- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mikhail Epstein - Hậu Hiện Đại Ở Nga Những Quy Luật Chung - Phần 1

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 8300)
I. Tính “phì đại” (hyper) trong văn hóa thế kỉ XX: Biện chứng chuyển tiếp từ chủ nghĩa hiện đại đến chủ nghĩa hậu hiện đại

1. Những tiền đề hiện đại chủ nghĩa của chủ nghĩa hậu hiện đại

Trong các cuộc tranh luận, chủ nghĩa hậu hiện đại được lí giải như một hiện tượng thuần phương Tây, mà, nếu như có liên quan tới các nền văn hóa không phải phương Tây, như Nhật Bản chẳng hạn, thì nó chỉ là kết quả của quá trình tây hóa không tránh khỏi và ngày càng gia tăng ở các nước này. Bài viết của chúng tôi nói về những quy luật phát triển văn hóa ở thế kỉ XX, có thể xem như là những quy luật chung cho cả phương Tây lẫn nước Nga, mặc dù trong thời đại đã qua nước Nga phân liệt với thế giới phương Tây và đối lập với nó. Chính vì tính “cách mạng” của nước Nga trong quan hệ với phương Tây, nên nó đã được liệt vào hệ hình cách mạng chung của thế kỉ XX.

Nửa đầu thế kỉ XX xẩy ra vô số các cuộc cách mạng - “cách mạng xã hội”, “cách mạng khoa học”, “cách mạng tình dục”, những bước ngoặt cách mạng trong các lĩnh vực như vật lí, tâm lí, sinh học, triết học, văn học, nghệ thuật. Tại nước Nga những bước ngoặt đó diễn ra trên các phạm vi khác với phương Tây, song bản thân mô hình cách mạng của sự phát triển đã gắn hai thế giới lại và cho phép giải thích tại sao ở nửa sau thế kỉ XX lại có được sự tương đồng loại hình giữa chủ nghĩa hậu hiện đại phương Tây và nền văn hóa Nga hiện đại vốn cũng đang phát triển dưới dấu hiệu “hậu” (post)- hậu Xô Viết, hậu không tưởng).

Tính cách mạng - hiển nhiên đó là hiện tượng của chủ nghĩa hiện đại, hiểu theo nghĩa rộng của từ, - có thể xác định như sự tìm kiếm một thực tại thuần túy, cao cả và xác thực, một thực tại đứng đằng sau những kí hiệu và những hệ thống văn hóa(1). Có thể coi J.J Rousseau là thủy tổ của chủ nghĩa hiện đại với sự phê phán nền văn minh đương đại và sự khám phá ra tồn tại “khởi nguyên”, chưa bị “tha hóa” của tự nhiên. Chủ nghĩa Marxism, chủ thuyết Nietszche và học thuyết Freud - những phong trào hiện đại chủ nghĩa, - phê phán ảo tưởng ý thức hệ tư tưởng và tìm kiếm một thực tại “thuần khiết” trong sự tự phát triển của vật chất và sản xuất vật chất, trong bản năng sống và ý chí vươn tới quyền lực, bản năng tính dục và trong quyền năng của vô thức. Trong ý nghĩa này nhà hiện đại chủ nghĩa chính là J. Joyce, người đã khám phá ra “dòng ý thức” liên tục và những “nguyên mẫu huyền thoại” đằng sau những hình thức ước lệ của “cá nhân hiện đại”; Kazimir Malevich người xóa bỏ tính đa dạng, phong phú của màu sắc trong thế giới hiện tồn để thể hiện cơ sở hình học của nó - “hình vuông đen”; Velimir Khlebnikov, người khẳng định thực tiễn thuần khiết bằng thứ ngôn từ “vòng vèo”, “khó hiểu”, kiểu lảm nhảm lên đồng “bobêobi peli gupư”, bằng ngôn ngữ tượng trưng ước lệ.

Nhìn chung, chủ nghĩa hiện đại có thể xem như cuộc cách mạng nhằm xóa bỏ ước lệ văn hóa và tính tương đối của các kí hiệu và khẳng định thực tại đứng đằng sau nó, một thực tại thuần túy, đúng đắn: “vật chất” và “kinh tế” trong chủ nghĩa Marx, “cuộc sống” trong chủ thuyết Nietszche, “tính dục” và “vô thức” trong học thuyết Freud, “hứng khởi sáng tạo” của Bergson, “dòng ý thức” của J.Joyce và W.James, “hiện sinh” trong chủ nghĩa hiện sinh v.v...

Chủ nghĩa hậu hiện đại phê phán chủ nghĩa hiện đại chính vì ảo tưởng của nó về “chân lí cuối cùng”, “ngôn ngữ tuyệt đối”, “phong cách mới”, những thứ dường như mở ra con đường tới một “thực tại thuần khiết”. Bản thân tên gọi đã chỉ ra rằng “hậu hiện đại” - một hệ hình văn hóa mới, hình thành chính trong quá trình chối bỏ chủ nghĩa hiện đại, với tư cách một kinh nghiệm khép kín, tinh giản những hệ thống kí hiệu, hội nhập chúng vào hệ thống của mình. Bản thân cách hiểu về một thực tại nào đó nằm ở đằng sau các kí hiệu đã bị chủ nghĩa hậu hiện đại phê phán như một ảo tưởng nữa, “ảo tưởng cuối cùng”, như tàn dư khó vượt qua của thứ “siêu hình học hiện tồn” già cỗi. Thế giới của những cái thứ sinh, của những phản ánh ước lệ xem ra còn nguyên gốc hơn là thế giới của cái gọi là “thực tại”. Trên cơ sở đó xuất hiện những phong trào hậu hiện đại đa dạng, thí dụ như trường phái ý niệm Nga đã khám phá bản chất của thực tại Xô Viết như một hệ tư tưởng huyễn tưởng, như một hệ thống các kí hiệu được copy từ “cái được biểu đạt” vắng mặt hay trống rỗng.

Ở chương này người viết muốn nêu lên mối liên hệ qua lại giữa chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa hiện đại, như hai mắt xích của một hệ hình văn hóa được bao quát bằng khái niệm “phì đại - hyper”. Nếu như văn hóa Nga và văn hóa phương Tây có chung gốc rễ ở chủ nghĩa hiện đại trước đây, thì những song trùng hiện nay giữa chủ nghĩa hậu hiện đại phương Tây và dị bản Nga “hậu” (post) có một độ sâu mới, như những con đường làm mất đi cái di sản “cách mạng” chung của chúng. Chính cách mạng, giống như sự tìm kiếm và khẳng định “thực tại thuần khiết”, đã dẫn tới sự hình thành những thực tại giả, - sân chơi cho nghệ thuật hậu hiện đại ở cả phương Tây, lẫn ở Nga - giống như những kí hiệu rỗng, không chỉ gì cả.

Như vậy, đề tài phần này - “Những tiền đề hiện đại chủ nghĩa của chủ nghĩa hậu hiện đại dưới ánh sáng viễn cảnh hậu hiện đại của chủ nghĩa hiện đại” - nói gọn lại, là sự lệ thuộc lẫn nhau giữa hai loại hiện tượng, tôi sẽ xác định một cách ngắn gọn những cách tiếp cận có thể gọi là hiện đại chủ nghĩa, trong vật lí học (cơ học lượng tử), trong lí luận văn học (“phê bình mới”), trong triết học (chủ nghĩa hiện sinh), trong các học thuyết phân tích tâm lí (“cách mạng tình dục”), trong hệ tư tưởng Xô Viết (“chủ nghĩa tập thể” và “chủ nghĩa duy vật”).

Tất cả các trào lưu đó là những hiện tượng “phì đại” trong giai đoạn đầu của nó, như bước ngoặt cách mạng đối với hệ hình cổ điển và sự khẳng định một thực tại “cuối cùng”, thuần khiết. ở giai đoạn thứ hai, giai đoạn hậu hiện đại, có thể xuất hiện sau giai đoạn hiện đại một vài năm hoặc vài thập niên, cũng vẫn những hiện tượng đó lúc này được xem xét như những ngụy tạo thực tại được sinh ra bởi bộ công cụ toán học, bởi các thiết bị quan trắc, bởi phương pháp phê bình, bởi giả tưởng trừu tượng v.v... Chính vì vậy xuất hiện tính hai mặt, mỉa mai của bản thân “phì đại”, sự chuyển tiếp không tránh khỏi từ giai đoạn hiện đại chủ nghĩa sang giai đoạn hậu hiện đại chủ nghĩa, nói một cách ước lệ, từ “super” sang “pseudo” (chương tiếp theo chúng tôi sẽ phân tích hai khái niệm này). Khái niệm “hyper” không chỉ nối liền chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại như hai tuyến tiếp nối, mà còn làm rõ nét sự tồn tại song song giữa hậu hiện đại phương Tây và hậu hiện đại Nga như hai sự phản ứng đối với di sản cách mạng chung.

2. Phì đại (Hyper) trong khoa học và trong văn hóa

Một loạt các hiện tượng khác nhau trong nghệ thuật, khoa học, triết học, chính trị của thế kỉ XX có thể liệt vào đội ngũ những “hyper”, thuật ngữ chỉ sự “khuếch đại, tăng cường”, “thái quá”. Việc áp dụng tiếp đầu ngữ này dựa vào chỗ có khá nhiều phẩm chất của thực tại thế kỉ XX đã được đẩy tới ngưỡng tận cùng của sự phát triển, làm bộc lộ sự đối lập với chính nó. Trong ý nghĩa này khái niệm “thực tại phì đại” do nhà kí hiệu học Italy Umberto Eco và nhà triết học Pháp Jean Baudrillard đưa ra vào năm 1976 chỉ sự biến mất của thực tại do sự thống trị của các phương tiện thông tin đại chúng. Dường như những phương tiện đó nỗ lực in dấu ấn của thực tại tới mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất, song chính với mức độ xâm nhập như vậy bản thân những phương tiện kĩ thuật ảo thị đã tạo ra một phẩm chất mới cho thực tại, cái gọi là “hyper”. Thực tại phì đại - chính là ảo tưởng được tạo bởi những phương tiện thông tin đại chúng và thực tại này có vẻ còn xác thực, chính xác, và “thực” hơn cái thực tại mà chúng ta tiếp nhận ở cuộc sống xung quanh.

Để dẫn chứng có thể nhớ lại một tư trào khá có ảnh hưởng trong nghệ thuật hội họa những năm 1970, đầu 1980 - chủ nghĩa hiện thực phì đại (hyperrealism). Các tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực kiểu này là những bức ảnh màu khổ lớn tập hợp vào trong một bộ khung và đóng vai trò như một bức tranh. Trên những tấm ảnh đó da mặt người được phóng to tới nỗi chúng ta nhìn rõ từng lỗ chân lông. Cái đó tạo hiệu ứng “phì đại” - thực tại mang những nét “siêu nhiên” như vậy, trên thực tế, là nhờ vào các phương tiện kĩ thuật tái tạo lại chúng.

Theo Jean Baudrillard, thực tại biến mất trong thế giới phương Tây, cái thế giới bị gói chặt trong mạng lưới thông tin đại chúng, dần trở nên phì đại một cách giả tạo. “Hiện thực tự đi xuống tận đáy trong chủ nghĩa hiện thực phì đại vốn tái tạo kĩ lưỡng cái thực tại thường là gián tiếp thông qua những phương tiện sao lại, như ảnh chụp. Từ phương tiện tái tạo này tới phương tiện tái hiện khác, thực tại biến mất dần, trở nên giống như cái chết. Song, trong một ý nghĩa nào đó, nó đồng thời lại được khuếch đại lên ngay trong bản thân sự tàn phá của mình. Nó trở thành một thực tại vì bản thân, thành bái vật của khách thể đã mất: không còn là khách thể mô tả, mà là sự phấn hứng cao độ trong việc loại bỏ và hành động tự huỷ diệt mang tính lễ nghi: thực tại phì đại”(2).

Có thể nói, trước các lí luận gia của chủ nghĩa hậu hiện đại, nghịch lí đó đã được tìm thấy trong cơ học lượng tử, nơi các phương tiện đo trong phòng thí nghiệm ảnh hưởng rất lớn lên bản thân đối tượng quan sát - các hạt cơ bản. Thực tại được các nhà vật lí phát hiện ra vào đầu những năm 1920-1930, - là một thực tại “phì đại” ở mức độ cao, vì nó được tạo nên bởi những thông số của các máy móc, thiết bị, những tính toán toán học. Theo lời của Nils Bor, “cha đẻ” của ngành vật lí cơ học lượng tử: “Nghiên cứu thật kĩ lưỡng ta nhận thấy rằng quá trình đo đã có ảnh hưởng cơ bản lên những điều kiện mang trong nó bản thân sự xác định thực tại vật lí đang được quan sát... Các điều kiện này cần phải được xem như một bộ phận không tách rời của mọi hiện tượng mà ở mức độ nào đó có thể áp dụng thuật ngữ “thực tại vật lí”(3).

Những thiết bị quan quan trắc thực tại vật lí càng hoàn thiện bao nhiêu, bản thân thực tại càng ít được định vị như nó vốn có, do khác biệt với điều kiện nhận thức về bản thân nó. Về sự xuất hiện hiện tượng thực tại phì đại này, trong lĩnh vực văn hóa, bốn mươi năm trước Baudrillard đã viết: “Từ phương tiện tái tạo này tới phương tiện tái tạo khác, thực tại dần dần biến mất...”. Hơn nữa, điều muốn nói tới ở đây lại là những phương tiện tái hiện chính xác, tinh tế, mang màu sắc xúc cảm, như chụp ảnh và vô tuyến truyền hình. Phương pháp quan trăc và tái hiện càng chân thực bao nhiêu, bản thân phạm trù “sự thật” càng trở nên đáng ngờ bấy nhiêu, bởi đối tượng được tái hiện lại một cách đầy đủ và chính xác đã thôi không còn khác gì dấu vết và hình hài thật của nó. Tính chân thực khiến sự thật trở nên không thể. Ở đây, đối mặt với nhận thức, được trang bị bằng những thiết bị máy móc tối tân, hoàn thiện nhất, chúng ta, theo lời của N. Bor, “đụng chạm tới những hiện tượng không có sự phân giới rõ rệt đó giữa những phẩm tính tự thân của các đối tượng quan sát và sự tác động qua lại của chúng với các thiết bị đo đạc”(4).

Vấn đề phương pháp luận khó nhất trong vật lí học hiện đại vốn nghiên cứu những kết cấu trừu tượng, như “cvarks” chính là ở chỗ: thực ra, cái gì được nghiên cứu? Cái gọi là khách thể vật lí có vị thế như thế nào, và ở mức độ nào thì chúng có thể được gọi là “vật lí” và “khách thể”, khi chúng tương tác với các phương tiện quan trắc và xuất hiện trên những tính toán toán học?

Cơ học lượng tử - là bộ môn khoa học đầu tiên thành thực thừa nhận tính chất phì đại khoa học của mình, hay, chính xác hơn, bản chất phì đại vật lí của các khách thể: bộ môn khoa học trong sự tiếp cận gần với những hạt cơ bản của vật chất đã phát hiện ra tính chất phái sinh, nhân tạo, được thiết định của cái thực tại vật lí mà nó chỉ có thể mô tả được một phần, phần lớn hơn còn lại là do nó sáng chế. Nếu như trước đây phát hiện và sáng chế được phân biệt rạch ròi: phát hiện là tìm ra cái gì đó tồn tại thực trong tự nhiên; - còn sáng chế là nghĩ ra cái gì đó khả thi và có ích trong kĩ thuật, - thì giờ đây những phát hiện ngày càng trở thành sáng chế. Ranh giới giữa chúng đã bị xóa bỏ, ít nhất là ở những lớp đầu tiên và sâu nhất của thực tại. Càng xâm nhập sâu vào thực tại, thì càng dấn sâu vào bản thân ý thức.

Chúng tôi tiếp tục chỉ ra một số quá trình xuất hiện tính “phì đại” cùng song song tồn tại - trong các lĩnh vực như phê bình văn học, triết học, tư tưởng, lí thuyết và thực tiễn của cuộc cách mạnh xã hội và tính dục. Các lĩnh vực mang tính “phì đại hóa” này xa nhau tới mức không thể nắm bắt được mối liên hệ trực tiếp giữa chúng - đúng hơn, đó là ranh giới mới của nhận thức - tồn tại mà toàn thể loài người đồng loạt bước vào.

3. Phì đại văn bản

Bên cạnh những đối tượng vật lí phì đại, xuất hiện cái có thể gọi là phì đại văn bản: sự thay đổi mối quan hệ giữa phê bình và sáng tác văn học. Phê bình những năm 1920-1930, mà đại diện là những trường phái có ảnh hưởng, như trường phái hình thức Nga và “phê bình mới” Anh-Mỹ, có những thể nghiệm loại bỏ (hoặc cho vào ngoặc kép) tất cả những yếu tố lịch sử, xã hội, tiểu sử, tâm lí “xâm nhập” vào văn học, và lọc ra những yếu tố thuần văn chương, kiểu như các hạt cơ bản của “vật chất” văn học, những thuộc chất của “tính văn học” không thể phân chia hơn nữa. Phê bình làm công việc dọn sạch tất cả những vỉa tầng bao bọc văn học, đó là các trường phái khai sáng, lãng mạn, hiện thực, tượng trưng và các trường phái khác của phê bình văn học thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, tức là giải phóng văn học khỏi những nội dung ngoài văn chương và hướng tới hình thức thuần khiết, tới “thủ pháp tự thân”, tới văn bản như nó vốn có.

Tất cả những cái mà truyền thống coi là thiết yếu đối với văn học: hiện thực lịch sử được phản ánh trong nó, thế giới quan của tác giả được thể hiện trong nó, sự tác động của nó đối với những xu hướng tri thức của thời đại, thực tại cao cả được đoán định bởi những suy tưởng tượng trưng, - tất cả những cái đó đều bị coi là ấu trĩ và cũ mốt, “áp đặt” cho văn học. Tuy nhiên, theo mức độ văn học tách khỏi những thứ “phi văn học” và trở thành văn bản thuần túy, văn bản này hoàn toàn nằm trong quyền lực của nhà phê bình, chính xác hơn, được sinh ra bởi bản thân phê bình. Văn bản trở thành một thứ sản phẩm “tiệt trùng” được tạo ra trong các phòng thí nghiệm phê bình cùng với việc tháo rỡ văn học thành từng bộ phận và loại bỏ “tính lịch sử”, “tiểu sử”, “văn hóa”, “xúc cảm”, “triết lý” như những thứ kết hợp không hữu cơ, có hại cho văn bản.

Cũng như vậy, cơ học lượng tử phá vỡ khách thể vật lí, nguyên tử, thành những hạt cấu thành nhỏ hơn, làm cho sự tồn tại khách quan của chúng biến mất dần và bản thân chúng trở thành hình chiếu lí tưởng của các phương thức quan sát, các tính năng của các thiết bị vật lí. Chính vì những thành phần thuần túy văn bản, những kí hiệu, được tách khỏi văn học, rũ khỏi mọi ý nghĩa do chủ quan nhà văn đưa vào và dưới tác động của những điều kiện lịch sử bên ngoài, nên những kí hiệu đó được ấn định đúng như những kí hiệu, có nghĩa chúng mang một ý nghĩa nào đó (hoặc được gán khả năng có nghĩa) chính là do nhà phê bình. Chính là anh ta đã xác định ý nghĩa của các kí hiệu đó, những kí hiệu trước đó đã được tách ra khỏi mọi ý nghĩa. Kết quả đầy nghịch lí của sự “tẩy rửa” văn học đó chính là sự lệ thuộc lớn hơn của nó đối với bản thân phê bình và phương pháp lý giải.

Cả chủ nghĩa hình thức lẫn phê bình mới đã làm cho văn học chỉ có thể hiểu được đối với người đọc thông qua bản thân phê bình. Văn học hiện diện như một hệ thống các thủ pháp và kí hiệu thuần túy mà phê bình bổ sung vào nội dung theo những phương pháp phân tích khác nhau. Nói cách khác, phê bình đã đẩy văn học ra khỏi lĩnh vực vốn dĩ của nó, thay thế quyền lực của nhà văn bằng quyền lực của nhà phê bình đối với đầu óc người đọc. Nhà phê bình người Anh George Stein nhận xét: “Nếu xưa nay người ta coi nhà phê bình như nô bộc của nhà thơ, thì ngày nay hắn trở thành ông chủ của nhà thơ”(5). Theo ý kiến của nhà văn Saul Bellow, phê bình “gặp gỡ người đọc bằng bariere ngăn cách của sự lý giải. Còn công chúng thì ngoan ngoãn chịu sự hướng dẫn độc quyền của các chuyên gia - “những kẻ mà thiếu họ sẽ không hiểu nổi văn học”. Theo các nhà văn thì rốt cuộc các nhà phê bình đã thay thế họ”(6).

Hiển nhiên, tất cả những phản kháng chống lại sự thống trị của phê bình - kết quả thắng lợi của chủ nghĩa hiện đại trong lĩnh vực văn bản, thuộc về ý thức chống chủ nghĩa hiện đại, ý thức này đã chỉ ra được những cái ngưỡng của phong trào hiện đại chủ nghĩa, song chưa vượt qua được chúng. Chủ nghĩa hậu hiện đại - đó là ý thức về sự tất yếu của một tình huống, khi bản thân phê bình đẻ ra đối tượng của mình và thực tại văn bản hiện diện như ảo tưởng quyền năng kí hiệu học của nhà phê bình, hoặc, về nguyên tắc, của bất cứ độc giả nào, làm “tan biến” các ý nghĩa của văn bản. Cuộc cách mạng trong phê bình xảy ra vào những năm 1920, kết thúc bằng sự phản ứng “phản hiện đại” diễn ra mau chóng vào những năm 1960, khi trở thành thời thượng là những lời than vãn về sự chuyên chế của phê bình và về việc văn học lệ thuộc vào phê bình. Cùng với sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại, đã lùi vào quá khứ cả sự say mê của chủ nghĩa hiện đại về một thực tại Văn bản thuần khiết, lẫn nỗi tiếc thương phản hiện đại về một thực tại Văn học đã bị mất.

4. Phì đại hiện sinh

Thêm một “phì đại” nữa được phát hiện trong tư trào triết học phương Tây nổi trội vào những năm 1920-1950 - chủ nghĩa hiện sinh. Dường như chủ nghĩa hiện sinh đã giáng một đòn chí mạng vào ý thức “trừu tượng”, “duy lí” trong các hệ thống duy tâm từ Platon tới Descarte và Hegel, trong khi hướng tới một thực tại xác thực của tồn tại cá nhân, của “tồn tại tự thân”, bao giờ cũng có trước mọi bản chất chủng loại, mọi khái quát nhận thức. Song ngay cả khi đọc Dostoevski, Bút kí dưới hầm, chẳng hạn, có thể phát hiện ra tính chất phái sinh của hiện sinh, hay là của “tồn tại thuần khiết”, được sinh ra từ ý thức trừu tượng “phát triển thái quá” làm tha hóa tính cụ thể, tính xác định của tồn tại cũng như của sự cư trú hướng về “tồn tại như nó vốn có”, tới thời gian trống rỗng kéo dài.

Hiện sinh là sự trừu tượng thuần túy của tồn tại được tạo bởi ý thức, một tồn tại đánh mất mọi dấu hiệu vốn khiến nó trở thành tồn tại cụ thể. Trong tính cụ thể con người có thể là thế này hoặc thế khác, có thể lười biếng hay chăm chỉ, là viên chức hay nông dân v.v... Con người dưới hầm, con người hiện sinh không có khả năng thậm chí cả lười biếng, thậm chí là sâu bọ, chính là vì ý thức của hắn không có giới hạn, thậm chí “bệnh hoạn”, tàn phá tất cả những gì là cụ thể và xác định mà những con người, “các nhà hoạt động” “ngu đần”, “hạn chế” tự biến mình thành nô lệ, và hướng tới cái cơ sở cuối cùng, nơi con người chỉ là một thứ “có”, như hiện hữu, như tồn tại.

“Không chỉ độc ác, mà thậm chí tôi không thể là bất cứ cái gì: không ác, không hiền, không khốn nạn, không tử tế, không anh hùng, không sâu bọ... Người thông minh không thể trở thành một cái gì đó thật sự, điều mà chỉ bọn ngốc mới làm nổi (...)Tôi tập dượt tư duy của mình, và kết quả là trong đầu tôi bất kì nguyên nhân đầu tiên nào cũng lập tức kéo theo nó nguyên nhân tiếp theo, còn đầu tiên hơn, cứ thế, vô tận. Đó chính là bản chất của mọi ý thức và tư duy”(7).

Sự tìm kiếm một tồn tại tuyệt đối có trước tất cả các định nghĩa lí trí và những phân loại chung (những phẩm chất tâm lí, nghề nghiêp v.v...) không ít lí trí hơn bản thân những phân loại đó. Và mặc dù người dưới hầm luôn kiên trì “cuộc sống thực”, đối lập nó với “ý thức thái quá”, cuối cùng thì chúng ta cũng vẫn nhận thấy rằng cuộc sống thực như nhân vật hiểu, chính là ảo tưởng cuối cùng của ý thức lạc lối trong bản thân mình. “Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ nghĩ ra cách làm thế nào đó để được đẻ ra từ tư tưởng”(8).

Cái mà tìm kiếm hiện sinh đạt được chính là sự trừu tượng thái quá của tồn tại, trừu tượng hóa cái cá biệt - một thứ “phì đại cá biệt” không muốn, và không thể trở thành một cái gì đó điển hình, chỉ có thể là chính mình. Nhưng cái “chính mình” ấy lại là sự trừu tượng lớn nhất chỉ giữ được “trên đầu mút” của ý thức tự giác, hòa tan mọi xác định chất lượng. Hiện sinh - đó là triết học “lượng tử”, là hạt cơ bản của “vật chất”, sự tồn tại như nó vốn có chính vì nguyên nhân “hạt cơ bản”của mình, nên nó chỉ là một thứ trừu tượng hóa sự khách thể hóa chính mình phái sinh từ một “ý thức mạnh”. Cái tự định nghĩa hiện sinh “tôi tồn tại” trừu tượng hơn nhiều so với những loại định nghĩa kiểu “tôi là một sinh vật có trí tuệ”, “tôi - là một kẻ lười biếng”, “tôi - là thầy giáo dạy vật lí” v.v...

Ở Hegel, tư tưởng tuyệt đối phát triển theo con đường thể hiện bản thân vào tính cụ thể của tồn tại, trong khi đó, bắt đầu từ Kierkegaar, bản thân tồn tại lại mang tính trừu tượng lớn, thậm chí là trừu tượng “cá lẻ”, “của cái đó”, trừu tượng cùng một mức độ có thể áp dụng cho mọi loại tồn tại cụ thể, từ loài sâu bọ tới con người, từ nông dân tới nghệ sĩ, hoàn toàn trừu tượng hóa “tính điển hình” của chúng, điều mà ở Hegel đang còn mang trong nó sự thể hiện cụ thể của tư tưởng. Cho dù ý kiến chung như thế nào, ở mức độ nào đó Kierkegaar còn trừu tượng hơn cả Hegel. Ở Hegel tư tưởng trải qua quá trình cụ thể hóa thông qua tồn tại, còn ở các nhà hiện sinh bản thân tồn tại trải qua quá trình trừu tượng thông qua tư tưởng khái quát thái quá về “tồn tại” và trở thành “tồn tại thuần túy”, tức là gần như một sự trừu tượng trống rỗng, “tồn tại phì đại”, hình thức “không có gì” nơi Heidegger và Sartre.

Trong “Buồn nôn” Sartre đã chỉ ra ý thức “bất hạnh” của Roquantin, một ý thức trừu tượng thái quá, không gắn với bất cứ cái gì, bỗng nhiên va chạm - đúng hơn là tạo ra từ bản thân - với sự trừu tượng của tồn tại nhày nhụa, của đất, của rễ cây, gây buồn nôn ở khắp mọi nơi và bướng bỉnh trong sự vô nghĩa của mình. Sự phi lí đó mà ý thức hiện sinh nhận thấy ở khắp mọi nơi, giống như sự phát hiện ra một thực tại “xác thực”, không bị xuyên tạc, không bị khái quát hóa, tồn tại trước “mọi sự thấu hiểu”, trong bản chất mang tính “phì đại”, sản phẩm của khái quát lí trí làm nổi bật lên trong thế giới dấu hiệu bao trùm như tính “bên ngoài lí trí”.

Chủ nghĩa hiện sinh không phải là sự phủ nhận chủ nghĩa duy lí, mà là sự thể hiện chủ nghĩa duy lí một cách cực đoan, là phương thức sáng tạo của lí trí một thực tại mang tính khái quát quá mức - “ý chí” nơi Schopenhaure, “cuộc sống” nơi Nietzche, “tồn tại” và “cá lẻ” nơi Kierkegaar. Tính ngoài lí trí đó còn lí trí và trừu tượng hơn gấp nhiều lần so với những hình thức duy lí phân chia tồn tại thành những loại cụ thể, bản chất, quy luật và tư tưởng. Duy lí bao giờ cũng mang trong nó chí ít một chút tính cụ thể, thí dụ như “tính duy lí của một cái gì đó”, “ý nghĩa của một vật cụ thể nào đó” mà xét theo quan điểm duy lí luôn đòi hỏi phải có sự xác định và chính xác hóa. “Tính phi lí” không đòi hỏi bất cứ sự cụ thể nào, nó là “tính phi lí tự thân”, “sự vô lí của mọi thứ”, “sự vô lí chung”, cái mà chính bằng sự lãnh đạm phát buồn nôn của mình đối với những sự vật cụ thể đã làm lộ ra tính phổ quát thái quá.

Thế giới phi lí dường như không thích hợp với những xác định duy lí, chính lại là sản phẩm duy lí máy móc, xóa bỏ mọi sự xác định cụ thể của đồ vật và trở thành trừu tượng cực đoan của “tồn tại như nó vốn vậy”, của “tính đơn nhất như nó vốn có”(9). Trong tính chất trừu tượng cao như vậy, tồn tại chỉ là mặt đối lập của không tồn tại; Như Sartre trong cuốn Tồn tại và hư không đã đưa ra định đề, ở đó ý thức trong tính phổ quát của mình, tự do trước mọi quy định của tồn tại, chính là cái “hư không” xuất phát từ chính bản thân nó, tịnh vô thế giới vật chất xung quanh(10). Nhưng khi đó ngay cả bản thân tính vô lí của tồn tại, cái mà nó trở thành cho ý thức hư vô đó, có thể hiểu được như một thứ phái sinh từ cái hư vô, từ sự trừu tượng tước bỏ ý nghĩa của những sự vật cụ thể.

Dường như không có gì trừu tượng hơn cái hư không; nhưng tồn tại trong triết học hiện sinh còn trừu tượng hơn cả cái hư không ấy, bởi nó là một thứ hình chiếu thứ cấp của cái hư không. Đó thậm chí không phải là cái hư không vốn có cái thực tại tự thân Cho - mình, với tư cách là cái hư không tự biến mất của tự ý thức, mà là cái hư không đã đánh mất cả sự liên hệ thầm kín với chính mình, và biến thành sự phi lí của tồn tại xung quanh, thành sự trừu tượng thuần túy đánh mất thậm chí tính cụ thể của tự ý thức - đơn giản là cái không đáng kể, không là gì - không - để - cho ai. Đằng sau thực tại xác thực, hiển nhiên của “tồn tại như nó vốn có” mà chủ nghĩa hiện sinh đã định đề hóa, còn có cái thực tại phì đại của lí trí, khái niệm khái quát thái quá trừu tượng tới mức lãng quên cả tính lí trí của bản thân và khẳng định mình như tồn tại nói chung không chiếm lĩnh được, không cụ thể hóa và điển hình hóa được bằng lí trí(11). Có hai mức độ trừu tượng: trừu tượng trí tuệ nằm trong phạm vi của lí trí, và trừu tượng trí tuệ vượt ra khỏi bản thân lí trí; bản thân sự trừu tượng này đã tạo từ bản thân khái niệm phổ quát “tính phi lí” của tồn tại thuần túy được ấn định chống lại lí trí.

4. Phì đại xã hội

Trong xã hội Xô Viết những năm 1920-30 các quá trình “phì đại” diễn ra trong khắp các lĩnh vực đời sống xã hội. Ở đây ưu thắng thuộc về tư tưởng cộng đồng, tính xã hội hóa. Chủ nghĩa cá nhân bị kết án là một tội lỗi trầm trọng, là tàn dư của quá khứ. Chủ nghĩa tập thể được xem như nguyên tắc đạo đức cao nhất. Kinh tế được xây dựng trên cơ sở công hữu hóa sở hữu cá thể. Cái xã hội đứng cao hơn cái cá nhân. Tồn tại xã hội quy định ý thức. Trong nhà máy, công xưởng, nông trang và trong các khu chung cư thành phố diễn ra phong trào giáo dục con người mới, con người mới ấy cần phải trở thành một “đinh ốc” thừa hành, tự giác của bộ máy tập thể khổng lồ.

Nhưng tính xã hội kiểu mới, - mà các thời kì lịch sử trước đó không thể so sánh nổi về mức độ đoàn kết, nhất trí cao, - thực ra, chỉ là sự “phì đại” và ngụy tạo của tính cộng đồng. Trên thực tế, những mối quan hệ giữa người với người đã bị hủy hoại nhanh tới mức cho đến những năm 1930, thậm chí ngay cả những người ruột thịt gần gũi nhất, vợ và chồng, bố mẹ và con cái, trong nhiều việc đã không còn có thể tin nhau. Cuộc nội chiến và phong trào tập thể hóa đã làm lộ ra sự tàn phá các mối liên hệ bên trong dân tộc, bên trong mọi ngành nghề, bên trong các giai tầng. “Một xã hội đoàn kết nhất trên thế giới” đồng thời là một tập hợp những con người cô độc sợ hãi hay những nhóm gia đình, bạn bè, mà mỗi thành viên trong đó đều cố gắng sống và phản kháng sự đè nén của nhà nước. Và trên nền tảng của toàn bộ kim tự tháp nhà nước đó là ý chí của một con người duy nhất mà toàn bộ hoạt động của guồng máy xã hội lớn lao buộc phải thích ứng. Tệ sùng bái cá nhân phải chăng là biểu hiện bản chất phì đại của xã hội mới?

Tính xã hội “thuần khiết”, giống như tính văn bản thái quá của phê bình mới hay của tính dục trong khoa phân tích tâm lí, đó là tinh túy nổi trội quá mức của một xã hội cùng với tính chất trìu tượng thái quá của mình đã gạt bỏ và đè nén tất cả những gì là cá nhân và cụ thể. Thường thì tính xã hội chứa đựng sự đa dạng của những biểu hiện cá nhân và các hình thức sở hữu cá thể, cũng giống như tính dục bao hàm trong nó sự gần gũi tinh thần và tình cảm giữa những con người, tác phẩm nghệ thuật thể hiện quan điểm của tác giả và tinh thần thời đại, còn bản thể vật lí được xác lập từ nhiều thành phần kiến tạo phức tạp. Còn “hyper”, với bản chất lí trí - giả tạo của mình, là tinh túy của chỉ một phẩm chất trong sự loại trừ những phẩm chất còn lại. Tính phì đại văn bản loại trừ mọi “ảo tưởng nội dung”; phì đại cái tối thiểu (hyperelementaire) - loại trừ sự tưởng tượng về tính phức tạp; phì đại tính dục - loại trừ mọi “ảo tưởng tinh thần”, “quan hệ cá nhân”... Cũng như vậy, tính xã hội phì đại loại bỏ “ảo tưởng tự do, tự do cá nhân”. Loại bỏ chính vì nó là sự phát triển thái quá của một phẩm chất trừu tượng, chuyển lên mức độ tuyệt đối.

5. Phì đại vật chất

“Chủ nghĩa duy vật khoa học” chính là cái liên quan tới cơ sở của mọi cơ sở của thế giới quan Xô Viết - Theo quan niệm này vật chất mang tính thứ nhất, tinh thần - mang tính thứ hai. Thực tại hoàn toàn mang tính vật chất, thậm chí tinh thần cũng là một trong những hình dạng “vận động của vật chất”. Đó chính là cách thức điển hình đưa vật chất lên hạng “super”, đồng thời khám phá trong nó bản chất ngụy tạo: “Vật chất - đó là vô vàn bất tận những khách thể và hệ thống tồn tại trong thế giới, cái thực thể bao trùm, bản thể của bất kì thuộc tính nào, các mối quan hệ, liên hệ, và những hình thức vận động. Vật chất không chỉ là tất cả những đối tượng và vật thể có thể nhìn thấy trực tiếp trong tự nhiên, mà còn là tất cả những gì về nguyên tắc sẽ nhận thức được trong tương lai... Thế giới quanh chúng ta là vật chất vận động trong các hình thức thể hiện đa dạng bất tận...( 12) Vật chất là thực tại cuối cùng, là cơ sở của mọi thứ.

Định đề mang tính hiện đại chủ nghĩa của nền triết học chiến đấu cho sự tiếp cận thực tại một cách khoa học, sáng suốt tuyệt đối, đã được kiểm tra bằng kinh nghiệm thực tế. Song, như đã rõ, chủ nghĩa duy vật Xô Viết trên thực tế không tính đến những quy luật của thực tại vật chất, đúng hơn, đã cố gắng tạo ra nó. Vật chất của tự nhiên bị sửa đổi theo ý muốn của con người, trong khi đó cuộc sống vật chất của bản thân con người lại bị rơi vào ngõ cụt, nền kinh tế không tuân theo các quy luật của sản xuất vật chất, mà tuân theo những kế hoạch năm năm đầy duy tâm và ảo tưởng.

Thực chất vấn đề là ở chỗ chủ nghĩa duy vật Xô Viết ngay từ đầu đã được thể hiện như sự tuyệt đối hóa khái niệm vật chất, hoàn toàn coi thường các dữ kiện của kinh nghiệm, không tính tới vật chất trong những thể hiện cụ thể, rõ ràng của nó. Trong cuốn Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908) của Lênin, một cuốn sách đặt cơ sở cho chủ nghĩa duy vật Xô Viết, triết học kinh nghiệm, “chủ nghĩa kinh nghiệm” hoàn toàn bị bác bỏ khi đặt các yếu tố của thế giới vật chất trong mối liên hệ chặt chẽ với những yếu tố tâm lí trong quá trình tiếp nhận nó. Thay cho điều đó, một khái niệm vật chất hết sức tổng quát, trừu tượng hóa khỏi mọi kinh nghiệm cụ thể được đưa ra. Khái niệm vật chất này khẳng định sự tồn tại độc lập khách quan của vật chất bên ngoài mọi kinh nghiệm, như thực tại đầu tiên có trước mọi kinh nghiệm.

Trong thế giới thực tại chúng ta có được kinh nghiệm tiếp nhận ánh sáng, tiếng động, trọng lượng, vật thể v.v...; sự trừu tượng trí óc cho phép tổng quát tất cả những dấu hiệu đó vào khái niệm vật chất và coi nó như một nhà thiết kế lí tưởng (“chủ nghĩa duy tâm chủ quan”), hoặc như cuộc diễu hành các tư tưởng tồn tại khách quan (“chủ nghĩa duy tâm khách quan”)... Chủ nghĩa duy tâm là triết học truyền thống, thừa nhận ngay từ đầu tính tư tưởng và lí tưởng của bản thân những kết cấu triết học.

Nhưng còn một khả năng “phì đại” mà lần đầu tiên Lênin đã đưa ra một cách chính xác: đối lập “vật chất” được rút ra từ tư tưởng trừu tượng, với bản thân tinh thần, tuyên bố vật chất nằm ngoài tinh thần và có trước tinh thần, là cơ sở có thật nhất của tồn tại sinh ra và quyết định cuộc sống tinh thần. Cái thứ hai bị lật ngược, trở thành cái thứ nhất. “Vật chất” trong ý nghĩa này của chủ nghĩa duy vật chính là vật chất phì đại - được trừu tượng hóa từ tinh thần được khẳng định như vị ngữ của sự tồn tại độc lập, đầu tiên. Hơn nữa nó còn được gán cho những phẩm chất tự vận động, tự nhận thức, những luận thuyết biện chứng, các cuộc tranh luận và đồng tình, tức là tất cả các dấu hiệu của vật thể tinh thần tích cực, đồng thời nó lại được khẳng định trong sự đối lập với tinh thần với tư cách vật chất “thuần khiết”.

Chủ nghĩa duy vật của Lenin - đó là sự nhấn mạnh quá mức chủ nghĩa duy tâm, hòa trộn nó vào lĩnh vực “phì đại”, khi đó nó tự cho cái sản phẩm cực kì trừu tượng của mình là cái xác thực, khởi nguyên, thực tiễn khách quan. Vật chất với tư cách là “bản thể của mọi thuộc tính” - đó không chỉ là tư tưởng trừu tượng về vật chất, mà còn là ngụy tạo vật chất như nó vốn có, đó là hình ảnh của vật chất không có nguyên mẫu và tự nó thay thế nguyên mẫu đó.

Điều này được thể hiện trong thực tiễn xây dựng xã hội Xô Viết - một xã hội xã hội chủ nghĩa được ca ngợi là ưu việt, lí tưởng nhất được xây dựng trên những tiền đề của chủ nghĩa duy vật, song chính vì vậy lại mù quáng, tàn nhẫn trong thái độ đối với những thiết yếu vật chất hàng đầu của cuộc sống: thực phẩm, nhà ở, sản xuất, phân phối, tiêu thụ, kinh doanh, phúc lợi vật chất và an toàn nhân mạng của cá nhân con người. Ngay từ đầu chủ nghĩa duy vật Xô Viết đã là kiến trúc của hệ tư tưởng thuần túy, về lí thuyết tuyệt đối hóa tính thứ nhất của vật chất, nhưng trên thực tế lại hủy diệt nó. Vật chất được định đề hóa như thực tại nguyên khởi trong phẩm chất trừu tượng- phổ quát của mình, đã bị trừu xuất khỏi “kinh nghiệm”, chính là sự ngụy tạo vật chất mang tính hệ tư tưởng, là sự phá hoại đối với vật chất như nó vốn có, tức là đối với tất cả những cái được tạo thành từ màu sắc, âm thanh, mùi vị của tồn tại. Ngay từ những năm 1930 Andrei Belyi đã nhận xét rằng sự thống trị của chủ nghĩa duy vật ở Liên Xô dẫn đến sự tiêu diệt bản thân vật chất.

Cũng như tính xã hội phì đại dẫn tới sự đề cao và “sùng bái” cá nhân, sự phì đại vật chất là phương tiện khẳng định những tư tưởng trừu tượng đóng kín trong bản thân một cách kinh viện, giáo điều. “Tính vật chất” như nó được thể hiện trong chủ nghĩa duy vật, - cũng là một hiện tượng “phì đại” như “chủ nghĩa tập thể”, “văn bản thuần túy”, “hạt cơ bản”... đã nêu phía trên.

6. Từ “Super” (siêu) tới “pseudo” (giả)

Chúng ta quay trở lại ý nghĩa khởi đầu của tiếp đầu ngữ “hyper”. Khác với các tiếp đầu ngữ “siêu hạng”, “siêu đẳng”, “hyper” không những chỉ mức độ cao, mà còn mức độ thái quá của một hoặc một vài phẩm chất nào đó. Tính thái quá - đó là sự ứ thừa chất lượng, và tới khi vượt quá độ của mình nó chuyển sang cực đối lập của chính bản thân. Chính bởi vậy “hyper” - chỉ nghĩa thích hợp cho các hiện tượng chứa đựng phẩm chất cực đoan thái quá, nhưng cùng lúc cả tính giả tạo của phẩm chất đó.

“Hyper” chứa đựng ý nghĩa của hai tiếp đầu ngữ “super” và “pseudo”. Thí dụ, tính xã hội phì đại (hyper) - đó là tính xã hội đã biến thành mệnh lệnh chính trị và đạo đức, phát triển tới mức tuyệt đối bắt buộc, chính vì vậy đã dẫn tới sự phá hoại các mối liên hệ xã hội, dẫn tới sự phân cách giữa những con người và dẫn tới “sự sùng bái cá nhân”. Phì đại xã hội cùng lúc vừa là tính xã hội “siêu hạng”, vừa là tính xã hội ngụy tạo, có nghĩa, sự tăng cường yếu tố xã hội tới độ phá vỡ giới hạn của nó, đè nén sự phát triển cá nhân, tư hữu, chính vì vậy bộc lộ rõ tính hư ngụy của bản thân yếu tố xã hội, trong sự bành trướng của mình yếu tố xã hội này lại mang một ý nghĩa khác.

“Hyper” - đó là “super” ở vào mức độ mà do sự ứ thừa quá đáng một phẩm chất nào đó đã vượt khỏi giới hạn của thực tại sa vào khu vực “giả tạo”. Biện chứng “super” và “pseudo” diễn tiến bên trong “hyper” khác biệt một cách cơ bản so với biện chứng cổ điển của Hegel: luận đề và phản đề với sự dung hòa và kết hợp trong thể tổng hợp. Nó đồng thời cũng khác với biện chứng phủ định do trường phái xã hội học Frankfurt (Teodor Adorno, Herbert Marcuse) đưa ra với mâu thuẫn không giải quyết được của nó giữa phản đề cách mạng và luận đề bảo thủ. Biện chứng hậu hiện đại (nếu như cụm từ này có thể sử dụng được) giả định sự xâm nhập lẫn nhau của luận đề và phản luận đề, là sự trớ trêu quá đáng khi cái nọ nằm trong cái kia. Phản đề cách mạng dẫn tới cực đoan bất ngờ tìm thấy luận đề trong bản thân mình, hơn thế, còn là sự tiếp tục và gia tăng của nó. Phủ định cách mạng là sự phóng đại, phát tán, khuếch đại cái bị phủ định. Chủ nghĩa duy vật không chỉ là sự phủ định của chủ nghĩa duy tâm, mà còn có thể trở thành cực đoan hiếu chiến của nó, một thứ cực đoan không thương xót đối với tính vật chất như nó vốn có. Sự dư thừa phẩm chất dẫn tới tính vượt trội, “siêu đẳng”, trở thành sự hư ảo của nó, thành ngụy tạo, trong khi đó mặt đối lập của nó mà ngay từ đầu đã bị phủ định “một cách cố ý”, cuối cùng lại chiếm vị trí chủ đạo. Sự trớ trêu này bộc lộ đầy đủ cả trong chủ nghĩa hậu hiện đại, lẫn trong sự tự ý thức của văn hóa thế kỉ XX, tạo nên biện chứng “hyper”.

Hai thuộc tính đó - khuyếch đại và hư ngụy “super” và “pseudo” chỉ phát lộ dần dần mới trong tiến triển lịch sử của cái “hyper”. Giai đoạn đầu, giai đoạn “cách mạng”, - đó là “super”: là cảm hứng mãnh liệt khám phá ra một thực tại mới lạ - “một quốc gia siêu cường” xã hội chủ nghĩa, sự bành trướng của “siêu tình dục”, “siêu văn bản độc lập”, “siêu vật chất” tự vận động. Nửa đầu thế kỉ XX về cơ bản thuộc về những “siêu” đó, từ 1900-1910 chúng trở thành nền tảng của chủ nghĩa Marxizm, học thuyết Freud, học thuyết Nietzche, đến những năm 1920-1930 chúng tìm được dạng thức những cuộc cách mạng thực thụ: cách mạng xã hội, cách mạng tính dục, cách mạng khoa học, cách mạng triết học, cách mạng phê bình. Lí thuyết đã biến thành thực tiễn.

Nửa sau thế kỉ XX - ở khắp mọi nơi hình thành dần dần một phương diện khác của những khuếch đại đó: tính hư ngụy của chúng. “Hyper” chuyển sang đối cực với chính bản thân - tính hư ngụy, ngụy tạo - pseudo. Từ super tới pseudo - có thể xác định như một tuyến cơ bản nhất của sự phát triển văn hóa châu Âu và Nga ở thế kỉ XX.

Trong một hệ thuật ngữ khác, sự khác biệt đó có thể nhận thấy ở sự vận động từ chủ nghĩa hiện đại tới chủ nghĩa hậu hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại - đó là “super”, là sự tìm kiếm một thực tại thuần khiết, tuyệt đối. Chủ nghĩa hậu hiện đại - đó là “pseudo”, là ý thức được tính ước lệ, kí hiệu, ngụy tạo của thực tiễn đó(13). Bước chuyển tiếp từ “super” sang “pseudo”, từ ảo tưởng đầy phấn hứng về một thực tại thuần khiết, cao đẹp tới ý thức mỉa mai về thực tại đó chỉ là ảo tưởng thuần túy, - đó chính là sự vận động lịch sử của văn hóa phương Tây và văn hóa Nga thế kỉ XX.

Đứng trên quan điểm này thì “perestroika” của Gorbachev và “giải cấu trúc” của Derrida là những thời điểm giống nhau về mặt loại hình trong sự phát triển của tính xã hội Xô Viết phì đại và tính văn bản phương Tây phì đại: bước chuyển tiếp từ giai đoạn “super” tôn vinh cao trào xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa hình thức-cấu trúc luận vào những năm 1920-1930 và sau đó vào những năm 1950-1960, tới giai đoạn “pseudo” vào những năm 1970-1980. Trong cả hai trường hợp cấu trúc được xem, hoặc như một xã hội được thiết kết đến mức lí tưởng, hoặc như quan niệm cấu trúc của tính văn bản, chỉ có thể bộc lộ ảo tưởng về tính chỉnh thể xã hội hoặc tính nhất quán logic. Giống như Gorbachev nhận ra được tính ngụy tạo của xã hội Xô Viết dựa trên tính cộng đồng “không tưởng” giữa những cá nhân xa lạ với nhau, Derrida nhận ra tính ảo tưởng ở cơ sở tính duy lí của cấu trúc luận, ở bản thân khái niệm cấu trúc - hóa ra vốn chỉ là sân chơi của những ký hiệu ly tâm và vô vàn những ý nghĩa tản mác, không thể hợp nhất cùng nhau.

“Pseudo” - mẫu số chung của mọi khủng hoảng cuối thế kỉ XX - đã triển khai tại chỗ của những cách mạng xã hội, khoa học, triết học và các cuộc cách mạng khác vào đầu những năm 1920. Dưới dấu hiệu “pseudoõdiễn ra cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cấu trúc trong các khoa học nhân văn, khủng hoảng quan niệm “hạt cơ bản” trong vật lí học, khủng hoảng tư tưởng “tả khuynh” và chủ nghĩa marxism-freudism, khủng hoảng của chủ nghĩa duy vật và thực chứng luận trong triết học, khủng hoảng của hệ tư tưởng Xô Viết và sự sụp đổ của xã hội xã hội chủ nghĩa, khủng hoảng của ý thức không tưởng (utopie) nói chung. Chỉ giờ đây “hyper” mới thể hiện mình ở hồi kết thúc của cao trào lịch sử: như bước chuyển tiếp từ thời hiện đại sang thời hậu hiện đại. Theo quan điểm hậu hiện đại, cách mạng xã hội, cách mạng tính dục, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa duy vật... - nhìn chung không phải là những đột phá giải phóng cho thực tại tiếp theo, mà, đúng hơn, là những cỗ máy trí tuệ sản xuất ra những ngụy tạo xã hội, ngụy tạo tính dục, ngụy tạo vật chất.

Bên cạnh đó, đối với chủ nghĩa hậu hiện đại chín muồi, chủ nghĩa hiện đại không chỉ là đối tượng phê phán, mà còn là sân chơi, trên đó diễn ra trò chơi hậu hiện đại với các hiện tượng mang tính phì đại. Các hiện tượng này hình thành chính là trên cơ sở của chủ nghĩa hiện đại, như hệ quả của chiến thắng cách mạng “super” bằng một thực tại sinh ra những trống rỗng và những ngụy tạo bóng bẩy của thực tại sau cách mạng, bao gồm cả hệ tư tưởng độc tôn mà hệ ngữ nghĩa trống rỗng của nó đã làm nảy sinh chủ nghĩa hậu hiện đại Nga.

Xét cho cùng, mọi loại “super” sớm hay muộn đều để lộ rõ mặt trái của mình, tính “pseudo” của mình. Trong thời hậu hiện đại điều này xảy ra với mọi lí thuyết, mọi sùng bái, mọi phong trào của chủ nghĩa hiện đại. Mỗi một “super” vật chất hay “super” tinh thần đều là đồ giả của cái mà nó mong muốn trở thành. Đó chính là biện chứng đặc biệt của “hyper”, khác với biện chứng của Hegel về sự tổng hợp phổ quát. Cũng khác với biện chứng phủ định của Adorno, đó là biện chứng mỉa mai của quá trình từ sự khuếch đại tới giả tạo, từ sự phì đại thái quá sang bắt chước, “super” chuyển thành “pseudo”.

Mọi cuộc cách mạng đều tự tăng lên gấp bội và chuyển sang cái đuôi “hậu” (post) của mình. Xã hội hiện đại - xã hội hậu công nghiệp, hậu xã hội chủ nghĩa, hậu không tưởng, hậu hiện đại và xã hội hậu tính dục cùng với sự diễu hành rầm rộ của AIDS. ở đây bản thân hiện tượng “phì đại (hyper) đã đi tới chỗ tự nhận thức và trở nên cạn kiệt hiện đang xác định tính mâu thuẫn và chỉnh thể trớ trêu của văn hóa thế kỉ XX.

II. Bùng nổ thông tin và chấn thương hậu hiện đại

Tặng Thomas Malthus (*)

Đúng 200 năm trước đây, vào năm 1798, Thomas R. Malthus đã cho ra đời cuốn sách nổi tiếng của ông: Kinh nghiệm rút ra từ quy luật về sự tăng trưởng dân số và tác động của nó đối với việc hoàn thiện xã hội trong tương lai, trong đó ông đã đưa ra quy luật về sự mất cân đối giữa sự gia tăng dân số và lượng tài nguyên thiên nhiên dùng cho việc sản xuất lương thực, thực phẩm. Dân số tăng theo cấp số nhân (2,4,8,16,32...), trong khi đó sản xuất lương thực chỉ tăng theo cấp số cộng (1,2,3,4,5...). Malthus cảnh báo về nạn nhân mãn, và hậu quả của nó loài người sẽ phải hứng chịu căng thẳng vào thế kỉ 19 và 20, đặc biệt là các nước thuộc “thế giới thứ ba”.

Như chúng ta đã biết, tính chất ác liệt của cuộc khủng hoảng đó cho tới cuối thế kỉ XX đã tạm lắng xuống nhờ thành tựu công nghệ tiên tiến đã nâng cao đáng kể mức độ gia tăng phúc lợi vật chất, nhờ các thành tích khai sáng ngăn chặn đáng kể độ gia tăng dân số ở các nước văn minh. Tuy nhiên, 200 năm sau Malthus lại xuất hiện sự mất cân đối khác, lần này là mất cân đối trong sự phát triển của nhân loại - không còn lo về nạn nhân mãn, mà bị đe doạ bởi nạn bùng nổ thông tin. Sự mất cân đối giữa nhân loại với tư cách là người sản xuất tổng hợp thông tin - và cá nhân con người với tư cách là người tiêu thụ và sử dụng thông tin đó.

1. Sự lạc hậu của con người so với nhân loại

Quy luật cơ bản của lịch sử được Vico và Malthus, Hegel và Marx, Spengler và Pitirim Sorokin trình bày khác nhau: sự gia tăng dân số hay sự tự ý thức của lí trí tuyệt đối, sự tăng cường đấu tranh giai cấp hay là sự nở rộ và sự tàn lụi của các nền văn minh...

Tôi muốn đưa ra một định thức, tuy không có tham vọng nâng thành tổng quan, song có tham vọng lí giải một số đặc điểm của khoảnh khắc hiên tại.

Quy luật cơ bản của lịch sử - đó là sự lạc hậu của con người so với nhân loại. Sự mất cân đối ngày càng gia tăng giữa sự phát triển cá nhân con người bị hạn chế bởi quy định về giới hạn sinh học, và sự phát triển phi giới hạn của nhân loại. Sự tăng trưởng tuổi tác của nhân loại không kèm theo sự tăng trưởng tương tự tuổi thọ cá nhân con người. Qua từng thế hệ con người bị dồn lên vai cái ách nặng nề của tri thức và những ấn tượng được tích lũy từ những thế kỉ trước đó mà nó không đủ khả năng tiếp nhận.

Từ đó - vấn đề tha hóa được đặt ra ở thế kỉ XIX, vấn đề biến mất của thực tại đặt ra ở thế kỉ XX. Chủ nghĩa Marxism, chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa hậu hiện đại, về thực chất, giải quyết một vấn đề: sự mất cân đối tăng mạnh giữa nhân loại và con người, giữa loài và cá thể. Sự mất cân đối này được kiến giải hoặc như sự “tha hóa” hay sự “nguyền rủa sở hữu cá thể”, hoặc như tính “phi giao tiếp” và “vương quốc phi lí”, hoặc như “cái chết của hiện thực” và “vương quốc của những ngụy tạo”. Thế kỉ XIX vẫn đang còn giữ được hệ hình “hiện thực nguyên bản”, tức hệ hình tích lũy lao động của nhân loại mà, mặc dù mang hình thức sở hữu cá nhân, bằng con đường cách mạng vẫn có thể bị đập vỡ và trả lại cho con người. Ở chủ nghĩa hiện sinh, bắt đầu vào giữa thế kỉ XX, sự chia cắt giữa con người và nhân loại mang những nét thuộc đạo đức - tâm lí, như sự cô độc không tránh khỏi của cá thể, sự bất lực về giao tiếp, sự vô nghĩa của tồn tại, sự khủng hoảng cơ sở “bản thể và giống nòi” của cá nhân con người. Cuối cùng, thời hậu hiện đại cuối thế kỉ XX đã tháo gỡ vấn đề tha hóa bằng cách tháo gỡ luôn hiện thực. Hiện thực không chỉ đơn thuần bị tha hóa, đồ vật hóa và vô nghĩa hóa, - nó biến mất, và cùng với nó biến mất luôn cả nền tảng chung của kinh nghiệm nhân loại, và bị thay thế bằng vô số số những bức tranh tương đối với cách ký mã hiệu tùy tiện về thế giới. Từng chủng tộc, văn hóa, giới tính, lứa tuổi, địa phương, cá nhân dựng cho mình một “hiện thực” - trong phạm vi các khoa học nhân văn từ này được sử dụng thường đặt trong ngoặc kép.

Song giam giữ hiện thực trong ngoặc kép - chỉ là sự trả thù bất lực của con người đối với cái thực tại diễn ra ngày càng không cần tới con người. Và việc thực tại xa lạ con người, tiếp đó chính thực tại biến mất - là những giai đoạn của một quá trình tiếp nối, cái quá trình trong đó toàn bộ lượng thông tin mà nhân loại sản xuất ra trở nên ngày càng khó với tới đối với từng cá nhân con người. Quá trình này diễn ra không phải theo cấp số cộng, mà theo cấp số nhân; sự phát triển của nhân loại trong các lĩnh vực: thông tin, công nghệ tăng tốc theo phép lũy thừa. Tổng các tri thức và số lượng “những tin tức mới” tích lũy trong cả thế kỉ XVI hay XVII, bây giờ chỉ đủ cung cấp cho một tháng, có nghĩa nhịp độ sản xuất thông tin tăng lên gấp hàng trăm lần - thêm vào đó lượng thông tin được tích lũy trong tất cả các thời đại trước đó được không ngừng tổng hợp lại, đổi mới, là bộ phận cấu thành trữ lượng thông tin mới. Kết quả là con người ở giao thời hai thế kỉ XX-XXI trong cả cuộc đời mình tiếp nhận nhiều hơn hàng chục nghìn lần lượng thông tin mà tổ tiên anh ta nhận được 300-400 năm trước.

Xin dẫn ra đây một vài dữ kiện thống kê về bùng nổ thông tin, mà nạn nhân chủ yếu của nó là vài ba thế hệ cuối cùng của thế kỉ XX.

Ở những thư viện lớn của thế giới cứ sau 14 năm lượng sách mới lại tăng lên gấp đôi, có nghĩa, cứ sau 100 năm, số lượng sách tăng 140 lần. Vào đầu thế kỉ XIII thư viện Sorbonne ở Paris được coi là thư viện lớn nhất châu Âu, có 1338 cuốn sách.

Mỗi ngày (trừ Chủ Nhật) thời báo New York Time chứa đựng một lượng thông tin bằng một người Anh bình thường thế kỉ XVII có được trong suốt cuộc đời.

Ba thập niên cuối vừa qua đã cho ra một lượng thông tin mới lớn lớn hơn cả năm nghìn năm trước đó(14).

Theo thống kê mới nhất do cuốn bách khoa toàn thư Anh đưa ra(15) thì số lượng sách in ở châu Âu vào thế kỉ XVI, cứ sau 7 năm lại tăng gấp đôi. Giả sử, nếu vào năm 1500 xuất bản vỏn vẹn được 3 cuốn sách, năm 1507 - 6 cuốn, năm 1514 -12 cuốn, thì vào năm 1598 đã có tới 49,152 cuốn. Đó chính là sự gia tăng theo cấp số nhân. Trên thực tế, cho tới năm 1500, mặc dù máy in chỉ vừa mới hoạt động được nửa thế kỉ, số sách đã xuất bản không phải là 3 cuốn, mà là 9 triệu cuốn (theo bài Ngành xuất bản sách trong cuốn từ điển bách khoa trên(<http://search.eb.com/bol/topic?eu=117358&sctn=3). Thật thú vị, nếu như chỉ cần với tốc độ như vậy - tăng gấp đôi sau mỗi 7 năm - thì khối lượng khổng lồ sách khoa học kĩ thuật thế kỉ XX sẽ không thể tính được. Theo những con số thống kê khác lấy từ cuốn Peter Larg, khối lượng tri thức được trình bày trong hình thức sách in tăng gấp đôi sau mỗi 8 năm(16). Vậy mà tuổi thọ trung bình sau hai nghìn năm chỉ tăng gấp 3-4 lần, không phải theo cấp số nhân, mà theo cấp số cộng(17).

Điều đó có nghĩa cá nhân con người ngày càng cảm thấy mình là người tàn phế, không có khả năng xâm nhập được vào môi trường thông tin xung quanh. Đó là một loại tàn phế đặc biệt khi con người đánh mất không phải các cơ quan bên ngoài như chân tay, mà là những cơ quan bên trong: thị giác và thính giác phải tiếp nhận một tải trọng khủng khiếp mà trái tim và trí óc không thể chịu đựng nổi.

2. Chấn thương hậu hiện đại

Chấn thương gây nên bởi sự mất cân đối giữa con người mà khả năng sinh học có giới hạn và nhân loại không hạn chế trong sự bành trướng về kĩ thuật - thông tin, đã dẫn tới “cảm quan” hậu hiện đại - dường như thể hiện sự không tham dự vào những tất cả những gì diễn ra xung quanh. Mọi thứ đều mở ra trước cá nhân hậu hiện đại, song bản thân nó lại tiếp nhận chúng chỉ ở những kí hiệu bên ngoài, không cố gắng xâm nhập vào chiều sâu bên trong sự vật, vào ý nghĩa của những kí hiệu. Chủ nghĩa hậu hiện đại - nền văn hóa của các mối xúc tiếp nhanh nhẹ, khác với chủ nghĩa hiện đại, nơi hoạt động những nhân vật bão táp, xâm nhập vào chiều sâu bên trong, làm nổ tung bề mặt bên ngoài. Chính vì vậy phạm trù thực tại, giống như mọi chiều kích bề sâu, đã bị loại bỏ, bởi nó đòi hỏi phải phân biệt sự khác nhau giữa thực tại với hình tượng, với hệ thống kí hiệu. Văn hóa hậu hiện đại bằng lòng với thế giới của những ngụy tạo, những vết tích, những cái biểu đạt, và tiếp nhận như chúng vốn vậy, không có ý định xâm nhập sâu vào cái được biểu đạt. Tất cả được tiếp nhận chỉ như nhưng trích dẫn, sự ước lệ, mà đằng sau đó không thể tìm được nguồn gốc, khởi đầu và xuất xứ.

Song đằng sau sự tiếp nhận hời hợt đó, thực chất, chính là kinh nghiệm về sự chấn thương mà kết quả là sự giảm thiểu xúc cảm mang ý nghĩa. Lí thuyết về chấn thương - đó là một trong những bộ phận năng động nhất của tâm lí học, và nói chung, của các khoa học nhân văn trong những thập niên cuối cùng của thế kỉ XX. Chấn thương, xét theo ý nghĩa tâm lí, có hai đặc điểm khác biệt. Thứ nhất, chấn thương - đó là một loại kinh nghiệm quá nhạy cảm và nan giải, nên khó nắm bắt, khó tiếp nhận và trải nghiệm, vì nó ẩn sâu trong vô thức. Phản ứng với kinh nghiệm chấn thương chậm hơn so với thời điểm tác động, thường là sau nhiều năm. Thứ hai, chấn thương chấm dứt nhờ những tác động hoặc trạng thái nào đó mà theo ý nghĩa và vấn đề thì không trực tiếp liên quan đến văn cảnh lịch sử hay đời thường, nơi nó diễn ra. Sự phản xạ đối với kinh nghiệm chấn thương đã bị quên lãng là không thích hợp và thường là đơn điệu, vô nghĩa. Theo lời của Michel Herr: “...Cần có chiến tranh để hiểu được rằng: chúng ta có trách nhiệm không chỉ trước những điều chúng ta đang làm, mà còn trước tất cả những gì chúng ta đang nhìn thấy. Cái khó là ở chỗ không phải bao giờ chúng ta cũng hiểu điều chúng ta nhìn thấy, hoặc là không hiểu ngay, mà phải sau này mới hiểu, có khi phải tới vài năm. Nhưng dù sao thì phần lớn điều chúng ta nhìn thấy là không nhận thức được, đơn giản là chúng đang còn đọng trong mắt”(18).

Trong ý nghĩa này chủ nghĩa ý niệm (conseptualism) Xô Viết có thể được xem như một sự kiện chấn thương. Hệ tư tưởng Xô Viết đã bỏ bom xuống ý thức bằng hàng trăm khuôn mẫu (stereotypes) gây tác động mạnh và lặp đi lặp lại không ngừng nghỉ, những khuôn mẫu này đã gây chấn thương cho vài thế hệ và ảnh hưởng rất mạnh tới văn học nghệ thuật, một nền văn học nghệ thuật né tránh, phi cảm xúc, máy móc. Những người ý niệm chủ nghĩa trong các văn bản của Prigov và Rubinstein được mô tả như là những cư dân “Moskva”, những “cảnh sát” và những “Griboedov” - những hình tượng nhân vật mang ý thức bị tổn thương, cái ý thức bị biến thành trò chơi, làm cho họ trở nên trống rỗng, không mang lại gì cho họ, giống như võng mạc mắt hay màng nhĩ tai mà thôi. Các hình tượng nhân vật này không với tới được trái tim và trí tuệ, và cũng không cần với tới, vả lại bản thân “trái tim và trí tuệ” trong khuôn khổ của chủ nghĩa ý niệm hoàn toàn là những kí hiệu ước lệ, những trò chơi ý thức hệ (ideologame).

Đáng chú ý là chủ nghĩa ý niệm xuất hiện không phải vào những thập niên khi hệ tư tưởng đang tấn công ồ ạt, mà muộn hơn, khi hệ tư tưởng không còn được tiếp nhận đúng từng từ, - kiểu như sự phản ứng muộn của các hình ảnh và âm thanh tích lũy bằng mắt và tai, nhưng bị ý thức đẩy ra không tiếp nhận. Trong khi ta tiếp nhận hệ tư tưởng như một bằng chứng trừu tượng về thực tại, hòa tan nó trong ý thức mình, thì nó giấu chúng ta cái thực tại mang bản chất kí hiệu của mình, cái thực tại làm cho ta choáng váng và gây chấn thương, một khi ta không còn tin và hiểu, song vẫn tiếp tục tiếp nhận nó. Đó là sự tiếp nhận loại trừ hiểu biết (cả tin tưởng nữa) đã tạo nên sự phân liệt giữa các giác quan vẫn tiếp tục bị tràn ngập những hình ảnh, kí hiệu mà trí não không tiếp nhận và xử lí chúng.

Quá trình chấn thương cũng diễn ra đúng như vậy trong văn hóa phương Tây dưới tác động của các phương tiện thông tin đại chúng mà áp lực gia tăng của chúng đã làm tê liệt sự tiếp nhận có tới hai thế hệ. Chỉ riêng truyền hình với hàng trăm kênh và hàng nghìn chương trình đã khiến người xem thành kẻ bại liệt về tinh thần. Sự đa dạng thái quá cũng có thể gây chấn thương giống như sự đơn điệu, nhắc đi nhắc lại. Dòng thông tin bất tận của phương Tây xét về tác động gây chấn thương cũng rất tương đắc với cái kiên trì và đơn điệu đến quái đản của hệ tư tưởng Xô Viết. Kết quả của cả hai trường hợp là sự chấn thương ý thức ở vào ranh giới những năm 1960-1970 đã trở thành cú huých cho sự phát triển của chủ nghĩa hậu hiện đại với trạng thái tinh thần giống như trong giấc mơ: tất cả những gì nhìn thấy và nghe thấy được tiếp nhận như một thực tại duy nhất, cuối cùng và chân xác. Những văn bản, đồ họa, màn hình, máy tính - đằng sau chúng không có gì, và chúng cũng chẳng được gửi tới đâu.

Các hình tượng hậu hiện đại “đọng” trong con mắt và lỗ tai, như những vết tích do áp lực ý thức hệ hoặc lượng thông tin quá tải lên các giác quan. Chúng ta lưu giữ những ấn tượng đó và chất chúng vào các cơ quan tiếp nhận, song lại không có khả năng xử lí và vận dụng chúng một cách có mục đích. Do đây mà có chiết trung của nghệ thuật hậu hiện đại, một thứ nghệ thuật đánh mất cả tính khuynh hướng biện hộ lẫn khuynh hướng phê phán, chỉ đơn giản vãi đều những ý nghĩa trên cánh đồng văn bản. Thậm chí những khái niệm lí luận của chủ nghĩa hậu hiện đại, thí dụ như khái niệm “dấu vết” (trace) mà J. Derrida đưa ra, cũng mang dấu ấn của chấn thương thông tin. “Dấu vết” khác với kí hiệu ở chỗ nó đánh mất liên hệ với cái được biểu đạt, cái bao giờ cũng bị hoãn lại, để lại “sau này” và không bao giờ thể hiện bản thân ở bất cứ đâu. Đó là đặc điểm của phản xạ chấn thương, thứ phản xạ luôn tới sau so với tác nhân kích thích và không tương ứng với nó.

Chấn thương để lại dấu vết mà nguyên mẫu của nó không được tính tới, - chính vì vậy nguyên mẫu biến mất, hoặc chưa từng có. Toàn bộ bộ công cụ lí luận giải cấu trúc, cùng với “những vết tích”, “những bổ sung”, sự phê phán “siêu hình học của sự có mặt” và sự phủ định “cái được biểu đạt siêu nghiệm” của nó, - đó chính là kinh nghiệm văn hóa bị chấn thương được khai triển thành các khái niệm và thuật ngữ. Tất nhiên trong màu đỏ báo hiệu của đèn đường có thể tính tới cả dấu vết của những màu hiệu khác - màu vàng và màu xanh (bởi chúng liên quan với nhau trong cùng một hệ thống). Song, nếu không tính tới cái được biểu đạt trong nó, tức là chiếc ô tô đang chạy qua trước mặt, thì kết quả của phương pháp giải cấu trúc kiểu này có thể dẫn tới cái chết cho bản thân người giải kết cấu. Hơn nữa “vết tích” trong cách hiểu của giải cấu trúc - đó chính là dấu vết của những kí hiệu khác nằm trong bản thân kí hiệu chúng ta đang nói tới, chứ không phải dấu vết của cái được biểu đạt trong cái biểu đạt.

Nước Mỹ tiếp nhận lí thuyết hậu hiện đại một cách cuồng nhiệt phải chăng vì nền tảng của nó đã bị xới lên bởi sự bùng nổ thông tin? Người Mỹ trung lưu giành 1/3 thời gian cuộc đời cho máy truyền hình (2/3 còn lại cho công việc và ăn ngủ) trở nên lẫn lộn bởi các chương trình của nó, hay bơi trong những làn sóng internet của máy điện toán, chỉ có thể tiếp nhận được cái biểu đạt thoáng qua, bởi muốn tới được cái được biểu đạt thì phải xâm nhập sâu vào phạm vi của những kí hiệu. “Sợi xích của những cái biểu đạt”, “trò chơi của những cái biểu đạt”, “những ngụy tạo”, “tính phì đại” và những thuật ngữ khác của chủ nghĩa hậu hiện đại phản ánh ý thức bị chấn thương, cái ý thức bị vây xung quanh bởi cơn bùng phát thông tin, bị rơi khỏi cái trục của kí hiệu học “cái biểu đạt - cái được biểu đạt” đã đánh mất trực giác về độ sâu và ý chí vươn tới siêu nghiệm.

Đặc điểm của hậu hiện đại Nga-Xô Viết

- Người ta đang làm gì nước Nga?

- Người ta đang nghĩ về nước Nga.

- Tôi hỏi, người ta đang làm gì ở nước Nga?

- Tôi trả lời - người ta đang nghĩ về nước Nga.

- Ngài không hiểu tôi. Tôi hỏi, người ta đang làm gì ở nước Nga? Người ta đang làm công việc gì? Công việc, có công việc nào đó không

- Ơ Nga người ta đang suy nghĩ về nước Nga. Đó là công việc chính của nước Nga.

Fazil Iskander Người suy nghĩ về nước Nga và người Mỹ

Một cuộc đối thoại.

Vào năm 1991, sau khi nhà nước Xô Viết sụp đổ, văn học hậu Xô Viết ngay lập tức làm lễ đặt cho mình một cái “izm” mới. Mùa xuân 1991, tại Viện văn học thế giới mang tên Gorki (IMLI) diễn ra cuộc hội nghị khoa học lớn về chủ nghĩa hậu hiện đại, ngay lập tức cái “izm” mới đó bắt đầu một cuộc diễu hành chiến thắng trên khắp toàn quốc: tất cả những gì của khuynh hướng này được báo chí nhắc tới, đều được thừa nhận là cần thiết và thú vị, các thứ còn lại lập tức bị xếp vào lưu trữ. Ngay từ năm 1992 V.Kuritsin đã nhận xét trong tạp chí Thế giới mới rằng chủ nghĩa hậu hiện đại trở thành một hiện tượng sống động duy nhất trong tiến trình văn học (đương đại-ND)(19). Mặc dù chủ nghĩa xã hội rời khỏi nước Nga vào cùng một thời điểm với việc tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại ở nước này, song giữa chúng vẫn có sự “tương đồng của các mặt đối lập”, có sự kế thừa nào đó thể hiện ở các phương thức chiếm lĩnh ý thức xã hội. M.Lipoveski nhấn mạnh tham vọng to lớn của chủ nghĩa hậu hiện đại Nga giành vị thế thống trị trong lĩnh vực tư tưởng-mĩ học, trong toàn bộ nền văn hóa(20). Mặc dù về bản chất chủ nghĩa hậu hiện đại - là chủ nghĩa đa nguyên hoàn toàn, bao gồm giá trị tự thân của những cái khác nhau, song bản thân nó lại thể hiện như một hệ thống bao trùm có tham vọng quy chuẩn hóa tính phức hợp đó.

Ngay cả trong thời kì của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa chưa từng xuất hiện một “izm” nào lại có thể lôi cuốn sự chú ý và định hướng của giới văn học nghệ thuật tới vậy. Sự xuất hiện của khái niệm mới này kéo theo sự ra đời vô số các tác phẩm được viết theo tinh thần của nó, giúp nhận thức lại các sáng tác trước đây với tư cách như sự khai sinh ra nó. Nếu như vai trò “người đặt nền móng” cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là M. Gorki với tác phẩm Người mẹ, thì trong chủ nghĩa hậu hiện đại vai trò này chuyển từ Nabokov với tác phẩm “Thiên phú”, tới Bulgakov với “Nghệ nhân và Margarita”, đến Bitov với “Nhà Puskin” và Ven. Erophiev với trường ca văn xuôi “Moskva-Petuski”. Ở đây chủ nghĩa đa nguyên thể hiện hết sức rõ rệt, song là thứ đa nguyên bận tâm tới việc dựng cho mình hệ quy chuẩn bao trùm. Và, mặc dù ở phương Tây chủ nghĩa hậu hiện đại được nói tới từ đầu những năm 70, còn ở nước Nga mãi tới đầu những năm 90, song chủ nghĩa hậu hiện đại, giống như nhiều trào lưu khác, trên danh nghĩa là du nhập từ phương Tây, song về thực chất lại là hiện tượng mang đặc tính Nga sâu sắc. Thậm chí có thể khẳng định rằng nước Nga là quê hương của chủ nghĩa hậu hiện đại, có điều chỉ bây giờ mới tới thời điểm ý thức được hiện tượng kì lạ này.

Cuốn sách nổi tiếng của nhà triết học Nga N. Berdiaev Nguồn gốc và ý nghĩa của chủ nghĩa cộng sản Nga giúp hiểu được bản chất lạ lùng của những tư tưởng Nga được được du nhập từ phương Tây. Các học thuyết của chủ nghĩa cộng sản tới nước Nga từ châu Âu ngay từ đầu có vẻ như hoàn toàn xa lạ với đất nước lạc hậu nửa Âu nửa Á này. Tuy nhiên, việc nước Nga trở thành một cường quốc cộng sản mạnh nhất thế giới chứng tỏ rằng tinh thần công xã, cộng sản đã có ở nước Nga khá lâu trước khi nó làm quen với các học thuyết của Marx và thông qua các học thuyết này ý thức được xứ mệnh của mình.

Liệu hiện tượng hậu hiện đại Nga cũng giống như vậy chăng? Mặc dầu các học thuyết hậu hiện đại tới nước Nga từ phương Tây, chủ yếu là từ Pháp và Mỹ, song bản thân giới trí thức nghiên cứu ngay lập tức đã triển khai và ứng dụng các học thuyết này vào nền văn hóa của mình, sử dụng chúng như ngọn cờ đổi mới tư tưởng, diễn giải về nguồn gốc chung của chủ nghĩa hậu hiện đại ở nước Nga. Nếu như các yếu tố của chủ nghĩa cộng sản có ở nước Nga trước Marx, liệu các yếu tố hậu hiện đại có tồn tại ở nước Nga trước Derrida và Boudrillard hay không?

Dưới đây một loạt những vấn đề sẽ được đưa ra xem xét để thấy được những nét đặc trưng của hậu hiện đại ở nước Nga gắn liền với hoàn cảnh lịch sử-xã hội-chính trị-văn hóa của nó.

1. Tính phì đại của thực tại và ngụy tạo (simulacr)

Giữa những thuộc tính quan trọng của chủ nghĩa hậu hiện đại nổi bật lên cái mà nhà triết học Pháp Jean Boudrillard gọi là simulacr - ngụy tạo, hay là sự tạo ra thực tại. Đối với phương Tây cái mới đó chỉ có thể thực hiện cùng với sự bùng nổ các phương tiện thông tin đại chúng. Các sự kiện của thực tại được dàn dựng sao cho truyền hình có thể tái hiện lại. Sự kiện ngụy tạo này dường như phản ánh một thực tại nào đó, nhưng trên thực tế nó thay thế một thực tại không tồn tại, gọi là simulacr.

Baudrillard đưa ra sự khác biệt chính xác giữa ngụy tạo (simulacr) và bắt chước, mô phỏng (imitation), điều đặc biệt cần thiết để hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại Nga. Bắt chước có nghĩa là đằng sau hình ảnh (hình tượng) đưa ra, tồn tại một thực tại nào đó - chính vì thế mà hình ảnh có thể giả dối, khác với thực tại. Đằng sau ngụy tạo không có một thực tại nào, bởi bản thân nó thay thế cho cái thực tại không có đó. Nó chẳng có gì để mà so sánh. Trong ý nghĩa này hệ tư tưởng của thời đại Stalin và thực tại của nó hầu như không có một kẽ hở nào - không phải vì hệ tư tưởng đó phản ánh đúng đắn thực tại, mà là vì, cùng với thời gian, trong đất nước không tồn tại một thực tại nào khác, ngoài bản thân hệ tư tưởng. “...Đất nước đang được làm ra. Nó còn chưa có. Chưa có xã hội, mỡ, thịt, thể chất, mới chỉ có kế hoạch, mới chỉ có tư tưởng. Tư tưởng đang đông cứng lại, đang biến thành thể chất”(21) - Iuri Olesa đã viết như vậy vào năm 1930. Mọi thực tại khác với hệ tư tưởng đơn giản là không tồn tại - nó được thay bằng thực tại phì đại, cái thực tại được báo đài nói tới hằng ngày nên dễ cảm nhận hơn và gây cảm giác xác thực hơn tất cả những thứ khác với nó. Trên đất nước Xô Viết “truyện thần thoại đã trở thành hiện thực”, cũng giống như ở Disneilend, hình tượng phì đại của nước Mỹ, nơi bản thân thực tại được thiết kế như một “vương quốc tưởng tượng”.

Trong “Bác sĩ Zivago” của Pasternak có đoạn mô tả mùa đông năm 1917-1918, khi lần đầu tiên thực tại cách mạng thể hiện đặc tính mới mẻ của mình một cách quyết liệt - nó đã bị hòa trộn vào tất cả các khái niệm: “Cần phải chuẩn bị cho cái lạnh, dự trữ thức ăn, củi đốt. Nhưng vào thời điểm chiến thắng của chủ nghĩa duy vật thì vật chất lại trở thành khái niệm, thức ăn và củi sưởi được thay bằng vấn đề lương thực và chất đốt”(22). Cứ như vậy tình trạng này kéo dài cho tới tận cuối kỉ nguyên Xô Viết: vào năm 1982, khi nhà nước tuyên bố về sự thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chuyển sang giai đoạn xây dựng “chủ nghĩa xã hội phát triển”, thì đất nước không đủ khả năng nuôi nổi mình, phải thông qua “chương trình lương thực”.

Trong ý nghĩa này “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” hai lần ngụy tạo, bởi nó vừa xây dựng hình tượng thực tại phì đại, bản thân lại là một bộ phận cấu thành của cái thực tại đó, - giống như tấm gương vừa là một phần của nội thất, lại vừa nhân đôi nội thất. Cũng như vậy, toàn bộ thực tại xã hội chủ nghĩa là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, vì nó vừa là hình ảnh, lại vừa là kiểu mẫu của chính mình. Nhà máy là hình ảnh của nhà máy, nông trang là hình ảnh của nông trang, - những kiểu mẫu, những điển hình của cái thực tại mà chúng là một bộ phận. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa quan trọng như vậy đối với việc nhận thức thực tại xã hội chủ nghĩa, nên toàn bộ thực tại này chính là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, tức mức độ “văn học” cao mang tính kí hiệu, khi không còn bản thân những cái được biểu đạt nữa, còn những cái biểu đạt thì khép kín trong phạm vi của mình, cái nọ dẫn giải cái kia.

Hệ tư tưởng Xô Viết kiên trì chủ nghĩa hiện thực, bởi có tham vọng kí hiệu hóa toàn bộ thực tại, biến nó thành văn bản. Chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa siêu thực, hoặc bất kì phương pháp sáng tác nào khác, đều không phù hợp với mục đích này vì chúng hướng tới xây dựng một thực tại khác - thực tại lí tưởng, thực tại tinh thần hay thực tại vô thức - với thuộc tính khác của mình, ít nhiều đều giữ lại cái “thực tại ấy”, chung sống cùng với nó. Chỉ có chủ nghĩa hiện thực mới có thể hòa lẫn thực tại tới độ hoàn toàn biến nó thành mình, nuốt chửng nó không để lại dấu vết. Ở đây chủ nghĩa hiện thực không phải là sự phản ánh đúng đắn, không phải là bản sao cùng tồn tại với thực tại, mà là một cái máy sản xuất ra cái thay thế nó, biến thực tại thành kí hiệu, thành hình ảnh của nó trong khi loại bỏ nguyên mẫu.

Chủ nghĩa hiện thực chuyển thành thực tại tùy theo mức độ nó cải biến thực tại đó - còn bản thân thực tại trở thành chủ nghĩa hiện thực, tức là thành văn bản về thực tại. Đóng vai trò chức năng tương tự là “chủ nghĩa duy vật” trong hệ tư tưởng Xô Viết. Theo nhận xét của A. Belyu, sự thống trị của chủ nghĩa duy vật đã dẫn tới sự biến mất vật chất ở Liên Xô (sự khan hiếm hàng hóa tăng cao, mức sống vật chất bị suy sụp v.v...). Song bản thân tiếp vĩ ngữ “izm” trong các khái niệm và cách hiểu trên không mang tính chất nhận thức luận, mà là mục đích luận. Ở đây chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa hiện thực có tham vọng trở thành vật chất, đồng nhất bản thân với thực tại, thay thế bản thân bằng một thực tại và vật chất khác. Đó là những khái niệm định hướng và chức năng lịch sử của chúng không phải là làm tăng thực tại một cách vô bổ, mà là hòa nhập vào nó, trở thành một thực tại mới, duy nhất.

Tất nhiên có thể phản bác luận điểm trên: phải chăng việc tạo dựng một thực tại phì đại là nhiệm vụ của mọi ý thức hệ tư tưởng? Nếu như vậy thì hậu hiện đại phương Tây và Nga khác gì so với hệ thống “các đức tin hoàn chỉnh” trước đây, như hệ tư tưởng của châu Âu trung đại, chẳng hạn? Vấn đề là ở chỗ, hệ tư tưởng của những kỉ nguyên trước không có đủ các phương tiện chính trị và kĩ thuật để có thể tạo nên thực tại phì đại. Các lĩnh vực công nghệ, tư tưởng, điện tử chưa phát triển tới mức có thể bao quát toàn bộ thực tại trên suốt chiều dài lịch sử của nó và biến nó thành hệ thống các kí hiệu.

Ở những thời đại trước đây các hệ tư tưởng tạo tính phì đại không đáng kể bằng việc nó hướng tới một thực tại “cao hơn” - tức là hướng tới cái khác, về phía cái khác. Thực tại khác đối lập với thực tại hiện tồn, song không đòi hỏi phải được thay thế nó. Dần dần phạm vi các cải cách xã hội và các thành tựu kĩ thuật trở nên rộng lớn, tạo điều kiện hiện thực hóa tư tưởng một cách đầy đủ hơn. Thế giới tư tưởng và lí tưởng đã không còn được thiết kế “về phía bên kia” của thực tại, mà bị hòa lẫn vào bản thân thực tại, “như nó vốn có”, cái siêu nghiệm trở thành cái nội hàm. Đồng thời phạm trù “cái khác”, “về phía khác” được đổi thành phạm trù “ngụy tạo”, còn các giáo sĩ - tiên tri đổi thành kĩ sư truyền hình. Bây giờ hệ tư tưởng không cần chuyển tư tưởng ra ngoài phạm vi thực tại, bởi nó đủ mạnh về phương diện kĩ thuật và xã hội để có thể chế tạo ra bản thân thực tại.

2. Phản hiện đại chủ nghĩa

Chủ nghĩa hậu hiện đại không chấp nhận chủ nghĩa hiện đại (cùng tất cả các trường phái của nó), coi đó là một khuynh hướng đã lỗi thời, mang tính chất nghệ thuật “thính phòng”. Chống lại chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa tiền phong là nguyên tắc chỉ đạo thời Stalin. Cũng như thái độ của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với các trào lưu hiện đại chủ nghĩa trước cách mạng (và những mảnh của nó trong nghệ thuật Xô Viết những năm 20), nguyên tắc này được quán triệt nhằm khắc phục, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân “tư sản”, tính chủ quan khép kín, tính siêu hình, tính biểu cảm, thể nghiệm phong cách thuần túy, tính chọn lọc, phức tạp v.v... T

rong báo cáo về vụ việc Akhmatova và Zosenko năm 1946, nhà tư tưởng hàng đầu lúc đó là Zdanov đã nói: “Những kẻ theo chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa hình ảnh, vị lai đủ loại, đã ngoi lên trong xã hội. Chúng tách biệt với nhân dân, tuyên bố luận điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật”, truyền bá văn học phi tư tưởng, che giấu sự thối rữa về tư tưởng và đạo đức trong khi chạy theo những hình thức đẹp không có nội dung... Những nhà thơ và những nhà tư tưởng của các giai cấp thống trị đã trốn chạy khỏi hiện thực trần trụi, núp vào những đám mây mù trên cao của tôn giáo thần bí, vào những tình cảm cá nhân tủn mủn và đào bới cái tâm hồn nông cạn của mình”(23). Cũng những lời lẽ như vậy, có điều được lồng vào hình thức tinh tế hơn, các nhà phê bình hậu hiện đại phương Tây vào những năm 1970-1980 đã quở trách người tiên khu của mình là chủ nghĩa hiện đại.

Ví dụ, trong tuyên ngôn văn học ồn ào của nhà văn Mỹ hiện đại Tom Wolfe Cuộc săn đuổi con thú tỉ đô: Tuyên ngôn văn học của tiểu thuyết xã hội mới (1989) có những điểm giống kì lạ với báo cáo của Zdanov, mặc dù nhà văn Mỹ chắc cũng không ngờ tới điều đó. Kêu gọi xây dựng một nền văn học xứng đáng với hiện thực nước Mỹ (“con thú tỉ đô”) Wolf chống lại “quan điểm tiền phong chủ nghĩa xa cách với chủ nghĩa hiện thực..., chống lại tiểu thuyết phi lí và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” - và thương hại các nhà văn thế hệ trước, như Filip Rot và Jon Barthes bị chủ nghĩa hiện đại “làm hỏng” và thu hẹp các khả năng sáng tạo. Wolf thừa nhận “nhiều người trong số các nhà văn đó thật xuất sắc, điêu luyện”, ở họ có những phẩm chất mà các nhà văn khác không còn muốn gì hơn, “song, - Wolf tiếp tục, - họ đã lạc tới một hòn đảo cô đơn nào vậy?... Hành động, nếu như ở đó có một hành động nào đó, diễn ra bên ngoài địa danh xác định... các tính cách không có bối cảnh, xuất xứ. Họ tới không biết từ đâu, nói năng không giống ngôn ngữ thật. Những điều họ nói, họ làm hay những cái họ có, không hề chỉ ra xuất xứ giai cấp hay dân tộc của họ”(23).

Phê phán chủ nghĩa hiện đại vì sự thiếu chú ý tới những yếu tố của môi trường và xuất xứ, Wolf đề cao sự đơn giản, tính đồng nhất ở mọi bình diện - đạo đức, tính dục, xã hội, là những cái quan trọng đối với lí luận và thực tiễn văn hóa của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tiếp tục, theo tinh thần mĩ học của Zdanov, Wolf ví sự phát hiện ra chủ nghĩa hiện thực thế kỉ XVIII giống như “đưa điện vào công việc của kĩ sư” (chúng ta nhớ lại: “nhà văn - kĩ sư tâm hồn con người”, đề nghị thành lập các “đội, tiểu đoàn” gồm các nhà văn, như Zola, và gửi họ tới để nghiên cứu hiện thực nước Mỹ”(24). ở đây ta thấy không phải sự ảnh hưởng trực tiếp của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa lên Wolf, mà là logic bản thân lối tu từ của chủ nghĩa hậu hiện đại đối lập lại tính trừu tượng, tính thể nghiệm, tính cá nhân của văn chương hiện đại chủ nghĩa và chính bởi vậy đòi hỏi sự quay trở lại với những ẩn dụ như “kĩ sư”, “tập thể” nêu trên(25).

3. Phê bình siêu hình học. Biện chứng và giải cấu trúc

Kẻ thù triết học của chủ nghĩa hậu hiện đại - là “siêu hình học” được hiểu như sự khẳng định những yếu tố khởi nguyên siêu cảm, tự đồng nhất của tồn tại, như sự hiện thân thật sự của tư tưởng hay những “giọng” và khả năng hoàn toàn có thể nhận thức được chúng. Nếu như trong chủ nghĩa duy vật, siêu hình bị phê phán nhờ vào “biện chứng”, thì trong lí luận hậu hiện đại (hậu cấu trúc) - nhờ vào “giải cấu trúc”. Có thể xác định giải cấu trúc như sự phơi bày cái không đầy đủ và sự thiếu hụt của bất cứ nhận định duy lí nào, đưa toàn bộ cái được biểu đạt, tức là cái thực tại đa dạng, vật thể và nội dung các khái niệm vào bình diện cái biểu đạt, tức là ngôn từ, nomination (sự định danh như một quá trình tương tác của các đơn vị ngôn ngữ (trước hết với từ ngữ) với khách thể được biểu đạt - đồ vật, dấu hiệu, sự kiện v.v... - ND), và trò chơi tự do với những kí hiệu đó. Chủ nghĩa hậu hiện đại phê phán siêu hình hiện diện, theo đó các kí hiệu được chuyển tới cái gì đó đứng đằng sau nó, tới cái gọi là “thực tại”. Nó cho rằng những kí hiệu này được chuyển tới các kí hiệu khác, và thay vì thực tại, cần phải nghĩ tới cái vắng mặt hay sự mong đợi bất thành một cái gì đó, có thể là hố sâu ngăn cách, hay sự trì hoãn bất tận tất cả những cái được biểu đạt, chính vì vậy mà các khái niệm “bản gốc”, “xuất xứ”, “chân lí” là không xác thực.

Sự bóc trần “siêu hình hiện hữu” tương tự, thật kì lạ, cũng thuộc bản chất của cái gọi là “biện chứng Xô Viết”, với linh cảm của nó về sự trống rỗng lộ ra trong vòng xoáy của các quy luật và những định danh (nomination). Biện chứng Xô Viết không giống với biện chứng của Hegel xuất phát từ quan niệm về tính biện minh của lịch sử, về “tính bản thể” vừa như luận đề, vừa như phản đề, và cuối cùng là sự tổng hợp chúng. Biện chứng Xô Viết xuất phát từ điểm không - phi định hình, truột trội, khó nắm bắt và không thể đồng nhất với bất cứ quan điểm hợp lí nào, nhưng lại cho phép quy kết và vứt bỏ bất cứ quan điểm nào “khác mình”, tuyên bố đó là “siêu hình”, là “không biện chứng”. Đây chính là sự mỉa mai bên trong của biện chứng Xô Viết hiếu chiến, ít nhiều được chính “các nhà biện chứng” ý thức được, như tính tương đối đầy đủ nhất của hệ tư tưởng toàn trị.

Hệ tư tưởng Xô Viết thích tranh luận với tất cả các lí luận xuất nguồn từ phương Tây: triết học, thần học, xã hội học, lịch sử, nghiên cứu văn học, thậm chí vũ trụ học. Từng loại được hệ tư tưởng Xô Viết đánh giá một chiều - “chủ nghĩa chủ quan” hay “ chủ nghĩa khách quan”, “thực dụng” hay “phi lí”, “cá nhân chủ nghĩa” hay “phi cá thể” - và tự đề cao lên trên tất cả bằng “phép biện chứng” của mình. Thế nhưng, theo biện chứng của Hegel, phép biện chứng này không phải là sự tổng hòa những lí luận bị phê phán, tức là tiếp nhận chúng, loại bỏ những mặt cực đoan, kết hợp lại trên một bình diện cao hơn. Đó là thứ biện chứng vứt bỏ tất cả những lí luận tích cực, chỉ nhìn thấy ở chúng những mặt vô bổ, giả dối, không tưởng, song không lại không thể loại bỏ chúng một cách đúng đắn.

Nếu như theo rõi sự chuyển động của cơn cuồng phong biện chứng trong lịch sử Xô Viết và đánh dấu những vùng bị tổn thất, thì sẽ thấy không một khái niệm tích cực nào còn sót lại, dù dưới cái tên này hay tên khác chúng đều bị tận diệt theo quan điểm “biện chứng cao cả”. Thậm chí một số khái niệm thiêng liêng đối với chủ nghĩa Marx cổ điển cũng có những biến tướng: chủ nghĩa duy vật dưới cái tên chủ nghĩa duy vật “máy móc”, “dung tục”, “siêu hình”; chủ nghĩa quốc tế - dưới dạng “hữu khuynh” và “chủ nghĩa thế giới phi tổ quốc”; “vô sản” - dưới cái tên “phong trào công nhân đối lập” và “quần chúng vô sản”; “chủ nghĩa tập thể” - dưới cái tên “tính tự phát”, “”chủ nghĩa bình quân”; và cuối cùng, bản thân biện chứng - dưới cái tên “chủ nghĩa duy tâm thiểu số”, “thuyết triết Hegel”, “thuyết tương đối”, “chủ nghĩa chiết trung” v.v... Hiển nhiên, các khái niệm đối lập, phản marxism có biến tướng lớn hơn, như các khái niệm: “Chủ nghĩa duy tâm”, “chủ nghĩa dân tộc”, “tư sản”, “chủ nghĩa cá nhân”, “siêu hình” v.v...

Vì cơn cuồng phong biện chứng cuốn vào mình và tàn phá toàn bộ các khái niệm, nên chỉ có thể giả định rằng nó xuất phát từ một chân không nào đó giống như một cái phễu trống rỗng điên cuồng xoay chuyển. Thực vậy, trong cuộc đấu tranh của “phép biện chứng” chống cánh tả và cánh hữu, chống Troskit và bè nhóm Bukharin, chống thuyết ý chí luận và chủ nghĩa xét lại, không còn sót lại một mảnh đất nhỏ nào cho chân lí nương thân - tất cả đều nghiêng ngả, lúc thì sang trái, lúc sang phải so với chân lí, còn bản thân chân lí thì giống như một lưỡi dao cạo mỏng manh sắc lẹm mà Andrei Platonov trong “Hố móng” đã ví như đường lối cơ bản của nhà nước lúc đó.

Biện chứng, theo phương pháp của Hegel, được hiểu như sự vận động khởi nguồn của các khái niệm từ không có gì, từ phi giới hạn, từ phi vật thể trừu tượng, vào lĩnh vực của cái cụ thể, thực chứng, cái thực tại thông tuệ - còn biện chứng theo dạng Xô Viết được hiểu như sự vận động của các khái niệm từ lĩnh vực của cái cụ thể, của tính xác định về chất lượng, vào độ sâu của cái không có gì, cái phi xác định. Tất nhiên, biện chứng Xô Viết, khác với giải cấu trúc hậu hiện đại, vẫn còn sử dụng tiêu chí “chân lí” và thậm chí cho rằng có khả năng tiếp cận với chân lí tuyệt đối, cho dù chân lí tuyệt đối này được cấu thành từ tổng thể những chân lí tương đối. Biện chứng tuyên bố về tính không sai lầm trong nhận thức của mình, trong khi đó giải cấu trúc thường xuyên tự giải cấu trúc bản thân trong tiến trình nghiên cứu triết học.

ĐÀO TUẤN ẢNH dịch từ Mikhail Epstein. Hậu hiện đại ở Nga. Văn học và lí luận. M., năm 2000

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12744)
(Xem: 14197)
(Xem: 15516)
(Xem: 15001)
(Xem: 15012)
(Xem: 15689)
(Xem: 14440)
(Xem: 14195)
(Xem: 14193)
(Xem: 15133)