- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vân Cát

20 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 31912)

LTS: Khác Tây phương, thân thể của một thiếu nữ Việt Nam là một bí ẩn. Một giá trị của nếp nhà. Đặt chân đến lục địa Hoa Kỳ, các thiếu nữ Việt đi giữa khám phá và gìn giữ. Khám phá chính mình hay gìn giữ danh dự cho gia đình? Bằng giọng văn chừng mực mà sinh động, tác giả khảo sát những băn khoăn này. Vượt biên đến Mã Lai năm 1979 rồi tốt nghiệp cử nhân điện toán tại California, Vân Cát là sáng tác thứ nhì của Trầm Hương.

Tạp Chí Hợp Lưu

Tôi bị thu hút bởi đôi mắt mầu xanh tro như lòng biển mênh mông hàm chứa nhiều bí ẩn. Tôi có cảm giác anh là lượn sóng tôi chờ đợi đã lâu. Một lượn sóng sẽ xô bờ cuốn tôi ra khơi, cùng tôi đi vào cảnh hoàng hôn tuyệt hảo, có trời mây thênh thang, có ánh nắng nhu mì rải mầu cam lên nước xanh, có gió hối hả những lời tình tứ. 

Tôi hay đưa mắt nhìn trộm Matt. Tôi biết anh từ lúc lên đại học. Nhóm chúng tôi thường hẹn gặp ở thư viện. Anh thu hút tôi bằng đôi mắt mầu tro. Tôi không đoán được anh nghĩ gì. Tôi cố gắng tìm hiểu văn hóa và xã hội của Matt. Thật ra, điều tôi muốn tìm là một lối thoát khỏi nếp sống quá gò bó với chính mình. Những buổi chiều không có lớp, tôi xem say mê những vở kịch trên tivi có nội dung về cuộc sống hằng ngày. Màn ảnh đem đến những hình ảnh mới lạ cho ước mơ của tôi. Những hình ảnh muôn mầu muôn sắc của gia đình với tiếng cười đùa tranh cãi, với lời yêu thương luôn ở trên môi. Tôi khám phá một gia đình Mỹ tiêu biểu cho một thế giới tự do và diễn cảm. Con cái được khuyến khích trình bầy ý kiến và cảm nghĩ với cha mẹ. Khi còn bé được phép chọn lựa trong giới hạn. Khi đến mười tám tuổi có quyền quyết định cho cuộc sống của mình. Chọn lựa sai lầm được xem như bài học giúp trưởng thành. Vợ chồng bình đẳng, tương trợ lẫn nhau trong mọi mặt của cuộc sống. Người đàn ông chia xẻ những việc nhà như nấu cơm rửa bát, hoặc phục vụ điểm tâm cho vợ một cách rất tự nhiên và cho đây là một cách biểu lộ sự thương yêu. Trao đổi những chiếc hôn nhẹ và câu “I love you” là thói quen hằng ngày để nhắc nhở tình yêu trong gia đình. 

Sự tự do và diễn cảm này không hiện hữu trong gia đình tôi. Bố tôi từng là một sĩ quan Cộng hòa. Bố yêu nước và gia đình hơn chính bản thân mình. Nhưng bố nghiêm khắc, không hề nói ra lời yêu thương. Cuộc sống bốn năm ở Mỹ không ảnh hưởng đến bố. Mỗi quyết định của bố vẫn là một mệnh lệnh. Mẹ luôn theo ý bố còn chị em tôi chỉ có thể phản đối trong lòng. Khi chị em tôi vào trung học Mỹ, bố đã chọn sẵn ngành và trường đại học. Bố cảnh cáo chúng tôi nhất định phải đủ điểm để được trường đại học này nhận vào ngành điện toán. Sự đòi hỏi này đè nặng áp lực lên chúng tôi. Hai năm trung học chỉ là lo lắng vùi đầu vào sách vở, không biết đến mùi vị của tuổi hoa niên. Chị em tôi không được phép tham gia các sinh hoạt giải trí hoặc lấy những lớp nghệ thuật mà chúng tôi rất thích. Việc giao thiệp bạn bè bị giới hạn eo hẹp. Tôi như một toa xe lửa con ham thích cảnh đẹp hoa bướm bên đường, nhưng cứ phải không ngừng mù quáng đi theo đầu toa và không thể trật ra khỏi đường rầy. Tôi thầm trách bố mẹ quản thúc đủ điều. Khi bị rầy phạt vì bài thi không được điểm cao, tôi giận bố mẹ không thông cảm con cái đã cố gắng hết sức. Tôi đã từng mong chờ mòn mỏi lúc lên đại học để xin dọn vào ký túc xá hoặc ở chung với bạn. Nhưng cuối cùng bố mẹ không cho phép, bảo khi nào xong đại học và lấy chồng mới được ra riêng. 

Người chồng tương lai của tôi chắc chắn sẽ không có bản tính nghiêm khắc như bố. Từ ngày sang Mỹ, bố buồn bã và ít nói hơn khiến không khí trong gia đình càng thêm khó thở. Hai chị em tôi rúc vào trong phòng, còn một mình mẹ lẩn quẩn làm việc nhà. Cảnh nhà của tôi buồn tẻ lắm, mỗi người thầm lặng làm bổn phận của mình. Đôi lúc tôi tự hỏi không biết mẹ, trong vai trò của một người vợ, có bao nhiêu hạnh phúc. Hai chị em tôi bị đóng trong khuôn khổ mà bố mẹ định sẵn, không được phép thốt ra một lời than phiền. 

Tôi không muốn nối tiếp cuộc sống của mẹ. Tâm hồn tôi ẩn dấu một thế giới của nhiệt tình. Khi yêu thích, dù là một con người, một dòng nhạc, một cảnh vật, tôi cũng yêu thích rất nhiệt tình. Tôi muốn được biểu lộ cảm nghĩ của mình, được biết cảm nghĩ của những người chung quanh. Có lẽ tôi di truyền từ mẹ, nhưng bản thân bà sống dè dặt quá nửa cuộc đời, ít khi thố lộ tâm tình. 

Nhìn quanh, gia đình tôi chỉ là một gia đình di dân tiêu biểu. Nói chung, thuần phong mỹ tục dạy những bậc cha mẹ giữ cử chỉ nghiêm trang, vợ phục tùng chồng, con cái phục tùng cha mẹ. Để các cụ Việt Nam xem tivi thấy các ông rửa bát nấu cơm thì các bà vợ và cả cha mẹ của họ cũng sẽ bị mắng vốn. Trẻ con đưa ra ý kiến thì sẽ bị mắng là “trả treo”. Thế hệ của tôi trưởng thành ở Mỹ, phải thích nghi với xã hội và bị ảnh hưởng là việc không thể tránh. Dù tôn trọng văn hóa hầu như nghìn đời mà tôi đã hấp thụ, tôi cho rằng mối tương quan trong gia đình cần được điều chỉnh lại để phù hợp với xã hội Mỹ, hòa hợp với thế hệ chúng tôi và chuẩn bị cho thế hệ mai sau. 

Tôi quyết tâm tung ra khỏi cái khuôn khổ gò bó mình hai mươi năm, truy cầu hạnh phúc trong một lối sống mới. Có phải anh sẽ là lối thoát của tôi?

“Chị Thư, đàn ông Mỹ rất lãng mạn và nuông chìu vợ.”

“Bố không chấp nhận đâu. Ông sẽ từ mày.”

Đây là việc một đời. Bố mẹ không hiểu tôi mà chỉ dựa theo những qui luật cũ kỹ để ngăn cấm. Người chồng tương lai này phải do tôi tự tay chọn lựa. 

Từ lúc nào, tôi như thấu hiểu anh hơn và mong được gần gũi. Căn phòng thực tập là nơi các sinh viên túc trực làm bài, luôn đầy người và ồn ào. Trong mấy tháng nay, tôi thường ở đây thấp thỏm chờ anh đến. Sự hiện diện của anh khiến căn phòng trở thành thế giới riêng của tôi. Tôi yêu thích nét mặt hoàn toàn tập trung của anh khi làm bài hoặc lúc tranh luận. Tôi cho đó là biểu tượng của đam mê. Người đàn ông có khả năng đam mê thì cũng có khả năng yêu sâu đậm. Mỗi lần anh đi về hướng tôi, tôi vờ vĩnh bâng quơ chào anh để nhìn thấy đôi mắt xanh tro mỉm cười với mình. Đôi mắt đó khi mỉm cười đem lại một sự độ lượng trên gương mặt. Không biết đến bao giờ anh mới dừng lại nói lời mật ngọt với tôi. 

Nhưng mấy tháng chờ đợi là đủ mấy tháng u sầu. Mỗi ngày trôi qua là thêm một ngày thất vọng. Đã có lúc tôi muốn quên đi, nhưng càng muốn quên thì lại càng thấy nhớ. Những tối khuya ra về một mình, màn đêm yên tịnh khiến tôi cô đơn quá, lại miên man mơ tưởng một vòng tay ấm, một nụ hôn tình. 

Thứ sáu tuần sau là ngày thi cuối cùng của niên học. Cathy dặn buổi tối thi xong đến chỗ cô dự party đến sáng. Tôi thấy Cathy mời Matt. Tôi trả lời lững lờ.

Không biết mùa hè này anh có lấy lớp hay không. Có thể tôi phải đợi đến mùa thu mới gặp lại anh. Nỗi lo của tôi bị chị Thư gạt đi: “Gần một năm rồi. Nếu có duyên thì đã thành.”

Chị Thư thật biết cách khiến cho tôi từ trên mây cao bồng bềnh rơi xuống mặt đất đầy sỏi đá. Tôi đau ê ẩm với lời nhắc nhở của chị. Có lẽ chị nói đúng, nhưng tôi không muốn tin lời chị. Tôi thật đã từng bắt gặp ánh mắt dịu dàng của anh nhìn tôi. Hay là tôi quá dè dặt khiến anh nghĩ chúng tôi không thể hòa đồng. Làm sao để anh hiểu lòng tôi?

“Vậy cũng tốt. Dù sao cũng không thể đem về nhà.” Chị Thư nói trắng. Chị sợ bố sẽ từ tôi. 

Tuần lễ thi đã bắt đầu. Mệt mỏi, nhưng không đêm nào tôi ngủ yên. Mùa hè sẽ lê thê vô tận. Nghi vấn sẽ dầy vò tôi. Tôi nằm trăn trở đếm lùi số ngày còn được gặp anh. Hôm nay đã là thứ năm. Tôi vùng dậy, đứng soi mình trước gương. Cái vỏ bề ngoài của tôi thật buồn tẻ, chẳng trách anh không nhìn ra nỗi đam mê trong trái tim tôi. Trong kịch cũng nói nếu yêu thích ai thì nên mạnh dạn tỏ bầy. Trong trường hợp tệ nhất, mình có thể yên tâm vỡ mộng. Tôi muốn tháo xuống chiếc vỏ ốc này. Tôi đánh thức chị Thư dậy, năn nỉ chị ngày mai cùng đi party của Cathy. Cuối cùng chị phải nhận lời để được ngủ tiếp. Tôi còn chưa ngủ, lựa một bộ đồ để ngày mai mặc. Cái áo thun hai dây mà thường ngày tôi chỉ mặc dưới áo khoác nhìn tạm được. Nhưng cái váy dài đến đầu gối nhìn rất lỗi thời. Tôi cầm kéo cắt ngắn lên một đoạn. Ngày mai, tôi sẽ đến với anh bằng con người thật của chính mình. 

Cathy ở chung với vài người bạn trong một chung cư nhỏ gần trường. Lúc tám giờ tối đã nhiều người kéo đến. Chị Thư than một tuần lễ thi cử quá mệt, muốn được ngủ sớm. Tôi hứa với chị sẽ ra về trước mười giờ đêm. Tôi có nhiều nhất là hai giờ đồng hồ. Matt vẫn chưa đến. Trên bàn có những thức ăn nhẹ, những lon nước ngọt, bia và một bình thủy tinh rất to đựng cocktail màu đỏ. Tôi lấy một ly nước rồi về chỗ ngồi, hồi hộp chờ anh đến.

“Uống từ từ. Cocktail có pha rượu.”

Đi party nào chị Thư cũng nhắc tôi câu này. Nhưng hôm nay, câu nhắc này có tác dụng ngược. 

Căn phòng tăm tối, mỗi lúc một đông hơn. Tôi đã hơi ngấm rượu, bắt đầu thấy nhẹ hẫng. Ly rượu pha làm dịu thần kinh, tan đi sự hồi hộp. Tôi ngồi buông thả trong lòng ghế, không ngừng nhìn quanh. Cuối cùng, trong ánh sáng loé lên theo nhịp điệu của âm nhạc, tôi tìm ra anh. Anh đang cụng ly với vài người bạn cùng lớp. Chần chừ một lúc vẫn không tìm ra cớ để trì hoãn, tôi uống nốt ly rượu thứ ba, lấy can đảm đứng dậy. Đầu óc hơi bị xây xẩm. Tôi đứng yên một chút để lấy thăng bằng rồi cởi áo khoác máng lại trên ghế.

“Chị Thư, em sẽ trở lại mau.”

Chị Thư nói với theo điều gì nhưng tôi không quay lại. Tôi chen lấn đi về phía anh. 

Đứng trước mặt Matt, tôi cố gắng che dấu. Nhưng anh như nhận ra được một chút kỳ lạ trên gương mặt của tôi.

“Chào!”

“Nhảy với tôi.” Tôi chỉ lấp bấp được vài chữ.

Matt sựng lại một chút khiến tôi nghẹt thở. Trong vài giây, một chút thú vị hiện ra trên gương mặt anh. Có lẽ anh thấy thú vị với sự liều lĩnh của một thiếu nữ dè dặt như tôi. Anh mỉm cười đứng dậy nắm tay tôi kéo ra sàn nhảy. Lần đầu tiên chạm vào da thịt anh, một luồng điện lan truyền sang bàn tay tôi đi ngược lên vai. Khi anh buông tay, cánh tay tôi hãy còn tê.

 

Sàn nhẩy đầy nghẹt những thân thể cuồng nhiệt tỏa sức nóng. Chiếc đèn treo lơ lửng giữa trần nhà liên tục quay tròn chớp sáng nhiều mầu sắc, cùng với những âm thanh dồn dập phát ra từ máy nhạc, khiến đầu óc con người bị mơ hồ. Mỗi người bềnh bồng thất lạc trong thế giới riêng của họ. Đôi mắt tôi không rời anh. Tôi muốn sống hoàn toàn cho khoảnh khắc này. Đây có thể là kỷ niệm duy nhất cho mối tình đầu của tôi. Tôi nói với chính mình năm nay tôi hai mươi tuổi, là người thành niên, có thể công khai tình cảm của mình. Đầu óc tôi chìm đắm, người buông thả theo nhịp điệu, mặc cho chuyển động thân thể tiết lộ sự khao khát trong tình yêu. Vở kịch trên tivi về cuộc tình một đêm gì đó thoáng hiện trong óc tôi, nhưng đã bị gương mặt của bố mẹ dập tắt ngay lập tức. Qua hết đoạn cuối của bài nhạc, một bài mới bắt đầu. Tôi vẫn chưa nói ra được những thầm kín trong lòng. Giọng cô ca sĩ khắc khoải cất lên với bài Be Near Me.

“Nỗi lòng tôi hoàn toàn đơn giản”

“Ý nghĩa rất rõ ràng”

“Đừng bao giờ thất lạc quá xa tôi”

“Và đừng xa tôi”

“Xin đừng xa tôi” 

Ai đã nói ra hết tâm trạng của tôi. Một nỗi buồn xâm chiếm lấy tôi, như tôi đang tội nghiệp cho chính mình. Tôi muốn cho anh biết rằng tôi sống với mối tình một chiều thật cực khổ. Rằng tôi mong chờ đã lâu một lời nói, một cử chỉ yêu thương. Nhưng tôi vẫn không ra lời. Sự cương quyết được hay mất của đêm hôm qua đã tiêu tan. Tôi sợ bị anh từ chối.

“Hãy đến bên tôi, ở gần tôi”

“Ở gần tôi, gần tôi”

Tôi ngẩng đầu lên nhìn thật lâu, thật sâu vào đôi mắt anh. Khoảng cách giữa chúng tôi gần lắm. Anh có đọc được lời cầu xin trong mắt tôi?

Giọng hát lập đi lập lại câu cuối cùng.

“Định mệnh của anh là bên cạnh tôi”

“Định mệnh của anh là bên cạnh tôi”

 

Âm thanh yếu dần, rồi nốt cuối cùng cũng dứt. Bài nhạc gì ngắn vậy. Tôi thở dài nhẹ, chưa biết phải kết luận gì. Tôi gắng gượng mỉm cười nói lời cám ơn rồi đi về chỗ ngồi. Nhưng luồng điện đó như lại đang làm tê dại cánh tay tôi. Tôi quay lại nhìn anh ngỡ ngàng. Nét mặt anh xúc động, bàn tay cầm chặt lấy bàn tay tôi.

“Nhảy với tôi thêm một bài.”

Tôi đứng yên. Nước mắt dâng lên nhưng trên môi là một nụ cười sung sướng. Trong mịt mùng của đầu óc tôi một tia hy vọng nẩy sinh. Điệu nhạc trở nên êm dịu. Tôi hên vậy sao! Khi người ta đang may mắn thì mọi việc đều như ý. Anh quàng tay ôm lưng tôi, kéo nhẹ tôi về phía anh. Luồng điện loang khắp người tôi. Trái tim như đang chạy đua với hơi thở. Tôi ngửi được mùi của lượn sóng biển tỏa ra từ người anh. Người ca sĩ hát bài Hello với thành khẩn.

“Chào em, có phải tôi là người em đang tìm kiếm?”

“Tôi nhìn ra được trong ánh mắt của em”

“Tôi nhìn ra được trong nụ cười của em”

“Em là tất cả mà tôi từng mong muốn”

Dù những lời ngọt ngào này không phải do anh nói với tôi, tôi xem như đã mua được vé số trúng lô an ủi. Tôi lâng lâng để mặc cánh tay vững chắc của anh dìu bước. Những vòng xoay đem hơi thở của chúng tôi quyện vào nhau. Tôi chợt nhớ chưa kiểm tra thân thế của anh.

“Anh có đang hẹn hò với ai không?”

“Có một người, nhưng không nghiêm túc lắm.”

Tôi hiểu luật của trò chơi, khi hai người chưa hứa thuộc về đối phương thì họ có quyền hẹn hò với những người khác. Tôi không ngại vì đây cũng là một cách tốt để tìm hiểu trước khi chọn lựa. 

Đêm tôi nằm mơ tưởng lại khoảnh khắc trong vòng tay anh. Chỉ một bài slow lãng mạn đã khiến thần trí tôi mê man như được cầm chắc trong tay câu hứa hẹn một đời một kiếp. Chị Thư nghe tôi kể mãi một câu chuyện, vừa chán vừa mệt, đã ngủ say sưa. Tôi vui mừng đến độ nằm không yên, cứ lăn qua lăn lại, cười khúc khích một mình. Tôi còn diễu cợt chính mình đã quá nhút nhát không đi bước đầu sớm hơn. Cười đủ, tôi quay người về hướng cửa sổ. Vẫn là một màn đêm yên tịnh, nhưng lòng tôi không thấy cô đơn chút nào. Biết đâu anh cũng không ngủ được, đang ngắm thưởng cảnh đêm cùng tôi. Tâm trạng của tôi đêm nay so với đêm qua là một trời một vực. Ngày mai và nhiều ngày sau còn có nhiều hạnh phúc đang chờ đón tôi. Tôi rơi vào trong giấc ngủ trước khi trí tưởng tượng đi hoang. 

Những ngày hè tháng sáu trời đẹp lãng mạn. Người Cali gọi “Tháng Sáu U Sầu” vì ngày bắt đầu ảm đạm đôi khi mờ sương cho đến buổi trưa mới có nắng to. Những lần hẹn hò với Matt, tôi nói dối mẹ là đi thư viện rồi tự lái xe đến chỗ hẹn. Đi xem phim mới biết Matt cũng như tôi thích loại phim khoa học giả tưởng. Vào quán ăn Việt Nam, anh ăn tô phở ngon lành và cầm đũa rất thành thạo. Anh cho biết đã có lúc chung phòng với một người bạn Hoa gần Phố Tầu ở Los Angeles và thường đi ăn ở đó. Chúng tôi trao đổi những câu hỏi về văn hóa của đối phương. Tôi cho rằng sự cưng chìu vợ của người đàn ông Mỹ rất ngộ nghĩnh, trái lại anh cho rằng sự phục tùng của người đàn bà Á Châu rất ngộ nghĩnh. Chúng tôi như rất vừa vặn cho nhau.

“Em đi chơi với Matt vui lắm, chị Thư.”

Chị Thư không ngăn cản nhưng không được yên tâm. Chị cứ nhắc tôi “không được làm cái gì trước khi đám cưới.” Câu này mẹ nói đã không biết bao nhiêu năm, trước cả khi tôi bắt đầu có những cơn đau bụng định kỳ. Bố thỉnh thoảng lập lại câu chuyện của cô con gái nhà ông Đắt chưa đám cưới đã có chửa làm mất mặt gia đình để răn chị em tôi.

 

Ngày xưa tôi không hề đặt nghi vấn, nhưng tôi đã khác. Người Mỹ cho rằng việc ân ái là một cách tự nhiên để biểu đạt tình yêu. Tôi thấy ý niệm này có lý lẽ.

“Chị Thư, có phải không có bầu trước đám cưới thì không sao?”

“Mày đừng điên khùng. Không được làm cái gì là không được ngủ chung. Không lẽ bồ bịch với mười người thì ngủ với mười người à.”

Con số mười là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi chỉ mới thử nghĩ đến một. Tôi luận không ra cách trả lời chị. Cái khuôn khổ này cứ bám sát quấy rầy tôi. Mỗi cố gắng vượt qua là một tranh đấu. Tôi rủ chị Thư hôm nào tra khảo Cathy.

Cathy không ghi lớp hè. Buổi sáng, xong một lớp lúc mười một giờ, chúng tôi ghé sang nhà cô gõ cửa. Một thanh niên Mỹ lạ mặt, trên người chỉ có một cái quần đùi, ra mở cửa. Hai chị em tôi hoảng hốt tưởng gõ lầm nhà ai. Chị Thư hỏi gặp Cathy. Anh ta tránh đường rồi lớn tiếng gọi. Cathy bước ra từ phòng ngủ, trên người là một áo thun ngắn trên nửa đùi. Tôi nói hôm khác sẽ trở lại nhưng Cathy ngoắc tay.

“Ngồi đi. Hắn sắp đi.”

Chị Thư cười hỏi Cathy:

“Hai người quen biết bao nhiêu lâu rồỉ?”

Cathy vẫn còn chưa tỉnh ngủ lắm, nhíu mày suy nghĩ:

“Hình như một hai tuần gì đó.”

Con số mười như không lớn chút nào đối với Cathy. Cô cười to, chế diễu chúng tôi.

“Tôi không nghĩ xa như vậy. Sống theo cảm giác của mình thôi. Miễn mình thấy được là được.”

Chị Thư và tôi đã bị nhồi sọ từ bé. Nếu mình thấy được mà bố mẹ thấy không được là không được.

Tôi hỏi Cathy có ngại cho tôi hỏi thêm chi tiết hay không. Cô bảo tôi cứ tự nhiên.

“Sau khi cô từ chối thì thế nào?”

“Hắn ta sẽ đề nghị chia tay rất mau.”

“Vậy, muốn không chia tay thì không nên từ chối?”

“Chưa hẳn. Đàn ông giống như máy điện toán. Trước khi chiếm hữu, mình mở máy lúc nào cũng lên và có thể đưa ra bất cứ mệnh lệnh gì...” 

Hai chị em tôi bật cười. Người Mỹ dùng động từ “turn on” có nghĩa là “mở lên” và cũng có nghĩa “kích thích tình dục”. Ý cô là đàn ông nuông chiều đàn bà khi chưa chiếm hữu. Cathy dừng một chút rồi tiếp tục.

“Sau khi chiếm hữu, thì hắn ta như cái máy cứ bị tắt điện, không nhận mệnh lệnh gì. Được một thời gian thì hai bên chán nhau và đi đến chia tay.” 

Ra khỏi nhà Cathy, tôi trầm lặng suy tư. Chị Thư hiểu sự bối rối của tôi.

“Mày chơi không nổi trò chơi của Mỹ đâu.”

Tôi thật chơi không nổi và cũng không có ý theo trò chơi của Cathy. Nhưng tôi rất muốn được như cô, sống bằng cảm giác của mình. 

Ngày bốn tháng bẩy là lễ độc lập của Mỹ. Họ có phong tục kéo gia đình bạn bè ra biển nướng thức ăn và xem pháo bông. Đây là dịp chung vui với thân nhân và cùng lúc chia xẻ một kỷ niệm vinh quang với đồng bào. Biển sẽ rất đông người, khó tìm chỗ đậu xe. Matt dặn đến chỗ của anh rồi đi chung xe ra biển. 

Chúng tôi đợi rất lâu mới có một chỗ đậu xe trống. Matt đeo theo một ba lô nhỏ. Anh tính thời gian chính xác. Chúng tôi có đủ thì giờ tìm một chỗ gần bờ trải một tấm khăn ngồi xuống. Matt dùng ba lô và vài cục đá đã nhặt được chận bốn góc khăn khỏi bị gió làm bật lên. Chung quanh chúng tôi, mọi người nhộn nhịp quây quần bên lò lửa của họ nướng thịt và bắp. Có tiếng nhạc kích động khiến bầu không khí được tưng bừng hơn. Matt đưa tôi một bao khoai tây chiên nhỏ và một chai nước. Chúng tôi vừa nhâm nhi vừa ngắm thưởng sự chuyển hóa của hoàng hôn. 

Hôm nay gió rất lớn thổi bay đi hết những đám mây, để lại một bầu trời trong vắt. Ánh nắng yếu ớt chiếu ra từ mặt trời tròn cam sẫm. Từng đọt sóng lớn đâm sầm vào bờ, sức ép tạo nên vô số bọt biển. Tôi chợt ngậm ngùi khi nhìn thấy nước rút ngược trở về lòng biển không đem theo gì. Vết tích để lại trên mầu cát nâu nhạt là những đường vân cong trắng bất chợt trông rất mỹ thuật. 

Khi mặt trời xuống đụng chân trời thì tiếng pháo bắt đầu vang dội. Màu cam sẫm loang ra mặt biển, và chỉ trong vài phút, hoàn toàn biến mất. Cảnh vật trở nên u tối làm nổi bật những ánh lửa nhảy múa chung quanh chúng tôi. Matt và tôi nằm xuống cạnh nhau xem màn biểu diễn trên nền trời. Anh nắm lấy bàn tay tôi không buông. Tôi không còn bị cảm giác tê dại như lần đầu, nhưng đổi lại là một cảm giác hạnh phúc. Tôi thấy được gần anh hơn một chút. 

Từng đợt pháo được bắn thẳng lên với tốc độ rất nhanh, đến một độ rất cao bùng ra như những chiếc dù khổng lồ tỏa ra nghìn tia lửa đủ màu sắc. Đợt pháo trên cao chưa kịp tắt thì đợt mới đã được bắn lên khiến cho cả trời đất như đang mở hội. Mọi người hoan hỉ trầm trồ, tiếng trẻ con vui mừng náo động. Tôi chợt thấy cảm động trước sự đồng tâm của họ trong ngày sinh nhật của đất nước. Và cảm kích Matt đã có ý phân hưởng cùng tôi. Tôi quay đầu nhìn anh, lay nhẹ bàn tay. Matt buông tay tôi, nghiêng người dậy chống khủy tay xuống đất và cúi xuống nhìn tôi. Đôi mắt đó rất gần đôi mắt tôi khiến tôi bối rối.

“Tôi vui lắm. Cám ơn anh.”

Matt mỉm cười không nói gì, đôi mắt vẫn không rời tôi. Anh vuốt nhẹ má tôi, những ngón tay di chuyển xuống môi tôi. Tôi nghe nhịp tim mình rầm rộ như từng đợt sóng đập vào bờ. Tôi mơ hồ nghe anh nói yêu tôi. Cánh tay anh vòng qua nhấc lưng tôi khỏi mặt đất. Tôi cảm giác được hơi thở ấm áp của anh trên mặt, đôi môi mềm đi từ trán dọc theo sóng mũi tìm đôi môi tôi, trong lồng ngực anh trái tim cũng đang hân hoan không kém trái tim tôi. Nụ hôn rất dài, đem sự mong đợi đến từng tế bào trên làn da.

“Đi về chỗ tôi.” Anh thì thầm trong tai tôi.

“Được. Nhưng tôi phải có mặt ở nhà trước mười một giờ đêm.” 

Chúng tôi ngồi dậy thu dọn. Anh đeo ba lô lên vai, dắt tay tôi đi về hướng bãi đậu xe. Buổi tiệc trên cát vẫn còn náo nhiệt, nhưng những ánh lửa đã tắt bớt. Tôi nép sát vào anh. Gió như mỗi lúc mỗi thấm qua xương một cách lạnh lẽo hơn.

“Tôi thấy lạnh. Hãy cõng tôi.”

Matt nhìn tôi cười nhẹ một cách thú vị, chuyển ba lô qua tay rồi khom lưng xuống cho tôi leo lên. Tấm lưng anh rắn chắc khiến tôi được vững vàng. Tôi vòng tay qua cổ anh và khép mắt lại, trong lòng vui như đứa trẻ thơ. Trong tai này tôi chợt nghe lời chị, trong tai kia tôi cũng nghe được lời Cathy. Nhưng tôi không muốn nghe lời gì của ai. Lúc này, tôi chỉ muốn chúng tôi có thêm thời gian tìm hiểu nhau. 

Căn phòng nhỏ của anh ở trong một chung cư lầu hai. Anh mở tung cửa sổ. Không khí mát rượi đem theo mùi hoa nhài tràn vào. Ánh sáng duy nhất là ánh trăng rọi qua khung cửa sổ soi rõ một bức tường, phản chiếu một ánh sáng xanh nhẹ. Trong không gian xanh phản phất hương hoa ngọt ngào, hai thân thể chúng tôi hòa hợp trong yêu đương. Đêm nay, nỗi đam mê được bầy tỏ bằng xúc giác. Chúng tôi trao đổi những nụ hôn khát vọng, bàn tay mơn man trên da thịt làm quen từng vùng trên thân thể đối phương. Tôi nhận ra được sự trân trọng của anh. Ý nghĩ được yêu, được ham muốn làm dâng trào cảm xúc. Tôi khép mắt, nhìn thấy lượn sóng từ giữa biển đã dồn dập vào đến bờ, sẵn sàng cuốn lấy mình. 

Bỗng nhiên, đầu óc tôi trở nên rất tỉnh táo. Tôi nghĩ đến bố đã mất hết quá khứ oai hùng, đi làm với đồng lương khiêm nhường để nuôi gia đình. Nghĩ đến mẹ tằn tiện nhẫn nhục. Rồi nghĩ đến câu chuyện nhà ông Đắt đã ám ảnh bố mẹ nhiều năm. Tôi nhớ rõ đã từng hứa trong lòng sẽ không phạm lỗi lầm này, không để bố mẹ nhục nhã. Hai chị em tôi là niềm an ủi và kiêu hãnh của bố mẹ. Có phải tôi không nên phản bội lại lòng yêu thương và kỳ vọng này? Có phải tôi không nên gây thêm tổn thương cho bố mẹ đã mất mát quá nhiều sau chiến tranh? Có phải tôi sắp phạm sai lầm lớn nhất và sẽ không có cách hối lỗi? Sự xung đột trong ý nghĩ khiến tôi hoảng hốt. Tôi nắm chặt tay Matt, nước mắt rơi mau với mặc cảm đã phạm một tội lỗi mà tôi chưa kịp phạm.

“Đừng!”

Tôi khiến anh cũng bị hoảng hốt lây.

“Có chuyện gì?”

Tôi cũng không giải thích được phản ứng của mình. Nhưng tôi thấy ngại vì mình thật quê. Sợ anh tưởng tôi bị bệnh thần kinh.

“Xin lỗi anh.”

Matt chùi giọt nước mắt trên má tôi, nói rất dịu dàng.

“Không sao. Đừng khóc.”

Anh ngồi dậy dựa lưng vào tường, ra dấu cho tôi ngồi cạnh rồi quàng tay ôm vai tôi.

“Cho tôi biết chuyện gì.”

Tôi dựa đầu vào vai anh, cảm kích sự độ lượng mà tôi luôn thấy trong anh. Sự độ lượng này đã đem đến cho tôi sự thoải mái mỗi khi ở gần anh.

“Xin tha lỗi cho tôi. Tâm trí tôi bối rối lắm. Tôi muốn thuộc về anh, nhưng tôi không qua được lương tâm của mình.”

Tôi kể cho anh nghe câu chuyện “không được làm cái gì trước khi đám cưới”, câu chuyện nhà ông Đắt và cả mẫu đối thoại với Cathy. Tôi giải thích thêm về phong tục quê cha gắn liền trinh tiết của một thiếu nữ với danh dự của gia đình. 

Anh nghe xong, xiết nhẹ vòng tay.

“Đây là vấn đề nguyên tắc. Giữ nguyên tắc là một điều tốt. Có lẽ em bị giằng co trong sự áp dụng những nguyên tắc của một xã hội trong một xã hội khác.”

Anh ngừng một chút rồi tiếp tục.

“Có những nguyên tắc căn bản sẽ vĩnh viễn bất biến, như là không trộm cắp, không giết người. Nhưng có một số sẽ thay đổi theo thời gian hoặc hoàn cảnh. Khi tôi có ý định phát triển một mối tình với một người con gái Á Châu thì nhắm biết sẽ cần có những thỏa hiệp. Tôi không chắc tương lai sẽ đem lại gì cho chúng ta. Nhưng tôi hy vọng chúng ta có thể tiến triển tốt đẹp. Đừng vì tôi mà tự miễn cưỡng...”

Giọng của anh chuyển sang đùa cợt.

“Hãy vẽ ra phạm vi của vùng cấm. Tôi hứa sẽ không phạm.” 

Tôi bật cười vì câu nói nửa đùa nửa thật. Nhưng nỗi vui mừng thật sự là tôi đã không chọn lầm người. Anh thật là lượn sóng tôi chờ đợi đã lâu, đã khiến cho cảnh hoàng hôn trong giấc mơ tôi được hoàn hảo. Có thể sẽ xảy ra những thỏa hiệp bất thành và anh sẽ không đem theo tôi đến một cuộc đời mới. Nhưng dù sao tôi cũng sẽ giữ mãi mối tình này trong lòng. Như những lượn sóng xô bờ rồi rút ngược ra biển xa mà không đem theo gì, nhưng để lại trên cát những nét vân trắng làm tăng vẻ đẹp của bãi biển. Những nét vân của sóng.

Trầm Hương
California, tháng 6-2009

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 988)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 1138)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
23 Tháng Chín 202412:02 SA(Xem: 1356)
Cây thị tỏa bóng mát thâm u giữa cánh đồng, đón những ngọn gió lồng lộng mát rượi từ phương xa thổi lại, đây là nơi các bác nông dân nghỉ ngơi tránh cái nóng ban trưa, hoặc các khách bộ hành nghỉ chân trên con đường thiên lý mệt mỏi. Đây là nơi lũ trẻ của trường tiểu học cộng đồng Hòa Do thường tụ tập nô đùa trong những ngày nghỉ học.
22 Tháng Chín 202411:17 CH(Xem: 1643)
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Bạn tôi muốn kể cho quý vị nghe về một đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ trên đất Hoa Kỳ, nhờ mẹ nuôi Việt Nam mang về chăm sóc, dậy dỗ đã trở nên người hữu dụng.
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 2904)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 2180)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
18 Tháng Tám 20242:40 SA(Xem: 3446)
Thu Yến sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở nông thôn thuộc một xã miền Tây Nam Bộ. Ba má Yến là nhân viên văn phòng tại một đợn vị sản xuất và phân phối vật tư nông nghiệp vùng ven Tây Đô. Nhà có ba chị em. Chị Hai là Thu Miên hơn Thu Yến ba tuổi nhưng bị khiếm khuyết, chậm phát triển bẩm sinh nên không đi học được chỉ quanh quẩn ở nhà với em. Đứa em trai út cũng bị khiếm khuyết về thể trạng, thường xuyên bị động kinh nên cũng chậm lớn không đi học được. Như vậy trong ba đứa con, chỉ có Thu Yến là xinh xắn, thông minh. Vì thế Yến là niềm kỳ vọng duy nhất của ba mẹ có thể ăn học nên người sau này phụ giúp ba mẹ nuôi chị và em, chăm lo gia đình.
15 Tháng Tám 202412:35 SA(Xem: 3560)
Những khối gạch đá đen trùi trũi trong ánh trăng lu chìm giữa những đám mây nặng trĩu đè lên thành Kim Lăng (Nam Kinh). Tiếng quạ kêu thảng thốt. Trong Viện Thái y, hơn chục viên Ngự y chắp tay cúi đầu vẻ ăn năn biết lỗi, xếp hàng trước viên Tổng quản của Hồng Vũ đế đang cao giọng: - Các vị Ngự y! Hoàng đế rất tức giận, và hoàn toàn thất vọng về các vị! Được hưởng ân huệ của triều đình không ít, nhưng đã mấy tuần trăng rồi, tính mạng vàng ngọc của Vương phi trao cho các vị, các vị đã làm được gì? Hơi thở của Vương phi ngày một mỏng manh như sợi cước…
17 Tháng Bảy 20244:12 CH(Xem: 4313)
Nàng ngồi lặng lẽ trên ghế sô-pha. Chiếc váy màu đen mở ra khoảng trống vô hình. Hai cánh tay rã rời đặt lên thành ghế. Ánh đèn màu nhập nhòa hắt trên phố vắng. Nàng ngồi chờ hắn về. Hắn sẽ đi trên chiếc xe bịt kín màu đen, gương mặt lạnh lùng. Hắn có mùi đàn ông pha hương gai cầu. Gót giày thường lấm một thứ gì đó rất ít, nhưng cũng đủ cho nàng phát hiện ra: cát bờ sông, bùn đất quánh đặc, than cháy, hoặc thứ gì không màu mùi vị mà lẩn quất xô đẩy chen lấn tanh tanh mùi đỏ nhầy nhụa. Hắn không thích nàng nói gì. Chỉ sở hữu một cách chậm rãi và ngông cuồng. Sau đó hắn đưa cho nàng một tập những tờ màu xanh. Chuông điện thoại reo. Nàng nhích người ể oải đứng lên với cái máy, ể oải a lô. Cánh tay mỏi đã có thể đưa lên, chậm rãi như chờ sự đồng lõa. Phía bên kia im lặng. Lạ thật, có lẽ ai nhầm máy. Ném máy xuống bàn, nàng lại co chân lên ghế trong tư thế chuẩn bị ngủ. Nhưng rồi điện thoại lại reo. Nàng không buồn đứng dậy nữa. Tự nhiên cơn buồn ngủ kéo đến. Nhưng chuông cứ reo...
17 Tháng Bảy 202411:26 SA(Xem: 3803)
Sáng hôm đó, lễ đón tân sinh viên trường ĐH Kinh Tế diễn ra thật vui. Đặc biệt mấy anh sinh viên lớp trên lúc nào cũng háo hức chào đón tân sinh viên hơn cả. Hoàng Tùng cũng vậy, anh cùng với nhóm bạn hôm nay đến trường sớm hơn mọi khi. Áo quần thẳng nếp, đầu tóc gọn ghẽ phong thái lịch lãm nhất có thể. Trong buổi này có nhóm tân sinh viên nữ làm anh và nhóm bạn chú ý nhất là ba em trong trang phục áo dài trắng, vàng và xanh thiên thanh ngồi gần nhau bên góc trái hội trường