- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Một Số Vấn Đề Xung Quanh Phạm Trù Chủ Nghĩa Hiện Đại

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 6915)
1. Chủ nghĩa hiện đại (modernism), cả thuật ngữ lẫn khái niệm, như ta biết, được dùng trước hết để mô tả thực tiễn văn nghệ phương Tây. Thế nhưng ở học thuật phương Tây (Tây Âu và Hoa Kỳ) thuật ngữ này chỉ đến những năm 1980 mới được thừa nhận là xác đáng để mô tả một tiến trình của lịch sử nghệ thuật.

Trước đó sách báo phương Tây chỉ ghi nhận “phong cách hiện đại” (từ tiếng Pháp: modern, - nghĩa là mới nhất, hiện thời) như một khuynh hướng nghệ thuật (kiến trúc, đồ họa, nghệ thuật trang trí ứng dụng) châu Âu và Hoa Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu XX: ở Bỉ, Anh, Mỹ nó được biết đến dưới tên gọi “Art Nouveau”, ở áo: “Sezessionstil”, ở Italia: “Stile Liberty”; chỉ ở văn học tiếng Tây Ban Nha mới dùng từ “modernismo”.

Một thời gian dài kể từ những năm 1960, “chủ nghĩa hiện đại” (tiếng Nga: modernizm) là khái niệm của các ngành mỹ học, nghệ thuật học, nghiên cứu văn học, phê bình văn nghệ ở cộng đồng xã hội chủ nghĩa thế giới, trước hết là Liên Xô.

Nếu có dịp xem lại các loại sách bách khoa xuất bản ở Liên Xô những năm 1960 - 1990, hoặc thuộc loại bách khoa thư tổng hợp như Đại bách khoa thư Liên Xô (30 tập), Từ điển Bách khoa Liên xô (1 tập, in lần đầu 1979, tái bản nhiều lần), hoặc thuộc loại bách khoa chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, văn học, như Bách khoa thư nghệ thuật phổ thông (2 tập, in lần đầu 1986), Giản yếu bách khoa thư văn học (9 tập, xuất bản lần đầu từ 1962 đến 1978), Từ điển bách khoa văn học (1 tập, in 1987), Từ điển bách khoa của người trẻ tuổi nghiên cứu văn học (1 tập, in 1988)(1) v.v... ta thấy trong đó đều có mục từ “modernizm”.

Ta hãy xem phạm trù “chủ nghĩa hiện đại” được xác định và miêu thuật như thế nào.

Từ điển bách khoa Liên Xô (1979) với tính văn gọn cần thiết của loại bách khoa thư 1 quyển, chỉ nói về modernizm trong 6 dòng: “tên chung để gọi những khuynh hướng nghệ thuật và văn học cuối thế kỷ XIX - đầu XX (lập thể, đađa, siêu thực, vị lai, biểu hiện, trừu tượng, v.v...) thể hiện sự khủng hoảng của văn hóa tư sản và được định tính bởi sự đoạn tuyệt với truyền thống chủ nghĩa hiện thực”(2).

Đại bách khoa thư Liên Xô, tập 16(1974) và Từ điển bách khoa triết học (1983) ở mục từ modernizm đều dùng bài viết khá dài của Viện sĩ M.A. Lifshitz (1903 - 83), ở câu định nghĩa mở đầu đã coi chủ nghĩa hiện đại là khuynh hướng chính của nghệ thuật tư sản thời đại suy sụp”(3). Câu mở đầu mục từ này ở Bách khoa thư nghệ thuật phổ thông (1986) cũng không khác bao lăm: chủ nghĩa hiện đại “là tên gọi khái quát một loạt tư trào nghệ thuật thế kỷ XX bao hàm sự khủng hoảng sâu sắc của văn hóa tư sản thời đại đế quốc chủ nghĩa”(4). Cho đến Từ điển bách khoa văn học (1987), mục “modernizm” do A.M. Zverev, một chuyên gia Nga về văn học Hoa Kỳ cũng vẫn viết trong tinh thần trên; đây là câu mở đầu: “Chủ nghĩa hiện đại - phong trào triết mỹ trong văn học và nghệ thuật thế kỷ XX, phản ánh sự khủng hoảng của thế giới tư sản và của kiểu ý thức do nó tạo ra”(5). Quả là không có khác biệt đáng kể so với câu mở đầu mục từ rất dài do Chernova viết về modernizm ở Giản yếu bách khoa thư văn học (tập 4) xuất bản 20 năm trước đó: “Modernizm ố tên gọi ước lệ chung cho rất nhiều những hiện tượng khủng hoảng trong nghệ thuật thế giới thế kỷ XX, nhất là văn học”(6).

Tránh nêu sự nhận định ngay ra ở câu đầu, hình như là phương châm của người soạn những mục từ tương tự ở loại sách có tính cách giáo khoa. Từ điển thuật ngữ nghiên cứu văn học (1974) do L.I. Timofeev và S.V. Turaev soạn, sử dụng bài viết của A. Sulejmanov về modernizm mở đầu bằng câu này: “Thuật ngữ loại hình học dùng cho nghệ thuật thế kỷ XX, nhưng được giải thích rất khác nhau”(7). Từ điển bách khoa của người trẻ tuổi nghiên cứu văn học (1988) do V.I. Novikov soạn, mở đầu mục từ modernizm bằng một câu có lẽ là lời giải thích dùng cho trẻ em nên người giải thích cũng tự cho phép mắc vào vòng ấu trĩ ít nhiều: “Modernizm - thuật ngữ dùng để trỏ nhiều hiện tượng văn học và nghệ thuật thế kỷ XX, những hiện tượng nảy sinh bởi chính thế kỷ này (thuật ngữ có xuất xứ từ đây) nên mới mẻ so với nghệ thuật nảy sinh sớm hơn, trước hết là so với chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX”(8).

Về phạm vi những hiện tượng văn nghệ được quy vào phạm trù “chủ nghĩa hiện đại”, giới nghiên cứu phê bình Xô Viết hình như không có sự nhầm lẫn nào thật lớn. Điều cần nói là họ đã nhận diện và phê phán nó từ lập trường phủ định tiêu cực. Tiếp nối việc A.V. Lunacharsky phê phán văn nghệ suy đồi (décadence) cuối thế kỷ XIX - đầu XX, các nhà phê bình Xô Viết liệt vào “chủ nghĩa hiện đại” và phê phán hàng loạt hiện tượng, nhóm phái trong văn nghệ các nước phương Tây suốt thế kỷ XX, từ chủ nghĩa tiền phong (avant-gardisme), các nhóm phái đađa (dadaisme), lập thể (cubisme), vị lai (futurisme), ấn tượng (impressionnisme), tượng trưng (symbolisme), siêu thực (surrealisme), biểu hiện (expressionisme), hình tượng (imaginisme) và hàng loạt hiện tượng văn nghệ khác, xuất hiện trước và sau thế chiến I (1914 - 18), tiếp theo là văn học phi lý, chủ nghĩa hiện sinh, tiểu thuyết mới, “pop-art” và nhiều hiện tượng khác trong văn nghệ phương Tây từ sau thế chiến II (1939 - 45) đến những năm 1970.

Bên cạnh đó, những phát hiện nghệ thuật ở văn học cuối thế kỷ XIX - đầu XX như “dòng ý thức”, “độc thoại nội tâm”, sáng tác huyền thoại, sân khấu phi lý, các thủ pháp “dán ghép” (collage), lắp dựng (montage), v.v... - đều được “tính” cho chủ nghĩa hiện đại.

Một điều mà những người đương thời biết rất rõ là giới học giả Xô Viết xây dựng và luận giải về phạm trù chủ nghĩa hiện đại trong điều kiện nhân loại trên hành tinh trái đất bị chi phối bởi “chiến tranh lạnh”, bởi tình trạng hai hệ thống thế giới đối đầu nhau về mọi mặt chính trị, xã hội, kinh tế, văn học, quân sự, kể cả vũ trang hạt nhân. Trong đời sống tinh thần chính thống ở khối cộng đồng xã hội chủ nghĩa(9), bức tranh về cục diện thế giới đương thời được phác họa theo nhận định của bản Tuyên bố của Hội nghị đại biểu quốc tế 81 đảng cộng sản và công nhân ở Moskva tháng 11.1960. Đối lập hai hệ thống xã hội chính trị “chủ nghĩa tư bản - chủ nghĩa xã hội”, chuyển dạng sang văn nghệ, trở thành đối lập “chủ nghĩa hiện đại - chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Đấu tranh văn hóa văn nghệ trong thế giới tư bản chủ nghĩa phương Tây được hình dung như sự đấu tranh giữa chủ nghĩa hiện đại với các xu hướng trung thành với truyền thống chủ nghĩa hiện thực kinh điển(10). Dễ hiểu là trong tình hình “điều kiện hóa” như vậy, việc luận bàn về văn hóa một khu vực nhạy cảm là văn hóa của “thế giới bên kia” (thế giới phương Tây), đối với giới học giả Xô Viết, trước hết phải nhằm tham dự “đấu tranh tư tưởng”, hơn là nghiên cứu khoa học thực thụ.

Sau này, khi đã ra khỏi thời đại Xô Viết, giới học giả Nga đã có khoảng cách để thẳng thắn nhìn lại một thời đã qua. Mục từ “modernizm” do V.V. Bychkov soạn ở bộ bách khoa thư 2 tập nhan đề Văn hóa học thế kỷ XX, xuất bản năm 1998, ngắn gọn như sau:

“Modernizm - khái niệm được dùng trong khoa học (nó được áp dụng tích cực nhất ở mỹ học và nghệ thuật học Xô Viết) để trỏ toàn bộ cái phức thể những hiện tượng tiền phong từ lập trường đánh giá tiêu cực định kiến. Về căn bản, đây là lập trường của tuyến bảo thủ trong văn hóa truyền thống xét theo thái độ đối với tất cả những gì mang tính cách tân; ở khoa học Xô Viết, lập trường ấy trước hết bị quy định bởi các định hướng tư tưởng đảng tính, giai cấp tính. Tiền phong (avant-grad) cũng như chủ nghĩa hiện đại, ít khi là đối tượng của sự phân tích khoa học,nhưng thường khi lại là đối tượng của một sự phê phán trùm lớp, không cần có căn cứ xác đáng. Chủ nghĩa hiện đại bị phê phán là từ bỏ văn hóa truyền thống (trước hết là cái khung truyền thống thế kỷ XIX), là phản hiện thực, là duy mỹ, là từ bỏ sự dấn thân về xã hội chính trị, là gắn bó với thần bí, là tuyệt đối hóa các phương tiện biểu cảm nghệ thuật, là biện hộ cho lĩnh vực phi lý tính, phi logic, phi lý và nghịch lý, là bi quan và tin vào thuyết tận thế, là theo chủ nghĩa hình thức, là xóa mờ ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc đời, v.v... Do vậy ngay thuật ngữ của khoa học phương Tây “Postmoderne” (= Trans-avantgard) trỏ cái phức hợp những tiến trình ở văn hóa nghệ thuật ba chục năm cuối thế kỷ, vốn là sự phản ứng lại hiện tượng tiền phong, ở khoa học chúng ta cũng bị phiên chuyển thành postmodernizm, tức là một thuật ngữ hiển nhiên có màu sắc đánh giá tiêu cực ố màu sắc này không hề có trong các thuật ngữ tương ứng ở các thứ tiếng phương Tây”(11).

Có thể mục từ trên đây được soạn thảo chưa thật tốt, nhưng người nước ngoài đọc nó đã thấy sự tự phê bình nghiêm khắc của giới học giả Nga về những sai lầm, lệch lạc ở ngành khoa học của mình thời gian trước.

Có lẽ, di sản nghiên cứu, phê bình về văn nghệ phương Tây thông qua phạm trù chủ nghĩa hiện đại của giới học giả Xô Viết cho đến tận bây giờ vẫn chưa phải đã mất hết mọi giá trị. Điều tương đối dễ thấy là giới học giả Xô Viết chỉ “phê phán trùm lớp” khi nói chung về chủ nghĩa hiện đại, nhưng lại khá thận trọng khi nói về những văn nghệ sĩ lớn dù cho rằng họ không nằm ngoài khuynh hướng bao trùm ấy. Chính M.A. Lifshits, - người mà lời văn thích hợp cho diễn đàn độc thoại hơn là cho loại sách chỉ dẫn, cũng đã có chỗ ghi nhận rằng “những người đặt cơ sở cho chủ nghĩa hiện đại hồi thế kỷ XIX là những nhà thơ và họa sĩ tài năng lớn, làm nên những tác phẩm có sức tác động rất mạnh đến trí óc và tình cảm của những người cùng thời, mặc dù ở hoạt động sáng tác của họ có nhiều nét bệnh hoạn. Chỉ cần nhắc đến Ch. Baudelaire trong thơ và Van Gogh trong hội họa”(12). Hầu hết các nhà nghiên cứu khác đều chọn cách tiếp cận tương tự. Đây không hẳn là một thứ sách lược, bởi vì trước mặt các nhà nghiên cứu là những nhà văn tầm cỡ như J. Joyce và M. Proust, J.P. Sartre và A. Camus, E. Ionesco và S. Beckett, v.v... Các học giả Xô Viết có thể dành một phần trong công trình của mình để nêu ra những hạn chế trong sáng tác của họ, kiểu như “hạn chế về vốn sống và thế giới quan”, nhưng không thể không thừa nhận những thành tựu lớn của họ.

Rốt cuộc, đối với giới độc giả chỉ xúc tiếp với sự phân tích luận bàn của giới nghiên cứu Xô Viết, những thành tựu lớn nhất của văn nghệ thế kỷ XX, những phát hiện nghệ thuật đặc trưng cho văn nghệ nhân loại thế kỷ XX, ố dường như chủ yếu do các văn nghệ sĩ thuộc chủ nghĩa hiện đại làm nên. Dẫu đây là “cảm tưởng chủ quan” hay “suy diễn khách quan” từ phía công chúng thì nó cũng vẫn không phải là kết quả đáng mong muốn của việc dùng nghiên cứu làm phương tiện tuyên truyền.

2. Cho đến hiện nay, tức là thế giới ở thời kỳ sau “chiến tranh lạnh”, có thể nói đã có cơ hội cho việc xây dựng, chỉnh đốn, bồi đắp phạm trù “chủ nghĩa hiện đại” với cách hiểu không quá cách biệt và đối lập nhau, - chủ nghĩa hiện đại như một khái niệm văn học sử có khả năng chứa đựng những đặc điểm của tiến trình văn học thế kỷ XX. ở học thuật phương Tây, từ đầu những năm 1980, khi thuật ngữ “hậu hiện đại” có được cái quy chế của một khái niệm (có vai trò quan trọng trong việc này là cuốn sách của F. Lyotard)(13) thì khái niệm “chủ nghĩa hiện đại” như một thuật ngữ văn học sử cũng dần dần được thông dụng(14). Các học giả Nga nghiên cứu phương Tây cũng đang kiến tạo lại nội hàm thuật ngữ “modernizm” theo hướng một khái niệm văn học sử xác định.

Có một điểm cần lưu ý là, việc gọi tên một loạt hiện tượng văn học nghệ thuật từ đầu thế kỷ XX đến tận những năm 1970 (từ chủ nghĩa tiền phong đến chủ nghĩa hiện sinh và “tiểu thuyết mới”) là “chủ nghĩa hiện đại” dẫu sao cũng chưa phải là một phương án tốt về tên thuật ngữ. Là vì “moderne” (hàm nghĩa là hiện đại, hiện tại, đương đại) luôn luôn trỏ ý niệm thời gian hiện tại của người phát ngôn, thời gian đương thời với nhà nghiên cứu. Một hiện tượng văn hóa sau khi xảy ra, diễn ra, tức là sau khi đã qua thời hiện tại của mình sẽ trở thành quá khứ. Những hiện tượng lớn như “Phụ hưng”, “Khai sáng”, “Lãng mạn” đã từng là như vậy. Ở vào đầu thế kỷ XXI này, việc gọi những hiện tượng diễn ra trong khoảng thời gian 1900 - 1970 là “hiện đại” đã là cách gọi khó xuôi tai (cách gọi “hậu hiện đại” tức là “sau đương thời”, trỏ cái tương lai về sau... còn khó xuôi tai hơn nữa). Hiện cũng đã thấy có người chủ trương dùng khái niệm “tiền phong” (avant-gard, avant-gradisme) thay cho toàn bộ những hiện tượng được quy vào “chủ nghĩa hiện đại”(15). Cho nên “chủ nghĩa hiện đại” ta đang nói đây vẫn chỉ nên được xem là cách gọi ước lệ; có thể học giả thời sau sẽ tìm được thuật ngữ thích đáng hơn làm tên gọi cho khuynh hướng này.

Giới học giả châu âu cho biết từ modernus đã được các đức cha của giáo hội Ki Tô giáo dùng để gọi cái thế giới đã Ki Tô hóa, phân biệt với quá khứ của nó là các xã hội đa thần giáo vùng Địa Trung Hải mà họ biểu thị bằng từ anticuus; về sau, tùy thuộc vào sự thay đổi định hướng giá trị của giới học giả các thời đại khác nhau, anticuus được xem là bao gồm cả thời trung đại, rồi được đẩy dần về sau, với cách gọi mập mờ là các thời đại hoặc xã hội “truyền thống” (traditional)(16); modernus khi thì được tính từ chủ nghĩa duy lý thời cận đại, khi thì được tính từ thời khai sáng với đặc trưng là niềm tin vào tiến bộ, là việc lấy chỗ dựa ở tri thức khoa học, khi thì được tính từ những thực nghiệm văn chương nửa sau thế kỷ XIX, hoặc lùi gần hơn nữa, từ chủ nghĩa tiền phong ở hai thập niên đầu thế kỷ XX(17).

Cái hiện tượng văn hóa nghệ thuật được gọi bằng “chủ nghĩa hiện đại” chính là một quan niệm thẩm mỹ và những thực tiễn sáng tác văn nghệ thể hiện nó, đã hình thành vào những năm 1910 và phát triển tăng tốc trong hai thập niên giữa hai cuộc đại chiến I và II. Một số nhà nghiên cứu muốn dịch chuyển cái mốc hình thành chủ nghĩa hiện đại về thập niên 70 của thế kỷ XIX với sự hiện diện của “những thi sĩ bị nguyền rủa” như P. Verlaine, A. Rimbaud, thậm chí về năm 1857, năm công bố tập thơ Hoa ác của Ch. Baudelaire. Nhưng quan điểm được thừa nhận rộng rãi hơn thì gắn sự hình thành chủ nghĩa hiện đại với những thập niên đầu thế kỷ XX, khi trong văn nghệ châu Âu xuất hiện hàng loạt trường phái, khuynh hướng, dù khác biệt trong các cương lĩnh và tuyên ngôn, vẫn có điểm chung, cho thấy mẫn cảm của các văn nghệ sĩ về những biến chuyển lịch sử đang diễn ra, kéo theo sự phá sản của nhiều giá trị tinh thần, tín ngưỡng từng là thiêng liêng, là máu thịt, là thiên kinh địa nghĩa đối với các thế hệ trước họ. Từ đó ở họ nảy sinh niềm tin vào sự tất yếu phải đổi mới triệt để ngôn ngữ nghệ thuật, phải dứt bỏ truyền thống chủ nghĩa hiện thực vốn đã đạt đến tầm mức kinh điển vào cuối thế kỷ XIX và có cơ trở nên cạn kiệt khả năng biểu đat trạng thái cuộc sống con người ở một thời đại đã đổi khác.

Khủng hoảng xã hội đầu thế kỷ XX là sự kiện có thực, và nó đã làm bùng nổ hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ này. Đây cũng là thế kỷ chứng kiến những cơn điên rồ tập thể của những bộ phận nhân loại nhất định mà hậu quả tàn phá của chúng không thua gì chiến tranh. Đối với “nhân loại Âu châu” (chữ dùng của M.M. Bakhtin) mà sự phát triển từ thời Phục hưng, Khai sáng đến Cận, hiện đại đã làm hình thành một não trạng trí thức đặc thù, gắn với chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa tự do, gắn với niềm tin vào tính liên tục của tiến bộ xã hội, thì trạng thái khủng hoảng xã hội nói trên khiến niềm tin vào tiến bộ xã hội trở nên thiếu căn cứ, các giá trị nhân đạo, tự do đứng trước nguy cơ phá sản. Chủ nghĩa thực chứng trong nhận thức từng là thành tựu tư tưởng của thế kỷ XIX và in dấu ảnh hưởng đến sự phát triển văn học, đến lúc này cũng đang trở nên lỗi thời, khi mà sự phát triển của khoa học (khoa học tự nhiên, xã hội, nhân văn) đem lại những quan niệm mới, làm thay đổi căn bản cách hình dung về thế giới.

Người ta cho rằng về tư tưởng khoa học, những thành tựu chủ yếu trong mọi lĩnh vực tri thức khoa học kể từ cuối thế kỷ XIX đều là tác nhân gián tiếp kích thích sự phát triển của chủ nghĩa hiện đại. Về triết học, đáng kể là các học thuyết chính của triết học hậu cổ điển, từ Schopenhauer, Nietzsche, Kierkegaard đến Bergson, Heidegger và J.P. Sartre. Về tâm lý học và tâm bệnh học, đáng kể trước hết là chủ nghĩa Freud và lý thuyết của C.G. Jung. Về các khoa học nhân văn, đáng kể nhất là việc nâng ngữ học lên cấp độ một bộ môn văn hóa học triết học; là sự vượt khỏi tư tưởng lấy châu Âu làm trung tâm (Europocentrisme) và hệ quả của nó là việc gia tăng chú ý đế văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng phương Đông; là sự nảy sinh những ngành như thần trí học (théosophia), thần trí học nhân loại (anthroposophia), và các học thuyết bí truyền (esotérisme) mới. Về các khoa học xã hội, đáng kể nhất là các lý thuyết chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa vô chính phủ.

Về cái phức thể đa tạp những hiện tượng văn nghệ làm nên phạm trù chủ nghĩa hiện đại, từ các nhóm phái và khuynh hướng mang đậm tính tiền phong đầu thế kỷ, trước và sau thế chiến I, đến văn học hiện sinh, văn học và sân khấu phi lý sau thế chiến II, người ta nêu một số nét đặc trưng chung: tính chất thử nghiệm, thường là cố ý; cảm hứng cách mạng, đập phá đối với văn nghệ truyền thống (nhất là giai đoạn sau cùng) và các giá trị văn hóa truyền thống; sự chống đối gay gắt tất cả những gì bị họ (những người tham dự các nhóm phái ấy) coi là thoái bộ, bảo thủ, phàm tục, tư sản, hàn lâm; ở các nghệ thuật thị giác và văn học thì có sự từ chối ngạo ngược đối với lối miêu tả “trực tiếp” (hiện thực chủ nghĩa, tự nhiên chủ nghĩa, tức là lối miêu tả đã được khẳng định từ thế kỷ XIX) cái thực tại “mắt thấy”; tham vọng tạo nên được cái mới thật sự, trước hết là cái mới trong các hình thức, thủ pháp và phương tiện biểu đạt nghệ thuật; do vậy thường có tính chất tuyên bố tuyên ngôn, gây bê bối, thích lòe thích trộ khi giới thiệu mình, tác phẩm của mình, nhóm phái mình; nỗ lực xóa mờ ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật đã thành truyền thống đối với châu Âu từ cận đại; có xu hướng tổng hợp một số ngành văn nghệ, đem chúng xuyên thấm nhau, thay thế nhau.

Do cảm được một cách sắc nhạy những đột biến đang xảy ra ở văn hóa nói chung, các nghệ sĩ hiện đại chủ nghĩa, trước hết là các nhà tiền phong, thường tự gán cho mình chức năng kẻ hạ bệ cái cũ, dự báo và sáng tạo cái mới, trước hết là trong văn nghệ. Do tâm thế này, họ thường khẳng định và tuyệt đối hóa những hình thức, phương cách, thủ pháp biểu đạt nghệ thuật mà họ tìm lại được hoặc phát minh ra. Điều này dẫn đến chỗ tuyệt đối hóa từng yếu tố hoặc toàn bộ các yếu tố của các ngôn ngữ nghệ thuật, các thủ pháp miêu tả và biểu cảm của văn nghệ truyền thống, tách chúng khỏi văn cảnh văn hóa lịch sử truyền thống. Do vậy, mục tiêu và nhiệm vụ của văn nghệ được các đại diện của các khuynh hướng khác nhau nhìn nhận hết sức khác nhau, thậm chí đi đến chỗ phủ định văn nghệ như nó vốn có trong quan niệm ở châu Âu từ cận đại.

Người ta nêu ra một vài tham số để phân loại một cách ước lệ các hiện tượng văn nghệ thuộc phạm trù chủ nghĩa hiện đại như sau.

Đối với tiến bộ khoa học công nghệ: Các phái vị lai (futurizm), kiến tạo (konstruktivizm), suprematizm, luchizm, “nghệ thuật phân tích”, (Conceptual Art) - có thái độ chấp nhận vô điều kiện và sẵn sàng biện hộ; các phái dã thú (fauvisme), biểu hiện (expressionisme), một số phái và một vài đại diện của nghệ thuật trừu tượng, nghệ thuật thơ ngây, chủ nghĩa siêu thực, sân khấu phi lý, văn học hiện sinh, M. Chagall, P.Klee, Modigliani, O. Messiaen(18), - có thái độ các cảm, khó chịu. Một số phái và đại diện khác thì giữ thái độ nước đôi bề ngoài hoặc không bộc lộ thái độ. Một số nghệ sĩ và khuynh hướng lại tích cực trông cậy vào các thành tựu của các khoa học tự nhiên và nhân văn, ví dụ chủ nghĩa siêu thực và sân khấu phi lý có ý thức sử dụng nhiều thành tự phân tâm học của Freud và tâm lý học phân tích của Jung; một số khuynh hướng văn học, sân khấu tiếp nhận ảnh hưởng của triết học Bergson hoặc triết học hiện sinh; các nhà kiến tạo chủ nghĩa (konstruktivist) xây dựng lý thuyết của mình dựa vào những thành tựu mới nhất của ngữ học và triết học. Xét về nội tại, toàn bộ văn nghệ hiện đại là sự phản xạ tích cực hoặc tiêu cực đối với tiến bộ khoa học và công nghệ.

Đối với tính tâm linh: Lập trường duy vật chủ nghĩa, lập trường khoa học luận, lập trường thực chứng chủ nghĩa có thái độ phủ nhận quyết liệt đối với quan niệm cho là Linh hồn, tâm linh tồn tại một cách khách quan, - giữ lập trường này là các phái lập thể, kiến tạo, “nghệ thuật phân tích”, “nghệ thuật động”, pop-art, op-art, nghệ thuật khái niệm, body art(19) v.v... Ngược lại, sự tìm kiếm ráo riết Linh hồn, tâm linh như là cái cứu vớt khỏi sự lũng đoạn của chủ nghĩa duy vật và khoa học luận, - được thể hiện ở một loạt xu hướng của nghệ thuật trừu tượng (W. Kandinsky(20) và những người theo phái ông), ở chủ nghĩa tượng trưng Nga thế kỷ XX, ở suprematizm của Malevich, ở hội họa siêu hình, ở chủ nghĩa siêu thực, ở một vài nghệ thuật hành động khác. Một loạt khuynh hướng khác thờ ơ, không chú ý vấn đề này.

Nhiều khuynh hướng trong chủ nghĩa hiện đại phân cực theo thái độ đối với các cơ sở tâm lý học của sáng tác và tiếp nhận nghệ thuật. Một số khuynh hướng, dưới ảnh hưởng của khoa học luận, đã khẳng định căn cứ duy lý của nghệ thuật; đó trước hết là phái ấn tượng mới với phương pháp điểm mảng màu (divisionnisme) và những họa sĩ thuộc phái trừu tượng dựa vào phương pháp điểm mảng màu này, họ tìm các quy luật khoa học về tác động của màu (và hình) đến con người; đó còn là “nghệ thuật phân tích”, là chủ nghĩa kiến tạo, nghệ thuật khái niệm, nhạc hệ 12 âm (dodécaphonisme) trong âm nhạc. Một phần lớn các khuynh hướng và cá nhân nghệ sĩ lại hướng về nguyên tắc phi lý tính (irrationalisme) của sáng tác nghệ thuật, (cái nguyên tắc dường như đã được thúc đẩy bởi không khí tinh thần sôi sục hỗn tạp nửa đầu thế kỷ với màu sắc tận thế luận gây nên bởi các cuộc chiến tranh đổ máu, bởi khát vọng của nhân loại nhằm chế tạo những phương tiện hủy diệt hàng loạt.

Do vậy mà có việc tích cực sử dụng các thủ pháp phi logic, nghịch lý, phi lý trong sáng tác (phái đađa; phái siêu thực; văn học “dòng ý thức”; aleatoric với việc tuyệt đối hóa nguyên tắc ngẫu hứng trong sáng tác và trình diễn âm nhạc; thơ cụ thể và nhạc cụ thể; sân khấu phi lý và văn học phi lý với sự khẳng định tính bế tắc và bi đát của sinh tồn nhân loại, tính phi lý của cuộc đời, tâm trạng tận thế).

Đối với nghệ thuật truyền thống: chỉ có các nhà vị lai, đađa và kiến tạo là tuyên bố lập trường phủ định gay gắt. Pop-art, phái cực hạn (minimalizm)(21) và nghệ thuật khái niệm thì im lặng chấp nhận sự phủ định đó như sự kiện đã rồi, như chân lý hiển nhiên. Phần lớn các khuynh hướng và cá nhân nghệ sĩ, nhất là vài ba chục năm đầu thế kỷ XX, đã phê phán gay gắt nghệ thuật thực chứng thực dụng, nghệ thuật hàn lâm hóa suốt ba thế kỷ gần đây (nhất là thế kỷ XIX). Tất nhiên bị phê phán không phải là toàn bộ nghệ thuật mà chỉ là các khuynh hướng bảo thủ, hình thức chủ nghĩa, tự nhiên chủ nghĩa và hiện thực chủ nghĩa; các tìm tòi và thành tựu nghệ thuật của các thế kỷ đã quá ấy, nhất là ở lĩnh vực các phương thức biểu hiện và các phương tiện hình thức thì vẫn được chấp nhận và bị tuyệt đối hóa. Được chú ý tìm kiếm là các giai đoạn nghệ thuật sớm hơn: nghệ thuật phương Đông, nghệ thuật châu Phi, châu Mỹ Latin, nghệ thuật vùng Nam Đảo v.v...

Đối với các phong trào chính trị: bảng màu thiện cảm cũng thật tạp sắc. Nhiều nhà vị lai Nga nhiệt tình chào đón cách mạng XHCN và ủng hộ cách mạng (nhất là những năm đầu) bằng sáng tác của mình. Một số nhà vị lai Italia chấp nhận và ủng hộ tư tưởng phatxit của Mussolini. Các nhà đađa thì gần gũi với tinh thần vô chính phủ. Nhiều nhà siêu thực gia nhập đảng cộng sản Pháp. Phần đông các nghệ sĩ tiền phong không có tín niệm chính trị thật sự có ý thức, nhưng hay tuyên bố các quan điểm hoặc mục tiêu này khác, thường để tự quảng cáo, gây chú ý.

Xét từ góc độ ý nghĩa văn hóa lịch sử, trong số các khuynh hướng và các nghệ sĩ hiện đại chủ nghĩa, có khuynh hướng và nghệ sĩ đạt tới ý nghĩa phổ quát toàn cầu, có khuynh hướng và nghệ sĩ chỉ có ý nghĩa cục bộ hạn hẹp. Có thể xếp vào loại có ý nghĩa phổ quát toàn cầu, có tác động đến tiến trình phát triển văn hóa nghệ thuật thế kỷ XX các khuynh hướng như: nghệ thuật trừu tượng, chủ nghĩa đađa, chủ nghĩa kiến tạo, chủ nghĩa siêu thực, nghệ thuật khái niệm, sáng tạo của Picasso trong các nghệ thuật thị giác, nhạc hệ 12 âm và thuyết ngẫu hứng trong âm nhạc; Joyce, Proust, Khlebnikov(22) trong văn học. Phần lớn khuynh hướng và nghệ sĩ hoặc góp phần chuẩn bị cơ sở cho những hiện tượng phổ quát toàn cầu, hoặc củng cố và phát triển thành tựu của những hiện tượng ấy, hoặc thúc đẩy một loại hình nghệ thuật nào đó trong khuynh hướng nhỏ của mình, đem lại một cái gì đó mới mẻ cho văn nghệ hiện đại chủ nghĩa. Xét về giá trị thẩm mỹ nghệ thuật, ngày nay đã rõ ra rằng phần lớn các nghệ sĩ hiện đại chủ nghĩa chỉ tạo ra được những tác phẩm có ý nghĩa nhất thời, ý nghĩa thể nghiệm thuần túy. Tuy vậy, chính chủ nghĩa hiện đại lại cống hiến những gương mặt lớn của thế kỷ XX đã đi vào lịch sử văn nghệ thế giới: Kandinsky, Chagall, Malevich, Picasso, Matisse, Modigliani, Dali, Joyce, Proust, Kafka, Eliot, Ionesco, Beckett, Schonbert, Stockhausen, Cage, Le Corbusier, và nhiều tên tuổi lớn khác(23).

Ý nghĩa văn hóa lịch sử của chủ nghĩa hiện đại còn chưa bộc lộ hoàn toàn, tuy vậy người ta thấy rõ ràng là:

- Chủ nghĩa hiện đại cho thấy tính tương đối hiển nhiên về văn hóa lịch sử của các hình thức, cách thức, phương tiện và kiểu thức ý thức thẩm mỹ nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ nghệ thuật, biểu cảm thẩm mỹ nghệ thuật;

- Chủ nghĩa hiện đại đẩy đến sự hoàn tất logic (thường là đến chỗ phi lý) mọi hình thức cơ bản của các loại hình nghệ thuật của châu Âu từ cận đại, do vậy chỉ ra một cách thuyết phục rằng chúng đã lỗi thời xét về mặt là những hiện tượng văn hóa cấp thời, chúng không còn phù hợp với trình độ hiện tại (và cả tương lai) của tiến trình văn minh văn hóa, không còn biểu đạt được tinh thần thời đại, không còn đáp ứng được những nhu cầu tinh thần - thẩm mỹ - nghệ thuật vốn rất biến đổi, năng động của con người hiện tại và do vậy của con người ở xã hội công nghệ cao tương lai;

- Chủ nghĩa hiện đại đã tạo ra theo lối thử nghiệm nhiều yếu tố, hình thức, thủ pháp, tiếp cận, giải pháp... nhằm biểu đạt, trình bày, vận hành (một cách nghệ thuật và phi nghệ thuật) cái mà đến giữa thế kỷ XX đã được gọi là “văn hóa nghệ thuật”, cái mà ngày nay đang ở giai đoạn chuyển tiếp toàn cầu sang một thứ khác hẳn, được xem là một văn minh mới nảy sinh thay chỗ cho nghệ thuật;

- Chủ nghĩa hiện đại trợ giúp cho sự phát sinh và thành hình những loại hình nghệ thuật (kỹ thuật) mới như nhiếp ảnh, điện ảnh, truyền hình, nhạc điện tử, nghệ thuật vi tính, các show trình diễn đa năng kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trên cơ sở kỹ thuật hiện đại.

Các phát hiện và sáng chế của chủ nghĩa hiện đại đang được một thế hệ mới sử dụng để xây dựng một “văn hóa nghệ thuật” (hoặc một hệ hình văn hóa có tên gọi khác) mới, chủ yếu theo các hướng: 1) tạo dựng một môi trường sống của con người được tổ chức về thẩm mỹ, trên cơ sở các thành tựu khoa học công nghệ mới và tổng hợp các yếu tố của nhiều loại nghệ thuật truyền thống; 2) tạo dựng các show trình diễn kỹ thuật cao; 3) tạo dựng analogue văn hóa nghệ thuật điện tử (viedo, CPU, laser) toàn cầu, đặt cơ sở ở việc đưa người tiếp nhận vào thực tại ảo.

Chủ nghĩa hiện đại không bao trùm toàn bộ văn hóa nghệ thuật thế kỷ XX; ở văn hóa thời này vẫn thấy có chỗ đứng nhất định cho những nghệ thuật tiếp tục truyền thống văn hóa quá khứ, những hiện tượng trung lập, tựa như cầu nối giữa văn hóa truyền thống và chủ nghĩa hiện đại. Tuy nhiên, chính chủ nghĩa hiện đại đã làm lung lay và phá hủy các chuẩn mực và nguyên tắc thẩm mỹ truyền thống, các hình thức và phương pháp biểu hiện nghệ thuật truyền thống; chính chủ nghĩa hiện đại đã mở ra khả năng cho những cách tân không giới hạn trong lĩnh vực này, thường là dựa vào các thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật; chính chủ nghĩa hiện đại đã mở đường cho sự chuyển tiếp văn hóa nghệ thuật sang một chất mới, vẫn còn chưa định hình. Chủ nghĩa hiện đại đã hoàn tất sự tồn tại của mình như một hiện tượng toàn cầu vào những năm 1960 - 1970. Chứng tỏ điều này là sự nảy sinh chủ nghĩa hậu hiện đại.

3. Sau các phần mang tính lược thuật thông tin trên đây, người viết muốn dành riêng một phần để nêu vấn đề nghiên cứu chủ nghĩa hiện đại ở văn học Việt Nam.

Có thể đặt vấn đề đi tìm các biểu hiện của chủ nghĩa hiện đại ở văn học, và rộng hơn, ở văn nghệ Việt Nam hay không? Theo tôi về nguyên tắc là có thể. Đối với văn học trung đại Việt Nam vốn phát triển trong đặc tính của vùng văn hóa Đông á, sẽ không dễ dàng thuận lợi nếu người nghiên cứu muốn khảo sát sự phát triển của nó thông qua những phạm trù như trào lưu, khuynh hướng, trường phái. Nhưng đối với văn học Việt Nam thế kỷ XX là bộ phận văn học đã hội nhập trên nét lớn vào tiến trình văn học chung của thế giới hiện đại thì việc nghiên cứu nó theo những dấu hiệu nêu trên là hoàn toàn thích đáng. Trên thực tế, giới nghiên cứu đã thu được kết quả khả quan khi miêu tả văn học Việt Nam thế kỷ XX thông qua sự phát triển của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực như những khuynh hướng văn nghệ, thậm chí như những phương pháp sáng tác.

Về chủ nghĩa hiện đại, sự biểu hiện của nó là hiển nhiên ở văn học đô thị miền Nam 1954 - 75, bộ phận văn học tồn tại trong sự liên thông rõ rệt với văn học phương Tây đương thời, và người ta đã ghi nhận các biểu hiện trong nền văn học này của chủ nghĩa hiện sinh, của kỹ thuật tiểu thuyết mới(24) (những tư trào thuộc chủ nghĩa hiện đại theo quan niệm đã được thừa nhận ở Tây Âu ngày nay, tuy đương thời chưa được gọi như thế, và vì vậy hầu như không thấy thuật ngữ này trên sách báo văn nghệ đô thị miền Nam đương thời. Tuy nhiên, đối với các giới nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay, bộ phận văn học này hiện vẫn nằm ngoài phạm vi quan tâm phân tích và có lẽ còn xa mới có đủ điều kiện để trở thành đề tài nghiên cứu thực sự nghiêm chỉnh, nên người viết xin tạm gác điều này lại đó.)

Tôi muốn tập trung xem xét những bộc lộ sớm hơn của khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa ở văn học Việt Nam.

Ta hãy nhắc lại sự kiện văn học sử đã được thừa nhận khá rộng rãi là mô hình một nền văn học thế giới hóa, gần với văn học các nước phương Tây, đã được định hình ở Việt Nam từ đầu những năm 1930. Sự kiện này gắn với sự xuất hiện lớp nhà văn đầu tiên mà học vấn được tiếp nhận là từ các trường Pháp Việt, từ nền học Pháp Việt, sản phẩm sự điều tiết chính sách ngôn ngữ ở thuộc địa này của chính quyền thực dân Pháp(25). Đối với tiến trình văn học sử Việt Nam, sự kiện này chuyển văn học Việt Nam từ thời cận đại sang thời hiện đại. Nét trội trong sự tiếp nhận ảnh hưởng bên ngoài, từ đây sẽ thuộc về văn học phương Tây, trước hết là văn học Pháp. Người ta đã nêu nhận xét về hiện tượng độ dài thời gian và ba thế kỷ của tiến trình văn học Pháp đã được tái diễn nhanh chóng và đan xen đồng thời nhiều khuynh hướng với nhau trong ba bốn chục năm của văn học Việt Nam.

Tuy nhiên, ở những bộ phận lớn của văn học tiếng Việt kiểu mới thời đầu hiện đại hóa như “thơ mới”, kịch nói, văn xuôi tiểu thuyết, dấu vết ảnh hưởng phương Tây xét về khuynh hướng chưa phải là dấu vết chủ nghĩa hiện đại mà chủ yếu lại là dấu ấn chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, (những hiện tượng lớn nhất của văn học phương Tây thế kỷ XIX, thậm chí có cả dấu ấn chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa tình cảm của châu Âu thế kỷ XVII - XVIII.)

Dẫu sao, các bộ phận văn học này vẫn là của thời đại mình. Xét về ảnh hưởng từ ngoài, nó vừa noi theo cái bóng, cái quá khứ của văn học Pháp, vừa tìm cách làm quen với cái đang sống, cái đương thời của văn học Pháp. Những hiện tượng đặc thù của văn học thế kỷ XX ở phương Tây như các phái tiền phong, như khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa, rốt cuộc đã có hình thù cụ thể ở văn học Việt Nam, ngay trước và sau thế chiến II.

Xin đề cập những chuyển động bên trong phong trào thơ mới như một ví dụ cụ thể.

Tôi nghĩ có cơ sở để tin vào cảm tưởng của một số người trong cuộc của thơ mới cho rằng năm 1938 với sự công bố tập thơ Tinh huyết của Bích Khê là một cái mốc thời gian cho hai giai đoạn phát triển thơ mới. Giai đoạn trước với vai trò chủ đạo làm nên diện mạo thơ mới của các nhà thơ trong Tự Lực văn đoàn như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận mà nét chung về khuynh hướng nghệ thuật là một thứ lãng mạn duy lý. Giai đoạn sau với uy tín của Bích Khê, Hàn Mặc Tử, với dấu ấn khá rõ của các khuynh hướng tiền hiện đại chủ nghĩa và hiện đại chủ nghĩa như suy đồi (décadance), siêu thực, tiền phong...

Khác biệt giữa hai giai đoạn này thậm chí có thể thấy rõ ở thơ của một tác gia như Thế Lữ. So với Mấy vần thơ in lần đầu 1935, Mấy vần thơ, tập mới, in 1941, có thêm 20 bài. Trong 20 bài mới ấy có thể thấy ảnh hưởng Hoa ác của Baudelaire (trong những bài như Đêm mưa gió, Trụy lạc, Ma túy...) rõ hơn hẳn(26). (Tất nhiên Thế Lữ đã sớm từ bỏ sáng tác thơ để chuyển sang loại nghệ thuật khác và ông chỉ có vai trò rõ rệt ở thơ mới thời đầu).

Ở các tác giả “trường thơ loạn”, Hàn Mặc Tử với Chơi giữa mùa trăng và Đau thương, Bích Khê với Tinh huyết, Chế Lan Viên với Điều tàn, ( thơ mới tiếng Việt đã dấn bước vào lĩnh vực siêu thực và tượng trưng(27).)

Bước sang những năm 1940, những hiện tượng có tìm tòi cách tân đều ít nhiều mang tính tiền phong chủ nghĩa. Hoặc đó là ảnh hưởng của “trường thơ loạn” đến các nhóm thơ ở Hà Nội trong đó có những tên tuổi như Hoàng Lộc (Từ tịch dương đến bình minh)(28), Đông Hoài (Giác linh hương), Đinh Hùng (Mê hồn ca), Trần Dần, Vũ Hoàng Địch và nhóm Dạ đài. Hoặc đó là khuynh hướng tìm về tinh thần văn hóa phương Đông của nhóm Xuân Thu nhã tập. Về một khía cạnh nào đó, xu hướng cách mạng vô sản chống đế quốc như ở tập Từ ấy của Tố Hữu cũng mang tính tiền phong chủ nghĩa, về cả nghệ thuật lẫn hệ tư tưởng, nhất là đối với không khí văn hóa công khai ở Việt Nam đương thời. Nhưng khẳng định điều này hiện nay có thể gây tranh cãi không cần thiết, nên xin coi như một giả định.

Về hiện tượng Xuân Thu Nhã Tập, cách đây dăm bảy năm, Tạp chí văn học của Viện Văn học có đăng bản dịch bài của nhà nghiên cứu người Nhật Nohira Munehiro, trong đó so sánh nhóm Xuân Thu Nhã Tập ở Việt Nam những năm 1940 với phong trào nghệ thuật tiền phong đầu thế kỷ XX của phương Tây như các phái vị lai, đa đa, siêu thực...( 29) Tinh thần tiền phong chủ nghĩa của Xuân Thu Nhã Tập được Nohira Munehiro nhận thấy ở 4 nội dung cụ thể; trước hết ở việc nhóm này có thái độ đối lập với thành quả những năm 1930 của thế hệ trước và coi việc tìm ra cái mới hơn như động lực vận động nghệ thuật. ở việc Xuân Thu Nhà Tập chủ trương chuyển cái “tôi” sang cái “ta”, Nohira Munehiro nhận ra “hiện tượng hoài nghi đối với chủ thể cá nhân hiện đại”, “yêu cầu vươn đến chỗ cùng cảm thông, hòa mình với cái bên ngoài, phá bỏ khuôn khổ cá nhân nhỏ hẹp”. Nhà nghiên cứu người Nhật nhận ra ở chỗ này sự gặp gỡ về tư tưởng nghệ thuật của Xuân Thu Nhã Tập với thuyết phi ngã trong thơ (impersonal theory of poetry)(30) của T. S. Eliot (1918), thậm chí với thuyết “cái chết của tác giả” của R. Barthes (những năm 1970). Nohira xem các bài thơ Buồn xưa, Hồn ngàn mùa, Bình tàn thu của Nguyễn Xuân Sanh, bài Thư,... thơ.... của Phạm Văn Hạnh in trong Xuân Thu Nhã Tập như hiện thân của thứ thơ “phi ngã” ấy. ở “tính tự phủ định theo chủ nghĩa hư vô kiểu Phật giáo” của Xuân Thu Nhã Tập, nhà nghiên cứu người Nhật cũng thấy thể hiện tinh thần tiền phong theo kiểu phương đông với một “mỹ học về nghệ thuật chết”(29), mà hiện thân có thể là bài Thư..., thơ... của Phạm Văn Hạnh, nói theo Nohira, “khi loại bỏ từ ngữ, lẳng lặng đạt đến điểm cuối cùng của cái im lặng, lặng lẽ, có lẽ thơ sẽ phủ định sự tồn tại của chính nó”(29), hoặc có thể là vở kịch Thằng Cuội ngồi gốc cây đa của Đoàn Phú Tứ, mà Nohira gọi là “một bi kịch của tinh thần tiền phong”(29).

“Khi những cái đáng phá hủy không còn lại gì nữa theo nghĩa tượng trưng thì tiền phong phải tự tử, do nhận thức sự nhất quán trong bản thân nó” (nhận xét này của Matei Calinescu trong cuốn Năm mặt của Hiện đại (Five Faces of Modernity, 1987) mà tôi chuyển dẫn từ bài trên đây của Nohira Munehiro, (nếu áp dụng vào thực tiễn văn hóa văn nghệ Việt Nam những năm 1940 - 50, thì có thể nói “những cái đáng phá hủy” vẫn hiện diện rất nhiều trước mắt các thế hệ văn nghệ sĩ mới, nhất là khi họ được trang bị những cái nhìn mang tính cách mạng. Vì vậy các hiện tượng tiền phong vẫn liên tục xuất hiện cho đến cuối những năm 1950.)

Xin nhớ rằng nhóm Văn Hóa Cứu Quốc trong Mặt trận Việt Minh sau đổi là Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam, từ đầu năm 1945 đã chọn tên tờ báo đầu tiên của mình là Tiên phong và ở nhan đề tờ báo thường ghi câu tuyên ngôn trong đó có ý “hoài bão một nền văn hóa cấp tiến nay mai”. Hoạt động của hội này và tờ báo của nó trong khoảng thời gian ngắn từ tiền khởi nghĩa đến bùng nổ toàn quốc kháng chiến có mang khuynh hướng tiền phong hay không, là điều cần nghiên cứu thêm.

Ngoài hoạt động của Văn hóa cứu quốc, ta còn có thể thấy khuynh hướng nghệ thuật tiền phong bộc lộ ở những hiện tượng khác. ở quyển Tương lai Văn nghệ Việt nam (1945) của Trương Tửu cũng có một khuynh hướng tiền phong, dự phóng tương lai nền văn nghệ sau cách mạng theo một sơ đồ không tưởng của tác giả, và nó lập tức bị tờ Tiên phong của Văn hóa cứu quốc bút chiến chống lại. Nhóm Dạ Đài với tờ Dạ Đài số 1 (Hà Nội, 1946) trong đó có Bản tuyên ngôn tượng trưng ký tên Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch và một chùm thơ của các tác giả nhóm này(31), hiển nhiên là một hiện tượng tiền phong chủ nghĩa trong ý đồ đổi mới thơ ca.

Ở văn nghệ kháng chiến, thể nghiệm đổi mới thơ của Nguyễn Đình Thi mang tính tiền phong nghệ thuật rõ rệt, đã bị các cựu thủ lĩnh thơ mới tiền chiến như Thế Lữ, Xuân Diệu, Thanh Tịnh... và số đông văn nghệ sĩ và công chúng ngoại đạo phê phán lên án gay gắt(32). Các khuynh hướng tiền phong tuy xem như yếu thế, thậm chí bị thua ở sự việc này, lại có cơ thắng thế ở nhiều việc khác, ví dụ khi nêu chủ trương đình chỉ những loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng và cải lương, như hoài nghi giá trị nghệ thuật của tranh sơn mài, như đề cao loại sáng tác đại chúng (thơ đội viên, thơ ca phát động giảm tô và cải cách ruộng đất, thơ văn tố khổ...).

Cho đến tận giữa thập niên 1950, ở một sự kiện như cuộc tranh luận về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, qua ý kiến những người như Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Yến..., người ta cũng nhận thấy thấp thoáng ý tưởng tiền phong chủ nghĩa ở chỗ đòi đem thơ dấn thân Maiakovsky sau Cách mạng tháng Mười làm mẫu mực nội dung và hình thức cho thơ kháng chiến Việt Nam.

Như vậy những tìm tòi tiền phong chủ nghĩa, tức là thuộc những làn sóng thứ nhất của chủ nghĩa hiện đại, vẫn xuất hiện trong văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám và chỉ có vẻ lặng đi vào cuối những năm 1950, khi nền văn học chính thống độc tôn đã hoàn toàn định hình trong một xã hội được tổ chức theo mô hình cổ điển của chủ nghĩa xã hội(33).

Đối với toàn bộ văn học chính thống ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tính đến trước đổi mới (1986), lâu nay người ta vẫn gọi nó là văn học XHCN, văn học hiện thực XHCN. ở cự ly ít nhiều đã có độ lùi để nhìn lại như hiện nay, văn học ấy tương quan thế nào với văn học của chủ nghĩa hiện đại thế giới? Liệu có thể tiếp tục duy trì cách nhìn vốn có từ đương thời, xem chúng như hai bộ phận, hai kiểu văn học đối lập nhau cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật?

Ở chỗ này cũng cần biết những thôn tin mới. Đối với di sản văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Xô Viết, ngày nay cũng đã xuất hiện những kiến giải văn học sử khác hẳn trước đây. Chẳng hạn M. Epstein cho rằng: “...bằng sự kết hợp chiết trung các yếu tố thuộc các di sản cổ điển chủ nghĩa, lãng mạn chủ nghĩa, hiện thực chủ nghĩa và tiền phong (vị lai) chủ nghĩa, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã dọn xong mặt bằng cho chủ nghĩa hậu hiện đại, có điều chính nó còn chưa kịp gieo lên đó những hạt giống tự mỉa mai, do vẫn còn giữ lấy cái tuyệt đối nghiêm túc, cái thống thiết và thói tiên tri”(34). Điều đáng lưu ý là nhà nghiên cứu này đặt chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vào văn cảnh văn hóa lịch sử thế kỷ XX: chủ nghĩa hiện thực XHCN xuất hiện trong thế đối lập với chủ nghĩa tiền phong, nhưng nó kết hợp chiết trung tất cả các nguồn di sản, và hoạt động của nó cũng là chuẩn bị mặt bằng cho khuynh hướng gần đây nhất, tức là văn nghệ hậu hiện đại.

Thông tin về sự xử lý lý thuyết trên đây, có thể là một gợi ý cho việc nhận thức mới và nghiên cứu mới đối với giai đoạn phát triển văn học Việt Nam dưới dấu hiệu hiện thực xã hội chủ nghĩa, không đặt nó như ngoại lệ, không tách nó khỏi tiến trình văn học dân tộc và văn học nhân loại.

Trở lên là những phác họa mang tính gợi ý của tôi về sự hiện diện của chủ nghĩa hiện đại ở văn học Việt Nam thế kỷ XX, nhất là sự xuất hiện các khuynh hướng, các hiện tượng tiền phong chủ nghĩa trong văn học những năm 1940 - 1950. Đây mới chỉ hoàn toàn là những phác họa thăm dò, chưa phải những nhận định chắc chắn, càng chưa phải là những kết luận.

Hà Nội, tháng Ba, tháng Tư 2004

LẠI NGUYÊN ÂN

-----------------------------------------

CHÚ THÍCH

(1) - Đại bách khoa thư Liên Xô: Bolshaja Sovetskaja Enciklopedija (BSE), A.M. Prokhorov chủ biên, xuất bản lần ba, Moskva; T1-30; 1970-1978.

- Từ điển bách khoa Liên Xô: Sovetskij Enciklopedicheskij Slovar’ (SES), A.M. Prokhorov chủ biên, M., 1979 (tái bản 1982, 1984, 1985)

- Bách khoa thư nghệ thuật phổ thông: Populjarnaja khudozhestvenaja Enciklopedija / Arkhitektura. Zhivopis’. Skul’ptura. Grafika. Dekorativnoe Iskusstvo / V.M. Polevoj chủ biên. 2 quyển. M., 1986.

- Giản yếu bách khoa thư văn học: Kratkaja Literaturnaja Enciklopedija (KLE); A. A. Surkov chủ biên, T1 - 9, M., 1962 - 1979.

- Từ điển bách khoa văn học: Literaturnyj Enciklopedicheskij Slovar’; V.M. Kozhevnikov và P.A. Nikolaev đồng chủ biên. Moskva, 1987.

- Từ điển bách khoa của người trẻ tuổi nghiên cứu văn học: Eciklopedicheskij Slovar’ Junogo literaturoveda; V.I. Novikov soạn, M., 1988.

(2) SES, (sđd.) tr. 817.

(3) BSE, (sđd.) tập 16, M., 1974, tr. 402 - 404; Từ điển bách khoa triết học / Filosofskij Enciklopedicheskij Slovar’ / M., 1983, tr. 382 - 383.

(4) Bách khoa thư nghệ thuật phổ thông (sđd.), quyển 2, tr. 20 - 21.

(5) Từ điển bách khoa văn học (sđd.), tr. 225 - 226.

(6) KLE (sđd.), tập 4, M., 1967, cột 904 - 912.

(7) Từ điển thuật ngữ nghiên cứu văn học: Slovar’ literaturovedcheskikh terminov / L.I. Timofeev và S.V. Turaev biên soạn / Moska: “Prosveschenie”, 1974, tr. 222 - 225.

(8) Từ điển bách khoa của người trẻ tuổi nghiên cứu văn học: (sđd.), tr. 176 - 177.

(9) Về vấn đề này, xin xem cuốn Hệ thống Xã hội chủ nghĩa của Kornai János (Hungary), bản dịch của Nguyễn Quang A, Nxb. Văn hóa thông tin và Hội khoa học kinh tế Việt Nam, Hà Nội, 2002, - một tài liệu tối cần thiết cho những người nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay.

(10) Xem thêm mục từ “Chủ nghĩa hiện đại” trong cuốn 150 thuật ngữ văn học / Lại Nguyên Ân biên soạn; Nxb. ĐHQG Hà Nội, 1999, tái bản 2003, tr. 67 -71.

(11) Kulturologija XX vek. Enciklopedija. Tom II (M-Ja). Sankt-Peterburg, 1998, s. 61.

(12) BSE (sđd.), t. 16, M., 1974, tr. 402 - 403.

(13) V.S. Malakhov: Posmodernizm // Sovremennaja Zapadnaja filosofija. Slovar’, Moskva: 1991, str. 237 - 240.

(14) Xin xem thêm cuốn: Văn học hậu hiệnđại thế giới. Những vấn đề lý thuyết, Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn, 2003, tr. 173 - 219.

(15) Ví dụ mục từ “Avangard” do V.V. Bychkov viết trong “Kulturologija XX vek. Enciklopedija”// S.Ja. Levit tổng chủ biên. Tom I, Sankt-Peterburg, 1998, tr. 9-11.

(16) Xem bài của V.L. Inozemcev trong Văn học hậu hiện đại thế giới. Những vấn đề lý thuyết (sđd.), tr. 174 - 178.

(17) V.S. Malakhov: Sđd., tr. 238.

(18) Về tên gọi một số khuynh hướng và cá nhân nghệ sĩ (ít được biết đến ở Việt Nam) nêu trong đoạn này: konstruktivizm: tạm dịch là “chủ nghĩa kiến tạo” - khuynh hướng ở Liên Xô những năm 1920 trong kiến trúc, sân khấu, điện ảnh, trang trí, biểu ngữ...; suprematizm (lấy gốc từ Latin: supremus ố cao nhất), khuynh hướng ở Nga những năm 1910 trong nghệ thuật tạo hình do họa sĩ K.S. Malevich (1978 - 1935) đứng đầu; “nghệ thuật động” tức là kinetizm: khuynh hướng trong nghệ thuật tạo hình, đại diện là V.E. Tatlin (1885 - 1953) ở Liên Xô, A. Calder (1898 - 1976) ở Mỹ...; “nghệ thuật khái niệm” (Conceptual Art) - khuynh hướng nảy sinh cuối những năm 1960, đại diện là J. Kosuth, Le Witt...; Mark Chagall (1887 - 1985) họa sĩ Pháp gốc Nga; Paul Klee (1879 - 1985) họa sĩ Thụy Sĩ; A. Modigliani (1884 - 1920) họa sĩ Italia; Olivier Messiaen (1908 -?) nhạc sĩ Pháp.

(19) Pop-art (rút gọn từ tiếng Anh popular art - nghệ thuật đại chúng) - khuynh hướng xuất hiện những năm 1950 - 60 ở Mỹ, Anh, Đức...;

op-art (rút gọn từ tiếng Anh optical art - nghệ thuật quang học) - khuynh hướng trong nghệ thuật tạo hình, một dạng của “nghệ thuật động”, xuất hiện 1965 ở Mỹ.

body art (tiếng Anh: body art - nghệ thuật cơ thể) - khuynh hướng xuất hiện năm 1964 ở Vienna, thịnh hành từ những năm 1970.

(20) W. W. Kandinsky (1866 - 1944) họa sĩ Nga, từ 1921 sống lưu vong ở Tây Âu.

(21) “Nghệ thuật cực hạn” (minimal art), trào lưu nảy sinh ở Mỹ nửa đầu những năm 1960.

(22) James Joyce (1882 - 1941) nhà văn Irland; Marcel Proust (1871 - 1922) nhà văn Pháp; Velimir Khlebnikov (1885 - 1922) nhà văn Nga.

(23) P. Picasso (1881 - 1973) họa sĩ Tây Ban Nha -Pháp;H.Matise (1869-1924) họa sĩ Pháp; Salvador Dali (1904 -?) họa sĩ Tây Ban Nha - Mỹ; F. Kafka (1883 - 1924) nhà văn áo; Thomas Sterns Eliot (1888 - 1965) nhà văn Anh; Eugène Ionesco (1912 - 94) nhà văn Rumani - Pháp; S. Beckett (1906 - 89) nhà văn Irland - Pháp; Arnol Schửnberg (1874 - 1951) nhạc sĩ Áo; Karlheinz Stockhausen (1928 -?) nhạc sĩ Đức; John Cage (1912 -) họa sĩ Mỹ; Ch.E. Le Corbusier (1887 - 1965) kiến trúc sư Pháp.

(24) Xem: Võ Phiến, Hai mươi năm văn học Miền Nam 1954 - 1975. Wessminster (California, USA), 1988, tr. 260-267.

(25) Xem: Peter Zinoman - “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng và chủ nghĩa hiện đại Việt Nam // Tạp chí văn học. Hà Nội, 2002, s.7, tr. 17- 30.

(26) Xem: Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm, Lại Nguyên Ân tập họp và biên tập, Nxb. Hội Nhà văn, In lần thứ sáu, Hà Nội, 2004, tr. 11-74.

(27) Xem Chu Văn Sơn: Ba Đỉnh cao thơ mới: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử. Hà Nội, 2003, tr. 214, 226 - 245.

(28) Lưu ý: văn bản Từ tịch dương đến bình minh của Hoàng Lộc (1920 - 49) chưa tìm lại được; một số nhà văn cùng thời như Đông Hoài, Vũ Hoàng Địch nói với tôi (LNA) rằng họ tán thưởng xu hướng tìm tòi của Hoàng Lộc ở tác phẩm này vì nó gần với tìm tòi đương thời của họ.

(29) Nohira Munehiro, Một số đặc trưng về tinh thần tiên phong của nhóm Xuân Thu Nhã Tập // Tạp chí văn học, Hà Nội, 1997, s. 10, tr. 70-77. Các đoạn trích đều rút từ tài liệu này.

(30) Xem mục từ Thuyết phi ngã trong thơ trong sách Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX // I.P. Ilin và E.A. Tzurganova chủ biên; Đào Tuấn ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch // Hà Nội, Nxb. ĐHQGHN, 2003, tr.79-83.

(31) Xem: Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm (sđd.), Phụ lục I: Nhóm Dạ Đài, tr.1252-1264.

(32) Xem: Lại Nguyên Ân - Dấu hiệu” xung đột trường phái trong cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi ( Việt Bắc, 1949 ) // Văn hóa văn nghệ Công an, 1995, s.6 (thang 11 va 12 / 1995), tr.50-52.

(33) Mô hình “cổ điển” hoặc hệ thống “cổ điển” của chủ nghĩa xã hội là thuật ngữ kinh tế chính trị học của Kornai János (sđd.), để phân biệt với các dạng dịch chuyển khỏi nó như các loại cải cách, như kinh tế XHCN thị trường...; Kornai János cho là Việt Nam đi vào hệ thống XHCN cổ điển từ 1954 (Xem: Kornai János - Hệ thống xã hội chủ nghĩa, Nguyễn Quang A dịch, Nxb. VHTT, Hà Nội, 2002, tr.5-28).

(34) Mikhail Epstein - Hậu hiện đại ở Nga. Văn học và lý luận / Postmodern v Rossii. Literatura i teorija /, Moskva, Izd. R.Elinnina, 2000, tr. 69.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12825)
(Xem: 14255)
(Xem: 15598)
(Xem: 15058)
(Xem: 15074)
(Xem: 15806)
(Xem: 14491)
(Xem: 14248)
(Xem: 14247)
(Xem: 15192)