- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHÂN ẢNH

24 Tháng Tám 202110:46 CH(Xem: 18561)
Promendade of Three People- AugustMacke 1914

Promenade of Three People

August Macke, 1914

NHÂN ẢNH   

 

Truyện ngắn   

Trần C. Trí   

 

 


LTS: Trần C.Trí có bằng Tiến sĩ Ngôn ngữ học và Văn chương các thứ tiếng gốc La-tinh (Ph.D. in Romance Linguistics and Literatures)  từ University of California, Los Angeles. Trần C. Trí đang cư ngụ tại Little Saigon, Orange County, tiểu bang California. Ông đã giảng dạy ngôn ngữ học Pháp, Tây Ban Nha, Việt Nam và Ngôn ngữ học Romance trong 20 năm qua. Hiện đang dạy tiếng Việt & Ngôn Ngữ học tại University of California, Irvine. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Nhân Ảnh” là tác phẩm mới nhất của tác giả Trần C. Trí đã viết trong mùa hè 2021.

Tạp Chí Hợp-Lưu


M
ưa trở thành bức màn giăng giăng bất tận. Cơn mưa lần trước chấm dứt từ bao giờ, và cơn mưa lần này bắt đầu khi nào, tôi không hề hay biết. Chỉ thấy mưa và mưa và mưa nhạt nhoà qua khung cửa chính nhìn ra vùng hồ nước mênh mông phía trước nhà. Mặt hồ bây giờ là một mảng trắng bạc, kéo dài đến vô cùng, mờ mờ ảo ảo sau làn mưa khốc liệt. Hàng liễu ven hồ ngả nghiêng theo từng đợt gió thổi thốc tháo, xuyên qua cơn mưa chưa có dấu hiệu khi nào sẽ ngớt.

Tôi ngồi nơi chiếc sofa quay ra cửa lớn, trên bàn là tách trà lạnh tanh, chỉ còn lại một lớp mỏng dưới đáy. Cơn sốt vẫn bừng bừng khắp thân thể. Hai thái dương tôi giật từng hồi. Tôi có thể hình dung phía bên trong đầu của mình là một bức vách tròn đang đón nhận những đợt đau nhức tống vào. Từng cơn đau dội ngược lại vào bên trong, làm căng hết những sợi dây thần kinh, không sao thoát ra khỏi vùng thương tổn tăm tối đó. Cả người tôi như đang trong một cơn say mèm, choáng váng và bềnh bồng.

Tôi từ từ từ đứng dậy, như thoát ra khỏi một lớp vỏ nào đó, bước tới vài bước rồi quay lại nhìn chính mình. Tôi vẫn còn ngồi ôm đầu trên sofa, quằn quại trong đau đớn. Tôi bỏ mặc tôi ngồi đó để quay vào bên trong, bây giờ đã thấy trong người nhẹ nhàng đôi chút. Tôi bỏ lại cả cơn đau và cơn say, lướt đi như không chạm đất, lần về phía cái cầu thang gỗ dẫn lên căn gác xép. Mùi ẩm mốc của nơi ít người lui tới tràn ngập căn gác tối. Tiếng mưa vỗ trên nóc nhà nghe rõ mồn một.

Tôi bắt đầu lục lọi những món đồ đã từ lâu không đụng tới, không biết mình đang tìm kiếm gì. Mấy cuốn sách cũ bay mùi ngai ngái. Vài tập nhật ký bám đầy bụi. Những album ảnh dày cộm, chất chứa biết bao nhiêu nhân vật trong đó, người còn, kẻ mất. Tôi thẫn thờ lật qua vài trang bất chợt, những quãng đời đã qua như từng phân đoạn trong một cuốn phim dài, lúc thì đen trắng, lúc thì nhiều màu sắc, hiển hiện như chưa bao giờ mất đi. Cơn mưa hiện tại vẫn còn rạt rào trên mái. 

Đột nhiên, tôi quày quả đi xuống, cũng vội vã như lúc đi lên, sợ bỏ tôi ngồi lâu ở dưới nhà một mình trong phòng khách vắng vẻ, trong cơn mưa đầy thịnh nộ bên ngoài.Thấy mình vẫn còn ngồi đó, tôi thở phào nhẹ nhõm, yên tâm ngồi xuống, trở lại với mình. Đầu tôi đã bớt nhức nhối, nhưng cơn sốt vẫn còn đó, và cơn say không rõ nguyên nhân cũng vẫn còn đó, chắc đang làm hai má tôi bừng đỏ lắm. Cổ họng tôi khô khốc, mà tách trà đã vơi.

Mặt hồ ngoài kia bỗng biến thành vũng nước lụt ngày xưa trong cư xá sĩ quan thời thơ ấu của tôi. Mỗi lần mưa mùa đông dai dẳng hơn bình thường, bãi đất trống của cư xá hình chữ U trong cư xá lại bị ngập nước đến mấy tuần lễ, chẳng khác nào một cái hồ nhỏ . Hàng liễu ven hồ bây giờ cũng đã hoá thành những cây dương xanh mọc viền quanh vũng nước lụt. Tôi đã sống ở cư xá sĩ quan đó trong bao nhiêu năm rồi, tôi không buồn nhẩm tính. Chỉ biết thời gian đó trùng hợp với những tháng ngày cắp sách đến trường của tôi, cho đến tận ngày tôi theo gia đình bỏ trốn vào Sài Gòn khi cộng quân tràn đến. Những người bạn hàng xóm, những kỷ niệm trẻ con, những kỷ niệm đến vừa khi tôi mới lớn, vui lẫn buồn, tất cả như đang cùng cơn mưa trở về.

Đúng lúc đó thì Thanh từ bên ngoài bước vào. Không, đúng hơn là từ trong cơn mưa bước ra. Hay đúng nhất là từ vũng nước lụt trong cư xá.

            “Ủa, Thanh!”—Tôi nghe giọng mình kêu lên thảng thốt. “Mấy chục năm rồi không gặp! Sao Thanh biết Tâm ở đây mà đến hay vậy?”

Thanh ngồi xuống bên cạnh tôi, cô đặt một tấm hình xuống cái bàn trước mặt hai người, cạnh tách trà nguội ngắt.

            “Sao người Thanh không bị ướt mưa chút nào cả?” —Tôi vẫn còn rất nhiều thắc mắc. “Thanh đến đây bằng gì? Mưa to thế này mà lái xe được sao?”

            Chợt tôi tò mò cầm tấm hình từ trên bàn lên, ngắm nghía một lúc. Lại tiếp tục thắc mắc.

            “Làm thế nào mà Thanh có được cái hình này? Lâu nay Tâm vẫn giữ nó mà.” —Tôi lẩm bẩm.

Chợt tim tôi thắt lại thật mạnh. “Sao lại có cả Mạch trong tấm hình này được?” Tôi hối hả nói như trong mơ, không rõ là đang nói với Thanh hay với chính mình. “Tâm còn nhớ rõ là ba Tâm đã chụp cho hai đứa mình trong một lần đi chơi. Hôm ấy nhất định là không có Mạch.”

Nhất định là như vậy. Tôi nhớ mồn một, như thể mới là ngày hôm qua, Ba đã chở Thanh và tôi đi chơi lần đầu tiên trên chiếc xe Jeep Wrangler quân đội màu xanh olive của Ba. Tôi cũng nhớ cảm giác thất vọng tràn trề của mình khi chiếc xe “mới” mà hôm ấy cả nhà đang đợi Ba lái về chỉ là một chiếc xe cũ mèm mà Ba đã mua lại từ một người quen, với tất cả niềm hãnh diện mà ông có được. Tuy vậy, Thanh và tôi, lúc đó đã mười bốn, mười lăm tuổi, vẫn thấy háo hức và phơi phới trong lòng khi lần đầu được đi chơi bằng “xe nhà”, ước mơ của rất nhiều người ngày đó. Gương mặt ông toát ra niềm vui và vẻ tự hào, Ba lái xe chở hai đứa chúng tôi đi ra khỏi thành phố, băng qua chiếc cầu nối với vùng ngoại ô, trực chỉ Bãi Dương, kế bên khu Hòn Chồng nổi tiếng.

Hôm ấy là một ngày trong tuần, Ba xin nghỉ phép, tự thưởng cho mình một ngày thong thả để để hưởng trọn chiếc xe cũ-người-mới-ta của mình, với hai cô bé hồn nhiên đi theo chung niềm vui. Sau khi uống hết ba trái dừa tươi thơm mát ở một cái quán nhỏ trên bờ biển, Ba dắt hai đứa chúng tôi lững thững đi dọc theo bờ cát trắng mịn. Bãi Dương hôm ấy khá vắng người, chỉ có một vài đứa bé mình trần trùng trục, cười khúc khích đuổi nhau trên bãi biển. Hàng dương xanh mướt ngả nghiêng vật vờ theo từng làn gió nhẹ. Sóng biển rì rào, mặt biển xanh ngăn ngắt và nắng trưa chỉ vừa đủ làm cho không gian vừa ấm áp.

Ba lấy chiếc máy hình Pentax cưng của ông ra, bảo chúng tôi đứng làm kiểu ở nhiều chỗ khác nhau để chụp những “pô” hình mà ông ưng ý. Hết một khoảng bãi biển dài, chúng tôi bước lần ngược lên phía đường cái, đi qua một khu trường học im lìm vì lúc đó là mùa hè. Ba cho chúng tôi biết đó là tiểu chủng viện Sao Biển, nơi những thanh niên công giáo trẻ chọn con đường học tập để trở thành sư huynh. Thanh và tôi không để ý đến những lời hướng dẫn của Ba cho lắm, vì hai đứa mải đứng ngắm ngôi trường vắng vẻ với dãy nhà lầu nằm yên ắng, sau những hàng dừa đang lặng lờ đong đưa trong gió, giống như một phong cảnh kỳ bí trong một cuốn phim ma quái nào đó.

Chính vào lúc đó mà Ba đã chụp một tấm hình từ sau lưng Thanh và tôi, với bối cảnh là ngôi chủng viện im vắng vào mùa hè. Chỉ có Thanh và tôi. Chắc chắn là như thế. Vậy thì tại sao lại có Mạch trong tấm hình này??? Mạch cũng đứng xoay lưng lại trong tấm ảnh, nhưng bộ quần áo quen thuộc mà hắn thường mặc vào thuở đó thì tôi không thể lẫn với ai khác được.

Lồng ngực tôi nặng nề như có tảng đá to tướng nào đè lên. Tâm trí tôi hoang mang, xen lẫn với sợ hãi. Cơn sốt vẫn còn đó, dường như còn cao hơn trước. Ngoài kia, cơn mưa đã ngớt. Tôi nhìn qua bên cạnh, Thanh đã đi tự lúc nào, không thấy nói lời từ giã. Đầu tôi cũng nặng như chì. Cuối cùng, tôi ngã vật xuống, bằn bặt thiếp đi trong làn không khí lạnh lẽo theo gió thổi từ mặt hồ ngoài kia vào. Tôi không còn hơi sức đâu để nhổm dậy ra đóng hai cánh cửa trước nhà lại nữa.

...................................................................................................................................................

 

            Nếu hôm nọ Thanh đột ngột ghé qua vào một ngày mưa, thì hôm nay ông Lãng đến chơi lúc nắng lên hực hỡ và có hẹn trước. Tôi nhớ là hình như mình có text cho ông, hỏi ông có đến cho tôi hỏi thăm một việc được không. Tôi phân trần rằng mình không được khoẻ lắm, chứ thực ra tôi phải đến nhà ông mới phải. Tôi cũng nhớ là ông đã mau mắn trả lời ngay, bảo rằng bây giờ đã về hưu nên cũng khá rảnh rỗi.

            Tôi biết ông Lãng qua một người bạn. Tôi kém người bạn ấy năm tuổi, còn hắn ta cũng kém ông Lãng năm tuổi. Có lẽ vì thế mà tôi tự cho mình cũng suýt soát ngang hàng với ông ta. Trước khi về hưu, ông Lãng là bác sĩ phân tâm học, có phòng mạch riêng và dạy tại một trường đại học danh tiếng trong vùng. Biết ông mê uống trà, tôi đã pha sẵn một bình trà hoa lài, mùi hoa ông ưa thích. Bày biện bình trà và hai cái tách sứ Nhật Bản bên cạnh một bình hoa cúc vàng, tôi tựa đầu trên chiếc sofa, đợi ông Lãng đến.

            Dạo này dường như trí nhớ của tôi kém hẳn đi, vì tôi không thể nhớ ông Lãng đã đến lúc nào. Khi ngẩng đầu lên, tôi đã thấy thấy ông ngồi trên chiếc ghế bành đối diện với cái sofa nơi tôi đang chờ ông. Cũng dễ đến ba, bốn năm rồi tôi mới gặp lại ông Lãng thì phải, nhưng trông ông không khác đi bao nhiêu. Hay là ông không thể nào già hơn như vậy nữa.

            “Cô Tâm đúng là trông không được khoẻ lắm” —ông Lãng ân cần nói. “Cô có sao không?”

            “Tôi cũng không rõ nữa. Tôi có đi bác sĩ mà cũng không tìm ra được bệnh gì. Bác sĩ bảo là tâm bệnh. Nhưng không phải vì vậy mà hôm nay tôi muốn gặp ông đâu nhé” — Tôi vội vàng nói cho ông Lãng khỏi hiểu lầm.

            “Vậy thì tôi đến để làm gì đây?”

            “Mời ông thưởng trà đã” —tôi trịnh trọng nhấc bình trà, rót nhẹ làn nước vàng óng vào hai cái tách trên bàn. Mùi hoa lài thoảng nhẹ, bềnh bồng trong không gian lặng lờ của buổi sáng.

            “Cám ơn cô đã nhớ là tôi thích loại trà này” —khách vừa nhắp từng ngụm trà, vừa thốt lời cảm kích.

            “Ngon thật!” —ông Lãng chắp lưỡi, hai mắt lim dim. Tách trà của ông đã cạn. ”Nhưng kìa, cô Tâm vào đề đi chứ.”

            “Tôi muốn nhờ ông coi giùm cái này” —tôi cũng nâng tách trà của mình lên, trong khi tay kia chìa tấm hình về phía cho ông Lãng. “Ông xem và cho tôi biết ông thấy những ai trong đó.”

            Ông Lãng hơi chồm tới, đỡ lấy cái hình. “Những ai hay những gì?”

            “Chắc cả hai” —tôi nhún vai đáp.

            Ông Lãng tháo cặp kính ra, đưa mắt sát vào cái hình, miệng lẩm bẩm: “Mắt tôi đang ở tình trạng đeo kính không thấy rõ, mà tháo ra cũng không thấy hơn được chút nào.”

            Ông nhìn tấm hình thật lâu, trong khi tôi đang nín thở chờ đợi.

            “Nhưng tại sao cô lại phải nhờ tôi xem mới được chứ?” —ông Lãng không vội trả lời mà còn nhẩn nha hỏi lại.

            “Thì ông cứ nói xem ông thấy gì đi!” —giọng tôi có phần gay gắt.

            “À, tôi thấy những ai và những gì đây nhé” —giọng ông Lãng không có vẻ gì tỏ ra phật lòng vì thái độ của tôi cả. “Tôi thấy một dãy nhà, có vẻ như là một ngôi trường thì phải, đằng trước có mấy cây dừa. Có hai cô bé đứng gần một cái cây nhỏ, cây gì thì tôi không biết; hai cô quay lưng lại với người chụp hình, đang nhìn ngôi trường đó.”

            “Hai cô bé đứng gần một cái cây nhỏ?” —tôi vội hỏi lại. “Ông có chắc không?”

            Ông Lãng đeo kính vào, nhìn lại tấm hình. “Chắc chứ. Có điều tôi không biết đó là loại cây gì vì lá của nó không có gì đặc biệt. Cô Tâm là một trong hai cô bé đó, phải không?”

            “Trời đất ơi! —giọng tôi nghẹn ngào. “Không thể như vậy được! Tôi đứng giữa, bên phải của tôi là Thanh, còn bên trái là Mạch.”

            “Mạch nào?” —bây giờ giọng ông Lãng cũng như tắc lại. “Nếu cô là người đứng giữa thì bên trái của cô chỉ là một cái cây. Rõ ràng là như vậy.”

            Tôi không buồn cãi lại nữa, cứ nhìn sững vào cái áo quen thuộc của Mạch.

            “Mạch là ai?” —ông Lãng lặp lại câu hỏi.

……………………………………………………………………………………………..

 

            Mạch là anh của Thanh. Trong khu cư xá sĩ quan ngày xưa, nhà của ba mẹ Thanh và Mạch năm về phía bên trái của nhà chúng tôi. Ba của Thanh là thiếu tá tiếp vận, còn ba tôi là trung uý quân tiếp vụ. Mẹ Thanh và mẹ tôi chơi thân với nhau vì ngày xưa là bạn cùng lớp, còn Thanh và tôi cũng trở thành đôi bạn tri kỷ từ hồi nào không hay. Mới đầu, Mạch chỉ là cái bóng mờ trong tình bạn giữa Thanh và tôi. Về sau, qua những trò chơi chung trong xóm có Mạch và nhiều đứa khác tham gia, tôi có để ý tới Mạch hơn một chút. Một chút thôi.

            Các trò chơi tuổi nhỏ của chúng tôi trong cư xá thường không phân biệt trai gái, miễn tuổi tác của người chơi sàn sàn với nhau là được. Từ trò nhảy dây, u mọi, ô quan, bắn súng, dạy học, nấu ăn, chơi cờ đại phú ông, cho đến trò năm mười là trò chơi chúng tôi chơi nhiều nhất. Thuở ấy, tôi mới vừa chớm lớn, đã bắt đầu để ý đến bề ngoài của mình, nhưng vẫn còn hồn nhiên lắm. Thanh và tôi cùng một tuổi, còn Mạch hơn chúng tôi hai tuổi. Hắn đã vỡ giọng, nói ồm ồm như một người đàn ông chính hiệu. Mép hắn lún phún râu, người hắn nở nang, vạm vỡ. Nhưng thật tình tôi không để ý gì đến hắn ngoài việc hắn gần như luôn luôn là kẻ thắng cuộc trong bất cứ trò chơi nào.

            Chơi năm mười ở quanh xóm chán, nhiều lúc chúng tôi kéo nhau vào nhà đứa này hay đứa nọ để thay đổi không khí, nếu hôm đó cha mẹ của đứa đó đi vắng, tha hồ cho chúng tôi tìm nơi ẩn nấp. Tôi còn nhớ hôm đó, lũ chúng tôi khoảng 6, 7 đứa gì đó, chơi năm mười ở nhà Thanh và Mạch. Nhà nào trong cư xá sĩ quan đó cũng cất một kiểu như nhau, nhưng bên trong của mỗi nhà quả là một thế giới rất riêng tư, lạ lẫm. Cách bài trí trong nhà của Thanh khá lý tưởng cho trò chơi năm mười của chúng tôi, có nhiều ngõ ngách khuất lấp, tha hồ cho chúng tôi chọn lựa.

            Thanh là người xui xẻo bị làm người đi tìm, sau khi chúng tôi đã tay trắng tay đen và oẳn tù tì với nhau cho đến kẻ bị thua cuối cùng. Thanh tiu nghỉu úp mặt vào tường, bắt đầu ê a đọc, “Năm, mười, mười lăm, hai mươi, hai lăm, ba mươi, ba lăm, bốn mươi…” Chúng tôi bắt đầu túa ra khắp nơi tìm chỗ trốn. Tôi cố tình chạy thật xa chỗ Thanh đứng, lang thang trong căn nhà mới mẻ này một lúc rồi mới tìm ra một cái hốc treo quần áo tương đối kín đáo. Tôi chui vào một vùng tối, nằm ép mình xuống, chung quanh là ngổn ngang những chồng áo quần và xách túi, va-li.

            Tiếng đếm số của Thanh từ xa vẳng lại, “Chín lăm, một trăm!” Tôi nín thở, nhắm hờ mắt lại. Thanh đã bắt đầu đi tìm những kẻ đã yên vị ở đâu đó trong nhà. Mùi áo quần xen lẫn mùi long não hăng hăng thốc vào mũi tôi làm tôi khó chịu. Tôi phải cố gắng lắm mới không hắt hơi. Cùng lúc đó, tôi nghe tiếng con Bé đắc thắng la lớn, “Đạp lon!” cùng tiếng Thanh lầu bầu, “Trốn ở đâu mà hay quá vậy!”

            Bầu không khí trong nhà trở lại im lặng nặng nề như trước. Chẳng bao lâu, tôi mới biết ra là mình không phải là kẻ duy nhất trốn trong cái hốc này. Kế bên tôi là một đứa nào đó, từ đầu đến giờ vẫn nằm yên đến nỗi tôi không hay biết, bây giờ mới bắt đầu cục cựa. Trong cái hốc tối thui, tôi không thể nhìn ra đó là đứa nào. Tôi chỉ nghe được hơi thở càng lúc càng dồn dập của nó. Hơi thở đó bay đến gần tôi hơn, cho đến lúc có một khối da thịt kề sát mặt tôi, dò dẫm một lát, cuối cùng, một mảng thịt mềm gí vào hai môi tôi, phía bên mảng thịt đó, tôi có thể cảm nhận được một làn lông tơ. Phải mất vài giây tôi mới biết rằng đó là hai môi của đứa nào đó đang áp chặt vào môi tôi. Tôi lả người đi vì cảm giác mới lạ đang ùa đến, tập trung vào một chỗ duy nhất trên mặt mình. Làn lông tơ trên mép của đứa đó cạ vào cái mép con gái trơn tru của tôi. Thình lình, cái lưỡi từ đôi môi kia thọc vào miệng tôi, chờn vờn, táo bạo. Trong khoảnh khắc lạ lùng đó, tôi không còn cảm nhận một ranh giới nào giữa khuôn mặt của tôi và khuôn mặt của đứa đó nữa, chỉ còn lại những mảng thịt nhỏ, mềm mại, ướt át đang hoà lẫn vào nhau, gấp gáp và háo hức.

            Cuối cùng, như bừng tỉnh từ một giấc mơ có thật, tôi vùng dậy, tuôn chạy ra khỏi cái hốc tối. Căn nhà vẫn vắng lặng, không thấy ai nữa. Trò chơi đã chấm dứt từ lâu. Tôi đứng chần chừ trong chốc lát, nửa muốn chờ đứa nào đó trong hốc sẽ chạy ra cho tôi biết là ai. nửa ngần ngại không muốn đối diện nó. Rốt cuộc, tôi cũng biết được đó không ai khác hơn là...

.........................................................................................................................

 

            “... Mạch?” —ông Lãng thong thả ngắt lời tôi.

            “Đúng là Mạch.”

            “Cô có kể với ai về chuyện này không?

            “Làm sao tôi dám kể.”

            “Chuyện đó có xảy ra thêm lần nào nữa không?

            “Có. Cũng là một lần chơi năm mười khác.”

            “Vẫn ở nhà Mạch?”

            “Không. Lần này là ở nhà tôi. Có điều...” —tôi ngập ngừng một chút.

            “Tôi vẫn nghe cô đây” —ông Lãng quay đầu, vờ như đang ngó đăm đăm vào mặt hồ rực ánh nắng ngoài kia.

            “Có điều... lần này tôi cố tình kiếm chỗ Mạch nấp.”

            “Để tìm lại cảm giác của lần trước?”

            “Đúng vậy. Tôi hồi hộp chờ đợi giây phút khuôn mặt của hai đứa tan biến vào nhau. Không cần nhìn thấy. Không cần nghe ngóng. Tất cả cảm giác chỉ đọng lại trên hai làn môi nhạt nhoà, xoắn xuýt vào nhau, không còn biên giới, không còn kiềm chế, không còn sợ hãi... Và cảm giác kỳ diệu đó đã được lặp lại đúng như tôi mong mỏi.”

            “Như vậy, Mạch là một kỷ niệm đẹp với cô, phải không?”

            “Nếu mọi sự dừng ở đó thì chắc có lẽ đã là như vậy.”

            “Nhưng...?”

            “Lúc ấy là những ngày cuối cùng của miền Nam. Thành phố nơi tôi ở thường bị những trận pháo kích của cộng quân vào ban đêm. Ba của Thanh có làm một cái hầm trú ẩn khá lớn xây bằng mấy trăm cái bao cát phía bên hông nhà. Gia đình ông khá thân với gia đình tôi nên ba Thanh dặn ba tôi nhớ cho cả nhà tôi chạy qua bên nhà ông để tránh bom đạn trong những lần pháo kích. Buổi chiều hôm đó, tôi còn nhớ như mới hôm qua, hôm kia gì thôi, khi đợt pháo kích vừa mới bắt đầu từ xa xa, ba má tôi cùng mấy đứa con đã hối hả chạy sang nhà Thanh, quên cả khoá cánh cửa trước...”

            “Đợt pháo khích hôm ấy có lớn không?”

            “Lớn hơn bao giờ hết, và kéo dài cho đến gần sáng. Cả hai gia đình chúng tôi ngủ luôn trong căn hầm.”

            “Và Mạch nằm gần cô?”

            “Chắc chắc là hắn cố ý như vậy. Tuy nhiên lúc đó tôi sợ pháo kích quá, vả chăng còn có cả gần cả chục người xúm xít trong căn hầm tối om om, tôi đâu có lòng dạ nào nghĩ đến chuyện gì khác, kể cả chuyện với Mạch...”

            “Còn Mạch thì sao?”

            “Tất nhiên là hắn nằm nghe ngóng tình hình trong bóng tối. Tuy chẳng ai chợp mắt được, mọi người đều nằm im thin thít, có thể nghe tiếng thở của nhau, hay tiếng húng hắng ho của một ai đó.  Thỉnh thoảng, tiếng pháo kích lại rền vang ngoài kia làm ai nấy đều giật nảy mình. Âm thanh của bom đạn và sự im lặng nặng nề trong hầm xen kẽ với nhau qua từng đợt. Thình lình, một bàn tay của Mạch bắt đầu sờ soạng thân thể tôi, mới đầu còn có vẻ như dò xét, rồi càng về sau càng mạnh dạn dần lên. Không có những nụ hôn nóng bỏng như hai lần trước. Chỉ có những động tác táo bạo từ bàn tay của Mạch trên khắp cùng cơ thể làm tôi vô cùng khiếp hãi. Tôi nằm cứng người, quên cả thở, nhưng không dám la lên. Bàn tay của Mạch dần dà tìm đến phần thân thể nhạy cảm nhất của tôi. Cả người tôi bắt đầu run lên bần bật, không thể nào kiểm soát nổi. Càng lúc Mạch càng áp sát cả người hắn vào người tôi. Chợt tôi rùng mình liên tiếp mấy cái, cảm nhận một phần da thịt cứng đờ của hắn cọ xát vào tôi. Cuối cùng, hắn cũng rùng mình lên như tôi. Rồi như có một cái gì đó vỡ oà ra bên dưới. Trong trí óc non nớt của tôi ngày ấy, tôi nghĩ là hắn đã đái dầm. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác ẩm ướt ghê tởm, khó chịu lúc ấy.”

            “Cô không có phản ứng gì khác sao?”

            “Tôi chỉ biết nằm yên và ứa nước mắt, xấu hổ vô cùng trong bóng tối, trong tiếng bom đạn ngoài xa xa,  và giận mình khôn tả sao đã không la lên cầu cứu. Phần Mạch, hắn nằm vật qua một bên. Mặc dù hắn có vẻ đang cố nén hơi thở xuống để những ai nằm gần không nghe tiếng hắn hổn hển, tôi vẫn biết hắn đang xúc động không kém gì tôi. Dĩ nhiên mỗi đứa xúc động theo một kiểu khác nhau, sau này tôi nghĩ vậy.”

            “Đó cũng là lần cuối cùng?”

            “Không có lần nào khác nữa. Vài ngày sau, cộng quân tràn vào chiếm thành phố. Tất cả sĩ quan trong cư xá đều bỏ lại sau lưng căn nhà của mình. Nhà Thanh và Mạch, về sau này, vẫn còn ở gần nhà tôi ở một chỗ khác, nhưng tôi cố tình không thân với Thanh nữa, để khỏi phải thấy Mạch. Phải đến gần hai mươi mấy năm sau tôi và Thanh mới gặp lại nhau ở đây.”

            “Thanh đã gặp lại cô?”

            “Mấy ngày trước Thanh đến đây, đưa cho tôi tấm ảnh này. Có điều tôi không hiểu tại sao tôi là người giữ tấm ảnh là tôi mà cô ấy lại có một bản khác.”

            “Hai cô đã bắt lại liên lạc với nhau bằng cách nào?”

            “Tôi cũng không nhớ. Tôi không biết cô ấy làm sao mà tìm ra địa chỉ nhà tôi nữa. Xa nhau lâu quá rồi” —Tôi nhìn ông Lãng, nói giọng như khẩn cầu. “Tại sao tôi thấy Mạch đứng trong tấm hình mà ông lại không thấy? Ông có thể giải thích cho tôi không?”

            “Cô nhìn lại hình một lần nữa đi. Cô vẫn thấy Mạch trong đó chứ?

            “Mạch vẫn đứng đó!” —tôi nhìn tấm hình thật kỹ, quả quyết nói, nhưng đã muốn bật khóc.

            “Tôi có một giả thuyết” —ông Lãng ngả người ra lưng ghế, hai mắt nhắm hờ lại, ra chiều suy nghĩ lung lắm. “Tôi nghĩ việc cô nhìn cái cây ra một người như Mạch là một hiện tượng được biết đến qua cái tên pareidolia. Đó là hiện tượng nhìn một hình thù nào đó trong những tấm ảnh hay trong thiên nhiên thành một vật khác, hay một người, như trong trường hợp của cô.”

            “Trường hợp của tôi? Nếu vậy thì tại sao đó không là trường hợp của ông, khi ông nhìn một người trong hình thành ra một cái cây kia chứ?”

            “Tôi nghĩ là hình ảnh của Thanh đã gợi cho cô hình ảnh của Mạch. Mạch là một ám ảnh của cô. Và sự ám ảnh đó đã thể hiện qua cảm nhận của cô trong tấm hình này.”

            “Phi lý quá!” —tôi đưa hai tay ôm lấy mặt, không muốn nghe, không muốn thấy, không muốn nghĩ gì nữa. Ông Lãng cũng ngưng nói. Buổi sáng bắt đầu mất đi mùi thơm nồng ban đầu. Tiếng chim ngoài kia dường như cũng không còn tíu tít như lúc bình minh nữa. Sau một hồi im lặng khá lâu, tôi bỏ hai tay ra khỏi mặt.

            Ông Lãng không còn ngồi ở đó nữa. Tôi nhìn xuống bàn. Hai tách trà sao bây giờ vẫn còn đầy. Tôi nhớ là mình có rót thêm trà lần nào nữa đâu. Tấm hình nằm chơ vơ trên bàn. Tôi ngó kỹ lần nữa. Giờ đây, đúng như ông Lãng nói, trong hình chỉ có Thanh và tôi đứng bên nhau, cạnh một cái cây, không rõ là cây gì...

 

Trần C. Trí

 

             

           

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 7671)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 13045)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
10 Tháng Mười 20244:15 SA(Xem: 379)
Tôi trở về Half Moon Bay / Đếm từng con sóng biển / Đếm từng nỗi ưu phiền / Lòng buồn như sương mù / Từ độ ánh trăng tan...
05 Tháng Mười 20244:58 CH(Xem: 1073)
NCT sinh năm 1948 tại Vũng Tàu, cha mẹ là người Hà Nội. Từ đầu những năm 1950er NCT lớn lên ở thành phố Sài Gòn, học tiểu học ở trường Bàn Cờ, trung học ở trường Chu Văn An. Năm 1967 ông từ chối những học bổng của những quốc gia khác, chọn học bổng quốc gia (VNCH) để sang CHLB Đức du học. Tại Viện Đại Học Stuttgart NCT học Triết học và Toán Học & Cơ Học Áp Dụng. Vào thời điểm đó những triết gia Đức có tiếng như Martin Heidegger, Karl Jaspers, hay Ernst Bloch đã hưu trí, ông đã làm luận án tiến sĩ ở Viện Cơ Học & Toán Học Áp Dụng. Ông là sinh viên trẻ nhất xưa nay có bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư (Doktor-Ingenieur), vào năm 1977.
02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 769)
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng…
02 Tháng Mười 20245:30 CH(Xem: 891)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. (- Bạt Xứ)
02 Tháng Mười 20245:12 CH(Xem: 537)
Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông. Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 742)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 957)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
02 Tháng Mười 20244:38 CH(Xem: 1142)
Như tuổi trẻ của chúng ta, hôm nay / Thứ hoàng hôn oằn mình rực rỡ / Đang chìm dần / Khuất vào nơi biển lạnh. / Bình minh rồi sẽ mọc / Nhưng không thuộc về chúng ta.