- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đêm Định Mệnh

25 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 38528)


 

hoai_bang_2014-content

 Nhà văn Hoài Băng - Hà Nội 2014

LTS: Với 10 phân đoạn ngắn, Hoài Băng đã đưa câu chuyện từ những âm u ma quái đến kinh sợ như lòng người. Mầm sinh tươi đẹp của thế hệ tương lai bị hủy diệt bởi cái ác của con người đi trước. Gần như là hồn ma báo oán trong xã hội của chúng ta sống hôm nay... Ác và độc, tham và tàn nhẫn.

TCHL


1.

 

 Đó là một đêm mưa lạ lùng.

 Mưa bay.

 Mưa bụi.

 Thị bước thấp bước cao trên con đường nhầy nhụa bùn đất, gương mặt ánh lên sự hoảng loạn, cứ chạy được vài bước chân thị lại chùn lại như có ai thò tay kéo đùa từ phía sau khiến thị ngã rúi rụi. Chưa bao giờ thời tiết khiến con người ta chỉ nghĩ thôi cũng phải rùng mình đến thế. Cơn mưa bay chuyển mình trong tiếng sét chớp giật náo loạn phía trời Tây. Những hạt nước nặng trĩu thả mình lộp độp trên mái tôn như tiếng than khóc oan khuất từ cõi vô cùng. Thị quỳ trước ban thờ cầu khấn lẩm nhẩm. Tiếng sét vẫn giật liên hồi kéo theo những giọt mưa nặng như nước đá trên mái tôn, trên mặt đường nhầy nhụa, cây cối; trắng đục không gian; mơ hồ có cả tiếng người kêu khóc.

 

 

 

 

2.

 

 “À ơi!...”

 Chồng thị đi vắng, có mình thị với đứa con nhỏ ở trong căn nhà ba gian xây cay cũ. Chồng thị bảo ra riêng sẽ sửa sang lại căn nhà cho tươm tất. Thị nhìn lên ban thờ, một ánh mắt là lạ quen quen. Người đàn bà ấy có nụ cười khiến thị nhói tim. Chị ta qua đời đã gần năm năm rồi nhưng sao cứ ám vào cuộc đời vợ kế của thị và chồng chị ta. Thị thấy rờn rợn. Chỉ có mình thị, thị vẫn thường thấy ác mộng khi ở nhà một mình, sống lưng buốt lạnh như có bàn tay ai vuốt nhẹ.

 Có một tiếng cười lạ lắm! như là tiếng khóc.

 Rõ ràng.

 Mà cũng không thật rõ ràng.

 Thị ngồi dậy, vén chăn bật máy lửa khêu ngọn đèn dầu cho sáng. Thị khẽ đẩy nhẹ cánh cửa gỗ mục. Ngoài trời tối đen. Tiếng mèo kêu khan khản trong đêm. Tiếng kêu rõ và gần lắm! như tiếng trẻ con khóc hờn vía độc. Thị thấy khó chịu với những âm thanh ma quái ngoài kia, những tiếng mèo, tiếng dế, tiếng ếch nhái sa sả chút vào đêm. Thị đưa ngọn đèn sát môi rồi thổi một hơi sau đó trở lại giường dỗ dành giấc ngủ khó tính.

 Tiếng cười lại vang lên, không phải là mơ hồ nữa. Nó rõ mồn một như sự tồn tại của chính thị lúc này. Thị bật dậy, tiếng cười tan vào đêm lễnh loãng trong ngôi nhà nhờ nhợ những đốm lửa ma trơi.

 “Hãy đi đi, mày hãy cút đi!”

 Một giọng nói khàn khàn buốt nhức lọt qua từng lớp tế bào ăn sâu vào da thịt.

 “Trả lại tao tất cả, trả lại cho tao”.

 

 

3.

 

 “Anh có nghe thấy tất cả những điều này không?”

 “Em đang muốn nói đến điều gì vậy?”

 “Những tiếng mèo gào khóc ngoài kia! Nó giống hệt như tiếng vong hồn người chết”.

 “Anh có thấy gì đâu! Đừng hù dọa mình nữa”.!

 Thị không thể ngủ. Đứa con trong nôi tự nhiên khóc ré. Thị trở dậy cho nó bú, thằng bé bướng bỉnh giãy dụa trên đôi tay thị. Thị không thể trấn an được nỗi lo lắng trong lòng mình. Thằng bé vẫn tiếp tục những trò quái đản, sau những phút phản kháng việc thị cho nó bú mớm, nó đưa bàn tay bé nhỏ xinh xắn túm chặt vào cổ áo thị và giằng kéo. Rõ ràng, ánh mắt đó không phải là của một đứa trẻ, hành động ghê rợn đó không thể là của một đứa trẻ. Thị nhìn về phía chồng cầu cứu.

 “Em sợ!”

 “Để yên cho anh một lát, con đói đấy!”

 “Nhưng…”

 “Anh không muốn nói nữa, em hãy tự lo liệu đi”

 Chồng thị đã ngủ, tiếng ngáy khò khè trộn trong tiếng gào thét của đứa bé khiến thị bực mình. Bỗng thằng bé dừng khóc toét miệng cười. Nụ cười quen mà lạ. Rõ ràng không phải là nụ cười của con thị, thị đã gặp nụ cười đó ở đâu rồi thì phải. Sao thị không nhớ ra? Chắc tại đã quá lâu rồi! Thị cố nheo mắt nhìn thằng bé, nó đã ngủ từ lúc nào không rõ. Chồng thị cũng nằm im lìm quay mặt vào bức tường vôi lở loét, tất cả đã im lặng từ lúc nào mà thị không hề cảm nhận. Thị cúi gập người đặt thằng bé vào nôi, trong chiếc nôi ấy thị nhìn thấy loáng thoáng một gương mặt đàn bà.

 

 

4.

 

 Cái nắng gay gắt khiến con người không muốn thò mặt ra khỏi nhà trong giờ cao điểm. Một giấc ngủ trưa an lành sẽ an ủi con người ta đôi chút, nhưng ai sẽ ngủ được trong thời tiết khắc nghiệt như thế này? Chỉ có thế là chồng và con thị. Giấc ngủ ngon lành dưới bầu trời ba tám, ba chín độ C. Thị trở dậy, ngoài đường vắng tanh không một bóng người, không một tiếng động cơ xe máy, thậm chí không có cả tiếng động. Cái im lặng làm thị không khỏi nghi ngờ.

 Thị đi ra giếng, một gầu nước mát khiến người thị dịu dần đi, bầu trời cũng bớt oi bức hơn. Tiện miệng thị làm ngụm nước mát. Có mùi lạ lắm! Mùi tanh lợm, nhờ nhợ, hoi nồng… một thứ mùi hỗn tạp pha trộn. Thị bỗng nhớ đến đêm định mệnh năm năm trước mà choáng váng đầu óc. Đó là mùi máu. Mùi xác chết phân hủy. Không thể nào! Chị ta đã chết, đã mất tích. Thị loạng qoạng bám vào thành giếng, gương mặt đẹp như tranh hất lên ánh nhìn thù hằn, kết tội. Thị không tin vào mắt mình. Thị vục mặt vào gầu nước trên thành giếng. Thị không thấy gương mặt dưới đáy giếng nhìn thị nữa. Có thể chỉ là ảo giác. Thị tự trấn an mình.

 Chồng thị đã dậy. Tiếng con thị quấy khóc om sòm. Thị như người chợt tỉnh giấc sau một cơn mê dài. Chiều xế bóng tự lúc nào. Mặt trời không còn gay gắt đã lui về phía trời tây nhường chỗ cho mảnh trăng khuyết mấp mé đằng xa. Thị ghét mảnh trăng vô duyên cớ xuất hiện trên bầu trời, cái ánh sáng mờ mờ ảo ảo như cõi hư thực. Thị gợi chuyện mua vàng mã cúng tế người đàn bà xấu số với chồng.

 “Mình à! Dạo này em thấy bất ổn lắm! chắc tại vợ trước của mình về quở trách. Em tính rồi, mai mốt mình cứ sắm một cái lễ thật tươm cúng cấp cho cô ấy”.

 “Em cứ vẽ chuyện, cô ấy ngày còn sống có đòi hỏi cái gì bao giờ. Chẳng lẽ người chết lại đổi tính?”

“Em nói thật mình không tin, em hay gặp cô ấy lắm! Em không chắc,

nhưng gương mặt ấy thì không lẫn đi đâu được”. 

 Chồng thị thở dài phó mặc cho thị làm theo ý muốn. Hắn nghĩ, thị đàn bà lắm chuyện. Ngay ngày hôm sau, thị mua sắm quần áo, mũ mão, tiền vàng, ô tô, xe máy… chất đầy nửa căn nhà. Thị đón hẳn một thầy trừ tà vào bậc nhất để chuẩn bị cho lễ cúng cấp nhưng thật ra là lễ trừ yêu ma.

 

 

5.

 

 Thị bị ảm ảnh bởi cõi âm nhiều hơn, sao người đàn bà xấu số đó lại cứ tìm đến thị.

“Trả lại cho tao”.

“Cút đi”.

 “Tao đau, có ngàn mũi kim đâm vào tim tao. Tên thầy cúng đó và cả mày nữa sẽ phải trả giá”.

 Thị tím tái mặt mày, quay cuồng trong nỗi sợ hãi. Người đàn bà đó không tha cho thị và sẽ còn mãi bám xiết thị cho đến chết. Thị đã cướp chồng chị ta. Không! Thị đã làm gì? Sao cứ bám xiết lấy thị? Chị ta đã chết. Người chết nên an phận. Thị nghĩ sẽ phải tìm một thầy trừ tà cao tay hơn nữa. Những người chết trẻ và chết oan thường rất lưu luyến nhân thế, họ tìm mọi cách để được trở về. Cái chết của chị ta cũng lạ lùng bí hiểm. Thị nghe nói khi tiếng kêu cứu thất thanh vang lên bên miệng giếng, người ta lục đục trở dậy hòng cứu vãn một điều gì đó. Chồng chị ta cũng trở dậy. Anh ta là người đầu tiên cúi người nhìn xuống cái vũng đen sâu hút trong lòng giếng và nghe tiếng đập nước kêu cứu vô vọng của chị ta. Khi người ta thòng dây xuống thì chị ta đã chìm nghỉm dưới đáy giếng. Sớm hôm sau, người ta bàn cách vớt xác chết lên. Nhưng lạ thay, sau nửa ngày lặn ngụp tìm kiếm, người ta không tìm thấy cái xác nào cả. Giải pháp cuối cùng là hút sạch nước giếng để tìm xác. Khi nước giếng được tuồn ra ngoài bằng máy bơm và ống hút, trong giếng chỉ là những mớ tóc dài rơi rụng, không có xác người đàn bà, người ta kinh hoàng nhìn nhau ái ngại. Họ cho đó là điềm gở. Lễ cúng tế mớ tóc rối diễn ra suốt ba ngày ba đêm. Không có chuyện gì to tát xảy ra trong thời gian ấy, hay nói cách khác nó chỉ xảy ra với thị. Nó ám vào cuộc đời thị và thực sự trở nên gay gắt khi thị về làm vợ kế của chồng chị ta. Thị không hề thương sót cho cái chết đáng thương của người đàn bà xấu số bởi thị nửa thèm muốn nửa ganh tị với vị trí của chị ta. Chồng thị là người thị thương thầm nhớ trộm từ bao lâu, nhưng chỉ trong nháy mắt người đàn bà cướp đi người đàn ông của thị một cách trắng trợn. Cái chết của chị ta với thị là một điều đáng để ăn mừng. Thị đạt được mục đích của mình không mấy khó khăn. Rồi thị nhận ra, chồng thị là một kẻ vô tâm, vô tâm đến đáng kinh ngạc. Ngay cả trước cái chết của vợ cũ anh ta cũng dửng dưng đến lạ, thị đã từng có ý nghĩ ân hận.

 

 

6.

 

“Mình có thể vì em mà lấp cái giếng quỷ ám đó đi được không?”

“Chẳng có gì là quỷ ám cả, trong lòng giếng người ta không tìm thấy cái xác nào cả. Cô ấy đã mất tích, đơn giản chỉ vậy thôi”!

“Nhưng dù sao thì cũng phải lấp nó đi. Em không muốn bị ám”.

Không cần sự đồng ý của chồng, thị tự ý thuê người đổ một khối bê tông lớn rồi chất ngang miệng giếng. Cuối năm điện sẽ về với cái xóm nhỏ trong lòng thung này, chỉ cần có ánh sáng thị sẽ không còn sợ hãi điều gì nữa. Ít bữa nữa có tiền thị thuê người đào cái giếng mới ở góc vườn, còn tạm thời nước sinh hoạt thị sẽ lấy từ nhà những người hàng xóm keo kiệt và cáu bẳn.

Từ ngày lấp chặt miệng cái giếng oan nghiệt ấy, thị thấy lòng thanh thản hơn. Đứa trẻ cũng ngoan hơn. Thị chỉ thấy khó chịu duy nhất một điều là những lời cằn nhằn của bà hàng xóm khó tính. Chồng thị cũng đã định chỗ để đào một cái giếng mới ở góc vườn. Thị rất ưng chỗ ấy. Nó cách xa chỗ đặt cái giếng cũ, như thế có thể sẽ an toàn với thị và cả con thị nữa. Thị sợ thằng bé bị ám. Lúc người đàn bà biến mất chị ta cũng đang mang bầu, có lẽ cũng gần đến tháng sinh. Trong suốt thời gian mang thai thị phải qua nhà mẹ đẻ để mong chờ sự yên ổn. Thị đã sinh ra thằng bé bụ bẫm này. Nhưng thằng bé luôn tỏ ra bất thường từ khi thị đem nó trở lại nhà mình. Nó cũng như thị cứ ốm o, người xanh nhợt và quấy khóc.

Thế là nhà thị cũng đã có một cái giếng mới ngay góc vườn, thành giếng được xây lên bằng sự tận dụng những viên gạch vỡ. Nó chỉ cao ngang đầu gối thị. Nước giếng trong văn vắt và ngọt. Từ ngày có giếng nước mới người trong nhà thuyên giảm bệnh tật và ốm đau, thấy tinh thần thỏa mái hơn. Sau những trận ốm triền miên thị đã có thể ra ruộng cùng công việc cấy hái, lên rừng kiếm củi, trồng sắn, trồng ngô cùng với chồng.

 

 

7.

 

Một buổi chiều, thằng bé con lăng quăng ra vườn chơi và không may rơi xuống giếng nước.

 

 

8.

 

Thị ngất đi tỉnh lại trong tiếng kêu khóc. Người ta nói đất nhà thị bị động. Xác thằng bé tím ngắt và trương phình khi được vớt lên. Những ánh mắt xúm xít vây quanh tò mò và thương cảm. Chồng thị không khóc nhưng mặt chảy dài méo xệch. Nhìn anh ta thật đáng thương, cả cái cuộc đời của thị nữa, thật đáng thương.

Họ hàng làng mạc khuyên vợ chồng thị lấp cái giếng mới đi cho linh hồn thằng bé không bị quấy quả. Mà không biết chừng khi đào lại động đến long mạch cũng nên. Có thể lắm chứ!

Hai vợ chồng thị mất trọn buổi sáng để vần tấm bê tông từ miệng giếng này qua miệng giếng kia. Giếng mới bị lấp đi và giếng cũ lại được mở ra. Những đêm ma quái lại tiếp tục hù dọa thị. Thị cũng chai lì hơn, có lẽ nỗi đau mất con khiến thị không còn biết sợ hãi điều gì nữa. Nhiều lúc nghĩ đến cái chết của thằng bé chính thị cũng muốn được chết theo.

Thị mang thai đứa con thứ hai, đứa bé hiếu động ngay từ trong bụng mẹ. Những cú đạp bất thường luôn khiến thị cảm thấy khổ sở với kiếp phận đàn bà. Nhưng cứ nghĩ đến ngày có niềm vui mới lấn áp nỗi buồn là thị lại có đủ sức để sống cùng những cơn đau.

Chồng thị nói chờ sau khi đứa bé ra đời anh ta sẽ dựng nhà ở chỗ đất khác, đất này dữ quá! Thị chỉ mong cho điều đó mau chóng xảy ra. Thị chán ngấy mảnh đất ma quái này. Sớm muộn gì thị cũng sẽ chết vì những điều vớ vẩn nhất nếu không rời đi.

Thị đến tháng sinh…

 

 

9.

 

Thị trở dạ.

Bầu trời vần vũ những đám mây đen khổng lồ trầu trực chút xuống cơn thịnh lộ. Đêm đen đặc. Tiếng sấm sét gầm gừ báo hiệu những cuộc giao tranh không khoan nhượng.

“A…A…A…”!

Những cơn đau bắt đầu thốc lên từ dưới, chạy dọc sống lưng nhoi nhói ăn đến từng chân tóc. Cơn gió thổi ù ù phía ngoài kéo theo những giọt nước nặng trĩu. Bà đỡ đưa mấy ngón tay vào trong rồi quát lớn: “rặn đi”. “Có muốn chết không hả? rặn mạnh lên xem nào”. “Rặn”.

Người thị đầm những giọt mồ hôi to tướng. Thị gần như đã kiệt sức sau những lần rặn đẻ không thành. Tiếng bà đỡ lại sang sảng cất lên: “con mẹ này rặn đi”. Thị nghĩ sẽ dùng nốt chút sức lực còn sót lại cho lần rặn này, sẽ là vô vọng nếu thị lại thất bại và đứa bé nhất quyết không chịu chui ra.

“Oe oe…”

“A...!!!”

Kèm theo tiếng khóc chào đời của đứa trẻ là tiếng kêu thất thanh của bà đỡ. Chồng thị từ đâu chạy xộc vào rồi lại loạng choạng lao ra khỏi cửa. Thị cố nhoài người về một bên để ngó xuống đứa trẻ. Thị không kịp kêu lên lời nào đã ngất lịm đi trong nỗi ám ảnh về một gương mặt không tròn trịa, nói đúng hơn, đứa bé chỉ là một khối thịt dài đỏ hỏn không có mắt, không có mũi, không có chi hết ngoài một lỗ mồm bé xíu. Cái lỗ mồm đó toét cười với thị, nụ cười lạ mà quen.

 

 

10.

 

“Cô nên chết đi”.

 “Tôi không muốn chị hẹn tôi ra đây giữa đêm khuya chỉ để nói những điều vô nghĩa”.

 “Không! cô nên chết, vì anh phải thuộc về tôi”.

 “Chị điên rồi! chúng tôi đã cưới nhau. Và, cũng sắp có đứa con nữa”.

 “Vị trí đó phải thuộc về tôi cô hiểu không? Anh ta đã hứa hẹn với tôi mà lại cưới cô”.

 “Sẽ chẳng thay đổi được gì cả, trừ khi tôi chết”.

 “Đúng vậy! cũng bởi thế mà mày nên chết”.

 Khi tiếng kêu thất thanh trong miệng giếng vang lên, thị chỉ kịp cúi xuống lẩm bẩm được vài câu vô nghĩa “tất cả là tại mày tự chuốc lấy, đừng oán tao”. Cơn giông ập xuống.

 Thị bước thấp bước cao trên con đường nhầy nhụa bùn đất, gương mặt ánh lên sự hoảng loạn, cứ chạy được vài bước chân thị lại chùn lại như có ai thò tay kéo đùa từ phía sau khiến thị ngã rúi rụi. Chưa bao giờ thời tiết khiến con người ta chỉ nghĩ thôi cũng phải rùng mình đến thế. Cơn mưa bay chuyển mình trong tiếng sét chớp giật náo loạn phía trời Tây. Những hạt nước nặng trĩu thả mình lộp độp trên mái tôn như tiếng than khóc oan khuất từ cõi vô cùng. Thị quỳ trước ban thờ cầu khấn lẩm nhẩm. Tiếng sét vẫn giật liên hồi kéo theo những giọt mưa nặng như nước đá trên mái tôn, trên mặt đường nhầy nhụa, cây cối; trắng đục không gian; mơ hồ có cả tiếng người kêu khóc.`Có cả tiếng kèn trống đám ma, thị nghe phong thanh có ai đó báo tin rằng: “Đêm qua, ông thầy trừ yêu đã qua đời”.

 

 Hoài Băng

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 8013)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 13106)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
10 Tháng Mười 20244:15 SA(Xem: 709)
Tôi trở về Half Moon Bay / Đếm từng con sóng biển / Đếm từng nỗi ưu phiền / Lòng buồn như sương mù / Từ độ ánh trăng tan...
05 Tháng Mười 20244:58 CH(Xem: 1727)
NCT sinh năm 1948 tại Vũng Tàu, cha mẹ là người Hà Nội. Từ đầu những năm 1950er NCT lớn lên ở thành phố Sài Gòn, học tiểu học ở trường Bàn Cờ, trung học ở trường Chu Văn An. Năm 1967 ông từ chối những học bổng của những quốc gia khác, chọn học bổng quốc gia (VNCH) để sang CHLB Đức du học. Tại Viện Đại Học Stuttgart NCT học Triết học và Toán Học & Cơ Học Áp Dụng. Vào thời điểm đó những triết gia Đức có tiếng như Martin Heidegger, Karl Jaspers, hay Ernst Bloch đã hưu trí, ông đã làm luận án tiến sĩ ở Viện Cơ Học & Toán Học Áp Dụng. Ông là sinh viên trẻ nhất xưa nay có bằng Tiến Sĩ Kỹ Sư (Doktor-Ingenieur), vào năm 1977.
02 Tháng Mười 20246:16 CH(Xem: 923)
Chủ nghĩa phê bình văn học thời cổ điển ở phương Đông thường diễn ra trong các hình thức: Bình văn, bình thơ và ca xướng hay ngâm vịnh; trong lúc ở phương Tây thì hình thức khá phổ biến là diễn thuyết và tranh luận. Cái hay của văn chương chỉ trụ vào hình thức diễn đạt một phần; nhưng sự tinh túy lại là cái “thần” nằm trong góc khuất của cảm xúc và tư tưởng. Bởi vậy, khi nói đến những trường hợp xướng văn, bình thơ hay phê bình văn học đã có rất nhiều văn nghệ sĩ Đông Tây như Jacques Prévert, Francoise Sagan, Mark Twain… ở trời Tây hay Tô Đông Pha, Bùi Giáng…
02 Tháng Mười 20245:30 CH(Xem: 1132)
Những bài thơ dưới đây được tuyển dịch từ cuốn ”Một Trăm Bài Thơ Nhật” rất nổi tiếng của thi sĩ-dịch giả Mỹ Kenneth Rexroth với thơ của các thi sĩ Nhật qua nhiều thế kỷ. Trong cuốn này, dịch giả Rexroth đã nắm bắt được rất nhiều tích cách tinh tế của thi ca cổ điển Nhật Bản: chiều sâu của niềm đam mê chừng mực, văn phong sang trọng khắc khổ, và hình tượng phong phú nhưng cô đọng. (- Bạt Xứ)
02 Tháng Mười 20245:12 CH(Xem: 685)
Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông. Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 988)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 1138)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
02 Tháng Mười 20244:38 CH(Xem: 1346)
Như tuổi trẻ của chúng ta, hôm nay / Thứ hoàng hôn oằn mình rực rỡ / Đang chìm dần / Khuất vào nơi biển lạnh. / Bình minh rồi sẽ mọc / Nhưng không thuộc về chúng ta.