- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TRUYỆN THÁNG BA

26 Tháng Ba 20153:34 SA(Xem: 31817)

 

NHA CO O HUE-BW
Nhà cổ - ảnh Internet


CON NGỰA GỖ

 

Hắn là một kẻ ít nói nhất mà tôi gặp trong cái phố thị vốn nóng bức và ồn ào này, từ ngày cha hắn đã bỏ lại mẹ con hắn trong một buổi sáng mùa đông lạnh như thế vì căn bệnh phổi ác tính. Hắn không thể hình dung và nhớ ra điều gì ngoài vết sẹo càng ngày càng teo lại và đau đớn của mẹ hắn. Ngày ấy hắn vẫn còn nhỏ lắm. Phố vẫn còn những cây cơm nguội vàng gầy guộc cằn cỗi trên những con đường quen thuộc. Hắn cảm thấy yêu lắm sự cằn cỗi này biết bao. Giá mà hàng cây ấy đừng lớn lên và hắn vẫn mãi bé nhỏ như ngày xưa ấy. Và hắn vẫn còn được thấy tấm thân còm cõi của cha từ tờ mờ sáng đã bắt đầu chạy xe thồ trên mỗi tuyến đường.

Dưới ngọn đèn tù mù, bà mẹ chưa đi ngủ mà vẫn còn ngồi đấy uống nước trà. Nước trà bà uống buổi chiều và tối rất loãng. Mẹ thường pha nước sôi thêm vào ấm trà mới ban sáng, bà uống đến khi nước trà nhìn trong veo gần như nước lọc. Hắn ngày ấy chừng 5 tuổi. Điều đó cứ lặp lại hàng ngày như một thói quen trừ khi hắn đi xa nhà. Hắn đã từng tưởng tượng ra những vệt vôi loang trên những bức tường - thuở nhỏ hắn đã từng nghĩ đó như là những vị La hán chùa Tây Phương như trong bài thơ hắn đọc trong sách giáo khoa, lớn lên hắn nghĩ: ồ mình sai rồi - đó là nhiều số phận đang chảy. Mỗi năm, ngày con nước dâng, hắn được vui đùa với chúng bạn ngoài đồng khơi với cái lạnh buốt lưng. Những ngọn rau ráy, tiếng lợn kêu, tiếng băm băm trên cái thớt gỗ thật nhanh tay...đó là những âm thanh về ký ức những ngày thơ bé của hắn. Chúng thuộc về một thập niên khó liền vết sẹo đối với hắn - những năm 80.

 Hắn nghe thấy tiếng con ngựa gỗ cọc cạch. Tiếng rọt rẹt của lũ mối trong những thanh gỗ trên mái ngói. Hắn đang ngồi trên ngưỡng của sự đổi thay, bên dòng sông chảy. Lắng nghe điều gì cũ đang nắm lấy không khí như bọt nước thoát ra khỏi cá. Hắn thổi phồng sự sống thành quả bóng rồi thả bay. Hắn nhìn mẹ đang ngồi trên ghế với tách trà mùa đông, những tờ lịch sót lại những kỷ niệm vui buồn. Lắng nghe tiếng quẫy của cá chép di chuyển gần chạm trần nhà của mình. Những bài thơ vừa mắc lại ở gót chân của một vận động viên nhảy cao. Chúng bật xà và rơi, cách rơi không tự do những quả táo chín. Rất nhanh, chúng rơi xuống và nằm giữa một bãi cát nhỏ nhưng chứa đầy khát vọng.

Nhưng ngày mai hai mẹ con hắn phải vào bệnh viện, có lẽ phải ở đó rất dài ngày.

Tiếng thang máy hôm nay nghe rè rè, nó phát ra nó phát ra từ mấy cái hộp nhỏ thông sâu vào bên trong. Hình như người ta quên cho dầu vào máy. Tiếng ròng rọc quay quay nghe càng rõ khi thang máy sắp chạm đích. Cái thang máy này đã kéo khá nhiều ngày tháng lên xuống nên đã qua mòn. Hắn đã ở đây, nơi cái bệnh viện cũ kỹ đã gần nửa năm. Từ ngày hai quả thận của bà mẹ cần phải được chạy hàng ngày thì nhà hai mẹ con hắn càng nghèo xác nghèo xơ. Nhà không còn một đồng nào ngoài căn nhà cổ cũ kỹ ở ngay mặt phố nhỏ. Hắn biết, nếu sau này mẹ qua đời, hắn sẽ bán gấp ngôi nhà đã cầm cố vay nợ. Ngôi nhà ấy tuổi đã hơn 100 năm, đó là tất cả những ký ức thuộc về người xưa: ông cố, ông nội và ba hắn. Nơi ấy vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm phai mòn như con ngựa gỗ cũ được ông nội gọt đẽo từ thứ gỗ gụ đen cứng. Thời gian đã đã phủ một lớp bụi mờ trắng mỏng trên những đường vân gỗ, từng cái kèo cột, cả bộ ngựa ba mảnh đặt cạnh gian giữa nhà trên. Hắn sẽ không còn gì cả, ngôi nhà - người mẹ - hắn thấy sợ những năm tháng còn lại. hắn vẫn còn trẻ lắm, hắn vừa tốt nghiệp phổ thông năm ngoái.

Hàng ngày, khi người mẹ thiếp ngủ, hắn thường đi ra phía hành lang và bước vào thang máy. Phòng bệnh của hai mẹ con hắn nằm ở tầng 4 bệnh viện. Mỗi lần đứng trên thang máy đi xuống hắn cảm thấy đôi chân của hắn đang hổng. Rồi hắn bước ra, đứng một lúc nhìn ngó người ta. Chừng vài phút, hắn lại bước vào thang máy và lên cùng với rất nhiều người. Hắn đi thẳng vào phòng bệnh của mẹ, một lúc lại đi ra hành lang, bước vào thang máy và xuống. Chân hắn hổng. Hắn đã thích cảm giác này. Và hàng ngày cứ đều đặn như vậy, đôi khi mấy chục bận hắn lên - xuống. Mỗi lúc bà ngủ, cái thang máy trở thành người bạn song hành với những suy nghĩ và nỗi sợ hãi trong hắn. Đôi khi hắn nghe thấy cả nhịp thở của cái thang máy kia.

Hắn đã lắng nghe được những câu chuyện của sự im lặng. Nó thật thú vị. Nỗi sợ hãi được hắn giấu kín nhưng chiếc thang máy kia đã lắng nghe được nhịp tim đập nhanh của hắn khi thang bắt đầu hạ xuống. Phía bên trong của cái thang máy ấy là rất nhiều câu chuyện của sự hồi hộp, nỗi lo âu, hay vui mừng, hay là những điều tuyệt vọng gì đó.

Những ngày đầu mới vào bệnh viện này hắn đã thấy người ta đẩy băng ca từ phỏng bệnh chạy ra phía cầu thang rồi đi ra thẳng chiếc xe đang đợi sẵn. Hắn đã bước hổng chân, hốt hoảng chạy về phòng tìm mẹ. Mẹ hắn vẫn đang ngủ, gương mặt phù nề nên nhìn thấy đôi chân mày không duỗi thẳng mà cong lại như đang nghĩ ngợi. Bà nằm co ro, hắn kép tấm chăn mỏng đắp lại cho bà. Hắn có cảm giác sợ đi vào cái thang máy ấy, thế là hắn chỉ đi cầu thang bộ.

Bệnh tình của bà ngày càng nặng hơn, bà yếu lắm, chân bà sưng phù và nặng trịch không đi lại được. Người ta cho mẹ hắn một chiếc xe lăn. Hàng ngày hắn đẩy mẹ đi chạy thận, lên - xuống chiếc cầu thang. Bây giờ hắn đã mất đi sự sợ hãi từ mấy tháng trước, mỗi lần mẹ ngủ hắn lại bước ra đi về chiếc cầu thang, hắn đi xuống rồi lên một mình. Mỗi vòng của hắn chỉ chừng mười phút, kể cả khi hắn bước ra ở bên dưới và ngó lơ láo chung quanh rồi đi lên trở lại. Hắn thích thú khi chân hắn có cảm giác bị hỏng, hoặc cả người hắn lọt thỏm xuống bên dưới. Bên ngoài cửa kia, hắn nhìn thấy từng chóp nhà tụt dần tụt dần, cả thóp núi ngoài xa kia nữa. Cuối cùng chỉ còn lại mình hắn đứng trên mặt đất và bước ra. Hắn lại ngó nhìn người ra, người vào, người chờ đợi...rồi hắn vội vã đi lên.

Lúc này mẹ hắn vừa tỉnh dậy sau khi chạy thận. Dáng mệt mỏi, bà nói giọng yếu ớt:

- Mẹ thấy chóng mặt quá con, có cái gì đó cứ căng ra trong đôi mắt của mẹ.

Hắn đỡ bà ngồi dậy và trả lời:

- Không sao mẹ ạ, tại cái gối ban nãy con kê cho mẹ thấp quá, máu lại dồn hết lên đầu.

- Mẹ thấy rất mệt ngực, con gọi bác sĩ lại khám cho mẹ đi.

Hầu như mỗi lần tỉnh lại mẹ hắn đều lo lắng như vậy. Hắn lại trấn an:

- Dạ, để con gọi, nhưng giờ này bác sĩ trực có lẽ vừa mới chợp mắt, cố đợi thêm lát nữa mẹ à.

Tiếng còi hụ hụ đã chờ ở bên dưới vọng lên. Hôm nay người ta đã mở cửa thang máy để chờ hai mẹ con hắn xuống. Chiếc băng ca nặng trịch, mẹ hắn nằm dài trên ấy, hắn nhìn gương mặt cầm tay bà và đi xuống mà không có lấy một giọt nước mắt. Mặt hắn xanh tái và đôi mắt không còn thần sắc. Hắn thấy đôi chân hắn hạ hỏng xuống mặt đất, tất cả màu sắc bên ngoài cửa thang máy có một màu xám tro tụt dần, tụt dần và chôn sâu vào mặt đất.

Ngày giỗ đầu của mẹ, hắn tìm về ngôi nhà cũ. Hắn xin phép chủ nhà leo lên căn gác cũ lấy con ngựa gỗ hắn đã xin gửi lại ở đó.

- Tám chục cây là đã quá nhiều, cháu nên dứt khoát đi kẻo kéo dài thì tiền nợ lãi sẽ thêm nhiều, cháu nghĩ lại đi cháu nhé, mà căn nhà này mối mọt hết rồi, cũng phải tu sửa lại hết, sắp sập đến nơi rồi.

Hắn chần chừ rồi gật đầu. Một chữ ký chóng vánh khoanh vòng sự nuối tiếc trong đôi mắt của hắn.

Những ngày đầu hắn đặt chân đến ngôi nhà mới hầu như không có lúc nào hắn trốn vào đâu để được sự yên tĩnh. Hắn cần sự yên tĩnh để những hoài niệm không khuấy động. Tiếng phanh xe thắng kít ngoài kia làm hắn giật mình. Tiếng còi hụ hụ, tiếng những con chó ẳng ẳng trên tivi, tiếng người ta đang cưa xé từng thân cây, tiếng đổ ào ào, tiếng máu chảy…Hắn loạn óc. Hắn đóng sập cửa lại, ngồi thu lu một góc. Ngôi nhà mới, hắn và con ngựa gỗ đang im lặng. Bất chợt hắn đưa tay đánh dập dềnh con ngựa gỗ ở trước mặt.

-       Lóc cóc…lóc cóc…

Có tiếng lóc cóc của đôi bàn chân nào đó đang lại cùng với hắn, cả tiếng cười của trẻ con vang lại từ xa, bóng cây trải mặt đường, trong màn đêm thoáng hiện nụ cười buồn của mẹ hắn. Hắn lại nhìn thấy cây cổ thụ trước nhà người ta cưa đi vì nó bị nghiêng. Cha hắn đã xin họ một nhánh cây nhỏ.

- Cha cưa khúc gỗ này làm gì vậy?

- Cha sẽ làm cho con con ngựa gỗ, lấy cái búa cho cha, cha đóng lại mấy tấm gỗ này, giờ có thể mượn đâu ra cái bào con nhỉ, thôi thì sần sùi thế cũng được, con trai của cha ngồi hoài cũng sẽ nhẵn ngay thôi mà.

- Ngày xưa nội con bảo cây này mang sinh mệnh của cha đó con, thầy địa lý bảo vậy, cha không tin lắm nhưng cứ ngờ ngợ điều gì đó con ạ - ông tiếp tục nói và không ngẩng đầu lên, tiếng cưa đang rẹt rẹt cứa từng đường vân gỗ.

 Thế là bốn tấm gỗ nhỏ được ghép lại thành hình một con ngựa nhỏ đơn sơ.

- Lóc cóc..lóc cóc…

Hắn lại nghe thấy tiếng máu chảy từ những thân cây, những chiếc lưỡi liếm vội qua góc phố có ngôi nhà xưa của gia đình hắn. Từng hàng sấu, hàng me, hàng lim già đang bị nhai nhồm nhoàm trong những cái miệng sâu.

-       Một lũ sâu biến dị - hắn nói sau tiếng ngã uỵch của một thân cây như vừa đổ trên tivi.

Bóng ai vừa thoáng qua rồi mất hút trong làn sương – “ cố lên con trai !”

Hôm sau, hắn khóa trái cửa suốt ngày, hắn vào một bệnh viện lớn. Hắn cứ theo dòng người bước vào thang máy đi lên rồi đi xuống. Hắn cứ lên – xuống cùng với dòng người cho đến khi hắn cảm nhận cái cảm giác hỏng đôi chân. Phía bên ngoài cửa sổ thang máy, từng ngôi nhà, từng ô cửa, từng ngọn lá xanh cứ tụt dần tụt dần xuống. Hắn ngỡ hắn đang đi vào đất – nơi có sự ngủ yên của những mảng ký ức của hắn với những người thân yêu. Hắn nhận ra rằng, cuộc sống cần có một chút lạnh và đau thì mới là đầy đủ. Trời đang rất nực, hắn đang thèm một chút cốt cách của tuyết để chực tan ra.

Ngoài kia phố xá vẫn nóng bức, vẫn ồn ào. Hắn nghe đâu đây mùi của tuyết, cái tuyết nhiệt đới có mùi sao mà quen thuộc đến thế.

Đêm, không ồn ào sau cánh cửa khép. Tiếng lóc cóc lóc cóc…lại vang lên. Hắn nghe tiếng lá đùa, tiếng chân chạy của trẻ con, tiếng mẹ hắn: “ từ từ thôi con, kẻo ngã !”. Bóng cây cổ thụ đổ về phía đứa trẻ đang chạy.

-Từ từ thôi, kẻo ngã !

Hắn đang trôi tuột xuống như cái cầu thang máy, mọi thứ đang hụt dần hụt dần xuống sâu bên dưới. Vẫn còn vọng lên tiếng lóc cóc lóc cóc như ai đó đang nói lời tạm biệt. 

 NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ


CHUYẾN ĐI

 

Một thời gian dài trước đây, không nhất thiết phải trong thiên hà khác, nhưng có lẽ trong một thế giới khác nhau một chút, chúng tôi đã chứng kiến cuộc phiêu lưu, mà nhiều điều đáng ngạc nhiên là không thể tin được. Chúng tôi đã ghi lại số phận của một người tham gia vào những chuyến đi đó. Và câu chuyện được ghi chép lại theo lời kể của một bệnh nhân bị tai biến não và đang hồi phục chừng hơn 40%.

 

Chuyến đi bắt đầu - ngày thứ nhất và kéo dài cho đến hết ngày hôm sau.

 Người đàn ông  mặc chiếc áo có mũ choàng lông thú đang trượt đi trong màu xám ẩm ướt của ban đêm. Vừa mới đây thôi, chiều vẫn còn thấy được màu tím ánh sáng của hoàng hôn đó mạnh mẽ trên chiếc bóng.  Bây giờ hầu như không thấy gì cả, chiếc bóng ấy chìm khuất trong cái nền xanh: xanh của lá cây, xanh của đá và xanh của màu nước. Cảnh vật chung quanh thật là yên tĩnh. Ông  xem xét các kích thước của những đồ vật rồi lần lượt bỏ chúng vào trong cái ba lô: một bộ quần áo bằng da, một ngọn đèn bão, một cây đèn pin, mấy bì lương khô, chai nước…tất cả được nhét vào cái túi hầu như rất âm thầm. Xong, ông đứng dậy đưa hai cánh tay kéo cái mũ trùm kín hết đầu, trùm cả phần trên của khuôn mặt mình, cảm giác ông muốn giấu đi rất nhiều cảm xúc, có lẽ ông ngại sự phiền nhiễu từ sự níu kéo của những ánh mắt thân thiện, hoặc là vô cảm. Ông vẫn còn nghe thấy tiếng bước chân của ai đó chạy thình thịch, tiếng thở gấp, tiếng nước mắt nuốt ực vào trong. Mơ hồ. Ông đang bước đi và trượt. Trước mắt ông: con đường có hình ống dài sâu hun hút, lại xám xanh và ẩm ướt. Ông bước đi càng lúc càng nhanh.

Ông bắt đầu thấy mình đang rơi vào trong miệng của cái cây đường ống, mà từ đó mọi di chuyển nhỏ lại dần như một đám khói mây. Ông cảm thấy mình được ấm dần lên, cứ như nó có thể là biểu hiện duy nhất của cảm xúc con người thật sự có tên là lò sưởi. Ông thiền định một chút trong chuyến đi này, những hình ảnh đang rơi vào mắt ông,  nhiều khi chúng đang di chuyển trước mắt và ông cảm thấy đó  là nơi tuyệt vọng, nỗi đau và nỗi buồn đã dài dưới lớp vỏ của hận thù. Ông muốn  nấu chín vào bên trong cái lò sưởi. Ông thấy trước mặt một cô gái thật đẹp, nhìn rất quen, như là vợ ông ấy, không phải, là con gái ông, không phải, một người rất quen, cô gái trong mộng thời trai trẻ của ông, cô ấy đang bước tới với một nụ cười tươi sáng và màu xám như đôi mắt.  Cô ấy tạm biệt ông , như lời tạm biệt bình thường, hàng ngày. Sau đó những hình ảnh di chuyển rất nhanh chóng, chỉ còn cây và bụi cây, tất cả như đang ở trong một cơn sốt cao, chúng đi thông qua tuyệt vọng, nhưng vẫn còn quá chậm...

Mặt đất bắt đầu tối dần. Những vết guốc trong bùn, trời đổ mưa. Tuy nhiên, không để ẩn hình dạng dưới bức màng ánh sáng của mình, hầu như ông thấy rất rõ từ trong lòng đất, từng hình dạng, gần gũi hơn, càng có nhiều cái bóng phía trước, họ sẽ trở thành những người bạn để cuối cùng giúp ông vẽ các đặc trưng về con người. Và trong thực tế những gì ông đã chứng minh họ là con người thời hiện đại. Đó là mái tóc đen ánh vàng lên vào buổi sáng, bây giờ ông chỉ nhìn thấy được nó có màu bùn và máu, thật là lộn xộn. Với một nụ cười hạnh phúc, thực sự chưa nói lên tất cả với khuôn mặt cô gái. Ông cố nhìn thật kỹ,  nhìn toàn bộ cơ thể, kéo dài rộng trên mặt đất, chúng thâm tím và dơ bẩn. Rồi từng hình ảnh mài nhọn lên. Bây giờ ông có thể nhìn thấy bàn tay run run muốn kéo dài khuôn mặt của cô gái nhưng không dám chạm vào cô ấy. Sau một lúc, họ đã nhìn thấy nhau, giống như một con chim, như họ đang quỳ, cúi cong một nửa người như hình chữ S. Hiện tại họ không thể nắm bắt nỗi đau của đồng loại. Họ cảm giác được sự mù, điếc và tất cả đang hú trong cái cổ họng rồi câm bặt. Họ nín thở, thật sự họ đang ngưng thở. Vẫn nghe thấy tiếng nhịp tim, lúc nhanh lúc chậm, thình thịch thình thịch đếm từng giây trôi qua.

Người ta lại tìm thấy mạch của ông, hai ngày sau đó. Hình như có tiếng reo vui nho nhỏ từ vị bác sĩ đầu tiên.

 

Ngày thứ ba.

Gương mặt ông hôm nay được bao bọc bởi mái tóc dài như một lớp phủ, mọi suy nghĩ dường như không có. Ông cảm thấy những sợi ống dẫn đang quấn quanh cổ của ông. Người ta đã không ngừng cứu vãn tuổi thọ của ông. Ông không muốn thừa nhận điều gì cho bản thân lúc này. Rõ ràng là ông đang đi. Họ muốn níu ông lại, mặc kệ.

- Hình như ông ấy đã tốt hơn, ông nghe thấy tiếng nói.

Nếu ông có niềm đam mê, hoặc ông đã có mà liên kết từng sợi đam mê còn quá yếu, vậy thì ông cần phải loại bỏ càng sớm càng tốt trong một thời điểm quyết định. Có một điều lạ là ông lại cảm thấy rất thú vị với các chuyến đi của mình. Ông muốn đi nhưng tất cả họ đang níu chặt ông lại. Ông phải dứt khoát. Và lần này, ông lại lặng lẽ bỏ chạy, ông lại trượt vào con đường.

- Tôi phải làm điều gì đó về nó ! ông nghĩ, và lớn tiếng nói.

Người đàn ông đang đi trên con đường của quê hương ông. Đã lâu lắm rồi ông mới được trở lại đây: một vùng nông thôn nghèo của miền Nam rợp bóng dừa. Ông đang đi với lũ trẻ ăn mặc nhếch nhác nhưng miệng chúng luôn nhoẻn nụ cười, ông cầm tay đứa nhỏ nhất và nói:

- Cháu có thích bay ra khỏi chỗ này không?

Ông đang cần, sự thật ông đã đứng trên rất nhiều giảng đường của các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Ông đã trở về khi đã già, tâm nguyện, dốc lòng về đích. Lũ trẻ chợt buông tay và bỏ chạy, chúng biến mất, ông hốt hoảng nhìn quanh: không một ai, không nghe thấy tiếng động nào. Ông đang thèm được tranh cãi, rằng ông cần sự vị tha, sự vị tha được bắt nguồn từ anh mắt ngây dại của lũ trẻ. Ông thấy trước mặt một bãi đất bồi, ồ con sông lấp, có rất nhiều chiếc dép nhựa còn nằm lại đó. Chúng đâu? Chúng đâu? Ông hốt hoảng gọi, nhưng có điều gì đó ú ớ trong cuống họng. Ông cảm nhận được một sự đổ nát đang diễn ra trong đôi mắt của mình. Ông cho rằng, có những con người trong nhiều thế kỷ ở trái đất này đã bị tước quyền sở hữu của họ. Một thế kỷ mới lẽ ra phải tạo cho con người có niềm tin mới để nuôi dưỡng để các thế hệ kế tiếp. Ông dừng lại ở đó và nhìn, những cây dương xỉ trải dài cả một vùng, những con người có hình dạng như loài tinh tinh đang vẽ lên đó những vệt vằn màu trắng. Không có lửa, hình như lửa đã không có nơi đây. Ông loay hoay tìm cái đèn pin, ông bật lên: thứ ánh sáng xanh không có gì cả, nó như đang cắt lên mọi thứ ông vừa thấy. Ông nhấc chân lên tiếp tục đi, mặc cho những chùm phong lan cố vắt dài nhánh ra mà níu chân ông lại.

Đêm lạc vào quỹ đạo của đôi mắt, và suy nghĩ rối trong mái tóc. Ông sẽ lưu nó lại để chờ đợi sự xuất hiện của bình minh. Đêm bây giờ không còn là sự dịch chuyển của kim đồng hồ. Nó đang đứng yên đấy, đợi chờ một điều gì đó, không còn nghe tiếng thở, im lặng, rồi trôi.

 

Ngày thứ tư.

“ Đi rồi”

“Chuyện này là thế nào? Do ai ?”

Chúng tôi không tin nổi chuyện đang thấy và đang nghe. Hôm qua ông ấy vẫn còn rất tỉnh táo. Mọi thứ đều ũ rũ, cả hàng ghế ngoài hiên. Người ta đang đi như chạy lui tới. Nắng chiều xộc vào chói rực cả bức tường. Nóng bức. Mọi thứ nóng bức.

“Không ! ông ấy chuyển qua phòng hồi sức đặc biệt của khoa tim”

Nghe thấy tiếng cùng thở phào! Thì ra là như thế.

Chúng tôi vừa sang, thấy ông đang được người ta đỡ cao gối nằm. Giọng ông vẫn yếu và khàn. Thấy người đến, ông lại cười, con người nhếch nhác kia lại ngửa cổ nuốt cái cười vào bên, thật khó khăn.

 

Một bài phỏng vấn trên mạng được đăng tải lại ở một tờ báo giấy. Chúng có đính kèm theo ảnh của ông: “Gs N.Đ.H và giấc mơ Việt Nam”. Ngày hôm ấy ông ít ngủ, ông yêu cầu người trợ lý đọc cho bằng hết.

“…Ta chưa khai thác đúng mức chất xám Việt Kiều tồn tại tại hải ngoại. Môi trường làm việc ở Việt Nam chưa thu hút được số đông chuyên gia Việt Kiều. Môi trường xã hội, tổ chức Đại học và các trung tâm nghiên cứu chưa thoát ra được cái tù túng hạn hẹp cục bộ của thời bao cấp.

Ông nghe rất rõ, từng tiếng một, lời của ông. Hôm nay ông nuốt được rất nhiều sữa như bù lại cho những ngày trước.

Con nhìn xem, mắt ba con đã trong lại.

 Ông cảm giác như ai đang vạch mí mắt ông ra, ông cảm thấy hơi đau.

 

Ngày thứ năm

 Tin thứ nhất: MỘT THỦ THUẬT QUÁ TỆ HẠI BỊ VẠCH TRẦN trên một tờ báo “ lề phải”

Tin thứ hai: PHẢN HỒI VỀ MỘT BÀI BÁO KHÔNG CÓ CƠ SỞ “trên một tờ báo lề trái”

Tin thứ ba: Một trí thức Việt kiều, sau nhiều năm góp sức để hỗ trợ các chương trình đại học tại Việt Nam, đã bị một đaị học tại Sài Gòn yêu cầu công an khởi tố hình sự.

Tin thứ X…

Tin ngoài lề - từ những dòng chữ comment bên dưới của nhiều người:  “ Sinh Viên N.Đ.H du học tại Bỉ Liège (Belgique) trước 1975 dưới thời V.N.C.H: áo gấm về làng, hoà hợp hoà giải, nối giáo cả thôi…

Chúng tôi thấy các tờ tin phải, trái đã đảo chiều theo tên gọi. Những mặt người xếp chồng trên những mặt báo mà chẳng dám kêu la.

Từng đám người chạy tới chạy lui, luýnh quýnh.

Ông nằm đó, gương mặt vẫn còn tươi tắn lắm. Bình oxy có vẻ vẫn còn đầy, nhịp thở ông vẫn đều đặn. Từng vạch từng vạch với tiếng tít tít rất nhỏ. Những bức tường trắng lóa, tất cả phủ một màu im lìm. Một thế giới khác, chúng tôi nghĩ vậy. Ở đó ông sẽ tự do hít thở cái không khí trong sạch. Mọi thứ đều sạch trong như khi thế giới này bắt đầu.

Con đường đêm nay có vẻ không bình yên. Từng tán lá dừa đan vào nhau cọ quậy. Gió liên hồi. Ông nghe thấy bàn chân của lũ trẻ đang chạy. Chúng chạy đi đâu?. Phía bờ bên kia ông biết chúng đã bị mục. Lũ trẻ sẽ rơi! những đường vạch giãn dài, tít...tít....Tiếng chân người chạy loạn xạ, hầu như mọi thứ đều chạy loạn xạ. Tiếng vị bác sĩ:

- Cắm điện vào!

Tấm thân của ông co giật. Chúng đang bò trên con đường khúc khuỷu và nhọn, lại có cả lửa bỏng. Một cảm giác nóng ran, chúng đang dồn về bên trái. Ứ. Chỉ có vậy, ông đang chạy cùng lũ trẻ.

Trong một thời gian dài chúng tôi biết ông đã đi vào thế giới đó quá lâu, đó là thời gian cho một sự thay đổi.

 

Hơn ba tháng còn lại, và mỗi ngày ông đi được một chặng, có lẽ ông đang nhích từng chút một.

Mọi thứ đang hôn mê.

Cái máy thở vẫn đang hoạt động.  Ông có thể nhắm mắt nhưng suy nghĩ vẫn đang nằm trên tảng băng tan. Có bóng của những chú gấu bắc cực đang ngồi, giữa biển xanh chỉ còn trôi nổi lại vài tảng băng nhỏ. Những tia mặt trời và nỗi lo lắng đang xiên ngang, xé dần.

Sáng nay phố trở lạnh sau mấy ngày trời nắng hửng. Dù cuộc sống vẫn chảy, vẫn tấp nập, nhưng đôi lúc phố rét buốt buồn hắt hiu, âu cũng do con người ta thường nhìn ở một góc nhỏ từ sáng sớm tinh mơ với một chút tâm trạng. Đôi lúc nhận thấy phố như trái cau già mùa đông vàng rộm nhìn thật đẹp nhưng bên trong là một nỗi buồn đã điếc rỗng gần như sắp rụng. Đã quá quen thuộc với cái rét cóng nên con người ta ít ai than vãn. Và phố vẫn đi về mà ngày chẳng níu chân nỗi buồn ở lại.

Đột nhiên đổ gục tất cả.

Cuộc sống mất ý nghĩa của nó thì mọt thứ đột ngột hầu như không gây bất ngờ. Và bạn đã biết làm thế nào trong thế giới có đến 99% điều bất an mà điều đó xảy ra quá nhiều khiến bạn chai lì. Bạn vượt qua được và sống sót thì kháng thể trong cuộc sống của bạn thật là kỳ diệu. Những điều “đột nhiên” đến ấy bạn sẽ bình tĩnh đặt nó vào tài khoản, bạn cất trữ ở đấy, và bạn sẽ điềm nhiên sống. Sống để được bình thản nhìn những con đường đầy ổ gà ổ voi mà biết đâu đấy người ta sẽ bị rơi trong lúc đang phiêu phiêu với đám gió thật yêu đời.  Bạn đã bao giờ thức dậy vào buổi sáng và bạn đã thấy bên ngoài có gốc cây thuở bé bạn trồng đã được 100 năm tuổi gỗ. Đúng vậy, không một ai. Sự cứng cỏi cần phải tập luyện với dông gió, với sự rủi ro, với đám đất mục và mạch nước ngầm đã quá mòn mỏi . Con đường đi đang dài phía trước, và chúng ta sống trong một thế giới của nhân quả.

Khu xóm chớm lạnh giữa sương mù. Mùi nhang trầm phủ đầy các con đường, ngõ hẻm. Tiếng phèng la, tiếng chuông gõ leng keng, tiếng tụng kinh kéo dài ngân nga tiễn người về bên ấy.

 NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ

 (Tháng Ba -2015)

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 1462)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 2281)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 2256)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 4691)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 5536)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 1210)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào
24 Tháng Hai 20242:39 CH(Xem: 2493)
Mà thơ. chấm. tới phẩy, nào / Dụi mắt. cắm một ngọn sào du dương / Không dưng / nghe một nạm buồn / Hai tay bụm lại / đầu nguồn thiết tha / Suối rất mệt giữa khe già / Tinh anh của đá / ném / xa / đường gần
14 Tháng Hai 20241:28 SA(Xem: 1795)
Tôi đưa tay gõ vào hư ảo / Chân lý mày đang trốn chỗ nào / Hóa ra đen đỏ hai màu áo / Chỉ để làm trò chơi khó nhau
14 Tháng Hai 20241:15 SA(Xem: 1233)
Này anh bạn – anh thấy không / Sự lộng lẫy không nhường chỗ cho điều gì hài hước / Chỉ tiếng nấc thanh xuân mềm yếu / Trên quảng trường nơi vũ hội đàn ông / Vỡ thành cơn địa chấn.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 1404)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.