- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Chuyện Trò Với Ann Mallett Của Vietnam Center Về Việc Soạn Bộ Sưu Tập Tù Nhân Chính Trị Việt Nam

03 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 16419)

w-trungduong_0_300x129_1


Trùng Dương ghi


VIETNAM CENTER, thuộc Đại Học Texas Tech tại Lubbock, phía Tây Bắc Texas, đã trở thành một trung tâm nghiên cứu và diễn đàn nổi danh về Việt Nam từ 12 năm qua. Văn khố và thư viện của trung tâm khởi đi từ Indochina Archives [Văn Khố Đông Dương], do cố học giả Douglas Pike, một cựu nhân viên Ngoại giao phục vụ tại Sài Gòn thiết lập ở Oakland, California. Pike là tác giả tập nghiên cứu Việt Cộng, và tài liệu The Bunker Papers, gồm 3 tập, gom góp toàn bộ những báo cáo định kỳ của Đại sứ Ellsworth Bunker (1967-1973), hiện đang cất giữ tại Văn khố Thư Viện Lyndon B. Johnson ở Austin, Texas.

Việc trao tặng hồ sơ các cựu sĩ quan VNCH di dân qua Mỹ cho Trung tâm Việt Nam là một việc làm hợp lý, giúp ích nhiều cho các nhà nghiên cứu tương lai về cộng đồng di dân Việt Nam. Nữ văn sĩ Trùng Dương–người từng nổi danh từ những tác phẩm đầu tay như "Mưa Không Ướt Đất" của thập niên 1960, và sau này là Chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần ở Sài Gòn–mới đây đã đến thăm Trung Tâm Việt Nam và hoàn tất vài phóng sự về Kho hồ sơ của các sĩ quan H.O. Xin trân trọng giới thiệu nữ văn sĩ Trùng Dương và bài viết mới nhất của bà với độc giả Hợp Lưu.

Tạp Chí Hợp Lưu


 

Cuối tháng 5 vừa qua The Vietnam Center thuộc trường Đại học Texas Tech ở Lubbock, Texas và Hội Bảo tồn Văn hoá và Lịch sử Người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation - VAHF) tại Austin đã khánh thành bộ sưu tập về tù nhân chính trị Việt Nam do hội Gia đình Tù nhân Chính trị Việt Nam (Families of Vietnamese Political Prisoners Association - FVPPA) trao tặng. Bộ sưu tập, mà tầm quan trọng được ví ngang với bộ sưu tập Ellis Island, gồm trên 200,000 trang tài liệu kết quả của 20 năm hoạt động của hội FVPPA, từ 1977 tới 1999, dưới sự điều khiển của Bà Khúc Minh Thơ, nhằm can thiệp cho hơn 12,000 tù nhân thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã hoặc đang bị Cộng sản đầy đọa trong các trại tù "cải tạo" từ sau biến cố 30 tháng 4, 1975, cùng thân nhân của họ, tổng cộng trên 300,000 người, được rời Việt Nam đi định cư tại Hoa Kỳ.

Bộ sưu tập này là một phần của dự án thiết lập một văn khố điện tử (electronic archive) về lịch sử và văn hoá người Mỹ gốc Việt, song cũng chính là lịch sử của người Việt tị nạn Cộng sản nói chung, của hội VAHF. Hội VAHF hy vọng các cộng đồng người Việt tị nạn tại các quốc gia tự do trên thế giới sẽ thiết lập nên những văn khố về lịch sử người Việt tại quốc gia liên hệ để văn khố người Việt tự do được toàn vẹn hơn nhằm tạo điều kiện cho các công cuộc nghiên cứu về người Việt tị nạn và cũng là về một trong những giai đoạn lịch sử quan trọng của Việt Nam cận đại. Mọi liên lạc trao đổi, góp ý, xin gửi về Vietnamese American Heritage Foundation, P.O. Box 29534, Austin, TX. 78755, Telephone: (512) 844-9417, Telecopier: (512) 266-3819, E-mail: VAHF_info@yahoo.com, Web site: vietnameseamerican.org.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn bằng điện thư với Anna Marie Mallett, quản thủ văn khố di sản người Mỹ gốc Việt tại Việt Nam Center và là người điều khiển chương trình soạn bộ sưu tập tù nhân chính trị Việt Nam, tạm gọi trong bài này là bộ sưu tập FVPPA.



Hỏi: Xin chị vui lòng cho biết một số chi tiết về cá nhân chị và cơ duyên nào đã đưa đẩy chị tới với dự án này?

Đáp: Tên tôi là Ann Marie Mallett. Tôi sinh ra ở Eureka, CA. Tôi lớn lên ở hai thành phố. Mẹ tôi sống ở Susanville, CA (gần Lake Tahoe và Reno, NV), trong khi bố tôi sống ở Castle Rock, WA (bên núi St. Helens, gần Kelso và Longview, WA). Tôi có mặt tại đó khi núi lửa bùng nổ vào tháng 5 năm 1980, lúc ấy tôi lên 5.

Tôi tốt nghiệp đại học Central Washington (CWU) ở Ellenburg, WA với bằng cử nhân môn History Secondary Education. Sau một thời gian dậy học tại Mỹ tôi đi tới quyết định là tôi muốn đi du lịch và dậy học ở ngoại quốc. Tôi xin được một chân dậy Anh ngữ ba năm tại Taipei, Đài Loan. Khi trở lại Mỹ tôi quyết định trở lại trường học và làm việc cho một viện bảo tàng hoặc văn khố.

Để biết chắc là mình theo đuổi đúng ngành, tôi đã tình nguyện làm việc tại các văn khố và bảo tàng viện địa phương trong vùng Longview/Kelso trước khi trở lại trường học. Tôi thích việc tôi làm, do đấy tôi ghi danh tại đại học Eastern Washington (EWU) ở Cheney, WA. Trong khi theo học tại EWU, tôi hoàn tất thực tập tại Northwest Museum of Arts and Culture (MAC) ở Spokane, WA, và tình nguyện làm việc tại Idaho State Library and Archives ở Boise, Idaho vào mùa hè giữa các khóa học.

Vào tháng 12 năm 2006 tôi tốt nghiệp EWU với một bằng cao học về Lịch sử. Tôi chú tâm vào ngành Public History và lấy các lớp về Archival and Library Science. Trong khi kiếm việc, tôi để ý tới một cái yết thị về chân Project Archivist tại Vietnam Center trong cái Society of American Archvists Online Employment Bulletin. Thấy việc làm khá thú vị nên tôi nạp đơn và may mắn được tuyển chọn.

Sau khi hoàn tất bộ sưu tập (FVPPA), tôi được giao chân vừa mới được lập ra, đó là quản thủ văn khố di sản người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Heritage archivist).


Hỏi: Cảm tưởng của chị ra sao khi được giao cho những thùng tài liệu của FVPPA? Tình trạng của những thùng tài liệu này như thế nào?

Đáp: Tôi rất hào hứng bắt tay vào việc tìm hiểu và học hỏi những tài liệu của hội FVPPA và đặc biệt có ấn tượng mạnh về tầm vóc của bộ sưu tập này, mặc dù cũng hơi e ngại ở chỗ không biết có thể hoàn tất công việc soạn đống tài liệu đồ sộ như vầy trong vòng một năm.

Vì các tài liệu này đã được di chuyển nhiều lần trước khi tới Văn khố Việt Nam, các đơn xin đoàn tụ không nằm theo thứ tự abc và một phần của bộ sưu tập là những trang giấy rời (không nằm trong túi hồ sơ, tức folders) nằm trong các hộp. Cũng giống như với những hồ sơ xin đoàn tụ, những lần di chuyển đã khiến cho thứ tự nguyên thủy của hồ sơ văn phòng trở thành một điều bí hiểm. Bộ sưu tập còn bị hư hại bởi mối mọt và côn trùng nữa.


Hỏi: Chị đã bắt tay vào việc ra sao? Chị đã mất bao lâu để soạn ra bản kế hoạch soạn bộ tài liệu này, kể cả việc làm đơn xin ngân quỹ cho việc này?

Đáp: Mary Saffell, phó giám đốc Văn khố Việt Nam, là người viết đơn và xin được một ngân quỹ $48,565 của National Historic Publications & Records Commission để soạn và lưu trữ bộ tài liệu của FVPPA. Kế hoạch làm việc của tôi là soạn các đơn xin theo chương trình ODP (Orderly Departure Program) trước rồi sau đó mới tới các hồ sơ văn phòng của FVPPA.


Hỏi: Xin chị cho biết về việc tẩy sạch, bảo trì và thiết lập mục lục các tài liệu này?

Đáp: Để tẩy sạch, chúng tôi dùng những cái bàn chải làm bằng lông cừu có cán bằng tre để phủi bụi, những mảnh kim loại rớt ra từ các kẹp giấy, dây thép rập sách (staple), mối mọt, xác và phế thải của côn trùng, vv. khỏi các tài liệu. Có 15 hộp tài liệu bị mọt làm hư hại nặng thì được gửi tới Conservation Lab để họ giúp khử mọt hộ.

Về việc bảo tồn: Chúng tôi xếp tất cả tài liệu vào những cái bìa cứng không có chất a-xít (acid free), sau đó xếp chúng vào những cái hộp đựng tài liệu không có a-xít. Thép rập sách, kẹp giấy, và tất cả những thứ dễ bị gặm mòn (corrosive), như giây thung và những miếng ghi chú (sticky notes) thì, sau khi đã được làm bản sao, được gỡ ra khỏi các tài liệu. Hình ảnh thì được xếp vào các túi Mylar (Mylar sleeves).

Mục lục: Các tài liệu được chia thành sáu nhóm: Đơn xin đi ODP; Hồ sơ văn phòng; Hồ sơ định cư; Danh sách người đứng đơn; Tài liệu ngoại khổ; và Hồ sơ hạn chế/kín. Hồ sơ ODP thì có một tiểu nhóm: Thư từ ODP. Hồ sơ văn phòng thì được chia ra làm năm tiểu nhóm: Thư tín; Sinh hoạt và diễn văn; Họp hành của hội; Hồ sơ tài chính, luật pháp và nhân viên; và Các tài liệu ấn loát. Thư từ thì được chia thành hai loại: Thư đến và thư đi. Các tài liệu ấn loát thì chia thành hai loại: tài liệu do FVPPA ấn hành và tài liệu không do FVPPA làm ra.

Một bản chỉ dẫn chi tiết cho việc tham khảo các nhóm và tiểu nhóm tài liệu, cũng như bản ghi hộp và bìa hồ sơ đã được thực hiện cho bộ sưu tập này. Ngoài ra một ấn bản EAD (Encoded Archival Description) cũng đã được sọan cho bộ sưu tập. Cũng vậy là một tài liệu OCLC (Online Computer Library Center).


Hỏi: Vì lẽ nhiều trong số trên 200,000 trang tài liệu này là bằng Việt ngữ, làm thế nào mà chị đã giải quyết vấn đề ngôn ngữ này? Tôi được biết là đồ án này đã mướn một số sinh viên từ Việt Nam đang theo học tại Đại học Texas Tech giúp việc. Những tài liệu FVPPA hẳn đã khiến vài sinh viên ngạc nhiên. Đây là câu chuyện mà tôi đã nghe kể: một hay vài sinh viên giúp việc đã không ngờ là tại Việt Nam đã có những trại tù cưỡng bách lao động mệnh danh là "cải tạo" sau khi chiến tranh đã kết thúc. Chị có thể cho biết phản ứng của các em và những giai thoại khác, nếu có.

Đáp: Về vấn đề ngôn ngữ: Tôi rất biết và mang ơn các sinh viên phụ tá của tôi về tất cả những giúp đỡ của họ. Không có họ chắc tôi đã không thể hoàn tất được công trình này. Tôi rất may mắn có được những sinh viên chịu khó và có ý thức phụ giúp trong công việc này. Sáu trong số chín sinh viên phụ tá trong thời gian của dự án có khả năng Việt ngữ. Năm trong số này là sinh viên trao đổi từ Việt Nam, và một là người Mỹ gốc Việt đã di cư tới Mỹ khi còn nhỏ.

Tôi đã thiết lập một bảng gồm các từ (keywords and terms) rút ra từ đơn ghi danh của hội FVPPA bằng cả Việt lẫn Anh ngữ. Tôi cũng đã hình dung ra được ý nghĩa của những từ này bằng cách xem xét các tài liệu trong bộ sưu tầm như giấy khai sinh, giấy hôn thú, giấy khai tử, giấy phóng thích khỏi trại tù, sổ hộ khẩu do công an cấp, vv. Tôi đã nhờ các sinh viên phụ tá có khả năng Việt ngữ giúp xem lại sự chính xác của bảng từ trên và thêm vào đó những từ mà tôi đã không để ý.

Tôi đã phải trông cậy nhiều nơi sự giúp đỡ của các sinh viên phụ tá có khả năng Việt ngữ. Họ đã giúp tôi về các vấn đề dịch thuật và trả lời những thắc mắc của tôi. Chẳng hạn như khi một tài liệu gồm có một chữ bằng tiếng Việt và tôi đã không thể hình dung được đó là một cái đơn xin đoàn tụ hay một lá thơ liên hệ tới việc xin đoàn tụ, hay là thư tín của văn phòng, thì họ giúp tôi.

Họ cũng còn giúp tôi phân biệt khi những đơn xin đoàn tụ dưới cùng một tên là thuộc về cùng một hồ sơ, hay thực ra là hai hồ sơ khác nhau. Nhiều hồ sơ đoàn tụ trùng nhau hoặc được lưu trữ hơn một lần, song với những địa chỉ khác nhau, khai sinh khác nhau, người bảo lãnh khác nhau, địa chỉ của người bảo lãnh khác nhau, số IV khác nhau, hoặc danh sách gia đình khác nhau. Đôi khi chúng lại là một phần của cũng một hồ sơ và đôi khi không cùng một hồ sơ. Khi so sánh những tài liệu này để xem xem chúng có liên hệ với nhau để cho vào cùng một hồ sơ, đôi khi tôi thấy một tài liệu hay thông tin có liên hệ tới nhau và đôi khi tôi có cảm tưởng là chúng liên hệ nhưng không chắc lắm, hoặc không thể chứng minh được sự liên hệ đó vì khả năng từ ngữ hạn hẹp của mình, thì các phụ tá của tôi sẽ giúp tôi giải quyết vấn đề này.

Về các giai thoại: Chị đã nghe là vài em trong các phụ tá của tôi đã ngạc nhiên sau khi xem qua một số tài liệu FVPPA, nói là họ không ngờ có những cái gọi là trại cải tạo ở Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt, tôi tin là các sinh viên đó đã bàng hoàng và ngạc nhiên là các đồng minh và nhân viên người Việt của Hoa Kỳ đã bị bắt giam vào các trại cải tạo mà họ không biết gì về sự hiện diện của những trại tù này. Tôi không nhớ đích xác câu họ nói, song tôi nghĩ là họ không hề hay biết gì về các trại cải tạo lại có ở Việt Nam sau chiến tranh.

Một trong các sinh viên trao đổi đã đến xin làm việc với tôi vì cậu ta muốn tìm hiểu tại sao hàng ngàn người Việt xin di cư sang Mỹ qua chương trình đoàn tụ của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc Đặc Trách Người Tị Nạn (United Nations High Commission for Refugees - UNHCR). Cậu ta có một người chú và ông nội di cư sang Mỹ, và cậu ta muốn tìm hiểu tại sao họ bỏ quê hương ra đi.

Tôi nghĩ những phản ứng này là những thí dụ điển hình cho thấy tại sao bộ sưu tập này quan trọng làm vậy. Nó cho ta biết chuyện của, và đồng thời tạo tiếng nói cho, trên 10,000 người Mỹ gốc Việt cựu tù nhân đã di cư tới Mỹ qua chương trình đoàn tụ của UNHCR từ những trại tù cải tạo ở Việt Nam. Nó là cái chìa khóa quan trọng để hiểu biết về kinh nghiệm của người Mỹ gốc Việt và để trả lời cho câu hỏi, "Cái gì đã xẩy ra cho đồng minh và nhân viên người Việt của Hoa Kỳ sau khi Saigon xụp đổ vào năm 1975?" Tôi nghĩ việc bảo tồn lịch sử và kinh nghiệm của những người Mỹ gốc Việt này cho các thế hệ tương lai để chúng sẽ không bị mai một đi là việc tối quan trọng. Một trong những đối tượng của tôi với tư cách là quản thủ văn khố di sản người Mỹ gốc Việt là thu thập và thực hiện lịch sử thu băng của người Mỹ gốc Việt.

Theo chỗ tôi được biết thì, ngoại trừ một người, còn thì tất cả các sinh viên phụ tá của tôi ai cũng có người thân, ông bà, cô chú và bằng hữu di cư sang Mỹ. Có người có cha mẹ đã xin đi đoàn tụ nhưng không thành. Có một sinh viên có cha mẹ tìm cách đi Mỹ mà không thành và cả hai ông nội và ngoại của cô ta đã bị giam trong các trại tù cải tạo. Tôi hy vọng là bộ sưu tập này sẽ giúp các sinh viên phụ tá của tôi và các nhà khảo cứu hiểu được và giúp họ tìm ra câu trả lời cho câu hỏi về các cựu tù cải tạo người Việt đã tới Mỹ định cư qua chương trình đoàn tụ với sự giúp đỡ của Hội FVPPA.


Hỏi: Xin chị tả cho nghe một ngày làm việc điển hình?

Đáp: Dán nhãn với tên bộ sưu tập, số, loại, và tiểu loại của mỗi tài liệu vào các bìa không có a-xít, ghi nhãn các hộp đựng tài liệu loại không a-xít với tên chính xác của bộ sưu tập, loại, và số hộp; lấy hồ sơ/tài liệu ra khỏi những hộp đựng chúng (khi được chở tới The Vietnam Center); dùng dao nhỏ để gỡ kẹp và dây thép rập giấy khỏi tài liệu rời; loại bỏ hết những thứ bị gặm mòn, như giây thung; dùng bàn chải bằng lông cừu có cán bằng tre phủi bụi, vụn sắt rớt ra từ kẹp giấy và dây thép rập giấy, mối mọt, xác và phân của côn trùng, vv. khỏi tài liệu; xếp hình ảnh vô các túi Mylar; ghi chú tài liệu nào có dính miếng ghi chú (sticky notes), và/hoặc có ghi số an sinh xã hội hay hồ sơ y tế; che những số an sinh xã hội lại để bảo vệ sự riêng tư của người chủ các số an sinh đó; ghi chú và mô tả sự hư hại của tài liệu hoặc hình ảnh; ghi lại những thắc mắc về một hồ sơ nào đó; làm nhãn cho những bìa không a-xít dùng để đựng tài liệu; kiểm điểm cho chắc chắn là tài liệu được bỏ vô đúng bìa có nhãn đề tên tài liệu đó; bỏ bìa đựng tài liệu vô túi đựng hồ sơ không có chất a-xít; làm bản sao những trang có dán miếng ghi chú và che số an sinh xã hội lại; gỡ miếng ghi chú ra; tạo một hồ sơ mới hạn chế và kín để chứa những tài liệu có các thông tin y tế và những trang có ghi số an sinh xã hội; cất những hồ sơ này vào đúng các hộp không có chất a-xít và sắp xếp theo thứ tự abc hoặc thời gian, tùy theo loại, tiểu loại, vv.; soạn một tài liệu liệt kê những hồ sơ và cách xếp mục lục bộ sưu tập; thu thập thông tin để viết bài về phạm vi và nội dung của bộ sưu tập, và lịch sử hoạt động của hội FVPPA; đem các hộp đựng hồ sơ đã hoàn tất vô xếp vào các kệ văn khố; thỉnh thoảng sắp xếp lại các hộp tài liệu này trên kệ khi có thêm một hộp hồ sơ mới vừa hoàn tất và cần được xếp vào đúng chỗ của nó; liên lạc, điện thoại và viết thơ tới các nhân vật quan trọng về buổi lễ khánh thành ngày 28 tháng 5.


Hỏi: Chị và các sinh viên phụ tá phải mất bao lâu mới hoàn tất công trình soạn bộ sưu tập này?

Đáp: Mười bốn tháng cả thẩy. Chúng tôi khởi sự làm việc vào ngày 27 tháng 3, 2007 và hoàn tất đồ án vào ngày 28 tháng 5, 2008 (cũng là ngày chính thức khai mạc bộ sưu tập).


Hỏi: Chỉ cảm thấy ra sao sau khi hoàn tất đồ án này?

Đáp: Tôi rất hãnh diện về công trình mà các sinh viên phụ tá và tôi đã thực hiện. Tôi cũng lấy làm vinh dự và may mắn đã có được dịp thực hiện một bộ sưu tập quan trọng như thế này. Tôi đã chú tâm vào ngày 28 tháng 5 khánh thành bộ sưu tập và rất phấn khởi về việc nó sẽ sẵn sàng cho các nhà nghiên cứu xử dụng. Tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi đã hoàn tất bộ sưu tập đúng kỳ hạn, song cũng cảm thấy hơi buồn và hụt hẫng khi không còn có dịp làm việc với bộ sưu tập. Tôi cũng cảm thấy rất hào hứng với vai trò mới là quản thủ văn khố di sản người Mỹ gốc Việt và cùng với bộ sưu tập tiến tới giai đoạn kế, đó là thực hiện phần lịch sử thu băng của người Mỹ gốc Việt, và của các nhân vật quan trọng đã từng liên hệ tới hội FVPPA.


Hỏi: Liệu bộ sưu tập sẽ được vi tính hoá (digitized)? Nếu có, xin chị giải thích rõ hơn về tiến trình này?

Đáp: Có, nhưng chắc phải một thời gian nữa. Chúng tôi đang trong giai đoạn xin ngân quỹ để thực hiện việc này. Chúng tôi hy vọng có thể bắt đầu sang (scanning) các tài tài liệu vào tháng 12, 2008. Chắc ít nhất cũng phải mất một năm, hoặc có nhiều triển vọng là lâu hơn thế, mới sang hết được toàn bộ sưu tập này.


Hỏi: Xin chị cho biết làm thế nào để có thể lấy thông tin về một hồ sơ nào đó trong bộ sưu tập qua Internet, lúc này cũng như khi dự án vi tính hoá hoàn tất?

Đáp: Các nghiên cứu gia có thể tìm kiếm và lấy tài liệu từ những bộ sưu tập hiện có qua Virtual Archive của Văn Khố Việt Nam tại The Vietnam Center. Bộ sưu tập FVPPA của hội VAHF có thể tìm thấy trên Web site của trung tâm tại http://www.vietnam.ttu.edu/vietnamarchive/fvppa/index.htm. Hiện tại thì người sưu khảo chỉ có thể lấy thông tin về tổng quan của bộ sưu tập, ghi chú về nội dung, lịch sử hình thành, tên người đứng đơn xin đoàn tụ, bảng chỉ dẫn mục lục, thư tín của các nhân vật quan trọng về ngày lễ khánh thành bộ sưu tập ngày 28 tháng 5, những diễn từ của các diễn giả chính trong ngày khánh thành. Trong tương lai người nghiên cứu có thể tìm thấy tài liệu và hình ảnh đã được vi tính hoá.


Trùng Dương



ann_1-content


ann_2-content

ann_3-content


ann_4-content


ann_5-content


ann_6-content

Hình ảnh PowerPoint do Ann Mallett soạn để trình bầy trong buổi lễ khánh thành bộ sưu tập Tù nhân Chính trị Việt Nam tạI The Vietnam Center, ngày 28 tháng 5, 2008.


ann_-kmtho_1-content


Ann Mallett nhận bằng ban khen của Hội Bảo tồn Văn hoá và Lịch sử Người Mỹ gốc Việt do Bà Khúc Minh Thơ, hội trưởng hội Gia Đình Tù nhân Chính trị Việt Nam, trao tặng tại buổi lễ khánh thành bộ sưu tập tù nhân chính trị Việt Nam tại The Vietnam Center, ngày 28 tháng 5, 2008. (Hình Vietnam Center)

Ý kiến bạn đọc
09 Tháng Giêng 20183:44 SA
Khách
Rất hữu ich trên phương diện lịch sữ cho thế hệ hiện tại và thế hệ mai sau của nước Hoa Kỳ và cho cả Thế Giới. Tôi là người tù binh, tù chánh trị của Việt nam Cộng Hòa. Tôi là một trong 100 ngườ tù sau cùng và là một trong 20 người tù sau cùng được Cộng sản trả tự do. Tôi bị Cộng sản bắt giam từ ngày 30 tháng tư năm 1975 đến ngày 29 tháng tư năm 1992 mới được trả tự do. Hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Tôi là tác giả sách" Hồi Ký 17 năm ngục tù Cộng sản (1975-1992 )" Tôi đã phát hành sách bắt đầu từ năm 2016. Hiện nay, Tôi còn lưu giử nhiểu hình ãnh do các người Việt Nam (ẩn danh ) chụp lén các tù nhân cải tạo trung tù. Tôi còn lưu giữ hàng trăm lá thư trao đổi giữa tôi và gia đình cũng như các hình ảnh chụp lén trong tù.Tôi vui lòng cung cấp các tài liệu nói trên cho Vienam Center.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Mười Hai 202310:07 SA(Xem: 2892)
Như bài viết gần đây của ông về kênh đào Phù Nam của Cam Bốt, và đặc biệt như một tuyên bố gần đây nhất của Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet: “Kênh đào Phù Nam không lấy nước từ sông Mekong mà chỉ lấy từ sông Bassac và sẽ dùng cho tưới tiêu, nông nghiệp)\”, xin ý kiến của ông về những vấn đề sau:
27 Tháng Tư 20223:24 CH(Xem: 9532)
Những ngày 11, 12 tuổi, vào những năm 73-74, tôi say mê Phan Nhật Nam. Anh trở thành thần tượng của tuổi thơ, với những ngày dài trên quê hương, những ngày bi thảm, những ngày thê lương, những ngày gẫy vụn, trong nỗi sợ khốn cùng. Nỗi sợ trái lựu đạn đã bật kíp. Nỗi đau vô hình của đồng ruộng ẩn chứa triệu trái mìn. Nỗi đau thắt ruột của người cha xếp xác con, trên đoạn đường từ Quảng Trị về Huế. Trong bất mãn của người lính trước một hậu phương vô ơn. Của người lính miền Nam phải tự vệ giữa một thế giới làm ngơ những thảm sát tập thể ở bãi Dâu, ở trường tiểu học Cai Lậy. Khác những nhà văn quân đội khác, tính chất bi tráng của một xã hội dân sự thời chiến phủ trùm lấy bút ký của Phan Nhật Nam, vượt lên trên các trận đánh. Không phải Mùa hè đỏ lửa, mà Tù binh và Hòa bình, Dọc đường số 1, Dấu binh lửa mới thực sự ghi lại suy nghĩ của một quân nhân trong chiến tranh. Bên cạnh, nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc chỉ là những tiểu xảo của những sản phẩm được biên tập.
07 Tháng Năm 20214:56 CH(Xem: 12286)
...một thập kỷ gian nan của nông dân Dương Nội qua cuộc trò chuyện với anh Trịnh Bá Phương - một trong những người có mặt từ đầu - đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực xây dựng sự đoàn kết đấu tranh dai dẳng của bà con. Mong rằng chúng ta sẽ học được nhiều điều từ họ, những người mà nhà thơ Hồng Nguyên gọi là “Áo vải chân không đi lùng giặc đánh”.
14 Tháng Mười Một 20197:35 CH(Xem: 17115)
Hôm 29.10.2019 Lào bắt đầu cho vận hành đập thủy điện Xayaburi và tiếp theo sẽ là con đập Don Sahong. Đây là hai đập thủy điện nằm trên dòng chính sông Mekong, đã và đang gây rất nhiều tranh cãi giữa Lào, Thái Lan, Cambodia cũng như Việt Nam ở hạ nguồn Mekong. Nguồn tin đáng chú ý khác từ MRC Ủy Hội Sông Mekong cho thấy Lào đang chuẩn bị tham vấn dự án thủy điện Luang Prabang có công suất 1410 MW, nằm cách thị trấn Luang Prabang khoảng 30 cây số. Nếu không có gì đột biến, đập Luang Prabang được khởi công xây vào tháng 7/ 2020. Một chuyên gia sông Mekong, bác sĩ Ngô Thế Vinh, tác giả hai cuốn sách ‘Cửu Long Cạn Dòng - Biển Đông Dậy Sóng’ và ‘Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch’, từng có bài tham luận về dự án Luang Prabang liên quan đến Việt Nam, trình bày sự việc qua bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện.
21 Tháng Chín 201912:00 SA(Xem: 19464)
Tôi sinh năm 1940 tại Hà Nội, là con út của nhà văn Nhất Linh. Trước năm 1975 ở Sài Gòn tôi dậy học rồi nhập ngũ khoá 2/68 quân trường sĩ quan Thủ Đức
26 Tháng Mười 20188:54 CH(Xem: 25822)
Nhân dịp nhà văn Nguyên Ngọc giõng dạc tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 26/10/2018, xin đăng lại cuộc chuyện trò đã đăng trên Hợp Lưu mới chớp mắt đây mà đã 15 năm truân chuyên vận nước (ND)
22 Tháng Sáu 20184:34 CH(Xem: 25636)
Cũng như nhiều thi sĩ trong thời đại mình, thơ ông còn là phóng chiếu một giai đoạn đầy xáo trộn trong đời sống văn hóa của người Việt. Đầu tháng 6-2018, tuyển thơ Khúc Thụy Du của nhà thơ Du Tử Lê ra mắt độc giả trong nước.
11 Tháng Chín 201711:18 CH(Xem: 31561)
“Giá trị một con người không ở cái chân lý mà người ấy có hay tưởng có, mà ở cái công sức người ấy đã bỏ ra để tìm kiếm nó. (Nguyễn Hữu Đang trong cuốn Trần Dần-ghi 1954-1960, xb Td mémoire, Paris 2001 trg 461.)
13 Tháng Tư 20175:58 CH(Xem: 37816)
Đã 42 năm sau cuộc Chiến tranh Việt Nam, vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Chỉ riêng tên tuổi Thích Trí Quang đã gây ra rất nhiều tranh cãi. (1) Có nhiều nhãn hiệu gán cho ông: với một số người Việt chống cộng hoặc còn suy tôn ông Diệm thì cả quyết Thích Trí Quang là cộng sản đội lốt tu hành hoạt động với sự chỉ đạo của Hà Nội; nhưng ngay với giới chức cộng sản cũng đã từng coi Trí Quang là một loại CIA chiến lược; còn theo tài liệu giải mật của CIA thì đánh giá Trí Quang không phải cộng sản, mà là một nhà tu hành đấu tranh cho hòa bình và muốn sớm chấm dứt chiến tranh. Thêm nguồn tài liệu còn lưu trữ về những cuộc đàm luận giữa Trí Quang và các giới chức Hoa Kỳ, cho rằng Trí Quang chống cộng mạnh mẽ và hiểu được sự việc xử dụng quân đội Hoa Kỳ để chống lại Cộng sản Bắc Việt và Trung cộng.
31 Tháng Ba 20171:05 SA(Xem: 28153)
Phùng Nguyễn sinh năm 1950, mất ngày 17 tháng 11 năm 2015. Bàng hoàng với cái chết đột ngột của Phùng Nguyễn ở cái tuổi đang sung mãn nhất về sinh hoạt trí tuệ và sáng tạo, tôi đã viết bài tưởng niệm "Phùng Nguyễn, Như Chưa Hề Giã Biệt" (1), nay nhớ tới Anh, có dịp đọc lại bài viết, mới nhận ra là còn nợ Anh "Ba Câu Hỏi", mang món nợ ấy cũng đã hai năm, nay là lúc tôi phải trang trải, và cũng là thay cho nén nhang tưởng nhớ Phùng Nguyễn.( Ngô Thế Vinh)