- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BUÔNG

25 Tháng Hai 201911:55 SA(Xem: 27387)
Ao Anh - photo NguyenHoangNam
Ào Ảnh - photo Nguyễn Hoàng Nam

       
T
ôi đang ngồi trong văn phòng công ty với mấy ông khách hàng quen biết thì con rể gọi điện thoại đến: “ Bố về đưa mẹ con sang ngay bệnh viện VinCare, vợ con vừa nhập khoa sản rồi, chắc sắp sinh”. Tôi run bắn người, chân tay loạng quạng, người đờ đẫn, không biết làm gì nữa. Mấy ông khách ngạc nhiên: “ Con gái đẻ, được lên chức ông ngoại sướng quá hay sao mà ngẩn cả người thế? Vợ chồng nó nhiều tiền, đưa nhau vào đẻ ở bệnh viện quốc tế, bác sĩ y tá nâng như nâng trứng có gì mà ông cuống lên”

        Cố trấn tĩnh, tôi lái xe về nhà đón vợ đưa sang bệnh viện cùng con gái. Ngồi ngoài phòng chờ mà tôi cảm thấy như ngồi trên một đống lửa hay là đang bị một đám gai nhọn vây kín quanh người. Không yên được. Mọi người xung quanh ngạc nhiên, bác sĩ trưởng khoa bảo tôi, mọi chỉ số của sản phụ Hương Lan rất tốt, sẽ là một ca đẻ thường, bác không làm gì phải lo lắng.

         Nhưng tôi không thể không lo được. Nỗi lo của tôi chỉ có trời biết. Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con duy nhất là nó. Cầu trời…cầu trời…cầu trời…tôi cứ ngồi lẩm bẩm trong miệng. Vô thức, có lúc thốt ra thành tiếng. Nhiều người nhà khác cũng ngồi ở phòng đợi ngạc nhiên. Có bà suýt xoa, bố mà xót con gái thế kia thì chỉ có một. Lúc vợ tôi mở cửa phòng sinh gọi: “Ông vào đón tay cháu trai nào”. Tôi loạng choạng đứng dậy, mồ hôi vã ra như tắm, tim đập nhanh như sắp ríu lại trong lồng ngực. Cố lấy hết bình sinh, tôi bước vào, đón cái sinh linh bé bỏng đỏ hỏn vừa cất xong mấy tiếng khóc chào đời. Thằng bé đang ngáp ngắn ngáp dài trên tay cô nữ hộ sinh. Dường như nó phải nằm lâu trong bụng mẹ không thoải mái, nên khi mới ra ngoài đã có vẻ rất phởn phơ. Tôi run rẩy đón đứa cháu, bế trên tay vài giây, rồi đặt xuống chiếc giường sơ sinh, đưa tay nhẹ nhàng sờ vào con chim bé tí của nó, luồn sâu ngón tay về phía sau mông. Vợ tôi đứng bên cạnh mắng yêu: “Cái ông này buồn cười thật. Đã bảo là cháu trai từ lâu, chim cò xinh xắn rõ ràng thế mà vẫn không tin vào mắt hay sao, cứ phải lần sờ”

 

***

 

       Tôi cưới vợ năm hai mươi bảy tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học năm năm và đi làm được bốn năm. Hồi mới ra trường, tôi không xin được việc, nhân có ông anh rủ đi giang hồ kiếm ăn một chuyến tôi theo liền. Lang thang đến tận vùng núi Long Sơn-Mã Tử. Chuyện này tôi đã kể. Nhưng cái chuyện đi bè lênh đênh mấy tháng trời sông nước chưa có dịp kể hầu các bạn. Thật ra đấy cũng là quãng đời khá hay ho, như là ngôn ngữ thời thượng bây giờ, họ gọi đấy là những sự trải nghiệm thú vị. Tuy những trải nghiệm ấy nhiều lúc làm tôi cũng suýt mất mạng. Mẹ tôi nghe lỏm những câu chuyện tôi kể với mấy thằng bạn hàng xóm, lấy làm hoảng hốt. Bà nghĩ cứ để tôi lêu têu, không có công ăn việc làm rồi mất con lúc nào không biết. May đúng lúc đó, có một người quen ngoài thành phố về quê tuyển người cho doanh nghiệp của ông ấy, mẹ bèn gửi tôi vào làm. Doanh nghiệp của ông ấy chuyên về sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, mà tôi lại học về thực vật, nên cũng được coi như làm đúng nghề. Đấy là lời ông ấy nói với mẹ, chứ thực ra tôi chả thấy có gì liên quan. Vào đấy làm được đúng bốn năm thì tôi cưới tiểu thư út cưng của ông chủ, nghiễm nhiên tôi đổi đời, từ phận làm thuê một bước thành giám đốc. Vợ chồng tôi đẻ được có mỗi một cô con gái rồi thôi. Tôi cũng không hiểu tại sao chúng tôi không thể có thêm đứa con nào nữa. Nhưng tôi cũng chả quan tâm lắm đến việc con cái nối dõi tông đường. Đối với tôi, cuộc sống hiện tại quan trọng hơn nhiều lần cái sự sau này, chết rồi ai còn biết đến cái gì nữa. Vả lại, nhà tôi ở quê có tới sáu anh chị em. Cháu trai, cháu gái một lũ, đông như quân nguyên. Thế nên chả ai nhắc nhở gì chuyện con cái của vợ chồng tôi. Mẹ tôi có đôi lần bảo vợ tôi đẻ thêm lấy thằng cu cho ấm nhà, thêm cái xích mà giữ chân thằng chồng tuổi hổ của mày cho chắc. Vợ tôi chỉ cười. Nàng cũng không thích thú gì cái vụ con cái mè nheo. Nàng là gái út trong nhà, vốn được cưng chiều, từ bé đến lớn chả phải làm gì ngoài việc ăn, chơi, học. Hồi tôi mới vào công ty nhà nàng làm, tôi là thằng có trình độ cao nhất, tốt nghiệp một trường đại học chính quy hẳn hoi. Xung quanh chỉ toàn công nhân chưa cả học hết cấp hai. Đã thế, trải qua gần năm giời lang thang hết rừng xanh núi đỏ lại đến sông hồ, nếm đủ mùi đời, trông tôi có vẻ phong trần lãng tử, nên nàng mê ngay. Nàng đòi bố phải điều tôi buổi tối đến dạy kèm. Năm đấy nàng mới học lớp chín. Chuyện một thằng thanh niên chưa vợ khoẻ mạnh, nhưng lúc ấy cũng đã khá lõi đời như tôi, mà lại ngồi kèm một cô học sinh vừa đẹp vừa phổng phao lớn sớm trong phòng riêng, thì đúng là cảnh rơm khô lửa đỏ để cạnh nhau, xảy ra trận hồng thuỷ trong cổ tích mới không bén. Chuyện chỉ là sớm hay muộn. Cố được đến khi nàng thi tốt nghiệp lớp mười hai xong, chúng tôi cưới ngay. Thật ra gọi là cưới chạy. Con Hương Lan lúc ấy đã được ba tháng trong bụng mẹ.

       Nhưng cuộc đời dường như là một vòng tròn xoáy trôn ốc. Cô con gái duy nhất của vợ chồng tôi khi cưới thì cũng đã lại mang thai tháng thứ ba. Trong nhà, tôi là người biết cái tin ấy sau cùng. Không phải vì tôi khó tính hay có ác cảm gì với cậu con rể tương lai. Mà ngược lại, tôi lại có thiện cảm với nó ngay từ buổi đầu tiên con gái đưa về nhà chơi với tư cách bạn bè cùng lớp đại học. Thế nhưng vợ chồng tôi kịch liệt phản đối khi biết chúng yêu nhau. Chỉ bởi một lý do duy nhất là nhà Nam (tên cậu bạn con gái tôi) quá xa. Ở tít mãi vùng rẻo cao của một tỉnh tây bắc. Dù thế nào thì mình vẫn là người Việt, những cái gọi là thủ tục cưới xin không thể bỏ được. Lại còn sau này con cái, thăm hỏi thông gia…mới nghĩ đến đó, vợ chồng tôi đã thấy choáng. Chúng tôi kiên quyết phản đối mối nhân duyên này. Mà có biết bao các chàng trai, đẹp, tài, con nhà gia thế ở thành phố này mong được cưới con Hương Lan. Cớ gì phải lấy một thằng trai con nhà nghèo kiết xác, lại ở xa tít mù tắp một tỉnh miền núi, chỉ nghe tên đã chóng hết cả mặt. Vợ chồng tôi quyết liệt phản đối mấy năm liền. Nhưng rồi hình như các cụ xưa nói vẫn đúng, sóng trước vỗ đâu sóng sau vỗ đấy. Còn bây giờ thì người ta lại bảo là thời buổi này, con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy. Đến khi cô con gái duy nhất khóc mếu là nó đã có thai ba tháng, nếu bố mẹ không đồng ý cưới thì nó sẽ ra ủy ban phường đăng ký và bỏ đi ở với người yêu. Tôi phải quyết định cho bọn trẻ cưới. Vợ tôi lúc này cũng chả làm gì được trước cái sự đã rồi. Trong lòng tràn trề ấm ức, nhưng cũng đành tuân theo.

        Hôm đón đưa dâu theo lệ, vợ tôi nhất quyết không đi. Cô ấy bảo vẽ chuyện làm gì, chúng nó đằng nào chả ở dưới này mà bày đặt đưa đón. Đường sá thì gian nan ngàn trùng xa cách. Tôi nghĩ khác, nhà người ta dù nghèo hèn gì cũng là cưới vợ cho con trai, gì thì gì cũng phải đón được dâu về nhà làm lễ gia tiên rồi đi ở đâu mới đi. Nghĩ thế, nên tôi quyết đi đưa con gái về nhà chồng.

        Nhà con rể tôi ở một tỉnh miền núi phía bắc cách Hà Nội mấy trăm cây số. Mà lại ở tít một bản, một xã, một huyện khi đọc tên, dân dưới xuôi như thấy trẹo cả lưỡi. Thế mà con gái tôi đã về đấy khá nhiều lần kể từ khi hai đứa quen nhau. Nó có vẻ thích thú cái vùng thâm sơn cùng cốc này. Còn tôi, thực tình sau chuyến đi lang thang gần năm trời hồi tuổi trẻ ở vùng Long Sơn- Mã Tử, tôi tự thề với mình không bao giờ lai vãng đến núi rừng nữa. Tôi tự rút ra là ở đời chỉ nên đi xuôi cho nó an ninh thanh nhàn, không nên đi ngược làm gì, vừa mệt mỏi mà lại đầy nguy hiểm. Sau này, khi đã là chủ một cơ nghiệp lớn được kế thừa từ ông bố vợ tốt tính, tôi vẫn giữ nguyên suy nghĩ như vậy. Ngay cả đi nghỉ mát, tôi cũng chỉ xuôi về biển, không ngược. Thế mà con gái tôi lại chỉ thích đi miền núi. Lạ lùng. Nó có hứng thú đặc biệt với những con đèo dốc đứng, những mỏm đá tai mèo nhọn hoắt vẽ lên nền trời những nét sắc như dao. Nó say mê kể cho tôi nghe về những con đường dốc quanh co hình chữ mờ. Những đỉnh đèo gió lộng hun hút quanh năm, mỗi khi trời quang mây tạnh, nhìn xuống dưới chân đèo, dòng sông lượn lờ như một sợi chỉ mảnh màu sáng bạc. Nó say mê những nương ngô cheo leo vách đá, những vạt hoa cải vàng ươm mỗi độ đông về. Nó kể nhiều cho tôi nghe về vùng đất ấy đến nỗi tôi đâm nghi ngờ, có lẽ nó thích vùng núi ấy hơn là mê người yêu nó. Nghe tôi nói thế, nó chỉ cười.

        Khi cả đoàn đưa dâu đến nhà trai, bố mẹ chú rể ân cần ra chào đón. Ông thông gia với tôi là một người đàn ông già, râu tóc bạc phơ nhưng còn tráng kiện. Còn bà vợ là một người đàn bà không rõ tuổi, đi bên cạnh chồng mình đầy mãn nguyện. Theo lời con rể tôi nói thì bố nó hơn mẹ gần năm mươi tuổi. Hai ông bà về ở với nhau khi bà chưa đến hai mươi, còn ông đã gần thất thập, đến nay đã được gần ba mươi năm. Kể từ đó đến nay, họ chưa rời xa nhau ngày nào. Thật là một câu chuyện tình kỳ lạ. Đấy cũng chính là một lý do để tôi đưa con gái về nhà chồng. Tôi vốn có tính tò mò. Tôi cũng muốn biết một cung bậc tình yêu chênh chao như núi và vực ấy ra sao. Một cô gái đôi mươi, một người đàn ông thất thập, ở với nhau đã gần ba mươi năm, nay vẫn hạnh phúc bên nhau… Tôi bỗng lạnh hết người khi nhìn kỹ vào khuôn mặt của mẹ chồng con gái mình. Có một luồng hơi lạnh như từ trong sâu thẳm con người tôi, tức khắc tỏa ra khiến tôi đông cứng lại. Miệng lắp bắp không nói lên lời. Trước mắt tôi là khuôn mặt không lẫn đi đâu được với cái vết sẹo hình dấu ớ dưới gò má bên phải. Cho dù khuôn mặt ấy có già đi, nhăn hơn. Nhưng những đường nét đã khắc sâu vào cảm xúc thì thật khó quên. Một khuôn mặt mà tôi đã cố tình không nhớ đến từ mấy chục năm trước, sau chuyến giang hồ sông nước. Nhưng thỉnh thoảng khuôn mặt ấy vẫn hiện về mờ ảo trong mơ, nhưng cái dấu ớ dưới gò má phải thì lúc nào cũng hiện ra sắc nét. Tôi thốt nhiên gục xuống mê man không biết gì nữa.

Gia đình nhà trai vội vã vực tôi, đưa vào nằm nghỉ ngay trong gian buồng dự định dành cho đôi trẻ.

 

***

 

        Cách đây hơn hai mươi năm.

        Hồi tôi được cánh sơn tràng bên sườn đông dãy Long Sơn- Mã Tử cưu mang rồi cho theo bè giang hồ sông nước. Bọn tôi cùng nhau chặt gỗ nứa trên rừng, đóng những cái bè nhỏ, thả trôi theo suối. Đến cửa sông Xanh thì buộc lại, đợi ghép thành cả một cái bè to rồi mới đẩy ra giữa dòng lái về xuôi. Cũng còn một lý do quan trọng mà mãi sau này tôi mới biết, là vì sao cứ phải đợi ở cửa sông Xanh rồi sau mới xuôi được. Cách đấy về phía hạ lưu có một trạm kiểm lâm khét tiếng. Trạm sông Xanh. Không một thuyền bè lâm sản từ trên xuôi về có thể qua mắt được trạm này. Cánh khai thác và buôn lậu lâm sản chỉ còn mỗi cách thỏa thuận với trạm sông Xanh để chi tiền rồi lấy dấu búa kiểm lâm để đi qua. Những việc ấy diễn ra âm thầm trong bóng tối, nên cái sự thỏa thuận cũng phải có thời gian cò kè mặc cả. Nhiều khi là một cuộc đấu trí gian nan giữa hai bên: cánh buôn lậu và kiểm lâm. Nhưng kết cục thì đa số là hài hòa, hai bên cùng hỉ hả bắt tay nhau ra quán uống rượu đoàn kết. Ở vùng này người ta vẫn coi cánh kiểm lâm như thổ phỉ ngày xưa: trấn lột và áp bức. Chứ không phải là công cụ của chính quyền bảo vệ rừng. Tôi cũng đã được nghe kể về những vụ xung đột ác liệt, máu nhuộm đỏ rừng giữa dân và kiểm lâm. Nhưng sau những vụ như vậy, cả hai bên đều thấy thiệt hại quá mà chẳng được gì. Thế nên hai bên cùng tìm ra giải pháp chấp nhận được. Dân cứ khai thác gỗ, nộp tiền cho kiểm lâm để lấy dấu búa đóng lên, coi như hợp pháp, không còn là gỗ lậu nữa. Kiểm lâm cũng ung dung coi như hoàn thành nhiệm vụ. Mãi mấy chục năm sau này tôi mới hiểu là vì sao, sự nghiệp phá rừng vàng của nước ta hoàn thành một cách chóng vánh thế. Nhưng lúc bấy giờ, tôi chả nghĩ gì. Theo cánh sơn tràng từ sườn đông của đỉnh Mã Tử, họ bảo gì tôi làm đấy, miễn là có cơm ăn rồi kiểu gì cũng xuôi về đến bến sông quê. Tôi cứ mặc kệ cái sự đời.

       Sông Xanh là một con sông lớn, nước quanh năm xanh ngắt, có lẽ vì thế mà người vùng này gọi là sông Xanh. Dân vùng cửa sông chỗ con suối lớn chảy từ dãy Long Sơn- Mã Tử ra nhập vào là một quần thể dân cư tứ chiếng. Họ ở tự do linh tinh theo bờ sông, bờ suối và rải rác quanh các triền núi. Mỗi nơi một nhà, chả có làng bản gì sất. Nghề nghiệp cũng vậy, chả ai có nghề gì cố định. Họ làm nương, họ đánh cá, họ đi rừng đốn gỗ, họ đi cất hàng dưới xuôi rồi đem vào đổi cho đồng bào dân tộc ở sâu trong núi. Nói chung cứ tiện việc gì họ làm việc đó. Thậm chí, gặp dịp ở nơi hoang vắng núi xa, họ còn thành kẻ cướp. Hồi trước nghe nói vùng này là vùng phỉ. Đàn ông con trai rủ nhau vào rừng làm phỉ cứ như rủ nhau đi săn. Dịp bọn tôi cắm bè lại thì yên ả lâu rồi. Dân tình lại chí thú đi nương, buôn bán, không đi làm phỉ nữa.

        Ngay cạnh bến sông chỗ bọn tôi cắm bè có nhà lão Lìn. Xưa nhà lão này truyền đời làm phỉ và cướp sông. Nay lão ấy giải nghệ đã lâu, làm nhà ngay trên doi đất ngã ba sông, mở cái quán bán hàng tạp hóa, kiêm luôn bán rượu và đồ nhắm cho dân quanh vùng và đám khách lang thang đánh quả gỗ lạt, lâm sản về xuôi. Cả vùng có mỗi quán nhà lão Lìn nên khá đông. Tối đến, đám giang hồ, bọn thanh niên, cánh giáo viên cắm bản, công nhân lâm trường, lính tráng…rủ nhau đến uống rượu. Duy nhất một món uống là rượu sắn nấu, ủ bằng men lá. Thức nhắm phong phú hơn. Gà núi khá ngon, thịt thú rừng tươi hoặc khô gác gác bếp. Hoặc vài chén lạc rang, gói kẹo dồi cũng xong, cũng hết vài chai buổi tối. Thế cũng đủ vui. Nhiều khi vui quá. Cánh đàn ông rượu vào, chả kể dân bản địa hay dân nơi khác qua, say ngả nghiêng, ôm vai nhau, gõ bát, hát hò ầm ĩ. Bài họ hát khi say chỉ có mỗi một:

                   “ Một đàn bươm bướm xinh

                      Tung tăng bướm bay lượn

                      Bướm bay đến cửa sông Xanh

                      Đỗ ngay xuống nhà ông Lìn

                      Tình tình là tình tang tang

                      Đỗ hết xuống nhà ông đây…”

 Có hôm lão Lìn không nói gì. Nhưng cũng có hôm lão ấy điên lên, vác ghế táng nhau chí tử với khách, ầm ĩ cả khúc sông. Lão ấy cũng say, tức bọn khách say trêu quá đà. Nhà lão ấy có tới tám cô con gái. Thế nhưng tối hôm sau, bọn khách ấy lại đến, bắt tay giảng hòa. Lại rượu. Say. Lại gõ bát ca hát. Lại đánh nhau lộn tùng phèo…

       Nhí là con út của lão Lìn, năm đó cô khoảng mười lăm, mười sáu hay mười bảy tuổi, tôi cũng không rõ nữa. Hôm đầu tiên cắm bè, bọn tôi lên uống rượu, khuya thấy cảnh đánh đấm hơi khiếp, định vào can. Nhưng Nhí bảo tôi: “kệ họ đi, đánh nhau chán hả hết hơi rượu lại thôi ấy mà”. Tôi trẻ nhất cánh đi bè nên thân Nhí khá nhanh. Con mắt cú vọ của thằng đàn ông bản năng trong tôi đã nhìn thấy ở Nhí một người đàn bà tiềm năng. Nhí có thân hình khá lớn. Có lẽ do khí hậu miền núi và công việc vất vả nên thân thể phát triển sớm. Nàng có khuôn mặt không được xinh lắm nhưng kéo lại đôi môi đỏ, gợi tình. Ở ngay dưới gò má bên phải có một cái sẹo to hình dấu ớ, nên nhìn thẳng khuôn mặt trông hơi chán. Đêm đầu tiên ở quán nhà Nhí về, tôi nằm lơ mơ dưới bè, nhớ tới khuôn mặt có cái vết sẹo sâu, thấy ghê ghê. Nhưng tôi lại nhớ đến cái bộ ngực căng tròn trong cái áo vải thô và cặp mông tròn lẳn khi cô nàng xuống sông xách nước lúc chiều. Tôi tưởng tượng ra cái thân hình con gái rắn chắc, hồng hào thơm nức…Tôi thấy rực lên trong lòng mình một nỗi khát thèm rất bản năng. Tôi tự chặc lưỡi trong đêm, dù Nhí chả được xinh xắn như các cô gái bản Mền mà tôi vừa ở mấy tháng, nhưng trong lúc đợi chờ ghép bè to cho đủ chuyến đi, tôi phải tán tỉnh em Nhí để ôm ấp cho đỡ buồn. Tôi tính mỗi khi lên nhà Nhí uống rượu, sẽ chỉ ngồi bên trái của nàng. Hoặc là tôi sẽ chỉ nhìn cô ấy từ cổ trở xuống, theo như lời ca dao của cánh trai bản trên Long Sơn- Mã Tử: “Anh yêu em từ chân đến cổ/ Còn cái đầu vất tổ nó đi…”. Như thế sẽ không thấy cái sẹo gớm ghiếc. Và mình sẽ vẫn giữ nguyên được cảm xúc với nàng. Tôi quyết định bỏ qua vết sẹo. Sau này khi đã thân nhau Nhí kể đấy là vết tích của một lần đi rừng bị ngã đập mặt vào cạnh đá sắc. Ông Lìn chả thèm đưa con gái đi trạm xá, vào rừng hái nắm lá dấu nhai rồi đắp lên mặt cô con gái, ba ngày sau đã khỏi. Có điều nó để lại cái sẹo to, hình dấu ớ, sắc nét một cách lạ lùng trên mặt cô gái út. Lúc mới gặp tôi thấy lạ nên cứ hay tò mò nhìn trộm cô nàng. Nhưng rồi ngắm mãi hết lạ, không thấy xấu nữa. Hoặc có lẽ khi trai gái ngồi gần nhau, cái khác nó phập phồng thu hút sự chú ý của nhau hơn. Và dần tôi lại thấy cô nàng khá hấp dẫn. Tôi đâm mê Nhí. Tôi rắp tâm phải được làm tình với nàng.

       Dịp ấy bọn tôi nhiều việc, hàng ngày chúng tôi đi theo những con suối, vào sâu những cánh rừng, nơi cánh sơn tràng chặt gỗ, nứa và các loại lâm sản khác tập kết, đóng sẵn thành những bè nhỏ. Bọn tôi vừa đẩy, vừa kéo lựa theo dòng suối để đưa những cái bè ấy về cửa sông Xanh. Thường thì chúng tôi đi rừng từ sớm tinh mơ. Về đến cửa sông khi đã chiều. Cơm nước tắm giặt xong, lên nhà ông Lìn ngồi uống rượu. Tôi là thằng được cánh sơn tràng mang theo từ sườn đông của đỉnh Mã Tử, nên chả có gì ngoài mấy bộ quần áo trên người và một tấm thân trai trẻ tràn trề sức lực. Đi rừng cả ngày nhưng tối về tôi vẫn khỏe mạnh để lên nhà ông Lìn gặp Nhí. Có tiền thì tôi sẽ lên nhà trên uống rượu. Nhưng tôi không có tiền. Nhiều lúc trong túi tôi chả có một xu gọi là có. Thỉnh thoảng đội đi bè bọn tôi có bán một số thứ lấy tiền ăn tiêu đợi khi xuôi bè, các anh ấy cũng cho tôi một ít, nhưng cũng chả đáng là bao. Nên tôi hay xuống ngồi chơi với Nhí dưới bếp. Không hiểu sao những lúc ngồi rì rầm bên bếp lửa với Nhí tôi lại kể hết mọi chuyện. Cả cái chuyện tôi không có một xu dính túi hay cái chuyện ở trên bản Mền. Các cô gái vào rừng chơi với tôi cho hôn hít vuốt ve thoải mái nhưng tuyệt không cho sờ vào vú. Các cô ấy bảo, anh thích làm gì thì làm nhưng ti thì không được, cái đấy chỉ để dành cho con thôi. Nhí hỏi tôi:

        -Thế anh làm gì?

        -Anh chả làm gì, ngồi chơi, nói chuyện rồi về thôi.

        -Điêu, trông cái mặt đã thấy điêu rồi. Ngồi cả đêm trong rừng với nhau mà không gì. Em không tin.

        -Thật mà…anh thề đấy.!

        -Ai khiến anh thề…mà thề gì?

        -Thề, thề… anh yêu em! Tôi bạo dạn cầm tay Nhí vừa nói liến thoắng trong hơi thở gấp, vừa định kéo tay lại ôm. Không biết Nhí có nghe thấy lời tôi không. Nhưng nàng chưa kịp phản ứng gì thì có tiếng ông Lìn trên nhà gọi lên đong rượu cho khách. Nàng giật ra khỏi tôi chạy vụt đi.

 

***

 

       Khi tôi mở mắt ra, thấy khuôn mặt con gái mình đang nhòe nhoẹt son phấn lẫn với nước mắt. Nó mếu máo gọi bố. Tôi ngồi dậy an ủi con, rằng không có vấn đề gì đâu, chắc là do thay đổi độ cao nên tôi choáng, giờ đã ổn. Thực tình thì nói với con thế, nhưng trong lòng tôi rối bời. Tôi cố gắng nuốt hết bát cháo cho con gái an lòng rồi lại nằm xuống giường, trùm chăn kín đầu nghĩ ngợi. Tôi cảm thấy như thế giới đang sụp đổ tan tành dưới chân. Đầu óc tôi căng như dây đàn, có lúc lại trống rỗng như trong là một khoảng trắng mênh mông. Tôi không biết làm gì nữa. Tôi nhắm nghiền mắt lại. Tôi mong đây chỉ là một cơn ác mộng chứ không phải là sự thật. Nhưng những tiếng mọi người trong đám nói chuyện với nhau ngoài nhà, ngoài rạp dội vào tai tôi rõ mồn một. Và tôi hiểu đây là sự thật. Mẹ đẻ của con rể tôi chính là Nhí, người con gái ở bên cửa sông Xanh năm xưa mà tôi đã cố tình quên lãng. Và khốn kiếp cho tôi, tôi chợt hiểu ra vì sao mọi người trong gia đình và công ty lại cứ thắc mắc, tại sao con rể tương lai của tôi lại có nhiều nét giống bố vợ làm vậy. Trong giây phút lóe sáng của trí tuệ, như một sự đốn ngộ, tôi đã hiểu rằng gần ba mươi năm trước, tôi đã để lại một di sản cho Nhí tại cánh rừng sau sau gần nhà. Và bây giờ cái di sản của ngày xa xưa ấy nó lại trở về trong hình hài oan nghiệt là con rể tôi. Kinh hoàng. Tôi chợt nghĩ đến cái thai tháng thứ ba trong bụng con gái tôi. Trời ơi có lẽ nào là sự loạn luân sao? Có lẽ nào câu chuyện cổ tích xa xưa lại hiển hiện trong nhà tôi sao? Rồi đứa cháu tôi sinh ra sẽ có cái đuôi như con khỉ sao? Rồi chúng sẽ sống thế nào khi biết sự thật chúng lại là anh em ruột? Nhưng vùng cửa sông Xanh là đông bắc, sao Nhí lại lấy chồng về tận tít vùng rẻo cao tây bắc này? Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong đầu tôi. Không có lời giải đáp. Tôi tưởng có thể vỡ tung đầu ra tức khắc mà chết luôn. Tôi chợt thoáng nghĩ là có khi chết lại nhẹ nợ hơn sống. Nhưng tôi nghĩ ngay đến khuôn mặt mếu máo nhòe nhoẹt lo lắng của con gái tôi vẫn ngồi bên. Chả lẽ tôi bỏ mặc đứa con duy nhất mà tôi còn yêu hơn cả thân mình chịu đựng sự nghiệt ngã, oan trái của số phận do bố nó gây ra mà trốn chạy một mình vào cõi chết sao? Sự thật là đứa con gái duy nhất của tôi gắn bó với bố hơn với mẹ nó rất nhiều. Chuyện tình cảm riêng tư nó cũng thường tâm sự với bố trước. Nó luôn lấy tôi làm thần tượng. Không có lý gì tôi lại bỏ con gái mình ở lại chịu kiếp nạn không phải do nó gây ra. Tôi lấy hết can đảm vùng dậy khỏi giường, ra nhà ngoài nói chuyện với gia đình con rể. Tôi muốn biết tường tận sự việc, dù đau đớn đến đâu để còn tìm cách xử trí.

       Còn một chút may mắn. Nhí, tức mẹ chú rể, hoàn toàn không nhận ra tôi. Có lẽ do tôi thay đổi quá nhiều. Hồi gặp Nhí, tôi là một thằng thanh niên khỏe mạnh, tóc xanh mướt, thân thể rắn đanh không có một chút mỡ thừa. Còn bây giờ, tôi là một lão già bụng phệ, mặt cũng đầy những ngấn mỡ húp híp và tóc thì bạc trắng. Không còn một chút nào hình ảnh xưa xa.

Tôi ngồi đối ẩm với ông thông gia, một ông già quắc thước đã hơn chín chục tuổi. Tôi lấy cớ ốm, không uống mà chỉ ngồi rót rượu. Chúng tôi trò chuyện cởi mở. Nói đúng hơn là tôi hỏi còn ông ấy kể. Và tôi đã biết hết những điều cần biết.

        Ông thông gia với tôi là một vị cựu chiến binh đã trải qua hai cuộc chiến. Năm ông mới hơn năm mươi tuổi, đang đương chức thì vợ mất, bỏ lại cho ông năm đứa con cả trai và gái. Ông ở vậy nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng đầy đủ.

        Năm ông gần bảy mươi, trong một chuyến đi nghỉ mát tại Thủ đô theo diện cán bộ lão thành, ông gặp Nhí. Lúc đó đang bụng mang dạ chửa, bơ vơ trốn về phố tìm người yêu, tìm việc kiếm sống, đang tuyệt vọng. Ông thương cảm rồi mang về sống với nhau đã hơn hai mươi năm nay. Câu chuyện cởi mở của một ông già miền núi gần trăm tuổi đã cho tôi nhiều thông tin để xác thực, thằng con rể chính là giọt máu tôi đã để lại trong bụng Nhí năm xưa. Khốn kiếp! Tôi lại nghiến răng rủa thầm trong bụng. Tôi bấn loạn, không biết mình nên làm gì. Tôi vơ chai rượu rót tràn ra cả hai cái chén rồi cứ thế không mời ông thông gia, nốc liên tục. Tôi say gục xuống mâm trước ánh mắt lạ lẫm của chủ nhà.

 

***

 

 

       Năm xưa.

       Một buổi chiều xuân ấm áp. Hôm ấy tôi không phải vào rừng sâu kéo gỗ. Nhí rủ tôi vào cánh rừng cây sau sau phía đồi kế bên nhà chặt củi từ những cành khô. Cây sau sau là một thứ cây rất đẹp, thân gỗ to, thẳng tắp. Lá hình tim chia thùy gần như lá cây phong bên nước Canada nhưng nhỏ hơn. Nhí chả biết nước Canada ở đâu và lá phong ra sao, nhưng vì tôi đã từng học thực vật ở trường đại học nên nàng rất hâm mộ và tin tưởng những điều tôi nói. Vào mùa đông, cây sau sau cũng đổ lá. Trước khi rụng, lá sau sau chuyển sang màu đỏ rực rất đẹp. Nhất là cả một cánh rừng sau sau cùng chuyển màu thì thật tuyệt. Nhưng hồi ấy chả có ai để ý đến vẻ đẹp của rừng thay lá. Họ chỉ ngắm xem cánh rừng này có những thứ gì có thể hạ được đem đổi lấy gạo mắm qua ngày. Lúc đó cả nước mình đang quằn quại trong cơn đói khát. Thế nhưng không hiểu sao cánh rừng sau sau gồm toàn những cây mấy người ôm mới xuể đó lại còn nguyên. Im lìm. Thẳng tắp. Dân quanh vùng nói đấy là rừng ma nên không ai dám động vào. Nhưng sự thật thì đấy chỉ là khu rừng mà lão Lìn nhận từ lâu, lão cấm không cho ai bén mảng. Mọi người nói, lão đã thỏa thuận với cả kiểm lâm và lâm trường, giờ khu rừng ấy coi là của riêng lão. Vùng này mọi người đều sợ lão Lìn. Nghe nói lão có rất nhiều nghề bí truyền. Lão có thể đứng ở đầu núi mà thổi ma gà vào nhà người lão không ưa, làm cho ốm đau quặt quẹo điêu đứng. Tôi cũng đã nghe khách đến uống rượu tối ở quán nhà lão thầm thì kể chuyện. Tôi không tin lắm nhưng cũng hơi sờ sợ. Nhưng mỗi tối lên uống rượu, hoặc là không có tiền thì uống nước chè vằng (một thứ dây leo lấy ở trên đồi về dùng thay cho trà) và ngồi bên bếp lửa tán chuyện vu vơ với Nhí. Tôi ngồi thỉnh thoảng liếc trộm vào bộ ngực thanh tân phập phồng của nàng, lòng râm ran khoái cảm. Tôi thầm mong ước có dịp nào sẽ được luồn tay vào ngực nàng mà sờ nắn xem to cỡ nào và mềm hay rắn. Nhưng liếc nhìn ông bố gân guốc, tóc tai xù xì, mắt lúc nào cũng vằn hơi rượu, tôi hơi sợ. Lơ mơ, lão ấy cho một nhát dao quắm sắc lẻm lúc nào cũng kè kè bên người thì xong.

        Nhí đã vài lần rủ tôi vào khu rừng sau sau ấy kiếm củi với nàng. Nàng bảo đấy là cánh rừng mà bố nàng để dành làm của hồi môn cho con gái út khi nào đi lấy chồng. Từ nhà nàng lên đến rừng cây sau sau phải leo một quãng dốc, xuyên qua một khu rừng tạp tái sinh gồm toàn những cây nhỏ. Có lần Nhí quay lại hỏi tôi, anh có nhìn thấy gì không? Tôi ú ớ. Thật tình tôi lẽo đẽo sau nàng, chỉ toàn nhìn vào cặp mông tròn trịa và đôi chân lẳn chắc, khỏe mạnh loang loáng ngay trước mũi mình. Tôi mơ màng lúc nào đó được vuốt ve xoa nắn cặp đùi trắng hồng và bộ mông gợi cảm của nàng thì thật là một sự tuyệt đỉnh sung sướng. Tôi hơi hoang mang không hiểu ý nàng là sao. Nhí mỉm cười ranh mãnh nhìn cái mặt đần thối ra của tôi lúc ấy nói, hôm nào em cho anh xem, rất đẹp. Đêm hôm ấy về nằm bồng bềnh dưới bè, nghĩ mãi không biết Nhí định cho tôi xem cái gì. Chả lẽ…tôi gạt đi ngay, Nhí không phải là một người dạn dĩ như các cô gái trên bản Mền tôi gặp. Nàng trong trắng và ngây thơ. Tôi tin chắc thế.

       Chiều xuân ấy, hai chúng tôi vác dao vào rừng sau sau đốn củi. Vừa rẽ vào con đường mòn nhỏ trong xuyên qua rừng tạp, tôi chợt sững người lại vì ngạc nhiên. Hai bên đường nở dày hoa ngọc trâm trắng muốt. Tôi không hiểu ai trồng tự bao giờ mà mà những bông hoa trắng tinh khiết tỏa ra một mùi hương thanh tao tràn ngập cả khu rừng. Con đường nhỏ uốn lượn bên sườn núi như biến thành một dải lụa trắng tinh trên nền lá xanh thẫm. Tôi ngẩn người trước vẻ đẹp không thể tả nổi của con đường hoa. Tôi mê đi trong cái không gian huyễn hoặc sực nức hương thơm. Nếu không có tiếng Nhí cười khúc khích thì có lẽ tôi còn đứng ngẩn giữa đường mà ngắm. Nàng bảo tôi:

       -Đây là thứ em muốn cho anh ngắm đấy.

       -Tuyệt đẹp. Nhưng mà ai trồng vậy?

       -Em trồng đấy.

       -Sao em có giống hoa này mà trồng?

       -À, cách đây mấy năm, lúc em còn đi học, có một thày giáo quê vùng ngoại thành dạy trên này mang lên một chậu. Thày ấy bảo là hoa của người yêu tặng mang theo cho đỡ nhớ. Thày bảo người yêu thày trong trắng như hoa ngọc trâm…thế mà thày mới ở trên này chưa hết năm thì người yêu thày đã đi lấy chồng. Thày chán, bỏ nghề về xuôi. Hôm xuôi thuyền thày mang chậu hoa cho em, bảo em trồng xuống hai bên con đường mòn lối vào rừng cây sau sau cho đẹp. Thày bảo em mới xứng là hoa ngọc trâm. Tinh khiết, thanh tao nhưng hơi buồn vì chỉ e ấp nhìn xuống…

       Tôi lặng ngắm Nhí. Chợt trong lòng thấy dấy lên một thứ tình cảm như là ghen tức. Cái thằng cha giáo viên cắm bản bị phụ tình nào đó cũng đã nhìn thấy sắc đẹp e ấp tiềm ẩn của nàng. Không biết nó đã kịp thưởng thức cái gì không biết nữa. Tôi thấy mình dường như có một kẻ thách thức mơ hồ nào đó. Tôi thấy mình cần phải hành động. Phải chiếm hữu ngay. Vừa đi vừa nghe Nhí nói chuyện, tôi vừa tranh thủ lia con dao quắm sắc ngọt cắt một túm những bông hoa ngọc trâm trắng muốt. Tôi dứt mấy sợi dây rừng quấn lại thành một bó to giấu sau lưng. Đến cánh rừng sau sau, tôi vượt lên trước mặt Nhí, chìa bó hoa trắng lóa vào mặt nàng: “Tặng em”. Nhí không có vẻ gì ngạc nhiên, cầm lấy bó hoa, đưa lên mũi hít một hơi nhẹ rồi nói: “Hoa đẹp và thơm quá anh nhỉ” “Ừ, hoa đẹp như em vậy” “ Điêu. Anh quen tán gái bản Mền nói cứ ráo hoảnh. Em mà đẹp cái gì?” “ Không, anh nói thật mà. Em rất đẹp. Anh yêu em”. Vừa nói tôi vừa cầm tay Nhí giật mạnh lại phía mình. Nhí bị bất ngờ lao ập vào người tôi. Tôi ôm chặt cứng nàng, vừa hôn hít vừa hổn hển thề thốt hứa hẹn loạn xạ. Mới đầu Nhí cũng căng người vùng vằng cựa quậy không chịu. Nhưng vòng tay của một thằng trai trẻ đang làm nghề phá sơn lâm mạnh mẽ quá, nàng cựa không nổi. Rồi miệng lưỡi của cựu sinh viên tổng hợp, đã từng có bốn năm mài đít trên giảng đường đại học, đủ làm cho cô sơn nữ mê đi với những ngọt ngào thủ thỉ bên tai. Nhí chợt rùng mình trong tay tôi, cả người nàng mềm lỏng, thở hắt ra một cái. Nàng rên lên một tiếng khe khẽ rồi buông tay đang giữ chặt tay tôi. Mặc kệ cho tôi từ từ khám phá và thưởng thức bông hoa ngọc trâm trinh trắng, thơm ngát giữa cánh rừng sau sau đang lên lá non mỡ màng khoe sắc trong buổi chiều xuân ấm áp.

       Nhưng ngay đêm ấy chúng tôi xuôi bè.

Cánh buôn bè đã thỏa thuận được với trạm kiểm lâm sông Xanh khét tiếng. Tôi đi mà không kịp chào từ biệt Nhí. Thực ra, tôi cũng không có ý định ấy. Tôi âm mưu khám phá cô sơn nữ một lần cho biết rồi thôi. Hồi ấy bọn thanh niên chúng tôi đi tán gái, âm thầm truyền nhau một kinh nghiệm rất vớ vẩn là nếu được chơi một lần, lại là lần đầu tiên thì không thể dính bầu được. Tôi cũng chả cả nghĩ đến việc để lại cho Nhí mấy dòng từ biệt. Bọn tôi âm thầm đẩy bè ra giữa dòng ngay trong đêm. Lúc chiều sau khi được Nhí hiến thân(hay là tôi cưỡng đoạt? sau này tôi cũng có lúc day dứt tự hỏi thế) trong cánh rừng sau sau, tôi cũng chả nghĩ gì. Như một con đực đã no đủ, tôi về nằm xoãi ra sạp nứa trong gian lều trên bè một cách thỏa mãn. Thực tình thời gian đó tôi cũng chả hay nghĩ ngợi sâu xa gì nhiều. Tôi đói khát nên chỉ chăm chăm tìm cách kiếm cơm, rượu, thịt. No đủ rồi thì thân thể cường tráng của một thằng trai lại bị vô thức hướng vào cái khác. Tôi cảm thấy những bức xúc bản năng gào réo trong thân thể đòi hỏi phải giải phóng. Tôi chỉ tìm cách để xả cái khối chất lỏng ái tình đầy ắp vào người nàng. Đạt được mục đích rồi, tôi xuôi bè như không có chuyện gì xảy ra.

       Bọn tôi lang thang trôi theo dòng sông Xanh, ra sông Lớn rồi xuôi về bến sông quê. Cả cuộc hành trình gần tháng trời, mấy trăm cây số trên sông, chúng tôi ghé vào rất nhiều bến dọc. Bọn chúng tôi bắt đầu xả hàng lâm sản, cánh chủ bè được rất nhiều tiền. Có tiền, bọn ấy cũng phóng khoáng, họ rủ tôi đi ăn chơi rượu chè đập phá các kiểu. Và tất nhiên, các cuộc ăn chơi ấy không thể thiếu món gái gú. Tôi trở nên một tay sành sỏi. Không biết có bao cô gái đã qua tay mình dịp ấy. Cảm giác về buổi chiều ái ân với Nhí ở trong cánh rừng sau sau mờ dần đi sau mỗi cuộc làm tình đầy hoan lạc với các cô gái dọc đường giang hồ. Nhưng lạ một điều, cái vết sẹo hình dấu ớ dưới gò má phải, thỉnh thoảng vẫn hiện về trong những giấc mơ mù mờ hơi rượu của tôi.

 

***

 

         Rồi tôi cũng về đến nhà.

         Nghe điện thoại của con gái báo, vợ tôi lồng lên. Cô ấy phóng sang sân bay Gia Lâm định thuê trực thăng của công ty bay dịch vụ lên đón. Nhưng núi hiểm trở quá, máy bay chịu thua. Cô ấy lại thuê một cái xe cứu thương đặc chủng và một kíp thày thuốc lên đón tôi. Kể từ ngày cưới nhau, vợ tôi chăm sóc tôi hết sức chu đáo. Làm tôi nhiều lúc cảm thấy áy náy, vì thực tình tôi là một tên đàn ông cầm tinh con hổ, cứ ra đến ngoài đường, gió thổi vào tai là quên hết mọi sự. Hơn nữa, tôi lại còn là giám đốc điều hành của một doanh nghiệp khủng, cơ ngơi vợ chồng tôi được kế thừa từ ông bố vợ. Như mọi tay giám đốc doanh nghiệp thời kinh tế thị trường khác, tôi cũng có đủ mọi trò. Rượu chè, gái gú ăn chơi đủ kiểu. Nhưng tôi không bao bồ nhí, không lập phòng nhì. Mọi chuyện ăn chơi của tôi về đại thể, vợ tôi biết cả, nhưng cô ấy không chấp. Cô ấy bảo đàn ông thời buổi này ra ngoài thật khó chống được sự cám dỗ. Miễn sao về nhà thì quên hết chuyện ngoài đường là được. Thật sự thì tôi thấy biết ơn sự bao dung của vợ mình, dù không bao giờ nói ra.

       Tôi được đưa thẳng vào bệnh viện kiểm tra. Các bác sĩ nói tôi chả làm sao. Có thể là do nhất thời thay đổi độ cao khí hậu, nên cơ thể có phản ứng hơi quá. Về tĩnh dưỡng ít lâu sẽ trở lại bình thường.

       Vợ chồng con gái tôi sau đám cưới trên vùng cao cũng đã chuyển về ở một căn hộ trong khu đô thị mới. Chúng tôi cũng muốn tránh cho thằng con rể cái tiếng chó chui gầm chạn. Nhưng nó là rể hay là giai đây? Tôi phát điên lên mất. Tôi bế tắc thật sự, không tìm ra cách giải quyết. Tôi bỏ bê công việc, suốt ngày lang thang hết quán cà phê, lại sang quán rượu. Ngồi một mình chán lại gọi điện cho mấy ông bạn hẩu ra. Tôi cố tìm xem có cách nào xử lý tình huống oái oăm của mình. Nhưng không chia sẻ được cùng ai. Tôi lại càng bế tắc. Lắm lúc tôi có cảm tưởng như mình đang bị vây kín bởi những bức tường thép lạnh băng, cao vút, nhẵn bóng không có một khe hở nhỏ nhất. Mà bụng con gái tôi ngày một lớn. Nó đang vô cùng hân hoan chào đón đứa con của tình yêu gần chục năm trời mới kết quả. Trời ơi, tôi thầm thốt lên một mình trong đêm vắng, tội lỗi thời trai trẻ ngu ngốc của tôi sao lại đổ lên đầu con gái hứng chịu? Rồi đứa cháu sắp ra đời, nó sẽ có cái đuôi dài như đuôi khỉ hay hai đầu, bốn chân không biết chừng…Tôi không dám nghĩ tiếp. Nhưng tôi cũng vẫn không tìm ra được lối thoát. Tôi không biết mình phải nói với vợ, với con gái, với con rể-giai như thế nào. Tôi càng không hình dung nổi sự phản ứng của họ khi biết sự thật này. Còn đứa cháu trong bụng con gái tôi nữa, làm sao tôi có thể mở miệng bảo nó bỏ đi, trong khi vợ chồng nó đang vô cùng hân hoan sắm sửa đủ mọi thứ để đón đứa con đầu lòng? Bế tắc. Tôi lại tìm đến rượu để mong quên lãng trong hơi men, mặc kệ mọi người ca thán can ngăn. Tôi uống triền miên hàng đêm sau khi ở công ty về. Vợ tôi rất lo lắng, không hiểu sao dạo này tôi lại uống nhiều và say sưa đến vậy. Tôi nghiến răng chịu trận âm thầm đợi đến ngày con gái sinh cháu.

      Cháu tôi sinh ra đẹp đẽ, hoàn hảo. Không có bất cứ một dị dạng hay bệnh tật gì.

       Càng lớn, thằng bé càng khỏe mạnh và thông minh nhanh nhẹn.

       Nhưng không vì thế mà nỗi giày vò của tôi bớt đi. Trong lòng tôi lúc nào cũng cào cấu một nỗi lo lắng thường trực. Những điều dị thường có thể xảy ra bất cứ khi nào. Đến lúc không thể chịu đựng nổi nữa, thì tôi chợt nhớ mình có một tay bạn học phổ thông nay giáo sư bác sĩ khá nổi tiếng, chủ một bệnh viện có cả phòng xét nghiệm ADN. Tôi lên mạng đọc một số thông tin về việc xét nghiệm huyết thống qua ADN. Tôi kín đáo đến tư vấn ở chỗ ông bạn cũ. Về nhà, tôi nhổ vài sợi tóc của mình cho vào một cái túi ninon chuyên dụng xin ở phòng xét nghiệm rồi đánh dấu là A. Tôi đến nhà con gái bế cháu đi chơi rồi nhổ trộm mấy sợi tóc tơ của nó, cho vào túi đánh dấu là B. Còn tóc của con gái, tôi lấy trộm khi nó vừa chải tóc xong bằng cái lược cuốn lô, đánh dấu là C. Lấy được tóc của con rể (hay giai đây- nghĩ đến tôi đã run bần bật) công phu hơn. Tôi phải giả vờ nhiều lần đến chơi, ở lại ăn cơm rồi lừa lúc nó vừa tắm xong, tôi lẻn vào toa lét, nhặt mấy sợi vương trên cái khăn nó vừa lau khô tóc đầu, cho vào túi, đánh dấu là D. Tôi mang cả bốn túi đến bệnh viện của ông bạn đề nghị xét nghiệm bốn mẫu này xem có quan hệ huyết thống với nhau không.

       Một tuần sau có kết quả. Tôi trực tiếp đến lấy, mang về văn phòng mình, đóng cửa lại, bóc phong bì đựng kết quả xét nghiệm. Kết luận như sau:

       -A có quan hệ huyết thống với B, D.

       -B có quan hệ huyết thống với cả A, C, D.

       -C có quan hệ huyết thống với B.

       -D có quan hệ huyết thống với A, B.

Tôi ngồi một mình cả buổi trong văn phòng mới hiểu hết được ý nghĩa kết luận của phòng thí nghiệm là gì. Nam đúng là con trai tôi. Thằng cháu ấy đích thị là cháu đích tôn của tôi. Nhưng con Hương Lan lại không phải là con đẻ của tôi! Khốn kiếp! Tôi đấm mạnh tay xuống mặt bàn, đứa con gái tôi yêu quí, chăm bẵm hơn cả bản thân mình thì lại không phải là ruột thịt. Thằng con giai tôi không một ngày nhìn tới, chưa bao giờ dù là trong ý nghĩ là nó có tồn tại trên đời, thậm chí đã định tìm mọi cách ngăn cản không cho nó vào nhà thì lại mang gien của mình. Thật khốn nạn. Tôi thoát được cái án gia đình loạn luân. Thì lại phát hiện ra một bí mật tày trời mà người vợ hiền thục của tôi cất giấu mấy chục năm nay. Tôi phải làm thế nào đây? Tôi có nên truy cứu nguồn gốc tác giả thật sự cái thai của vợ tôi khi cưới không? Nhưng như thế thì tôi sẽ không còn là bố của Hương Lan, con gái tôi hiện nay sao? Nghĩ đến thế, tôi rùng mình, tối sầm mắt lại. Không thể. Không thể nào chỉ một cái kết luận vớ vẩn này mà nó lại làm biến mất tình cảm bố con lâu nay được. Nhưng đây là khoa học. Là sự thật nghiệt ngã. Tôi vẫn bế tắc, không biết phải làm gì. Nỗi lo lắng đè nặng trong lòng về cái sự loạn luân như một tảng đá ngàn cân được cất đi. Thì nỗi đau đớn của một người đàn ông bị vợ lừa dối mấy chục năm nay, lại như một cái kim sắc nhọn lúc nào cũng cắm sâu trong tim. Song hành với nỗi đau là một tâm trạng khó tả. Quả thật, những ngày sau khi nhận kết quả xét nghiệm của tôi là những ngày không thể miêu tả nổi bằng từ ngữ. Vui mừng. Căm tức. Ân hận. Nhẹ nhõm. Đau đớn. Nhục nhã. Ê chề. Tất cả nháo nhào trong tôi. Hành hạ tôi. Làm tôi sống dở chết dở.

        Không chịu đựng nổi nữa, tôi bỏ về quê.

        Quê tôi làng Ngọc, không xa Hà Nội. Tôi cũng hay về nhưng chỉ một lát lại đi. Bố tôi mất đã lâu, mẹ tôi già, bà đã hơn tám mươi, sống cùng gia đình anh cả. Tôi có về những dịp giỗ chạp thì cũng chỉ hỏi thăm mẹ được dăm ba câu. Đưa biếu mẹ ít tiền, hỏi xem mẹ có cần gì, có thiếu thốn gì không…Mẹ tôi những lúc đó thường bảo tôi là chả thiếu gì, ở nhà đã có anh cả lo đầy đủ. Mẹ thường tranh thủ nói với tôi vài điều với cái giọng đầy lo lắng, y như cái giọng ngày xưa, hôm người ôm vai tôi ở bến sông quê. Mà tôi thì lớn khôn rồi đâu có còn như xưa. Mẹ tôi quy y tại gia từ đận bố tôi mất. Anh cả tôi chiều bà, cho lập ban thờ phật ngay tại nhà. Hàng ngày bà lên hương, gõ mõ, cầu kinh. Mẹ tôi chỉ cầu xin cho con cháu được an lành.

       Tôi về đến nhà đúng lúc mẹ tôi ngồi trước ban thờ. Tôi ra hiệu với anh cả và các cháu để yên cho tôi vào với mẹ. Tôi cũng rón rén quỳ xuống bên người. Mẹ tôi vẫn âm thầm nghiêm trang thành kính hướng lên ban thờ. Dường như người không cả để ý đến sự có mặt của tôi. Một tay người gõ chiếc mõ, những tiếng cốc, cốc…nho nhỏ, nhẹ nhõm. Một tay mẹ tôi đặt trước ngực vừa lần một cái tràng hạt nhỏ. Mẹ tôi đều đều cầu kinh, tiếng người thoang thoảng nhẹ bẫng, như vọng về từ một miền xa thẳm:

                            Nam mô a di đà phật

                            Phật pháp vô biên

                            Hữu sự vô thường

                            Nhân nào quả ấy

                            Gieo ác gặt nghiệt

                            Gieo lành gặt lương

                            Những kẻ cùng đường

                            Phật giang tay vớt

                            Về cõi niết bàn

                            Từ bi hỉ xả

                            Bỏ buông tất cả

                            Phú quí vinh hoa

                            Ác giả ác ma

                            Chuyện đời vay trả

                            Từ bi hỉ xả

                            Tâm sẽ được an

                             Mọi nỗi gian nan

                             Qua hết thanh nhàn

                             Ngay nơi trần thế

                             Từ bi hỉ xả

                             Mọi điều buông bỏ

                             Thù hận cũng buông

                             Sống kiếp vô thường

                             An nhiên cực lạc…


Trần Thanh Cảnh
6/2015.
Ý kiến bạn đọc
04 Tháng Ba 201910:15 SA
Khách
Rất hay và ý nghĩa!
26 Tháng Hai 201912:00 SA
Khách
Hy vọng tác giả cùa "Buông" hoặc BBT Hợp Lưu thử coi lại anh con rể-giai tên Thanh hay Nam ? (Cẩu thả hay đánh máy nhầm !?)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 6743)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 11854)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
13 Tháng Chín 20243:25 SA(Xem: 382)
bay nửa vòng đời ngơ ngác tìm nhau / chưa kịp chạm tay / mùa thu đã cháy / trong lá khô đôi môi nào run rẩy / mãi hoài không gọi nổi / một cái tên
12 Tháng Chín 20246:15 CH(Xem: 690)
Bài thơ GIÓ đã được thi sĩ Đức gốc Việt Nguyễn Chí Trung trình bày từ năm 2004 tại nhiều Đại Hội Thi Ca Quốc Tế (International Poetry Festival) trong các buổi đọc Thơ trước công chúng. Bài thơ được viết bằng tiếng Đức vào mùa Thu năm 1993 và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng cũng như xuất bản ở nhiều quốc gia Âu châu (Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha …).
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 743)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 733)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
12 Tháng Chín 20242:10 CH(Xem: 449)
Ngày xưa hồi còn nhỏ, tui hay nghe bà cố tui đọc câu: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Tui thấy ngồ ngộ dễ thương nên tui nhớ luôn câu ấy ở trong đầu. / Mấy mươi năm trôi qua cho đến giờ tuổi đã về chiều, ngồi ngẫm lại đời mình. À! người ta thì "còn duyên kẻ đón người đưa" còn mình hết cả một đời người trôi qua mà mình có chút duyên nào đâu, vì từ nhỏ cho tới lớn đâu có ai đón đưa, thương nhớ mình chứ ... Xấu hổ thiệt nhưng cũng phải thú thiệt vì ở cái tuổi này rồi, có níu kéo gì nữa đâu hè!! Nói thiệt may ra ông trời ổng thấy tội tội mà kiếp sau ổng cho mình có chút "diên" (duyên)làm vốn lận lưng.
12 Tháng Chín 20242:02 CH(Xem: 934)
đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi! đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi!
03 Tháng Chín 20243:54 CH(Xem: 1452)
Bài thơ “GIÓ” của thi sĩ Nguyễn Chí Trung GỒM 48 tiểu đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tất cả là 192 câu thơ được viết theo thể thơ lục bát. Xuất hiện lần đầu trên thi đàn quốc tế “International Writers In Belgrade” vào năm 2003./ Từ 2004 đến nay khắp các Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ĐHTCQT International Poetry Festival trên thế giới từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc mời tác giả Nguyễn Chí Trung tham dự và đọc Thơ, Ông đều trình bày bài thơ này. Vì thế bài thơ GIÓ được dịch ra nhiều thứ tiếng gốc La tinh của Ậu châu, và cả tiếng Hindi của Ấn, hay tiếng Ả Rập, hay Thụy Điển hay ngôn ngữ tổng hợp Serbo-Croatia v... v...
02 Tháng Chín 20243:46 SA(Xem: 625)
Khi em trở lại / Bằng những cánh tay vàng của lá / Buồn ở nhớ nhung / Những đám mây mùa hè lẩn trốn / Em còn đâu đó trong tôi