- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tình cũ

17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 91921)

nguyenthithaoan_102
 Nguyễn Thị Thảo An


Nguyễn Thị Thảo An sinh ngày 03 tháng 2 năm 1960 tại Sài Gòn, tốt nghiệp đại học sư phạm Sài Gòn, hiện định cư tại Kennesaw Georgia, USA .
Tác phẩm :
Tuyển Tập (in chung với 4 tác giả khác)
Bức Phù điêu Khắc Cạn (tập truyện, Văn Mới 2001)

 
Thụy nhảy chồm về phía điện thoại nhưng phải đợi chuông reo đến lần thứ năm nàng mới nhấc ống nghe. Giọng nói đầu giây bên kia trầm ấm, “Anh đang trên đường đi, kẹt xe lắm, khoảng sáu giờ, sẽ đến.” Thụy nhẩm tính - Sáu giờ, bây giờ mới có bốn giờ, còn những hai tiếng nữa. Dễ chừng, nàng đã chờ anh bao nhiêu lâu rồi nhỉ? Hai mươi năm? Hơn thế chứ. Hai mươi năm và sáu tháng. Thụy còn nhớ như in, lúc ấy là mùa Hè, vừa tốt nghiệp Cao Đẳng xong, Thụy đã lo được một chân nhân viên ở Sở Du Lịch. Thời đó, bán căng-tin cho Sở thôi cũng kể là “chuột sa hũ nếp”. Còn Phong thì khá hơn, không biết bằng ngõ ngách nào mà lọt được vào Công Ty Giao Thông Đường Sông. Từ sông ra biển chỉ có 3 tháng, anh vượt biên. Đêm chia tay mà Thụy cũng chưa biết, họ quấn vào nhau như những con sâu cuộn mình trong lá. Sáng ra, trước khi đi anh vẫn không nói gì, chỉ trang trọng đeo cho Thụy một xâu chuỗi bằng những hạt đá li ti kết lại. Tuy không phải là vật đính hôn nhưng đã làm Thụy đinh ninh đó là lời hứa hẹn. Bẵng đi hai tuần thì có điện tín, anh đang ở Bi-dong, trại tỵ nạn Mã Lai. Vậy là Thụy hận. Hận thâm xương. Hận thấu tủy. Bao nhiêu thư từ gửi về Thụy xé hết. Không đọc, Thụy thề, cũng không nghe thêm bất cứ một câu nào. Ai đời, cùng chìm trong bể khổ mà khi thoát thì chỉ tính thoát thân lấy một mình. Bạn bè an ủi, thì Phong là gió mà, đến rồi đi, ai biết được. Nhưng mà Thụy biết, và Phong biết, anh đã mang đi cái quý giá nhất của một người con gái. Sự mất mát làm Thụy hụt hẫng như bị người ta giật nợ. Mấy năm sau, tin tức bặt tăm, nỗi hận cũng nguôi ngoai, Thụy mới tự cứu mình. Nhờ xinh đẹp nên nhiều người theo, nhưng Thụy không chọn người, nàng chọn tiền. Sau khi ông thủ trưởng tặng Thụy hai đứa con và cả cơ ngơi ông tích lũy một đời thì mất. Không thề thốt nhưng Thụy vẫn tiết phụ nuôi con. Sống một mình,Thụy trở nên đảm đang, nhất là mấy năm sau này kinh tế xoay chiều, Thụy đầu tư vào bất động sản, mua một bán mười. Hai đứa lớn đang tạm ở riêng để giữ hai căn nhà đang rao bán. Những lúc như bây giờ căn nhà này trở nên tịch mịch lạ thường. Thụy biết, không bao lâu con cái sẽ lập gia đình, chỉ còn một mình nàng trơ trọi. Nàng bỗng yêu tiếng động, yêu cả những tiếng dép lẹp xẹp kéo lê ngoài đầu ngõ, tiếng xe nổ, tiếng hàng xóm cãi cọ ngoài kia. Nàng mở radio, mở phim bộ suốt ngày là vì thế. Nhiều lúc, Thụy sực nhớ những mỹ nhân trong lịch sử bị biếm mình trong cung cấm, họ giống như những đóa hoa hương sắc đặt trong bốn bức tường. Tàn tạ rồi chết. Thụy rùng mình khi mường tượng ra chẳng bao lâu rồi mình cũng sẽ biến thành một bà già lụ khụ, tóc bạc da nhăn, tay chân lẩy bẩy, mắt mờ nhìn không qua ngưỡng cửa. Không lẽ đó là một kết thúc khuôn mẫu đã định sẵn. Không, không đời nào để mình như vậy. Cái chết của nàng ước chi là một cái chết êm như giấc ngủ, chết giữa lúc đương nhan sắc như ánh chiều đỏ ửng rực chợt tắt ở lưng đồi. 
 “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
 Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.”
 Hồi nhỏ đọc hai câu này Thụy vô cảm. Cứ tưởng tượng Dương Quý Phi chống gậy, mắt mũi lem nhem thì chết là phải. Cũng có lúc Thụy linh cảm, hai câu thơ giống như một lời nguyền. Nhưng từ khi nhận được điện thoại của Phong thì khác, Thụy thấy lời nguyền trở nên vô nghĩa và có phần buồn cười. Tình cảm bỗng nghiêng về Phong, nhất là nghe tin mấy lần về nước anh đều tìm nàng trong đám bạn cũ. Thụy hình dung ra Phong ngày trước, dáng dấp thư sinh và mái tóc bồng. Nàng nhủ thầm, nhất định phải cho thấy mình đẹp như lúc anh chàng mới bỏ đi mới được. Không thể để lộ những nếp nhăn hay dấu vết của tuổi tác. Trước hết phải tắm cái đã. Thụy gọi cô bé giúp việc pha nước rồi đi lấy áo.

 Thụy đong đúng hai nắp dầu hoa bưởi vào bồn tắm rồi khuấy đều.Vừa để thân mình ngấm từ từ trong làn nước ấm vừa tát nước nhè nhẹ lên cổ, vai rồi chụm hai tay đắp nước vỗ lên má nhiều lần. Trời tháng Bảy gió hâm hấp, mồ hôi vã nhiều, Thụy muốn ngâm mình lâu hơn. Phải canh sao cho khi Phong đến, da dẻ vẫn còn tươi mát và chưa có một hột mồ hôi nào. Mỗi lần đi đâu, Thụy vẫn ghét chen lấn trong đám đông và khó chịu khi ngửi thấy mùi mồ hôi nhễ nhãi, mùi da thịt hăng nồng của thiên hạ.
 Thụy duỗi hai chân, cặp giò dài và trắng, lộ những đường gân xanh nổi rõ dưới da. Nàng xoa mạnh tay để đánh tan những mạch máu ngầm, rồi gấp gối lại, tát nước vào chỗ hủng giữa bụng và đùi để nhìn thấy nước được giữ lại và thích thú vì thân thể mình vẫn còn săn chắc. Mỗi lần tắm, trong đầu Thụy đầy dẫy những thân hình bụ bẫm, mủm mĩm trong những bức tranh lõa thể thời Phục Hưng, nàng chú ý tới những mạng mỡ dư thừa mà không hiểu sao thời xưa họ lại thích. Nghĩ đến đây bất chợt Thụy luồn tay vào đùi, vừa vuốt ve vừa tưởng tượng đây là bàn tay của một người nào khác. Nàng thích thú thấy da thịt mình vẫn còn mềm mại và láng lẫy, êm ái cứ như đang vuốt lên một tấm da gấu.
 Tắm xong, Thụy bắt đầu trang điểm. Nàng lấy nước đá đập nhỏ, quấn vào khăn mỏng rồi chà lên hai má. Cái lạnh làm đôi má ửng đỏ một cách tự nhiên mà không cần dùng tới phấn hồng. Sau đó nàng đánh một lớp phấn lót rồi thoa một lớp kem ngoại có pha glycerine, da mặt trở nên mượt mà, tươi tắn. Kề sát mặt gương, Thụy bặm chặt cho môi mềm ra xong dùng chì màu viền rồi thoa đều trên dưới. Không bao giờ Thụy dùng son, nhất là những màu đỏ chói, chỉ tổ tố thêm tuổi già. Thụy cũng không sơn móng tay, chỉ cắt da, dũa tròn móng rồi chà chanh cho kỹ, điệu đàng lắm thì phủ một lớp sơn bóng là cùng. Xong xuôi, Thụy thoa một ít nước hoa lên cổ, vai và mu bàn tay, nơi người nước ngoài thường cầm hoặc hôn tay người phụ nữ.
 Phải hơn năm giờ Thụy mới thay áo. Nàng chọn một cái váy nhạt và một chiếc áo cổ bẹt màu hồng có thêu những chùm hoa trắng li ti, trang nhã và thanh tao. Những năm sau này Thụy tránh mặc những màu sậm hay hoa hòe sặc sỡ. Không bao giờ sắm những chiếc áo dài thêu rồng phượng dát đầy kim tuyến và cũng chớ hề rớ tới những bộ âu phục nội hóa rẻ tiền. Nàng chọn sợi dây chuyền có đính hột xoàn, kinh nghiệm cho biết đeo hột xoàn làm người ta chú ý cái vùng ngực của mình hơn. Ở cổ tay trống trải, Thụy chọn một chiếc lắc có gắn hai cái chuông vàng, khi cử động chuông sẽ phát ra tiếng nhạc. Có tiếng nhạc câu chuyện sẽ rôm rả hơn. Phải tạo một bầu không khí thân mật, dễ thương, làm sao thâu ngắn cái khoảng thời gian xa cách. Để khi Phong về vẫn còn luyến tiếc những cảm giác lãng mạn và sống lại trong kỷ niệm xưa của “hai đứa”. Xong đâu đấy, Thụy hớp một chút rượu nhẹ rồi đi súc miệng thật kỹ. Kinh nghiệm của người đàn bà cho biết, rượu quý gấp mười lần bất kỳ một thứ mỹ phẩm nào, nó làm cho mắt người ta phớt một màu hồng và mở to một cách long lanh.
 Xoay mình trước gương mấy lần Thụy mới ra ngoài. Thụy lướt mắt nhìn quanh, trên bàn đã dọn sẵn một bình hồng đỏ thắm. Buổi sáng nàng đã chọn sẵn một chậu lan, nhưng mà nghĩ lại hoa hồng hay hơn, dù sao nó cũng biểu tượng cho tình yêu. Từ khi liên lạc với Phong, lòng Thụy bỗng dưng rung động. Mọi vật chung quanh đều trở nên sáng sủa và dễ thương. Chắc chắn là Phong muốn tìm về dĩ vãng. Hẳn Phong vẫn nhớ nàng. Bất chợt trong phút chốc những kỷ niệm xa xưa chợt dội về ào ào như sóng vỗ. Miên man với những hồi tưởng,Thụy linh cảm cuộc đời nàng có thể sẽ thay đổi, nhất là qua bạn bè, biết Phong đã ly dị, thành công trong kinh doanh, nhưng rất cô đơn trên xứ người. Nếu tái hợp, những ngày tháng sau này của cả hai sẽ là một màu hồng, nàng có nơi nương tựa, hai đứa con sẽ tiếp tục học ở nước ngoài. Thụy nhẩm tính, cho tới bây giờ nàng đã mất khá nhiều cho các trung tâm tư vấn du học mà cũng chưa có đứa nào đi được.
 Gần bảy giờ Phong mới đến. Cô bé giúp việc ra mở cổng. Từ trong nhà,Thụy hơi ngạc nhiên khi thấy Phong dẫn chiếc xe Dylan loay hoay tìm chỗ đậu. Thông thường Việt kiều sợ đi xe gắn máy, sợ cái lối chạy xe hỗn loạn của dân trong nước nên đa số đều dùng taxi. Nhưng Thụy đã không kịp hỏi khi Phong ngước mặt nhìn nàng. Tuy đã thấy Phong trong hình trước đây, giờ đối diện cũng làm Thụy ngẩn ngơ, Phong thay đổi nhiều, như là một người khác. Trong lúc đó Phong chỉ hơi bối rối, rồi anh chàng bắt đầu tự nhiên cứ như là mới xa Thụy hôm qua.
 “Nhìn ra chưa?” Thấy Thụy chưa trả lời, anh lại cười cười, “Nè, không đến nỗi hỏi, anh tên gì chứ?”
 “Anh thay đổi nhiều quá.” Thụy chơm chớp mắt.
 Phong đứng trước mặt nàng, nghiêm trang đưa mắt ngắm từ đầu tới chân như người ta ngắm một con búp bê, “Còn em vẫn đẹp như xưa, không khác mấy.” Rồi anh chàng lấy tay vỗ trán, vờ như thật, “Mình chia tay mới hai tháng thôi, phải không? Vậy mà anh cứ tưởng 20 năm rồi chứ.” Miệng vẫn giữ nụ cười trêu.
 Thụy nhủ thầm, không biết đây là một câu đùa hay là một câu tán. Và nàng chợt nhận ra, Phong thay đổi không phải chỉ bên ngoài.
 Phong lễ mễ mang nhiều quà từ trên xe xuống. Một chai rượu nho, mấy hộp chocolates, phô-mai và bánh ngọt. Đến chiếc ghế bành, anh buông mình xuống một cái phịch. Mặt ghế lõm xuống lòi ra những đường nhăn.Trông Phong bây giờ cao lớn, mập mạp, bệ vệ ra vẻ một thương gia. Áo sơ-mi thẳng nếp, quần tây xám phẳng phiu, đôi giày đen bóng lưỡng. Hai má phính làm gương mặt hơi tròn, cái cằm liền với cổ nhờ một mạng mỡ thừa. Nổi bật nhất là cặp kính mát hiệu Giorgio Armani và bộ ria mép được cắt tỉa cẩn thận làm Phong giống hệt như một đại gia. Đấy, chữ nghĩa báo chí bây giờ thường gọi. Nhìn Phong, Thụy ngờ ngợ, nàng thường gặp những mẫu người như vầy ở đâu đấy nhỉ?
 “Em khỏe không? Chồng con sao rồi?” Giọng Phong trầm ấm.
 “Em khỏe. Mấy mẹ con vẫn sống với nhau.”Nàng hỏi lại, “Còn anh?”
 “Anh ly dị, hiện đang sống một mình.”
 “Tại sao?”
 “Tại trời.” Phong nhún vai, “Sống ở Mỹ, đàn bà Việt cũng thành đàn bà Mỹ thôi.”
 “Vậy sao?” Thụy rót trà ra tách, nàng nhoẻn miệng cười, “Em không tin đâu. Có thể, anh khó tính quá chăng?”
 “Cũng mong như vậy.” Phong cười, rồi bỏ ngang câu chuyện, chàng bắt đầu xoải chân, lưng dựa hẳn vào thành ghế và đưa mắt quan sát mọi vật. Căn nhà thiết kế theo kiểu ngoại, có quạt trần, cầu thang xoắn, cửa trong ăn thông với những phòng riêng.
 “Wow, căn nhà này đẹp thật, không thua chi ở nước ngoài.” Phong thầm nghĩ, không biết hiện thời nhà như vầy giá bao nhiêu, chắc là không rẻ.
 “Không bao nhiêu, đây là nhà hóa giá, sau đó mới tân trang lại.”
 Thụy nhớ, chồng nàng đã phải vất vả chạy chọt cả năm trời mới giữ được căn nhà này. Chính sách hóa giá những căn nhà tịch thu của chế độ cũ là một cái phép màu biến của công thành của tư. Sau khi tân trang, giá nhà tăng gấp hai trăm lần, Thụy đem thế chấp để làm vốn kinh doanh.
 “Làm sao bì được nhà anh bên đó.” Thụy hỏi dò.
 “Nhà ở Mỹ là nhà của ngân hàng, có phải của mình đâu.”
 Lúc đó, cô bé giúp việc mang một cái khay có hai cái ly và một đĩa bánh ngọt để lẫn với chocolates ra bàn. Phong vói tay lấy một cái ly cao đựng rượu rồi xoa xoa trong lòng bàn tay.
 “Em sống thoải mái quá hả?”
 “Đâu có.” Thụy phân bua, “Cũng ‘tay làm hàm nhai’ như ai đó chứ.”
 “Chối chi vậy? Không có ai hỏi tiền đâu?” Phong khui rượu, rồi rót một chút ra hai cái ly, nâng lên mời mọc.
 “Nè, cạn ly.” Chàng trấn an, “Rượu này là rượu nho, ngọt lắm.”
 “Nhưng em không biết uống rượu.”
 “Không biết cũng phải uống, nhắp một chút cũng được, mừng tụi mình tái ngộ.” Để làm gương, Phong nâng ly uống một hơi, rồi chúc ngược cái ly, không một giọt rượu nào rơi xuống.
 Thụy cũng nâng ly và nhắp một chút, một mùi men hăng nồng xông tràn lên khoang mũi. Thụy sặc sụa, nước mắt chực trào ra. Trong thoáng chốc, bỗng dưng Thụy nhớ ra, cặp kính đen, cái bụng phệ, bộ ria mép cắt tỉa tỉ mỉ, mẫu người của Phong nàng thấy nhiều trên sàn giao dịch, trong những buổi đấu thầu, ở những câu lạc bộ chuyên ngành, ở những quán cà phê sang trọng, ở bar biếc, và cả những tụ điểm karaoke tối mò. Cái thói quen uống rượu ực một cái rồi giơ ly chúc ngược xuống, Thụy vẫn thấy người ta biểu diễn hoài. Mẫu số chung của họ là khả năng đánh hơi về tiền bạc và đàn bà rất nhạy.
 “Em khá lắm.” Tự nhiên, Phong buột miệng. “Giỏi thật đó.”
 “Giỏi cái gì?” Thụy hơi ngạc nhiên.
 “Ngoài đời biết bao nhiêu người đói khổ mà ở đây vẫn đầy đủ, sung túc như thường.” Chàng nhìn Thụy vẻ giễu cợt, “Hay có ông nào take care em rồi, chứ gì?”
 Thụy đoán, ý Phong muốn hỏi đến bạn trai, bồ bịch. Đa số Việt kiều đều nói độn, Thụy không lạ.
 “Ai mà thích em chứ?”
 “Nói dối.”
 “Thật mà.”
 “Anh không tin.”
 Thụy ghét kiểu nói chuyện dấm dớ như vậy, nó giống như một cuộc tra hỏi, mà nàng là kẻ bị tình nghi. Nhưng mà làm sao để khơi chuyện xưa? Làm sao lôi Phong về khung trời kỷ niệm, thời của hai đứa, thời đồng cam cộng khổ? Cũng có thể Phong nhớ cái ngày chia tay, anh chàng khó nói vì bỏ đi một mình.
 
 Rượu đã vơi nửa chai, mà Phong cứ tự rót lấy một mình. Hết ly này tới ly khác, nhẩn nha như người độc ẩm. Hình như giữa hai người có một khoảng cách. Phong ước, chàng có cách xóa bỏ thời gian. Làm thế nào để chặt đứt cái khoảng hai mươi năm đi. Không có khoảng thời gian đó, chàng sẽ giống như xưa, đi mấy bữa trở về, rồi hai đứa dạo chơi và chia sẻ với nhau bất kể là chuyện gì. Nhưng bây giờ mới vài ba câu đã hết chuyện. Một sự im lặng ngột ngạt, giống như cờ bị dồn vào thế bí. Không biết làm thế nào để hỏi mà không đường đột, tò mò quá. Thật ra, Phong rất muốn biết nhiều thứ về Thụy. Nghe bạn bè nói, mấy năm nay nàng phất lên nhờ địa ốc, nhưng đầu tư thế nào, nguồn vốn từ đâu, và có những dự tính chi, không ai biết. Tốt nhất, tìm cách nào để Thụy tự kể, như vậy tự nhiên hơn.
 “Nè, anh đang uống rượu, không phải uống nước đâu?” Thụy gõ gõ mặt bàn, cười mỉm.
 “Thượng Đế tạo ra cây nho.
 Phải chăng đó là một tội?
 Con người chế ra rượu nho
 Để chôn nỗi buồn trong đó.”*
 Phong cất tiếng ngâm nga, tay vò vò cái ly không, miệng nở một nụ cười. Mắt chàng ướt, long lanh, cứ nhìn nàng không chớp.
 “Anh nghĩ gì vậy?”
 “Nghĩ tới ngày xưa.”
 Phong đứng dậy, vươn vai, đi qua lại vài bước để lấy cớ ngồi xuống cùng một chiếc ghế dài với Thụy. Phong nghĩ ra một thế gỡ, gợi chuyện với phụ nữ, không gì bằng đánh mạnh vào tình cảm.
 “Em còn nhớ Thanh Đa không?”
 “Cà phê Thanh Đa?”
 “Ừ, bây giờ họ mở rộng, có hồ bơi và sân golf nữa.”
 “Hồi xưa em hay ngồi ngắm những đám lục bình.”
 Phong nhắc thêm, “Lúc đó, không có tiền, tụi mình chỉ mua nổi một ly chanh muối uống chung. Nhớ không?”
 Thụy chớp chớp mắt, cười. Phong thấy khi cười, đuôi mắt Thụy có dấu chân chim.
 “Hôm nào có dịp mình lại đi nữa nha?” Phong rủ.
 Thụy gật, “Anh thường ra đó à?”
 “Mỗi lần về, anh đều tới đó.” Phong rút một điếu thuốc, gắn lên môi, “Mà tới cũng chỉ để ngắm lục bình thôi.” Mới nói, Phong đã thấy mình hớ, nghe nói sau này có nhiều ghe hút cát lậu dưới đáy sông làm vỡ kè, người ta đã kéo lục bình đi đâu mất.
 “Thật ư?”
 Trong lúc cảm động, Thụy sực nghĩ ra, phải khơi cho Phong nhớ về ngày xưa, nàng cố đánh thức một mối tình đang ngủ kỹ. Đây là lúc nối lại sợi dây tình cảm. Nếu khéo léo, ít nhất cũng có thể nhờ Phong bảo trợ cho hai đứa nhỏ đi du học. Chắc chàng sẽ không từ chối. Thụy đứng lên đi về phía cuối phòng đến bên một chiếc tủ bằng gỗ trầm hương, bên ngoài chạm trổ thật tỉ mỉ. Thụy dừng lại mở tủ, rồi mang ra một xâu chuỗi có kết đá li ti, đã trổ màu đưa cho Phong.
 “Anh có còn nhớ cái này không?”
 “À há?” Phong nhíu mày, nghĩ ngợi. “Nhớ chứ. Không ngờ em còn giữ tới bây giờ.” Chàng đoán mò, đây chắc là kỷ vật của hai người, nhưng tặng lúc nào thì không nhớ nổi. Chàng vội lái câu chuyện sang hướng khác.
 “Về lần này, may nhất là gặp lại em.”
 “Anh thường về nước lắm à?” Thụy lại hỏi. “Về mấy lần rồi?”
 “Lần này là lần thứ năm.” 
 Thụy hơi thất vọng, về nước năm lần, bây giờ mới tới thăm mình. Nàng nghe người ta chế Việt kiều về quê, lần thứ nhất thăm mẹ, lần thứ nhì thăm cha, lần thứ ba thăm những người chưa từng gặp qua. Chắc bên này, anh chàng cũng có khối cô trẻ đẹp đang vây quanh.
 “Bên này thay đổi nhiều, về xem coi có làm ăn gì được không?” Phong nói thêm.
 “Anh có tính làm gì chưa?”
 “Định làm địa ốc đây. Em có kinh nghiệm hay mối mang gì chỉ cho anh với.”
 “Ôi chao! Nhà cửa đang tuột dưới giá vốn. Thị trường đóng băng, bây giờ anh nhảy vào làm gì?” Thụy ngạc nhiên.
 Phong không trả lời mà hỏi tiếp, “Giá thấp là lúc mua vào, em có mua thêm căn nào chưa?”
 “Có. Kẹt hai căn, từ đầu năm tới giờ vẫn chưa bán được.” Thụy chép miệng, thở dài.
 “Hai căn giá bao nhiêu?”
 “Anh hỏi làm chi?” Thụy nghi ngờ. Những người hỏi giá, mười người chưa có một người mua. Họ chỉ đi thăm dò.
 “À, hóa ra anh đến thăm dò chứ đâu phải thăm em.”
 “Không, không. Đến thăm thật mà. Hỏi cho biết vậy thôi.” Phong phân bua, “Nghe nói, bây giờ người ta mua nhà trên giấy, chỉ đặt tiền cọc rồi sang tay, vốn ít mà lời nhiều.”
 “Xưa rồi, đấy là thời của mấy năm trước. Từ khi xăng tăng giá, cái gì cũng tăng theo nên nhà xây chậm mà lãi suất đến 19, 20 phần trăm. Bây giờ nhiều người còn phải bỏ cọc, chạy nợ đấy.”
 Phong làm thinh, chàng nhẩm tính. Hai căn nhà đã tân trang, cộng thêm cái nhà này. Đột nhiên Phong ngước mặt lên trần, chàng nghĩ ngợi. Với tình trạng này xoay một, hai trăm ngàn đô, với Thụy chắc không khó.
 Thấy Phong có vẻ suy tính, Thụy khuyên.
 “Thị trường ở đây bất ổn, nạn bè phái khiếp lắm, anh tính cho kỹ, đừng bước vào chốn ‘gió tanh mưa máu’ làm gì.”

 Phong gắn điếu thứ hai lên môi, chàng rít một hơi dài, rồi chu miệng thổi những lọn khói tròn thành những chữ O đuổi nhau trong không khí. Chàng có cảm giác Thụy đang đề phòng. Có lẽ những người có tiền đều cẩn thận như thế cả, nhất là khi đề cập những chuyện liên quan. Một, hai trăm ngàn đô, một con số lớn hơn sự tưởng tượng. Ở nước ngoài, kiếm vài ngàn đô còn khó nữa là. Phong nhớ lại cái phòng trọ nhỏ xíu của mình bên Mỹ, những việc làm tạm bợ bấp bênh, những thất bại liên miên trong cuộc sống. Tất cả chỉ vì một chút sơ xuất, chàng uống rượu lái xe. Phong nghĩ, cái thằng cảnh sát cho chàng cái ticket DUI** ắt cũng sẽ hối hận nếu biết chàng ra nông nỗi. Ở Mỹ, không có hãng xưởng, cơ quan nào chấp nhận người từng say rượu lái xe. Càng không có người đàn bà nào chấp nhận người chồng triền miên thất nghiệp. Sau khi kiếm việc một thời gian, Phong nghiệm ra, có một người đàn bà là có tất cả. Muốn chinh phục họ, trước hết cần phải có bề ngoài.
 Phong nhìn Thụy, chàng đang cố hình dung ra hình ảnh Thụy ngày trước để so sánh. Nhưng kỷ niệm ngày xưa đã chìm sâu đâu mất, không hiểu sao trong đầu chàng chỉ hiển hiện những bờ vai tròn trịa, những gương mặt búng sữa ở mấy cái quán karaoke. Dù sao người đàn bà này là người đầu tiên trong đời, vậy mà bao nhiêu năm chàng quên lửng. Bây giờ, trông Thụy già dặn và kín đáo, nhưng đường nét vẫn còn gọn, điều quan trọng là không biết tình cảm của Thụy thế nào. Nếu chàng nắm tay, không biết Thụy phản ứng ra sao. Dù gì, cũng phải thử. Chàng tin, với bản chất yếu đuối, không có người đàn bà nào không cần nơi nương tựa. Vả lại, chồng mất đã lâu, chắc là Thụy cô đơn lắm. Nếu tái hợp thì khác nào ‘nắng hạn gặp mưa rào’. Bạn bè chàng nhiều tên cũng đã lập ‘phòng nhì’ ở bên này. Nhưng mà bọn chúng dại, cặp với mấy cô trẻ đẹp giống như sắm một cái máy xay tiền, chỉ tổ mệt. Phong nhớ một câu đã đọc ở đâu đó, “Đàn bà chỉ hấp dẫn hơn khi người ta ngả vào cánh tay họ mà không rơi vào bàn tay của họ.”
 “Thụy này,” Giọng chàng trầm xuống. Phong nhẹ nhàng nắm thử tay nàng. Bàn tay mềm, mát rượi như một giải lụa. Thụy e dè, nhưng nàng vẫn để yên.
 “Gì ạ.”
 “Có thể xem anh như ngày xưa, được không? Có khó khăn gì, cứ nói. Nếu giúp được, anh sẽ giúp.”
 Thụy hy vọng, Việt kiều đa số đều rộng rãi, biết đâu Phong sẽ giúp nàng. “Khó khăn của em là hai căn nhà chưa bán được.”
 “Sao không đợi giá lên hãy bán.”
 “Không chờ được. Lãi suất bây giờ cao lắm.”
 “Cứ hạ giá nữa. Thế nào rồi cũng bán được.”
 “Hạ quá thì lỗ nặng.”
 “Đừng lo lỗ.” Phong nói, “Anh có cách bù.”
 “Cách gì?” Mắt Thụy sáng lên.
 “Đầu tư ở Mỹ.” Không đợi Thụy hỏi, chàng giải thích, “Tụi mình có thể mua nhà bên đó rồi cho thuê, lợi nhuận tính bằng đô, cao hơn nhiều.”
 “Nhưng nghe đồn, ở bển lúc này cũng bị khủng hoảng nhà cửa mà?”
 “Tạm thời thôi, rồi kinh tế sẽ phục hồi.”
 “Em ở đây, làm sao mua bán bên đó?”
 “Cứ tin anh.” Phong trấn an, “Để anh mua bán giùm cho.”
 Thụy kinh ngạc, nàng nghe lầm hay Phong đang nói giỡn. Mua bán kiểu này có khác chi quăng tiền xuống giếng.

 Tuy không ưa đề nghị của Phong nhưng Thụy vẫn làm thinh. Nàng nhìn mái tóc phồng của Phong đang lâm râm điểm bạc. Tuy nét trẻ trung không còn nữa, nhưng sự cường tráng của người đàn ông ở tuổi trung niên vẫn còn đó. Nhưng mà đâu rồi cái ngọn lửa nồng nhiệt của ngày xưa? Qua biết bao năm tháng, kỷ niệm đã mờ mịt, tình yêu cũng lụi tàn. Bây giờ hai người ngồi đây như hai khúc củi ướt, khó mà nhóm lên một ngọn lửa nào.
 “Có quen ai, hỏi dùm anh một trăm ngàn, được không?”
 Mắt Thụy tròn xoe, nàng không tin vào tai mình, “Một trăm ngàn đô?” Phong chưa gật, nàng đã kêu trời, “Một trăm ngàn đô, nhiều quá. Ở đây, đâu ai có nhiều dữ vậy.”
 “Năm chục ngàn, có không?” Phong mau mắn, hạ giá.
 “Cũng không có đâu.” Thụy lắc đầu nguầy nguậy, ánh mắt vẫn tròn xoe kinh ngạc.
 “Anh trả tiền lời thật cao, 20, 25 phần trăm hay hơn nữa cũng được.”
 “Thế sao anh không ra ngân hàng?”
 “Việt kiều không vay được, mà đang cần gấp lắm.” Chàng nói thêm, “Anh có một số máy móc mới nhập về nên kẹt thuế. Đóng xong, lấy khỏi kho là có tiền ngay.”
 “Em không có tiền, mà cũng chẳng quen ai.”
 “Em không tin ư? Ngày mai anh dẫn em đi coi máy.” Phong cố gắng chứng minh.
 “Vấn đề không phải tin hay không, mà là không có tiền.” Nàng nhăn mặt, khó chịu.
 “Ráng xoay cho anh một ít, bao nhiêu cũng được.” Phong nằn nì, “Giúp anh lần này, anh sẽ đền ơn em thật nhiều.”
 Phong đề nghị, “Hay mình thế đỡ căn nhà này, được không?”
 Thụy choáng váng. Nàng nhìn vào miệng Phong, hai hàng ria như hai con sâu ngọ nguậy trên mép.
 “Căn nhà này đã cầm rồi. Nợ từ đầu tháng đến nay vẫn chưa có để trả đấy.”Nàng cười khẩy.
 Một sự yên lặng ngắt ngang câu chuyện. Hai người theo đuổi hai ý nghĩ riêng tư. Một bầu không khí tẻ nhạt đang tràn ngập. Bên ngoài trời đã tối. Ngọn đèn đường vàng vọt, lẻ loi. Trong nhà chỉ còn tiếng quạt trần kêu lè xè.
 Thụy đứng lên, định vờ đi châm trà để vòng qua chiếc ghế bên. Thật chán ngắt. Và vô duyên. Bây giờ mọi cử động đều trở nên máy móc, đầy kịch tính. Nàng muốn tống anh chàng đi như tống mấy người khách chuyên môn đến dò giá.
 Trên chiếc ghế dài chỉ còn một mình Phong ngồi, mắt lim dim như sắp ngủ gật. Được một chút, Phong mở mắt, ngơ ngác như không hiểu tại sao mình lại ở đây. Chàng đưa tay lấy ly trà ực một cái, trà nguội ngắt. Rồi tỉnh hẳn. Phong đứng lên, chàng vươn vai, ngao ngán, cảm thấy giữa đàn ông và đàn bà mà không đậm tình thì người đàn bà cũng chỉ là một người đàn ông nhỏ con.
 “Thôi anh về.” Giọng chàng mệt mỏi.
 Thụy cũng mau mắn, mời lơi.
 “Khi nào có dịp, anh lại ghé chơi.”
 Nàng đứng vẫy cho đến khi chiếc xe Phong khuất hẳn. Tự nhiên, Thụy mơ hồ có cảm giác như đêm chia tay của hai mươi năm về trước. Đó là đêm vĩnh biệt.

Nguyễn Thị Thảo An


* O.Herford
** Giấy phạt tội say rượu lái xe
 
 

 
 
 
 

 
 

 

 
 
 
 

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 202411:17 SA(Xem: 1462)
The fact that Ho Chi Minh proclaimed Vietnamese independence and the formation of the Democratic Republic of Viet Nam [DRVN] on September 2, 1945 did not assure its international recognition. The French—reactionaries and progressive alike— adamantly insisted on the reintegration of Indochina into the French Empire, by force if necessary. Other great powers, for various reasons, independently supported the French reconquest.
07 Tháng Hai 20242:19 SA(Xem: 2282)
Bài này, “Cái Tôi kỳ việt và Âm bản Thành phố/Tình yêu trong thơ tự do Thanh Tâm Tuyền”, được phát triển, bổ sung và mở rộng từ bài viết gốc năm 1986, với tựa “Thanh Tâm Tuyền, người thi sĩ ấy”, theo tinh thần tựa đề “L’Homme, cet Inconnu” (1935) (Con Người, kẻ Xa Lạ ấy) của Alexis Carrel (Nobel 1912). Một vài chủ đề đã được đưa vào, hay tô đậm, qua một cái nhìn hồi cố và tái thẩm, để làm đầy đặn và làm rõ hơn các đường nét về thơ Thanh Tâm Tuyền, vốn, trong bản gốc nguyên thuỷ, đã được vạch ra nhưng chưa được khai thác kỹ.
07 Tháng Hai 20241:35 SA(Xem: 2257)
Người ta thường chỉ nói về thơ Thanh Tâm Tuyền ở cái thời tuổi trẻ của ông, và gần như không có ai nói kỹ (hoặc tương đối kỹ) về tập “Thơ Ở Đâu Xa”, kết tinh bởi những bài thơ thời sau này của Thanh Tâm Tuyền, đặc biệt là thời ông đã đi qua những hào quang của tuổi trẻ mình, và cũng là thời mà ông đang đi vào, đang đi qua những hiện thực sống động nhất, theo một nghĩa nào đó, của thân phận con người, nói chung, và thân phận thi sĩ, nói riêng, của chính ông. Cũng có ý kiến cho rằng thơ Thanh Tâm Tuyền, trong giai đoạn này, chỉ là thơ thời khổ nạn, tù đầy, không có mấy điều đáng bàn. Ý kiến đó có lẽ nên được xét lại. Con người thi sĩ, đặc biệt những con người thi sĩ với chiều sâu và kích thước như của Thanh Tâm Tuyền, có thể tự thể hiện phong cách độc đáo của mình, tự khám phá hoặc đổi mới mình, trong tứ, trong từ, trong hình ảnh, suy tư mình, trên các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, tiết nhịp, điệu thức, thể loại… trong bất kỳ hoàn cảnh hiện sinh nào của họ.
23 Tháng Mười 20237:38 CH(Xem: 4692)
Even prior to the termination of the war in Europe in the summer of 1945, the United States and the Soviet Union stood out as the leading Great Powers. The United States emerged as the most powerful and richest nation, envied by the rest of the world due to its economic strength, technological and military power. Meanwhile, the Soviet Union surprised all world strategists with its military might. Despite its heavy losses incurred during the German invasion—1,700 towns and 70,000 villages reportedly destroyed, twenty million lives lost, including 600,000 who starved to death in Leningrad alone, and twenty-five million homeless families—after 1942 the Red Army convincingly destroyed German forces and steadily moved toward Berlin.
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 5536)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
05 Tháng Ba 20248:43 CH(Xem: 1210)
Em là sen Hồng thắm / Ngát hồn anh chiêm bao / Đêm dịu dàng xanh thẫm / Sen cười rất ngọt ngào
24 Tháng Hai 20242:39 CH(Xem: 2494)
Mà thơ. chấm. tới phẩy, nào / Dụi mắt. cắm một ngọn sào du dương / Không dưng / nghe một nạm buồn / Hai tay bụm lại / đầu nguồn thiết tha / Suối rất mệt giữa khe già / Tinh anh của đá / ném / xa / đường gần
14 Tháng Hai 20241:28 SA(Xem: 1796)
Tôi đưa tay gõ vào hư ảo / Chân lý mày đang trốn chỗ nào / Hóa ra đen đỏ hai màu áo / Chỉ để làm trò chơi khó nhau
14 Tháng Hai 20241:15 SA(Xem: 1233)
Này anh bạn – anh thấy không / Sự lộng lẫy không nhường chỗ cho điều gì hài hước / Chỉ tiếng nấc thanh xuân mềm yếu / Trên quảng trường nơi vũ hội đàn ông / Vỡ thành cơn địa chấn.
13 Tháng Hai 202411:57 CH(Xem: 1405)
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.