Đỗ Hoàng Diệu sinh ngày 5/2/ 1976 tại Thanh Hoá, đỗ cử nhân luật và cử nhân báo chí. Làm việc tại Hà Nội. Xuất hiện lần đầu trên văn đàn hải ngoại với truyện ngắn Tình chuột, in trên Hợp Lưu số 74 (tháng 12/2003- 1/2004), rồi liên tiếp: Những sợi tóc màu tang lễ (HL 75), Cô gái điếm và năm người đàn ông (HL 76), Bóng đè (HL 78), Dòng sông hủi (HL 80) và Vu quy (HL 82). Nổi tiếng ngay. Âm vang vọng về trong nước. Nhà xuất bản Đà Nẵng nhận in tập Bóng đè, trong có ba truyện, Bóng đè, Vu Quy và Dòng sông hủi cùng với một số truyện ngắn khác. Tập truyện gây xôn xao dư luận và trở thành đối tượng bàn cãi và công kích nhất trong khoảng thời gian gần đây. Tại sao truyện của Đỗ Hoàng Diệu lại gây nên làn sóng chống đối như vậy? Câu trả lời nằm trong tác phẩm.
Qua cuộc nói chuyện dưới đây, chúng ta sẽ thấy đằng sau ngôn ngữ là một con người. Sẽ thấy những can đảm của một nhà văn trẻ có tài vừa bước vào văn giới, đã phải đem tài năng và chữ nghiã của mình để chống chọi với một áp lực xã hội... mà Diệu thấy như "thời Mã Viện".
Đỗ Hoàng Diệu quyết đem "linh cảm" của mình để nhìn và viết về đồng loại, mặc sóng gió, chà đạp. Và đó cũng là "lý do tồn tại" của một nhà văn đích thực.
Thụy Khuê: Lần đầu tiên Đỗ Hoàng Diệu xuất hiện ở hải ngoài là với truyện ngắn Tình Chuột đăng trên Hợp Lưu số 74, đầu năm 2004. Có thể nói truyện ngắn này đã xác định bản lĩnh văn chương của Diệu. Nhưng sự thực thì Diệu đã bắt đầu viết văn từ tuổi nào?
Đỗ Hoàng Diệu: Diệu sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo ở nông thôn, Thanh Hóa, nhưng rất may mắn là gia đình Diệu lại có một tủ sách... khổng lồ. Bố Diệu lại là người viết văn và Diệu là con út thành ra tuy ở nông thôn nhưng không phải làm gì cả, từ nhỏ, từ hồi biết đọc biết viết Diệu đã đắm chìm trong tủ sách gia đình. Câu chuyện đầu tiên Diệu viết là năm học lớp ba, lúc mới lên bảy. Năm mười bốn tuổi, Diệu tham gia cuộc thi viết truyện ngắn của báo Tiền Phong, trường viết văn Nguyễn Du. Diệu là tác giả trẻ nhất được giải truyện ngắn năm ấy, cùng với các anh Ngô Tự Lập, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Vĩnh Tiến, bây giờ là những người đã thành danh. Trong quãng đời sinh viên, Diệu sống bằng nghề viết báo, còn truyện ngắn thì hồi ấy Diệu cũng chỉ viết những truyện rất hiền lành với mục đích kiếm tiền.
T.K.: Truyện Tình chuột Diệu có gửi đăng ở trong nước trước khi gửi cho Hợp Lưu không?
Đ.H.D.: Dạ không. Khi viết xong Tình chuột Diệu đã nghĩ trong đầu rằng nếu gửi báo trong nước chắc khó đăng. Rồi tình cờ lúc đó Diệu biết ở bên ngoài có tạp chí Hợp Lưu, lại có trong tay một quyển Hợp Lưu do một người bạn ở Cali mang về. Diệu đọc và rất thích tạp chí này. Diệu nghĩ tại sao mình không thử gửi truyện ngắn đến đây xem và Diệu đã gửi Tình chuột đến Hợp Lưu. Mấy ngày sau nhận được hồi âm, Diệu rất vui. Và ít lâu sau Diệu cũng đã chứng minh được rằng cái suy nghĩ của mình là đúng: tình cờ đi giao dịch để in cho bố Diệu một cuốn truyện ở nhà xuất bản Văn Học, thì một người bạn của Diệu ở đấy nói rằng "Anh thấy em viết rất nhiều truyện, vậy em tập hợp lại đưa in luôn cùng với sách với bố em đi". Diệu cũng tập hợp mười hay mười hai truyện của Diệu, những truyện hết sức hiền lành nhưng trong số đó có truyện Tình chuột. Mấy ngày sau Diệu nhận được trả lời của ông Trưởng phòng văn học Việt nam của nhà xuất bản Văn Học qua điện thoại rằng: "Cháu ơi! Cháu viết thế này thì làm sao mà chú dám cấp giấy phép được". Điều đó chứng minh rằng ý nghĩ đầu tiên của Diệu không gửi đăng Tình chuột trong nước là rất đúng.
T.K.: Những nhân vật của Diệu đã được hình thành như thế nào và tại sao họ lại mang nhiều tính chất thời sự đến như vậy?
Đ.H.D.: Diệu luôn tự biết rằng mình viết văn bằng linh cảm. Diệu có thể khẳng định một điều là Diệu linh cảm đời sống và Diệu viết ra những linh cảm của mình về đời sống. Còn Nếu truyện ngắn của Diệu có trùng hợp với thời sự Việt nam bây giờ thì giản dị vì chính đó là những linh cảm hàng ngày của Diệu với xã hội. Diệu bị nhiều bài báo kết tội, mỗi lần như thế Diệu lại tự hỏi tại sao những linh cảm cá nhân của một con người như Diệu sống trong xã hội cũng bị xem là một trọng tội và Diệu không biết là mình đang sống trong thời đại nào? Có phải xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XXI? Nhiều khi Diệu nghĩ nó cứ giống như thời... Hán thuộc, Mã Viện ấy.
Cho đến bây giờ Diệu vẫn nghĩ là Diệu sẽ tiếp tục viết cái linh cảm của mình vì đó là cách duy nhất giúp Diệu tồn tại. Không ai có thể ngăn được một người linh cảm về xã hội và đồng loại mà mình đang sống. Diệu cũng nghĩ như nhân vật cô gái trong truyện Bóng đè, rằng: ước mơ có thể bị phá hủy nhưng linh cảm thì không.
T.K.: Ngoài sự linh cảm, Diệu đã tạo ra những nhân vật của mình như thế nào? Bằng cách quan sát những người thân? hay từ kinh nghiệm sống của mình? hay rút ra từ kiến thức sách vở? hay do trí tưởng tượng của Diệu?
Đ.H.D.: Thực ra Diệu ít va chạm với cuộc sống bên ngoài. Từ nhỏ Diệu đi học, học cũng nhiều, rồi sau Diệu đi làm và Diệu sống... rất khép kín. Chính vì thế có thể nói là không có một nguyên mẫu nào của người thân hoặc bạn bè được đưa vào truyện ngắn của Diệu cả. Cho đến bây giờ, những nhân vật ấy hoàn toàn là hư cấu, hoàn toàn do trí tưởng tượng của Diệu dệt ra. Nhưng không có nghĩa là những con người ấy, thân phận ấy không có thật. Cũng như những giấc mơ -nhiều khi mình mơ những giấc mơ rất kỳ quái- nhưng các nhà khoa học sẽ giải mã ra rằng đấy cũng bắt nguồn từ một sự day dứt, từ một sự việc nào đó trong cuộc sống của mình mà mình vẫn còn đang bị mắc. Diệu cũng nghĩ như thế với trường hợp các nhân vật truyện ngắn của Diệu, nó không phải là hiện thực xung quanh Diệu, nhưng nó bắt nguồn từ hiện thực. Diệu thành thật nói rằng sự đọc của Diệu cũng chưa đi đến đâu cả, cho đến bây giờ Diệu vẫn chưa tự đọc được sách nguyên bản tiếng Pháp hay tiếng Anh và đấy là một điều thiệt thòi. Vì thế tất cả những gì Diệu viết hầu như từ trí tưởng tượng của Diệu nhiều hơn là vốn sống hay vốn kiến thức.
T.K.: Người bênh Diệu thì ít mà người "đánh" Diệu rất đông, vậy những sự phê bình ác ý ấy có làm Diệu nhụt chí, mất phương hướng hay không?
Đ.H.D.: Tất cả những điều diễn ra từ khi Bóng đè ra đời đến nay cũng không tác động Diệu nhiều lắm. Đôi khi làm Diệu hơi nản một chút nhưng cái nản đó không nhiều. Vì, thứ nhất Diệu là người rất bướng bỉnh, ngay từ nhỏ đã rất bướng bỉnh, thích làm gì thì làm bằng được, ít khi nghe ý kiến của ai lắm. Thứ hai, Diệu nghĩ rằng Diệu cũng như tất cả các bạn trẻ đang viết văn ở Việt Nam bây giờ cũng đủ tỉnh táo để biết rằng là có nên nản lòng, có nên siêu lòng, có nên mất phương hướng vì cái kiểu phê bình ác như thế không.
Mình phải đủ tỉnh táo để nhận ra điều ấy.
T.K.: Diệu hay dùng tính dục để đạt tới mục đích khác trong tác phẩm nhưng đôi khi cũng hơi bị quá tay khiến cho người ta có cảm tưởng là Diệu lạm dụng tình dục trong tác phẩm. Vậy Diệu có nghĩ là tới một lúc nào đó, phải chuyển sang một kỹ thuật viết, một cách ẩn dụ khác hay không?
Đ.H.D.: Điều chị đang nói và hỏi Diệu là vấn đề mà Diệu đã và đang nghĩ từ sau khi viết xong Vu quy. Vì Diệu không thể mang tính dục ra để làm ẩn dụ hết truyện này đến truyện khác được. Diệu cũng tự nhận thấy là Bóng đè, Vu quy như thế là quá đủ rồi và đã hơi lạm dụng rồi. Chính vì thế mà những truyện sau này, Diệu sẽ phải dùng cái khác làm ẩn dụ chứ không thể là tính dục được nữa. Nói như thế không có nghĩa là Diệu sẽ loại trừ hoàn toàn tính dục ra khỏi những truyện sau này của Diệu, tại vì với Diệu, Diệu luôn luôn quan niệm rằng khi viết truyện ngắn, hoặc truyện dài thì yếu tố đầu tiên phải là hấp dẫn, nhưng nói như thế cũng không có nghĩa là cứ tình dục là hấp dẫn vì có nhiều truyện không có tình dục nhưng vẫn rất hấp dẫn. Diệu nghĩ rằng phải tìm một cách nào đấy có thể dung hòa kỹ thuật và nội dung tư tưởng, nội dung thông điệp mà mình muốn chuyển đến độc giả để nó không lẫn vào nhau. Một số bạn đọc nói rằng truyện của Diệu bị tính dục lấn át, không nhận ra tư tưởng nữa, vì thế Diệu sẽ phải suy nghĩ để cải thiện điều đó trong những truyện tiếp theo.
T.K.:Chính Trần Vũ đã khám phá ra Đỗ Hoàng Diệu, việc này xảy ra như thế nào xin Diệu kể lại.
Đ.H.D.: Tình cờ Diệu gửi tác phẩm đầu tiên của mình đến Hợp Lưu và trong thời điểm ấy nhà văn Trần Vũ đang chịu trách nhiệm chính về nội dung cho tờ Hợp Lưu. Đó là một may mắn cho Diệu bởi vì nếu không là Trần Vũ mà là một người khác chịu trách nhiệm nội dung Hợp Lưu thì chắc gì đã có một loạt truyện ngắn của Diệu được nhìn nhận và được in trên Hợp Lưu như thế, để rồi sau này nó âm vang về trong nước. Vì thế cho nên Diệu rất cám ơn nhà văn Trần Vũ. Thứ nhất là Trần Vũ đã động viên, khuyến khích Diệu viết truyện; giục Diệu viết truyện như người mẹ buổi sáng giục con dậy sớm đi học. Ngay khi Diệu viết xong Tình chuột gửi đến Hợp Lưu và Trần Vũ biên thư trả lời, Vũ đã nói, đã động viên, khuyến khích rằng Diệu viết như thế rất được và nên tiếp tục phát huy theo dòng như thế, ghi nhận những hình ảnh, chi tiết như thế, phải cố gắng viết nhiều, nếu không sẽ phí đi, sẽ nguội đi. Chính nhờ những lời động viên ấy, Diệu mới hăng say và viết, viết một loạt năm bảy truyện như thế. Nếu không có sự thúc đẩy của Trần Vũ thì chắc gì Diệu đã viết được Bóng đè, chắc gì Diệu đã viết được Vu quy trong một thời gian sớm như thế. Diệu cũng biết là không phải Trần Vũ chỉ làm như vậy với một mình Diệu mà Trần Vũ cũng làm như thế với Nguyễn Danh Bằng hay là với nhiều bạn văn thân thiết khác của Trần Vũ như chị Mai Ninh, như anh Nam Dao hay một số người khác ở Mỹ. Điều này Diệu phải cảm ơn Trần Vũ.
T.K.: Có dư luận đồn rằng Trần Vũ viết hộ Diệu truyện Bóng đè, chuyện này hư thực ra sao?
Đ.H.D.: Bây giờ trong nước và ngay cả trong hội nghị lý luận phê bình trung ương vừa rồi, ông Mai Quốc Liên còn đứng thẳng lên bục chủ tọa, ông ấy nói rằng Bóng đè liên quan một nhân vật hải ngoại là Trần Vũ. Có một sự cấu kết nào đó giữa Đỗ Hoàng Diệu và Trần Vũ để viết nên Bóng đè. Diệu thấy đó là một điều rất nực cười. Ở Sài Gòn chẳng hạn, lại có người nhầm Trần Vũ với Trần Trọng Vũ, con của Trần Dần nữa! Người ta nói với nhau là truyện đó do Trần Trọng Vũ viết chứ có phải Trần Vũ viết đâu! Diệu nghe rất buồn cười vì Trần Trọng Vũ chỉ vẽ tranh chứ đâu có viết văn. Người ta nhầm một cách cơ bản như thế. Trần Vũ làm công tác chủ biên, cho nên công việc biên tập của Vũ là chuyện đương nhiên. Ví dụ trong truyện Bóng đè chẳng hạn, bản thảo đầu tiên gửi đến cho Vũ dài 18 trang, sau đó Vũ biên tập, cắt bỏ một số câu, một số từ, còn lại 16 trang như đã in trên Hợp Lưu. Hoặc như Dòng sông hủi, Vũ cũng biên tập, cũng sửa một vài chỗ, bỏ đi một vài câu để thành nguyên bản như đã in trên Hợp Lưu. Còn Vu quy thì Vũ không cắt một chữ, Vũ không bỏ một chữ nào, Diệu gửi thế nào là Vũ in nguyên văn trên Hợp Lưu như thế. Và khi nhận được bản thảo Vu quy, Vũ nói ngay rằng truyện này Vũ sẽ không cắt một chữ nào và Diệu bây giờ đã không cần đến bàn tay biên tập của Vũ nữa, cứ thế mà viết đi. Đấy là một sự khuyến khích, động viên Diệu rất lớn. Điều cuối cùng qua việc này, Diệu muốn nói rằng: Để cho các tác phẩm xuất hiện và tạo nên không khí văn học ở trong nước cũng như ở bên ngoài, vai trò của người chủ biên các tạp chí văn học rất lớn.
T.K.: Xin thành thật cảm ơn nhà văn Đỗ Hoàng Diệu.
THỤY KHUÊ
Đỗ Hoàng Diệu
trong không gian cổ tích
huyền ảo
Tình chuột mở đầu bằng câu: "Em chết rồi. Vậy là em đã chết rồi. Em không biết mình có đau đớn trước khi chết hay không". Câu nói tức khắc gây chấn động: tiếng của một người đã chết! Trước Đỗ Hoàng Diệu, Dương Nghiễm Mậu, cũng đã làm kinh ngạc độc giả như thế trong một truyện ngắn với giọng kể của một người chết.
Mậu truyện chưa được in lại ở trong nước, nhưng hình như chúng đã có con đường khác để ảnh hưởng đến thế hệ đi sau: như thể đó là một thứ huyết thống truyền kiếp chảy trong những ngòi bút chấm máu lệ dân gian. Mậu nói nhiều đến chuột, và Diệu cũng nói nhiều đến chuột. Bằng hai giọng điệu khác nhau, hai thế hệ khác, sống trong hai vùng Nam Bắc, nhưng họ mang cái tang chung và cùng báo động tình hình xuống cấp, hiện tượng chuột hóa của dân tộc. Dương Nghiễm Mậu đã tạo ra những Mậu truyện ở thời điểm chiến tranh khốc liệt 60-70 và bốn mươi năm sau, Đỗ Hoàng Diệu, xây dựng những cổ tích huyền ảo (les contes fantastiques) của thời bình, không kém khốc liệt, trong lòng một dân tộc vẫn chưa thôi bị chuột hoá.
Bây giờ, người ta thường đem văn học Trung Quốc ra để làm mẫu. Một số tác giả Trung Hoa được dịch và giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam như Mạc Ngôn, Vệ Tuệ... Nhưng đó có phải là những mẫu mực cần phải học hỏi không? Chưa chắc. Về việc hiện đại hoá văn chương, chúng ta chẳng có gì để học ở những tác giả như Mạc Ngôn, Vệ Tuệ, bởi họ chưa ra khỏi quỹ đạo kể chuyện đường dài của thế kỷ XIX, trong khi Việt Nam đã kịp thời hiện đại hóa văn học, từ thời điểm 54-75 ở miền Nam; và từ 1986 đến nay qua ba thế hệ, từ Nguyễn Huy Thiệp đến Đỗ Hoàng Diệu.
Về mặt văn chương, Nguyễn Huy Thiệp đi xa hơn Mạc Ngôn vì đã cấu tạo được thế giới ngôn ngữ Nguyễn Huy Thiệp. Mạc Ngôn là một tác giả lớn, một cây bút tài hoa và dài hơi, ông viết được sự khốc liệt, tàn ác vĩ đại trong xã hội Trung Quốc. Nhưng lối kể chuyện của Mạc Ngôn rất cổ điển, vì vậy truyện của ông, dù có éo le tình tiết đến thế nào chăng nữa, đọc đến tác phẩm thứ nhì, thứ ba là người ta chán. Vệ Tuệ chưa có tầm vóc như Mạc Ngôn, cô nổi tiếng vì dám phá rào, viết táo bạo về mặt tình dục. Nhưng lối phá rào như thế cũng đã "quá đát", nó thịnh hành trên thế giới từ những năm 50 trong thế kỷ trước, qua những "đợt sóng mới" nay đã cũ. Trung hoa vừa tỉnh lại sau giấc ngủ dài, tưởng là mới. Ngoài ra văn Vệ Tuệ cũng vẫn là lối kể truyện giản đơn, rất phóng túng và sống động nhưng chưa dầy chất lượng chữ, chưa tạo được cấu trúc nghệ thuật hoà đồng tư tưởng và ngôn ngữ. Vệ Tuệ chưa hình thành được thế giới ngôn ngữ của riêng mình.
Đỗ Hoàng Diệu viết hay hơn Vệ Tuệ, bởi Diệu không chỉ kể truyện như Vệ Tuệ, mà Diệu còn tạo được một thi pháp riêng tư độc đáo. Mỗi truyện ngắn của Diệu dựa trên một cái phông khác lạ. Bằng lối viết trữ tình đầy thi tính, Diệu lồng vào chữ nhiều ám ảnh, nhiều ẩn ý, tạo ra nhiều lối đọc khác nhau. Nói cách khác: truyện của Mạc Ngôn hay Vệ Tuệ là những truyện viết theo tuyến thẳng, đọc đâu hiểu đấy. Truyện của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Trần Vũ, Bùi Hoằng Vị, Tạ Duy Anh, Đỗ Hoàng Diệu... đằng sau ngôn ngữ còn ẩn cả một vùng bóng tối cần giải mã, mà mỗi lần đọc lại, độc giả tinh ý có thể tìm ra những ý nghiã mới. Chính cái thế giới ngôn ngữ đầy những ký hiệu tiềm ẩn ấy, xác định giá trị của nhà văn hiện đại. Và trong những nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc được dịch và truyền bá rộng rãi hiện nay ở Việt Nam, không mấy người tạo được thế giới ngôn ngữ chôn sâu ấy, trừ Cao Hành Kiện.
Qua tập Bòng đè, độc giả trong nước mới chỉ được đọc một nửa các truyện hay của Đỗ Hoàng Diệu, như Bóng đè, Dòng sông hủi, và Vu quy. Ba truyện có chủ đề, sáng tác sau. Còn Tình chuột, (Hợp Lưu số 74), Những sợi tóc màu tang lễ, (Hợp Lưu số 75), và Cô gái điếm và năm người đàn ông, (Hợp Lưu số 76), là ba truyện đầu tiên, viết trong khoảng 6 tháng đầu năm 2004; Diệu viết tự nhiên hơn, với nhiều cảm xúc hơn, chính ba truyện ngắn này đã xác định thi pháp Đỗ Hoàng Diệu. Một thi pháp cổ tích huyền ảo, bởi hai yếu tố cổ tích và huyền ảo gắn liền với nhau trong một bút pháp lãng mạn vô cùng đớn đau.
Thi pháp cổ tích huyền ảo này xuất hiện rất sớm trong văn phong của Diệu, ngay từ truyện ngắn Huyền thoại về lời hứa (1994) 18 tuổi, Diệu đã viết:
"Đêm hao gầy. Trăng dìu dịu lan toả. Bản Lai Vu im lìm như bồ thóc. Nàng ngồi dường như bất động. Bóng áo trắng chập chờn, chập chờn in hình xuống lòng suối. Một sự cô đơn hoang vu đến rợn người. Những đợt gió chợt thốc lên. Ánh trăng bàng bạc soi chiếu từng lọn tóc đen mềm của nàng bứt ra, bay lồng lộn, tưởng có thể gãy tan tành, đứt đoạn. Nàng nghiêng người, cầu nguyện. Gió ngừng quái ác, trở về dịu dàng, vuốt ve. Trăng và sao sà xuống làm bạn với nàng". (Huyền thoại về lời hứa, trong tập Bóng đè)
Nàng ở đây là A Lứ, là bóng ma A Lứ, người con gái chờ ngày 20 tháng ba chồng hẹn sẽ về, nhưng A Lứ chờ mãi, chờ mãi, chồng không về. A Lứ không hoá đá như người đàn bà vọng phu, nàng hoá ma. Bóng ma A Lứ đợi chồng cho đến khi:
"Trời tờ mờ sáng. Các vì sao và vầng trăng lần lượt tạm biệt nàng. Vì sao cuối cùng chầm chậm quay gót. Bản Lai Vu lờ mờ trong làn hơi màu trắng đục. Xa xa, vẳng tiếng bò kêu, chó sủa. Đôi mắt người con gái ngước lên trời, cúi xuống suối, quay về phương đông. Rồi chợ oà lên, vỡ vụn từng tiếng nấc"
Thi pháp cổ tích huyền ảo của Đỗ Hoàng Diệu vừa thành hình, và trên lối viết này Diệu xây dựng thế giới nhân vật của mình: sườn dựa trên cổ tích, nhân vật của Diệu là những người con gái bị phụ bạc, bị chiếm đoạt: thiếu nữ mười sáu trong trắng nhẹ dạ, trao thân; rồi người yêu, người tình, những kẻ chiếm đoạt lần lượt quất ngựa truy phong, nàng chờ đợi tan tác trong chợ đời.
Chợ đời của Diệu là cái chợ biết "oà lên vỡ vụn từng tiếng nấc" như Diệu đã viết từ năm mười tám. Với giọng văn dịu dàng và khốc liệt, tiếng trầm, tiếng bổng, giọng thực, giọng ảo xen kẽ: nếu có trăng "dịu dàng lan toả", thì lập tức gió lại "từng đợt thốc lên". Nếu có "những lọn tóc đen mềm" thì chúng sẽ bị "gió bứt ra, làm cho tóc bay lồng lộn, tan tành, đứt đoạn". Vừa tai ngược xong gió lại mơn man "Gió ngừng quái ác, trở về dịu dàng vuốt ve". Diệu xen kẽ hiền hoà và dữ dội trong con người vừa chịu trận vừa nổi loạn. A Lứ là những nét phác đầu tiên còn non nớt, nhưng đã cho thấy một hình thái hoang đường vừa được tạo ra trong sườn cổ tích Tô thị đợi chồng.
Nhân vật trong ba truyện Tình chuột, Những sợi tóc màu tang lễ và Cô gái điếm và năm người đàn ông phức tạp hơn, đớn đau và khốc liệt hơn A Lứ, vẫn với giọng kể pha âm dịu dàng và vũ bão. Diệu đưa ra những nhánh, những chồi khác nhau, những giọt máu rơi từ trăm trứng của Âu Cơ: Vy trong Tình chuột là A Lứ thời "mở cửa", chờ người yêu Việt kiều về cưới. Dực trong Những sợi tóc màu tang lễ: người tình đi lấy vợ, tóc Dực rụng dần, những sợi tóc để tang cho những ô nhục từ tuổi mưới sáu với ông thày khả kính, đến ông thứ trưởng vũ phu có "bộ răng vàng nhởn". Huệ, cô gái giang hồ bên cây cổ thụ trong truyện Cô gái điếm và năm người đàn ông là một Đạm Tiên huyền ảo của thời này.
Ba truyện ngắn như ba bài thơ với thi pháp vô cùng hư ảo.
Tình chuột, trình bày ba giọng khác nhau của một cô gái và hai người đàn ông về một cái chết: cô gái vừa tự tử bằng thuốc chuột (Trung Quốc); hai người đàn ông, một Việt kiều San José (Mỹ) người yêu đầy hứa hẹn và một ma cô (bản điạ) sẵn sàng giúp nàng xuất ngoại với giá bán mình.
Lời người con gái:
"Vâng, em xinh, em có xinh thật không anh? Em xinh nhưng ở trong căn nhà có chuột. Chuột chù, chuột cống, chuột đồng, chuột bạch chạy dớn dác trên cánh đồng ngập ứa nỗi đau trải dài suốt sa mạc đỏ lòm trái tim em (...) Hai tuần nghỉ phép và một đám cưới trở thành đàn chuột chạy thục mạng vào em (..) .Chúng chỉ để lại một cái ổ với những bào thai vương vãi trong em(...) Đêm hôm ấy, nhìn ngắm chiếc váy chán chê, em có cảm giác cái bào thai chuột cựa quậy trong bụng (...) Em rùng mình. Gió lạnh, gió bấc cuối mùa đông hất tung những sợi tóc mỏng mảnh của em. Em quên cài cửa sổ. Em chưa cài cửa sổ. Cành sấu già đung đưa, đỏng đảnh ghé mắt nhìn em, nhìn chiếc áo cưới (...) Những bào thai chuột đỏ hỏn cựa quậy mở mắt(...) Giữa tháng và cuối tháng. Oà vỡ. Gió bỏ đi. Thời tiết bất thường. Nắng 40 độ. Cành sấu già trĩu quả mọng xanh, đẫy đà bản năng làm mẹ. Chiếc váy cưới im lìm. Công việc, công việc không xong, dự án anh làm bị người ta kiện. Hãng không cho anh nghỉ một tuần (...) Bệnh Sars quái ác. Cả đàn chuột cống chạy náo loạn trong trong cơ thể xanh xao chờ đợi của em".
Lời gã Việt kiều: "Chắc chắn cháu sẽ về vào tháng Ba để thưa chuyện với hai bác và xin cưới em Vy (...) Trong thời gian chờ đợi để sang với anh nhớ học anh văn cho giỏi em nhé". Nhưng rồi : "Dự án anh làm bị người ta kiện. Hãng không cho anh nghỉ một tuần".
Giọng tên ma cô: "Mông không to mà ngực cũng chẳng nở. Mắt không bồ câu mà mũi cũng chẳng dọc dừa. Mông và ngực đều nhỏ nhưng săn chắc.(...) Cặp đùi dài thẳng băng. Con gái thế này thì phải biết (...) mình chưa bao giờ được ngủ với một cô gái như vậy cả (...) Té ra là em đang tìm cách sang Mỹ gặp người trong mộng của em mà không được. Hoá ra là em chung thủy mù quáng với cái thằng Việt kiều chuyên gia máy tính ấy (...) Em ngủ với anh, anh giúp làm giấy tờ cho em đi gặp cái thằng Việt kiều hèn yếu của em".
Ba giọng: giọng Kiều, giọng Thúc, giọng Sở Khanh.
Toàn truyện viết theo nhịp điệu hình ảnh, tâm cảm và ngoại cảm. Cái đẹp xen cái xấu, thơ ngây bên cạnh lừa dối, trong trắng nằm chung với vẩn đục. Tiếng chuột vang lên trong mỗi âm tiết, tạo sự kinh hoàng, tởm lợm, bi đát và huyền ảo.
Một nền Tô Thị vọng phu dựng trên bối cảnh kinh hoàng: Giọng Kiều nhận ra mệnh mình em xinh nhưng em ở trong căn nhà có chuột. Và mệnh mình nằm trong vận mệnh chung của dân tộc: chuột chù, chuột cống, chuột đồng, chuột bạch chạy dớn dác trên cánh đồng ngập ứa nỗi đau trải dài suốt sa mạc đỏ lòm trái tim em. Và mệnh cả dân tộc nằm trong sa mạc đỏ. Kiều muốn thoát khỏi sa mạc đỏ bằng một đám cưới nhưng bất hạnh cho nàng, anh chàng lừng khừng họ Thúc còn đang miệt mài công việc, chàng đưa ra những cớ hoãn binh. Lợi dụng tình thế đợi chờ tuyệt vọng của nàng, Sở Khanh ra tay... tế độ.
Tình chuột gói trọn nhũng bi kịch kín trong sa mạc đỏ: chuột độc chiếm môi trường sống, chuột chui thốc vào cơ thể con người, chuột sinh xôi nẩy nở thành những bào thai chuột đỏ hỏn cựa quậy, mở mắt... Cả đàn chuột cống chạy náo loạn trong cơ thể xanh xao chờ đợi của em. Những người trong đó đều tìm cách thoát ly nhưng mọi nẻo đường đều đã bị sở khanh chặn đứng.
Đỗ Hoàng Diệu đã vô tình định nghĩa bút pháp của mình bằng câu"chập chờn những hình ảnh, ma mãnh những giấc mơ" và thật sự là Diệu đã vẽ nên những nét chập chờn, ma mãnh về tình thế con người trong sa mạc đỏ qua truyện ngắn đầu tiên Tình Chuột.
Trong truyện ngắn Những sợi tóc mà tang lễ, sự huyền ảo đến từ những bước chân gõ trên cầu thang thư viện của Dực:
"Một, hai, ba, Dực đi tiếp. Rùng rợn tiếng quỷ khóc, ai oán giọng ma kêu. Chít chít, chuệch choạc, âm thanh chưa chạm, tiếng của sự rơi vào hư vô. Dực phải bỏ đôi giày ra thôi. Nơi tĩnh lặng thế này Dực sẽ phá hỏng biết bao ý tưởng đang rồ lên điên dại điều khiển bàn tay lật giở từng trang sách kia. Cúi xuống, những ngón tay thon dài của Dực chạm vào mũi giầy, kéo ra. Không! Dực không kéo nó ra nổi. Từng lọn tóc bỗng dài thêm và đang vùng vẩy dưới miếng da màu đen. Lẫn lộn giày tóc, lẫn lộn niềm đau. Dực cố vùng lên ngửng cao đầu, đưa chân ra nhưng đầu và chân Dực đều không cử động. Từng sợi, từng lọn bứt ra khỏi đầu Dực toẽ hình hoa huệ tàn phủ lấp mũi giầy. Chân tóc trắng sắp hàng so đũa chổng ngược kinh hoàng nhìn Dực đang hãi hùng. Chân tóc chuyển dần đỏ rượi toé ra từng sợi, từng sợi. Màu máu, hình như là máu. Anh sẽ cưới vợ vào tháng 12 này. Vợ anh là ca sĩ mà chắc em đã từng nghe tên. Vướng vít tóc Dực bay lượn anh, vợ, ca sĩ, mười hai. Đỏ máu, chữ được nặn từ máu Dực. Dực đọc nó rõ ràng hơn trên màn hình máy tính hồi nãy".
Vẫn "chập chờn những hình ảnh, ma mãnh những giấc mơ", nhưng ở đây yếu tố "ma mãnh" lấn nhiều lãnh địa hơn. Dực -vừa nhận được email báo hỷ của người yêu- nghe âm thanh, hình ảnh, màu sắc xáo trộn kinh hoàng trong óc, và bòng đè xuất hiện lần đầu tiên: Dực bị bóng đè giữa ban ngày, trên cầu thang thư viện quốc gia "Dực cố vùng lên ngửng cao đầu, đưa chân ra nhưng đầu và chân Dực đều không cử động". Những bóng đè Dực ở đây là bóng sống của ông thày khả kính, phá Dực năm 16, bóng bác gác dan, "sĩ quan về hưu kinh qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ", nhìn Diệu "nuốt nước bọt mỗi sáng", bóng ngài thứ trưởng thô tục "ăn sáng bằng tay"... Tóc Dực rụng tóc dần dưới những bàn tay thô thiển, những ánh mắt nhày nhụa. Dực chờ đợi một tiếng nói không đen: "ôi! Tiếng anh màu hồng, tiếng anh màu thiên thanh, tiếng anh màu hạnh phúc". Nhưng chính tiếng anh lại đen kịt nhất, phản bội nhất, đánh dấu chấm hết vào niềm tin cuối cùng. Dực không còn lối thoát.
Huệ, trong Cô gái điếm và năm người đàn ông, đẹp như huyền thoại Bồ tát O No Bu trong truyện của Kawabata: một đêm nàng biến năm chàng trai trở thành đàn ông bên gốc cây cổ thụ. Nàng chết với vi khuẩn HIV. Đạm Tiên của thời "mở cửa", Huệ như giọt lệ cuối cùng của lương tâm còn sót lại trong một thế giới đã cạn dần lương thức. Những sợi tóc màu tang lễ, Tình chuột, và Cô gái điếm và năm người đàn ông là những cổ tích huyền ảo, thơ mộng và đau thương, về những kiếp người - người phụ nữ hôm nay.
Thế giới cổ tích của Đỗ Hoàng Diệu, khởi đi từ thân phận người con gái băng trinh mười sáu, dù mang tên A Lứ, Vy, Dực hay Huệ, nàng cũng là biểu tượng của nhẹ dạ, của tình yêu. Từ nàng, xuất phát những thân phận phụ nữ khác, họ hình thành và cưu mang thân phận đất nước. Những nhân vật của Diệu, mô thức Âu Cơ, thân cong chữ S, vì cả tin nên đã trở thành gái giang hồ bán thân cho cường quốc, vì cam phận nên bị bị bán cho xác ướp râu xanh, bị tổ tông cưỡng hiếp, bắt buộc phải duy trì dòng giống đã bị chuột hóa của giống nòi. Sống trong xã hội bóng đè, họ bị theo dõi, tâm hồn lẫn thể xác đã bị niêm phong vào sổ đen. Đó là mô hình Âu Cơ mang phận Kiều, phận Tô thị, trong nghệ thuật cổ tích huyền ảo của Đỗ Hoàng Diệu. Xuyên qua sáu truyện ngắn tiêu biểu, tác giả đã xây dựng hệ thống tư tưởng của mình, như vô tình, như không định trước.
*
Xã hội bóng đè
Bóng đè trong tiếng Việt, diễn tả hiện tượng pha trộn giữa mơ và thực, tình trạng nửa thức nửa tỉnh, của một người tưởng mình đang bị ma làm, biết là bị ma làm, nhưng chân tay như đã bị bó chặt, không cưỡng lại được. Bóng đè, nghĩa bóng, còn là tình trạng của người bị cưỡng bức mà không nhận diện được những thế lực áp bức mình là ai, bởi chúng ở trong bóng tối, chúng không để lại dấu vết ngoại thương trên người bị đè, nhưng bên trong nạn nhân đã nẫu nát lục phủ ngũ tạng, tàn tạ tâm hồn.
Hiện tượng bóng đè như trên đã nói, xuất hiện lần đầu trong truyện Những sợi tóc màu tang lễ, dưới dạng thức mê sảng của người con gái vừa được tin người yêu sắp lấy vợ. Nguyễn Khánh Dực chạy bổ xuống thang, chỉ có ba tầng lầu mà nàng có cảm giác như đi 27 năm tuổi đời chưa hết, tóc Dực dài ra, dài mãi, chân vấp lên tóc, trong một tình trạng hoang loạn mê sảng: "từng lọn tóc bỗng dài thêm và đang vùng vẫy dưới miếng da màu đen. Lẫn lộn giày tóc, lẫn lộn niềm đau. Dực cố vùng lên ngửng cao đầu, đưa chân ra nhưng đầu và chân Dực đều không cử động". Bóng đè đã xuất hiện ở Dực. Bóng đè ở đây là tình trạng hôn mê của người phụ nữ bị bội bạc bị đè. Những bóng đè lên Dực là những nhân vật sống: đầu tiên là người thày khả kính chiếm hữu Dực năm 16 tuổi, rồi người gác cổng cơ quan đè Dực bằng mắt, ông thứ trưởng bằng tay, và người tình sở khanh bằng tiếng nói màu xanh, màu hồng.
Bóng đè lại xuất hiện trong truyện ngắn "Cô gái điếm và năm người đàn ông", nhưng trong tình thế đối trọng với truyện trước: Bóng đè ở đây là bóng của Huệ, cô gái điếm đã biến năm thiếu niên trở thành đàn ông trong một đêm, bên cây cổ thụ. Bóng Huệ vô tình đè nặng lên tương lai tính dục của năm chàng trai, khiến họ không thể giải tỏa được những ẩn ức tính dục của mình với những người đàn bà khác. Huệ đã dạy cho năm thiếu niên bài học vỡ lòng về việc hành tình trong giao cảm giữa hai tâm hồn, mà sau này họ không tìm được tuyệt đỉnh khoái lạc trong sự hành tình một chiều: chiếm hữu hoặc bị chiếm hữu. Huệ là bóng đè của nhục cảm giao hoà trên nhục dục chiếm hữu.
Truyện ngắn Bóng đè trình bày nhục dục chiếm hữu, trong một tình thế phức tạp hơn: tình trạng cưỡng hiếp chiếm đoạt siêu hình mang màu sắc loạn luân: Tổ tiên đè lên con cháu, vừa để áp đặt, vừa để duy trì quyền độc tôn trên các thế hệ đi sau.
Những bóng ma trong truyện Bóng đè là những kẻ đã chết lâu đời, đã nằm yên trên bài vị, hương án; nay trở về, đè lên một nàng dâu, trữ tình, đầy nhục cảm, thân thể phơi mở, đồng loã. Sự đè này có tính cách tập thể và đồng loã: cả nạn nhân lẫn thủ phạm cùng đồng loã trong hành động ô uế. Chính sự đồng loã ấy, đã mang lại tính cách ambigu, mờ ám, đa nghiã cho tác phẩm. Bóng đè, có cấu trúc như một kịch bản, với đề-co là chiếc bàn thờ, bài vị, bát hương, và chiếc phản. Những yếu tố "đậm đà bản sắc dân tộc" này hiện ra trong truyện dưới những góc cạnh bất ngờ.
Nguyễn Tuân, đã từng dùng bàn thờ, bát hương và bài vị trong kiệt tác Chùa đàn, dựng nên một bối cảnh rùng rợn chưa từng thấy: hồn Chánh Thú phong tỏa bát hương, nghiến vụn cây đàn, cười sằng sặc đằng sau bài vị. Người thày của kinh dị trong văn chương Việt Nam này cũng là người thày của cái ngông, và ngòi bút Nguyễn Tuân đã không chừa bất cứ một sự báng bổ thần thánh nào.
Hơn nửa thế kỷ sau, kẻ hậu sinh họ Đỗ lại phạm cấm. Ai cũng biết bàn thờ và bát hương, đối với người Việt, là những linh điểm tuyệt đối, không được đụng chạm. Vậy mà, nàng dâu trong truyện lóng ngóng thế nào làm cháy bát hương, thiếu điều đánh đổ các bài vị, làm các cụ xiểng liểng trên bàn thờ. Chưa hết. Không những Diệu dám bày bàn thờ ra chơi mà còn dùng bàn thờ như một cơ sở, một thứ Tổng hành dinh của các thế lực bóng tối. Từ bàn thờ, tổ tiên mặc sức xuất quân càn quét, hành hung, hãm hiếp con cháu.
Bóng đè, với bút pháp đặc biệt "phạm thượng", với không khí căng thẳng và ma quái, các đồ vật được liếc qua dưới cái nhìn bóc vỏ. Ví dụ, về chiếc phản: dễ đã bảy tám đời ngủ nghê, ăn uống, sinh con đẻ cái và khâm liệm, về chiếc bàn thờ: đập ngay vào mắt là là hai huân chương liệt sĩ, một Điện Biên, một đường 9 Nam Lào. Hai tấm ảnh truyền thần dương cặp mắt dài dại song vẫn là tia nhìn lạnh lẽo đầy hãnh tiến.(...) Đôi mắt liếc xéo của những người đàn ông dòng dõi đế vương chết rồi vẫn đội lên đầu xứ sở Trung Hoa. Và cái bát hương đặt cạnh khung ảnh một người đàn ông trung niên có hàm răng hơi nhô với tia nhìn sắc lạnh. Tất cả những lối nhìn lối nói này đều "phạm thượng" đối với những vị được gọi là "anh hùng dân tộc".
Nhà chồng mỗi năm có 16 đám giỗ mà chỉ có mười một cái mộ, hỏi ra mới biết: Bà cô thất tình nhảy xuống sông tự tử mất xác. Hai ông cố trẻ làm thầy phù thủy đi mất tích. Hai ông khác, một liệt sĩ Điện Biên, một liệt sĩ đường 9 Nam Lào, xương hốt về bằng đầu đũa chôn chung một mộ. Ông nội bị đấu tố hồi cải cách ruộng đất chết thảm trên tổ kiến lửa. Sáng sau bà nội chỉ tìm thấy vài cọng tóc ở nơi cột trói, xác không biết đi đường nào".
Tóm lại, "lịch sử oanh liệt" của gia đình nhà chồng "dòng giõi thiên triều" này, được tóm gọn trong lời kể rất xấc của nàng dâu. Một không khí cưỡng bức và nổi loạn, trước khi tai ương xẩy ra, vẫn giọng người con dâu kể:
"Chưa kịp định thần, bỗng dưng mái tóc, thân thể tôi nóng hực và tiếng cô út hét lên: "Bát hương cháy rồi". Thụ xô ngã tôi, quỳ mọp trước bàn thờ dập đầu lia liạ. Bát hương ngùn ngụt cháy. Tôi hoảng loạn nghĩ thế nào tia lửa cũng lan rộng thiêu cháy bàn thờ, thiêu cháy ngôi nhà, thiêu cháy bãi ngô, đốt rụi mồ mả. Tôi muốn tìm xô xách nước dập lửa nhưng chân tay tôi cứng đơ tựa khúc gỗ, cơn đau nhức oại oằn trí não".
Vận tốc diễn biến rất nhanh đến chóng mặt. Như thể ngòi bút muốn châm lửa thiêu rụi tất cả những tàn tích tủi hổ của u mê, của thoái hoá chung quanh mình.
Và bây giờ đến màn chính của vở kịch:
"Ngoài sân cửa nhà mở toang và ánh trăng vẫn đang rọi những mảng sáng cuối cùng. Đúng lúc tôi chống tay định nhỏm dậy thì tấm màn đỏ nhúc nhích và tứ chi nặng chiũ. Từ sau tấm màn đỏ, những chiếc bóng bay ra lũ lượt tích tụ thành mảng đen lớn. Trái tim tôi muốn nhảy dựng khỏi lồng ngực, tôi nhắm chặt hai mắt trong kinh sợ tột cùng, nhưng vẫn cảm giác rõ rệt trước mặt khối đen đang lẩn nhẩn về phía mình".(...)Mảng đen đã thôi uốn lượn trên nền vải, nó thò hẳn vào lùng sục từng bộ phận thân thể tôi.(...) Tôi hiểu mình phải im lặng, im lặng trong sợ hãi tột tận đời người. Khối đen tan biến hết, tôi thấy mình hét lên một tiếng sập trời khi lờ mờ nhận ra đường nét trên gương mặt đang đè mình. Tia nhìn xéo sắc lạnh, hàm răng hơi nhô đanh ác đầy quen thuộc (...) Cánh cửa buồng mở toang và mẹ chồng tôi hiện ra với chiếc bật lửa. Tôi muốn vùng chạy khỏi nỗi nhục nhã ê chề. Bóng đen vẫn nhích, từng phân nhích xuống. Đôi mắt mẹ chồng nhìn vào phản làm tôi hãi hùng hơn tất cả những gì đang chịu đựng. Tia nhìn sòng sọc, hằn học, cay nghiệt bổ tát mỗi phân vuông cơ thể tôi lõa lồ. Ánh mắt ấy như muốn thiêu cháy mỗi sợi lông măng hình hài tôi. Cố vùng vẫy, cần đạp thoát cái nhìn của bà, tôi quên cả bóng đen đang nhinh nhích đã gần kề cửa sông con gái. Bóng tối tan chảy, lửa bùng lên loang khoét tấm màn đỏ. Mẹ chồng tôi phẩy lia phẩy lịa nắm nhang khắp bàn thờ như điên dại."
Sự quái gở ở đây nằm trong tính đồng loã giữa nạn nhân và thủ phạm. Người mẹ chồng, chắc chắn đã từng là nạn nhân của bóng đè trong quá khứ và và cô em chồng sẽ là nạn nhân của bóng đè trong tương lai. Nhưng cả hai lại về hùa với tổ tiên, giữ việc canh phòng cho các bài vị mặc sức tung hoành trên thân thể người con dâu bất hạnh. "Tia nhìn sòng sọc" của bà mẹ chồng còn đáng hãi hơn, nó phản ảnh tất cả những ghen tuông hận thù truyền kiếp. Người chồng hoàn toàn bất lực, hoặc cố tình đồng lõa để cha ông hành hung vợ mình. Nhưng, đặc biệt nhất là người con dâu, sau mỗi lần bị bóng đè, nàng không ngán, mà lại có "cảm giác như tiếc, nhớ chiếc phản và bàn thờ với màn đỏ che đậy".
Điều này có nghĩa là trong xã hội bóng đè, tất cả mọi người đều "nhất trí" cho việc trên đè dưới, hết đời này qua đời khác, là phải. Tất cả đều tích cực góp phần vào việc duy trì cái dòng giống dễ bảo, đui mù, câm điếc; kể cả các nạn nhân, như người chồng, như cô em chồng, như bà mẹ chồng, và đến cả người con dâu, ban đầu muốn phản kháng nhưng cuối cùng, không những nàng đã đầu hàng vô điều kiện, mà còn hưng phấn khi bị bóng đè.
Người con dâu chỉ còn lại bàn tay. Bàn tay là điểm tựa cuối cùng, bàn tay cầm bút, bàn tay chống đỡ dông bão. Trong cái mục nát toàn diện đến cả thân thể, nàng còn chút tự hào và hy vọng duy nhất về bàn tay "tôi có thể chết đi rồi mà bàn tay vẫn nguyên vẹn", bởi "nó biết níu giữ tự do cho dù thân thể buộc trói".
Nếu truyện Bóng đè vẽ ra nguyên tắc vận hành hành trong xã hội bóng đè là cả vú lấp miệng em, là lấy quá khứ đè lên hiện tại, lớp già đè lên lớp trẻ, thì Dòng sông hủi, viết về phương pháp nội trị, hay là cách giữ trật tự ổn định trong xã hội bóng đè. Phương pháp chủ yếu ở đây chiếu vào hoạt động sinh lý của con người: để giữ cho xã hội được "ổn định", thì bộ phận sinh dục của người đàn bà phải được "niêm phong", phải bị theo dõi điều tra, như nhân vật K của Kafka.
Người đàn bà trong truyện Dòng sông hủi, có người chồng vói cái tên đầy ý nghiã là Công, nàng kể rằng: "Chồng tôi hành nghề kỳ quặc: Kiểm tra trí nhớ của con người. Lấy anh tôi mới khám phá ra, anh thường xuyên theo dõi những giấc mơ của mình. "Em có thai phải không?(...) Tôi biết chắc tôi chưa có mang, nhưng làm sao Công biết tôi đã nằm mơ thấy đứa trẻ?(...)Đôi mắt Công nhỏ nhưng ngầu lửa, quét lên tấm hình cưới."
"Sao cô ở nhà mặc váy ngủ vào giờ này? Ngoài sân có vệt bánh xe máy không phải chiếc Spacy của cô."
"Bây giờ, khuôn mặt ấy ghé sát vào vai tôi thì thầm: Em có thai phải không?"...
"Sau tiếng cô rồi tiếng em là tiếng xe máy làm toạc gió chiều. Công lại đi theo dõi một bộ nhớ khác hay một vụ việc khác"
Người chồng ngoài phận sự theo dõi những người khác, còn làm thêm công tác nội, tức là chấn chỉnh an ninh trong gia đình, mà đối tượng nổi loạn bất ngờ và ngoan cường nhất là người vợ. Anh ta đã bắt mạch được nguy cơ trong nhà, phải triệt hạ nội loạn trước khi xẩy ra ngoại loạn. Người vợ dần dần khám phá ra bí mật của chồng, nàng biết mình không còn chỗ nào để giấu bí mật của đời mình, nàng cũng không thể nhờ cậy gì được ở người tình tên Trí, bởi bọn trí thức hèn nhát chưa chi đã nhục nhã cúi đầu. Nàng biết dù chạy đi đâu, lên cao nguyên đất đỏ, hay về thành phố, cũng không thoát khỏi vòng nan y phong tỏa, bởi bệnh hủi đã lan tràn khắp nơi. Nàng không thể chạy trốn bởi không chỉ bản thân của nàng bị truy nã, mà tâm hồn nàng cũng đã bị vào sổ đen.
Truyện Vu quy, bộc lộ nguyên do đã sinh ra xã hội bóng đè: một cuộc ép duyên tàn bạo. Người con gái lấy chồng hôm nay đã có một quá khứ dạn dầy ba chìm bảy nổi từ hôm qua. Mối tình đầu năm 16, nàng dành cho người con trai đất sông Hồng, nặng mùi phù sa quê cha đất tổ. Bị người yêu lừa dối, cha mẹ bắt phá thai, nàng chạy theo ma lực quyến rũ của một người Tầu uy nghi như Hoàng Đế, nàng kể lại rằng: "Đôi mắt một mí của ông cười ma quái. Nắng biển đông chết ngoài khơi trước ánh mắt ông. Tấm thân tôi cong lên hình chữ S, một hình chữ S cố phản kháng". Nhưng nàng vẫn cúi đầu thần phục mọi bề trước lão Tàu già, để rồi "Thân nàng không còn chữ S nữa mà trở thành chữ I, hai đầu xẹp nhép. Vậy mà lão cũng không dung, sau cùng lão đuổi nàng ra khỏi nhà. Người tình thứ ba tên Việt, đã trôi nổi bềnh bồng trên đại dương, 25 năm làm người nơi xứ lạ. Bố gầm lên: "Quân bán nước. Tao còn sống thì mày đừng hòng". Người tình thứ tư tên Tim. Mắt bố long lên như "mắt bộ đội cụ Hồ trên vĩ tuyến 17" :" Không bao giờ được lấy một thằng Mỹ. Tôi không chấp nhận văn hoá B-52". Vài ngày sau, Bố tác thành cho nàng với một ngoại kiều Tây phương đầy hứa hẹn. Đêm tân hôn, khám phá ra diện mạo của chồng, nàng kể lại: "Căn phòng bỗng ảm đạm. Một luồng khí phụt vào thân thể tôi, buốt xót. Trước mắt tôi, trên chiếc ra nâu xám, trong ánh sáng nhờ nhợ của một không gian xám, thân thể một người đàn ông thẳng đơ như chết rồi. Khuôn mặt Tây phương vô hồn trông đến cả vài trăm tuổi nhưng được tân trang màu mè từa tựa bức tượng tôi vẫn thường trông thấy mỗi khi đến cơ quan bố. Toàn bộ thân thể người đàn ông xám lạnh, duy chỉ có hàm râu quai nón rậm rì loen nhoen nhiều vệt trắng (...) Trời ơi, những vệt trắng trên bộ râu quai nón của người đàn ông! Tôi chồm lên thân thể nước đá giữa chiếc giường lạnh xám. Thân hình người đàn ông buốt giá, cứng đơ. Thân hình một xác ướp! Đêm qua tôi đã lên thiên đường cùng một xác ướp, tôi đã động phòng với một xác chết(...) Chồng tôi tên là Karl."
Cái bóng đè lên người con gái bất hạnh trong truyện Vu quy có tên là Karl, là một xác ướp, là con yêu râu xanh, như trong truyện cổ tích ngày xưa. Vu quy là lịch sử một người con gái, đã trót yêu sông Hồng, nhưng bị dòng sông phụ bạc, trót yêu "vượt biển" nhưng bị cha cấm không cho lấy quân "bán nước", nàng trở thành người thiếu phụ bán mình cho cường quốc, hết Tàu đến Tây, dáng dấp yêu kiều gợi cảm, thân hình chữ S của nàng đã bị dày xéo dập nát, và sau cùng nàng bị cha mẹ gả cho con yêu râu xanh đã chết từ mấy trăm năm.
Lịch sử nàng trùng hợp với một lịch sử bi thảm khác mà dân Việt đã kinh qua.
Bộ ba: Bóng đè, Dòng sông hủi và Vu quy, đào sâu vào sinh mệnh âm u của đất nước, và viết nên định mệnh của thế hệ thứ ba: thế hệ bóng đè. Thế hệ Đỗ Hoàng Diệu.
THỤY KHUÊ
Paris, tháng 5/2006