- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Samurai! Những Trận Không Chiến Dữ Dội Nhất Lịch Sử Thái Bình Dương

15 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 96348)

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch

Saburo Sakai

Samurai ! Những trận không chiến dữ dội nhất lịch sử Thái Bình Dương

 

[Phần 1: Lời tựa ]

 

 

Lời nói đầu của Martin Caidin:

 

Saburo Sakai đã trở thành một huyền thoại “sống” ở Nhật Bản trong suốt thời đệ nhị thế chiến. Khắp nơi, các phi công Nhật Bản đã nói đến những chiến công không thể tưởng tượng được của Sakai với tất cả sự nể phục.

 

Sakai đã hưởng được một tăm tiếng khác thường mà tất cả những phi công chiến đấu hằng ôm ấp trong lòng. Giữa các phi công Nhật Bản bắn rơi trên mười phi cơ địch, Saburo Sakai là phi công duy nhất chưa bao giờ để mất một đồng đội nào bay sát cánh với anh trong khi chiến đấu. Đó là điều đáng kinh ngạc đối với một người đã từng tham dự hơn 200 trận không chiến, và việc nầy đã giải thích tại sao sự ganh đua ráo riết nhiều khi xảy ra xung đột giữa những phi công khác để dành bay cho được ở vị trí kề cận bên anh.

 

Nhân viên bảo trì cho phi cơ anh tâng bốc anh không tiếc lời. Một chuyên viên cơ khí sẽ lấy làm hãnh diện khi được chỉ định săn sóc cho chiếc chiến đấu cơ Zéro của Sakai. Theo lời những nhân viên dưới đất, trong suốt hơn 200 phi vụ chiến đấu, Sakai khéo léo đến nổi chưa bao giờ phải thực hiện 2 lần đáp, chưa bao giờ để cho phi cơ lật nhào hoặc va chạm cho dù phải đáp xuống trong đêm, người mang đầy thương tích và phi cơ bị hư hại nặng nề.

 

Saburo Sakai nhận lãnh những vết thương trầm trọng trong trận không chiến ở Guadalcanal vào tháng 8 năm 1942. Anh đã cố gắng hết sức để đưa chiếc chiến đấu cơ què quặt trở về Rabaul, với các vết thương gây tê liệt cho cánh tay trái và chân trái, với con mắt bên mặt mù hẳn và con mắt trái chỉ thấy lờ mờ, với những mảnh kim loại ghim vào ngực và lưng, và với 2 viên đạn đại liên 12,7 mm chui vào nằm trong hộp sọ của anh. Hai vết thương sau cùng nầy là một trong những thiên anh hùng ca trên không vĩ đại nhất, một biến cố mà tôi tin rằng sẽ trở thành một huyền thoại giữa các phi công chiến đấu cơ.

 

Hai vết thương nầy đã quá đầy đủ để chấm dứt những ngày chiến đấu của bất cứ ai. Hãy hỏi bất kì một cựu phi công chiến đấu nào đã từng gặp những khó khăn kinh khiếp, xem họ có bao giờ lâm trận chỉ với một con mắt hay không? Nhứt là khi viên phi công một mắt đó phải quay lại chiến đấu trong một chiến đấu cơ Zéro cổ lỗ để chống lại những chiếc chiến đấu cơ Hellcat tối tân và siêu đẳng của Hoa Kỳ vừa đưa vào sử dụng.

 

Sau những tháng dài dằng dặc oằn oại đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, giữa lúc hy vọng trở lại với tình yêu đầu, tức không gian bao la kia, đã tắt hẳn. Một lần nữa Sakai lại bước vào trận chiến. Không chỉ lấy lại phong độ khéo léo của ngày trước, nhưng anh còn hạ thêm bốn chiến đấu cơ địch nữa nâng tổng số lên 64 phi cơ địch bị anh hạ.

 

Người đọc chắc hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết được rằng Saburo Sakai chưa bao giờ nhận bất kì một loại huy chương hoặc tuyên dương công trạng nào do chính phủ của anh ban tặng. Những loại ban tặng nầy, người Nhật chưa hề biết đến. Công trạng chỉ được thừa nhận sau khi một người đã nằm xuống. Trong khi những phi công giỏi hạ trên 10 phi cơ địch của các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, trên ngực họ sẽ lòe loẹt hết dãy huy chương nầy đến dãy huy chương khác và kèn trống rình rang mỗi khi được ban tặng. Sakai và những phi công đồng đội thực hiện các phi vụ chiến đấu không biết bao nhiêu lần mà họ vẫn chưa từng được nếm mùi sự thừa nhận công khai như vậy.

Lần đầu tiên câu chuyện của Saburo Sakai sẽ cung cấp cho người đọc một sự hiểu biết cặn kẽ về phía “đối phương”. Sakai tiêu biểu cho một lớp người Nhật mà chúng ta ít biết hoặc chưa từng biết đến. Đây là những Samurai Võ sỹ đạo lừng lẫy, những chiến sỹ thiện nghệ, bỏ cả một đời để phục vụ cho xứ sở họ. Thế giới của họ là một thế giới cách biệt hẳn với thế giới của chính dân tộc họ. Bây giờ, lần đầu tiên, các bạn sẽ có thể nghe được suy tư, cảm xúc và xúc động của những người đã từng chĩa “mũi dùi Nhật Bản” vào không trung ấy.

 

Trong lúc viết quyển sách nầy, tôi có được sự may mắn đàm luận với nhiều người bạn Hoa Kỳ trong số những người đã từng lái chiến đấu cơ tham dự mặt trận Thái Bình Dương trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Những người nầy đã nhìn các phi công chiến đấu Nhật Bản, địch thủ của họ, như là một thực thể khó hiểu. Họ không bao giờ nghĩ các phi công chiến đấu Nhật là một con người đúng nghĩa của nó, mà là một cái gì xa lạ và khác biệt đối với họ. Chẳng hạn như Sakai Samurai! Những kẻ đã mang trận chiến trên không ở Thái Bình Dương vào một phối cảnh mới. Các nỗ lực tuyên truyền thời chiến của Hoa Kỳ đã bóp méo hình ảnh người phi công Nhật, biến họ thành một bức hoạt kê khó chấp nhận được. Nội dung của bức hoạt kê nầy đã mô tả một kẻ xẩy chân từ trên không trung xuống với đôi mắt kèm nhèm, và hắn ta sở dĩ còn lơ lửng được là nhờ ơn trời.

 

Thái độ khinh thường nầy là một thái độ nguy hiểm. Saburo Sakai là một thiên tài bậc nhất trên không, không thua gì các phi công tài ba nào của bất kì quốc gia nào. Anh luôn luôn phải được xếp vào hàng những phi công vĩ đại nhứt mọi thời đại. 64 phi cơ đã rơi trước họng súng của anh. Tiếng chuông báo tử sẽ gõ nhiều hơn nữa, nếu anh không nhận lãnh những vết thương trầm trọng. Hành vi và lòng can đảm của các phi công Hoa Kỳ được mang ra thử thách trong suốt cuộc Đệ Nhị Thế Chiến không cần đòi hỏi sự biện giải. Chúng ta, người Mỹ, cũng có sự vĩ đại và tầm thường của chúng ta. Tuy nhiên, rất nhiều trong số những chiến thắng trên không của chúng ta được ghi vào tài liệu cũng chỉ dựa trên giấy tờ.

 

Chẳng hạn như câu chuyên phi thường của Đại úy Colin P. Kelly Jr., người đọc sẽ không tìm thấy một mảy may hứng thú nào trong câu chuyện kể của Sakai về cái chết của Kelly vào ngày 10 tháng 12 năm 1941 trong quyển sách nầy.

 

Theo câu chuyện về cái chết của Kelly trước đó: ông đã tấn công và đánh chìm thiết giáp hạm Haruna, ông đã tả xung hữu đột mở lối xuyên qua một nhóm chiến đấu cơ đối phương, ông đã tự sát bằng cách bổ nhào xuống một chiến hạm địch, ông đã được truy tặng huân chương Danh Dự của Quốc Hội Hoa Kỳ. Nhưng tất cả chỉ là một câu chuyện sai lầm. Tại vì sự quan sát chiến trường không chính xác hoặc tại vì nôn nóng muốn tìm cho ra một vị “anh hùng” sau trận Trân Châu Cảng của dân chúng Hoa Kỳ?

 

Vào lúc mà chiếc Haruna được báo cáo bị đánh chìm, nó đang ở phía khác của Nam Hải, đảm trách nhiệm vụ yểm trợ cho mặt trận Mã Lai Á. Không có một thiết giáp hạm nào của Nhật ở quần đảo Phi Luật Tân. Chiến hạm mà Kelly đã tấn công nhưng không đánh chìm, theo Sakai và các phi công Nhật bay bao che trên chiến hạm nầy là một tuần dương hạm hạng nhẹ 4000 tấn. Sau khi tấn công, Kelly rời khu vực trước khi các phi cơ Nhật phát hiện và truy đuổi. Ông không cho phi cơ bổ nhào xuống nhưng vừa trốn chạy vừa thả bom từ cao độ 22.000 bộ và sau đó bị Saburo Sakai bắn rơi gần phi trường Clark ở Phi Luật Tân. Kelly được truy tặng, không phải là huân chương Danh Dự của Quốc Hội Hoa Kỳ mà là huy chương Chiến Công Bội Tinh.

 

Để bổ túc đầy đủ thành tích và câu chuyện của Saburo Sakai, trong vòng một năm Fred Saito đã gặp Sakai mỗi cuối tuần, để khai quật quá khứ chiến đấu của một phi công đại tài Nhật Bản, hiện nay vẫn còn sống ngay sau chiến tranh, Sakai đã sắp xếp lại tập ghi chép đồ sộ về những kinh nghiệm mà anh đã trải qua. Tập ghi chép nầy, cộng thêm hàng ngàn câu hỏi được đặt ra bởi Saito, một thông tín viên tài ba và kinh nghiệm của Associated Press đã làm sống lại câu chuyện riêng của Sakai.

 

Sau đó, Saito đã tìm tòi lục lọi qua hàng ngàn trang hồ sơ của Hải Quân Hoàng Gia Nhật Bản. Ông đã đi khắp nước Nhật, phỏng vấn nhiều sỹ quan và phi công còn sống sót, để thâu thập những câu chuyện do họ kể lại. Nhằm tạo ra tập tài liệu xác thực nầy, quân nhân mọi cấp, từ anh binh nhì thuộc nhóm chuyên viên bảo trì cho đến hàng tướng lãnh và đô đốc đều được hỏi dò. Thật ra, nhiều câu chuyện kể về các trận đánh của Sakai vẫn vấp nhiều khiếm khuyết, bởi lẽ những hồ sơ chánh thức của Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ không thể dùng làm tài liệu được.

 

Tài liệu có giá trị đặt biệt là nhật ký chiến đấu của cựu đại tá phi công hải quân Masahisa Saito. Đại tá Saito, cấp chỉ huy của Sakai ở Lae, đã ghi chép tỉ mỉ các biến cố xảy ra trong suốt thời gian ông chiến đấu tại khu vực nầy. Vì đây là một quyển nhật ký cá nhân nên không phải đệ trình lên Tổng Hành Dinh Hoàng Gia, Fred Saito và tôi xem nó như là một tài liệu đơn độc có giá trị nhất của cuộc không chiến trên Thái Bình Dương.

 

Có một khuyết điểm vào lúc đó, là các sỹ quan hầu như không báo cáo những khó khăn vấp phải trong khu vực chỉ huy tiền tuyến của họ về tổng hành dinh hậu phương. Sự kiện đặc biệt thường xảy ra trong hệ thống chỉ huy của Hải Quân Hoàng Gia. Nhật ký cá nhân của đại tá Saito đã ghi lại đầy đủ chi tiết con số phi cơ trở về hoặc không trở về từ các phi xuất được thực hiện hầu như hàng ngày ở mặt trận New Guinea. Ông cũng ghi lại nhiều cuộc chiến thắng của phi công Hoa Kỳ với sự chứng kiến trực tiếp của ông. Đại tá Saito vẫn còn sống, và những cuộc phỏng vấn kéo dài với ông đã chứng tỏ sự giá trị của quyển sách nầy.

 

Trung tá phi công hải quân Tadashi Nakajima, nhân vật xuất hiện hầu như trong suốt quyển sách nầy, hiện thời là một đại tá trong tân không lực Nhật Bản. Qua nhiều cuộc tiếp xúc với đại tá Nakajima, ông đã cung cấp cho chúng tôi nhiều dữ kiện cần thiết nhất. Đồng thời giúp chúng tôi nhận được sự giúp đỡ lớn lao của trung tướng Minoru Genda, nguyên là một đại tá phi công Hải Quân và là người đã chỉ huy Sakai trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến. Chúng tôi cũng mang ơn đại tá Masatake Okumiya hiện thời là giám đốc cơ quan tình báo kiêm tham mưu trưởng hỗn hợp Nhật Bản. Đại tá Okumiya, một trong những người cộng tác với tôi để viết 2 quyển “ Zéro” và “Chiến đấu cơ Zéro”, đã tham dự nhiều trận không chiến hơn bất kì sỹ quan Nhật Bản nào khác, và vào năm cuối của cuộc chiến, ông đã chỉ huy công việc phòng không nội địa của Nhật Bản. Qua các cố gắng của ông, chúng tôi mới được xem qua những hồ sơ cần thiết trong các văn khố của Bộ Hải Quân Hoàng Gia trước kia.

 

Tôi thấy cũng cần phải nói qua thái độ của Sakai đối với đời sống hiện tại của anh, trong tư cách một phi công đại tài nhất của Nhật Bản còn sống sót. Sakai cảm thấy rằng sở dĩ anh còn sống sót trong cuộc bại trận và trong những trận không chiến từ năm 1943 trở về sau đó, chỉ là may mắn. Có nhiều phi công Nhật Bản đại tài khác như: Nishizawa, Ota, Takatsuka, Sasai v.v… những người đã chiến đấu cho đến khi các trận không chiến quá chênh lệch đã hạ gục họ. Đây là những lời nói sau chiến tranh của Sakai:

 

 

 

“Hồi ở trong Hải Quân Hoàng Gia Nhật Bản, tôi chỉ biết một đường lối duy nhứt là làm sao để điều khiển một chiếc chiến đấu cơ và làm sao để tiêu diệt cho nhiều kẻ thù của xứ sở tôi. Việc nầy tôi đã làm gần 5 năm, ở Trung Hoa và trên Thái Bình Dương. Tôi không biết đời sống nào khác. Tôi là một chiến sỹ của không trung. Với cuộc đầu hàng, tôi bị quăng ra khỏi Hải Quân. Mặc dù người mang đầy thương tích và thời gian phục vụ khá lâu, tôi không được lãnh một món tiền trợ cấp nào cả. Chúng tôi là những kẻ trắng tay, và tiền hưu bổng hoặc trợ cấp tàn phế chỉ được dành cho những cựu chiến binh của một quốc gia chiến thắng.

 

Ngay cả việc ngồi trên ghế lái phi cơ tôi cũng bị nhà cầm quyền chiếm đóng cầm đoán, không cần biết đó là loại phi cơ gì. Trong 7 năm chiếm đóng dài đăng đẳng của Đồng Minh, từ năm 1945 đến 1952, tôi bị cấm nhận lãnh bất kì chức vụ công nào. Việc nầy không có gì khó hiểu, tôi từng là một phi công chiến đấu.

 

Sự kết thúc của cuộc chiến Thái Bình Dương chỉ mở ra cho tôi một cuộc xung đột, còn tồi tệ hơn bất kì cuộc xung đột nào mà tôi đã từng gặp trong khi chiến đấu. Có nhiều kẻ thù mới và ghê gớm hơn, nghèo khổ, bệnh tật, bịnh hoạn và bao nỗi bực bội khác. Nhà cầm quyền chiếm đóng đã xây một hàng rào sừng sững quanh tôi. Hai năm của một kẻ lao động chân tay nhọc nhằn nhứt, tôi chui rúc trong các khu ổ chuột, với quần áo đầy chí rận và hiếm khi no lòng.

 

Một cú đấm chí tử: cái chết của người vợ thân yêu nhứt của tôi do bịnh hoạn gây ra. Dưới những trận mưa bom, dưới những hiểm nguy của cuộc chiến, Hatsuyo đã sống sót. Tuy nhiên nàng không thể nào thoát khỏi tay kẻ thù mới nầy.

 

Cuối cùng, sau nhiều năm thiếu thốn, đói khổ tôi đã góp nhóp dành dụm tiền để mở ra một quán ăn nhỏ. Có công mài sắt… và ít tia sáng đã nhìn thấy trước mắt. Tôi đi tìm ngay góa phụ của đề đốc Takijiro Onishi, mà tôi đã gặp nhiều tháng trước đây. Đề đốc Onishi đã mổ bụng tự sát ngay sau cuộc đầu hàng vào năm 1945. Ông không muốn sống trong lúc những người nhận tử lịnh của ông không bao giờ trở về. Bởi lẽ, cha đẻ của Thần Phong Kamikaze không ai khác hơn là Onishi. Đối với tôi bà Onishi còn hơn là một góa phụ của một vị đề đốc, bà chính là người dì của trung úy Sasai, một người bạn thân nhất của tôi. Sasai đã bay vào cõi chết trên không phận New Guinea giữa lúc tôi còn nằm trong một bệnh viện.

 

Nhiều năm nay bà Onishi tàn tạ, rách rưới, lang thang xin ăn trên đường phố. Tôi xúc động khi nhìn thấy thân thể gầy gò của bà ghém trong manh áo tả tơi, nhưng tôi không biết cách nào để giúp đỡ. Bây giờ, với một nhà in nhỏ, tôi cố thuyết phục bà đến làm việc với tôi. Công ăn việc làm của chúng tôi sớm phát đạt. Tôi lại để ý tìm kiếm và mang về cơ sở thêm nhiều góa phụ khác, cũng như một số anh em của những người bạn thân đã từng bay với tôi và chết trận trước đây. Cũng may, mọi việc đều biến chuyển. Hiện thời chiến tranh đã chấm dứt hơn 10 năm rồi. Cơ sở của chúng tôi càng ngày càng phát đạt và những người làm việc với tôi đã phục hồi lại nếp sống của họ.

 

Quả thật, những năm sau nầy là những năm đầy lạ lùng đối với tôi. Trong tư cách khách mời danh dự, tôi được lên thăm viếng một số hàng không mẫu hạm và các tàu chiến khác của Hoa Kỳ. Việc thay đổi bất ngờ từ những chiếc chiến đấu cơ Zéro, Hellcat cổ lỗ sang các phản lực chiến đấu cơ tối tân khiến tôi kinh ngạc. Tôi đã gặp những người từng đối đầu với tôi trên không, ngồi bên nhau nói chuyện, và tìm thấy tình thân mật. Nhiều lần tôi được mời cộng tác với Tân Không Lực Nhật Bản, nhưng tôi đã từ chối. Tôi không muốn trở lại quân đội, tôi không muốn quá khứ sống lại trong tôi. Nhưng bay, cũng giống như bơi lội, không dễ gì quên được. Tôi đã ở trên mặt đất hơn 10 năm. Tôi luôn luôn thấy như mình đang rờ mó lại tất cả những dụng cụ trên phi cơ, tất cả những gì mà người phi công đã biết. 

Không, tôi không bao giờ quên được nghề bay. Nếu Nhật Bản cần tôi, nếu quốc gia của chúng tôi bị Cộng Sản đe dọa, tôi lại bay nữa. Nhưng tôi chân thành cầu nguyện rằng đó không phải là lý do để tôi trở về với bầu trời cao.” 

Saburo Sakai, Đông Kinh, 1956
Martin Caidin, New York, 1956

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 8013)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 13106)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
10 Tháng Mười 20244:15 SA(Xem: 709)
Tôi trở về Half Moon Bay / Đếm từng con sóng biển / Đếm từng nỗi ưu phiền / Lòng buồn như sương mù / Từ độ ánh trăng tan...
05 Tháng Mười 20244:58 CH(Xem: 1724)
NCT sinh năm 1948 tại Vũng Tàu, cha mẹ là người Hà Nội. Từ đầu những năm 1950er NCT lớn lên ở thành phố Sài Gòn, học tiểu học ở trường Bàn Cờ, trung học ở trường Chu Văn An. Năm 1967 ông từ chối những học bổng của những quốc gia khác, chọn học bổng quốc gia (VNCH) để sang CHLB Đức du học. Tại Viện Đại Học Stuttgart NCT học Triết học và Toán Học & Cơ Học Áp Dụng. Vào thời điểm đó những triết gia Đức có tiếng như Martin Heidegger, Karl Jaspers, hay Ernst Bloch đã hưu trí, ông đã làm luận án tiến sĩ ở Viện Cơ Học & Toán Học Áp Dụng. Ông là sinh viên trẻ nhất xưa nay có bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư (Doktor-Ingenieur), vào năm 1977.
02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 923)
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng…
02 Tháng Mười 20245:30 CH(Xem: 1132)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. (- Bạt Xứ)
02 Tháng Mười 20245:12 CH(Xem: 685)
Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông. Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 988)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 1137)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
02 Tháng Mười 20244:38 CH(Xem: 1345)
Như tuổi trẻ của chúng ta, hôm nay / Thứ hoàng hôn oằn mình rực rỡ / Đang chìm dần / Khuất vào nơi biển lạnh. / Bình minh rồi sẽ mọc / Nhưng không thuộc về chúng ta.