra kinh nghiệm ấy. Đứng gần nàng phía sau lái – ông bố đang đánh trưa trên ghế nệm từng dưới, chúng tôi ngắm lại từng hòn đảo dưới bầu trời trong điểm vài cụm mây thơ thẩn. Chịu đựng phản ứng hóa học từ đời này sang đời khác do các chất muối biển cộng với khí trời, đảo nào cũng giống cái răng sâu khổng lồ bị khấu mòn dưói chân nơi tiếp xúc với mặt sóng. Ấy là chưa kể hàng vạn cơn mưa từ trời cao dội xuống xoi thủng thành hang động. Tấn tuồng âm dương bền bỉ ấy từ bao triệu năm đã tạo tác vô số hình thù, và chúng tôi lại tiếp tục chơi trò đặt tên cúng cơm đã có từ thuở nào không biết. Chỉ tay về một đảo xa, nàng nói khẽ như cho riêng tôi:
-Hòn Trái Tim kìa!
-Phải gọi là khối đá Tương Tư Tuyệt Vọng chứ! Tôi không đồng ý đáp lại.
 Rồi dăm phút sau:
-Ô đẹp quá, hòn Cô Phụ kìa!
-Bậy, nó giống con chó ghẻ hơn. Bonsoir, đảo Cầy Tơ!
Bận này thì người đẹp giận thiệt và giận dai. Đến khi bọn phó nhòm đưa hình – ngoài này kỹ thuật ảnh đen trắng cũng chạy đua với Vũng Tầu: sáng chụp chiều giao, phòng tối trang bị ngay dưới hầm tàu – nàng ngắm một mình không cho tôi ghé mắt và chẳng tặng chàng tấm nào để lưu niệm. Chàng giả bộ thất tình lững thững một bóng ra mũi tàu, nhập vào nhóm du khách đang chờ đợi giây phút lịch sử khi con tàu vượt qua lằn nước vô hình chia đôi sông biển ở cửa khẩu sông Bạch Đằng.
Chiều đang ngả bóng trên sông nước. Mấy cánh buồm đi ra cửa sông, gió phần phật trên hai tấm bạt rộng vá víu chằng chịt. Lác đác vài bóng chim trên bờ sậy xa xa. Cửa sông mênh mông, lớp lớp sóng cuồng hòa âm cùng gió lộng. Mùi hương quen thuộc phảng phất, tôi ngoảnh lại – nàng đang đứng bên cạnh hồi nào. Có nên mừng hay buồn cười cho sự may mắn và chút hạnh phúc nhỏ của mình? Tôi tự nhủ thầm, đây là Bạch Đằng Giang và mình đang đứng giữa con sông đã gợi hứng cho bao đời văn nhân thi sĩ. Tôi cố hình dung một hình ảnh đẹp về hắn vào lúc bó mình trở lại đoạn sông này, cố liên tưởng đến các tranh Tàu minh họa Tam Quốc hay Thủy Hử, các danh tướng lúc sa cơ râu tóc dựng đứng trước kẻ thù. Nhưng lý trí bình thường trong tôi kéo tưởng tượng về sự thật tồi tàn. Hắn, bị còng hoặc hai tay trói quặp sau lưng, mắt miệng dập bầm thâm tím vì mấy cú đấm dạo đầu, lăn lóc trên sàn hay hầm tàu như con vật sắp bị chọc tiết…

Ánh ngày nhạt dần trên mấy đám mây. Cửa sông Cấm hiện ra đằng xa, chiếc tàu bớt động cơ hãm dần tốc độ. Vài ống khói nhà máy xi măng bơ vơ giữa bức tranh chiều tà óng ánh như tranh họa phái ấn tượng. Tôi hình dung hắn đang co ro trên sàn đá, buồn chán và tự trào ngâm nga câu nhất nhật tại tù với lũ dán rệp và tôi cảm thấy mình là tên hề trong một đoản kịch câm, mặt trát nhiều lớp phấn, xuôi xị và lơ láo trước hoàng hôn, chẳng diễn tả được điều gì ngoài sự bất lực của mọi cảm xúc và ý nghĩ.
Chiếc Bạch Đằng bắt đầu lướt qua những thân tàu viễn dương neo dọc theo bến cảng. Đoàn du khách rủ nhau tề tựu chụp vài tấm kỷ niệm cuối. Có tiếng chuyện trò khá to như có ý muốn mọi người nghe thấy. Không cần nhìn tôi cũng biết đó là cặp vợ chồng có tiệm cơm gần chợ Bến Thành, lúc nào cũng diêm dúa chải chuốt dù đã quá tuổi trung niên:
-Nghe đâu cuối tuần có tổ chức nhạc sống và khiêu vũ tại khách sạn chúng mình.
-Thích quá anh nhỉ! Đêm nay là đêm chúa nhật…
-Chứ còn gì nữa! Chỉ có điều không rõ ngoài này nhạc sĩ còn biết chơi tango với pasodoble hay không?

Ngọn gió bỗng thổi mạnh hơn. Mấy sợi tóc nàng vướng môi tôi. Và tôi chợt nhớ ra, còn đúng một tuần, chúa nhật tới tôi có cái hẹn trong kia với tay học trò.
CHÂN PHƯƠNG
Khởi thảo ở Boston, mùa thu 1987
 & hiệu đính lần cuối tại Paris, mùa hè 2010.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 118660)
Con Thạch Sùng chẳng hiểu gì. Tất nhiên. Em không chấp nó. Anh nhỉ. Đứa con của chúng ta đã lớn rồi đấy
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 117781)
đúc lòng thú dữ. Tôi ngậm ngày giọt vuông ứa nóng vạn độ / cắt nhìn dân tộc móc nhau đu đưa tuần hoàn não bộ xưng mẹ toàn cầu ngôi nhà nổ tách từng cái miệng linh vị bay đến đỉnh cao tôi bốc câu chú giải nguyền rủa vi trùng tỉa giờ hối hả say.
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 100904)
Giữa tháng 4, bố có tranh được treo triển lãm. Cả nhà kéo đi xem. Tranh vẽ một cụ già đang ngồi bên ngọn đèn, mắt mũi kèm nhèm, khâu áo. Ai cũng nhận ra khuôn mặt của bà. Triển lãm nhan đề: “Mẹ - tôi”. Bà bảo: “Lũ đểu”.
06 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 94100)
Hắn miên man thêm. Tình dục qua internet nè, tình dục qua e-mail nè, tình dục qua điện thoại nè, tình dục trong các công sở nè ... Có người không thích bóng gió thì cũng có người đậm mầu lãng mạn.
06 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 125302)
Không ai biết tại sao giữa dòng sông ấy lại nhô lên một bãi đất. Rồi cũng không ai biết người ta đến đấy ở từ bao giờ. Họ chia đều những khoảng đất, họ trồng ngô, trồng rau xanh rì, họ dựng nhà họ nuôi con. Họ không nuôi đàn ông. Con họ nuôi chó, nuôi mèo.
01 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 106442)
Giáo sư Anatoli A. Sokolov, hiện công tác tại Đại Học Phương Đông, là một chuyên gia nổi danh về Việt Nam.
01 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 112202)
Hoàn hơi bị ấm đầu, cho nên để phân biệt với những Hoàn khác, người ta gọi Hoàn là Hoàn âm lịch. Vì âm lịch Hoàn lấy vợ muộn- mãi đến năm Hoàn đã ở cái tuổi 37, lão Thủ (bố Hoàn) mới lo được vợ cho Hoàn.
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 100980)
Người đang đứng trên sân khấu, hay đang đứng trước màn hình với bao ngọn đèn sáng chói nhất không phải là D của quãng trời thơ ấu mà là Don Hồ. Hai người khác biệt nhau lắm! D mà Trúc quen biết khi xưa, rất nhút nhát và... ít nói.
28 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 134524)
Lũy bắt Phượng Vỹ "làm tình với Lũy như một con điếm"
25 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 126351)
Đợi thằng bồ Tây hôn hít xong, khi cánh cửa vừa cài trên cài dưới cẩn thận xong, cô mang xấp thư tình ra xếp thành ba xứ sở khác nhau: Mỹ một bên, Gia Nã Đại một bên, Úc một bên.