Ngày 15.3.2006 theo Nghi quyết 60/251 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, một cơ chế với tên gọi The Universal Periodic Review (UPR), tiếng Việt là Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát đã được hình thành. Từ đó, cứ 4 năm rưỡi một lần, Liên Hiệp Quốc thông qua Hội Đồng Nhân Quyền (HĐNQ - Human Rights Council) lại có cuộc kiểm điểm các quốc gia thành viên (thí dụ như Việt Nam) về vấn đề nhân quyền, để xem các nước đó có thi hành đúng các hiệp ước quốc tế mà họ đã ký kết hay không.
Cuộc kiểm điểm sẽ dựa theo:
1/ báo cáo do quốc gia được kiểm điểm cung cấp (the State’s national report),
2/ Báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN report on the State),
3/ Báo cáo tổng kết của các thành viên liên quan (Summary of other relevant Stakeholders’ information) như các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các nhà hoạt động dân chủ, xã hội, về vấn đề nhân quyền ở nước quốc gia được kiểm điểm.
Sau đó họ sẽ tổng kết và đưa ra khuyến nghị yêu cầu quốc gia liên hệ thực hiện. Quốc gia bị xem xét phải thực hiện những khuyến nghị ấy trước lần Kiểm điểm UPR 4 năm sau.
Lần kiểm điểm định kỳ này là lần thứ 18, gồm 32 phái đoàn chính phủ các quốc gia tham dự trong đó có Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam sẽ phải điều trần về tình hình nhân quyền của mình vào ngày 5.2.2014.
Việt Nam chính thức trở thành thành viên của LHQ từ năm 1981 và từ đó đến nay đã ký nhiều Công ước quốc tế như:
- Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc (9.6.1981);
- Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (27.11.1981);
- Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội và Công ước quốc tề về các quyền dân sự chính trị (24.9.1982);
- Công ước về quyền trẻ em (20.2.1990);
- Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác, gọi tắt là Công ước chống tra tấn (7.11.2013).
Trên nguyên tắc, khi ký kết để trở thành thành viên của một tổ chức nào đó thì quốc gia xin gia nhập phải cam kết tôn trọng những tôn chỉ và mục đích của tổ chức đó, cũng như phải tôn trọng và thực thi những thoả ước chung của tổ chức. Với tổ chức Liên Hiệp Quốc thì những thoả ước chung đó là các công ước quốc tế như đã nêu ở trên. Tuy nhiên cho tới nay nhà cầm quyền CSVN chưa bao giờ tôn trọng những gì họ đã ký kết và luôn ngụy biện cho những hành động cố ý sai trái của họ. Vì vậy vạch trần trước thế giới sự thật về tình trạng chà đạp nhân quyền tại VN là việc luôn cần thiết. Hiện nay số nạn nhân mới mỗi năm lại gia tăng, trong khi các nạn nhân của những năm trước vẫn tiếp tục sống trong đọa đày trong tù và ngoài tù, như Nhà giáo Đinh Đăng Định, ông Ngô Hào, Lm. Nguyễn Văn Lý, Ms. Nguyễn Công Chính, Blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Ls. Cù Huy Hà Vũ, Đinh Nguyên Kha, bà Lê Thị Đoa, Trần Thị Thúy, Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, các ông Vi Đức Hồi, Trần Anh Kim, và một danh sách hàng mấy trăm người. Đó là những nhân vật tiêu biểu cho tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Hà Nội, vốn đã được nhiều cơ quan nhân quyền quốc tế, hoặc chính những uỷ ban đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền đề cập đến nhiều lần. Nhưng ngoài danh sách này ra còn hàng trăm ngàn các nạn nhân khác trong khối bà con dân oan, trong giới sinh viên, và trong mọi ngành nghề, mọi tầng lớp xã hội bị tước đoạt nhân quyền hàng ngày trên cả nước.
Cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát đối với Việt Nam trong năm nay càng trở nên đặc biệt vì có sự chú ý của công luận quốc tế sau khi nhà cầm quyền CSVN len chân vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ. Thêm vào đó lại còn có hàng loạt các phán quyết của Ủy Ban LHQ về Bắt Người Tùy Tiện đối với trường hợp của 17 Thanh Niên Công Giáo, Ls. Lê Quốc Quân, chị Đỗ Thị Minh Hạnh, anh Đoàn Huy Chương, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Mục sư Dương Kim Khải, chị Trần Thị Thúy, bà Phạm Ngọc Hoa, các ông Nguyễn Thành Tâm, Phạm Văn Thông, Nguyễn Chí Thành, Cao Văn Tỉnh.
Mặt khác, qua các phương tiện thông tin trên internet, bức màn bưng bít thông tin của CSVN đã gần như bị vô hiệu hoá. Vì vậy, UPR 2014 là cơ hội để giúp nâng cao sự hiểu biết của đại khối quần chúng Việt Nam một cách chính xác (không bị nhà cầm quyền bóp méo) về các QUYỀN đương nhiên của con người. Có lẽ đây mới là điều quan trọng hơn cả. Những quyền đương nhiên đó đã được minh định trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, mà nhà nước Việt Nam là một thành viên đã ký kết. Những quyền đó không phải là ơn huệ do đảng CSVN ban phát. Nhưng ngược lại, mọi chính sách hạn chế, cấm đoán, xiềng xích các quyền con người đều là hành vi sai trái nặng nề, vi phạm các giao ước quốc tế, và bị thế giới khinh tởm.
UPR 2014 cũng là cơ hội để nhấn mạnh trong các quyền của người dân có cả quyền hạch hỏi, chất vấn những kẻ cầm quyền. Vì nhân dân đẻ ra và nuôi chính phủ, do đó nhân dân là cha mẹ của chính phủ chứ không phải ngược lại như những luận điệu mà chế độ CSVN cho tới nay vẫn tự nhận.
Cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát đối với Việt Nam trong năm nay có thêm một điểm đặc biệt khác là sự hiện diện của một phái đoàn đấu tranh cho nhân quyền đến từ Việt Nam. Sự có mặt của phái đoàn mang tính nhân chứng này sẽ là một sự thật rất khó khỏa lấp hay chối cãi cho nhà nước CSVN. Phái đoàn gồm một số người thân của những nhà đấu tranh dân chủ đang bị cầm tù, ký giả, blogger, các nhà vận động nhân quyền, v.v... Nhà cầm quyền đã cố gắng dùng đủ mọi thủ thuật để ngăn chận việc xuất cảnh của những khuôn mặt mà họ đã gờm trong danh sách nhưng nhiều người đã vượt qua được các rào cản với sự tiếp tay trợ giúp của cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.
Tóm lại, cuộc Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ Phổ quát (UPR) năm nay trở nên quan trọng đặc biệt không chỉ vì nội dung kiểm điểm đối với một nhà nước đang vi phạm nhân quyền tới mức chuyên nghiệp; mà còn vì cuộc kiểm điểm này đánh dấu một tầng liên kết mới giữa những nhà hoạt động trong và ngoài nước trên mặt trận nhân quyền; và mở màn cho một cuộc đối đầu mới giữa đại khối người Việt biết rõ các quyền của mình chống lại những kẻ đã ngang nhiên cướp đoạt các quyền đó của họ suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Nguyễn Thanh Văn
Gửi ý kiến của bạn