- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tưởng niệm 50 NĂM NHÀ VĂN ALBERT CAMUS QUA ĐỜI...

17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 79760)


camus-content
 Albert Camus (1913-1960)


Tưởng niệm
50 NĂM NHÀ VĂN ALBERT CAMUS QUA ĐỜI


Ngày 4 tháng giêng 1960, chiếc xe hiệu Facel Vega chạy trên quốc lộ 6 (nay đổi thành quốc lộ 5) băng ngang làng Villeblevin, tỉnh Yonne, cách Paris chừng 100 kí lô mét, bỗng vụt hút vô gốc ngô đồng trồng ở vệ đường. Vào đúng 16 giờ chiều. Xe do người bạn tâm đắc, đứng đầu nhà xuất bản ấn hành tác phẩm của ông là Marcel Gallimard cầm lái, còn Albert Camus thì ngồi bên cạnh. Họ rời làng Lourmarin, miền nam nước Pháp, khởi hành từ sáng sớm trở về thủ đô sau mấy ngày nghỉ lễ tân niên cùng gia đình nhà văn. Không một ai sống sót.
Một cái chết tức tưởi, phi lí như thân phận con người trên cõi đời, như Albert Camus đã nhận xét trước kia. Ở tuổi 46, hai năm sau ngày lãnh giải Nobel. Trong túi xách của ông có đựng bản thảo cuốn tự sự hư cấu còn dang dở Le Premier Homme (Người đầu tiên), kí ức tặng mẹ, “người sẽ không đọc được nó’’.
Cây ngô đồng (không hiểu sao) nay không còn nữa, chỉ có đài tưởng niệm dựng ở ven làng. (1)

Trên đường sự nghiệp
1913. Albert Camus sanh ngày 7 tháng 11 năm 1913 ở làng Mondovi, miền Constantine, thời Algérie là một tỉnh nước Pháp. Con thứ của Lucien Camus, thợ ủ rượu, và Cathérine Sintès, mù chữ, ở đợ kiếm ăn. 1914. Nhập ngũ, cha ông tử nạn trong trận chiến sông Marne chống Đức ở miền đông nước Pháp, sau khi gia đình dời nhà cư ngụ trong xóm Belcourt ở Alger. 1918. Học trường phổ thông xã. 1923. Nhờ có thày giáo Louis Germain nâng đỡ, được cấp học bổng vô trường trung học Bugeaud. 1930. Đậu tú tài phần I. Phát khởi bịnh lao. 1931. Sang ở nhà người cậu làm nghề bán thịt, nhưng có một tủ sách. Đọc ngốn nghiến cả tủ sách. 1932. Theo học lớp triết, rồi lớp văn cao đẳng, giáo sư giảng dạy là Jean Grenier (1898-1971). Qua nhà văn triết gia này, hấp thụ triết thuyết Friedrich Nietzsche (1944-1900), bút pháp André Gide (1869-1951), Henry de Montherlant (1895-1972) và André Malraux (1901-1976). 1934. Lấy vợ. Công chức phòng cấp giấy phép lái xe. Được miễn quân dịch vì bịnh lao.
1935. Khởi sự ghi chép nhựt kí gọi là Carnets. Đậu cử nhơn triết. Tham gia phong trào chống phát xít. Vào đảng cộng sản Pháp, coi việc chiêu mộ người đạo hồi. Khởi tác tập tùy bút L’Envers et l’Endroit (Bề trái và bề mặt). (2) Lập Théâtre du Travail (Nhà hát Lao động), viết chung vở Révolte dans les Asturies (Nổi loạn ở miền Asturies), vở kịch bị cấm. Trình luận văn Cao học Métaphysique chrétienne et néoplatonisme. Plotin et Saint-Augustin (Siêu hình cơ đốc giáo và thuyết Plotinus cách tân. Plotinus và Thánh Augustinus). Viễn du Đông Âu, Đức, Tiệp, Ý. Li dị. Trở về, làm kép lưu diễn trong gánh hát của Đài phát thanh Alger. 1937. Bị cản không cho thi tuyển bằng Thạc sĩ triết học vì mắc bịnh lao. (3) Xuất bản cuốn Bề trái và bề mặt. Rời đảng. Làm việc cho Học viện khí hậu. 1938. Được nhà báo Pascal Pia (1903-1979) mời làm phóng viên cho tờ Alger républicain (Alger cộng hòa). Khởi thảo vở Caligula (Hoàng đế Caligula). 1939. Xuất bản tập tùy bút Noces (Giao cảm). (4) Khởi tác cuốn L’Étranger (Kẻ xa lạ). Các phóng sự điều tra về miền Kabylie gây nhiểu phản ứng của chánh quyền. Tờ Alger cộng hòa tục bản dướí tên Soir républicain (Cộng hòa buổi chiều), nhưng liền bị đóng cửa.
1940. Tái hôn. Rời Alger sang Paris xung vào đội ngũ phóng viên Paris Soir (Paris buổi chiều). Theo tòa báo dời xuống zône libre (miền nam tự do - miền bắc bị Đức chiếm cứ). Hoàn tất bản sơ thảo Kẻ xa lạ. Khởi tác luận thuyết Le Mythe de Sisyphe (Huyền thoại Dã tràng). 1941. Hoàn tất Huyền thoại Dã tràng. Sang Algérie giảng dạy cấp thời trong một tư thục ở Oran. 1942. Quay về Pháp, trị bịnh. Nxb Gallimard phát hành truyện kể Kẻ xa lạ và luận thuyết Huyền thoại Dã tràng. 1943. Biên tập cho Nxb Gallimard. Gặp Jean-Paul Sartre (1905-1980). Gia nhập phong trào kháng chiến Combat (Chiến đấu). Lưu hành bí mật tập Lettres à un ami allemand (Thư cho một người bạn Đức). 1944. Trình diễn vở Le Malentendu (Ngộ nhận). Tổng biên tập tờ Chiến đấu ra mắt công khai ngày 21 tháng 08/1944 ở thủ đô Paris vừa được giải phóng.
1945. Tài tử Gérard Philippe thủ vai chánh trong vở Hoàng đế Caligula. Con sanh đôi đầu lòng Jean và Cathérine. Chủ trì tủ sách Espoir (Hi vọng) của Nxb Gallimard. 1946. Viễn du Áo, Hoa kì, Canađa. 1947. Thôi biên tập tờ Chiến đấu. Xuất bản truyện La Peste (Dịch hạch) đoạt giải des Critiques (của giới Phê bình). 1948. Trình diễn vở L’État de siège (Giới nghiêm), thất bại. 1949. Phản đối chánh phủ Hi lạp tuyên án tử hình cán bộ cộng sản. Viễn du Nam Mĩ, Vương quốc Anh. 1950. Khởi tác luận thuyết L’Homme révolté (Con người phản kháng), xuất bản tập Actuelles I (Thời đàm I). 1951. Xuất bản Con người phản kháng. 1952. Bút chiến với tạp chí Les Temps modernes (Thời mới), đối chọi với Jean-Paul Sartre. 1953. Đạo diễn nhiều vở kịch. Xuất bản tập Actuelles II (Thời đàm II). 1954. Xuất bản tùy bút Été (Mùa hé). Diễn thuyết ở Hòa lan và Ý. 1955. Viễn du Hi lạp. Cộng tác với tuần báo L’Express (Tin nhanh). Đạo diễn vở Un cas intéressant (Một ca đặc biệt) của Dino Buzzati (1906-1972). 1956. Kêu gọi ngưng chiến ở Algérie. Xuất bản truyện La Chute (Sa đọa). (5) Đạo diễn vở Requiem pour une nonne (Cầu siêu cho một nữ tu), tác phẩm chuyển thể của William Faulkner (1897-1962). 1957. Xuất bản tập truyện L’Exil et le Royaume (Lưu đày và Quê nhà). Giải Nobel. Đọc diễn văn nhận giải và tham luận L’Artiste et son temps (Nghệ sĩ giữa thời đại) (6) ở Thụy điển. 1958. Xuất bản tập thời đàm Chroniques algériennes (Nói vể thảm kịch ở Algérie) và Actuelles III (Thời đàm III). 1959. Trình diễn vở Les Possédés (Bùa mê), tác phẩm chuyển thế của Fiodor Doxteïevxki (1821-1881). Khởi tác tự sự hư cấu Người đầu tiên. 1960. Tử nạn ngày 4 tháng giêng.
Tác phẩm xuất bản sau khi qua đời. Carnets (Ghi chép - 1962-1964), La Mort heureuse (Từ trần tâm thần thanh thản – 1971), Écrits de jeunesse (Viết thời còn trẻ - 1973), Journaux de voyage (Kí viễn du – 1974), Carnets III (Ghi chép III -1989), Le Premier Homme (Người đầu tiên – 1994). Hội nghiên cứu Albert Camus (Société des études camusiennes) được thành lập năm 1982.

Chứng nhơn thời đại
Nhìn chung cuộc đời ngắn ngủi và văn nghiệp bị ngăn chặn giữa chừng (một dĩa hát sứt mẻ, nói như Jean-Paul Sartre trong bài ai điếu) (7) và qua nội dung tiềm ẩn trong tùy bút, truyện kể, kịch sáng tác hay chuyển thể, phóng sự xã hội, thời đàm chánh trị, tiểu luận và luận thuyết triết lí của ông, chúng ta khó có thể nhận thấy ở Albert Camus hình tượng một triết gia, đúng theo nghĩa đặt định. Những ý tưởng, suy luận bàng bạc trong tác phẩm, kể cả trong hai tập luận thuyết Huyền thoại Dã tràng (« Phi lí nằm ở chỗ đụng độ giữa cái vô lí và sở nguyện của con người muốn làm rõ mọi sự. ») và Con người phản kháng (« Tôi phản kháng, tức thị là tôi có đó. »), và trong cuộc đời hoạt động của ông xem ra thiếu thứ cốt lõi tự tại làm nền cho một học thuyết triết lí như của các triết gia lỗi lạc từ cổ chí kim. Về mặt này, ông không thể đứng ngang hàng với người bạn và địch thủ của mình là triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre. (8)
Thật vậy, từ bao năm qua kẻ viết bài này đã miệt mài tìm hiểu toàn bộ sự nghiệp của ông hòng vạch ra, phác họa một biểu đồ tóm tắt quá trình biện chứng dẫn tới một nền tư tưởng, hay nói cách khác, dẫn tới một học thuyết, một chủ nghĩa, một ism(e) nào. Nhưng hoàn toàn thất bại, hoài công soi tìm một điều không có, không thể có ở một nhà văn như Albert Camus. Bởi ông vốn không phải là triết gia, suy luận của ông không xuất phát từ một nguồn triết lí độc đáo như suy luận, nói thí dụ, của một Jean-Paul Sartre. Suy tưởng của ông xét ra chẳng lấy gì làm sâu sắc, kết luận ông rút ra từ suy tưởng của mình cũng chẳng lấy gì làm độc đáo. Nói vậy không phải nói rằng những suy tưởng này chẳng hàm chứa chút khía cạnh nào độc đạo (với dấu nặng), nhưng nó chỉ là của một con người trung thực đầu thế trên đường đời. Đối chọi với suy tưởng của một triết gia luận về cuộc đời và dấn thân vào hoạt động chánh trị và xã hội như Jean-Paul Sartre. Thế nên chúng ta không lấy làm ngạc nhiên biết rằng ông đã bị nhóm triết gia cầm trịch tạp chí Thời mới đồng lượt chĩa thẳng mũi dùi, vạch ra những chỗ hời hợt, sai sót và nhược điểm rải rác trong cuốn Con người phản kháng, gây nên bất hòa giữa ông và Jean-Paul Sartre. (9)
Sẽ là một lầm lẫn nghiêm trọng nếu chúng ta chỉ nhìn thấy ở Albert Camus một triết gia đích thực. Bị lôi cuốn bởi một thứ văn phong tuyệt diệu (đã) nâng ông từ hạng một nhà lí luận tầm thường (sánh với triết gia tầm cỡ Jean-Paul Sartre) lên hàng một nhà văn sáng chói trên văn đàn Pháp và thế giới (ngang hàng với nhà văn triết gia vừa kể). Bút pháp của ông bao giờ cũng uyển chuyển, thích ứng với từng tác phẩm. * Khi thì vô sắc, trung lập, câu văn ngắn cụt, khô khan, lời kể đơn độc một giọng thể hiện bầu khí phi lí trong hai thiên truyện kể Kẻ xa lạ (10) và Dịch hạch. * Khi thì dịu dàng, thanh thoát, ngạt ngào thi tứ, nửa kín đáo nửa đắm say tràn ngập trong các tập tùy bút Bề trái và bề mặt, Giao cảm và Mùa hè. * Khi thì chua chát, đắng cay, mỉa mai, châm biếm biến đổi từng lúc theo tâm trạng của nhơn vật Clamence không ngừng độc thoại nội tâm trong truyện Sa đọa và tập truyện Lưu đày và Quê nhà. * Khi thì dữ dội, âm ỉ, ăn khớp với nhơn vật trong kịch bản…
Một nhà văn lớn, chứng nhơn một thời đại vô cùng xáo trộn, cho tới nay vẫn đứng hàng đầu cùng với Jean-Paul Sartre trên văn đàn Pháp. Chưa có nhà văn nào sánh kịp. (11)

Vinh dự
Lễ tưởng niệm 50 năm Albert Camus qua đời sẽ được cử hành vào đầu năm 2010. Có dự án chuyển di hài nhà văn cùng một ngày vô điện Panthéon, là nơi dành để chôn cất “Các bậc vĩ nhơn được Tổ quốc ghi ơn’’ - nguyên tác Aux grands hommes la Patrie reconnaissante khắc rõ ở phần trên cửa ra vào. Dự án đang được nhà nước, thức giả và gia quyến bàn luận, tranh cãi, đắn đo. (12) Bởi đây là một vinh dự rất hiếm dành cho văn nghệ sĩ, đa số các bậc vĩ nhơn đưa vào Đền đều thuộc giới quân sự, chánh trị và khoa học.

(Paris, 16/12/2009)

(1)Sáu năm trước, chúng tôi có ghé qua tòa thị chánh làng Villeblevin hỏi chuyện, nhưng không được giải đáp. Ảnh chụp còn giữ trong tay nhà văn Nguyễn Đình Chính.
(2) Albert Camus, Bề trái và bề mặt (Nxb Giao Điểm, 1967 - Trần Thiện-Đạo phiên dịch, giới thiệu và chú giải); Albert Camus, Tiểu luận: Giao cảm - Bề trái và bề mặt (Nxb Văn hóa Thông tin - 2004).
(3)Agrégation (thạc sĩ) là bằng cấp cho phép đương sự giảng dạy đại học. Khác hẳn bằng trùng tên ở Việt nam hiện nay, trình độ thấp kém hơn nhiều.
(4) Albert Camus, Giao cảm (Nxb Giao Điểm, 1964 - Trần Thiện-Đạo phiên dịch, giới thiệu và chú giải); Albert Camus, Tiểu luận: Giao cảm - Bề trái và bề mặt (Nxb Văn hóa Thông tin – 2004).
(5) Albert Camus, Sa đọa (Nxb Giao Điểm – 1972 - Trần Thiện-Đạo phiên dịch, giới thiệu và chú giải); Albert Camus, Sa đọa (Nxb Hội Nhà văn – 1995).
(6) Albert Camus, Sứ mệnh văn nghệ hiện đại (Trần Phong-Giao dịch - Nxb Giao Điểm - 1963).
(7)Trần Thiện-Đạo, Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc (Nxb Văn học – 2001; Công ty Bách Việt liên kết với Nxb Trí thức – 2008. Phần I).
(8) Jean-Paul Sartre, Albert Camus (bản dịch của chúng tôi trên bán nguyệt san Văn, số 25, ngày 1-V-1965).
(9) Nguyễn Văn Trung, Những tình bạn dang dở (bán nguyệt san Văn, số 17, ngày 1-IX-1964).
(10)Vì vậy mà các bản dịch gần nửa thế kỉ qua, xuất bản trong nam ngoài bắc, không mấy thành công. Xem: Trần Thiện-Đạo, Nói về bản dịch “Người dưng “ (E-van, ngày 05/06/2004).
(11)Trần Thiện-Đạo, Paris văn học có gì lạ? (trong Văn nghệ - Những nụ cười giòn. Nxb Hội Nhà văn – 2004, tr. 9-14); Albert Camus vẫn đứng hàng đầu (Văn nghệ, số 21, ngày 28-5-2007).
(12)Trần Thiện-Đạo, Tưởng niệm – Nhà văn vào đền (… chưa biết đăng trên báo nào, xem bài đính kèm).
 
 
Văn hóa xã hội
TRANH CÃI GIỮA NHÀ VĂN MARIE NDIAYE VÀ ĐẠI BIỂU ERIC RAOULT


TỰ DO PHÁT BIỂU VÀ BỔN PHẬN GIỮ Ý

Thật ra vụ việc chỉ nổi lên làm rùm, chấn động giới văn nghệ sĩ và chánh khách Pháp, khoảng chừng một tuần lễ vào giữa tháng 11/2009 vừa rồi. Dầu đã được thai nghén hơn hai tháng rưỡi trước đó, nhưng hầu như phải chờ dịp thuận tiện và thuận lợi để bùng nổ. Xin sơ lược liệt kê dưới đây các diễn biến liên quan đã lần lượt xảy ra, để bạn đọc theo dõi sự cố được dễ dàng và có một cái nhìn tổng quát.
•Cội nguồn. Trên tạp chí Les Inrockuptibles (tên tuần báo này chơi chữ theo kiểu bút tre, trộn lộn hai từ Rock và Incorruptible với nhau, có nghĩa là không hao mòn, không hoen rỉ, kiên cố như bàn thạch) ra ngày 18-24 tháng 08/2009, trả lời câu hỏi vì sao bà nay lại bỏ nước Pháp sang sống bên Đức, nhà văn nữ Marie NDiaye không do dự, không quanh co: « Vì nước Pháp hiện giờ thật là kinh khủng (nguyên tác: monstrueuse). Việc chúng tôi chọn thủ đô Berlin làm nơi cư trú từ hai năm nay không xa lạ gì với nhận xét đó. Chúng tôi rời nước Pháp ngay sau cuộc bầu cử, phần lớn là vì ông Sarkozy (Tổng thống Nicolas Sarkozy đắc cử đầuu tháng Năm 2007) (...) Tôi cảm thấy bầu khí ở Pháp trở nên bức bách và thô lậu (nguyên tác: atmosphère de flicage et de vulgarité), hết sức khó thở…Loại Besson (Éric, bộ trưởng Di dân và Bản sắc dân tộc), Hortefeux (Brice, bộ trưởng Nội vụ), mấy con người đó kinh khủng hết chỗ nói (...) Dưới mắt tôi, bọn họ tiêu biểu cho một dạng thái của cái chết, của sự đần độn tri thức, của động tác phủ nhận bất kì khác biệt nào dầu nhỏ nhặt tới đâu. »
•Giải Goncourt 2009. Ngày 2 tháng 11/2009, Viện Hàn lâm Goncort tặng giải thưởng hằng năm cho Marie NDiaye, tác giả cuốn truyện Trois femmes puissantes (Ba thục nữ giàu nghị lực – Nxb Gallimard). (1)
•Phản ứng. Một tuần sau, nghĩa là gần ba tháng sau ngày bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Les Inrockuptibles, đại biểu Eric Raoult thuộc đảng cầm quyền UMP (Phong trào quần chúng hợp nhứt) gởi một văn thư đề ngày 10 tháng 11/2009, chất vấn bộ trưởng Frédéric Mitterrand: « Đại biểu Éric Raoult yêu cầu Ngài bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông để tâm tới bổn phận giữ ý mà nhà văn trúng giải Goncourt phải tuân thủ. Thật vậy, giải này là giải văn chương uy tín nhứt, được nhiều tác giả và độc giả hâm mộ văn học Pháp chẳng những ở trong nước mà còn ở mọi nơi khác chú trọng. Trên cơ sở đó, thông điệp mà nhà văn trúng giải tán phát đương nhiên phải tôn trọng tình tự quốc gia và hình ảnh của đất nước. Mấy ý kiến mà nhà văn Marie NDiaye, trúng giải Goncourt vừa rồi, đăng tải trên báo cho rằng “nước Pháp dưới quyền Tổng thống Nicolas Sarkozy thật là kinh khủng’’ và “ Bọn Besson, Hortefeux thảy đều kinh khủng hết chỗ nói’’ là những lời lẽ không thể chấp nhận được. Loại ngôn từ cực cùng thô bạo đó quả thật vô lễ để khỏi bảo là hỗn xược đối với các bộ trưởng và còn tệ hơn nữa đối với nguyên thủ quốc gia. (...) Vì vậy tôi thấy cần phải nhắc các nhà văn trúng giải nhớ tới cái bổn phận phải biết giữ gìn ý tứ để làm gương và để tỏ ra mình là con người có trách nhiệm. Và khẩn thiết yêu cầu Ngài bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về hồ sơ này và định giải quyết vụ việc như thế nào. »
•Bình luận. Ngay liền sau đó, kể từ ngày 11 tháng 11/2009, nổi lên một cuộc bình luận sôi nổi trong giới văn nghệ sĩ và chánh khách. Hội đồng chủ tịch viện Hàn lâm Goncourt, qua lời phát ngôn của nhà văn Françoise Chandernagor, nhấn mạnh chỗ cái gọi là devoir de réserve, bổn phận giữ ý giữ tứ, chỉ là một qui tắc nội bộ ràng buộc giới công chức mà thôi: « Nhà văn đâu phải là công chức, ngân quĩ của viện Hàn lâm Goncourt đâu phải do nhà nước ứng cho. » Nhà văn Patrick Rambaud, giải Goncourt 1997, thì mỉa mai: « Cảm ơn Ngài đại biểu Éric Raoult đã tặng nhà văn chúng ta một món quà vừa hoành tráng vừa nhố nhăng: bổn phận giữ ý giữ tứ. » Còn về phía chánh khách, các lãnh tụ đảng Xã hội (Ségolène Royal, Martine Aubry…) và đảng Cộng sản (Robert Hue, Marie-Georges Buffet…) đều lên tiếng đòi phải tôn trọng quyền tự do phát biểu là một nguyên lí bất khả xâm phạm. Riêng ông Daniel Cohn-Bendit, thuộc đảng Xanh, thì đả kích kịch liệt cái ông gọi là la République des fayots (Cộng hòa của mấy thằng bợ đít): « Nó chứng tỏ rằng trong đảng cầm quyền và trong chánh phủ không thiếu những kẻ liếm giày! Trong vụ này, nó còn chứng tỏ rằng Éric Raoult là một kẻ liếm giày ông Sarkozy. » Và ông Dominique Paillé phát ngôn viên phụ tá của đảng cầm quyền UMP cũng tuyên bố rằng mình chống “mọi hình thức kiểm duyệt’’ và kêu gọi mọi người nên “chừng mực hơn’’trong lời ăn tiếng nói…
•Hạ màn. Còn ông bộ trưởng Văn hóa Frédéric Mitterrand, qua cuộc trò chuyện với phóng viên báo Libération (Giải phóng) đăng ngày 13 tháng 11/2009, thì, vì nhiều lí do riêng tư (ông) không tiện nói ra, một mực bắt cá hai tay. Ngụy biện: « Với tư cách là bộ trưởng Văn hóa, tôi không muốn xía vô cuộc tranh luận nhỏ nhen này, cho rằng nó chẳng có gì là quan trọng (nguyên tác: anecdotique) và, đằng khác, lại còn lố bịch nữa. (…) Với tư cách vừa là nhà văn vừa là công dân, bà Marie NDiaye có quyền viết gì thì viết, nói gì thì nói. Còn ông Éric Raoult, với tư cách vừa là công dân vừa là đại biểu quốc hội, thì cũng rứa, thế thôi. Nếu cứ nghĩ rằng ông ta phát biểu đúng y quan điểm của giới cầm quyền, của nhà nước, thậm chí của Tổng thống thì thật là vô lí hết cỡ. » Nghe cũng lạ, bộ trưởng Văn hóa mà xem thường một cuộc tranh cãi đang ầm (với dấu huyền) ĩ trong môi trường văn hóa. Hạ màn, nhưng tiếng vang vẫn còn âm (không có dấu huyền) ỉ. Cho đến bao giờ? 

Dư luận
Ngoài các lời bình luận đến từ giới văn nghệ sĩ và chánh khách lược trình trên đây, khác hẳn thái độ tránh né của Ngài bộ trưởng, còn có vô số phản hồi chưa nguôi trong dư luận. Chứng tỏ rằng quần chúng có học, trong một nước dân chủ, không hề im hơi lặng tiếng, ơ hờ trước mọi vấn đề cốt lõi: ở đây là tự do phát biểu, một trong các nguyên lí sơ đẳng dựng nên bất kì nền dân chủ chơn chánh nào.
Chẳng hạn, ông Alain Coulon, Paris: « Bắt nhà văn trúng giải nào cũng phải câm miệng, không được lên tiếng chỉ trích gay gắt nhà cầm quyền ư? Bắt họ phải thề mình sẽ giữ ý giữ tứ, không nặng lời với nhà chức trách khi trúng giải ư? Bắt họ biến thành kẻ theo đuôi, luôn luôn phải bợ đỡ, ủng hộ chánh quyền ư? » Hay bà Cathérine Chouchan, Marseille: « Thế mới biết tự do chẳng phải từ trên trời rớt xuống, cho không. Xét cho cùng, thì ông Éric Raoult quả làm lợi cho nền dân chủ. Bởi vì, bắt người nghệ sĩ phải biết giữ ý giữ tứ khác gì là phủ nhận chức năng tự tại của nghệ thuật vốn lúc nào cũng ở trong tình trạng khuynh đảo trật tự xã hội (nguyên tác: subversif), và thậm chí còn nhấn tay vào những chỗ đau điếng nhứt. Bắt người ta giữ ý giữ tứ, rồi tiếp theo là kiểm duyệt, dẫn tới một nền nghệ thuật phải đạo mà chúng ta không phải mất công cũng tìm thấy nhiều thí dụ điển hình. »
Xin mượn hai phản hồi lượm lặt trên báo chí trích dẫn trên đây để kết thúc bài này. (2)

(1)Xem: Marie NDiaye – Ba thục nữ giàu nghị lực của chúng tôi (Hợp lưu trên mạng ngày 5/11/2009).
(2)Phụ lục chẳng dính dáng tới nội dung. Đề tài này đã được ông Đỗ Kh. nhắc tới trong bài Bổn phận kinh dị của nhà văn Pháp đoạt giải (Talawas, trên mạng ngày 27/11/2009. Chánh xác, cô đọng, độ chừng một hai trang. Ngặt một điều là trên mấy dòng ngắn ngủi như vậy mà tác giả lại vô tình mắc phải một số sai sót khó bề chấp nhận. Xin kể:
-tên hai nhơn vật chánh yếu là nhà văn nữ Marie NDiaye ông viết thành Marie Ndiaye (d, thay vì D) và bộ trưởng Frédéric Mitterrand ông viết thành Mitterand (thiếu một chữ r),
-tên tạp chí là Les Inrockuptibles ông viết thành Inrockuptible (bỏ mất quán từ số nhiều Les và chữ s),
-khái niệm bổn phận giữ ý giữ tứ, Pháp gọi là devoir de réserve thì ông chữa thành droit de réserve (droit có nghĩa là quyền, trái với devoir mới là bổn phận hay phận sự - chắc ông chép lại của nhà báo Pháp nào đã phạm lỗi này),
-ông xét thấy đại biểu Éric Raoult “có lẽ sót ruột’’ (sót ruột, thay vì xót ruột mới có nghĩa là đau đớn trong lòng như chúng tôi đoán chừng là điều ông muốn nhấn mạnh, còn sót ruột thì chúng tôi đành chịu, không hiểu nổi sót ruột hay thiếu thốn ruột rà nghĩa là gì trong mạch văn).
Được biết ông Đỗ Kh. là một con người năng nổ, học nhiều biết rộng, đi Tây đi Tàu đi Mĩ đi Nhựt đi Libăng đi Hồng Kông … khắp mọi ngõ ngách trên quả địa cầu. Bài viết của ông đăng tải trên báo giấy báo mạng, cũng như đề tài bàn luận, không sao kể xiết. Chắc vì quá ư ôm đồm mà ông thường hay sơ suất. Trên đây chỉ là một thí dụ: vạch ra sai sót không nhứt thiết làm việc bới lông tìm vết, bới bèo ra bọ hay không ưa thì dưa có dòi. Vậy xin được miễn chấp. Đa tạ.

Văn hóa xã hội
Ă N H I Ế P C H Ồ N G

Bài này được viết liền sau khi tác giả tham dự hội thảo về Bạo lực trong quan hệ vợ chồng (chủ đề nguyên tác là : Les violences conjugales) tổ chức hạ tuần tháng 11/2009 vừa rồi ở thành phố Lyon, miền Trung nước Pháp. Các tham luận đều nhấn mạnh chỗ, cho tới nay, chúng ta cứ lầm tưởng rằng nam giới bao giờ cũng là thủ phạm, nữ giới chỉ là nạn nhơn trong những cuộc xô xát nội bộ. Nhưng thực tế không phải như vậy, đà có ít nhiều công trình nghiên cứu và điều tra ở Pháp (và ở vài nước khác) cho thấy phái yếu đôi phen cũng không kém dữ dằn, hung bạo chẳng thua gì cánh đàn ông. Khác nhau ở cách thức mà thôi. Dưới đây tác giả sơ lược nhắc tới hai tập sách dẫn chứng điều đó. 

Từ thuở não thuở nào xã hội phụ quyền cộng với đạo Khổng đã được biểu lộ và biểu dương qua hai câu ca dao mà mọi người Việt nam chúng ta đều thuộc nằm lòng :
Dạy con từ thuở còn thơ,
Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.
Cũng may là ngày nay, sống trong bầu khí đổi mới, cởi mở, nam nữ bình quyền, thoảng hoặc mới còn rơi rớt vài ba mống trượng phu gia trưởng, dạy vợ kiểu Vũ Trọng Phụng miêu tả trong cuốn Giông tố, xuất bản năm 1936 :« Bà cai Hách không dám hé răng nửa lời, vì cai Hách là kẻ phàm phu, chỉ biết có thượng cẳng chân hạ cẳng tay.» Ấy là ở bên ta thời trước, nhưng loại cảnh tình vừa nhắc tới kia chưa chắc đã hoàn toàn thuộc về dĩ vãng.

Nịnh đầm
Ở Pháp hiện nay, nói nào ngay, chẳng phải là không hề có những vụ chồng thượng cẳng chơn hạ cẳng tay hành hung vợ mình. Nhưng đó là những trường hợp hiếm thấy, họa chăng là trong những gia đình tạm bợ, chồng vô học mà vợ cũng không hơn. Ông chồng vũ phu bao giờ cũng bị hàng xóm mắng nhiếc khinh miệt và không khỏi bị nhà nước lôi ra tòa trừng phạt đích đáng, khiến cho chàng ta sởn ngược tóc gáy mà phải tởn tới già, ít, hay hết còn ngo ngoe tái phạm.
Là bởi thêm vào chỗ có tiếng là nịnh đầm số dách, nước Pháp còn biết bảo vệ phái yếu trong đời sống hằng ngày mộ­t cách hữu hiệu. Xã hội vốn cho rằng người đàn ông mà đang tay đánh vợ nhiếc con thì đương nhiên phải là một tên vũ phu ác ôn đáng phỉ nhổ, đáng nghiêm trị. Đàn bà chỉ là nạn nhơn, dám đâu hành hạ chồng. Ngay cả các định chế nhà nước cũng đinh ninh như vậy, chẳng một cơ cấu nào để ý tới hiện tượng coi là không thể có này.
Phải đợi tới gần đây, nhận thấy nhà nước như mù quáng trước một hiện tượng xã hội dầu gì cũng có đó trái hẳn các định kiến cố hữu, mới có hai nhà khảo cứu nữ quan tâm đến đề tài này. Họ vừa cho ra mắt công trình điều tra của mình trong hai tập sách chứa đựng nhiều điều đáng suy ngẫm, đi ngược dư luận cố hữu. Một, của bác sĩ tâm thần Marie-France Hirigoyen, Femmes sous emprise (Phụ nữ bị dồn nén – Nxb Oh éditions) ; và một, của nhà nghiên cứu khoa học xã hội Sophie Torrent, L’Homme battu: un tabou au coeur du tabou (Đàn ông bị hành hạ: một kiêng kị nằm giữa lòng kiêng kị – Nxb Options Santé).

 Biểu hiện
 Hai tập điều tra nói trên đồng lượt giải bày một thực tế bị coi thường từ xưa tới nay, qua nhiều chứng từ và cảnh tình chính hai tác giả đã tai nghe mắt thấy. Họ, hơn nữa, không chỉ làm công việc nhà báo là đơn thuần ghi chép tỉ mỉ, mà còn, và đây mới thật sự là đóng góp của họ, đem đến cho người đọc chiếc chìa khóa mở rộng cánh cửa rọi thẳng vào tâm lí thầm kín khiến người vợ ra tay hà hiếp chồng mình.
 Cũng như trong mọi cặp vợ chồng khác (có giá thú hay ăn ở với nhau như vợ chồng), căn nguyên khởi đầu dẫn người vợ tới chỗ đàn hặc người chồng là cái tâm ý xâm lấn trọn vẹn lãnh địa của y, xúc phạm nhơn phẩm của y bằng mọi thứ hành vi gây sự, càu nhàu không ngừng nghỉ. Mục đích là vây hãm và kiểm tra y từ sáng tới chiều. Không bỏ lỡ một dịp nào để hạ thấp y trước mặt mọi người, ngay cả ở những nơi y nai lưng kiếm cơm hằng bữa để nuôi vợ nuôi con. Vậy mà thị cũng chẳng buông tha, khôn thôi chì chiết, nhiếc mắng rỉ rả suốt ngày đêm, trong lúc ông chồng thì không ngừng bị áp đảo, nên cứ câm miệng hến, nửa lời cũng không dám hó hé.
Thị hà hiếp chồng như vậy chủ yếu là qua cửa miệng, thương tích gây nên còn nặng hơn là bằng tay chơn. Hãy nghe thị kể tội y mà coi. Nào là y bất lực không hoàn thành nhiệm vụ làm chồng. Nào là y bỏ bê con cái không quan tâm tới chúng. Nào là y cờ bạc rượu chè không nuôi nổi vợ con. Nào là... ôi thôi đủ thứ thói hư tật xấu, thói nào tật nào cũng tày đình, không thể dung thứ. Họa hoằn lắm mới dùng tới tay chơn, nhưng thường là qua trung gian một số đồ vật bất chợt nằm trong tầm tay, lọ mực, bình hoa, bàn ghế, chén dĩa...

Cảnh tình
 Những biểu hiện sơ lược nhắc qua trên đây chỉ đợi có thời cơ thuận lợi là vụt phát sanh ngay liền. Hai tác giả tập hợp nhiều trường hợp cho thấy người vợ chụp lấy thời cơ đó như thế nào. Dưới đây xin kể vài ba thí dụ điển hình. Chẳng hạn như
•Ông chồng Charles... Hôm hắn tạt qua nhà thương băng bó, quần áo hắn rách bươm, mặt mũi trầy trụa, máu khô đầy vết. Hắn vừa bị bà vợ là Sylviane xấu xé, vần cho một trận, lấy cớ là trước kia hắn đã tằng tịu với một cô nường trong thời gian đi công tác xa. Thấy mình có lỗi, nên hắn cứ mặc nhiên chịu trận, cứ để cho vợ hành hung, dày xéo mình. Rồi kể từ hôm đó, được thể, bà vợ ngày càng tỏ ra thô bạo hơn.
•Anh chàng Vincent... Mới vừa li dị, hắn đà cặp kè với cô bồ Patricia. Chẳng mấy lúc sau, cô nàng bất thần to tiếng trách hắn phí phạm của cải, mỗi tháng cung phụng cho bà vợ cũ tiền nuôi quá lớn. Khiến họ luôn hồi dằn vặt cãi vã với nhau, rồi cứ thế mà chuyện nọ xọ chuyện kia, cho tới một hôm đuối lí cô nàng vớ lấy chiếc đèn trên bàn phang vô đầu hắn. Dầu vậy, hắn vẫn không dám từ bỏ, sợ bị thị trả thù, làm tình làm tội con cái.
•Ông chồng Thierry... Họ lấy nhau cũng đã mười năm rồi. Thời kì mặn nồng chấm dứt mau lẹ, vợ hắn là Sonia bắt đầu lạnh nhạt với chồng. Trong nhà, ngoài phố, thị không những tránh ăn cùng mâm hay có cử chỉ gần gũi với hắn, mà còn khôn thôi cau có, quạu quọ, liên tục nổi trận lôi đình. Không chịu li dị, bởi không có công ăn việc làm. Lại nữa, đà đến độ tứ tuần, nên muốn có một mụn con, cần phải giữ cái máy sẵn sàng cung cấp tinh trùng cho mình.

Đặc tánh
Ba cảnh tình khác nhau, nhưng cùng chung một mẫu số là ăn hiếp chồng. Ăn hiếp không bằng cách thượng cẳng chơn hạ cẳng tay như thói thường trong cánh đàn ông, mà bằng cách đay nghiến tinh thần, chà đạp phẩm giá qua lỗ miệng, qua lời lẽ và cử chỉ day dứt nhục mạ – đối đế lắm mới dùng đến tay chơn.
Xét cho cùng, cách ăn hiếp chồng kiểu này chắc gì hậu quả đã thua kém cách dạy vợ ngày xưa của cánh mày râu.

(Lyon, 25/11/2009)
 

Phiếm luận
B ÀN V Ề C H U Y Ệ N N ÓI B Ậ Y


Hãy bộc trực ngay liền.
Nói bậy đã là một việc bậy, vậy thì bàn về chuyện nói bậy không những là nói bậy, mà còn là một việc xàm bậy vô cùng, bậy hơn cả việc nói bậy. Vậy thì xin chư vị độc giả sẵn lòng lượng thứ đón trước, chúng tôi mới dám lên lời bàn tán tới chuyện nói bậy dưới đây.

Đái bậy iả bậy không như nói bậy
Hồi còn con nít mũi dãi thò lò, ngoài chỗ đái bậy, iả bậy, tôi cũng thường hay nói bậy, khôn thôi bí bô bí bò. Thấy đống cứt chình ình trước cửa, thấy bãi nước tiểu linh láng sau hè, thì cứ in như là má tôi tức khắc la rầy, hăm dọa :
- Đứa nào iả bậy đó, bây, tao oánh chết bây giờ.
Hoặc giả :
- Đứa nào đái bậy đó, bây, tao oánh chết bây giờ.
Thế mà ngược lại, khi nghe tôi nói xàm nói bậy, đít vịt đầu gà, tầm ruồng bá láp, thì má như cứ tỉnh bơ, chẳng quở trách, chẳng nạt nộ, chẳng la rầy. Mà còn tỏ vẻ trìu mến lạ lùng, con mắt lung linh, trái tim rung động, dè chừng cho việc nói bậy nói bạ như vậy là biểu hiệu bản năng của con trẻ ngây thơ, vô tội. Đôi khi còn thấy tức cười, khoái chí nữa là.
Thấy vậy, tôi càng cố công nói bậy để càng được má cưng nựng vỗ về.

Chó mèo không biết nói bậy
Rồi hồi mới gần đây, về Hà nội thăm thân trong dịp Tết, tôi ở đậu nhà Nguyễn Đình-Chính, miệt Quảng bá, Nghi tàm. Một vợ, hai con.Và cả một bầy chó và lũ mèo quẩn chơn rối rít, lớn có, nhỏ có, đếm sao cho hết, chẳng thiếu cún này thì mất miêu kia, lẫn trốn đâu đó trong xó kẹt nào.
Mỗi sáng, vừa dụi mắt thức giấc là tôi đà không khỏi chứng kiến một cảnh tượng rộn rã trong nhà, rôm rả ngoài sân. Thì ra trọn cả cái gia đình đủ mặt bốn mống này, dậy sớm từ lâu, đang ra tay lau chùi nhà cửa trước khi ngồi ăn điểm tâm. Người cầm cán xúc, cán chổi, kẻ thau nước, vòi nước đua nhau quét quét dọn dọn, kì cọ, cọ kì... Hay nói một cách chánh xác hơn, chủ yếu là liền tay hốt cứt, cứt chó, cứt mèo iả bậy đái bậy đêm qua và rửa sạch sàn nhà, sân gạch.
Công việc xét ra cũng chẳng nhọc nhằn cho lắm. Vì chưng chỉ mấy chốc sau là toàn thể ngôi nhà, bên trong ngoài ngõ, thảy đều sạch bong, trơn tru bóng nhoáng, thoáng mát thơm tho. Giờ ăn lót lòng đã điểm, mọi người đều quay quần bên tách cà phê, tô phở, li trà, chén cháo trong bầu khí vui vầy, thanh thản, nhiệm vụ hoàn thành. Không còn bồn chồn lo ngại có chuyện gì bất thần xẩy ra thêm nữa. Bầy chó, lũ mèo tuy đã iả bậy đái bậy, nhưng tuyệt nhiên, khác hẳn giống người, không có cơ năng nói bậy nói bạ, chỉ rên ư ử chờ được vuốt ve.
Và tôi hiểu tại sao Nguyễn Đình-Chính chỉ chịu nuôi chó nuôi mèo.

Giống người hơn hẳn chó mèo
Là vì giống người xem ra cao thủ hơn giống chó giống mèo. Ở chỗ nó bẩm sanh biết nói. Kinh Thánh đã chẳng khai mào trang đầu bằng câu Thoạt kì thuỷ là Tiếng nói (Nguyên văn tiếng Pháp là Au commencement était le Verbe) đó sao ?
Tiếng nói vốn dĩ là phương tiện Thượng đế dành cho con người để giống vật này giao tiếp, trao đổi í tưởng với nhau một cách mau lẹ dễ dàng. Khổ nỗi là, trong rất nhiều trường hợp, giống người lại hay dùng phương tiện thuận lợi ấy để nói xàm nói bậy. Vô tình cũng có, vì dốt nát, thiếu hiểu biết; mà hữu í cũng nhiều, vì quyền lợi riêng tư, để làm cao, để lừa gạt, để tuyên truyền, để quảng cáo, để mị dân...
Ngày nay lớn lên, đã được học hành, được xem báo đọc sách, rồi nghiền ngẫm đối chứng, viết lách, dạy học – cứ cho là trí tuệ của mình nhờ đó mà được mở mang đôi chút, suy luận chín chắn hơn, ít còn ngu ngơ như thời con nít trước kia nữa. Nên chi, một mặt, luôn luôn cố tránh nói xàm nói bậy để khỏi hổ thẹn với chính mình và, mặt khác, trước những lời lẽ xàm bậy nghe thấy đọc thấy, bao giờ cũng tự đặt cho mình một số câu hỏi phải được giải đáp, đại loại như :
 * Ai nói bậy ?
 * Nói bậy với ai ?
 * Nói bậy cách nào ?
* Tại sao nói bậy ?
 * Nói bậy để làm gì ?
*...

Nói bậy là việc để đời
 Iả bậy, đái bậy, nói bậy thảy đều là những việc xàm bậy, thúi tha vô cùng.
Có điều là, trên thực tế, giữa các việc xàm bậy đó có một ranh giới, có một sự khác biệt rõ rệt. Như sau. Dầu ị ra, tè ra ở xó xỉnh khuất kín nào, một khi đà được hốt dọn, rửa ráy thì đống cứt, bãi nước tiểu nọ tự dưng không cánh mà bay đi đâu mất hết, chẳng ngấn lại chút mùi mẽ gì (xem tác phong của gia đình họ Nguyễn, trong tiểu mục trên đây). Ngược lại, những lời lẽ xàm bậy, nhứt là của các nhơn vật cỡ bự, một khi đà thốt ra trên giấy trắng mực đen, trên làn sóng vô hình, thì cứ i như là nó đã được khắc sâu vào một thứ bia đá khôn phai chẳng tài nào gột rửa, cạo sạch được nữa, nghiễm nhiên trở thành những câu nói để đời chẳng thua gì danh ngôn của thánh hiền.
Chư vị độc giả muốn nghe lại vài câu nói để đời thuộc loại xàm bậy đó chăng ? Thì đây, xin dẫn ra ba thí dụ, của một triết gia xã hội học và kinh tế học, của một nhà thơ quan chức và của một chánh khách thời liên bang nọ chưa tan rã.
Thí dụ thứ nhứt. Triết gia thế kỉ XIX này không ngừng dong di bàn tới thời kì công xã nguyên thuỷ mà không hề viện dẫn chứng cớ khoa học nào. Cái lạ ở đây là, dầu cho tới bây giờ không một ai biết rõ công xã nguyên thuỷ là gì, các nhà khảo cứu danh tiếng của nước ta hiện nay vẫn cứ thế mà nhại theo như một giáo điều.
Thí dụ thứ hai. Vào năm 1953, khi nhà độc tài khét tiếng nọ, có bàn tay dính máu hằng triệu người bị đọa đày, qua đời, thì nhà thơ quan chức kia đã rưng rưng nước mắt, khóc ròng :«Thương cha thương mẹ thương chồng – Thương mình thương một, thương Ông thương mười – Yêu con yêu nước yêu nòi – Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu.»
Thí dụ thứ ba. Khoảng chừng bốn chục năm trước, khi khối Tây và khối Đông đấm đá nhau quyết liệt bằng chiến tranh lạnh, thì, trên diễn đàn Liên hiệp quốc, ngài tổng bí thư đương kim nguyên thủ một trong hai cường quốc bấy giờ đã dõng dạc quả quyết : « Chỉ cần mười năm nữa là Liên bang chúng tôi nhứt định sẽ vượt trội nước Mĩ, kể cả về mặt kinh tế. »
 
 Đến đây, xin khỏi lạm bàn thêm nữa. Mong rằng chư vị độc giả, nghe lại mấy lời vàng ngọc vừa nhắc tới trên, chẳng tài nào bụm miệng, cản được một nụ cười giòn.

TRẦN THIỆN-ĐẠO
(Hà nội, 20/03/2010) 
 Nguồn:
MAN ĐÀM VĂN HỌC -HỢP LƯU 109

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tư 20244:07 CH(Xem: 8468)
On the evening of December 21, 1946, the Bach Mai radio resumed its operations somewhere in the province of Ha Dong after a day of silence. One of its broadcasts was Ho Chi Minh’s appeal to the Viets for a war of resistance. He reportedly said: The gang of French colonialists is aiming to reconquer our country. The hour is grave. Let us stand up and unify ourselves, regardless of ideologies, ethnicities [or] religions. You should fight by all means at your disposal. You have to fight with your guns, your pickaxes, your shovels [or] your sticks. You have to save the independence and territorial integrity of our country. The final victory will be ours. Long live independent and indivisible Viet Nam. Long live democracy.
04 Tháng Mười Hai 20246:01 CH(Xem: 116)
Hôm nay mồng một tháng mười hai / Anh ngồi lại bên bờ sông Hàn gió / Từng dòng nước trôi mang về thương nhớ / Dòng nước ngàn năm hay dòng nước hôm qua?
03 Tháng Mười Hai 202410:04 CH(Xem: 477)
Như một chiếc khăn vuông, tháng Chạp choàng lên đầu tôi. Buổi sớm / Sương trong vườn còn buốt / Cỏ trong vườn còn xanh / Đêm qua con chim ngói đầu cành / Bỏ quên tiếng hót /
29 Tháng Mười Một 20247:45 CH(Xem: 845)
Khi sóng vào tay tôi / Biển đang đánh giấc thầm / Bữa trưa vàng dấu cát / Rồi bước chiều âm âm /
26 Tháng Mười Một 20244:38 CH(Xem: 1203)
Rồi ta lại chia tay / Nhánh sông khô đi và không về biển cả / Đêm, ôi dài sâu, lạnh lùng nỗi nhớ / Khoảng cách tưởng thật gần, nhưng / ta lại chia xa…/
23 Tháng Mười Một 20249:55 CH(Xem: 1024)
Phiêu du / gió lượn đỉnh trời / Bồng bềnh / mấy áng mây rời rã trôi / Thềm rêu quạnh quẽ / ai ngồi? Nghe chim buông vội / đôi lời trầm tư /
23 Tháng Mười Một 20249:28 CH(Xem: 1117)
Nhớ thời tóc rẽ đường ngôi thẳng / Sách vở tươi hồng cạnh bút nghiên / Nụ cười ai bỏ quên trên cỏ / Bên lối đi về mỗi sớm trưa
23 Tháng Mười Một 20249:16 CH(Xem: 734)
mắt đời xanh mấy hàng tre / mà mưa đâu lại bập bè lạnh vây / nhà em chổ đợi bữa nay / mái tranh lợp gió trắng tay có gì
23 Tháng Mười Một 20248:51 CH(Xem: 1094)
Hình như không đợi đến lúc thật già, chỉ nhá nhem cái tuổi già già thì đã thấy lẩn thẩn cái chi đâu đó trong mắt người khác rồi. Tôi buôn bán ở chợ Qui Nhơn, anh bạn hàng của tôi hôm ghé hàng lấy đồ về cho vợ bán, anh ngồi mà than vãn. - Chắc anh điên mất vì bà vợ của anh. Hễ anh nói gà thì bả nói vịt. Anh nói cái chén thì bả nói cái xe. - Hì hì chuyện thường mà anh. Do giờ anh thay đổi nên thấy vậy đó chớ hồi xưa anh lắng nghe mà nuốt từng lời chị nói đó chớ.
23 Tháng Mười Một 20248:37 CH(Xem: 756)
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp. Ai từng đi qua Tuy Hòa, nhìn lên Tháp Nhạn đứng hiên ngang trên đỉnh núi, soi mình bên dòng Đà Giang lững lờ trôi, đều ngậm ngùi cho nền văn minh một thời rất huy hoàng của nước Chiêm Thành.