- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Dòng sông vắn số

02 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 99379)

hoangchinh_hl_114
 Photo by T.K

1
Những tàng cây ngả nghiêng trong gió. Lá me xanh rải đầy đường. Cơn đói bò lan ra cả ngoài da. Chỉ còn hai tiếng đồng hồ nữa là tới giờ hẹn. Không còn cách nào khác. Hắn đạp xe vòng quanh con phố. Bụng quặn lên ngàn con sóng. Biển động cấp năm trong bao tử và ruột non ruột già. Nhưng cơn đói hùng hổ như thế cũng chẳng thấm thía gì so với nỗi lo âu đầy nanh vuốt của cái việc phải làm. Hắn quẹo gắt vào con hẻm. Tay lái xe vướng vào quang gánh một người đàn bà bán hàng rong. Cú giật ngược làm hắn lao đao và người đàn bà nhùng nhằng sắp ngã. Chén bát xô vào nhau loảng xoảng hai đầu quang gánh. Người đàn bà trợn ngược con mắt.
Có mắt hay mù vậy cha nội.
Xin lỗi, xin lỗi. Hắn lắp bắp. Giây phút này mọi chuyện hơn thua đều vô nghĩa.
Xin lỗi mụ nội tui á.
Câu chửi thật hiền so với những câu chửi mọc hoang như cỏ dại quanh đời sống. Lâu lắm mới lại nghe được câu chửi thật hiền.
Chút xíu là bể hết đồ của người ta rồi.
Hắn chống chân xuống đất, liếc vội hai cái thúng ở hai đầu quang gánh của người đàn bà. Những chiếc lá me xanh. Giờ này vẫn còn những chiếc lá me xanh. Đám lá me xanh rất học trò. Và gió đảo quanh những tàng cây. Gió vẫn mang hơi hư1ơm những mùa màng đã úa. Hiếm lắm mới lại có một khoảnh khắc nắng và gió dịu dàng đan nhau. Và con người nữa, cũng dịu dàng, nhân hậu.
Xin lỗi chị. Hắn nói, mắt liếc thật nhanh những cái bát sành úp ngược trên mặt chiếc rổ xề. Chiếc rổ bên kia có cái nồi đen xỉn. Vài cái chai nhỏ đựng thứ nước gì đó đen thẫm. Chắc không là gánh bún riêu. Dạo này làm gì còn bún riêu. Ý nghĩ thoáng qua đầu hắn.
Xin lỗi. Hắn nhắc lại cái lời cũ rích. Tôi vội.
Và hắn chống chân lên bàn đạp, phóng đi. Người đàn bà sửa lại những chén bát chen chúc nhau trên mặt rổ, miệng lẩm bẩm gì đó.

Hắn đạp xe vẹo cả xương sống. Gió vù vù bên tai. Tiếng loa phóng thanh đổ ngập không gian. Chuyện gì lại xảy ra ở Angola đây nhỉ. Những dòng thác cách mạng. Tháng mười, tháng tám, tháng ba, tháng tư... riết rồi ngày nào cũng là ngày kỷ niệm. Hôm nào cũng là ngày lễ lớn. Ngày nào cũng có phong trào tổng nổi dậy; không chỗ này thì chỗ kia.
Vẫn chưa lãnh gạo à, Tuân?
Câu hỏi đầu tiên mẹ hắn hỏi khi vừa nghe tiếng lạch cạch của bàn đạp chiếc xe cọc cạch.
Hắn đẩy xe vào nhà. Không bận tâm tìm chỗ, hắn dựng đại xe vào vách tường.
Gạo đâu. Mẹ hắn lại hỏi.
Đã có đâu.
Hắn trả lời qua quắt rồi lủi nhanh ra nhà sau. Qua căn bếp đầy những soong chảo ám khói, tới một nếp nhà vuông vức như cái hộp xám ngắt, hắn mở khóa, đẩy cửa lách vào. Tiếng cót két nghe rợn cả người, nhưng hắn nghe đã quen. Đến mòn nhẵn cả thính giác. Căn phòng nhá nhem. Hắn đưa tay bật công tác điện. Mùi hôi mốc quen thuộc quyện quanh hắn như con chó trung thành, quẩn quanh chân chủ mỗi khi chủ vừa đi xa về tới.
Hắn xoay người khóa trái cửa lại.
Gạo không có, bo bo cũng không; lấy gì mà nấu cơm đây. Tiếng bà mẹ già thở than ở nhà trên.

Khóa cửa xong, lắc lắc cánh cửa cho chắc ăn, nhét chùm chìa khóa vào túi quần, hắn đi luồn ra phía sau chiếc giường gỗ, vạch tấm màn xanh cũ qua một bên, lách người vào khoảng chữ nhật đóng khung bởi ba bức tường loang lổ xi măng và lưng gỗ chiếc tủ sách mối mọt. Một chiếc kệ co ro dựa vách tường trống trải. Trên ấy bày đầy những chai lọ bằng nhựa xám, những keo thủy tinh xanh nhạt. Hắn đứng thẳng người, nhìn lướt những chiếc keo đựng bên trong toàn một thứ xám ngoắt. Không nhìn kỹ nhưng hắn vẫn cảm giác được rằng những thứ kỳ dị kia cũng nhìn lại hắn. Cả mấy năm trời sưu tầm. Kín đáo chọn lựa, tỉ mỉ cắt, tỉa, lược, lọc. Lén lút đem về nhà. Nâng niu, chăm sóc. Nhỏ to chuyện trò, thì thầm trấn an với từng thứ một. Một thứ viện bảo tàng khoa học đang thành hình. Bây giờ sắp phải xa tất cả rồi. Giấc mơ không thành. Nhưng lại là khởi điểm của giấc mơ liều lĩnh khác. Năm ăn năm thua. Lòng hắn chùng xuống như sợi dây đàn không được chỉnh đúng độ căng.
Những thứ lặt vặt này thì bỏ ra bãi rác được. Những thứ lặt vặt này khó có thể phân biệt được là của chủng loại nào. Những ý nghĩ chạy vòng quanh trong óc hắn. Chỉ còn cái ấy. Hắn không dám nhìn vào chiếc keo thủy tinh đựng cái ấy. Phải nghĩ ra cách nào thật hiệu quả và nhanh chóng. Hai tiếng đồng hồ nữa. Hắn đưa tay nhìn đồng hồ. Không. Chỉ còn một giờ bốn mươi phút nữa là phải đi rồi. Đến trễ người ta đâu có chờ. Cơ hội không đến hai lần. Sống chết gì cũng chỉ một lần. Thiệt tình. Còn cái của nợ này không biết tính sao. Ô, xin lỗi. Mình không có ý nói thế. Chẳng ai là của nợ của ai. Mình sẽ phải tìm ra cách giải quyết. Hắn xoay chiếc keo thủy tinh, thì thầm. Hãy chỉ cho tôi cách nào. Tôi muốn tìm cho Người nơi an nghỉ thật an bình.
Hai mí mắt nặng nề bung lên. Hai con ngươi xám ngắt đăm đăm nhìn hắn. Hai con mắt không còn được lông mi, lông mày viền quanh. Hai con mắt đục lờ. Tim hắn thắt lại. Hai con mắt trong chiếc keo thủy tinh. Hai con mắt nhắm nghiền bấy lâu nay. Nhắm nghiền từ ngày hắn đem người ta từ phòng Cơ Thể Học về. Bỗng dưng hôm nay đôi mắt mở ra nhìn hắn. Tiếng bà mẹ léo nhéo ở nhà trước. Hắn nhắm nghiền hai mắt. Ánh sáng nhá nhem vẫn lẩn quẩn trong tầm nhìn của hắn. Hắn mở mắt ra thật vội. Không. Hai con mắt ấy vẫn nhắm. Hai con mắt ấy vẫn ngủ. Con người ấy đã nghỉ yên từ ngày thành vật thí nghiệm cho đám sinh viên trường thuốc. Sống có mái nhà, chết có nấm mồ. Thiên hạ vẫn ví von. Nhưng người này khi còn lê lết được, vẫn gửi thân trên vỉa hè cái thành phố đã chẳng còn tên, và lúc buông thõng hai tay, đã gửi xác trong phòng thực tập Cơ Thể Học. Bạn tôi ơi. Bạn hiến dâng thân thể bạn cho khoa học. Chúng tôi, những người sống mang ơn bạn.
Mình sẽ tìm cho bạn một nơi chốn bình yên. Hắn xoay nhẹ nắp keo và xoay cái mặt người vào phía trong vách tường. Người chết bắt tay hắn. Cái bắt tay ấm áp, dù bàn tay ngâm trong formol đã gần cả năm trời. Bỗng dưng người hắn nổi gai. Bao nhiêu năm trời ăn nằm bên xác chết, vậy mà hôm nay người hắn nổi gai.
Con ra tới đây mẹ à. Làm gì mà rối lên thế. Hắn vểnh cổ, nói vọng ra ngoài.

2
Chị ngồi nhặt rau. Dạo này rau muống lên giá quá. Mà toàn rau già ăn dai như đỉa. Chị cố dung hòa giữa việc ngắt bỏ những cọng rau già và đừng bỏ phí đi nhiều quá. Đầu óc chị tẩn mẩn với những thứ cây, thứ lá, thứ củ, thứ hạt nào đó có thể nấu thành món ăn cho cả nhà. Cả tháng trời nay mẹ chị ốm đau. Những chén cháo loãng chẳng làm sao có thể giúp mẹ ngồi dậy mà đi tới đi lui như lúc chưa ngã bệnh. Cũng may. Hôm mẹ mổ ruột dư chị còn chiếc nhẫn đính hôn. Bây giờ thì mười ngón tay trống trơn. Mai mốt anh về chắc anh sẽ ngạc nhiên khi nhìn ngón tay đeo nhẫn không có nhẫn của chị. Nhưng giải thích thì chắc anh sẽ hiểu. Mà biết rồi anh có về được không. Chị không nghĩ thêm nữa.
Thằng Ngôn về chưa hở Hạnh? Tiếng mẹ chị vọng ra từ nhà sau.
Chưa đâu mẹ ạ.
Hôm nay chắc nó được lĩnh gạo đấy nhỉ.
Vâng. Chắc hôm nay. Chị nói cho mẹ yên lòng.
Sinh viên học sinh, đáng lẽ phải cho người ta lĩnh gạo sớm. Mẹ chị càu nhàu.
Chị trấn an mẹ. Chắc hôm nay có đấy mẹ ạ.
Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau mà. Mẹ chị nhắc lại câu trong một bài hát của cái thời xa lắc xa lơ. Dạo này mẹ vẫn lẩn thẩn như thế. Chị mỉm cười. Những lời trấn an vu vơ của con gái bao giờ cũng đem lại cho người mẹ sự bình yên. Nhà chỉ còn ba mẹ con. May mà thằng Ngôn còn cái chân sinh viên. Nếu không thì chắc là đói quá. Lạy trời cho chiều nay nó được lãnh gạo. Muộn cả tuần lễ rồi. Không có gạo nấu cháo cho mẹ bằng gì chứ.
Tiếng xe đạp cót két cắt ngang dòng suy tưởng của chị. Chị ngước lên, ngạc nhiên.
Kìa Tuân.
Chống chân xuống đất cho xe ngừng lại, người thanh niên cất tiếng chào. Chị Hạnh.
Ừ, em.
Thằng Ngôn có nhà không chị? Người thanh niên hỏi không kịp thở.
Nó đã về đâu. Chị nhìn những giọt mồ hôi đọng trên cánh mũi rám nắng thằng bạn em trai chị. Hình như hôm nay trực bệnh viện gì đấy mà.
Người thanh niên sựng lại. Ô, vậy à.
Có chút gì đó như sự thất vọng, xen lẫn chút mừng vui, chút hả hê trên khuôn mặt và trong giọng nói hắn. Hắn xăm xăm đẩy xe lên thềm dù chị chưa bảo hắn đem xe vào trong cho khỏi mất như vẫn thường nói.
Chị lùa tay vào thau nước rồi đứng vội lên, lính quýnh tránh chỗ cho người thanh niên đẩy xe vào nhà. Chị nhìn vẻ xớn xác của hắn. Hai mắt hắn ngó trước ngó sau. Hàng ngày Tuân và một thằng bạn nữa vẫn đến rủ Ngôn xuống phố. Trong ngôn ngữ của tụi nó xuống phố có thể là đi uống cà phê, đi xem phim, đi xuống bệnh viện hay la cà đâu đó ngắm nghía những cô gái Sài Gòn còn sót lại chút dấu vết của Sài Gòn.
Mắt chị dừng lại ở cái bao tải nhỏ cài ở yên xe hắn. Vậy là thằng này được lãnh gạo sớm hơn thằng em của chị. Tuân vẫn thường được lãnh gạo sớm hơn hai đứa kia như thế. Có lần chị thắc mắc và được chúng nó giải thích là Tuân ở lại trường làm nhân viên giảng huấn nên được ưu tiên hơn những đứa khác.
Em được lãnh gạo rồi à. Chị hỏi.
Tuân ngơ ngác một giây rồi nhìn mông ra ngõ. Ngõ cụt nên ít người qua lại. Hai đứa trẻ tóc vàng cháy và rối bù chơi nhảy lò cò trên sân đất, cãi nhau ỏm tỏi vì đứa này tố cáo đứa kia ăn gian.
Hở Tuân. Chị lại hỏi.
Hắn ậm ừ. Rồi lảng qua chuyện khác, Thằng Ngôn có nhà không, chị.
Chị nhìn hắn. Cái thằng lẩn thẩn. Mới hỏi xong đã lại hỏi y hệt câu ấy. Dạo này người ta bị lẩn thẩn hơi nhiều. Chị thầm nghĩ.
Đột nhiên Tuân đưa tay xem đồng hồ, rồi nhanh nhẹn tháo cái bao tải ở yên xe. Hắn nhấc cái bao lên, xách vào tận khoảng giữa căn nhà, len giữa những chiếc ghế lỏng chỏng kê quanh chiếc bàn gỗ trầy trụa những vẩy véc ni nâu thẫm.
Chị cho em gửi cái này cho thằng Ngôn. Em có việc phải đi bây giờ.
Chị nghĩ đến những hạt gạo trắng chen chúc với những hạt thóc và sỏi sạn mầu nâu hoặc mầu ngà. Mất công nhặt thóc, nhặt sạn một tí nhưng rồi sẽ là những bữa cơm ngon. Mẹ sẽ có những bữa cháo đặc ăn với muối thật là đặm đà.
Để chị nói với nó cho.
Chị không dám hỏi thêm điều gì. Thằng này chắc trúng mánh nên muốn nhường phần gạo cho bạn bè. Chị sợ nó đổi ý. Dạo này con người xoay như chong chóng. May mà thằng em chị có những đứa bạn tốt. Trên đời này chơi được với những đứa bạn tốt như chúng nó thật là khó khăn. Những ý nghĩ đuổi bắt nhau xớn xác trong đầu chị.
Không sao, nó biết mà chị.
Tuân trấn an chị rồi dắt xe đạp ra sân, phóng lên xe, đạp đi như tên trộm xổng khỏi tay cảnh sát. Vụt một cách chị đã không thấy tăm tích hắn nữa.
Chị nhanh nhẹn bước tới góc nhà. Hơi thở chị đổ dồn con dốc. Chị ngồi xuống vỗ nhẹ vào cái bao tải. Cái bao cứng ngắc. Cái này cũng phải chục ký gạo chứ không ít. Chị loay hoay tháo sợi dây buộc miệng túi. Tháng này vậy là trúng mánh. Hai chục ký gạo thằng Ngôn lãnh ở trường cộng thêm bọc gạo này, tha hồ mà ăn uống no say, tha hồ mà vỗ nhau cho béo. Chị nhắm mắt lại hình dung những chén cơm nghi ngút khói, trong khi những ngón tay vẫn mau mắn tháo gỡ sợi dây. Những chén cơm trắng thơm nồng trong không gian chị. Thằng này làm gì mà buộc kỹ thế không biết. Nồi cháo trắng sôi lụp bụp trên bếp củi. Những mối dây cứ rối vào nhau. Củi nỏ, than nổ lách tách văng ra những vẩy lân tinh vàng rực. Cuối cùng rồi sợi dây cũng phải tuột ra. Mắt vẫn nhắm nghiền với ước mơ, chị luồn tay vào bọc gạo ân tình.
Những ngón tay chị chạm vào vật gì đó ẩm và lạnh. Chẳng lẽ nhà trường bán gạo hẩm cho sinh viên. Chị luồn những ngón tay xuống dưới bọc. Những thứ gì đó gồ ghề vừa mềm vừa cứng vừa nhão vừa khô làm người chị sần sùi gai ốc. Chị thành con cóc cụ. Chị khẽ lắc đầu để xô đi cái cảm giác khó chịu, rồi tuột hẳn lớp vải bao tải xuống. Những chén cơm trắng bốc khói tỏa ra một thứ mùi gì đó gây gây tanh tanh và nồng như mùi thuốc sát trùng chị bắt gặp khi săn sóc mẹ trong nhà thương tuần trước. Những chén cơm trắng mờ đi. Và chị mở choàng mắt. Chị hét lên kinh hoàng. Hai con mắt nhắm nghiền đang nằm ngay trước mặt chị. Hai con mắt trên chiếc đầu teo tóp, với khóe miệng méo xệch và sống mũi xiên xẹo như mũi con búp bê cao su bị móp. Thân thể chị mềm nhũn.
Lạy Chúa tôi. Chị thở hắt ra.
Và chị đổ rục xuống nền nhà như thân cây chuối bị đốn ngang.

3
Tao đã nói rồi. Mày phải đi với tao. Ngôn nói bằng giọng quả quyết.
Phải biết là đi đâu đã chứ.
Đi đâu thì mày cũng phải đi với tao.
Chúng tôi ngồi trong quán cà phê cô Thảo. Hai ngày nay chúng tôi nghĩ nát óc tìm một giải pháp cho vấn đề chúng tôi đang rối trí đương đầu. Giải pháp nào nhân đạo cho người ấy và an toàn cho chúng tôi. Cả chục ly cà phê thơm mùi gạo rang cháy. Hàng chục điếu thuốc mỗi lần hút lại tốn một que diêm để mồi. Những đầu ngón tay bắt đầu nhuộm vàng. Nếu mẹ tôi trông thấy mẹ tôi sẽ lo lắng. Nếu cô bạn bắt gặp, cô bạn sẽ không vui. Cái loa phóng thanh ở đầu con hẻm cứ rối lên suốt ngày Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn. Vậy mà cả hai đứa con trai - vốn thầm tự cho mình là thông minh - vẫn không tìm ra được giải pháp nào.
Tao áy náy quá. Ngôn lẩm bẩm.
Tôi ngoái cổ nhìn quanh – thói quen mới tập được. Cẩn thận vẫn hơn. Có mất mát gì đâu cái ngoái cổ nhìn quanh - rồi quay lại, nhìn thẳng vào mặt bạn, nói thật nhỏ, vừa đủ cho hắn nghe. Áy náy gì nữa, mình đã đem vào nhà thờ rồi.
Đem đâu mà đem. Mới chạy xe vù qua cổng nhà thờ, có kịp đọc câu kinh nào đâu.
Những kẻ ngoan đạo quá nhiều khi cũng là trở ngại cho sự tiến bộ. Ai đó đã nói câu ấy nhỉ. Buổi tối hôm trước, chúng tôi đem bọc gạo mà thằng Tuân gửi chị Hạnh, nhờ Ngôn giải quyết giùm, định ghé nhà thờ, đọc cho Người ta một câu kinh rồi tính tiếp. Trước khi lên đường đến xứ đạo, cả hai đứa cùng hăng hái và nhiệt tâm như hai chàng hiệp sĩ lao mình vào cuộc thập tự chinh đầy gian khổ. Vậy mà đến trước cổng nhà thờ, chẳng ai bảo ai, cả hai cùng đảo xe qua hướng khác.
Tại tao thấy có nhiều đứa lảng vảng ở ngoài cổng nhà thờ quá. Tôi gạt tàn thuốc xuống đất, nói nhỏ.
Thì giáo dân đi nhà thờ cầu kinh. Ngôn lầu bầu.
Tôi nhìn Ngôn ngờ vực. Những khuôn mặt phẳng lì bia đá ấy không thể là chân dung của bầy chiên ngoan đạo. Nhưng tôi không cãi cọ với Ngôn. Từ lâu, tôi có thói quen bỏ ngoài tai những điều gây tranh luận.
Thằng khốn Tuân hên thật. Ngôn nheo mắt, nhìn chất nước đen nâu trong lòng ly, nói như nói cho một mình nó nghe. Giờ này chắc tới hải phận quốc tế rồi.
Tôi cũng lẩm bẩm, như cho một mình tôi nghe thôi. Những thứ còn lại kia không biết nó đem đi đâu. Đem lại trường thì đâu có kịp.
Những thứ còn lại kia. Những bàn tay với đủ thứ lặt vặt như xương ngón, xương thuyền, xương nguyệt, xương đậu, xương thang... nọ kia. Những bàn chân với xương bàn chân, xương ngón chân, xương gót... lung tung đủ thứ. Rồi những xương đùi, xương ống chân, xương bánh chè, xương cánh tay, xương ức, xương sườn, xương sống, xương hông, xương bả vai, xương đòn gánh, xương hàm. Những thứ còn lại kia. Nhà khoa học dở điên dở khùng. Tên bác sĩ chuyên khoa Cơ Thể Học. Mơ ước thực hiện viện bảo tàng cơ thể học của riêng mình. Mỗi khi sinh viên thực tập mổ xong một xác chết, trước khi nhân viên nhà xác đem đi thiêu, nhà khoa học lén tháo, gỡ, cắt, lóc… đem mấy cái xương về nhà. Bộ sưu tập chỉ còn thiếu cái xương sọ. Nếu như không có chuyến đi bất ngờ này thì bộ sưu tập đã kể như hoàn tất.

4
Chúng tôi nghĩ ra chỗ ấy thật tình cờ. Lúc chiếc máy phát thanh quán cà phê cô Thảo-Tóc-Dài vang vang lời ca có đoạn Ở tận sông Hồng anh có nhớ, quê hương em cũng có giòng sông, Vàm Cỏ Đông gì gì đó thì hình ảnh chỗ ấy chợt sáng lên trong đầu hai đứa.
Ấy là khúc sông vắng chảy qua lưng khu di cư chen chúc những nhà thờ Công Giáo. Đêm xuống bên này sông lập lòe ánh nến những bàn thờ xóm đạo, bên kia sông le lói ánh đèn ẩn hiện trong những tàng cây rậm lá. Hình như ấy là sông Bến Cát. Hồi Mậu Thân, máy bay ném bom lung tung phía bên kia sông. Loáng thoáng những bóng khăn rằn chạy lăng quăng dưới những khóm dừa. Hồi còn bé và ngay cả khi đã lớn và đất nước không còn chiến tranh, chúng tôi cũng không bao giờ dám mạo hiểm qua bên kia sông. Nhưng tôi thích ngồi ở bờ bên này nhìn những thân dừa ngả nghiêng bờ bên kia.
Gần, thật gần mà cũng xa quá là xa.
Hai thằng con trai. Thì chúng tôi nào đã đủ để trưởng thành được coi là hai gã đàn ông. Hai thằng con trai chọn đêm hôm ấy bởi đêm hôm ấy không trăng. Chúng tôi lầm lũi đạp xe qua những con phố vàng vọt ánh đèn. Trái tim động cỡn trong lồng ngực. Những vì sao nhấp nháy trên cái nền đen kịt của đêm như tín hiệu cầu cứu của đám vượt biên giạt vào hoang đảo. Gió sông luồn qua cổ áo làm gai lạnh sống lưng. Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Tôi thầm hát lời thánh ca quen thuộc để sóng gió dịu xuống trong lòng. Chúng tôi cong lưng đạp xe lên dốc cầu. Bạn ơi, hãy nghỉ yên nhé. Hãy nghỉ yên. Chúng tôi không thể làm gì khác. Chúng tôi không còn cách nào khác.
Hai đứa dừng xe, dựa sát thành cầu. Hãy thong thả đi bên nhau. Dặn dò như thế. Như một đôi tình nhân. Từ xa nhìn lại, người ta sẽ tưởng đó là cặp tình nhân dẫn nhau lên cầu tính chuyện ầu ơ. Gió vi vu. Mặt sông cau có giận hờn. Những ngọn đèn mù lòa hai bên bờ. Con sông có tên không. Hình như tên nó là Bến Cát. Chẳng biết có phải là Bến Cát không. Hai bên bờ chả thấy nơi nào có cát. Ta sắp thủy táng cho Người. Cái bọc nặng trĩu trên cánh tay. Nhìn quanh xem có ai để ý mình không. Nhập nhòe đàng kia có một cặp tình nhân. Phải là tình nhân bởi họ đang ghì sát vào nhau. Không ai để ý đâu. Sao mà nặng thế nhỉ. Thằng khốn nạn Tuân. Làm khổ người ta. Giờ này chắc nó đang ở Mã Lai hay Nam Dương rồi. Nhà bác học điên điên khùng khùng. Chẳng bao lâu nó sẽ định cư ở một xứ sở xa xôi nào đó, nơi con người được hít thở hồn nhiên.
Xin lỗi, xin lỗi. Tôi miết những ngón tay vào chỗ xi măng vỡ tạo thành vết lõm ở thành cầu, miệng thì thầm cầu khấn. Và vung mạnh cánh tay trĩu nặng. Sức nặng buông ra làm tôi lao đao muốn ngã.
Một tiếng ùm vang lên. Mặt nước đen cau lại, giận dữ.
Thôi về. Chúng tôi ngó trước nhìn sau. Không ai thấy chúng tôi. Đôi tình nhân thong thả đạp xe, lên cầu hóng gió. Hãy an nghỉ nhé, Người ạ. Tôi thì thầm với người đã chết. Tôi thì thầm với gió, với những vì sao le lói trên tấm màn nhung đen, tôi thì thầm với cả dòng sông. Đêm nay chúng tôi trao người ta cho dòng sông giữ hộ.
Lễ thủy táng âm thầm.
5
Cho tôi lại sông Bến Cát.
Bến Cát hay là Bến Hải.
Bến Cát.
Chú có chắc là Bến Cát không?
Hình như vậy. Hồi trước ở khúc này có một con sông nhỏ, tên là sông Bến Cát.
Chú nhớ nhầm đó. Làm gì có sông Bến Cát. Sông Bến Hải thì có. Đọc trong sách sử có thấy nói tới nhưng sông Bến Cát của chú thì cháu chưa bao giờ nghe ai nhắc tới.
Con đường kéo lên đoạn dốc, tiếng máy xe rầu rĩ. Người đàn ông nhận ra cây cầu. Nhưng phía dưới không phải là lòng sông loang loáng nước.
Dừng lại đây một chút được không.
Được chứ.
Người đàn ông xuống xe. Những mái nhà cao thấp ngả nghiêng trong gió. Nắng bốc lửa trên da. Người đàn ông miết tay lên thành cầu. Chỗ xi măng vỡ này. Hai mươi mấy năm trời rồi nhưng còn quen quá là quen. Những mái nhà chen chúc nhau. Ngói đỏ đủ mọi sắc mầu. Có cả những mái nhà mầu tím. Những dinh thự. Và bao nhiêu là mái tôn vênh vẹo. Những mái nhà cố vươn lên tìm khoảng không gian trống trải để hít thở chút không khí ngột ngạt. Mặt trời xoay vòng trên cao. Người tài xế trẻ cặp xe sát lề đường, bước xuống bên người đàn ông. Người đàn ông gật gù. Những sợi tóc bạc rũ xuống vừng trán ông ta.
Đây là cây cầu. Ở dưới kia lúc trước là con sông. Tôi nhớ như vậy.
Cháu chẳng biết đâu. Nếu là sông thì người ta đã lấp đi để có chỗ xây nhà. Chú không thấy nhà cửa san sát đó sao.
Người đàn ông ngóng cổ nhìn xuống phía dưới chân cầu. Một con hẻm nhỏ vừa đủ chỗ cho một chiếc xe gắn máy chạy lọt. Tiếng rao hàng ơi ới. Người đàn ông cố lắng nghe tên món hàng nhưng không thể nào đoán ra được. Mái nhà ngói nâu chìa ra khỏi lề con hẻm, tưởng chừng đứng trên này, đưa tay ra, nhoài người tới, ông có thể chạm vào những viên ngói khô bốc khói trong cái nóng nung người.
Dưới này ngày xưa là con sông Bến Cát mà tôi nói đó.
Cháu không biết sông Bến Cát. Nhưng chú có chắc chắn không.
Người đàn ông nhắm hai mắt lại. Mặt nước đen mun cau lại trước mặt ông. Một tiếng ùm xé toang đêm tối. Cái người thủy táng năm xưa giờ vùi dập nơi nào.
Thôi mình về chú ơi. Chẳng có sông Bến Cát Bến Đất gì đâu.
Ừ mình về thôi. Người đàn ông lẩm bẩm với cái đầu xanh xám, nhơn nhớt formol, với hai con mắt nhắm nghiền trong trí nhớ. Cái người được thủy táng năm xưa đã tan theo dòng sông vắn số mất rồi.

Hoàng Chính
Chủ nhật, 13 tháng 03, 2011










Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 1715)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 2767)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 2678)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 5117)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 5921)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 1599)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào
24 Tháng Hai 20242:39 CH(Xem: 2883)
Mà thơ. chấm. tới phẩy, nào / Dụi mắt. cắm một ngọn sào du dương / Không dưng / nghe một nạm buồn / Hai tay bụm lại / đầu nguồn thiết tha / Suối rất mệt giữa khe già / Tinh anh của đá / ném / xa / đường gần
14 Tháng Hai 20241:28 SA(Xem: 2215)
Tôi đưa tay gõ vào hư ảo / Chân lý mày đang trốn chỗ nào / Hóa ra đen đỏ hai màu áo / Chỉ để làm trò chơi khó nhau
14 Tháng Hai 20241:15 SA(Xem: 1696)
Này anh bạn – anh thấy không / Sự lộng lẫy không nhường chỗ cho điều gì hài hước / Chỉ tiếng nấc thanh xuân mềm yếu / Trên quảng trường nơi vũ hội đàn ông / Vỡ thành cơn địa chấn.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 1960)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.