- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

RỪNG

28 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 40201)


rung-photo_dong_hai-content

 Rừng núi Phú Yên- Ảnh Đông Hải


LTS: Đỗ Nhất Trí đang sống và làm việc tại Phú Yên. Truyện của anh "chừng mực" và lôi cuốn người đọc. Qua truyện “Rừng” bạn đọc sẽ được xem một bức tranh xã hội Việt Nam ở vùng sâu vùng xa với những quyền lực kỳ diệu của thiên nhiên đồng thời cũng cảm thấy được sức ép của một thứ quyền khác đó là thứ quyền hành mà chỉ có ở những xã hội bán khai man dã…

Tạp Chí Hợp Lưu

 

 Nửa đầu thế kỉ trước . Ông Sáu người làng Đồng Thịnh, đã nhặt được một đứa bé đỏ hỏn nằm dưới gốc cây chò hoang mọc cạnh sân đình . Ông Sáu mang thằng bé về, đặt tên là Rừng . Mười lăm tuổi thì chiến tranh xảy ra . Nó xin ông sáu đi theo Cách mạng . Đi vì chí lớn thì ít, mà vì thấy đám trai làng ra đi trước đó, có sự đưa tiễn của người thân và tiếng khóc sụt sùi, của bọn con gái mông to ngực nhọn . Lâu nay nó chỉ nghe thấy tiếng quát mắng chưởi rủa ào ào như cây đổ, thác chảy của ông Sáu, chứ có bao giờ thấy nước mắt đàn bà rỉ rả như lạch suối đầu nhà đâu . Nó ao ước được nhìn thấy những giọt nước mắt của con Lan . Con Lan cháu vợ ông Sáu, hơn nó ba tuổi, vú căng phồng, người mây mẩy nước da bánh mật, thường theo nó lên rừng lượm chai . Đi lượm chai mà vô tư không mặt áo trong, nên lom khom là mảng ngực động đậy, khiến cho tâm trí thằng Rừng điên đảo. Những buổi trưa hai chị em ngã lưng dưới gốc chò ngủ nghỉ. Thằng Rừng thường len lén nhìn hai quả đồi nhấp nhô theo nhịp thở của con Lan, mà mường tượng ra bao điều quái gở . Đêm nay, trong lúc dân làng thúc trống khua mõ vang lừng thì nó lôi thằng Rừng ra gốc chò hoang mọc ở sân đình đu đưa :

- Mày đi rồi ai dẫn tao lượm chai Rừng ?

- Chị đi một mình vậy

- Chị chị cái con khỉ ! tao với mày có bà con đâu?

- Nhưng Ba tui là Bác mà!

- Bác gác bụi tre -đồ con hoang …

 Đôi mắt con Lan bỗng nhìn nó vùa xa xăm vừa dữ dội. “ Rừng!.. Rừng có thích không?” . Bực! bực! Tiếng nút áo bật ra mời gọi. Một mảng trắng mềm mại thơm lừng mùi mủ chai đang lừng lững tiến tới đổ sập lên người nó….Thằng Rừng chưa kịp hoàn hồn, thì tiếng kẻng, tiếng gọi.. từ sân đình thúc lên dòn dã … Con Lan vừa cài lại nút áo ngực vừa khóc tức tưởi : “ Em sẽ đợi anh về ...”

 Ngày đất nước thống nhất . Thằng Rừng ễnh ngực về làng. Trước tìm con Lan sau tìm ông Sáu . Ông Sáu chết trong một trận chống bọn Đại Hàn càn phá mảnh rừng, còn con Lan đã có chồng. Chồng Lan là một cảnh sát áo trắng chế độ cũ . Ông Kí chủ tịch xã phát hiện thằng Rừng là bộ đội phục viên, nên cho làm xã đội trưởng. Thằng Rừng chỉ huy đám du kích choai choai ban ngày phụ giúp ban quân quản, còn ban đêm thì đi mật phục. Đêm nào cũng vậy, thằng Rừng luôn có mặt ở gốc chò hoang cạnh nhà con Lan . Nhiệm vụ quan trọng của nó là tóm sống thằng Thái, kẻo nó bị bắn chết vì tư thù cá nhân . Một tuần trôi qua .Thằng Rừng chẳng phát hiện điều gì ngoài việc con Lan khuya khuya ra góc vườn ngồi xả nước . Nghe vậy, Ông Kí chủ tịch xã trầm ngâm một lúc rồi bảo : “ Không mai phục nhà con Lan nữa !”

 Hai tuần không nhìn con Lan ngồi xả nước, thằng Rừng thấy nhớ, nó rủ ông Kí nhậu . Đến lít đế thứ hai ngà ngà say . Ông Kí nhìn xoáy vào mặt thằng Rừng hỏi :

- Mày nhớ nó hả Rừng ?

 Tai thằng Rừng nóng ran, nó chớp mắt bẽn lẽn nhìn ông Kí đang phừng phừng vì rượu, tay nó run run dốc mạnh ly rượu vào cổ họng, một cảm xúc dâng trào, nó bỗng mạnh dạn nói :

- Bớt giỡn đi ông Anh? mấy mươi năm vắng bóng đàn bà, thằng nào thấy gái mà không hực. Chỉ cái tội chính trị nên thằng em này phải dừng !

- Mày nói hay đấy? Ông Kí gật gù cười . Làm cái thằng đàn ông mà không hực thì có nước… Ông Kí giơ tay ra hiệu phăng cái của ấy . Nhưng cái chính trị . Mẹ kiếp! Phức tạp lắm, đó là chuyện của anh . Còn mày, mày biết không? thằng chồng con Lan nó quơ mấy ả đàn bà ở xã này hả ! Một, hai, ba... Vậy mà tao với mày ngồi đây - chính trị với chính triết . Uống đi thằng em! Đã chiến thắng thì phải thắng tất cả…dô đi ! 

 Đến lít đế thứ tư thằng Rừng cụng li hoài mà chẳng đụng ai . Đám du kích choai choai đã quắc cần câu, còn ông Kí thì biệt dạng tự hồi nào . Nó rời trụ sở, cái đầu vốn dĩ giàu trí tưởng tượng, giờ được rượu và những lời nói của ông Kí phối thêm, nên cứ nhẹ tênh bay bổng . Đầu ấy, không dẫn đôi chân về nhà, mà mò đến gốc chò hoang, chờ xem con Lan xả nước . Nhưng nó không chờ được lâu, cơn buồn ngủ đã hạ gục nó. Trong giấc ngủ nó thấy nó cùng với con Lan mang gùi đi lượm chai. Chai nhiều lắm, đung đưa những cục chai móng treo lủng lẳng khắp các nhánh, cành trên cao, nó với tay bơi vào khoảng không . Những cục chai không trong như màu hổ phách, mà trắng ngần ngận đang trôi dần về phía nó .. Lan đấy ư! Em đây! Sao em không chờ anh … Chờ cái con khỉ ? …Em là đàn bà chứ có phải thần tiên gì mà chờ ? Sao Rừng về mà không ghé.. thằng Thái nó bỏ đi biệt tăm rồi, đừng dò tìm nó như chó săn nữa … Rừng có phải là đàn ông không? Đàn ông gì mà không hực.. .

Thằng Rừng hoảng hốt ngồi bật dậy, mình đẫm mồ hôi . Đàn ông mà không hực! Nó đưa tay dò xuống đùi -Mẹ kiếp! nói sao giống ông Kí vậy! Nó lẩm bẩm, nhìn về phía ngôi nhà của con Lan . Phía ấy, trăng thượng tuần đang ngời lên một thứ ánh sáng lành lạnh . Không gian lặng ngắt bỗng vỡ ra một tiếng động đâu đó. Trời ạ!.. một thân hình lờ mờ đang lom khom chui ra từ nhà con Lan, nó hoảng hốt với tay ra sau lưng lấy khẩu súng, rồi chồm dậy lao đến phía cái bóng đen kia, nhưng đã bị rễ cây chò làm cho vấp ngã, đầu va xuống đất . Khi tỉnh dậy thằng Rừng chỉ thấy có một mình con Lan đang ngồi bên cạnh nó . Hoảng sợ thằng Rừng hỏi dồn dập . Con Lan không trả lời chỉ thút thít khóc. Nó tức mình chửi bới loạn xạ một lúc, rồi bỗng dưng ôm chầm lấy con Lan, mà kể tất cả những nỗi niềm trước đây của nó .

- Hãy đi với tôi !

- Đi đâu?

- Lên rừng lượm chai như khi xưa vậy!.

- Thật hôn!.

- Thật . 

 Cây chò hoang xù xì với những chùm rễ ngoằn nghèo đủ hình thù, bò lên mặt đất như những con rắn quái dị, đã chứng kiến cảnh thằng Rừng làm đàn ông. Không hôn hít vuốt ve, mà ào ào đổ xuống con Lan như một súc gỗ chò bị đốn ngã. Gió từ suối Lạnh thổi u u, đưa hơi nước rờn rờn lạnh. Trăng soi qua kẽ lá một thứ ánh sáng bàng bạc, không gian thơm lừng mùi mủ Chò. ..

“Bỏ Đảng hay là bỏ con Lan?”. Ông Kí trừng mắt nhìn thằng Rừng . Đời thằng Rừng chỉ có hai người mà nó thương yêu nhất . Đó là ông Sáu và con Lan . Ông Sáu thì chết rồi . Còn con Lan, chồng không về, mà cái bụng cứ lùm lùm ngày càng to biểu nó bỏ sao đành, vả lại như lời ông Kí nói . Cái chính trị ấy đâu phải là của nó . Nó là rừng, là mủ chai, là trái ư .. Thôi thì cứ cởi bỏ cái áo xã đội trưởng, mà dẫn con Lan về ngôi nhà cũ sinh sống. 

 Vài tháng sau con Lan lâm bồn . Đấy là một đêm kì lạ . Một cơn lốc mạnh đi ngang qua. Không ngôi nhà nào sập, không ai thiệt mạng . Cơn lốc chỉ bứng bay cây chò cổ thụ nơi sân đình. Trong tiếng hú cuồng nộ của thiên nhiên ấy, con Lan đã oằn người hạ sinh ra một đứa bé . Đứa bé khỏe mạnh nhưng mặt đầy những u nần tựa như những cục cức gà mà dân lượm chai gọi là chai cức gà .Thằng Rừng đặt tên nó là cu Gà . Thầy Tâm Quả một thầy cúng ở làng nhìn mặt cu Gà Bảo : “ Ngữ ấy, sống tha hương thì vượng, gần nhà vướng đạo tặc ” . Mặc cho lời phán . Thằng Rừng vẫn yêu cu Gà tha thiết .

 Cuộc sống vui vẻ được vài năm thì thằng Thái trở về . Sau khi trình cho chính quyền, những giấy tờ đã cải tạo tư tưởng xong . Thằng Thái đòi dẫn vợ con đi .Tại nhà thằng Rừng, trong lúc ông Kí phân xử thì bỗng dưng cu Gà chỉ tay vào ông mà thét : “Âm Tặc !” . Tiếng thét của thằng bé mới thôi nôi, làm cho mọi người giật mình . Ông Kí da mặt từ đỏ chuyển sang tái, rút súng ngắn nã lên trời, lau sậy từ mái nhà rơi xuống lả tả . Ông Kí chỉ tay vào cu Gà hét lớn : “Đồ cha con thằng phản động - Giặc mà đến thì phát súng đầu tiên tao sẽ nã vào đầu chúng mày, cút ngay !” .

 Phát súng của ông Kí đã làm nhụt ý chí đòi vợ của thằng Thái . Con Lan thảng thốt nhìn bóng cha con cu Gà hút dần trong bóng chiều . Thằng Rừng lạnh lùng bảo: “Lá rụng sẽ về cội, mất đi đâu mà sợ” . Nói vậy, nhưng sau đấy ốm mấy ngày đêm, không ăn không uống . Con Lan chăm sóc thật chu đáo lựa đủ lời an ủi. Thằng Rừng dần dần hồi phục, nhưng đầu óc cứ lơ ngơ, tính tình khó chịu . Lúc ấy cả xã đang rậm rịch viết đơn tình nguyện vào hợp tác xã . Thấy vậy, con Lan cũng lăng xăng, cầm tờ giấy bảo thằng Rừng viết đơn . Thằng Rừng giật phăng tờ giấy, vo tròn ném xuống đất:

-Khéo vẽ, mình chả có tấc đất nào mà tình nguyện, không khéo mấy đứa nhiều ruộng nó cho là mình tham

-Tham sao được! Con Lan lớn tiếng - Ai đổ máu giữ đất cho bọn nó

-Không phải cô! . Thằng Rừng đáp lại. làm thế tôi không thích .Tôi ghét lão Kí .

- Ơ hay! Sao lại ghét lão .

 Nói vậy, nhưng con Lan cũng nghe lời. Không vào hợp tác xã nên vợ chồng nó chỉ được nhận vài sào đất nằm cô lập mút tận bìa rừng . Không thuỷ lợi, không phân bón nên đành bỏ hoang, mà tìm cách sinh nhai khác . Vốn sinh ra từ rừng, thằng Rừng thuộc lòng từng gốc chò non, chò già, chò chỉ… Biết chỗ nào có chai đảo, chai móng, chai uông, chai cục . Sáng sáng vợ chồng mang gùi lên rừng tìm đến từng gốc chò, vạch từng chiếc lá rụng, lượm về những cục chai cức gà bán cho dân biển . Vậy mà no đủ . No đủ hơn cái hợp tác xã đất canh tác bạt ngàn, nhưng cha chung không ai khóc. Dân đói nghèo triền miên . Đói thì đầu gối phải bò!. Họ bỏ ruộng đồng theo vợ chồng thằng Rừng lượm chai .

 Cánh đồng năm tấn thưa người làm . Ông Kí đâm lo, cho du kích chặn các nẻo đường vận động dân về đồng sản xuất . Thằng Rừng cười bảo : “ Ngăn sao được lòng dân . Xưa trốn được cảnh sát thì nay cũng trốn được kiểm lâm . Em coi lương bỗng mấy đồng mà thằng kiểm lâm nào cũng giàu? “

 Vận động không được dân, ông Kí tức khí ghép tội thằng Rừng là lâm tặc, bắt giải về huyện . Tại huyện đường, thằng Rừng cãi tay đôi với ông chủ tịch huyện .

 - Anh có biết tại sao trong vòng vài ba năm nay hết lũ lụt này thì lại lũ lụt khác, lũ lụt sau ghê gớm hơn lũ lụt trước không?

 - Chuyện đó học sinh tiểu học cũng biết .

 - Vậy tại sao anh phá rừng?

 - Tôi mà phá ư!, dân làng tôi mà lâm tặc ư ?. Mấy người dân ốm nhôm ốm nhách nghèo xơ nghèo xác đấy lấy đâu mà có hàng trăm máy cưa, máy kéo gỗ . Những chiếc xe tải ngày đêm nối đuôi nhau chở gỗ ấy là của ai? Bọn nào thích chơi ngông xây nhà bằng gỗ mun gỗ trắc, bọn nào làm bàn ghế, trồng cây cảnh bằng gốc cổ thụ? . Dân làng tôi ư ? Đấy ! Ông hỏi ông Kí xem ... Ông chủ tịch huyện nghe vậy trầm ngâm một lúc rồi thả thằng Rừng về.

 Sau vụ ấy ông Kí được điều lên huyện làm một chức vụ cao hơn . Còn ở rừng Đồng Thịnh, kiểm lâm phối họp với công an, du kích lùng sục, đào bới khắp nơi. Gỗ chôn dưới vồng khoai lang, dấu trong nhà, giả làm mộ chí… đều bị bới tìm thu giữ . Rừng trở nên yên ắng. Mấy thằng lâm tặc lặn xuống các quán bia ôm xả xú-pắp, dân nghèo lượm chai nén đói chửi thầm . Thằng Rừng cười bảo : “ Đấy chỉ là chiến dịch ..”

 Rừng chưa thay được lá mới thì động trở lại . Năm nay được mùa ư . Những trái ư ngày trước chẳng ai thèm để ý, mùa trái chín rụng gặp nước nở tung bầy nhầy khắp cánh rừng, nay bỗng dưng có giá . Giá cao ngất ngưởng khiến cho người dân không còn xách gùi theo hướng gió để tìm lượm những trái ư chín già bay rơi rụng xuống đất nữa . Mà cả làng lều chõng,lương thảo cất trại tại chỗ, đốn ngã cả cây gục xuống mà hái, mà lượm . Chắt lép, khô, tươi bọn lái buôn mua tất . Thằng Rừng ngửa mặt lên trời hát:

.. Rừng đã có từ thời ông, thời bà

Rừng đã nuôi cha, nuôi mẹ, nuôi ta

Muôn loài trong rừng ta phải bảo vệ

Bắt con thú không được bắt con mẹ

Chặt cây khô không được chặt cây tươi…*

 Hát vậy nhưng thằng Rừng vẫn lén dẫn vợ vào tận rừng sâu..nó tìm đến những cây ư to lớn mà thời chiến tranh nó đã từng che giấu nó . Vợ chồng nó hí hửng nhìn những cây ư to lớn sừng sững mang đầy những trái ư lũng lẵng đen kịt . Năm tạ, sáu tạ bằng một chiếc tay ga - vợ nó nhẩm tính …Một cơn gió nhẹ lào xào thổi qua, thả hàng ngàn cánh ư cái thì bay là là cái thì quay xoăn tít giữa khu rừng yên tịnh . Những đôi cánh ư to bằng hai ngón tay dài cả gang màu cánh gián quần lượn quấn quít dìu nhau bay xuống như những cặp tình nhân. Đã làm cho con Lan hứng tình ôm chặt lấy thằng Rừng . Không kịp suy nghĩ, hai vợ chồng nó quấn riết lấy nhau giữa khu rừng tràn ngập cánh ư bay . Bống dưng có tiếng động mạnh . Thằng Rừng giật mình choàng dậy. Sau lưng nó bốn năm gã trai râu tóc rậm rạp thân hình vạm vỡ đang trố mắt nhìn vợ chồng nó. Hốt hoảng cực độ, vợ chồng thằng Rừng túm lấy áo quần che lấy thân, thì nghe một tiếng phực . Lưỡi rìu sáng loáng từ tay thằng cầm đầu - Đó là thằng Kiên con trai độc nhất của ông Kí làm kiểm lâm huyện, bay phập vào thân cây ư . Mủ từ đó ứa ra xối xả . Thằng Kiên hét lớn :

- Cút ngay ! Đ. mẹ giữa rừng thiêng mà mày dám à ! 

 Vợ chồng Rừng run lẩy bẩy quay đầu bỏ chạy, nhưng chỉ vài chục bước thì bị bọn nó chạy theo bắt lại . Thằng Rừng bị trói gô vào gốc cây, khăn nhét vào miệng kinh hãi nhìn thằng Kiên ẵm con Lan lẫn vào một bụi cây.

 Đêm ấy dẫu rất khuya, nhưng thằng Rừng không tài nào chộp mắt , còn con Lan thì nằm lặng yên, thi thoảng lại bật lên những nhịp thở làm cho thằng Rừng vô cùng bức bối . Những ý nghĩ bậy bạ cứ quấy quá đầu óc nó . Lúc thì những cánh ư bay chập chờn, khi thì lưỡi rìu sáng loáng mủ phun ra như sữa chảy . “Không thể được, phải kiện thôi”. Thằng Rừng dằn vặt, và khi sự dằn vặt đã đạt đến đỉnh điểm . Thằng Rừng nghiến răng thì thào :

- Này em, nó đã làm gì? .

 Câu nói vụt vào tai con Lan, làm con Lan giật mình đánh thót . Con Lan cố mở to mắt lặng nhìn, căn phòng nhỏ tối và ẩm không thấy rõ đôi mắt thằng Rừng, chỉ có đóm lửa từ điếu thuốc, chốc chốc bùng lên màu đỏ ối và hơi thuốc làm cho căn phòng càng ngột ngạt hơn .Thằng Rừng cảm thấy hèn quá, sao lại nở hỏi câu ấy nhỉ? Mà thà rằng cô ấy khóc lóc để nó vỗ về an ủi, đằng này tịnh - không một lời nói - chỉ có tiếng thở tiếng thở nghe sao mà tức rực . 

 - Anh thật có lỗi ! . Nó lại nói . Con Lan ôm chặt lấy nó thì thào :

 - Chẳng ai có lỗi cả, chúng ta là rừng mà không theo luật rừng thì phải chịu vậy!

- Không, anh sẽ kiện!

- Kiện ai! Đừng! Chẳng lẽ anh lại muốn cho mọi người biết em… Bỏ qua chuyện ấy đi - Sống mà về được đến đây là may rồi, hơn nữa em có hay ho gì đâu? …

 Câu nói bỏ lửng, tuôn ra từ lồng ngực của con Lan, làm tim thằng Rừng nhói đau . Nó choàng tay siết chặt lấy thân hình con Lan . Bụng nó chạm vào bụng con Lan . Một ý nghĩ chợt nhói lên...Kể từ ngày cu Gà bỏ đi, đã mấy chục mùa ư …Nó buông ra một tiếng thở dài..

 Thằng Rừng chưa kịp nguôi nổi nhục, thì tin thằng Kiên bị tai nạn, nghe nói trong lúc hạ cây ư ngàn tuổi nó đã bị cây đâm vào đầu . Nhờ tiền, chạy chữa tốt, nên thằng Kiên không chết mà chỉ ngây ngây, giống như kẻ mất hồn . Hai con mắt chùm bụp với tròng mắt đờ đẫn, lớp da trên mặt dày và cợm sần sùi đầy những vết thẹo . Thằng kiên thường lang thang ngoài bìa rừng, gặp bất cứ quả hạt cây gì, nó cũng lượm lên ngắm ngía một hồi lâu, rồi lẩm bẩm tung lên trời : “ ư ba y!, chò bay!..” Bọn trẻ nhỏ trong làng thấy thế lấy làm thích thú chạy theo nó hô vang : " Kiên bay!, Kí bay!" . Nó nghiêng đầu, nhìn bọn nhỏ rồi cũng há miệng ngô nghê hô theo…..

 Cuộc sống là một con đường dài có nhiều lối rẽ bất ngờ. Thằng Kiên chưa tỉnh cơn điên, thì ông Kí chết sau một cơn đột quị . Đột quị khi nghe tin người thế chân thằng Kiên phát hiện ra ông nhận tiền phòng hộ rừng đầu nguồn của dự án X, nhưng lại bật đèn xanh cho lâm tặc phá rừng . Xe đưa tang ông đông lắm, toàn biển số xanh nhà nước và biển số đẹp của bọn nhà giàu buôn gỗ. Đông nhưng buồn . Buồn vì thằng Kiên không chịu bận áo xô, không chịu chống gậy, nên không có tiếng khóc. Mỗi người đưa tang là mỗi dòng suy nghĩ . Vợ chồng thằng Rừng thầm lặng hoà vào dòng người ra tận nghĩa trang, cho đến khi tiếng đất vĩnh biệt an ủi lục bục lộp bộp rơi, thì mọi người ngơ ngác nhìn thằng Kiên, tung xuống huyệt mộ những chùm hạt cây mà nó thường mang theo. Nhìn những cánh hạt ư, hạt chò lả tả bị đất cuốn chìm xuống đáy mộ, con Lan bỗng dưng ôm bụng nôn oẹ ra toàn mật xanh.. Thầy Tâm Quả thấy vậy bảo:

- Về nhà, đàn bà chửa tránh xúc động mạnh.

 Thằng Rừng giật mình, nhìn cái bụng con Lan cơi lên sau làn áo . Nó lật đật dìu con Lan đi, khi ngang qua sân đình, thằng Rừng chợt nhìn thấy từ gốc chò bị lốc xoáy năm nào, vươn lên một mầm chồi non tơ. Nó reo lên: Em xem kia kìa, cây chò lại mọc chồi rồi! . Con Lan nhìn chầm chầm vào gốc chò hoang - bỗng dưng một cơn đau dữ dội quặn lên từ bụng dưới . Con Lan nén đau ôm lấy thằng Rừng thì thào:

- Này anh, lúc nãy ở đám tang em nghe người ta bảo…

- Bảo sao?

- Thằng cu Gà, thế chân thằng Kiên… Đôi mắt con Lan bỗng trở nên đờ đẫn, nó thấy chập chờn hình bóng của thằng Rừng đang xoay tròn trước mặt nó .Thằng Rừng hoảng hốt đỡ lấy con Lan . Những giọt máu từ ống quần con Lan rỉ ra đỏ cả một đám cỏ . Thằng Rừng bật khóc.

 

 Đỗ Nhất Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 7298)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 12517)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 299)
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng…
02 Tháng Mười 20245:30 CH(Xem: 265)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. (- Bạt Xứ)
02 Tháng Mười 20245:12 CH(Xem: 241)
Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông. Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 266)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 298)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
02 Tháng Mười 20244:38 CH(Xem: 290)
Như tuổi trẻ của chúng ta, hôm nay / Thứ hoàng hôn oằn mình rực rỡ / Đang chìm dần / Khuất vào nơi biển lạnh. / Bình minh rồi sẽ mọc / Nhưng không thuộc về chúng ta.
24 Tháng Chín 202412:07 SA(Xem: 596)
ừ có lụt thiên nhiên / nhưng có ai quên khuấy / vẫn còn cơn lụt kia / vẫn quanh năm thường trực ru ngủ / và đánh chìm
23 Tháng Chín 20241:01 SA(Xem: 957)
Lời giới thiệu: Thủ tướng Hun Manet với hậu thuẫn của cha ông, người đã đề xướng ra công trình kênh Funan Techo như một Đại vận hà của dân tộc Khmer, đồng thời là di sản triều đại của cha con họ. Về địa chính trị, tuyến đường thủy vận này cho họ phương tiện chuyển hàng hóa từ Phnom Penh ra biển, không còn phải theo tuyến đi trên Sông Tiền hay Sông Hậu, sẽ giải thoát họ khỏi sự phụ thuộc vào Việt Nam. Cha con Hun đã được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng khi đặt cho dự án này dưới tên Funan, khơi động lên tinh thần dân tộc bài Việt, và soi sáng lại lịch sử Đế chế Funan của họ. Theo giới chuyên gia quốc tế, và phân tích trên Viet Ecology Foundation, lợi ích kinh tế của công trình này chắc chắn không khả thi, tác động nặng trên môi sinh cho Cam Bốt và xuyên biên giới xuống Việt Nam nhưng đã bị chính quyền Phnom Penh giảm thiểu hóa và gạt bỏ. Phnom Penh không giải trình toàn bộ chi phí và việc di dời đền bù cho người dân họ như thế nào. Họ cung cấp thông tin bất nhất và sai lệch ...