TRÍ TUỆ NHÂN TẠO CÓ PHẢI LÀ TÁC GIẢ KHÔNG?
(Một góc nhìn về vai trò của trí tuệ
nhân tạo AI trong sáng tác văn chương)
Phan Tấn Uẩn
Trong những năm gần đây, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI : Artificial Intelligence) đã tạo ra một làn sóng quan tâm sâu rộng trong giới viết lách. Với nhiều người, đây là một phương tiện mới mẻ, đáng để thử nghiệm. Nhưng với không ít người khác , nhất là những cây bút kỳ cựu hoặc thủ cựu, thì sự xuất hiện của AI đặt ra những hoài nghi, thậm chí phản ứng: Có nên xử dụng AI khi viết văn? Nếu có sự trợ giúp như thế, tác phẩm đó có còn là của cá nhân? Người viết có còn xứng đáng đứng tên tác giả?
Tôi từng bỡ ngỡ và đặt những câu hỏi ấy khi mới tiếp xúc với AI. Nhưng nhờ trải nghiệm thực tiễn, tôi dần nhận ra bản chất thật sự của công cụ này – và càng hiểu rõ hơn đâu là ranh giới giữa công cụ hỗ trợ và ý tưởng sáng tạo. Bài viết này chia xẻ góc nhìn cá nhân ấy, không nhằm tranh luận hay áp đặt, mà như một cách giúp bạn đọc hiểu rõ hơn: trí tuệ nhân tạo không hề thay thế con người, và việc xử dụng AI trong sáng tác – nếu trung thực và có ý thức – là điều hợp lý và xứng đáng.
(PHAN TẤN UẨN)
*
1.
AI không viết thay mà cùng viết chung với tác giả
Trí tuệ nhân tạo không tự nhiên viết ra một bài văn nếu không có người hỏi. Nó không có ý thức, không có cảm xúc, không biết yêu hay ghét, không biết hoài niệm hay mơ mộng. Nó chỉ phản hồi dựa trên những gì người viết cung cấp . Tùy theo mức độ rõ ràng, sâu sắc, sáng tạo của người hỏi , AI sẽ cho ra các kết quả khác nhau. Cũng như một cây bút, hay máy đánh chữ, trí tuệ nhân tạo chỉ là phương tiện. Nó không tạo nên tư tưởng, không làm thay trải nghiệm, không thay con người cảm nhận hay đấu tranh với nội tâm. Nó không thể làm nên một câu văn đẹp nếu người viết không có thẩm mỹ; không thể dẫn dắt một lập luận sắc sảo nếu người viết không biết mình muốn nói gì.
Nói cách khác, AI là ngọn đèn soi đường , người đi vẫn phải là chính chúng ta. Và nếu bài viết có chiều sâu, có cá tính, có giọng điệu riêng thì không ai có thể nói đó là sản phẩm của máy móc.
2.
Ghi tên mình là hành động trung thực – không phải chiếm đoạt
Có người hỏi: nếu AI giúp ta sửa, bổ sung, đề nghị cách viết hay hơn, thì ta có còn xứng đáng để đứng tên tác giả ?
Tôi xin trả lời: Nếu toàn bộ tư tưởng, nội dung, cảm xúc, và định hướng đều là của bạn – thì đó vẫn là tác phẩm của bạn. Việc xử dụng một công cụ như AI để tham khảo, đối chiếu, làm rõ hoặc tinh chỉnh, việc nầy cũng như tra cứu từ điển, đọc sách tham khảo, hoặc hỏi ý kiến bạn viết, nó không làm mất tính chính danh.
Ghi tên thật tác giả vào sáng tác viết chung với AI là một cam kết : Tôi chịu trách nhiệm về điều tôi viết. Dù tôi có dùng AI để thử nghiệm một số cách nói khác, hay kiểm tra sự mạch lạc của đoạn văn, thì tôi vẫn là người chọn giữ lại hay loại bỏ. Chính tôi là người quyết định cấu trúc, định hướng, âm sắc, lập luận. Chính tôi là người “nuôi” bài viết từ mạch nguồn tư tưởng.
Không có máy móc nào viết ra một đoạn văn sâu sắc nếu trong lòng bạn không có điều gì sâu sắc. Không AI nào có thể làm ra một câu thơ hay. Và không “trợ lý ảo” nào dựng nổi một tiểu luận đàng hoàng nếu người viết không có sự suy nghĩ độc lập và lương tri sáng tạo.
3.
Tôn trọng người viết – thay vì phân biệt “chiếu trên chiếu dưới”
Thật đáng tiếc khi trong không gian văn chương Việt Nam hiện nay, vẫn còn hiện tượng phân chia “chiếu trên – chiếu dưới”, kèm theo thái độ kỳ thị ngầm: ai không viết theo kiểu của ta thì không đáng đọc; ai không in sách, không có giải thưởng, không viết trong nhóm ta thì là “tay ngang”, “người ngoại đạo”.
Nhưng sáng tạo văn học không đo bằng mối quan hệ, không do bè nhóm tán thưởng, càng không cần “quyền lực mềm” để khẳng định. Một người viết chân chính có thể không nổi tiếng, không giao du với bất cứ ai trong văn giới, không được mời họp mặt hội đồng , không tụ năm tụ bảy ngồi uống cà-phê chụp hình đang lên báo cười vui hảnh diện, nhưng vẫn có thể viết nên những gì sâu sắc nhất, đau đáu nhất, trữ tình nhất.
Trong bối cảnh đó, AI không làm ai “giỏi” hơn ai. Nó chỉ tiếp tay với ta chỉnh, sửa, viết lại những gì ta nghĩ, kể lại những gì ta sống, và gìn giữ những gì ta tin.
Viết là quyền bình đẳng. Dù bạn là ai, ở đâu, học vấn cao hay thấp, có nhóm hỗ trợ hay không ,nếu có trí tuệ, có cảm xúc, có khả năng tự phản biện , bạn có quyền lên tiếng. Và trí tuệ nhân tạo có thể giúp tiếng nói của bạn rõ hơn, sáng hơn, sắc sảo hơn.
4.
Trí tuệ của ta vẫn là cội nguồn sáng tạo
Dù có sự trợ giúp kỹ thuật nào đi nữa, thì chính tư tưởng mới là linh hồn của bài viết. AI không nghĩ thay, không yêu thay, không đau thay. Nó không thể nắm bắt những niềm riêng, ký ức chiến tranh, nỗi hoang mang của người sống lưu vong, hay ánh mắt của người mẹ lúc tiễn con lên đường. … Tất cả những điều ấy , chỉ có con người mới cảm nhận và viết được. Và chỉ có người viết trung thực, dám suy nghĩ, dám đặt câu hỏi, mới có thể đưa tư tưởng thành con chữ.
AI chỉ là công cụ, như từ điển, như máy đánh chữ, như mạng internet. Không được thần thánh hóa nó nhưng cũng không thể phủ nhận giá trị của nó, nếu ta dùng đúng cách, đúng mục đích.
Kết luận…
Tôn trọng sự khác biệt, nuôi dưỡng giá trị chung…
Tôi không viết bài này để tranh luận hay phản bác bất kỳ ai. Tôi chỉ mong có thêm một tiếng nói để bạn đọc, nhất là những người chưa quen với công cụ mới , có thể tiếp cận AI một cách tỉnh táo, công bằng và không thiên kiến.
Viết bằng tay hay viết bằng máy, viết đơn độc hay có sự hỗ trợ, điều quan trọng vẫn là nội dung. Nếu bài viết có giá trị tư tưởng, có cảm xúc thật, có lập luận vững , thì người viết xứng đáng được ghi nhận, bất kể họ đã sử dụng công cụ nào.
Trong văn chương, mỗi người có cách riêng đến với chữ nghĩa. Nhưng nếu cùng hướng đến sự trung thực, nhân văn và sáng tạo , thì mọi cách đều đáng trân trọng.
PHAN TẤN UẨN
Tháng 4/2025
- Từ khóa :
- Phan Tấn Uẩn