Hồi thứ hai mươi chín
Anh hùng tương hội, kình thiên Long tranh Hổ đấu
Lệ hòa tống tửu, run tay chuốc chén đăng trình
***
........................................
Mặc kệ dân chúng nghèo đói, chính quyền phủ Quy Nhơn vẫn cho xúc tiến việc cải tiến, phát triển bến cảng Quy Nhơn thành một thương cảng lớn. Công trình bắt đầu khởi công vào đầu tháng tám thì tháng chín năm đó, một cơn bão lớn đã tràn qua các khu vực duyên hải từ Thuận Thành ra tận Quảng Nam. Bão to, mưa lớn rồi lũ lụt tràn xuống. Vụ lúa hè - thu gần như mất trắng. Nạn thiếu gạo trở nên trầm trọng, bá tánh đã cơ cực nay còn lầm than hơn. Ngay cả vùng đồng bằng quanh lưu vực sông Cửu Long ở miền Nam cũng bị lụt lớn khiến cho nạn thiếu lúa gạo của miền ngoài lại càng trầm trọng. Khắp xứ, đâu đâu cũng có ăn mày, nơi nào cũng thấy người chết đói. Thật là một cảnh tượng thê lương chẳng kém gì thời kỳ bọn giặc Minh đô hộ trước đây.
Một đêm cuối tháng mười một, gió bấc khuya thổi hiu hiu lạnh. Trần Lâm cùng Lê Trung và Con Mọt Sách Lưu Phương Tích đang ngồi uống rượu ở ngôi tiểu đình bên hông gia trang luận bàn thế sự thì bỗng có tiếng chó sủa văng vẳng từ đầu khu phố. Thoáng chốc, những con chó thả quanh gia trang đồng cất tiếng sủa vang cả đêm trường. Lưu Phương Tích cười nói:
- Chắc là bọn chú Lía ghé thăm huynh đấy. Sắp có chuyện vui rồi.
Tiếng chó sủa mỗi lúc càng dữ dội hơn. Trần Lâm đứng dậy chụp lấy cây côn dựng gần đó, phóng vút lên nóc tiểu đình phóng mắt nhìn quanh. Bầy chó tụ cả ở mặt sau của gia trang sủa ran, rồi bỗng tiếng sủa giảm bớt dần và cuối cùng im bặt. Trần Lâm nghĩ thầm: “Bầy quân cẩu của ta đã bị bắn hạ cả rồi, người này phải có tài đạn chỉ thần công tuyệt diệu mới có thể diệt gọn được chúng nhanh như vậy”. Chàng nhảy xuống đất và nắm một sợi dây kéo mạnh liên tục. Tức thì tiếng chuông báo động vang lên khắp nơi. Chỉ một lát sau, đèn đuốc đã được thắp sáng lòa quanh gia trang. Những võ sư được Cao Đường mướn về hộ trang ai nấy tay đao, tay kiếm nhanh chóng trấn thủ các vị trí quan trọng quanh nhà. Trần Lâm đứng chống cây tề mi côn giữa sân lớn tiếng nói:
- Anh em Truông Mây đã đến sao còn chưa xuất hiện? Trần Lâm xin có lời chào và mời ra đây hội diện.
Một tiếng cười sang sảng vang lên từ phía sau gia trang lớn dần ra phía trước và trong chớp mắt, một bóng người mặc đồ dạ hành bay đến đáp xuống đứng đối diện với Trần Lâm như một con đại bàng. Người mới đến thân hình vạm vỡ, hai đuôi tóc thắt bím thả dài sau lưng, tay cầm cây tề mi côn đứng sừng sững giữa trời đêm tựa như một vị thần vừa giáng thế. Tiếp liền sau đó là những bóng đen cũng lao đến đáp xuống đứng hàng ngang sau lưng người ấy. Người áo đen có hai đuôi tóc dài không ai khác ngoài chú Lía, vị hiệp sĩ lẫy lừng ở Truông Mây. Lía ôm quyền chào Trần Lâm nói:
- Danh tiếng Đông Tiểu Bạch Long với kiếm côn song tuyệt như sóng cả dậy biển Đông, nay gặp mặt chỉ nhìn khí thế thôi Lía này đã biết tiếng đồn quả không ngoa. Hân hạnh, hân hạnh!
Trần Lâm cũng ôm quyền đáp lễ:
- Không dám. Lâm tôi từ lâu đã nghe đại danh Tây Đại Hắc Hổ Đoạn Hồn đao và thần côn đánh khắp thiên hạ vô địch thủ, trong lòng vô cùng hâm mộ. Chưa kể những hành vi nghĩa hiệp cứu nhân độ thế càng khiến Lâm tôi cảm phục tận đáy lòng. Hôm nay gặp mặt anh hùng quả thật xứng trang nam tử, hào khí can vân. Hạnh ngộ, hạnh ngộ!
Lúc này mọi người trong trang đều đã có mặt đông đủ sau lưng Trần Lâm. Cao Đường nhìn khí thế như thiên thần của chú Lía thì vô cùng hoảng sợ, ông nói với Tiểu Hồng:
- Phen này muốn yên thân, e phải giao nộp của cải cho bọn chúng rồi con ạ.
Tiểu Hồng nói:
- Cha đừng lên tiếng, cứ để anh Lâm lo liệu. Theo sự nhận xét của con thì anh ấy không thua kém chú Lía đâu. Mà chưa biết chừng bọn chú Lía sẽ bị khốn đốn đêm nay nữa là đằng khác.
- Con vin vào điều gì mà tự tin như vậy?
Tiểu Hồng với ánh mắt long lanh niềm tin yêu đáp:
- Con cảm thấy như vậy và tin vậy. Chưa kể anh Lâm còn bày trận Ngũ hành cho các võ sĩ tập luyện. Bọn cướp Truông Mây tài trí bao nhiêu mà đòi phá được trận đó?
Cao Đường nhìn nét mặt con gái, lòng cũng bớt lo âu phần nào. Tiểu Hồng quay sang Lưu Phương Tích đứng cạnh hỏi:
- Lưu huynh nghĩ thế nào về trận đấu này?
Phương Tích chậm rãi đáp:
- Thật khó đoán. Tôi xin chịu, hãy chờ lát nữa xem sao.
Ngoài sân, Lía lớn tiếng nói:
- Lía tôi dẫu biết Cao gia trang có mặt của Đông Bạch Long, lẽ ra không nên mạo phạm nhưng vì hai năm trở lại đây, thiên tai giáng xuống liên tục, bọn tham quan lại ra sức bóc lột bá tánh khiến cho người chết đói lên đến hàng ngàn, kẻ ăn xin có tới hàng vạn. Việc bất khả kháng cho nên Lía tôi đành phải ghé đây xin của Cao gia một ít lương thực, của cải để cứu đói cho bà con mình. Không biết Lâm hiệp sĩ và Cao gia có vui lòng chăng?
Trần Lâm quay lại nhìn Cao Đường. Tiểu Hồng trong thâm tâm rất muốn để mọi người nhìn thấy Trần Lâm đả bại tay đệ nhất cao thủ đương thời này nên bấm tay cha ra dấu. Cao Đường biết ý, ông giữ im lặng không nói gì. Trần Lâm quay sang nói với Lía:
- Việc làm của Truông Mây thật đáng kính, đáng phục. Lâm tôi rất hổ thẹn khi phải đứng ra làm kẻ đối đầu, nhưng vì chút ân tình đã trót có lời hứa bảo vệ Cao gia nên đành đắc tội, xin các hiệp sĩ lượng thứ cho.
Lía cười ha hả nói:
- Nói như vậy thì đêm nay giữa hai chúng ta buộc phải có một trận tranh tài để phân hơn kém rồi phải không?
Trần Lâm đáp:
- Đành phải như vậy!
- Đã vậy, nếu Lía này bại, suốt đời sẽ không bao giờ bén mảng đến Cao gia trang một lần nào nữa.
- Nếu Trần Lâm này chết dưới đao của Lía huynh thì cứ tự tiện muốn làm gì tùy ý, chỉ xin đừng hại đến mạng người vô tội.
- Trường hợp huynh bại mà không chết thì sao?
- Tôi chưa chết thì huynh còn chưa tùy tiện được.
Lía trợn mắt hỏi:
- Huynh chỉ vì một lời hứa mà không tiếc tính mạng của mình sao?
Trần Lâm đáp:
- Một lời đã hứa muôn thác cũng cam.
- Hay lắm, rất có đởm lược. Được, ta cũng đã mong chờ lần hội ngộ này từ lâu rồi. Phương thức giao đấu tùy huynh lựa chọn.
Trần Lâm nói:
- Tôi đang ở sân nhà, tức là đã chiếm cả địa lợi lẫn nhân hòa. Phần thiên thời là phương thức giao đấu xin nhường lại cho huynh.
- Quả không hổ là tay hào kiệt! Nghe nói huynh có một đường cái thế thần côn, ta rất muốn thưởng thức.
- Tôi cũng muốn biết qua đường côn đánh khắp thiên hạ vô địch thủ của huynh như thế nào. Mời!
Họ ôm quyền chào nhau rồi lui lại thủ thế. Cả hai đều dùng tay phải cầm giữa thân côn chống xuống đất, im lặng và thận trọng nhìn nhau. Hai đấu thủ, một vạm vỡ hiên ngang trong bộ y phục màu đen như pho tượng La Hán, một nho nhã thư sinh trong bộ y phục màu trắng như một thư sinh trông rất tương phản nhưng họ đều có một điểm chung đó là khí thế vững vàng như dãy Trường Sơn, trấn át lòng người.
Quanh đấu trường, mọi người đứng thành vòng tròn lớn chung quanh hai đấu thủ, hàng trăm cây đuốc thắp lên soi sáng như ban ngày. Ai nấy cũng đều hồi hộp chờ đợi cuộc so tài vô tiền khoáng hậu này vì từ lâu danh tiếng của Đông Tiểu Bạch Long và Tây Đại Hắc Hổ đã lẫy lừng khắp cõi.
Bỗng hai tiếng hét cùng lúc vang lên, hai bóng người sáp vào nhau, tiếng côn gỗ chạm nhau côm cốp rồi cả hai tung ngược ra sau, đứng vào vị trí cũ. Họ đã trao đổi một chiêu thăm dò. Qua chiêu này, họ đã ước lượng được nội lực cũng như tốc độ của đối phương. Ngay từ lúc gặp nhau, đứng đối diện với nhau, trong thâm tâm cả hai đều biết rằng mình đang gặp phải một đối thủ rất đáng gờm, cho nên họ đã ra chiêu rất thận trọng, không dám khinh suất.
Hai tiếng thét lại đồng vang lên, hai đấu thủ lại sáp vào nhau. Lần này thì họ đã thật sự giao đấu, chiêu thức xuất ra nhanh như vũ bão, tiếng roi vút ra nghe vun vút kinh người. Mọi người đứng xem chỉ thấy hai bóng người một trắng một đen quay tròn, tiếng côn gỗ chạm nhau rát tai, thỉnh thoảng lại có những tiếng khen “hay” buột miệng bật ra. Những người đứng xem bên ngoài hồi hộp theo dõi đến quên cả thở, chốc chốc lại đồng “ồ” lên những tiếng la vừa kinh hoàng vừa thán phục. Tiểu Hồng trái tim như muốn tắt nghẽn, nàng vừa hồi hộp vừa lo sợ đến trợn mắt há mồm. Nàng xoay sang Lê Trung hỏi:
- Anh Lâm có thắng nổi không cậu? Cháu lo quá, biết hung hiểm thế này lúc nãy đồng ý nộp của cho họ cho rồi.
Lê Trung nói:
- Cháu đừng sợ, cả hai đều không có ý sát hại đối phương của mình. Hơn nữa đường roi của Lâm Nhi rất vững vàng, khéo léo lại kín đáo, tuy cây roi của chú Lía mạnh bạo nhưng không tinh bằng.
Lưu Phương Tích góp tiếng:
- Chú nhận xét thật tinh vi. Lâm huynh còn chưa xuất tuyệt chiêu độc môn ra mà.
Vừa nói đến đây chợt nghe tiếng hét vang dội của chú Lía. Mọi người chỉ kịp thấy cây roi của chàng ta như một mũi tên lao thẳng vào ngực Trần Lâm. Trần Lâm biết đối phương đã trúng kế bỏ ngỏ bộ ngực trống của mình nên cây roi trong tay đã đổi nhanh sang tay trái, luồn dưới cây roi của Lía đâm thẳng ra và chờ cho đầu roi của đối phương sắp chạm ngực mình, chàng mới xoay nhanh người qua bên để cho đầu roi của Lía lướt sát qua lớp áo trước ngực, còn cây roi của chàng núp theo cây roi của Lía mà tiếp tục lao thẳng vào nách đối phương. Lía biết nguy, la lớn một tiếng, vội vàng buông cây roi trên tay, xoay nhanh người, tay trái như chớp giật từ dưới đánh mạnh lên cây roi của địch, đồng thời hai lọn tóc phía sau lưng theo đà xoay bay vút vào bàn tay cầm roi của Trần Lâm. Phản ứng của Lía mau lẹ ngoài sức tưởng tượng của Trần Lâm. Cú đánh bạt từ tay trái của Lía, thêm vào hai lọn tóc như hai dây sắt nguội đã đập trúng đốc roi khiến cho cây roi trong tay chàng vuột khỏi và văng ra xa. Đến lúc này Trần Lâm và cả những người đang đứng theo dõi trận đấu mới nhận ra sự lợi hại của hai lọn tóc dài sau lưng Lía. Hai lọn tóc đó đã được Lía sử dụng như một vũ khí vừa lợi hại vừa hết sức bất ngờ. Hai đấu thủ sau chiêu vừa rồi đều mất cả vũ khí, nhảy lui lại đứng yên lặng nhìn nhau.
Mọi người sau những phút giây nghẹt thở đã “ồ” lên thở phào như vừa vứt đi được một tảng đá ngàn cân đè nặng trái tim mình. Tiểu Hồng hai bàn tay ép chặt trên ngực, nàng như muốn ngất đi, trên đôi mi nước mắt đã long lanh. Lưu Phương Tích reo lên:
- Tuyệt kỹ! Đường roi đâm ra như đôi đũa lệch quả thật là một tuyệt chiêu trong thiên hạ. Sự ứng phó tài tình của chú Lía cũng thật cái thế vô song. Trận đấu này phải được ghi vào sử sách của nền võ học Đại Việt để đời sau chiêm ngưỡng.
Lía buột miệng khen:
- Đường roi tuyệt diệu! Lía rất khâm phục!
Trần Lâm ôn tồn nói:
- Tài ứng biến và đòn phản công của huynh khiến Lâm tôi thật sự không tưởng nổi. Bái phục, bái phục!
Lía cười hỏi:
- Chúng ta tay không trao đổi vài thế quyền, nên chăng?
- Nên lắm chứ! Mời!
Lía hét lớn một tiếng, lướt người tới sử dụng cương quyền của Bạch gia quái quyền tấn công địch thủ, quyền phong gió rít vù vù. Trần Lâm thấy quyền pháp của đối phương quá cương mãnh, chàng liền sử dụng nhu quyền, áp dụng nguyên tắc “tá lực đả lực” để đối phó. Chỉ trong chớp mắt, hai đấu thủ đã trao đổi hơn mười tám chiêu. Tiểu Hồng thấy Trần Lâm luôn ở thế bị động, chỉ đỡ gạt chứ chưa phản công được đòn nào thì lo sợ nói với Lê Trung:
- Anh Lâm chỉ có thủ chứ không có công, dường như về quyền pháp anh ấy không phải là đối thủ của chú Lía, cậu ạ.
Lê Trung nói:
- Cũng không hẳn là như vậy. Lâm nhi đang sử dụng nhu quyền, nương vào sự mềm mại, uyển chuyển và liên tục để đối phó với lối đánh dũng mãnh của chú Lía. Nhìn bên ngoài thì Lâm Nhi ở vào thế yếu nhưng nếu muốn thắng được nhu quyền, đối thủ phải tốn rất nhiều sức lực và thời gian, chưa kể nếu Lía sơ hở để bị phản công trúng một đòn thì sẽ bị trúng liên tục vì đặc tính liên hoàn của nhu quyền. Con cứ bình tĩnh chờ xem.
Bên trong trận đấu, Lía thấy đối phương sử dụng nhu quyền để ngăn chặn tất cả những đòn công của mình thì trong bụng lấy làm thích thú nghĩ thầm: “Để xem anh bạn có thể đỡ nổi những chiêu này của ta không?” Tức thì chàng thét lớn thị uy, tay quyền tăng tốc, xuất chiêu liên tục, kết hợp quyền thủ và cước pháp tấn công như vũ bão. Trần Lâm tuy nội lực thâm hậu nhưng đường quyền của Lía mạnh như sấm sét, hai tay lại cứng như sắt nguội nên sau một lúc gạt đỡ, chàng đã thấm mệt. Trong khi đó, Lía lại thay đổi đấu pháp, quái quyền càng nhanh càng dũng mãnh hơn nữa, cứ như thể càng đánh, sức lực của chàng ta càng gia tăng lên gấp bội.
Chợt Lía dùng cả hai tay tấn công một chiêu Song chỉ cầm long vào mặt địch thủ. Trần Lâm vội dùng hai bàn tay làm cương đao chặt thẳng vào kẽ Song chỉ. Lía rút nhanh tay lại, lướt bộ tới, hai tay biến thành thế Sư tử hí cầu từ dưới đánh thốc lên ức địch. Trần Lâm nhanh chóng co hai tay, dùng cùi chỏ giật mạnh xuống quyền thủ đối phương, phong tỏa vùng ngực của mình, đồng thời mượn lực của cú va chạm đó tung người ra phía sau một bước. Lía la lớn một tiếng “hay” và không cho đối phương có dịp trụ thế, chàng liền xốc nhanh ngựa Tứ bình trái lướt tới trước, tay trái xuất chiêu Cương đao khai lộ. Bàn tay xòe ra như miếng sắt nguội đâm thẳng vào bụng đối phương. Trần Lâm thất kinh vội dịch người sang bên né đòn. Tức thì Lía nhướng thẳng người lên, chân trái làm trụ theo thế Yến tử phiên thân, xoay người xắn một cú đá mãnh liệt vào hông đối thủ. Trần Lâm buộc phải xoạc chân ngã người về phía sau theo thế Hồi thân trá tẩu, tay phải đồng thời chặt mạnh xuống chân đối thủ. Lía thu nhanh chân lại rồi đạp xuống đất làm trụ, hạ thấp người và xoay nhanh một vòng, chân trái tung ra thế Hoành phi tảo địa cước quạt mạnh vào chân đối phương. Trần Lâm đang lỡ bộ, chân bị quét trúng nên ngã bật người ra nhưng chàng đã nhanh chóng chống tay xuống đất, uốn cong người lộn ngược ra phía sau đáp xuống. Chân vừa chạm đất chàng lại nhún mình bay lên cao, lướt về góc phải sân gia trang rồi tung người đáp nhẹ nhàng lên giàn Mai hoa thung, miệng nói lớn:
- Đấu quyền dưới đất tôi đánh không lại huynh, có dám thi tài cùng nhau trên giàn Càn khôn bát quái thung này không?
Lía cất tiếng cười ha hả đáp:
- Ha ha... Có gì trên thế gian khiến cho Lía này không dám đâu?
Rồi chàng tung người như con đại bàng lướt tới đáp lên giàn thung. Mọi người di chuyển, mang tất cả những cây đuốc đứng thành vòng tròn quanh giàn thung. Đó là 108 trụ cây được đóng xuống đất theo hình thế Cửu cung bát quái đồ hình. Trần Lâm đã lập ra thế trận này để tập luyện và dự trù đánh thắng Tây Đại Hắc Hổ tại đây nếu phải quyết chiến cùng nhau. Giàn thung được bố trí theo những bước di chuyển của Cửu cung di ảnh bộ pháp mà chàng đã tinh luyện nên chú Lía dù tài giỏi đến đâu ắt cũng phải gặp trở ngại trong lần đầu giao đấu trên giàn thung này. Lía vừa đặt chân lên giàn thung liền đưa mắt quan sát sự bố trí các cây trụ. Một lúc sau chàng nói:
- Giàn thung này được bày theo Cửu cung bát quái biến hóa vô cùng nhưng Lía này cũng muốn phá thử cho biết.
Trần Lâm nói:
- Hay lắm! Nghe tiên phụ nói Bạch gia quái quyền sử dụng Bát quái du long bộ làm bộ pháp căn bản, chẳng trách vừa mới nhìn qua Lía huynh đã nhận ra vị thế của Càn khôn bát quái thung này.
- Huynh cũng nhận ra Bạch gia quyền à? Xin hỏi tiên thúc phụ là ai mà lại biết Bạch gia quyền pháp?
Trần Lâm ôm quyền nói:
- Thứ cho câu trả lời vào lúc này. Huynh sẵn sàng chưa?
- Mời!
Dứt tiếng, Lía tung người đến chọn phương vị cửa Khai đáp xuống vì phương vị cửa Sinh đã bị Trần Lâm án ngự. Chàng hạ thấp người theo thế trung bình tấn, hai bàn tay biến thành hổ trảo thủ thế Miêu trung lập bộ đứng chờ.
Bát quái mai hoa thung trận cũng gồm tám phương vị, trong đó có ba sinh vị đó là Sinh, Cảnh, Khai, còn năm phương vị Hưu, Thương, Đỗ, Tử, Kinh đều là tử địa. Nếu đấu thủ bị lọt vào những tử địa, bộ pháp sẽ bị kìm hãm, khả năng bị địch thủ đánh hạ rất lớn.
Một điểm nữa là khi giao đấu trên thung, khinh công và bộ pháp là hai điều căn bản cực kỳ quan trọng. Người giỏi bộ pháp và khinh công sẽ di chuyển nhẹ nhàng, bước đi vững chắc do đó mà quyền lực đánh ra mới ổn định và chính xác. Lía vốn nổi danh về tài khinh công độc bộ thiên hạ, bộ pháp Bát quái du long cũng tinh diệu và biến hóa chẳng kém gì Cửu cung di ảnh bộ của Trần Lâm, cho nên tuy Trần Lâm là người lập trận và quen thuộc với nó nhưng xét ra cũng không chiếm được bao nhiêu phần ưu thế hơn.
Khi thấy Lía chọn cửa Khai để thủ thế, Trần Lâm nghĩ thầm: “Thiên hạ nói Lía là một đứa trẻ vô học, nay giao đấu mới biết rằng lời đồn đoán kia không đúng với sự thật chút nào. Huynh ấy vừa tài giỏi vừa có kiến thức thâm sâu lại rất khiêm tốn. Trận này e cũng khó mà thắng được anh ta, mình phải sử dụng lối đánh nhanh và cương mãnh mới mong chiếm được tiện nghi”. Chàng nghĩ xong, chân đứng tấn Kim kê trái, hai tay chắp vào nhau trước mặt theo thế Chắp thủ song mã chào đáp lễ, sau đó di chuyển bộ pháp theo Cửu cung tiến nhanh tới trước, tay trái sử dụng thế Tiền chỉ khai môn như một mũi giáo xỉa thẳng vào mặt địch. Lía vội hạ người thấp xuống, tay trái xử thế Phong bế trảm xà chặt chéo lên gạt thế chém của đối phương. Trần Lâm rút nhanh tay trái về, chân đảo bộ thành Phục hổ tấn, mu bàn tay phải từ dưới đánh mạnh lên cằm địch, tay trái biến thành trảo sử dụng thế Linh hầu phong bộ chộp vào hông của đối phương. Lía hét lớn “hay”, chân liền bước theo thế Hữu vân long phục, người lui về phía sau né cú chộp, quyền phải đánh xuống ức tay của Trần Lâm.
Hai đấu thủ quần nhau trên những cột trụ, bộ pháp thoăn thoắt. Tuy phải cố tránh bị rơi vào tử vị nhưng trông họ linh hoạt và vững vàng như đi trên đất liền khiến cho những người đứng xem không ngớt trầm trồ khen ngợi. Trần Lâm bộ pháp biến hóa, quyền xuất nhanh và hiểm hóc vô cùng, nhưng Lía với khinh công tuyệt hảo, ứng phó kỳ ảo, phản công như chớp nên trận đấu cứ kéo dài, tuy mỗi bên đã trúng vài đòn của đối phương nhưng trận đấu vẫn bất phân thắng bại, chưa ai rơi khỏi giàn thung cả. Tiểu Hồng rất tin tưởng nơi Trần Lâm ở trận này nhưng thấy đánh mãi mà chàng vẫn chưa hạ được Lía, nàng đâm lo bèn quay sang hỏi Lê Trung:
- Cậu thấy anh Lâm có thể thắng trận này không?
Lê Trung đáp:
- Nếu không thắng nổi cũng không thể bại, cháu an tâm. Xem kìa!
Khi Tiểu Hồng quay lại đã thấy Lía tung vút người lên cao để tránh một cú đánh quyết liệt và hiểm hóc của Trần Lâm, nhân đà chàng tung người ra xa đáp xuống đất nói lớn:
- Đánh trên thung, ta không địch lại huynh, xin chịu thua.
Trần Lâm cũng tung người nhảy xuống ôm quyền cười nói:
- Thật là hào sảng và khí phách! Thú thật giàn thung này tôi đã tập luyện nhuần nhuyễn đến mức nhắm mắt cũng có thể bước đi trên đó, vậy mà Lía huynh chỉ mới đặt chân lên lần đầu đã có thể ngang nhiên chiến đấu khiến Lâm tôi ngạc nhiên và khâm phục vô cùng.
- Coi bộ chúng ta phải động đến đao kiếm rồi. Nghe đồn Bạch Long tam thức và chiêu kiếm Nhất điểm hồng là tuyệt chiêu trong thiên hạ, tôi hiếu kỳ rất muốn thấy qua.
Trần Lâm ôn tồn nói:
- Thiên hạ chỉ phóng đại đấy thôi. Bạch gia đao pháp lừng lẫy cả một cõi Giao Châu, vang danh đệ nhất đao pháp hơn tám trăm năm qua, Lâm tôi cũng muốn được thưởng thức mấy chiêu Đoạn hồn đao kia để mở rộng tầm mắt.
- Vậy thì cả hai chúng ta đêm nay cùng được thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình rồi.
Lía quay lại chỗ đồng bọn đứng nói lớn:
- Bân đệ, cho ta mượn thanh đao.
Hồ Bân bước ra đưa cây đao trên tay cho Lía rồi quay về đứng chỗ cũ. Trần Lâm rút thanh nhuyễn kiếm quấn quanh người ra. Hai bên lại ôm quyền chào rồi nhìn nhau im lặng thủ thế. Những trận đấu trước đã khiến mọi người hồi hộp đến ngạt thở, bây giờ với đao kiếm trên tay, tuy không hề có sát khí vì cả hai đấu thủ đều chỉ muốn đọ sức để phân cao thấp chứ không có ý muốn giết đối phương nhưng uy lực vô hình từ họ cộng thêm lãnh khí của đao kiếm tỏa ra trong đêm đông giá lạnh đã khiến cho mọi người rét run. Có nhiều người hai hàm răng còn đánh vào nhau cầm cập.
Chợt nhoáng lên một cái, hai thân người như tên bắn lao vào nhau, tiếng đao kiếm chạm nhau chan chát. Rất nhanh , mọi thứ trở lại im lặng, đồng thời hai bóng người tách ra đứng về đúng vị trí ban đầu, không sai lệch một ly. Trong cái chớp mắt đó họ đã trao đổi nhau ba chiêu, điều tuyệt diệu là đao kiếm của họ chỉ chạm vừa đến lớp vải y phục chứ không hề phạm vào da thịt. Độ chính xác của các đường đao mũi kiếm đã đạt tới trình độ xuất thần nhập hóa. Dưới ánh đuốc, mọi người nhìn thấy trên ngực áo của Trần Lâm có một đường rách chéo dài độ một tấc, trong khi đó cổ áo của chú Lía cũng có một lỗ thủng nhỏ bằng đầu ngón tay. Qua hai vết rách trên y phục, mọi người đều nhận ra được với ba chiêu vừa rồi, hai đấu thủ coi như ngang tài nhau, chưa bên nào tỏ rõ ưu thế hơn.
Lía nhìn Trần Lâm nói:
- Hoa Lư kiếm pháp quả nhiên xứng đáng là đệ nhất kiếm pháp trong thiên hạ.
Trần Lâm nói:
- Đa tạ lời khen. Huynh cũng biết đường kiếm này sao?
Lía gật đầu:
- Qua sự miêu tả của thầy tôi.
Một lúc sau, hai bóng người lại nhoáng lên, đao kiếm chớp ngời. Lần này những tiếng thép va chạm liên miên không dứt. Hai bóng người vờn nhau, có khi trên mặt đất, có khi bay vút lên không. Nếu không vì màu áo của họ tương phản nhau thì chắc mọi người sẽ chẳng còn phân biệt được ai là Trần Lâm và ai là chú Lía. Kình lực từ trận đấu phát ra như cuồng phong bão táp, kiếm quang, đao ảnh sáng ngời như có hàng trăm tia chớp giật liên tục vằn vện trong màn đêm. Sau một chiêu đao sấm sét, hai lọn tóc của Lía bỗng bay vút ra theo hướng ngược chiều lại với đường đao khiến Trần Lâm chới với vì bất ngờ. Chàng đã bị một lọn tóc quất trúng vào vai, phải bật lên một tiếng la đau đớn và dạt người về phía sau. Lía ra chiêu thắng thế nên tay đao tiếp tục phóng ra một chiêu ác liệt nữa. Trần Lâm vung kiếm đỡ, đồng thời chàng lạng người sang bên, tay trái rút nhanh cây roi giắt ngang lưng và vụt một đường thần tốc vào hông Lía. Lía hoảng hồn nhảy vọt ra sau né đường roi vũ bão chỉ trong gang tấc ấy. Trần Lâm đâu chịu bỏ lỡ cơ hội, lập tức cả hai tay kiếm và roi đồng vút ra từ hai hướng lao thẳng như tên bắn vào ngực đối thủ. Lía xoay người vung đao gạt thanh kiếm rồi phóng tới trước thoát khỏi đường roi một lần nữa. Trần Lâm đắc thủ liền lướt theo thanh kiếm trong tay định xuất chiêu đâm vào lưng đối phương. Nhưng vô cùng bất ngờ, Lía đột ngột lạng người sang bên, tay chém chéo về sau một thế đà đao thật hiểm hóc. Trần Lâm lỡ bộ đành phải đưa kiếm ra gạt và xoạc người thật nhanh ngã nằm ra đất để tránh đường đà đao hiểm độc kia. Gần như đồng thời với chiêu đà đao, Lía xoay người lại, lưỡi đao như ánh chớp đâm thẳng vào ngực Trần Lâm đang nằm ngã dưới đất. Mọi người kinh hoàng la lên vì tin chắc với đường đao đó, ngực Trần Lâm sẽ bị đâm xuyên thấu đến lưng. Tiếng hét lớn nhất trong đám người chính là tiếng của Tiểu Hồng.
- Ngừng tay! Đừng giết người dưới ngựa! Tôi đồng ý giao nộp vàng bạc châu báu cho các ông.
Lưỡi đao của Lía đang đâm tới như mũi tên bỗng dừng phắt lại. Lưỡi đao đã đến sát ngay làn vải nơi ngực áo của Trần Lâm, Lía rút thanh đao về rồi cúi xuống đỡ Trần Lâm đứng lên. Nghe Tiểu Hồng nói, chàng quay lại mỉm cười đỡ lời:
- Cao tiểu thư chớ sợ. Lía tôi đã đi khắp gầm trời, hôm nay mới gặp được một đấu thủ xứng tay. Chúng tôi chỉ trao đổi võ học chứ không có ý hạ sát nhau.
Rồi chàng quay lại nhìn Trần Lâm nói:
- Xin lỗi vì đã phải dùng đến chước đà đao này. Được giao đấu với Lâm huynh, Lía tôi thật không bỏ công luyện tập. Hôm nay thật sảng khoái vô cùng.
Trần Lâm ôm quyền nói:
- Lía huynh thật sự là tay đệ nhất cao thủ thời nay. Lâm này có bại dưới tay huynh cũng chẳng thấy hổ thẹn chút nào. Chiêu đà đao này chỉ thiện dụng trên lưng chiến mã, không ngờ huynh lại sử dụng được cả trong trận đấu dưới bộ, thật là tuyệt diệu!
Họ đứng nói chuyện nhau thân mật như hai người bạn mà quên mất chỉ mới vừa rồi, những chiêu đao, kiếm của họ có thể lấy mạng đối phương. Trên y phục cả hai đều có ít nhất mười mấy chỗ rách vì đao kiếm. Lưu Phương Tích bỗng vỗ tay nói:
- Long tranh hổ đấu, vô tiền khoáng hậu, tuyệt thế võ công. Lưu Phương Tích tôi được chứng kiến trận đấu này dù có phải chết ngay lập tức cũng rất lấy làm vui vì đã không sống uổng kiếp này.
Mọi người bây giờ cũng bắt đầu xôn xao bàn tán về trận đấu. Tiểu Hồng bước đến cạnh Trần Lâm hỏi:
- Anh có bị thương không?
Trần Lâm mỉm cười nói:
- Chỉ suýt chết thôi, còn bị thương thì không có.
Tiểu Hồng quay sang Lía cúi đầu chào, nàng nói:
- Tạ ơn hiệp sĩ đã tha mạng cho anh Lâm. Hiệp sĩ cần bao nhiêu vàng bạc xin nói ra, tôi sẽ vui lòng giao nộp.
Lía vội chào đáp lễ rồi cười nói:
- Cao gia đã có Lâm huynh trông coi, chúng tôi thôi không dám quấy phá. Có điều lúc này bà con nghèo chết đói nhiều quá, nếu Cao tiểu thư có lòng từ bi xin ra ơn cứu giúp họ, Lía tôi xin thay mặt bà con cảm tạ trước.
Nói xong chàng chắp tay xá dài. Tiểu Hồng thất kinh vội xua tay nói:
- Xin Lía hiệp sĩ đừng làm vậy. Vâng, tôi hứa ngay ngày mai sẽ xuất ngàn lạng vàng và trăm tấn gạo cứu đói bá tánh. Nhờ các hiệp sĩ Truông Mây thông tin này đến bà con giúp cho.
- Được như vậy thì phúc đức cho bà con biết mấy, chúng tôi sẽ báo cho bà con biết ngay ngày mai. Xin đa tạ Cao tiểu thư, xin cáo từ. Tạm biệt Lâm huynh, mong có ngày tái ngộ.
Trần Lâm ôm quyền nói:
- Tạm biệt Lía huynh, mong tái ngộ.
Lía liền phất tay ra hiệu cho đồng bọn rồi cả bọn phóng người vọt qua hàng rào biến mất trong màn đêm. Xa xa, tiếng gà gáy sáng đã vọng tới mấy hồi. Cao Đường bước ra sân vỗ vai Trần Lâm nói:
- Cảm ơn cháu. Không ngờ tài nghệ của cháu lại cao đến bậc này.
Trần Lâm có vẻ chán nản đáp:
- Cảm ơn Cao trang chủ rộng lòng. Giá áo túi cơm như cháu đã là thủ hạ bại tướng của người ta thì còn nói chuyện cao thấp nỗi gì nữa.
Tiểu Hồng vội an ủi:
- Anh đừng chán nản như vậy. Ai cũng biết anh và chú Lía kẻ tám lạng người nửa cân. Vả lại thắng bại là lẽ thường mà.
Lê Trung cũng bước đến nói:
- Tiểu Hồng nói đúng. Hai bên đúng là kẻ tám lạng người nửa cân. Nhưng với riêng chú, cháu hơn chú Lía về trí tuệ. Như vậy so ra, nếu luận anh hùng cao thấp, cháu là người đứng vế trên.
Trần Lâm mỉm cười nói:
- Thôi bỏ qua chuyện ấy đi, cháu muốn uống một ly rượu để ăn mừng cho lần gặp gỡ có một không hai này.
Tiểu Hồng vui vẻ nói:
- Phải đó, Tiểu Hồng sẽ đi lo ngay cho anh một cuộc rượu.
Nói xong nàng hối hả đi ngay. Mọi người kéo nhau vào khách sảnh vừa uống rượu vừa bàn luận về trận đấu vừa qua.
***
Hôm sau, Tiểu Hồng xin cha cho mình giữ đúng lời hứa với chú Lía là xuất kho phát gạo và tiền giúp bà con. Cao Đường tiếc của lắm nhưng ông vốn coi Tiểu Hồng như viên ngọc quí, nàng muốn gì ông cũng chiều ý nên đành bấm bụng nghe theo. Thế là trong suốt tháng chạp năm đó, bà con ăn xin và những người nghèo khó lũ lượt kéo nhau về cảng thị Quy Nhơn để nhận đồ cứu trợ. Nhờ vào sự giúp đỡ của vị tiểu thư xinh đẹp và phúc hậu nhà họ Cao mà bà con nghèo khó đã được hưởng một cái Tết Bính Tuất trong không khí vui tươi, đầm ấm.
Cả tháng qua Trần Lâm cũng đã sát cánh bên Tiểu Hồng lo việc cứu trợ. Chàng ở lại Cao gia trang đón Tết Bính Tuất, một cái tết cuối cùng của chàng ở nơi này. Chiều hôm đó, chàng rủ Tiểu Hồng đi dạo để nói cho nàng biết dự định của mình. Hai người cưỡi hai con ngựa, Trần Lâm con Ô Truy và Tiểu Hồng con Huyết Mã mà ngày xưa Đại Hồng vẫn dùng. Họ ruổi ngựa trên bờ cát trắng, đến gành Nhạn Châu rồi lên đỉnh đồi ngồi ngắm biển xanh chờ trăng lên. Hai người ngồi cạnh nhau trên phiến đá, Tiểu Hồng hướng mắt xa xa nói:
- Biển Quy Nhơn bao giờ cũng đẹp, đẹp cả bốn mùa, anh Lâm đồng ý không?
Trần Lâm đáp:
- Đồng ý. Cho nên đất Quy Nhơn mới sản sinh được nhiều mỹ nhân như vậy.
Tiểu Hồng cười khúc khích, quay lại hỏi Trần Lâm:
- Anh gặp mỹ nhân ở đâu mà nói rằng Quy Nhơn có nhiều?
- Không cần đi đâu xa, chỉ trong một khuôn viên nhỏ của Cao gia trang thôi mà đã có Song Hồng tuyệt đại mỹ nhân rồi.
Tiểu Hồng đánh nhẹ vào vai Trần Lâm cười nói:
- Anh chỉ khéo làm vui lòng người khác thôi. Cái gì mà Song Hồng tuyệt đại mỹ nhân? Nghe ghê quá!
Rồi nàng thở dài:
- Nhắc đến Song Hồng em lại thấy nhớ chị Đại Hồng. Tội nghiệp chị ấy vô cùng.
- Đại Hồng nay là đệ nhất phu nhân của quan Trấn thủ, là đệ nhất mệnh phụ của phủ nhà, sao lại tội nghiệp?
- Anh tưởng chị ấy vui vẻ khi làm bà mệnh phụ đệ nhất ấy lắm hay sao?
- Có uẩn khuất gì trong đó sao?
- Anh giả vờ không biết hay không biết thật vậy?
- Là thật đó!
- Chị ấy hận anh nên mới chiều ý cha nhận lời lấy Hoàng Công Đức.
Trần Lâm thở dài nói:
- Khi hay tin chị ấy lấy chồng, anh cũng mơ hồ nghĩ vậy.
- Sau cái hôm hai người đi chơi về rồi anh theo đoàn thuyền vào ở mãi trong Nam, chị ấy đã âm thầm khóc suốt một tháng trời. Điều này chưa bao giờ xảy ra với con người cứng rắn như chị ấy.
- Bây giờ mọi việc đã yên, cầu cho chị ấy hạnh phúc và vui vẻ.
Tiểu Hồng lại buông tiếng thở dài, định nói gì đó nhưng lại thôi. Nàng không muốn cho Trần Lâm biết về sự buồn chán của Đại Hồng khi về sống với người chồng già như Hoàng Công Đức, sợ chàng mang thêm mặc cảm tội lỗi. Trần Lâm nhặt một viên đá búng mạnh xuống vùng sóng biển đang đập vào những tảng đá tròn như những cái trứng khổng lồ bên dưới, chàng nói:
- Tiểu Hồng nè, anh báo cho em biết, mai anh sẽ rời khỏi gia trang.
Tiểu Hồng quay lại, tròn xoe đôi mắt hỏi:
- Mai à? Anh sẽ đi đâu?
- Anh chưa biết. Trước hết sẽ trở về thăm sư phụ, sau đó lãng tích giang hồ một thời gian để ngắm cảnh non sông cẩm tú rồi tùy cơ duyên mà hành sự.
Tiểu Hồng hai mắt bỗng đỏ hoe, buồn bã nói:
- Em biết là có ngày anh sẽ ra đi, nhưng khi nghe nói đến chuyện biệt ly em vẫn thấy rất đột ngột và ngỡ ngàng.
- Xin lỗi em. Anh biết là em sẽ hiểu và thông cảm cho anh.
- Anh thật không có dự tính gì cho tương lai của mình sao? Tài trí như anh chỉ cần có cơ hội là nhất cử thành danh, sao anh không tính tới? Cha em có thể giúp anh rất nhiều trong việc này.
- Em muốn nói đến chuyện thi đỗ làm quan hả?
- Đại loại như vậy.
- Với thời đại này, việc đó anh quyết không nghĩ tới. Hơn nữa anh muốn tự mình tiến thân. Ý đẹp của em anh xin tạc dạ.
Tiểu Hồng cúi mặt, giọng nhỏ lại nghe buồn buồn như muốn khóc:
- Ý anh đã quyết, em không dám cản, chỉ xin anh nhớ cho một điều.
- Em nói đi. Anh nhất định sẽ nhớ.
- Là mỗi chiều, sẽ có một người ngồi trên phiến đá này nhớ tới anh.
Không hẹn mà hai tiếng thở dài lại buông ra cùng một lúc. Trăng đã nhú lên, họ ngồi im lặng ngắm trăng, không nói thêm lời nào nữa. Cho đến lúc mặt trăng tròn vành vạnh treo trên cao, cả hai mới rời đỉnh núi thả ngựa chầm chậm trở về. Hôm sau, Trần Lâm giã từ mọi người ra đi, Tiểu Hồng bày một cuộc rượu nhỏ tiễn đưa. Đêm đó, qua màn nước mắt, dưới ánh bạch lạp nơi cô phòng, Tiểu Hồng đã gói gọn cảnh chia li ấy bằng mấy dòng thơ:
Run tay chuốc chén đăng trình
Cõi lòng nhi nữ mông mênh giọt sầu
Người đi cố bước đi mau
Người về trắng những canh thâu nhớ người
Đường tình nay đã chia đôi
Gặp nhau chi để ngậm ngùi mất nhau.[1]
- Từ khóa :
- Vũ Thanh