- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

KHÁNH TRƯỜNG. RƯỢU BIẾT RÓT VỀ ĐÂU

03 Tháng Giêng 20252:30 CH(Xem: 1152)

tranh KT- bài LCG
Tranh Khánh Trường

Lê Chiều Giang

KHÁNH TRƯỜNG. RƯỢU BIẾT RÓT VỀ ĐÂU

 

 

 

“… Soi gương nhìn kỹ mặt mày

Cũng râu cũng tóc đủ đầy giống… ta!

Thế nhưng trong cõi ta bà

Nhiều khi những tưởng mất cha cái mình…”

[Khánh Trường]

 

Tôi bị ám ảnh triền miên bởi những hình tượng ốm đau, kiệt quệ. Những lặng lờ thấp thỏm, sợ hãi đợi chờ cho một ngày cuối cùng, chấm hết… Nên đã rất ít khi tôi còn dám thăm hỏi ai thêm về chuyện thở ít, thở nhiều hay đã gần ngưng thở.

Anh Khánh Trường mỗi khi tôi nhớ đến, phải là hình ảnh của một giang hồ. Một tay chơi luôn cười cợt, ngạo nghễ với đời, để nếu cần, đang ngồi café cứ quăng đại chiếc ghế lên trời cho hả cơn giận dữ. Dễ thương và may mắn nhất là anh có được những tiếng cười xòa thông cảm, những tiếng cười phá chấp từ bè bạn.

Sau 1975, Anh Nghiêu Đề và tôi hay ghé phòng dạy vẽ của Khánh Trường bên Phú Nhuận. Phòng tranh nhỏ với xao xác chỉ vài em và là nơi anh nhận vẽ truyền thần, sao lại hình Ông Bà… Khi hăng hái chuyện rong chơi, anh cười cười đuổi học trò về, miễn luôn học phí cho ngày hôm đó. Anh vội vã đóng cửa lớp, phòng tranh cho dễ bề lang thang café thuốc lá. Những ly café mà khề khà từ sáng đến trưa, với những nói cười say sưa cùng khói thuốc, những câu chuyện còn đậm đà hơn cả những bình rượu trắng ngày càng trở nên hiếm hoi.

 

Anh Duy Trác, người sống vô cùng ngăn nắp cũng đã có lần trong một ngày giáp tết, ngồi nhà Khánh Trường cho đến 3 giờ sáng. Chúng tôi ngồi vui với cháo gà của chị Khánh Trường. Một con gà nhỏ, với rất nhiều loại rau, và 12 người bạn. Nước lã, tôi xúi chị Khánh Trường đổ thêm và đổ thêm cho nồi cháo càng lúc càng đầy hơn, chỉ cần thoáng chút hương vị gà thôi chắc là cũng đủ… Chúng tôi và Nguyễn Đình Toàn, Duy Trác, Trần Quang Lộc, Nga Mi, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Tôn Nhan… ngồi hát hò, thơ phú cho đến hết đêm. Những đêm Saigon không dài. Đêm xao xác. Đêm hoang mang và đêm rất ngắn.

Đó là những tháng ngày chúng ta vừa vuột mất quê hương. Nói như anh Nguyễn Đình Toàn, thời gian đó nếu chúng tôi không có một nhóm để rong chơi, ca hát thì chắc là đã… chết hết.

Rồi đã chẳng còn những gặp lại, chúng tôi chợt tan tác muôn phương, kể cả có bạn bè đôi ba lần cứ phải vào tù ra khám...

 

oOo

 

California.

Nơi có tiếng réo gọi của rất nhiều gương mặt cũ.

Khi gặp lại anh Nguyễn Trọng Khôi từ Boston qua CA ghé San Diego cùng với Phạm Việt Cường và Khánh Trường. Chúng tôi ngồi… đếm. Những mất mát gần gũi và xa xôi, những bạn bè rớt rơi còn hay mất. Ôm đàn hát mải mê, hát miên man mà Nguyễn Trọng Khôi… khóc.

            Nước mắt, có khi không cần nói gì và hỏi gì thêm. Nước mắt, thông điệp của mọi thứ và mọi điều có khi hiểu ra hết và đôi khi chẳng ai hiểu gì. Nguyễn Trọng Khôi hát cho những ngày lê thê, tê tái ở Saigon trước khi anh lên máy bay ra đi…

Rộn rã nhất chắc là khi Khánh Trường có Hợp Lưu. Văn thơ đủ thứ làm anh bận rộn thêm với cả tỷ những bạn bè cũ, mới. Cái dễ thương của Khánh Trường là dù cuộc vui lớn nhỏ thế nào cũng phải hò hét hết bạn bè đến tham dự. Không đủ ly thì rót rượu đỏ trong ly giấy, không có tiền thì in báo thiếu chứ nhất định phải là… ca múa với rong chơi.

Chuyện hay hay là một trong những lần gật gù, bàn bàn tán tán về văn chương, Mai Thảo lỡ nói vài câu kiểu… Mai Thảo. Cái kiểu rất là Mai Thảo! Lạ là không ai ngạc nhiên gì khi Khánh Trường tạt nguyên chén nước mắm vào anh. Mọi người chỉ đành cười ngượng ngập, trong khi Mai Thảo rất bình tĩnh, giọng khề khà như trầm xuống hẳn: “Ừ, thì ngày mai “nó” sẽ đi tuyên truyền rằng “nó” mới hắt nước mắm vào mặt Mai Thảo”.

Nhưng với tôi, sau ngày không vui đó, chính nước mắm đã là một chất keo sơn đầy hương vị, dán quãng đời còn lại của Mai Thảo với Khánh Trường. Nhất là những tình những nghĩa, những tận tâm chăm lo, săn sóc của Khánh Trường đối với Mai Thảo, suốt từ khi Mai Thảo bắt đầu ốm đau cho đến giờ phút phải ra đi.

Đặc biệt là anh Khánh Trường rất chán và dị ứng với cái phong thái trịnh trọng của một số vị làm văn chương, chữ nghĩa. Anh cứ nhất định gán cho họ là nhóm “Văn nghệ sĩ cung đình”.

Trong tiệc cưới Bé Búp, tôi lúng túng tổ chức một mình vì không còn anh Nghiêu Đề. Bàn 12 người, chỉ có anh Khánh Trường nói ra lời khiếu nại: “Chị ơi, làm ơn xếp tôi chỗ khác, tôi mà phải ngồi với những ông “Văn chương cung đình” này thì vui sao nổi?”. Khánh Trường cứ thế mà tuyên bố khơi khơi, nói ngay tại chỗ, làm 11 người còn lại khó chịu. Tôi vội vàng mời anh ngồi với nhóm bạn của Bé Búp, để chú Khánh Trường tha hồ cụng ly cùng… các cháu. Tiệc cưới rất đông thiên hạ, mà tôi vẫn nghe ra tiếng anh hò hét, nói cười bên một đám trẻ, thế hệ chẳng cần biết, chẳng đoái hoài gì đến văn chương, thi phú… Những thứ mà theo Khánh Trường, nó chỉ làm cho cuộc đời thêm lôi thôi, lung tung và rắc rối.

 

Chừng tháng sau, tôi lên Santa Ana tham dự hôn lễ con trai của anh chị Hồ Thành Đức. Có chuyện bày ra bốc thăm sao đó, chợt tên tôi được mời lên sân khấu để nhận… tranh tặng. Ngay lập tức thiên hạ nghe anh Khánh Trường nói vọng lên, rất lớn: “Sao hôm nay chị xui quá vậy, còn phải mang tranh Bé Ký về tới tận San Diego". Có tiếng cười vui ào ào của tất cả bạn bè và dễ thương nhất là có cả tiếng cười rất vang của anh Hồ Thành Đức. Đặc biệt, chính Khánh Trường là người tình nguyện mang tranh Bé Ký ra xe giúp tôi.

 

oOo

 

Sau một thời gian dài bỏ San Diego ra đi. Tôi trở lại CA như một người rất mới.

Những Văn nhân, Thi sĩ cung đình hay những vị giang hồ Thơ Văn lang bạt. Nhiều người đã bỏ đời ra đi. Tôi ngồi với các bạn lứa tuổi của mình, những bạn bè rất mới.

Mới đây, chị Nguyễn Thị Khánh Minh ra mắt thơ “Đêm”, là ngày tôi gặp lại chị Thùy Hạnh. Một ánh trăng sáng mơ màng trong văn thơ của nhiều Thi sĩ.

Sức sống mãnh liệt ban cho chúng ta lòng can đảm và có thêm luôn cả sự mạo hiểm không ngờ. Đã không còn dùng được tay phải, chị lái trên freeway với chỉ một tay trái, băng qua những dòng xe như thác, chạy bạt mạng và chạy như điên, chỉ vì: “Cô đơn là điều chúng ta sợ hãi nhất”, chị than thở cùng tôi.

Chị Thùy Hạnh và tôi nhắc lại chuyện từ những năm xưa. Thời Thùy Hạnh đẹp thơ mộng, lúng liếng với đôi mắt rất đa tình. Chị hát và ngâm thơ rất hay, có thêm một giọng nói dịu dàng như lá. Thuở mà chị chưa mang bịnh, chưa ốm đau.

22 năm đã qua đi, chúng tôi còn nhận ra nhau để cùng ngậm ngùi, tiếc nuối nhắc nhớ về lần gặp cuối cùng. Phòng khách nhà chị, nơi có bóng nắng nhạt mờ xuyên qua chút ánh chiều sắp tắt. 22 năm về trước, chúng tôi ngồi hát với nhau, những bản nhạc đẹp ngời của Phạm Duy, Cung Tiến. Cao Xuân Huy, người luôn có nụ cười tươi vui và ấm áp, đỏ mặt với rượu tràn lan cùng Hoàng Khởi Phong và Khánh Trường. Hiếm khi nào cả ba cùng trầm lặng như thế. Thùy Hạnh ngâm thơ Quang Dũng, Hoàng Cầm, tôi hát Sombre Dimanche, dù hôm đó là chiều thứ bảy.

Chưa bao giờ tôi thấy anh Khánh Trường hăng hái gì với ca ca hát hát. Duy nhất hôm nhà chị Thùy Hạnh anh uống rất nhiều, uống đủ để ngất ngưởng với thơ, ngâm thơ và để say với “Hồ Trường”.

 

Chí chưa thành, danh chưa đạt

Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc

Trăm năm thân thế bóng tà dương

Vỗ gươm mà hát

Nghiêng bầu mà hỏi

Trời đất mang mang ai người tri kỷ

Lại đây cùng ta cạn một hồ trường…

 

oOo

 

Đã rất lâu rồi tôi không gặp lại, cũng chẳng ghé thăm. Vẫn biết anh đã không còn đủ hơi để lo lắng thêm cho bất cứ một điều gì. Nhất là anh đã chẳng bận tâm chi nữa đến chuyện hội họa với văn chương… Dù mới đây thôi tôi còn biết rằng, có lúc Anh đã phải dùng dây và băng keo, bó cây cọ vẽ vào cánh tay phải, rồi dùng bàn tay trái cũng đã rất yếu, di chuyển và lê lết màu sắc lên những tấm canvas. Vẽ, phải chăng chỉ là tiếng kêu la thảng thốt, chút níu kéo, chút trì hoãn thảm thương? 

 

“... Ta có hai bàn chân

Đi hoài không tới đích

Ta có một sợi xích

Trói hoài đôi bàn tay…”

[Khánh Trường]

 

Kèm theo bài viết này tôi sẽ dùng bức tranh của anh như một minh họa. Bức tranh mà khi anh xuống San Diego trong ngày giỗ Nghiêu Đề, tôi đã phải nói lời xin lỗi vì tranh anh vẫn dựa lẻ loi bên tường. Tôi chưa kịp treo tranh anh cùng tranh bè bạn… Anh liền buông một câu ẩn chứa chút ngạo mạn: “Tranh Khánh Trường, chỗ đúng nhất phải là… dựng ngay dưới đất”. Và, anh đã cùng tôi cười vang, tiếng cười bạt mạng, tiếng cười chỉ có ở Khánh Trường.

Tôi đang viết gửi anh thay cho một lời thăm hỏi. 
         Đặc biệt là đã chẳng có một lời hỏi thăm nào dài lê thê bất tận, với rất nhiều thứ kỷ niệm mà gia đình tôi đã có cùng Anh. Nhất là những ngày của năm 1999, dù rất bận với Hợp Lưu, anh đã cùng anh Nguyên Khai bỏ nhiều thì giờ đẹp cho sách Tranh của anh Nghiêu Đề. Cuốn sách mà mỗi khi đọc lại, tôi vẫn đếm xem đã có bao nhiêu bạn bè viết về, nói đến và góp lời thương tiếc Nghiêu Đề, giờ cũng đã bỏ ra đi…

 

 

Lê Chiều Giang

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tư 20244:07 CH(Xem: 9447)
On the evening of December 21, 1946, the Bach Mai radio resumed its operations somewhere in the province of Ha Dong after a day of silence. One of its broadcasts was Ho Chi Minh’s appeal to the Viets for a war of resistance. He reportedly said: The gang of French colonialists is aiming to reconquer our country. The hour is grave. Let us stand up and unify ourselves, regardless of ideologies, ethnicities [or] religions. You should fight by all means at your disposal. You have to fight with your guns, your pickaxes, your shovels [or] your sticks. You have to save the independence and territorial integrity of our country. The final victory will be ours. Long live independent and indivisible Viet Nam. Long live democracy.
16 Tháng Giêng 202510:22 CH(Xem: 410)
con én nhỏ đã về nơi chốn cũ / như từng hẹn hò từ thuở ban sơ / mùa rất vội nên lời chào cũng vội / nắng chiều qua sông, bỏ lại đôi bờ
16 Tháng Giêng 20259:35 CH(Xem: 166)
Chiều cuối năm—năm nay—tôi ngồi kề bên vuông cửa sổ. Tách trà còn ấm. Ngát hương sen. Tôi ngắm nhìn phố xá bên dưới lòng đường. Chiều ba mươi tháng Chạp. Con đường xứ người nhưng quen thuộc. Bảng tên đường—bên trên là dòng chữ lạ. Bên dưới mang tên quen. Trần Hưng Đạo. Thành phố Sài Gòn bây giờ thu nhỏ lại.
15 Tháng Giêng 202512:03 SA(Xem: 721)
Ta thắp giao hòa nén nhang / Cúi đầu anh linh tiên tổ / Như mẹ buông tiếng thở dài sương khói / nhân gian ngoài khung cửa / Bóng cha tít tắp luống cày hun hút cánh đồng/ lấm tấm hoa dại vời vợi cỏ non … / Những cánh ong toả hương
14 Tháng Giêng 202511:55 CH(Xem: 771)
Khi bước sang tháng chạp / Xuân về đến ngõ rồi / Mai vàng e ấp nụ / Về vui tết người ơi.
14 Tháng Giêng 202511:42 CH(Xem: 558)
Tết không đơn thuần là cột mốc đặc biệt của tháng năm ghi dấu nơi tờ lịch mà là một phần của tâm thức tồn tại vĩnh viễn bên trong hồn người. Chỉ cần đến tháng chạp nó thức dậy những kỷ niệm tưởng tạm ngủ yên suốt gần một năm qua và gửi gắm những ước muốn vào năm mới với biết bao hy vọng mong chờ...
14 Tháng Giêng 20253:26 CH(Xem: 473)
Vô cùng thương tiếc Nhận được tin buồn thân mẫu của nhà văn Alena Doan (Đoàn Phương Ái) : Bà quả phụ ĐOÀN THẾ ĐỨC / Nhũ danh NGUYỄN THỊ ÁI / Nhà văn THÙY AN Cựu giáo sư trường trung học Phan Thanh Giản và Quốc Gia Nghĩa Tử tại Đà Nẵng Vừa tạ thế lúc 0 giờ 25 phút ngày 13 tháng 1 năm 2025, nhằm ngày 14 tháng Chạp năm Giáp Thìn, tại tư gia ở thành phố Santa Clarita, California. Hưởng thọ 81 tuổi.
14 Tháng Giêng 20252:59 CH(Xem: 321)
Vô cùng thương tiếc báo tin cùng thân bằng quyến thuộc và bạn hữu xa gần, Mẹ và Bà của chúng tôi là: /Bà quả phụ ĐOÀN THẾ ĐỨC / Nhũ danh NGUYỄN THỊ ÁI / Nhà văn THÙY AN Cựu giáo sư trường trung học Phan Thanh Giản và Quốc Gia Nghĩa Tử tại Đà Nẵng / Vừa tạ thế lúc 0 giờ 25 phút ngày 13 tháng 1 năm 2025, nhằm ngày 14 tháng Chạp năm Giáp Thìn, tại tư gia ở thành phố Santa Clarita, California. Hưởng thọ 81 tuổi.
09 Tháng Giêng 202511:36 SA(Xem: 1233)
Tháng 5 năm 1990, chúng tôi sang Quận Cam, nhà văn Mai Thảo dẫn đến thăm và giới thiệu với một họa sĩ, mà chúng tôi chưa quen: Khánh Trường. Mai Thảo cho biết Khánh Trường dự định ra một tập san văn học, đăng những tác phẩm ở trong và ngoài nước, và cần được giúp đỡ. Đó chính là Mai Thảo: ông ghét cộng sản, vì cái chết của Vũ Hoàng Chương và bản thân ông bị truy lùng trong gần hai năm, trước khi vượt biển, thoát. Ông không đọc tác phẩm trong nước, nhưng «đứa nào» làm chuyện hòa giải, giao lưu, ông ủng hộ; «đứa nào» bị đánh, ông tận tình bênh vực và giúp đỡ. Ở Mai Thảo là hai chữ Tự do đúng nghiã mà nhiều người Việt không hiểu, dù họ sang Mỹ để tìm «tự do». Bên cạnh Mai Thảo, Nhật Tiến cũng công khai ủng hộ Khánh Trường. Lập trường giao lưu của Nhật Tiến ai cũng rõ. Đó là hai nhà văn đàn anh, đứng đằng sau Hợp Lưu, trụ đỡ Khánh Trường trong những ngày sóng gió. Phía chống Hợp Lưu, cũng không thiếu những cây đa cây đề. Mai Thảo sang Paris cùng với Khánh Trường, để ra mắt Hợp Lưu số 1.
07 Tháng Giêng 202510:28 CH(Xem: 907)
Anh với tình quên cả rừng thơ / Dỗ trái tim trở chứng dại khờ / Tập ảnh cũ nụ cười ở lại / Con đường về xốc nổi lời ca