- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

LỜI NGUYỆN CẦU

10 Tháng Chín 20238:59 CH(Xem: 10639)


tác giả và thap rùa hồ gươm-
Tác giả và hồ Gươm

Triệu Vũ   
LỜI NGUYỆN CẦU 

Sau gần một năm, chính xác là 11 tháng và 15 ngày, chữa trị ung thư mắt tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas, nay tôi đã về nhà yên bình và niềm vui trong lòng dâng cao mãi. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi nhận ra mình thực sự sống sót, thoát chết, trở về trong “chiến thắng vinh quang”, sau cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác. Căn bệnh ấy quái ác thật, nguy hiểm thật, chỉ nghe tên cũng rùng mình run sợ. Điều trị khỏi bệnh ung thư đối với riêng tôi, là một dấu ấn hằn sâu trong tâm não. Đã có biết bao người bỏ cuộc giữa đường. Tôi thì không! Một chiến sĩ trên đường ra mặt trận, được trang bị tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lẽ nào tôi không có chiến công mang về. Trung tâm ung thư nằm ở tầng lầu 14 của bệnh viện, đã gợi ý tôi, tưởng tượng rằng mình đã xuống tới tầng địa ngục thứ 14, và không ngại ngùng, ghi lại những cảm xúc chân thực và niềm vui sướng tuyệt vời trong bài hồi ức “Trở về từ tầng…14”. Có nhiều người bảo rằng đi chữa bệnh mà kể lại như đi hành quân. Đúng thế! Không sai! Chống lại bệnh tật cũng là một cuộc chiến quyết liệt và đầy cam go. Mang căn cước cựu quân nhân trước khi đến định cư tại Liên-Bang Hoa-Kỳ, có lẽ vì thế, lối hành văn phần nào vương mùi “thuốc súng” … Nhắc đến mùi “thuốc súng”, không có văn từ nào diễn tả mùi ấy ra sao. Nhưng theo lời tâm sự rất tự nhiên và chân thật của các chiến binh lúc lâm trận, khi ngửi thấy mùi thuốc súng, như có một mãnh lực nào đó tác động, thúc giục và chỉ có suy nghĩ duy nhất là tiến lên, xung phong! Thực tế, ngoài chiến trường, hay lúc hành quân; chế ngự, truy lùng và diệt gọn địch, còn gì vui sướng bằng! Tuy vui mừng nhưng có lúc thương tích cũng đầy mình. Phía sau những giọt mồ hôi, những giọt máu đào, đôi khi phía sau những xác đồng đội gục ngã là lễ tuyên dương công trạng, tưởng thưởng bằng những vòng hoa choàng lên cổ, bằng những tấm huy chương đỏ ngực. Có chiến công nào mà không có chút đắng cay; tấm huy chương nào mà không có mặt trái!... Nhớ lại những lúc thân mình quằn quại, rên rỉ khi chùm tia bức xạ từ quái vật “tuốc bin”, xuyên qua mặt nạ, phóng vào mặt, vào đầu (với tên gọi êm ái là xạ trị), ròng rã mấy tháng trời để truy tìm và tiêu diệt những tế bào ung thư. Nhớ lại những chén cháo đắng “chemo”, đưa vào cơ thể, không đi qua hệ tiêu hóa bình thường, từ miệng qua thực quản xuống dạ dày, mà đi qua cái port (hiểu theo nghĩa thông thường là cửa khẩu hay bến cảng). Cái port ấy, đã hơn một năm kể từ ngày xuất viện, bác sĩ chưa giải phẫu lấy ra nên hôm nay, nó vẫn còn ngang nhiên nằm dưới lớp da, trên ngực bên phải. Nó đôi lúc làm tôi liên tưởng đến một kỷ niệm đời quân ngũ, đó là ngày được trao tặng một huy chương ngoại quốc vào năm 1971. Trong buổi chào cờ sáng thứ hai đầu tuần, trước sự chứng kiến của Tư Lệnh, các Sĩ quan Tham Mưu và các đơn vị trưởng, ông Cố-Vấn-Trưởng của đại đơn vị đã gắn huy chương dành cho cá nhân, trên ngực áo bên phải của tôi (huy chương trong nước gắn bên trái) … Hơn nửa thế kỷ qua đi, huy chương đã là kỷ niệm, chỉ còn nằm trong hồ sơ lưu trữ; và trên ngực, giờ là cái … port vô cảm. Cháo đắng “chemo” truyền qua port, đã theo dòng máu luân lưu toàn thân, (với tên gọi dễ thương là hóa trị), làm cơ thể gục ngã biết bao lần. Rồi một ngày sắp tới đây, cái port cũng được giải phẫu lấy ra. Tất cả sẽ trôi về quá khứ, chỉ còn là ký ức. Đôi khi tôi nghĩ lẩn thẩn rằng, chữa trị khỏi căn bệnh nan y quái ác, là kết thúc cuộc chiến cam go gian khổ, trở về trong chiến thắng vinh quang, và coi như được tưởng thưởng huy chương đặc biệt. Đó là một “bông hồng”, từ Trời Phật ưu ái ban cho, với hàm ý: đừng than trách hoa hồng có gai mà hãy mừng vì trên gai có hoa hồng. Rồi xum họp gia đình đong đầy nồng ấm, yêu thương; rồi lời Tạ Ơn thành khẩn, phát xuất tự đáy lòng theo gió đưa xa… Đặc biệt, tôi có ý định thực hiện một chuyến về quê hương để thắp nén nhang, dâng lời thành kính tạ ơn tổ tiên, nhờ phước đức cao dầy, đưa tôi trở về dương thế. Câu cách ngôn “uống nước nhớ nguồn”, tôi được dạy dỗ từ nhỏ, vẫn còn ghi nhớ trong óc, trong tim. Thế rồi, trời chiều lòng người, sau vài lần tái khám và tham khảo ý kiến bác sĩ, gia đình đã lo cho tôi một vé máy bay về Việt-Nam. Nhưng vì đang trong mùa dịch cúm cô vit, còn gọi là cúm Tàu, nên ba tháng sau mới có chuyến bay. Thật trùng hợp, hơn ba tháng nữa, là ngày giỗ ông nội, cũng là ngày làm lễ khánh thành việc trùng tu ngôi nhà thờ của riêng chi họ Vũ chúng tôi. Đã lo xong vé máy bay và biết rằng sẽ về đến quê hương trước ngày giỗ, lòng tôi rộn rã mừng vui, nôn nao mong chờ ngày khởi hành.

Trong thời gian chờ ngày lên đường, tôi thường lái xe rong ruổi đó đây, thăm gia đình các em, các con cháu và nghĩ về những gương mặt thân quen, bạn bè thường gặp gỡ, còn đâu đó chăng? Dòng suy tư đưa tôi tìm lại những tháng ngày yên bình, những khoảnh khắc thân tình hội ngộ, cùng bằng hữu văn nhân. Dường như vẫn còn thoang thoảng đâu đây, hương vị cà phê Pháp, nơi góc phố nhộn nhịp, xen lẫn tiếng ồn ào của dòng xe xuôi ngược trên đại lộ Bellaire, thành phố Houston bang Texas, vào sáng Thứ Bẩy hàng tuần…

Cái quán cà phê ấy không biết có mặt tại thành phố Houston này tự bao giờ. Định cư nơi đây ngoài ba mươi năm, nhưng tôi mới đặt chân đến, hơn chục năm nay. Có hàng trăm quán cà phê, người Việt làm chủ với nhiều bảng hiệu; từ tên gọi gợi nhớ quê hương đến tên gọi lạ tai, hấp dẫn, nhạy cảm! Nhưng khác hẳn, quán cà phê chúng tôi hẹn gặp nhau vào mỗi sáng thứ bẩy, có tên gọi dễ thương hơn, lịch lãm hơn. Ngoài bảng hiệu mang âm hưởng và gợi nhớ thủ đô nước Pháp; cái logo với hình tháp Eiffel, biểu tượng đặc trưng của kinh thành ánh sáng Paris, đã lay động tiềm thức, “gõ nhẹ” cánh cửa ký ức của những người cao tuổi như chúng tôi, hiện ra cả một khung trời niên thiếu mộng mơ xa xưa, thưở còn cắp sách đến trường. Và như duyên Trời đã định, danh xưng “Nhóm Cà Phê Thứ Bẩy” ra đời từ đấy, tính ra đã gần mười năm.

 tv 1

      

 

Nhớ lại thưở xưa, đã xa lắm rồi, cách nay trên sáu, bảy chục năm, giáo dục ở miền Nam Việt-Nam còn chịu ảnh hưởng hệ thống giáo dục của Pháp. Được đi du học bên Pháp là một ước mơ của sinh viên, học sinh. Đối với lứa tuổi chúng tôi, lúc đó, hệ thống giáo dục Mỹ còn xa lạ lắm. Thật xấu hổ, hồi đó tôi nghĩ rằng cứ được đặt chân lên kinh thành ánh sáng Paris, thủ đô của nước Pháp cũng hãnh diện lắm rồi! Thời gian cứ trôi, ước mơ vẫn chỉ là mơ ước…Nhiều khi chúng tôi tự an ủi một cách miễn cưỡng, gượng ép, khôi hài và ngây ngô: không du học bên Pháp, không đặt chân đến Paris, nhưng ngồi tại quán mang bảng hiệu Pháp lại ăn bánh mì pháp và uống cà phê pháp, thế cũng…vui rồi!  Nói vậy thôi, riêng cá nhân tôi, thực bất ngờ, do Trời chiều lòng người, vào năm cuối cùng của thế kỷ hai mươi (1999), niềm ước mơ của tôi trở thành hiện thực. Năm ấy, nhân dịp chú em ruột tôi, một sử gia, sang Pháp hai tháng để nghiên cứu và truy cập tài liệu văn khố mới giải mật. Dịp may hiếm có. Tôi xin nghỉ phép ba tuần, đáp cùng chuyến bay, du ngoạn trời Âu. Trong khi chú em tập trung lo công việc, hết trung tâm văn khố này đến thư viện khác; tôi may mắn được anh luật sư Trần-Thanh-Hiệp, đưa đi thăm nhiều thắng cảnh ở kinh thành ánh sáng Paris. Anh Hiệp còn đưa tôi sang thăm Geneve, thủ đô nước Thụy-Sĩ, ghé thị trấn có khu trượt tuyết nổi tiếng và dự tính sẽ thăm nước Anh rồi thăm Ý. May mắn có cơ hội ngắm nhìn cảnh đẹp xứ người, nổi tiếng thế giới, nhưng tôi chạnh lòng, xót xa nghĩ đến những văn kiện “quái gở” được ký kết trước đây: Hiệp-định Geneve 20-7-1954 và Hiệp-định Paris 27-1-1973. Đó là những vết đen tủi nhục trong trang sử Việt …   

Một sáng cuối Thu, trời lành lạnh, từ Paris, chúng tôi đáp tàu điện, chạy về hướng tây một quãng đường khá xa trên mặt đất, tới Calais, tàu bắt đầu chui vào đường hầm dưới đáy biển Manche để sang thăm xứ sương mù. Nhưng thực kém vui khi xuống ga London, Anh quốc, chúng tôi thiếu cảnh giác và lơ đễnh để kẻ xấu lấy cắp chiếc máy chụp hình của anh Hiệp. Sau đó chúng tôi hủy chuyến đi Ý và chỉ dạo quanh đường phố, ngắm cảnh Paris. Về đến Mỹ, việc đầu tiên, tôi mua một máy chụp hình mới, gửi sang tặng anh nhưng lòng vẫn áy náy và tự trách mình thực là “nhà quê ra tỉnh”. Vả lại máy chụp hình tôi mua gửi sang, tuy mới nhưng chưa chắc anh Hiệp đã yêu thích bằng chiếc máy bị kẻ xấu lấy đi. Nó đã cũ, dù tuổi đời đã mấy chục năm nhưng là một kỷ vật đã gắn bó, theo anh bao năm qua. Nó đã cùng anh ghi nhận những chứng tích, cùng anh rong ruổi trên đường đời. Với tôi, đây cũng là kỷ niệm khó quên trong chuyến “đi tây” hai mưoi bốn năm trước. Nay đã xa rồi! Chỉ còn là những dấu ấn rời rạc lúc ẩn, lúc hiện!

Người ta thường bảo người già hay nhớ về kỷ niệm, tìm về dĩ vãng xa xôi. Thực vậy, dù tuổi đời chồng chất, hiện tượng lão hóa soi mòn bộ nhớ, nhưng trong tôi, dĩ vãng cứ hiện về, xuyên suốt hành trình 84 năm vào đời! Từ mái tranh trong ngôi làng quê, thuộc tỉnh Hải-Dương, miền Bắc Việt-Nam, nơi đó, năm 1939 tôi ra đời; rồi do vận nước, duyên trời, 51 năm sau, trôi giạt tới Houston, thành phố lớn hàng thứ tư Liên-Bang Mỹ. Hơn nửa thế kỷ sống ở quê nhà, một hành trình theo dòng đời, quá dài và có nhiều ngã rẽ. Từ một cậu bé lớp mẫu giáo trường làng, đến một sinh viên Đại học ở Saigon; từ một quân nhân vào giữa thập niên 1960 đến ngày đau buồn 30-4-1975, trở thành một tù nhân khổ sai, biệt xứ, rồi thành một di dân tỵ nạn vào lúc tuổi đời đã ngoài năm mươi. Bao nhiêu sức lực thời trai tráng đã để lại hết trong trại tù, từ Nam ra Bắc; chỉ còn chút sức tàn lực kiệt để lao động mưu sinh nơi xứ người. Nay cuối đời, về già, còn may mắn và nhờ phước đức, đủ sức đó đây hẹn hò, trao đổi tâm tình văn nghệ qua tháng, qua ngày. Và “Cà-Phê-Thứ-Bẩy” là niềm vui thanh tao, quý giá trong hoàng hôn cuộc đời.

Quên sao được những ly cà phê nóng toả hương thơm, làm khoảng không gian nho nhỏ thân tình, ấm cúng hẳn lên. Nghĩ cũng lạ. Khách thưởng thức cà phê hẹn nhau tại đây vào mỗi sáng Thứ Bẩy, hình như không phải vì cà phê, mà chính vì họ cần một điểm hẹn, cần một nơi để gặp gỡ, hàn huyên tâm sự. “Nhóm Cà Phê Thứ Bẩy” là những người trọng tuổi, lứa tuổi mà người ta gọi là “tuổi hạc”. Từ ba miền đất nước Việt-Nam nhiều biến động, dâu bể đổi dời, nổi trôi theo vận nước, nhưng do ý trời, đưa họ gặp nhau tại thành phố này, nơi cách xa quê hương mấy chục ngàn dặm. Người nhiều tuổi nhất năm nay ngoài chín mươi, người trẻ nhất, không nhiều, chỉ vài ba, cũng ngoài bẩy chục. Qua phong cách, tâm tình trao đổi, tâm sự trùng trùng, người ta được biết họ là những chứng nhân trong dòng lịch sử Việt-Nam cận đại. Họ đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham dự cuộc chiến 30 năm (1945-1975). Họ đã có mặt trong tất cả quân binh chủng và từng phục vụ trong cơ quan hành chánh ở quê nhà trước đây. Cuộc chiến chấm dứt, một lần nữa họ lại phải chiến đấu cam go hơn để giành mạng sống và tự do. Nào tủi nhục trong tù đầy, nào tuyệt vọng trước bão táp giữa biển rộng mênh mông, hoặc âm thầm lầm lũi tìm đường chạy trốn giữa rừng già trùng điệp gian nan… Cái căn cước khởi đầu ghi đậm nét “người tỵ nạn” là ngõ vào, là tín hiệu nhận nhau. Nhưng điều gì, chất xúc tác nào làm keo sơn, làm mắt xích đưa họ lại gần nhau hơn và gắn kết bên nhau? Phải chăng là “duyên văn nghệ”. Đúng vậy! Họ là những người yêu thích, có thể nói là “đam mê” văn hóa nghệ thuật; đến với nhau, gặp gỡ nhau mỗi sáng Thứ Bẩy; sinh hoạt trong môi trường văn hóa, thân tình, lành mạnh, ngập tràn Chân, Thiện, Mỹ. Ở đây không có danh xưng đao to búa lớn. Ở đây không có Chủ-Tịch, không có Hội-Trưởng, chỉ có những người làm thơ, viết văn, soạn nhạc, vẽ tranh v.v. Lại có những người ngâm thơ, ca hát, thổi harmonica, kéo violon v.v Rất tự do, thoải mái, vô tư, không có gì ràng buộc, khuôn mẫu, gò bó và rất đơn giản như tên gọi “Nhóm Cà Phê Thứ Bẩy”. Có thể gọi họ là những “nghệ sĩ sáng tác” và “nghệ sĩ trình diễn” tài tử. Rất khiêm nhường, thân tình, không ồn ào khoa trương, nên phần nào xa lạ với cư dân thành phố. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; những cánh hoa khoe sắc thắm, những tia nắng hè chói chang, những làn gió thu man mác, nhẹ đưa trong ánh nắng hoe vàng; rồi những cơn gió từ phương bắc lạnh cóng, ngả nghiêng hàng cây bên đường, co ro khách bộ hành v.v là nguồn cảm hứng thiên nhiên bất tận và cũng là dịp hội ngộ thường kỳ, hòa đồng, nồng ấm, thắm tình bằng hữu.

 tv 2

 

Điểm đặc biệt, dù thành viên thường trực hơn hai mươi người và trong những buổi hội ngộ có khách mời, số người tham dự lên tới sáu bẩy chục, nhưng họ muốn giữ danh xưng giản dị và thân ái: “Nhóm Cà Phê Thứ Bẩy”.

 

tv 3

 

Ngoài sự tham gia của các văn nghệ sĩ địa phương, Cà Phê Thứ Bẩy còn là trạm dừng, là điểm hẹn của những tâm hồn văn nghệ phương xa, mỗi khi có dịp ghé thăm thành phố. Có nhạc sĩ lão thành L.Dinh đến từ Canada phương bắc, có  nhà thơ trung niên T.T.Đạo từ miền đông, vùng Thủ đô; lại có người thầy thuốc già N.Y. Đức và nhà truyền thông P.Đ.Minh trên “Cánh đồng mây” đến từ Dallas, rồi nhà văn nhà thơ đến từ miền viễn tây như P.T.Anh, Đ.P.Phong, P.Đ.Vượng v.v. Nhiều lắm! Những buổi hội ngộ thắm tình “văn nghệ” ấy đã được ghi lại đầy đủ, kèm theo hình ảnh trải dài trên các tạp chí Trẻ, Thời Báo do hai nhà báo H.N. Sơn và B.Cúc tường trình.

    

 tv 4

Tưởng rằng quỹ thời gian còn lại, chắc không nhiều, của những “tuổi hạc” như chúng tôi, sẽ êm đềm, vui hưởng tới cuối đường. Nào ngờ, kể từ ngày con cúm Tàu, không hiểu mang họ gì, chỉ biết với tên gọi không êm tai “Cô Vit” xuất hiện, biết bao tang thương, biến đổi và thật thấm thía với ý nghĩa của câu tan đàn xẻ nghé, vật đổi sao dời. Sau hơn ba năm cách ly, không có cơ hội họp mặt; người làm thơ có chiều dầy sáng tác trên nửa thế kỷ L.T.Do đã ra đi; người thầy thuốc đam mê ca hát, có giọng tê-no, P.N.Tùng, bước vào tuổi 90, sức khỏe không sung mãn như ngày nào; ông giáo già kiêm nhà thơ L.Cao nay di chuyển phải có cây gậy trợ lực. Nhà nghiên cứu dịch thuật Đ.N.Ninh cũng giã từ trần thế, cưỡi hạc về tiên cảnh. Nhạc sĩ tài hoa S.Ngọc cũng bỏ lại tất cả để về cõi vĩnh hằng. Họa sĩ đa tài Đ.Cường, đàn ca đủ hết, bị con cúm Tàu cầm chân, gây rối; trong khi họa sĩ D.P.Tấn đi lại khó khăn vì tuổi đời chồng chất; danh thủ Tây ban cầm V.Vũ bị rối loạn tiền đình không được phép lái xe. Còn nhiều nữa, hình như đang xếp thành một hàng dài, chuẩn bị lên đường “viễn du tiên cảnh” … và chính tác giả bài viết này cũng phải nhập viện để điều trị, ngoài căn bệnh hiểm nghèo, cộng thêm con cúm Tàu cô-vit đuổi theo quấy phá, ròng rã gần một năm dài, nhưng thực may mắn nhờ phước đức, thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

 Thời gian cứ trôi, vẫn chưa tới ngày đáp máy bay về quê hương; con đường quen thuộc lại đưa tôi đến quán cà phê hẹn hò hội ngộ thân tình. Tuy số người không đông đủ như trước ngày cúm Tàu xuất hiện, nhưng vẫn còn hiện diện một số gương mặt thân quen, đồng cảm trong ánh mắt nhìn nhau. Lại một điều bất ngờ, vào sáng thứ bẩy, đầu tháng 8-2022, như thường lệ, tới quán cà phê, chúng tôi rất ngạc nhiên thấy một tờ giấy trắng nhỏ,  giản dị, lạnh lùng, dán trước cửa kính. Tiến lại gần đọc được dòng chữ “Xin cáo lỗi. Quán cà phê đóng cửa”. Đóng cửa??? Không một lời báo trước! Bấy giờ mới thấm ý nghĩa của từ ngữ bâng khuâng, ngẩn ngơ, ngỡ ngàng. Dòng suy tư lại vô tình, tự động lần về quá khứ. Không biết tin được chăng, như có điềm gì khó hiểu báo trước. Vào một sáng thứ bẩy vài tuần trước đó, khi đến điểm hẹn, chỉ có năm bảy người, ít hơn một nửa bình thường. Tôi hỏi nhà bình luận và phân tích thời sự N.T.Quý: “Sao hôm nay vắng quá?” Qua nụ cười gượng gạo, một chút bí hiểm, giọng man mác, lơ đễnh: “Đó là quy luật!” Câu trả lời của anh Quý làm tôi suy nghĩ suốt mấy tháng qua, tới hôm nay còn thấm thía, bùi ngùi. Cái quy luật mà đã là con người dù muốn dù không, phải chấp nhận, tuân thủ. Quy luật ấy chất đầy, nằm gọn trong hai chữ “Hợp Tan”. Chí lý thay! Có hợp sẽ có tan, có gặp gỡ rồi sẽ có chia xa. Không có sự kiện gì, vật thể nào giữ được nguyên trạng, nguyên hình mãi mãi; trái lại nó biến đổi theo thời gian đúng như “quy luật”. Nhưng ác thay, tan nát, chia xa, đổi dời ở đây, nhìn chung là do tình hình “kinh tế” có phần không khả quan. Người ta được khuyến cáo hạn chế di chuyển hoặc không nên tụ tập đông người. Thậm chí nghiêm trọng hơn, như hạn chế xuất nhập cảnh, hoặc đóng cửa các phi cảng, hải cảng, vùng biên giới v.v Lý do duy nhất dịch Cô-vit, bùng phát từ bên Tàu đang lan tràn, đe dọa mạng sống con người toàn thế giới. Các cơ quan truyền thông loan tải những tin tức, hình ảnh ghê rợn, thương tâm do cúm Tàu gây ra trên khắp địa cầu. Các phóng viên, qua ống kính và bài viết, ghi lại từ một số quốc gia, thực kinh hoàng: lò hỏa thiêu quá tải, những xác người chờ huyệt để vùi thây; tử thi la liệt chờ thiêu, chờ chôn cất, bị phân hủy làm ô nhiễm môi trường. Đường phố vắng tanh; thỉnh thoảng xe cứu thương hú còi hối hả chạy. Các bác sĩ cùng nhân viên y tế làm việc quá sức, không có thời gian nghỉ ngủ để phục hồi v .v. Theo những tư liệu trong y khoa điều trị, vào năm… một ngàn chín trăm hồi đó, cách đây hơn một trăm năm, đầu thế kỷ 20, cũng xảy ra đại dịch cúm, phát xuất từ nước Tây-Ban-Nha nên người ta gọi là dịch cúm Tây. Không thấy tài liệu nào ghi lại ai “đuổi” được con cúm Tây. Đó là chuyện cuả trăm năm trước. Hiện tại, cả thế giới loay hoay tìm cách chế ngự con cúm Tàu đang gây họa lớn cho nhân loại. Các nhà khoa học ra sức tìm phương thuốc chích ngừa bổ sung lần 1, lần 2 rồi lần 3…

Ngày tháng vẫn trôi. Dịch cô-vit, hiểu nghĩa đơn giản dịch cúm Tàu, thâm độc nguy hiểm hơn cúm Tây, tuy có dấu hiệu bị chặn đứng và thuyên giảm ở một số quốc gia có nền y học tiên tiến, nhưng còn gây nhiều chết chóc tang thương, đặc biệt ở vùng châu Á, châu Phi. Tóm lại cúm Tàu vẫn còn là mối đe dọa cho loài người. Anh chị em trong nhóm “Cà Phê Thứ Bẩy” quả thực giống như đàn chim mất tổ. Nhớ lại, ngoài những sáng Thứ Bẩy hàng tuần gặp gỡ, ít nhất mỗi năm có sáu buổi hội ngộ với khá đông khách mời - Xuân, Hạ, Thu, Đông và những dịp lễ đặc biệt - Nay đã xa rồi! Những cánh chim bay về, tổ ấm nay còn đâu, chỉ còn lại những nhánh cây khẳng khiu, trơ trọi, cô đơn dưới bầu trời u ám...Có những cánh chim đã gẫy giữa đường! Có những cánh chim rã rời, mệt mỏi… Buồn, không nói nên lời! Nhưng nếu cứ im lặng làm ngơ, không lên tiếng, con cúm Tàu được thể, càng hoành hành, cứ tiếp tục “lấn đất giành dân”, như “vết dầu loang”, không coi thiên hạ ra gì. Tác hại nó gây ra ảnh hưởng sâu rộng đến sinh hoạt cộng đồng nhân loại. Chẳng lẽ cứ thản nhiên đứng nhìn và chờ đợi, chờ đợi…“Tin Buồn” hoặc “Cáo Phó” hay sao? Hay là cứ rên rỉ, than vãn, khóc lóc mà quên lời khuyên của cổ nhân: “Hãy thắp lên một ngọn nến còn hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối!”.

 

Còn nhớ, trong dòng lịch sử và văn học Việt-Nam, đời nhà Trần, danh sĩ Hàn-Thuyên, người tỉnh Hải-Dương, đã làm bài “văn tế” đuổi cá sấu, trừ hại cho dân.
tv 5

 

Quê tôi cũng ở Hải-Dương. Điều kỳ lạ và may mắn, di cư vào Nam, tôi được theo học trường Hàn-Thuyên trên đường Cao-Thắng, Saigon, từ 1956 đến 1958. Biết đâu chừng tiền nhân linh thiêng chỉ lối, cho nên tôi không  ngần ngại, theo gương người xưa, cần gửi ngay một thông điệp, không phải văn tế, để cảnh cáo và đuổi con “cúm Tàu”. Nhưng chưa kịp thảo bản văn, ngày lên máy bay về quê hương đã tới. May quá! Tôi nghĩ đây có lẽ là dịp tốt, một công hai, ba việc; sau khi về quê tạ ơn xong, đích thân tôi sẽ đến, phải đến, đền thờ quan “Hình Bộ Thượng-Thư” Hàn-Thuyên để viếng và thỉnh ý ngài.

Ba ngày trước khi lên đường về quê, thực không may, bất ngờ tôi bị ngất xỉu trong một quán cơm nổi tiếng ở Houston. Chính tôi, nhiều lần tự hỏi sao đời tôi lại xảy ra nhiều bất ngờ quá vậy? Qua 84 năm đường đời, hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chuyện ngất xỉu hay còn gọi là đột qụy, tưởng như đùa. Buổi trưa hôm đó, vợ chồng tôi và con gái vào một quán cơm quen thuộc. Xong bữa, tôi đến quầy trả tiền.  Chủ tiệm hoàn lại tôi một ít tiền lẻ. Vừa cất tiền xong, tôi thấy chóng mặt và nhận ra mình sắp bị té ngã, người không thể đứng vững. Tôi cần ngồi xuống ngay. Phản ứng tự nhiên duy nhất là hai tay nắm lấy thành của quầy tính tiền để không bị ngã xuống sàn nhà…và tôi hoàn toàn không nghe, không biết gì nữa! Như trong mơ, tôi thấy mình ngồi trên ghế, giữa tiếng ồn ào và nồng nặc mùi dầu bạc hà, mùi dầu nóng. Bỗng nhiên tôi há miệng ngáp dài, như người vừa thức giấc, ngáp cho tỉnh ngủ! Có tiếng reo mừng rỡ: “Ngáp là tỉnh rồi”! Thực vậy, tôi thấy tỉnh táo lạ thường và cảm thấy mình như chưa hề bị ngất xỉu. Xung quanh, ngoài vợ tôi, con gái, người chủ quán và một vài thực khách đang vừa thoa dầu vừa nắn bóp từ hai vai lên cổ, lên tai, lên đầu tóc tôi và ngược lại. Tôi từ chối việc gọi xe cứu thương và cảm thấy có thể tự lái xe, nhưng lúc đó, các con tôi đã đến kịp và đưa tôi về. Không biết quán cơm từ ngày khai trương, tôi có phải là người duy nhất, ăn cơm xong, bị ngất xỉu? Và cũng chưa có ai giải đáp thỏa đáng lý do xảy ra sự việc kỳ lạ và hiếm thấy này.

Sau sự việc ngất xỉu, để bảo đảm an toàn cho tôi, gia đình đề nghị hoãn chuyến bay về quê hương. Tôi phản đối và xác quyết rằng tôi đủ sức đáp chuyến bay. Hơn nữa, tôi tin là tổ tiên phù hộ, thôi thúc tôi hãy vững tin, về quê để thắp nén nhang thành kính tạ ơn như đã dự tính. Trước sự cương quyết của tôi, gia đình đành miễn cưỡng chiều ý nhưng đã mua bảo hiểm y tế để bớt lo lắng nếu có điều không may xảy ra. Khi ngồi viết những dòng này, chính tôi cũng không ngờ mình đã uống “thuốc liều” và đem sanh mạng ra thách thức! Tôi quên rằng mình đã 84 tuổi, không phải 48, càng không phải 18. Tôi còn cười thầm tự chế nhạo, nay là một cụ già 84, không còn là một em bé ngày xưa, mỗi lần mới khỏi cơn bệnh hoặc qua cơn đau ốm là được mọi người, thấy tội nghiệp nên …. nuông chiều một chút!

Thế rồi mọi việc diễn tiến tốt đẹp như mong muốn. Là một hành khách cao tuổi, bay chặng đường dài nửa vòng trái đất, không có người thân đi cùng; tới Saigon, tiếp tục đáp chuyến bay nội địa ra miền Bắc. Thế mới biết, có quyết tâm cao, lại được sức mạnh vô hình linh thiêng phò trợ, dù trở ngại khó khăn thế nào, sẽ yên bình vượt qua. Suốt 33 năm định cư ở Mỹ, tôi đã về thăm quê nhiều lần. Tâm trạng xúc động, bồi hồi luôn dạt dào xuyên suốt hành trình. Đã lâu rồi, khi còn là cậu học trò nhỏ, ở đâu đó, hình như tôi đã được đọc, bài viết về một nhà văn người Anh. Ông đi du lịch rất nhiều nơi, khắp thế giới; khi trở về làng xưa, có người hỏi ông thấy nơi nào đẹp nhất. Câu trả lời thật thấm thía và nhiều ý nghĩa: Chỉ có quê hương là đẹp hơn cả!!

 Kia rồi, cổng làng Phụng-Viện đã hiện ra phía trước. Đường làng bây giờ, sau gần nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đã đổ bê-tông; ô tô đi lại thoải mái. Tôi muốn thắp nén nhang trước bàn thờ Tổ tiên, như một hình thức “trình diện”. Xe dừng ngay cạnh nhà thờ. Vào trong, tôi thắp nhang  khấn vái, thành kính tạ ơn Tổ tiên đã phù hộ độ trì cho toàn thể mọi người trong gia tộc, ở khắp mọi nơi, luôn an bình hạnh phúc. Với riêng tôi, các Cụ đã đưa trở về dương thế từ tầng địa ngục thứ 14, lại còn phù hộ cho đầy đủ sức khỏe, đáp chuyến bay đường dài, về quê, đứng đây thắp nén nhang vái tạ. Ơn đức ấy, xin nguyện ghi khắc trong lòng.

 

tv 6


Thắp nhang “trình diện” xong, tôi dạo một vòng quanh khu nhà thờ. Gần một trăm năm trước, ông nội tôi xây dựng ngôi nhà thờ này. Ông Bà quy tiên vào giữa thập niên 1940. Từ đó, qua nhiều biến động đất nước, đổ nát hư hỏng, đã trùng tu nhiều lần. Các con Cụ, thế hệ cha chú tôi, nay đã qua đời hết. Các cháu Cụ, thế hệ chúng tôi, vì vận nước, trôi nổi mọi miền từ Bắc vào Nam; có nhiều người định cư ở nước ngoài, nhưng vẫn hướng về cội nguồn và lần này, cùng nhau góp công sức trùng tu toàn diện. Từ mái ngói, tường bao quanh, cổng vào, trần nhà, sàn nhà, bệ thờ v.v đều được thay thế hoặc sửa chữa nghiêm chỉnh có thể chịu đựng, thách thức lâu dài với thời gian. Chỉ ít ngày nữa, lễ khánh thành sẽ tổ chức đúng vào ngày giỗ Ông nội.

Những thủ tục cần thiết như dọn sạch sẽ quanh phần mộ, mời thân nhân họ hàng, mời người cùng làng, cùng xóm đã xong. Hôm nay là ngày giỗ và lễ khánh thành. Tưởng rằng việc chuẩn bị nấu nướng, cỗ bàn, thức ăn thức uống sẽ khó khăn, vất vả, bận rộn, nhưng may thay có dịch vụ chuyên về tiệc hiếu hỷ, lo liệu hết mọi việc, từ A tới Z. Từ kê bàn ghế đến việc dọn dẹp vệ sinh khi xong, rất tiện. Trước những mâm lễ vật và nhang khói nghi ngút, tôi lại một lần nữa khấn nguyện, thành kính tạ ơn Tổ tiên để lại phước đức cho con cháu. Cũng nhờ phước đức cao dầy ấy, các tầng lớp cháu chắt và thế hệ nối tiếp tương lai sau này ở mọi miền, mọi nơi được an vui hạnh phúc.

Lễ giỗ xong, tôi đến viếng đền thờ Thủy Tổ họ Vũ, ở làng Mộ-Trạch, cũng thuộc huyện Bình-Giang, tỉnh Hải-Dương, cách làng tôi vài dặm. Đây là di tích nơi an nghỉ Thủy Tổ họ Vũ.

tv 7

Trước khi rời làng quê, tôi muốn nhìn lại căn nhà, nơi tôi chào đời. Đây rồi, tại nơi này, vào năm 1939, tôi đã được sanh ra và trải qua sáu, bảy năm thời thơ ấu. Mái tranh nghèo 84 năm trước không thấy đâu. Sau năm 1954, chính quyền mới đã lấy căn nhà này chia cho nhiều gia đình khác đến ở…Xa quá rồi! Quê hương đất nước tôi, dân tộc tôi, trải qua bao khổ nạn tang thương. Thế hệ ông cha long đong vất vả, gian khổ và hy sinh, tất cả vì hạnh phúc của hậu duệ, của các tầng lớp con cháu mai sau.

Sau lễ Tạ ơn Tổ tiên, một tâm nguyện tôi muốn thực hiện, kể từ khi “Trở về từ tầng 14” là lên Hà-Nội, đến Hồ Hoàn Kiếm. Dĩ nhiên bao nhiêu kỷ niệm vui buồn với Hà-Nội vẫn còn đầy ắp trong tim. Từ tờ mờ sáng, tôi đã đứng bên bờ hồ. Trời u ám, trần mây thấp, ánh dương chưa ló dạng nên quang cảnh còn mờ hơi sương. Hà-Nội như còn ngái ngủ, chưa tỉnh giấc, dù xe cộ đã xuôi ngược trên đường phố. Tháp rùa đó, trải qua bao năm tháng, vẫn rêu phong bao phủ. Hướng về tháp, tôi lâm râm khấn nguyện: Suốt 84 năm qua, nghĩ rằng trong tay có “kiếm bạc” thần rùa trao cho, tôi tung hoành ngang dọc, chinh chiến gian lao, thương tích và chiến công có đủ; tôi hoàn thành sứ mạng, trở về trong chiến thắng vinh quang. Dài theo cuộc trường chinh, kiếm bạc bên mình trên tám mươi năm, có phần “mỏi mệt”. Nay trước hồn thiêng sông núi, xin trả lại “kiếm bạc” cho thần rùa và mong được an vui tuổi già.

Trả “kiếm bạc” xong, tôi còn ngẩn ngơ, phân vân, thấy lòng vẫn chưa yên; cảm tưởng rằng hình như còn một nhiệm vụ, một trọng trách nào đó tôi chưa hoàn thành, nên không muốn rời đi, vẫn đứng bên bờ hồ, ngóng trông về phía trời xa. Tâm trí như tỉnh như mê, tôi định quay gót ra về. Lạ quá! Tôi nghe được tiếng vọng, âm lượng khá lớn, từ tháp rùa, đúng là từ tháp rùa, lệnh cho tôi đứng lại và chờ đó! Rất ngạc nhiên và lo lắng hồi hộp, hướng về tháp rùa; chừng vài giây sau, một tia sáng màu xanh lóe lên, từ từ chuyển dịch về phía tôi. Định thần, tôi nhận ra đó là một thanh kiếm giống trong truyện và phim ảnh thần thoại; lưỡi kiếm tỏa ánh sáng xanh màu ngọc bích, chuôi kiếm màu đỏ của hồng ngọc. Tôi nhớ rất rõ, trong những truyện hoặc phim ảnh thần thoại ấy, mỗi lần kiếm ngọc vung lên thì trời long đất lở; công trình kiến trúc, lâu đài, dinh thự, núi đồi ngả nghiêng; kẻ xấu, kẻ  gian ác tìm đường chạy trốn và biến mất. Có những loài ma quỷ mắt xanh, mắt vàng, mắt đỏ, nhe răng há miệng, hùng hổ, giơ cao móng vuốt, phùng mang trợn mắt…Nhưng thấy kiếm ngọc xuất hiện, liền co giò, cúp đuôi, tháo chạy! Đây có phải là sự thật hay ảo tưởng, tôi không biết, chỉ tự nhủ mình chưa thể “gác kiếm”, nên được trao một kiếm báu mới để tiếp tục sứ mạng bình nam phạt bắc, ngang dọc tung hoành trong những trận chiến sắp tới, trừ hại cứu dân….Tôi hơi khom người về phía trước, đưa hai tay ngang mày, như đang đón nhận kiếm ngọc từ Thần rùa. Thực không ngờ, tôi có trong tay một vũ khí uy lực vô song, một sức mạnh vô địch. Chỉ vung nhẹ kiếm ngọc lên là quân địch, kẻ thù khiếp sợ, hỗn loạn, dẫm đạp lên nhau thoát thân. Dù quỷ xanh, quỷ vàng, quỷ đỏ, quỷ gì đi nữa, cũng không toàn thây trước uy lực của kiếm ngọc.

tv 8

                                                  

Trong niềm vui ấy, tôi cảm thấy có một chút hãnh diện, mình được giao một sứ mệnh thiêng liêng cao cả và dự tính ngày hôm sau sẽ lên đền Hàn-Thuyên, để thỉnh ý ngài. Dù sao cũng nên dùng lời lẽ khuyên dụ, cảnh báo, trước khi dùng biện pháp mạnh như đao kiếm, dụng lễ trước rồi sẽ dụng binh.

Rời bờ hồ, lòng vui khôn tả. Tôi muốn chia xẻ niềm vui với một người bạn, Phạm-Đức-Vượng, cũng từng là học trò trường Hàn-Thuyên, và đã từng cùng tôi hứng chịu tủi nhục trong các trại tù sau 30-4-1975. Vượng, hiện định cư ở San Jose, bang Ca-Li, không hề biêt tôi có ý định trả kiếm cho Thần Rùa, chỉ biết tôi muốn về viếng đền và thỉnh ý ngài Hình-Bộ-Thượng-Thư Hàn-Thuyên. Tôi vào Bưu-Điện Hà-Nội, đối diện bờ hồ; lựa mãi, được tấm bưu ảnh có hình hồ gươm lung linh, lộng lẫy và muốn tạo bất ngờ, mua tem, nhờ bưu điện gửi về địa chỉ nhà riêng của Vượng, với tên người gửi đã ngụy hóa…

Sáng nay, tiết trời ấm áp, ánh nắng cuối xuân dịu dàng làm lòng người phấn khởi, hăng say. Đúng như dự tính và theo bảng chỉ dẫn, tôi đã tới đền thờ Tiến sĩ Hàn-Thuyên ở xã Lai-Hạ, huyện Lương-Tài, trước kia thuộc tỉnh Hải-Dương, nay phân chia thuộc tỉnh Bắc-Ninh. Người quản lý cho biết trong đền đang tu sửa, thiếu an toàn, khách chiêm bái vui lòng không vào bên trong. Tôi đứng trước sân rộng, hướng vào trong đền khấn nguyện: từng là một học sinh của ngôi trường mang tên ngài, tôi sẽ không làm hổ danh, nguyện noi gương ngài, gửi một thông điệp để cảnh báo và “đuổi “ con cúm Tàu, hiện đang là mối họa lớn của loài người.         


tv 9 

Không biết có phải do trí tưởng tượng hay đây là một hiện tượng tâm linh huyền bí; khi kính cẩn vái vọng từ biệt, ngước nhìn trên cao, một vị đại thần mặc triều phục hiện ra, đang mỉm cười nhìn tôi. Có lẽ ngài đã thấy được thiện ý và lòng thành của tôi. Trên đường về, ánh mắt ấy, nụ cười ấy làm tôi thêm ấm lòng và vững tin nhiều. Đường lên đền Hàn-Thuyên xa xôi vất vả, nhưng tôi đã thực hiện thành công ý nguyện của mình. Thực không ngờ, tôi có trong tay một kiếm báu từ Thần rùa, lại được sự cổ vũ, khuyến khích của danh sư tiền bối, người đã có công làm văn tế đuổi cá sấu cách đây hơn bảy trăm năm; như thế đủ để tôi vững tin rằng sẽ hoàn thành sứ mạng đuổi cúm Tàu, trừ hại cứu dân.

 

Thế rồi, đã đến ngày phải rời quê hương trở về Mỹ. Tôi lại đáp chuyến bay đường dài vượt đại dương, lòng tràn đầy niềm vui nên quên đường xa mệt nhọc. Về lại Houston, không chậm trễ, tôi gửi ngay một thông điệp, với đại ý nội dung như sau:

……………. Này con cúm Tàu ngông cuồng ác độc! Ngươi đừng tưởng, sinh ra      từ nước lớn, là được phép bành trướng bá quyền, tự coi mình là trung tâm nhân loại; tự nhận mình là “cái rốn vũ trụ”. Ngươi có trong tay lưỡi hái tử thần, đi khắp thiên hạ, tàn sát sinh linh. Hơn ba năm qua, người chết triệu triệu, người bệnh tỷ tỷ, nhân loại hoảng sợ. Chưa thỏa mãn sao?  Chủ nhân ngươi rao giảng nhân nhân nghĩa nghĩa, nhưng thủ sẵn mã tấu dao găm. Chúng luôn miệng anh em, đồng chí, lại rập rình đầu độc, thủ tiêu. Mặt nạ ngươi mang, đã rớt dần dần, lộ hình ác quỷ.  Từ Vũ Hán tới Bắc Kinh; lò thiêu quá tải … Từ Ấn Độ tới Châu Phi, huyệt không kịp đào… Ngươi lại giả vờ thương xót, nước mắt đầm đìa. Không lừa gạt được ai đâu! Đúng là “nước mắt cá sấu!”… Đã quá đủ rồi! Ngừng tay lại ngay! Ta đây noi gương tiền nhân “vốn đức hiếu sinh”, chừa cho đường sống, chỉ cần thành tâm hối cải. Hãy chấm dứt gây họa và không tái phạm! Ta không phải tên Thuyên, tên Dũ; cũng không phải họ Nguyễn, họ Hàn. Mà thôi, ngắn và gọn, ngươi chỉ biết đây là thông điệp truyền lệnh, hỏa tốc và thượng khẩn. Ngừng tay lại ngay! Bất tuân sẽ nghiêm trị!

Ngày …tháng…   năm …

S.5 (ấn ký)    


Gửi thông điệp xong, theo dõi và chờ đợi. Đó đây, tuy không nhiều nhưng vẫn còn phúc trình tổn thất. Nhóm Cà Phê Thứ Bẩy vẫn như đàn chim mất tổ. Trời Houston bao la là thế mà không có nơi nào để chúng tôi hội ngộ sao? Giờ xa rồi! Thời gian có bao giờ ngừng trôi không nhỉ? Những “đóa hoa” Anh-Thư Thiện-Nguyện dễ thương, nhiệt tình, đang tung tăng nơi nào? Những thành viên của Hồn-Việt nặng tình non nước, giờ nơi đâu? Mấy năm trời không gặp! Nhớ da diết giọng ngâm quý hiếm của cánh Hạc-Trắng ngày nào cùng giọng hát trầm ấm tình tứ của N.Quỳnh, K.Phượng. Rồi tiếng hát bay bổng của du ca chi bảo D.Chi, tiếng hát rực lửa của ca nhạc sĩ đấu tranh H.Tường; giọng hát T.Hà ngọt ngào, quyến rũ, bên cạnh phu quân tài hoa, nhà văn L.Đ.Lực có “81 cách biết nhảy dù”; giờ chỉ là nỗi nhớ! Những vần thơ mới sáng tác của M.Ngàn, của C.H.Phong, của L.Cao v.v, còn thơm mùi mực; những nhạc khúc mới soạn của T.Chương, H.Tường giờ âm thầm, im lặng chờ ngày …giới thiệu với ai đây! Buồn nhưng không tuyệt vọng. Những cánh chim quyết tìm một nơi thích hợp để xây tổ mới. Thế là Vương-Vũ, Quỳnh-Hà, Quách-Trường, Hữu- Liệu v.v không mệt mỏi, nặng tình văn nghệ, hoạt động con thoi. Các bạn ấy ghé qua nhiều quán cà phê để “điều nghiên”. Có quán thân tình, trang trí nghệ thuật nhưng thứ bẩy đông khách, không đủ chỗ ngồi. Có quán địa điểm tốt, bãi đậu xe rộng rãi, nơi sinh hoạt của những vị cao niên, nhưng không mở cửa những ngày cuối tuần. Lại có quán mang bảng hiệu hấp dẫn hoặc gợi nhớ quê hương xa xôi, nhưng một số khách hàng không biết vô tình hay cố ý, mơ màng theo làn khói thuốc, thưởng thức hương vị cà phê trong thế ngồi “nước lụt”, khiến anh chị em chúng tôi ngại ngùng.

Chưa tìm được nơi thích hợp để gặp gỡ hàn huyên, tâm sự, chúng tôi lại nghĩ về quán cà phê thân quen, trước khi xảy ra đại dịch. Có dịp lái xe ngang qua; cái logo tháp Eiffel vẫn còn đó, cái bảng hiệu có âm hưởng tên gọi thủ đô nước Pháp vẫn còn đó, nhưng ngoài hành lang không bàn, không ghế, không một bóng người và bên trong quán, tối om, không một ngọn đèn. Khung cảnh ấm áp thân tình của những lần gặp gỡ vào sáng Thứ Bẩy nay còn đâu, xa rồi! Liệu có thể xảy ra chăng, một ngày đẹp trời nào đó, những tâm hồn văn hóa, văn nghệ lại có cơ duyên hội ngộ hàng tuần? Chúng tôi hy vọng vì người ta thường bảo hy vọng là lẽ sống! Nhớ làm sao những chiếc bàn, chiếc ghế bằng hợp chất nhựa vững chắc, toàn một màu xám đậm, kê dọc hành lang phía ngoài, hướng ra đại lộ; Không quên được những tách cà phê và những dĩa bánh ngọt hương vị âu châu; những bình trà thơm ngát, những nụ cười, những nét mặt sảng khoái mơ màng, say mê trao đổi những vần thơ, dòng nhạc mới sáng tác.

Tuổi đời càng cao, người ta càng tin rằng mọi việc xảy ra đều do bàn tay của đấng thiêng liêng vô hình an bài. Những trận động đất kinh hoàng, những phún xuất thạch đỏ lửa phun trào từ hỏa diệm sơn, rồi chiến tranh, rồi thiên tai, đại dịch, cúm Tây cúm Tàu v.v nào sạt lở, lũ lụt, su na mi v.v đã lấy đi biết bao sinh mạng, gây nên bao đổ nát tang thương. Con người quả thực nhỏ bé và mong manh yếu đuối trước cơn giận giữ của tạo hóa và chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, khổ đau trước quyền lực của kẻ xấu, kẻ ác. Để tự vệ, và để được bình an trong cuộc sống, có lẽ ngoài việc tận dụng tất cả những gì sở hữu để đối phó, chống trả; người ta cần dựa vào một sức mạnh thiêng liêng, vô hình hỗ trợ. Phải chăng là “cầu nguyện”? Dâng lời cầu nguyện, ai cũng làm được, không phân biệt sang giàu hay nghèo khó; đại chúng hay cao tăng; con chiên hoặc chủ chăn; cũng không phân biệt thời gian không gian; bất cứ lúc nào hoặc nơi nào nhưng quan trọng là “thành tâm, thành ý”. Riêng cá nhân tôi, người viết những dòng này, trong nhiều trường hợp hiểm nguy, đối diện tử thần, đã thành tâm cầu nguyện và những “lời nguyện cầu” thành khẩn ấy, đã rất linh ứng, chứng nghiệm! Hình ảnh quan Hình Bộ Thượng-Thư Hàn-Thuyên trên cao mỉm cười, nhìn tôi ra về sau khi viếng và thỉnh ý ngài, vẫn còn đậm nét trong trí tưởng…Thực không ngờ! Hiệu nghiệm thay! Cúm Tàu nhận được văn thư gửi hỏa tôc, chấp hành ngay, không tiếp tục gieo họa. Những lệnh phong tỏa, cách ly đã dần dần tháo gỡ. Các vị bác sĩ, nhân viên và cơ sở y tế đã có chút thì giờ nghỉ ngơi để hồi phục. Ai nấy hân hoan, cùng dâng lời tạ ơn. Khi ngồi viết những dòng sau cùng của hồi ức này, cúm Tàu đã co cụm, đang âm thầm biến mất. Nhân loại từ từ trở lại đời sống yên bình. Đó đây lại ngân vang tiếng hát câu hò; tiếng đàn, tiếng sáo lại thánh thót vi vu và hy vọng khắp nơi sẽ có nhiều, rất nhiều nhóm “Cà Phê Thứ Bẩy” nữa ra đời, hội ngộ sinh hoạt thân tình trong vườn hoa nghệ thuật muôn sắc, muôn màu. Và quả thật chuyến “du hành tìm về quê hương cội nguồn” lần này, với sự khuyến khích, hỗ trợ của gia đình, đã có nhiều ý nghĩa. Tôi có cơ hội thực hiện ý nguyện; nào tạ ơn Tổ tiên để lại nhiều Phước Đức; thăm quê hương nơi chôn nhau cắt rốn; viếng đền thờ và thỉnh ý danh sư Hàn-Thuyên; đặc biệt đến hồ gươm hoàn lại thần rùa thanh kiếm cũ, đã cùng tôi tung hoành 84 năm; nhưng bất ngờ, lại nhận được kiếm báu mới bích ngọc, tỏa sáng linh khí đất trời; lòng tràn đầy niềm vui và hãnh diện được thần rùa tin tưởng, trao cho để trừ bạo cứu dân. Nhưng kiếm ngọc chưa dùng đến, cúm Tàu đã dần biến mất. Chuyện cúm Tàu sẽ từ từ trôi về dĩ vãng như cúm Tây hơn trăm năm trước. Thế hệ chiến sĩ cao tuổi chúng tôi, sẽ lui về phía sau và mờ nhạt dần; kiếm ngọc giao lại cho hậu thế và việc gánh vác sơn hà nay nhờ vào đôi vai những thế hệ tiếp nối. Là một chiến binh già, tôi mượn những lời văn đơn sơ, mộc mạc trong bài viết này, như những “lời nguyện cầu”. Là con cháu dòng giống Lạc Hồng, luôn ghi nhớ: Bích Ngọc kiếm thần rùa trao cho, không đơn giản là một kiếm báu. Đây là biểu tượng hồn thiêng sông núi, là sức mạnh vô địch, là vũ khí uy lực nhiệm màu gìn giữ giang sơn gấm vóc, bảo quốc an dân. Hãy cất giữ kiếm báu ở nơi thật an toàn, canh phòng cẩn mật. Tuyệt đối không để xảy ra việc đánh tráo, giống như “nỏ thần” thời An-Dương-Vương xa xưa.

 

Triệu Vũ.

Houston, TX.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 6643)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 11736)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
13 Tháng Chín 20243:25 SA(Xem: 273)
bay nửa vòng đời ngơ ngác tìm nhau / chưa kịp chạm tay / mùa thu đã cháy / trong lá khô đôi môi nào run rẩy / mãi hoài không gọi nổi / một cái tên
12 Tháng Chín 20246:15 CH(Xem: 459)
Bài thơ GIÓ đã được thi sĩ Đức gốc Việt Nguyễn Chí Trung trình bày từ năm 2004 tại nhiều Đại Hội Thi Ca Quốc Tế (International Poetry Festival) trong các buổi đọc Thơ trước công chúng. Bài thơ được viết bằng tiếng Đức vào mùa Thu năm 1993 và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng cũng như xuất bản ở nhiều quốc gia Âu châu (Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha …).
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 511)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 504)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
12 Tháng Chín 20242:10 CH(Xem: 341)
Ngày xưa hồi còn nhỏ, tui hay nghe bà cố tui đọc câu: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Tui thấy ngồ ngộ dễ thương nên tui nhớ luôn câu ấy ở trong đầu. / Mấy mươi năm trôi qua cho đến giờ tuổi đã về chiều, ngồi ngẫm lại đời mình. À! người ta thì "còn duyên kẻ đón người đưa" còn mình hết cả một đời người trôi qua mà mình có chút duyên nào đâu, vì từ nhỏ cho tới lớn đâu có ai đón đưa, thương nhớ mình chứ ... Xấu hổ thiệt nhưng cũng phải thú thiệt vì ở cái tuổi này rồi, có níu kéo gì nữa đâu hè!! Nói thiệt may ra ông trời ổng thấy tội tội mà kiếp sau ổng cho mình có chút "diên" (duyên)làm vốn lận lưng.
12 Tháng Chín 20242:02 CH(Xem: 606)
đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi! đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi!
03 Tháng Chín 20243:54 CH(Xem: 1326)
Bài thơ “GIÓ” của thi sĩ Nguyễn Chí Trung GỒM 48 tiểu đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tất cả là 192 câu thơ được viết theo thể thơ lục bát. Xuất hiện lần đầu trên thi đàn quốc tế “International Writers In Belgrade” vào năm 2003./ Từ 2004 đến nay khắp các Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ĐHTCQT International Poetry Festival trên thế giới từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc mời tác giả Nguyễn Chí Trung tham dự và đọc Thơ, Ông đều trình bày bài thơ này. Vì thế bài thơ GIÓ được dịch ra nhiều thứ tiếng gốc La tinh của Ậu châu, và cả tiếng Hindi của Ấn, hay tiếng Ả Rập, hay Thụy Điển hay ngôn ngữ tổng hợp Serbo-Croatia v... v...
02 Tháng Chín 20243:46 SA(Xem: 586)
Khi em trở lại / Bằng những cánh tay vàng của lá / Buồn ở nhớ nhung / Những đám mây mùa hè lẩn trốn / Em còn đâu đó trong tôi