Tôi khởi viết những dòng chữ đầu tiên này khi chị Phạm Đoan Trang - một nhà báo tự do - vừa bị công an bắt. Nhưng dù chị được thả ra hay lại bị bắt lại, tôi tin rằng chị vẫn luôn luôn là người tự do. Những hàng rào công an hay bốn bức tường gạch của chế độ này, dù có muốn, cũng không thể giam giữ tâm hồn của người phụ nữ ấy.
Trong một bài viết sẵn, để chia tay tự do, mang tên “Chúng sẽ đến trong 5 phút nữa”, tôi nghe chị mô tả về một buổi làm việc của chị với công an có cả tiếng đàn guitar và tiếng mưa rơi. Điều gì làm cho Hà Nội trong con mắt của người phụ nữ bị truy bức ấy vẫn gần gũi, thân thiết và đẹp lạ lùng như thế?
*
Mỗi người có một chọn lựa. Nhưng chọn trở về, ở lại, đối mặt và sống cùng những khắc nghiệt của bạo lực… chắc hẳn giá trị mà chị theo đuổi phải là vô giá. Và tôi tin người phụ nữ này cũng đang cầm giữ một thứ hạnh phúc cũng vô giá không kém. Thế nên, tiếng đàn cùng những ca từ của “If” làm cho tấm lòng và tình yêu của chị trở nên tha thiết vô cùng.
Ca nhạc sĩ David Gates viết “If” với hình ảnh người con gái ông mơ về, còn Đoan Trang hát “If” với cái chọn lựa khắc nghiệt của chị làm cơn mưa Hà Nội chợt ướt hết lòng tôi. Tôi thấy lòng mình cũng thổn thức theo tiếng đàn của người phụ nữ ấy. Phải rồi, “Chẳng có nơi nào là nhà nếu nơi đó không là quê hương. Và nếu khi nào trái đất ngừng quay, rồi chậm dần đi vào cõi chết, thì phút giây cuối cùng ấy, chúng ta cũng sẽ chọn ở cùng mảnh đất này”. Cách đây gần nữa thế kỷ, những người lính miền Nam đem vợ con vượt thoát đến vùng đất tự do rồi lại lặng lẽ quay trở về, dù con đường dẫn về quê hương phải mở lối bằng chết chóc và hàng vạn những gian nan. Thế mà sau hàng mấy thập niên xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, ngày nay người VN hăm hở rời bỏ quê hương mà không hề dừng lại, tự hỏi xem mình đã đánh mất những gì!
**
Cuộc rượt đuổi giữa nhà báo Đoan Trang và công an ly kỳ như một cuốn phim trinh thám. Chỉ khác nó không hề là một trò giải trí. Trong cuộc rượt đuổi đó, có những người lái xe ôm, đeo khẩu trang bịt kín mặt, chỉ còn đôi mắt để nhận diện nhau. Và người phụ nữ với đôi chân mang thương tích, với tâm hồn từng bị nhấn chìm, từng bị làm nhục, run rẩy bám chặt vào áo của người lái xe phía trước.
Chị sợ!? Chắc chắn rồi. Mật vụ VN vẫn quen thói bắt cóc, hành hung bất kể ai, bất chấp phụ nữ. Chị Nguyễn Thị Thái Lai ở Khánh Hòa từng bị 4 người mặc thường phục xông vào đánh tới ngất xỉu; chị Thúy Quỳnh, Ngô Thị Hồng Lâm, Trang Nhung từng bị bắt cóc, bị thẩm vấn, bị đánh đập tàn nhẫn rồi quăng giữa đồng không mông quạnh vào lúc 9 giờ đêm, …
Thế nhưng, bằng một cách nào đó, những con người thầm lặng lại đang bắt đầu nhân rộng. Tôi cảm nhận được sự vươn dậy mạnh mẽ của đám đông đang nhân rộng đó. Họ đang đón chào bóng tối, mặc nhiên chấp nhận trả những cái giá không rẻ chút nào để làm nhân tố tạo nên đổi thay. Sẽ chẳng ai biết đến những gì Ls Phạm Công Út đã làm, nếu hôm nay ông không bị khai trừ khỏi Luật Sư Đoàn của thành phố. Nhiều người có lẽ bàng hoàng khi nhận tin ông bị khai trừ, nhưng hãy nghe chính Ls Út nói về những suy nghĩ của ông khi nhận quyết định này: “Tôi cho luật sư giống như hiệp sĩ thời phong kiến của Châu Âu. Khi làm hiệp sĩ thì có lúc thắng có lúc bại. Lúc thắng thì mang cái thắng đến cho người khác, còn lúc bại thì mình là người phải trả giá. Dấn thân vào con đường hiệp sĩ thì phải chấp nhận vậy thôi.”
Chia sẻ của Ls Phạm Công Út làm chúng ta chợt nhận ra con người trong cái xã hội bị lên án là tiêu cực - vô cảm này, bắt đầu chán sống với sự giả dối. Và những cái bóng thầm lặng chung quanh nhà báo Đoan Trang trong buổi sáng chủ nhật ấy làm cho cơn mưa phùn Hà Nội chợt bớt rét.
**
Hãy mường tượng cảnh người lái xe ôm đi thẳng vào quán, băng qua đám công an và ngồi dựa lưng vào chị. Hãy cảm nhận trọn vẹn sự ấm áp mà anh vừa trao cho người phụ nữ ấy. Sự xuất hiện của anh đâu có làm thay đổi được thực trạng. Công an vẫn ngồi đầy trong quán, nhưng chắc chắn Đoan Trang biết chị không một mình. Cái quang cảnh “cài răng lược” giữa giới hoạt động và công an; những chuyến xe máy của “phe ta” phóng ngang qua liếc mắt vào quán dò xét tình hình; những bóng người lảng vảng đây đó, … Họ chính là những nhân tố khiến buổi đối đầu của Đoan Trang trở nên lãng mạn một cách lạ lùng với tiếng đàn, mưa xuân, Romance và Serenade …
Hãy nghe Đoan Trang Tâm sự về sự hiện diện của họ hôm ấy trong lòng chị: “Nhưng mọi người cũng không biết những cảm xúc trong tôi ngày hôm đó, họ không biết rằng họ có một phần ý nghĩa lớn như thế nào trong cuộc đời tôi, không biết rằng vì họ, vì những điều ấy, tôi thấy mình hạnh phúc biết bao nhiêu”.
Nếu Đoan Trang là chất men gốc thì những hy sinh của chị đang tạo nên những chất men mới. Ngay chính Ls Phạm Công Út cũng không hề biết rằng Ls Ngô Anh Tuấn, người đồng nghiệp thường hay tranh luận, đã từng đem anh ra trước nhóm “chém anh tơi bời” (chữ của Ls Tuấn) lại trân trọng những đóng góp của anh cho xã hội và tha nhân đến thế. Và cũng chính sự thầm lặng của anh đã khiến Ls Tuấn tâm nguyện “sẽ viết tiếp những ước mơ còn dang dở của anh...”
***
Có bao giờ người gặp nạn lại cảm thấy mình là hiệp sĩ? Tôi xúc động về cái cách gọi tên sự việc của Ls Phạm Công Út. Đất nước tôi hiện có rất nhiều những người đã chọn sống và hành động như thế.
Tôi yêu đất nước mình vì tôi yêu những con người “hiệp sĩ” của đất nước tôi.
Nguyệt Quỳnh
- Từ khóa :
- Nguyệt Quỳnh