- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHỮNG TỜ BẠC

09 Tháng Năm 20183:31 CH(Xem: 29497)
khanhTruong-NhungToBac

 

Chung quanh chiếu bạc, ngoài năm người đang thực sự sát phạt còn có thêm ba người nữa, hai vợ chồng chủ nhà và tôi.

Căn phòng chật mù mịt khói thuốc, có lúc khá ồn, có lúc yên lặng đến nghe rõ hơi thở của nhau.

Canh bạc kéo dài từ một giờ chiều đến bây giờ.

Bây giờ, đồng hồ trên tường chỉ bảy giờ tối.

Bình thường, tôi cũng giữ một chân, nhưng hôm nay tôi đến trễ. Từ ngày công ty mở thêm nhiều chi nhánh, tôi rất bề bộn, vẫn phải làm thêm ngoài giờ, kể cả ngày thứ bảy như hôm nay. Tuy không giàu có như những nhân vật đang ngồi đây, nhưng với chỉ số lương sáu mươi bốn ngàn một năm, chưa kể tiền lời được chia căn cứ theo số cổ phần đầu tư, tôi đương nhiên đứng vào hàng trung lưu có khả năng hội nhập bất cứ cuộc chơi tốn kém nào.

Sáng nay gia chủ gọi cho tôi, giới thiệu sơ qua thành phần tham dự.

Ông Thành, giám đốc hệ thống cung ứng thực phẩm Á châu. Huy, luật sư, du học và tốt nghiệp tại Mỹ vào những năm đầu của thập niên bảy mươi. Hà, vua không ngai trong ngành địa ốc. Phan, chủ chợ. Hổ, cựu chính trị gia, nghề nghiệp không rõ nhưng tiền của thuộc hàng triệu phú.

Dù rất nôn nóng muốn được họp mặt với những nhân vật nổi tiếng này, tôi vẫn không thể không giải quyết một số những công việc cần kíp. Mãi hơn sáu giờ mới tạm xong, tôi gọi phone về nhà dặn cậu em có thể tôi sẽ ngủ lại sở, đừng chờ cửa, rồi vội vã ra xe đến đây, sau khi ghé quán ăn vội bữa cơm tối.

Tôi bước vào phòng khách giữa lúc một ván bài đang ở giai đoạn gay cấn.

Mọi người có vẻ say máu, chẳng ai thèm để ý đến tôi ngoài chủ nhà. Ông ta mang cho tôi một chai bia, hỏi có cần gì thêm nữa không? Tôi lắc đầu nói cảm ơn và ngồi xuống sau lưng Hà, vừa theo dõi cuộc sát phạt vừa nghĩ, với khả năng tài chánh của những con bạc đang hiện diện, không hy vọng sẽ có người cạn láng bỏ cuộc. Đành chầu rìa ăn có đỡ ghiền vậy. Tôi chơi phé không hay, không chuyên nghiệp, nhưng lại rất mê. Có lẽ một phần do số tôi bao giờ cũng đỏ, trong mười lần, ít nhất cũng bảy tám lần được hoặc thủ huề, họa hoằn lắm mới thua.

Tôi đưa mắt nhìn quanh một vòng thử lượng đoán tình hình sắp đến, nhưng chưa kịp có kết luận thì ông Thành đã đẩy ra chiếu một xấp bạc.

Huy và Phan xoay bài, bỏ.

Hà hất hàm hỏi ông Thành,

“Bao nhiêu?”

“Năm tờ.” Ông Thành trả lời.

Hổ nhìn Hà,

“Theo không?”

“Còn ông?”

“Theo chứ. Đã biết mèo nào cắn mỉu nào!”

Hổ vừa trả lời vừa đặt tiền vào tụ.

Hà một tay chống cằm, một tay xóc xóc cọc tiền của mình, suy nghĩ. Mỗi người đã có bốn con bài. Ông Thanh đôi cẩu, một già. Hổ đôi xì, một bạt. Hà đưa tôi xem con bài tẩy của hắn, đôi đầm kít, đôi mười, cả ba tụ bài đều ngang ngửa. Ông Thành có lẽ ba cẩu, nếu ông ta bắt được cây già sẽ thành cù lũ cẩu, nhưng cây già đã nổi trên chiếu, mò thêm một con khó hơn mò kim đáy bể, tứ quý càng vô phương vì cây cẩu cũng đã nổi. Như vậy nếu Hổ bắt được cây xì thì khả năng cù lũ xì sẽ rất có thể, con bạt chưa thấy xuất hiện, nhiều phần nó đang là con bài tẩy của Hổ. Hà liếc mắt kiểm soát hai tụ bài bỏ. Chưa có cây đầm nào lộ mặt. Cây đầm rất sáng. Nhìn mặt bài, tụ của Hổ và ông Thành chiếm ưu thế hơn. Nhưng bài bạc mà, biết đâu chừng. Có điều bỏ ra gần năm trăm để mua một con bài kể có nặng. Hà suy nghĩ khá lâu. Tôi ngồi phía sau hắn hồi hộp theo dõi, rất muốn thúc hắn tham dự ván bài.

Ông Thành châm một điếu thuốc, rung đùi,

“Theo chứ?”

“Từ từ.” Hà trầm giọng.

Ba phút trôi qua, cuối cùng hắn quyết định theo. Ông Thành cười lớn,

“Chà, gay cấn đây.”

Và đưa tay rút một con, dấu kín dưới lá đót chưa coi vội. Hổ rút con kế tiếp, hắn nặn rất chậm. Bỗng chửi thề vất con bài ra chiếu.

Cây bồi. Hà thở phào nhẹ nhõm. Như vậy bài của Hổ đã bể. Thêm một địch thủ bị loại khỏi vòng chiến. Chỉ còn hai người. Hà rút. Tôi ghé mắt coi ké. Tôi cũng thở phào. Hà chậm rãi đặt con bài lên tụ của mình. Con mười, cả làng xôn xao. Hà hất hàm vẻ đắc thắng về phía ông Thành,

“Ba xập đủ ăn ba cẩu rồi chứ?”

Ông Thành không trả lời, bình tĩnh kéo một hơi thuốc, từ tốn nặn và đặt con già xuống chiếu, sắc mặt không thay đổi.

Hà ngồi im cố dấu sự khoái trá. Ván này nhất định ông Thành sẽ cạn láng, tôi nghĩ. Không ai có thể ngờ Hà đang có đôi đầm kít. Bài kín như bưng. Ông Thành mua được con bài mình muốn. Thế mới chết! Làm sao ông ta hiểu được đã vừa mua thêm tai họa. Hà làm ra vẻ bất an,

“Cù lũ bạt thật sao cha?”

Ông Thành nhìn vào mắt Hà, từ tốn,

“Đánh đi.”

Hà cầm cọc tiền lên định ném hết vào láng. Nghĩ sao bỏ xuống, chỉ tố thêm hai nghìn,

“Thật thì nhào vô.”

Tôi biết Hà muốn tẩy xạc nhưng sợ lộ liễu quá ông Thành đoán ra sẽ bỏ nên cố tình nương nhẹ để câu địch thủ. Hắn tính hợp ý tôi, tố vừa phải ông Thành tiếc ván bài, cay cú thế nào cũng theo, nếu mạnh tay hơn gặp người đánh cao hoặc nhát đòn có khi lại hỏng ăn.

“Thật hay không chưa biết, nhưng ba xập đánh thế thì văn nghệ quá. Mà đây lại đếch thích văn nghệ, mới phiền!” Ông Thành vừa cười vừa đẩy hết đống tiền còn lại của mình ra chiếu, tiếp,

“Láng tẩy.”

Hà ngước mắt nhìn địch thủ. Vẻ rạng rỡ trên khuôn mặt hắn bây giờ không thể che dấu. Tôi thấy hai bàn tay đặt trên đùi Hà run run. Thần kinh tôi cũng căng thẳng không kém. Ông Thành thua ván này đậm quá. Đánh phé như thế, yếu xìu, yếu hơn cả tôi là cái chắc. Từ lúc ông ta khởi tố năm trăm đồng, ai cũng nghĩ bài của ông ta đã lộ, nếu không có ba bạt, chẳng ai ngu dại bỏ ra những năm tờ để mua một con bài hú họa, con bài duy nhất còn lại trong tụ. Hà lại chống cằm đóng kịch suy nghĩ. Tôi nói nhỏ vào tai hắn,

“Cho tôi theo năm bớp.”

Hà không nhìn tôi,

“Bỏ năm tờ vào đi.”

Tôi móc ví. Hà vớ cọc tiền mới ông Thành vừa vất ra, đếm. Tất cả năm nghìn tư ba chục. Trừ hai nghìn đánh trước, cộng năm trăm của tôi, Hà phải thêm vào hai nghìn chín trăm ba chục nữa. Hắn gãy gọn,

“Bắt.”

Chủ nhà ngồi sau lưng Huy vói tay tới trước gom đống tiền sắp lại vuông vức, đồng thời lấy hai tờ trăm bỏ vào cái giỏ mây đặt bên cạnh. Chẳng hiểu điều gì vừa nẩy ra bên trong chiếc trán hói kia, khiến ông ta chậc lưỡi,

“Chừng này gởi về Việt nam dám xây được một cáí bệnh xá chứ chẳng chơi.”

Câu nói đùa không được hưởng ứng, nó chìm lỉm vào không khí căng thẳng đang vây bọc quanh những con bạc. Hà ngồi thẳng lưng,

“Xong chưa?”

“Xong.” Chủ nhà trả lời.

Hà chồm người qua đống tiền, dùng lá đót kéo con bài tẩy của ông Thành về phía mình, đưa lên cao, nặn.

Cả làng nín thở theo dõi từng động tác của Hà. Sắc mặt hắn chợt đổi, hai bàn tay run nhiều hơn, hắn vọt miệng chửi tục,

“Đụ mẹ, bài phản!”

Và vất con bài ra chiếu. Con bài nằm ngửa bụng tênh hênh như chọc vào mắt mọi người. Con già. Cù lũ già!

Tôi nhủ thầm, đi đứt năm bò!

Không, ông Thành không yếu như tôi tưởng. Nhìn nét mặt lạnh tanh của ông ta, tôi tiếp tục tự cảnh giác, lần sau, gặp tay này liệu mà giữ thân, chết như chơi!

Hà đứng dậy,

“Hôm nay xui quá.”

Và quay qua tôi,

“Ông thế tôi một lát, phải nghỉ xả xui mới được, liên tiếp bốn ván bị phản phé, đánh đấm quái gì được nữa.”

Hà đến sofa ngả người nằm đốt thuốc hút. Tôi ngồi vào chỗ của hắn, lấy tiền ra đậu láng.

Cuộc chơi tiếp tục.

Tôi thua dài dài cả chục ván, hai lần phải ký check đổi tiền mặt của chủ nhà, nhưng tới nửa đêm thì vận đỏ xoay về phía tôi. Đến sáng, tan cuộc chẳng những tôi gỡ được vốn, còn lời thêm nghìn tư. Ông Thành thắng lớn. Hổ thua đậm nhất, đi đứt hơn chục nghìn, Phan thủ huề, Huy có lẽ kiếm được chút đỉnh. Hà từ khi nhường chỗ cho tôi nằm lầu bầu văng tục một lúc rồi ngủ thẳng cẳng đến sáng, hắn cũng thua gần sáu thiên. Dĩ nhiên không thể quên hai người chẳng bao giờ thua: vợ chồng gia chủ, khiêm nhường lắm cũng vồ được hai nghìn tiền xâu.

Ông Thành rủ cả bọn đi ăn sáng. Tôi cảm thấy buồn ngủ muốn về ngay. Đi với đám này lại dông dài không chừng mất cả buổi sáng. Trên đường về tôi ghé một quán phở ăn qua quít dằn bụng. Cơn buồn ngủ làm hai mí mắt nặng trĩu. Tôi tự nhủ lát nữa sẽ ngủ thẳng một giấc đến chiều. Hôm nay chủ nhật, tối nay có cái hẹn với Hạnh. Phải dưỡng sức để còn rong chơi nhảy nhót và quần nhau suốt đêm chứ.

Tôi sống khá bừa bãi. Gần bốn mươi tuổi, độc thân, bố mẹ đã qua đời, chỉ phải lo cho một đứa em trai duy nhất, tiền bạc dư giả, tiêu pha hào phóng, vì vậy tôi có khá đông bạn bè và tình nhân. Trong rất nhiều những tình nhân này từng có đôi người tôi yêu thực sự, vài lần định tiến xa, nhưng hình như tôi cao số, rốt cuộc chẳng đi đến đâu, vả, có lẽ tiền bạc đã làm tôi hư hỏng. Tôi, dưới mắt của một số đàn bà con gái, là con mồi béo bở, họ đến với tôi do mãnh lực của đồng tiền nhiều hơn sự rung động chân thật của trái tim. Trong tình yêu, nếu trái tim không chịu tham dự, sẽ chỉ là đổi chác thuần tính vật dục, lâu dần trở thành một thói quen, nó giết chết sự thơ mộng vốn là nhân tố cần thiết giữa tương quan nam nữ. Tôi, trong tôi, sự thơ mộng kia đã bị khai tử từ lâu!

Tôi quen Hạnh đã ba tháng nay. Hạnh lẳng lơ và táo bạo. Một mẫu đàn bà có ít chất xám trong đầu nhưng lại rất thừa chất nhờn ở phần hạ thể. Yêu Hạnh, dĩ nhiên không, càng không thể nghĩ chuyện ăn đời ở kiếp. Hạnh cũng chẳng quan tâm đến điều đó, đối với nàng, sống là phóng về phía trước, băng băng như một mũi tên, vượt qua những ràng buộc đạo đức, những tai tiếng hệ lụy. Hạnh lý luận rẻ tiền,

“Một người đàn bà qua năm bảy mối tình sẽ đương nhiên bị xếp vào loại lẳng lơ mất nết, trong khi đàn ông càng từng trải trong tình trường bao nhiêu càng được xem như những người lịch duyệt! Điều đó bất công chứ? Em không có ý nổi loạn để phá vỡ cái trật tự kỳ cục kia, nhưng cũng bực mình. Cuối cùng em nhận thấy cách tốt nhất cứ sống như mình thích, mặc kệ thiên hạ muốn nghĩ gì thì nghĩ.”

Tôi lên mặt triết lý ba xu,

“Cái gì cũng có giá của nó. Em sẽ phảỉ trả một giá đắt cho quan niệm cứ sống như mình thích của em.”

“Em đang trả đây thôi. Anh hẳn đã nghe những tai tiếng về em rồi mà. Ngay cả anh nữa, sức mấy anh dám lấy em làm vợ, phải không.”

Phải, sức mấy tôi dám lấy nàng làm vợ. Hạnh biết vậy nên chẳng bao giờ du tôi vào thế kẹt. Tôi nghĩ - với một chút trắc ẩn - đó là sự khôn ngoan duy nhất của nàng.

Tôi lái xe vào lối đi tráng xi măng. Đứa em trai đang đứng trên bậc thềm cùng cô bạn gái. Thiếu nữ khẽ nghiêng đầu chào, tôi mỉm cười đáp lễ rồi quay qua cậu em,

“Có ai gọi anh không?”

“Có, chị Hạnh.”

“Bao giờ?”

“Tối qua.”

“Em trả lời thế nào?”

“Như anh dặn.”

“Tốt. Hình như các em sắp đi đâu?”

“Dạ, đến thư viện.”

“Anh cần ngủ, sẽ tắt phone trong phòng. Nếu em về sớm, có ai gọi nói anh đi vắng, nhé.”

Đứa em trai gật đầu. Tôi vào bathroom rửa mặt, trở ra cởi quần áo leo lên giường. Căn phòng mát lạnh. Tôi kéo tấm chăn mỏng đắp kín ngang ngực, nhắm mắt. Tôi biết giấc ngủ sẽ đến ngay, vì hai mí mắt đã mọng cứng, cay xè.

Tôi thức dậy vào lúc bảy giờ chiều, cũng vừa lúc Hạnh gọi nhắc tôi về buổi du hí tối nay. Tôi nói sẽ đến đón nàng trong vòng một tiếng đồng hồ nữa.

Tôi trầm mình trong bồn tắm. Một giấc ngủ dài không mộng mị, hơi ấm của nhiệt độ nước được pha vừa phải, mùi xà phòng quyện trong không khí khiến đầu óc tôi tỉnh táo hơn. Nghĩ đến cuộc hẹn với Hạnh, tôi cảm thấy vui vui.

Tắm xong tôi trở lại phòng ngủ bật TV xem một lát rồi thay quần áo đến đón nàng.

Chiếc xe chưa vào đến parking Hạnh đã từ nhà đi ra. Tôi mở cửa. Hạnh nhanh nhẹn bước lên. Trong bóng tối chập choạng, tôi nhìn thấy đôi môi Hạnh bóng nhẫy và mùi nước hoa từ thân thể nàng toát ra thoang thoảng quyến rũ. Tôi nói,

“Cho anh hôn.”

Nàng nghiêng người ngước mặt về phía tôi. Chúng tôi hôn nhau. Khi rời ra Hạnh nhìn tôi cười,

“Son dính tùm lum kìa.”

Và vói tay rút tờ “nápkin” lau cho tôi.

“Đi ăn chứ?” Tôi hỏi Hạnh.

Nàng gật đầu,

“Anh đói lắm phải không? Mình xuống đường Beach ăn cơm Thái lan. Cay lùng bùng hai lỗ tai nhưng ngon tuyệt.”

Tôi đưa Hạnh đến nơi nàng chỉ. Đó là một restaurant thuộc loại nhỏ, bên trong bày biện có vẻ xập xệ. Một tấm hình chụp được phóng lớn treo trên bức tường ngang, hai ba cô gái Thái với quốc phục màu sắc lòe loẹt, đầu đội những chiếc mũ nhọn, đang uốn éo tay chân trong một vũ điệu dân tộc đặc thù của xứ chùa tháp. Tấm hình này tôi vẫn thường thấy ở phòng bán vé các công ty du lịch, quen mắt đến chẳng gây nổi ấn tượng. Quán đông, đa số là người Thái, họ nói chuyện với nhau bằng một thứ ngôn ngữ líu lo tôi hoàn toàn không hiểu. Thâm tâm tôi có hơi thất vọng nghĩ cứ “về tắm ao ta” coi bộ thoải mái hơn. Mãi đến lúc dùng xong bữa tôi mới công nhận Hạnh nói đúng, thức ăn Thái lan quả có cay và ngon thật.

Từ quán ăn ra đã mười giờ, tôi chạy luôn đến vũ trường. Ở đó tôi gặp một số bạn bè quen, chúng tôi uống rượu và nhảy. Nửa đêm vãn cuộc, tôi ngà ngà say. Sau khi chia tay với đám bạn, Hạnh nói,

“Đưa chìa khóa đây em lái.”

Đã một lần bị rắc rối về việc say rượu lái xe, nên khi nghe Hạnh đề nghị tôi bằng lòng ngay. Tôi đưa chìa khóa cho nàng. Chiếc xe bò ra khỏi parking. Hai chiếc quạt nước xua tan lớp sương đọng mù khung kính. Dù cửa đã đóng kín nhưng tôi vẫn rùng mình ớn lạnh. Tôi nói Hạnh mở máy sưởi và lục túi tìm thuốc hút. Chiếc bao giấy xẹp lép không còn điếu nào.

“Ghé đâu đó anh mua bao thuốc.”

Hạnh cho xe rẽ vào cây xăng chỗ ngã tư. Tôi vỗ vỗ bàn tay lên đùi nàng,

“Đừng tắt máy anh ra ngay.”

Chờ người đàn ông đứng phía trước trả tiền xong rời chỗ, tôi bước tới vói tay lấy hai gói Marlboro Light thẩy lên mặt quầy, kèm theo tờ dollar năm đồng. Gã thâu ngân người da đen nhanh nhẹn đưa cho tôi hai tờ giấy xanh. Gã cười lịch sự,

“Thank you sir.”

Tôi cầm hai tờ bạc, nhận ra ngay gã thâu ngân đã thối lộn. Gã tưởng tôi vừa đưa mười đồng nên thối lại những sáu đồng. Tôi nghĩ thầm, được hai bao thuốc không mất tiền lại lời thêm một dollar. Cảm giác thích thú trộn lẫn lo sợ dấy lên trong lòng, tôi vội vã bước nhanh ra cửa, hối hả bảo Hạnh rời chỗ đậu ngay. Thâm tâm, tôi ngại gã thâu ngân phát hiện ra sự lầm lẫn sẽ chạy theo đòi lại. Thấy tôi có vẻ nôn nóng, Hạnh hỏi,

“Bộ anh say lắm à?”

“Ừ, có lẽ anh sắp ói. Nhanh lên em.”

Hạnh tưởng thật, nhấn chân ga, chiếc xe chồm tới, phóng ra đường chạy băng băng trên mặt nhựa rộng. Đêm đã ngả về sáng, đường phố trở nên rộng thênh thang. Tôi ngả người vào chỗ tựa, nhắm mắt. Cảm giác lo sợ không còn, sự thích thú cũng rút đi. Tôi giật mình bàng hoàng. Vừa rồi, tôi đã hành xử như một tên ăn cắp hèn hạ! Ồ, có thể như vậy được chăng? Tại sao tôi lại làm thế? Vì say? Không. Tôi mở mắt quay qua nhìn Hạnh, định nói nàng vòng xe lui. Nhưng tôi thở dài chán nản. Chẳng giải quyết được gì hết. Cho dù tôi có trả lại cho gã thâu ngân số tiền thối dư thì câu chuyện vẫn nguyên trạng. Vấn đề không phải ở đó. Vấn đề là bởi động cơ tối tăm nào tôi cảm thấy khoái lạc một cách mọi rợ khi ăn gian được của gã sáu dollars? Hôm qua tôi đánh bạc, thắng, thua chỉ một ván bài đã có khi lên đến vài nghìn. Tối nay tôi cũng vừa rong chơi với Hạnh, riêng tiền “típ” tôi cho cô tiếp viên đã ngót ngét năm chục, kể gì đến bia rượu đổ như suối. Trên năm trăm đồng bay vèo qua cửa sổ không làm tôi động tâm mảy may. Với khả năng làm tiền của tôi, với cung cách tiêu pha hào phóng nổi tiếng từ trước đến nay, mấy đồng bạc nào có nghĩa gì đâu? Vậy mà tôi lại sung sướng vì nó, vậy mà tôi lấm la lấm lét, vội vội vàng vàng cút nhanh ra khỏi cây xăng với một cảm giác ngây ngất đầy thú tính cùng nỗi hãi sợ đốn mạt!

Tôi hình dung khuôn mặt của gã bán hàng có nụ cười trắng bóng hai hàm răng. Thank you sir. Cảm ơn ngài. Ngài! Khuôn mặt gã da đen lớn dần, nụ cười biến thành tiếng cười vang động. Hắn nhìn tôi, nheo nheo đôi mắt như mỉa mai giễu cợt. Ngài! Cảm ơn ngài! Cảm giác tủi hổ trào lên, tiếp tục tăng trưởng khiến ngực tôi tức nghẹn.

Bỗng nhiên tôi nhớ đến một kỷ niệm xảy ra trên hai mươi năm trước.

Năm đó tôi mười một tuổi, đứa em trai hiện đang sống với tôi chưa ra đời. Gia đình tôi thuộc thành phần giàu có nhất nhì trong tỉnh, tôi lại là con một nên được cưng chiều rất mực. Có thể nói ấu thơ tôi được bọc kín bằng nhung lụa. Lên tám, tôi đã biết tiêu tiền và tiêu rất bạo. Khi thích một đồ vật gì tôi mua ngay, không đủ tiền cũng cố vòi vĩnh cho bằng được mới thôi. Mỗi sáng trước khi đến trường, dù đã ăn uống đầy đủ, trong túi tôi vẫn luôn luôn có thêm năm mươi đồng tiêu vặt. Nên nhớ vào những năm đầu của thập niên sáu mươi, với năm mươi đồng, một gia đình nghèo có thể sống no đủ vài ba ngày. Nói rõ như thế để thấy rằng thuở đó tôi “phong lưu” biết bao nhiêu, và lơ mơ về giá trị của đồng tiền cũng biết bao nhiêu.

Nhà tôi tọa lạc ngay phố chính của tỉnh lỵ. Đó là một khối building bốn tầng. Ba tầng trên để ở, tầng trệt là Trung Tâm Nhập Cảng Dụng Cụ Nông Cơ do bố tôi làm chủ. Bên cạnh nhà có một khoảng đất trống, hai năm trước chị người làm của gia đình tôi đi lấy chồng, sau ngày cưới chị trở lại xin bố mẹ tôi cho mướn miếng đất để chồng chị che một mái tôn làm chỗ sửa xe gắn máy kiếm sống. Anh ta chỉ làm việc ban ngày, chiều về với gia đình. Bố mẹ tôi thấy miếng đất bỏ không chỉ tổ mất công làm cỏ nên vui vẻ bằng lòng. Dần dà, từ một chái tôn ọp ẹp, nhờ cần mẫn chăm chỉ, hai vợ chồng chị người làm mỗi ngày mỗi tu chỉnh và nới rộng thêm ra. Trong vòng hai năm, đã nghiễm nhiên biến thành cửa tiệm khang trang bề thế.

Một buổi sáng chủ nhật tôi lân la qua tiệm sửa xe xem ông chủ làm việc, đồng thời cũng có ý chờ gã bán kẹo kéo sắp đi ngang. Tôi đứng chỗ hai trụ cổng ximăng bên ngoài chứ không vào sâu phía trong, tôi sợ gã bán kẹo sẽ đi hút không nhìn kịp. Tôi đứng khoảng năm phút thì một thanh niên dẫn chiếc Honda vào tiệm.

“Nhờ chú coi dùm cái xe, đạp mãi không nổ.” Thanh niên nói.

Sau một hồi kiểm tra máy móc, ông chủ kết luận,

“Vít lửa mòn hết rồi, phải thay cái mới.”

“Bao nhiêu chú?”

“Hai chục.”

“Chú thay giùm đi.”

Xong việc, chàng thanh niên móc ví đưa cho ông chủ hai tờ mười đồng. Đang bận tay với một chiếc xe khác vừa mới mang vào, ông chủ nói,

“Anh để trên bàn hộ tôi.”

Chàng thanh niên làm theo, nói cảm ơn rồi lên xe phóng đi.

Ngay lúc đó một đứa bé, khoảng chín mười tuổi, dẫn người đàn bà mù bước vào tiệm. Đứa bé da xanh mướt lốm đốm vô số những mụn ghẻ nước, hai trũng mắt thâm quầng, mái tóc rối vàng hoe, chiếc quần đùi đang mặc rách tả tơi, lộ hẳn hai mông đít đen mốc ra ngoài. Người đàn bà cầm một đầu cây gậy tre, đầu kia trong tay thằng bé, bà ta bước chập choạng theo sau nó, đôi chân khẳng khiu không ngừng run lẩy bẩy bên trong hai ống quần đen vá chằng vá đụp, gấu đã rách te tưa. Đứa bé cầm chiếc bát sành sứt mẻ chìa về phía ông chủ,

“Chú làm ơn làm phước...”

Ông chủ quay ngang, nhăn mặt,

“Không có, đi đi.”

Đứa trẻ lùi lại chỗ chiếc bàn, tiếp tục nài nỉ.

Một cơn gió lớn bỗng cuốn ngang, hai tờ bạc rơi xuống đất một tờ bay đến tận chỗ tôi đứng. Nhanh như điện, tôi dẫm bàn chân lên tờ giấy bạc. Tôi đứng yên ra vẻ bình thản. Một lúc, biết chắc không ai để ý, tôi ngồi xuống lượm vội nhét vào túi.

Thằng bé ăn xin vẫn tiếp tục lải nhải. Ông chủ nổi nóng đứng dậy, định tỏ thái độ với thằng bé, chợt ông ta phát hiện hai tờ bạc không còn nằm trên bàn. Ông tìm quanh, cúi lượm một tờ, tờ còn lại chẳng thấy đâu. Lập tức ông xoáy tia nhìn vào thằng bé,

“Mầy mới lấy mười đồng phải không?”

Thằng bé dương mắt vẻ ngạc nhiên. Hắn chưa kịp hiểu, vì dù đứng chỗ góc bàn nhưng mặt quay về phía ông chủ, hắn chưa thấy hai tờ bạc. Ông chủ lặp lại, giọng gay gắt,

“Phải không?”

“Con... Con...”

“Khôn hồn trả đây ngay, tao gọi cảnh sát còng cổ bây giờ.”

“Con... Con... đâu có lấy...”

“Đồ lưu manh. Không mày thì còn ai vào đây, hả?

“Con không lấy thật mà...”

Ông chủ nổi nóng chồm tới, vươn tay túm cổ áo thằng bé nhấc lên. Nó co rúm người lại, khuôn mặt tái xanh càng thêm tái. Ồng ta gằn giọng,

“Có trả không, nói?”

“Con không lấy mà... Chú ơi, oan con...”

Nó bật khóc, nước mắt ràn rụa. Người đàn bà mù cất giọng hốt hoảng,

“Chuyện chi rứa...?”

“Mẹ ơi, ông này nói con ăn cắp tiền của ổng. Đâu có mẹ ơi...”

Ông chủ vẫn túm chặt cổ áo thằng bé, hai mắt ông trợn ngược, tay còn lại đưa lên trong tư thế sắp bạt tai. Nó vùng vẫy thoát ra được, lùi dài về phía sau. Ông chủ hét lớn,

“Mày chạy hả... Chạy hả...”

Và nhảy tới. Thằng bé sợ quá luồn nhanh qua gầm bàn, vụt ra cổng. Ông chủ vừa la bai bải tao đập bỏ mẹ mầy... đồ lưu manh... Tao đập bỏ mẹ mầy... Vừa đuổi theo.

Một chiếc xe nhà binh từ hướng ngã tư kềnh càng lao xuống. Chẳng hiểu thằng bé có nhìn thấy hay không, nó vẫn cuống cuồng phóng ngang lộ. Chiếc xe đảo qua đảo lại, kéo dài tiếng rít trên mặt nhựa buốt óc. Tôi hét lớn xe... Xe... Nhưng đã muộn! Cái đầu máy màu cứt ngựa mốc thếch chồm lên, thằng bé ngã bật ra, mất biến dưới gầm xe...

Gần ba mươi năm kể từ biến cố thảm khốc kia, tôi tự hứa sẽ không bao giờ nữa trong suốt cuộc đời còn lại, tái phạm hành vi ăn cắp, dù dưới bất cứ hình thức nào. Lời hứa đó tôi đã giữ được, cho đến hôm nay.

Hôm nay, động cơ và nguyên nhân tối tăm nào đã thúc đẩy tôi, thêm một lần, trở thành kẻ cắp đốn mạt? Tôi nhớ đến cảm giác vừa ngất ngây khoái lạc vừa lo sợ luống cuống lúc vội vàng rời trạm xăng. Bỗng nhiên tôi lợm giọng, muốn ói.

Chiếc xe đã vào đến lối đi tráng ximăng, Hạnh tắt máy mở cửa bước ra, vòng qua phía tôi,

“Xuống anh.”

Nàng đưa tay ra cho tôi nắm. Tôi cầm bàn tay của nàng, bàn tay nóng ấm mềm mại. Tôi nói,

“Cảm ơn em, anh đi được.”

Tôi bước lên mấy bậc cấp đầu thềm, Hạnh theo sau. Cảm giác lợm giọng tiếp tục gia tăng, bụng cồn cào quặn thắt, và không cách chi kềm hãm kịp, tôi nôn thốc tháo ngay dưới chân cánh cửa gỗ dẫn vào phòng khách. Thức ăn chưa tiêu hóa trộn lẫn với men rượu bốc lên oi nồng. Hạnh hốt hoảng,

“Ồ... Ồ... Anh say quá rồi...”

Tôi chống hai tay lên mặt cửa, thở dốc. Một lát, tôi nói với Hạnh,

“Yên trí, anh đâu có say.”

Quả vậy, tôi không say, tôi hoàn toàn tỉnh táo. Cơ thể tôi thừa khả năng để dung chứa một lượng rượu nhiều gấp bốn lần tối nay kia mà.

Nhìn bãi nôn lầy nhầy dưới chân, bãi nôn đang bốc lên cái mùi vị khăm khẳm chua lè, tim tôi nhói buốt. Tôi gục đầu vào tấm cửa gỗ. Hạnh nói,

“Khỏe chưa anh? Vào nhà em pha nước chanh anh uống dã rượu.”

Tôi không trả lời.

Trong đầu tôi bỗng vang dội tiếng thắng rít dài trên mặt nhựa và hình ảnh thằng bé ngã vật ra, mất biến dưới gầm xe, cùng với nụ cười sáng bóng đôi hàm răng của gã da đcn. Thank you sir.

Tôi bật cười, nụ cười khiến nước mắt tôi trào ra ràn rụa.

 

KHÁNH TRƯỜNG

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 6390)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 11637)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
03 Tháng Chín 20243:54 CH(Xem: 1046)
Bài thơ “GIÓ” của thi sĩ Nguyễn Chí Trung GỒM 48 tiểu đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tất cả là 192 câu thơ được viết theo thể thơ lục bát. Xuất hiện lần đầu trên thi đàn quốc tế “International Writers In Belgrade” vào năm 2003./ Từ 2004 đến nay khắp các Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ĐHTCQT International Poetry Festival trên thế giới từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc mời tác giả Nguyễn Chí Trung tham dự và đọc Thơ, Ông đều trình bày bài thơ này. Vì thế bài thơ GIÓ được dịch ra nhiều thứ tiếng gốc La tinh của Ậu châu, và cả tiếng Hindi của Ấn, hay tiếng Ả Rập, hay Thụy Điển hay ngôn ngữ tổng hợp Serbo-Croatia v... v...
02 Tháng Chín 20243:46 SA(Xem: 487)
Khi em trở lại / Bằng những cánh tay vàng của lá / Buồn ở nhớ nhung / Những đám mây mùa hè lẩn trốn / Em còn đâu đó trong tôi
02 Tháng Chín 20242:11 SA(Xem: 977)
Tôi biết chị Hoàng Thị Bích Hà qua một cuộc gặp gỡ giao lưu giới thiệu sách song ngữ "Nhịp Điệu Việt." Từ lần đầu tiên gặp gỡ đó, giữa chúng tôi đã nảy sinh một sự kết nối đặc biệt. Chị Hà để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi không chỉ bởi vẻ hiền dịu, mà còn bởi sự sắc sảo và tinh tế trong từng bài viết của chị. Mỗi tác phẩm của chị đều thể hiện một sự chu đáo, cẩn trọng và đầy tâm huyết. Hoàng Thị Bích Hà là một tác giả đầy nhiệt tâm với một gia tài văn chương đáng nể. Chị đã xuất bản 16 tác phẩm gồm 4 cuốn bình luận văn học, 2 tập truyện ngắn và tùy bút, cùng 10 tập thơ. Ngoài ra, chị còn góp mặt trong nhiều tuyển văn và thơ, khẳng định vị thế của mình trong làng văn học trong và ngoài nước. Trong tập truyện "Bông Cúc Xanh," chị Hà một lần nữa cho chúng ta thấy khả năng văn chương của mình qua những câu chuyện ngắn đầy sâu lắng và ý nghĩa. (Võ Thị Như Mai )
01 Tháng Chín 202412:44 SA(Xem: 1344)
LỜI TÁC GIẢ- Thứ Bảy, ngày 17 tháng 8 năm 2024, đài phát thanh Radio del Poeta CALIDOSCOPIO - Musica y Poesia del Mundo (Âm Nhạc Và Thi Ca Thế Giới) - giới thiệu Thơ của Nguyễn Chí Trung trong chương trình phát sóng từ Mexico và Argentina (tại Tây Ban Nha và Ý vào ngày hôm sau, Chủ Nhật 20.08). Nữ thi sĩ Ana Maria Garrido, giám đốc nghệ thuật của chương trình, đọc một tác phẩm Thơ của NCT, tựa đề là Tam Ca "RỪNG - LÁ - CÂY" :
31 Tháng Tám 202411:53 CH(Xem: 1267)
nhiều hơn tôi tưởng / thơ làm tôi / con mắt dốc ngược vào tóc / búi thi em xõa mềm / hồn cảnh nghiêng sâu huyền mắt thoại
31 Tháng Tám 202411:44 CH(Xem: 1254)
Bụi tro hụt hẫng lời ru / Cho rưng rưng trắng phù du mái đầu / Lá rơi níu hạt mưa ngâu / Ta về níu bóng giàn trầu hóa duyên
31 Tháng Tám 202411:01 CH(Xem: 1169)
Những bài thơ dưới đây được dịch ra tiếng Việt từ cuốn ”100 Poems from the Japanese” của thi sĩ/dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều bản chất tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng.
31 Tháng Tám 202410:09 CH(Xem: 1152)
Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn QuI Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả vòng đeo tay cho con gái. Có một thời tôi bán rất đắt hàng kể cả bán sỉ và lẻ. / Trong chợ có một chị làm công cho các quầy hàng bún phở. Chi tên Xíu, chuyên đi bưng bê các tô bún, tô cháo, hoặc là trà đá chanh, sinh tố cho bạn hàng buôn bán trong chợ. Ngày nào chị cũng ngang qua hàng của tôi mà ngắm nhin. Một buổi chiều sau khi xong việc, chị dừng lại hàng tôi và chỉ chiếc vòng mã não Mỹ mà tôi chưng bày trong tủ kính ( hồi thời đó vòng mã não rất quý).