Phần II
II. NHỮNG THẾ LỰC CHI PHỐI BÊN NGOÀI:
Chính sách hòa hoãn Mỹ-Nga, cộng với sự va chạm cá nhân với các viên chức Mỹ, cũng khiến họ Ngô tìm cách nới rộng hơn sự kềm tỏa của Mỹ. Phong trào chính trị đang lên trong thời điểm này là phi-liên-kết, và trung lập trong cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga, do Pháp và India đi hàng đầu. Ngoài ra, Trung Cộng thường tuyên bố theo đuổi chính sách “sống chung hòa bình” [peaceful co-existence], trong khi Mao đưa ra “thuyết” Thế Giới Thứ Ba, tức thế giới của các nước nghèo và cách mạng giải phóng khỏi ảnh hưởng các cường quốc.
Các nước Pháp, Poland, India và ngay cả Vatican đều muốn cổ võ nỗ lực tìm một giải pháp chính trị. Vatican đang tìm cách hòa hoãn với Mat-scơ-va để chăm lo linh hồn cho khoảng 100 triệu giáo dân Đông Âu. India của Thủ tướng Nehru từng môi giới cho việc thảo luận giữa Mỹ và Hà Nội. Nhân dịp Phạm Ngọc Thạch qua New Dehli vào mùa Thu 1961, chẳng hạn, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã chuyển cho Thạch 5 điểm căn bản trong chính sách của Mỹ. Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Goburdhun, Đại sứ India trong UBQT/KSĐC, thúc dục Nhu gặp Maneli. Và, nếu tin được những người một thời thân thiết với họ Ngô, Đại sứ India còn môi giới cho Nhu gặp đại diện CSBV ngay tại trụ sở UBQT/KSĐC ở Sài Gòn. Theo Trần Văn Dĩnh, chính phủ India cũng có thể có một bàn tay trong kế hoạch gửi Dĩnh qua New Dehli để móc nối đại diện Hà Nội vào khoảng trung tuần tháng 11/1963.
A. TRUNG CỘNG:
Mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh trong thập niên 1950-1960 là Đài Loan, Triều Tiên, và Việt Nam. Trung Cộng quyết giữ quân đội Mỹ và ảnh hưởng Mỹ ở ngoài miền Nam Việt Nam, nói riêng, và Đông Nam Á nói chung, nhưng cũng muốn tránh trực diện đương đầu với Mỹ như ở Triều Tiên. Mục tiêu chính của Mao là ổn định tình hình nội bộ, công nghệ hóa Hoa lục. Nói cách khác, Bắc Kinh muốn Mỹ triệt thoái khỏi miền Nam, và cái giá phải trả, nếu cần, là sinh mạng cuối cùng của trai tráng Việt.
Tài liệu mới giải mật về cuộc chiến tranh lạnh 1947-1991 khẳng định vai trò và ảnh hưởng chủ yếu của Trung Cộng trong những cuộc chiến ở Á Châu. Bắc Kinh, qua đại diện Chu Ân Lai, chẳng hạn, đóng vai trò quyết định trong việc ký Hiệp ước Đình Chiến Pháp-VNDCCH tại Geneva ngày 20-21/7/1954, và là đồng tác giả giải pháp ngưng bắn trước, chính trị sau. Một cách nào đó, 19 năm sau, Mao và Chu Ân Lai cũng bảo trợ một hòa ước tương tự tại Paris năm 1973, giúp Mỹ triệt thoái trong danh dự, dành số mệnh Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam cho “thực tế cán cân quân sự” sau ngày Mỹ và Đồng Minh triệt thoái.
Trong ba, bốn năm đầu sau Hiệp định Geneva (21/7/1954), Bắc Kinh tập trung nghĩa vụ quốc tế trong việc giúp Bắc Việt mở mang kinh tế và củng cố thế lực chính trị phía bắc vĩ tuyến 17 qua cuộc cách mạng thổ địa–mà mục tiêu chính yếu gồm tước đoạt tài sản “thu nhập bất hợp pháp” của địa chủ, cường hào ác bá; và, đưa vào hàng ngũ lãnh đạo những khuôn mặt mới chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng, qua các cán bộ CS. Đối với miền nam, Mao Nhuận Chi nhắc nhở các lãnh đạo Bắc Việt về bài học cái chổi và đống rác. Theo Mao, hãy tạm thời để yên đống rác miền Nam, vì chưa đến lúc chổi phải quét đến. Hơn nữa, Mao còn bận mở chiến dịch tái chiếm Đài Loan, qua việc pháo kích Kim Môn-Mã Tổ (Quemoy) để phản công lại sự can thiệp của các cường quốc Tây Âu vào miền Trung Đông, đồng thời biện minh cho sự hy sinh của dân chúng Trung Hoa trên đường cách mạng.( 101)
Thái độ của Trung Cộng về miền Nam Việt Nam chỉ thay đổi từ năm 1958, sau khi Phạm Văn Đồng viết thư cho Chu Ân Lai ngày 14/9/1958, nhìn nhận lãnh hải mới do Bắc Kinh công bố 10 ngày trước (4/9/1958) (ranh giới biển: 12 hải lý từ bờ biển)–một cuộc cắt đất đổi quân viện không xa lạ trong bang giao Hoa-Việt từ cổ thời. Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính Trị Đảng LĐVN chỉ diễn lại những hành vi của Hồ Quí Ly, Mạc Đăng Dung, Trịnh Tùng, Lê Duy Kỳ [Chiêu Thống], v.. v.. với các chế độ phong kiến Trung Hoa. (102)
Sự thay đổi này có nhiều nguyên do. Lý do thứ nhất là khối Cộng Sản Quốc Tế [QTCS] đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng rất tự nhiên, dài theo ranh giới quyền lợi và an ninh quốc gia. Cho tới năm 1953, dù đã có những dị biệt khó tránh với Liên Sô và QTCS (hiểu như khối Đông Âu), Mao Nhuận Chi nhẫn nhục, tôn thờ “Bác Joe” như bậc thày khả kính. Trên phương diện tuyên truyền đại chúng, Đảng CSTH biến Josef Stalin thành một thứ thần tượng mà 500 triệu vành môi người Trung Hoa đồng thanh xưng tụng muôn năm vẫn chưa đủ. Đồng thời, Liên sô Nga được ca ngợi như thành trì sáng chói của cách mạng vô sản, thánh địa của chủ nghĩa Marxist-Leninism. Kế hoạch ngũ niên thứ nhất (1953-1958) của Mao rập khuôn theo Nga.
Cái chết của Stalin và tình trạng hỗn loạn tại Nga trong giai đoạn “hậu Stalin” khiến Mao tách dần khỏi quĩ đạo Nga. Hai cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) và Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954) tạo vị đắng ở đầu lưỡi Mao. Nga không giữ đúng lời hứa bồi hoàn viện trợ của Bắc Kinh cho hai nước này. (Một số thông tin Trung Cộng cho rằng Nga không bồi hoàn quân viện cho Hồ từ 1950 tới 1954). Ngoài ra, kế hoạch ngũ niên thứ nhất (1953-1958) rập khuôn Nga Sô thất bại. Số vốn đầu tư của Nga chỉ được 3%. Tốc độ phát triển kỹ nghệ nặng quá chậm, dù kỹ nghệ tiêu dùng tương đối phát triển. Mao cũng không hoàn toàn thỏa mãn với thái độ trưởng thượng của Nga qua các chuyên viên.
Cuộc thanh trừng Gao Gang [Cao Cương], chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, và Rao Shushi [Nhiêu Thấu Thạch], trưởng Ban tổ chức Trung Ương [Orgburo], vào cuối năm 1953–nhưng chỉ công khai từ tháng 2/1954, và bạch hóa trước dư luận từ tháng 3/1955–có xuất xứ từ thái độ “thân Nga” của hai “đại gia” xứ Manchuria (Đông Bắc) và Thượng Hải (Đông, trung tâm kỹ nghệ nặng). Trong hạ bán năm 1955, Mao cho lệnh Đặng Tiểu Bình tiếp tục thanh trừng “bọn phản động đội lốt Marxist-Leninist,” qua các chiến dịch “Tứ thanh” và “Ngũ phản.” Khoảng 150,000 phe đảng Cao Cương và Nhiêu Thấu Thạch bị bắt giữ, điều tra và tập trung cải tạo với tội danh phản động mạo danh Marxist-Leninists [“reactionaries cloaked as Marxist-Leninists”]. Dù cuộc thanh trừng Cương và Thạch có động cơ chính từ sự tranh đoạt quyền lực giữa thuộc hạ Mao, nó cũng đánh dấu khởi điểm sự biệt phân từ hữu nghị, hợp tác toàn diện trong quan hệ Nga-Hoa tới thù nghịch. (103)
Bài diễn văn hạ bệ Stalin ngày 20/2/1956 của Nikita S. Khrushchev (1953-1964) tại Đại Hội thứ XX Đảng CSLS tạo thêm một cơ hội cho Mao “ý thức hệ hoá” sự cọ sát khó tránh. Từ ngày này, sự rạn nứt Nga-Hoa–ươm mầm từ quyền lợi quốc gia, rồi vấn đề “chính thống Marxist” và “xét lại”–biến hóa dần thành cuộc tranh giành vai trò lãnh đạo khối QTCS và đôi lúc ròn vang tiếng súng qua các cuộc tranh chấp “hơn 1.5 triệu cây số vuông” biên giới.
A. Mặt Trời Hồng Mao Nhuận Chi [Trạch Đông]:
Mao Nhuận Chi [Trạch Đông]–người theo Henry A. Kissinger chỉ thấy chủ nghĩa Cộng Sản [Communism, đúng hơn, “công hữu”] là chân lí [the truth] (d. Kissinger, 1979:1064)–không qua lớp huấn luyện ngoài nước nào, một thứ Marxist tự nhận và tự học. Là sản phẩm của cuộc cách mạng Tân Hợi [Xin Hai], khởi đầu bằng chính biến 10/10/1911 ở Wuhan [Hankow, Hupei (Hồ Bắc)], Mao và Thế hệ “Ngũ Tứ” [4/5/1919] bị thôi thúc, nung nấu bằng mơ ước đổi mới, phú cường, trên nền tảng tự tôn chủng tộc và văn hóa Đại Hán [Ta Han]. Năm 1936, Mao còn gợi nhớ lại với ký giả Mỹ Edgar Snow nỗi cảm khái và hãnh diện khi thấy những tấm biểu ngữ “Ta Han Min-kuo Wan Sui” [Vạn tuế Đại Hán Dân Quốc] được trương lên ở đường phố Trường Sa ngày 22/10/1911, lúc phong trào cách mạng tràn tới Changsha [Trường Sa], thủ phủ Hunan [Hồ Nam]. (104)
Trong thời gian ở trường Sư Phạm Trường Sa, từ 1913 tới 1918, Mao làm quen với đủ loại truyền đơn từ “cải lương” đến “cách mạng,” qua hai tờ Thanh Niên rồi Tân Thanh Niên–có chủ trương tấn công các hủ tục và hô hào đổi mới. Mao tôn sùng Sun Yatsen [Tôn Dật Tiên], K’ang Yuwei [Khang Hữu Vi] và Liang Qichao [Liang Ch’i Chao = Lương Khải Siêu], cùng tổ chức Đồng Minh Hội [T’ung Meng hui]. Vì vóc dáng cao lớn, Mao còn mê thích thể dục, thể thao, năm 1917 từng có bài viết về nhu cầu luyện tập thể dục [physical education].
Mao không được tiếp cận Marx một cách trực tiếp, mà chỉ qua kênh diễn giải của nhóm Lý Đại Chiêu [Li Dazhao] và Trần Độc Tú [Chen Duxiu], hai trí thức tả phái. Sự thu nhận Marxism này chỉ là phần thêm vào vốn liếng văn hóa đại chúng và lịch sử cấp tiểu học Hán tộc–không những phiến diện, mà còn đầy xúc động do dư hưởng của những tài liệu tuyên truyền phong kiến mệnh danh là “sử sách.” Hai tập sách gối đầu giường của Mao và thế hệ 1911 là bộ tiểu thuyết lịch sử Tam Quốc Chí [Sanguo Jih], với nhân vật Liu Pei (Lưu Bị, trung nghĩa theo Khổng giáo) và Tsao Tsao (Tào Tháo, một tay thực dụng đến tàn nhẫn) [a ruthless realist], cùng Thủy Hử [Water Margin] tức sự tích 108 anh hùng Lương Sơn Bạc (Liang Shan P’o) (Pearl Buck dịch qua Mỹ ngữ dưới tựa All Men Are Brothers].
Biến cố đưa Mao vào đường hoạt động là phong trào Ngũ Tứ [4/5/1919] tức cuộc biểu tình của 3,000 sinh viên Beijing chống lại quyết định nhường tô giới Shantung [Sơn Đông] của Germany cho Nhật tại Hội nghị Versailles. Ngày 3/6/1919, Mao tổ chức đình công bãi thị tại Trường Sa để ủng hộ sinh viên Bắc Bình. Hai ngày sau, 5/6, biểu tình và đình công của công nhân và thương gia lan tới Shanghai, như phong trào cổ võ việc sử dụng hàng nội hóa để tẩy chay hàng hóa Nhật, và rồi lan tràn đến các đô thị lớn. Tổng đốc Chang Ching-yao ngăn cấm mọi hành vi chống Nhật, bố ráp, bắt giữ nhiều người. Tuy nhiên, nông dân vẫn bất động.
Ngày 9/7/1919, Liên hội học sinh Hunan tổ chức một liên minh các giai cấp, theo gương Beijing, Shanghai và Xianjin [Tientsin]. Ngày 14/7, Mao sáng lập và chủ biên tuần báo Trường Giang bình luận [Xiang Jiang Ping lun] của Hội Học Sinh. Sử dụng văn phong bình dân, gần giống như lúc nói chuyện. Số đầu in 2000 bản hết trong ngày. Từ những số sau, in 5000 bản. (Hiện còn 5 số báo, ra ngày 14, 21, 28/7 và 4/8/1919. Số đặc biệt ra ngày 21/7/1919; Robert A. Scalapino, “The Evolution of a Young Revolutionary–Mao Zedong in 1919-1921;” JAS, Vol.XLII, No. 1 (Nov 1982), p. 32n4 [29-61]) Một nguồn tin khác: Tân Tương Bình Luận.
Mao nêu rõ mục đích của Trường Giang bình luận nhằm giúp “tù nhân của các trường học” tìm hiểu những tư tưởng mới hầu ứng dụng trong việc phục hồi Đại Hán. Mao đả kích việc bắt giữ Trần Độc Tú tháng trước, vì theo Mao, nội dung truyền đơn chẳng có gì sai. (Scalapino, 1982:33) Mao cũng phân định thế đối nghịch giữa quần chúng [masses] với thiểu số quân phiệt và trục lợi [profiteers] đứng về phía ngoại nhân. [“The Great Union of the Masses;” XJPL, No. 2, 21 July 1919, tới số ngày 4 Aug 1919; Scalapino, 1982:35]. Tháng 11/1919, Mao tái lập Tổng Hội học sinh, và tổ chức bãi khóa chống Tổng đốc Zhang Jing-yao. Tháng sau, Mao đi Beijing dự đám tang thày cũ Yang Cheng-ji [Yang Ch’ang-chi]. Rồi ghé qua Thượng Hải, thăm Độc Tú và bàn luận về những bản dịch tác phẩm Marx mới xuất bản. [Độc Tú mới được phóng thích sau 6 tháng tù và đang cư ngụ ở Thượng Hải.]
Tháng 6/1920, Mao về lại Trường Sa, giữ chức Hiệu trưởng một trường tiểu học phụ thuộc vào trường sư phạm. [Nhờ vậy, Mao làm đám cưới đầu tiên với Yang K’ai-hui, con Yang Cheng-ji. Ở thời điểm này, theo Mao, Mao đã trở thành Marxist. Tuy nhiên mới chỉ là thứ kiến thức nhập môn [rudiments of Marxism]. Khó biết “bạo lực cách mạng công nhân vô sản” mà Marx qui nạp từ những kinh nghiệm xã hội vật bản/Ki-tô Âu châu, và tinh thần nổi loạn, cướp của người giàu, chia cho người nghèo trong Thủy Hử của một xã hội nông nghiệp, chậm tiến, nghèo khổ Á châu, hay những mưu bá, đồ vương của Tam Quốc Chí đã tác động và hình thành màu sắc “chủ nghĩa xã hội” nào trong Mao. Có thể tin được rằng Hồ Chí Minh và thuộc hạ hữu lí khi cung văn công lao “Trung quốc hóa” chủ nghĩa Mác-Ăng-ghen-Lê-nin-Stalin của Mao–tức “đã áp dụng một cách đúng đắn chủ nghĩa ấy vào hoàn cảnh Trung Quốc,” “ đưa cách mạng Trung Quốc tới chỗ toàn thắng.”(105)
Tuy nhiên, liên hệ giữa hai Đảng CSTH và Nga cũng đầy sóng gió. Quốc tế Cộng Sản không ngừng áp lực Đảng CSTH mở mặt trận thống nhất với Trung Hoa Quốc Dân Đảng [QDĐ]. Ba lần thống nhất (1923-1927, 1937-1945, 1946-1947) đều đổ vỡ. Lần thứ ba, nhờ kinh nghiệm kháng Nhật, Hồng quân (sau này được biết như Quân đội giải phóng [QĐGP]) đạt chiến thắng cuối cùng. Năm 1949, Tưởng Giới Thạch tháo chạy qua Đài Loan, xâm chiếm đảo quốc này. Chiếm Bắc Kinh vào tháng 2/1949, tám tháng sau, ngày 1/10/1949, Mao tuyên bố thành lập THNDCHQ. Cuối năm đó, QĐGP tiến đến sát biên giới Bắc Việt.
Nhưng Mao chưa thỏa mãn với thành tích đánh thiên hạ trong nội bộ Hoa lục. QĐGP được gửi tới các lân bang phía bắc, đông bắc, và tây thôn tính Manchuria, Mongol và Tibet đặt vào bản đồ Trung Hoa. Năm 1950, Mao gửi chí nguyện quân qua Triều Tiên, khi quân Liên Hiệp Quốc tiến lên phía bắc vĩ tuyến 38, ép sát sông Áp Lục. Năm 1953, chính phủ Eisenhower phải chấp nhận vĩ tuyến 38 như biên giới tạm thời cho hai “nước” Triều Tiên. Tại hướng tây nam, Mao xâm lấn biên giới India, mở rộng ảnh hưởng xuống Pakistan. Phía đông, mưu toan thôn tính Đài Loan, nhưng gặp sức phản kháng của hạm đội 7 Mỹ. Hướng đông nam, ngày 18/1/1950, Mao mở cửa cho Hồ trở lại thế giới “cách mạng.” Stalin chấp thuận cho Mao giúp Hồ thành lập sáu đại đoàn (sư đoàn) chủ lực, tổng phản công quân Pháp tại Bắc Việt. Nhưng năm 1954, Mao cũng mở cho Pháp một đường rút trong danh dự qua hiệp định đình chiến Geneva 20-21/7/1954, tạm chia Việt Nam làm hai vùng tập trung theo kiểu mẫu Germany và Triều Tiên–dù có điều khoản sẽ tổng tuyển cử thống nhất trong vòng hai năm.
Mặc dù chỉ là đồng minh bậc hai của Stalin, sự thành đạt của Mao Nhuận Chi khó thể nói nhỏ. Thời gian để giúp cải biến một giáo viên mới tốt nghiệp ở Hồ Nam tiến lên vai trò lãnh tụ một khối 600 triệu nông dân khá dài–ba thập niên với kinh nghiệm sắt máu “đánh thiên hạ” từ Giang Tây lên Diên An, trải qua một cuộc chiến kháng Nhật suốt 8 năm, và hai cuộc nội chiến Quốc-Cộạng. Mao Nhuận Chi thực sự là một kẻ chinh phục bằng bạo lực và mũi súng–chẳng thua kém Tần Thủy Hoàng, Chu Nguyên Chương hay Hốt Tất Liệt. Vang dội tại các hội trường, công viên, dinh thự những lời xưng tụng “vạn tuế” [muôn năm], “thiên tài,” “mặt trời hồng” hoặc la liệt, đậm nét trên các biểu ngữ, truyền đơn. Mỗi lời nói của Mao trở thành một “thánh ngữ,” vượt xa Luận ngữ của Khổng Khâu, hay bách gia chư tử. Nên thật tự nhiên, từ sau cái chết của Stalin, hay “sự ra đi của một thiên tài lớn nhất thời đại,” Mao bắt đầu nuôi tâm ý khác với những người kế vị Stalin. Mao muốn tự lập một vùng trời ảnh hưởng riêng–nơi khoảng 20 triệu Hoa Kiều định cư, nhưng vẫn hướng về quê cha, đất tổ với những tình tự đậm đà. Những đóng góp của Hoa Kiều ở Đông Nam Á trong cuộc chiến Hoa-Nhật, 1931-1945 là điều khó phủ nhận. Đường ranh phân chia Quốc-Cộng trong các cộng đồng Hoa kiều Đông Nam Á cũng khá rõ ràng. Áp lực nhân mãn–mà một trong những giải pháp là xâm chiếm các lân bang đất rộng, người thưa để di dân, hoặc cướp đoạt tài nguyên hầu thoả mãn nhu cầu hiện đại hóa–khiến Mao tự tách dần khỏi quĩ đạo một Liên Sô không Stalin. Gọi đó là “phản bội,” “lật lọng,” hay bất cứ danh từ nặng nề nào–sự thay đổi của Mao khó tránh, nhất là từ vị thế một kẻ chỉ thấy sức mạnh của bạo lực trong việc thay tim, đổi óc con người–viết lên tờ giấy trắng trinh bạch của đầu óc dân Trung Hoa “những điều tốt đẹp nhất trong tiến trình chuyển tiếp tới một xã hội cộng sản.”
B. Mao và Nikita S. Khrushchev (1953-1964)
Từ ngày thay Georgi M. Malenkov làm Bí thư thứ I (14/3/1953) Đảng Cộng Sản Liên Sô, trên đại thể Khrushchev theo đúng đường lối Stalin, chỉ quan tâm đến Đông Âu và châu Mỹ Latin. Với Á Châu, Khrushchev không muốn vượt qua vị thế một hậu phương lớn về ý thức hệ–giúp huấn luyện chuyên viên quân và dân sự, cùng viện trợ kinh tế, kỹ thuật. Theo ước lượng của tình báo Mỹ, từ năm 1955 tới 1964, Mat-scơ-va viện trợ cho Hà Nội khoảng 350 rtiệu MK. Trong số này, khoảng 200 triệu MK dùng cho kế hoạch ngũ niên thứ nhất, 1961-1965. Trong những năm cuối của chính phủ Eisenhower (1953-1961), Khrushchev cũng ôn hòa hơn với Mỹ và phương Tây. Cuộc chạy đua không gian và gia tăng vũ khí nguyên tử khiến Nga chóng mặt. Tình hình tại các nước Đông Âu đôi khi bốc lửa. Tito và cuộc nổi dạy ở Poland hay Hungary năm 1956 chỉ là vài thí dụ.
1. Giải Stalin & Sửa Sai:
Một trong những việc làm lịch sử của Khrushchev là phong trào “giải Stalin” [de-Staliniztion]. Suốt hơn phần tư thế kỷ thống trị Liên Bang Sô Viết với bàn tay sắt, Stalin là biểu hiệu của uy quyền tối cao và sự tàn nhẫn khát máu qua nhiều đợt thanh trừng–từ cuộc thảm sát Léon Trotsky bằng búa tới những bản án tử hình các lãnh tụ QTCS, tướng lĩnh, rồi các bác sĩ điều trị lúc cuối đời. Thu đoạt quyền lực trong bóng dâm che chở của Stalin, cái chết của người Thép mở ra cho hàng ngũ lãnh đạo mới của điện Kremli một bầu trời khác biệt. Sau hơn ba thập niên tiến hóa tới cộng sản chủ nghĩa–dù đế quốc Nga mở rộng hơn bao giờ hết trong lịch sử, Mat-scơ-va trở thành kinh đô của một trong hai siêu cường thế giới, kỹ thuật không gian ngày một phát triển, có phần vượt trội đối thủ tử thù Mỹ–nhưng lãnh đạo Nga khó thể tự dấu mặt những khó khăn về kinh tế, những bất ổn trong quan hệ giữa các thành viên Cộng Sản ít nhiều háo chiến theo tinh thần “cách mạng là tấn công, không tấn công tức thất bại.” Sự phát triển về kinh tế của Tây Âu, cuộc thánh chiến chống Cộng do Vatican điều động, và nhu cầu an ninh quốc gia khiến Khrushchev phải thay đổi chiến lược–tạm thời hòa hoãn với Tây Âu để chia rẽ khối tư sản.
Đại hội thứ XX của Đảng CSLS là một bước ngoặt [watershed] trong chính sách đối ngoại của Khrushchev. Hai trọng tâm của chính sách mới này là “giải Stalin” trên phương diện ý thức hệ, và theo đuổi chính sách ngoại giao “cùng hiện hữu hòa bình giữa các quốc gia theo những hệ thống tổ chức xã hội khác nhau.”
Chính sách giải Stalin và sửa sai này gây ngạc nhiên không ít cho Mao và thuộc hạ. Trong đảng sử CSTH và mọi tư liệu chính thức, Stalin được dành riêng một vị trí tối cao. Suốt hơn phần tư thế kỷ, Mao và cơ quan tuyên truyền Bắc Kinh không ngớt cung văn Stalin với những lời ngọt ngào [lavish and idolatrous public praises] như “người bạn và người thày”–một cán bộ Marxist-Leninist vĩ đại, thiên tài cách mạng, từng ứng dụng lý thuyết Marxism một cách sáng tạo. Ngày sinh nhật thứ 70 của Stalin, [năm 1949, khi đang ở Nga], Mao viết: “Đồng chí Stalin là ông thày và người bạn của nhân loại và nhân dân Trung Hoa.” “Đồng chí Stalin là cứu tinh của mọi dân tộc bị áp bức” [Comrade Stalin is the teacher and friend of mankind and of the Chinese people.” Comrade Stalin is the saviour of all the oppressed.]” (Meisner, 1977:175) Khi Stalin chết, Mao bùi ngùi luyến tiếc về “sự ra đi của bậc thiên tài vĩ đại nhất của đời nay” [‘the greatest genius of the present age’.]” (106)
Sự chỉ trích Stalin của Khrushchev đặt ra nhiều vấn đề. Ngoài sự hẫng chân về ham hố ca ngợi trong dĩ vãng, còn nhiều vấn nạn về ý thức hệ và chính trị. Cơ quan tuyên giáo phải tìm được lời biện giải về giá trị của chủ thuyết xã hội–như tại sao xứ của XHCN [land of socialism] sản xuất ra thứ lãnh tụ tàn nhẫn và đầy tội ác đến thế? Vấn đề liên hệ giữa lãnh đạo và đám đông trong một xã hội theo Cộng Sản hay CNXH cũng tạo nhiều dấu hỏi. Khrushchev giải thích rằng “Stalin là một tên soán đoạt [a usurper] tự đặt mình trên Đảng [who placed himself above the party],” và nuôi dưỡng hủ tục sùng bái cá nhân [fostered the cult of personality]. Thành công ở Liên Sô là do sự đúng đắn của XHCN và Leninism. Mọi thất bại đều do ác tật của Stalin [the evils of Stalin]. (Meisner, 1977:175)
Hơn một tháng sau, ngày 5/4/1956, Rinmin Ripao [Nhân Dân Nhật Báo], cơ quan ngôn luận của Đảng CSTH mới đăng bài “Về kinh nghiệm lịch sử của chuyên chính vô sản [On the Historical Experience of the Dictatorship of the Proletariats].” Tác giả–mà dư luận cho rằng là chính Mao hay đã nhận lệnh từ Mao–khen ngợi những lãnh tụ Nga mới đã can đảm tự phê bình những lầm lỗi cũ, nhưng vẫn bênh vực Stalin. Theo tác giả, mặc dù Stalin có một số lỗi lầm, nhưng Stalin là một lãnh tụ XHCN vĩ đại, đã “áp dụng và khai triển một cách sáng tạo” chủ nghĩa Marxist-Leninism, đồng thời thực hiện được các chính sách kinh tế của Lenin về công nghệ hóa và tập thể hóa. Sự sùng bái cá nhân [The Cult of Personality] không phải do Stalin gây nên mà là di sản [a foul carryover] của lịch sử nhân loại khá dài. Nó là thứ tàn tích ý thức hệ độc hại của các xã hội cũ [“poisonous ideological survivals of the old society.”] Chuyện này chắc chắn sẽ không xảy ra ở TH vì TH chống lại “anh hùng cá nhân” [individual heroism]. (107) [Dù trên thực tế, cá nhân Mao hay HCM cũng có thể có những ác tật tương tự]
Để tạm thời trấn an dư luận trước những khó khăn mọi mặt, Mao sử dụng giới trí thức và văn nghệ sĩ phát động phong trào “Trăm Hoa Đua Nở, Trăm Nhà Lên Tiếng” qua diễn văn ngày 2/5/1956 trước Quốc Hội. Cách này hay cách khác, giới trí thức và văn nghệ sĩ bị đưa vào cái bẫy tự phê và phê bình xây dựng–để cuối cùng bị Mao bỏ rơi, trở thành nạn nhân bi hài trước họng súng quân đội “giải phóng nhân dân,” cùng cơ quan công an và mật vụ. (108)
2. Kimmen [Kim Môn]- Matu [Mã Tổ] & India:
Ở một mắt nhìn phiến diện, hiềm khích Nga-Hoa có vẻ khởi nguồn từ biến cố Kimmen [Quemoy]-Matu [Mã Tổ] năm 1958. Ngày 28/7/1958, Khrushchev đưa đề nghị họp thượng đỉnh với Mỹ, Bri-tên, Pháp, và India để giải quyết vấn đề Trung Đông [Lebanon, US Marines, 5-10/1958]. Ba ngày sau, 31/7, Khrushchev bí mật đến thăm Bắc Kinh. Trong thời gian ở BK, có lẽ do sự chống đối của Mao, Khrushchev rút lại đề nghị họp thượng đỉnh. Cuối tháng 8/1958, Mao bắt đầu bắn phá một số đảo trên eo biển Đài Loan và đe dọa tấn công đảo quốc này. Có tin Mao chỉ muốn tạo căng thẳng để trả đũa sự can thiệp của Bri-tên và Mỹ tại Trung Đông. Theo một tác giả Nga, dịp này Bắc Kinh xúi dục Nga Sô đương đầu với Mỹ bằng vũ khí nguyên tử–nhưng Khrushchev tự kềm chế. Đồng thời không muốn lâm vào cái bẫy gọi là “Tọa sơn quan hổ đấu” [ngồi trên núi xem hổ đánh nhau] của Bắc Kinh. (109)
Sự cố này chẳng phải không thể xảy ra. Tại Đại hội các Đảng CS ở Mat-scơ-va từ ngày 14 tới 16/11/1957, Mao từng tuyên bố: “Gió Đông sẽ vượt qua gió Tây [The East wind prevails over the West wind].” Ngày 18/11, Mao lập lại nhận định quen thuộc rằng bom nguyên tử chỉ là “cọp giấy.” Theo Mao, trong một cuộc nói chuyện với lãnh đạo một nước [Nehru?], vị lãnh đạo đó tuyên bố nếu có chiến tranh nguyên tử, toàn nhân loại sẽ bị tận diệt. Nhưng Mao không đồng ý. Mao tin rằng cho dù nửa nhân loại chết, một nửa còn lại sẽ tiêu diệt đế quốc, xây dựng một thế giới XHCN mới. Nhân dân TH chưa hoàn tất cuộc kiến thiết, và mong muốn hòa bình, nhưng nếu thực dân muốn gây chiến, TH sẽ quyết tâm đánh đến cùng, trước khi tái thiết. Nếu mỗi ngày lo sợ chiến tranh, khi chiến tranh tới, ta sẽ làm gì? Hồ, Phạm Hùng và Lê Duẩn tham dự. Tito không dự. (110) Tiếp đó, năm 1959, Khrushchev nghiêng hẳn về phía India khi xảy ra cuộc tranh chấp biên giới giữa hai nước đông dân nhất Á Châu. Ngày 9/9/1959, thông tấn xã TASS phổ biến tuyên cáo về lập trường Nga trong vụ tranh chấp biên giới India-TH. Sáng ngày 9/9, Nga mới cho BK xem nội dung, và tối đó phát hành, bất kể sự chống đối của Bắc Kinh. Ngày 30/9/1959, sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh với Eisenhower ở Camp David, Khrushchev bay thẳng đến Bắc Kinh. Ngay trong dạ tiệc do Mao khoản đãi, Khrushchev chỉ trích những người muốn “dùng sức mạnh để thử lửa sự vững chắc của chế độ tư bản [test by force the stability of the capitalist system].” BK cho rằng đây là ám chỉ sự hiếu chiến của BK tại eo biển Đài Loan và biên giới TH-India. Khrushchev cũng nhắc việc Lenin từng đồng ý thành lập “Cộng Hòa Viễn Đông Siberia,” để khuyên Mao nên tạm thời để yên Đài Loan.
Chuyến viếng thăm này xảy ra trong không khí ngày một căng thẳng giữa Kremli và Trung Nam Hải.
3. Nga không viện trợ đúng mức, nhất là kỹ thuật nguyên tử.
Dưới thời Stalin, vì cần viện trợ cũng như sự che chở của Nga, Mao tạm thời đóng vai đàn em trong khối QTCS. Theo chỉ thị của Stalin, Mao thực hiện những kế hoạch kinh tế mô phỏng theo Nga. Tuy nhiên, số vốn đầu tư của Nga cho kế hoạch ngũ niên thứ nhất chỉ được 3%. Mức sản xuất nông nghiệp không đạt chỉ tiêu, và thành quả đã bị phóng đại. Trung Hoa cũng chưa tiến gần được mức kỹ nghệ hóa [hay công nghệ hóa] mong muốn, mà chỉ đạt tiến bộ về kỹ nghệ nhẹ hay công nghệ tiêu dùng.
Nga Sô cũng không nhiệt tình xuất cảng kỹ thuật qua Trung Hoa. Thái độ hiếu chiến [bellicose] của Mao là một trong những lý do: Kỹ thuật chế tạo bom nguyên tử có tiến triển, nhưng TC không có phương tiện để thả bom [delivery]. Tháng 6/1959, Khrushchev tự động hủy bỏ hiệp ước 1957, theo đó Liên Sô sẽ cung cấp cho quân đội THNDCHQ kỹ thuật quân sự hiện đại, kể cả một trái bom nguyên tử kiểu mẫu.
Tháng 4/1960, nhân dịp sinh nhật thứ 90 của Lenin, Bắc Kinh ấn hành tài liệu “Vạn tuế chủ nghĩa Lenin [Long Live Leninism]”–một thứ tuyên ngôn độc lập với Nga, gián tiếp tấn công chính sách cùng tồn tại hòa bình [indirectly attacking Khrushchev’s policy]. Vào giữa năm 1960, sự bất hòa phát triển từ những chỉ trích bóng gió, xa gần tới sự trao đổi những lời nhục mạ [In mid-1960, the Sino-Soviet conflicts escalated from written polemic to verbal slugfest]. Tại Đại hội Đảng CS Rumania, Khrushchev lên án Trung Cộng là “khùng,” áp dụng những biện pháp Trốt-kít chống Nga Sô; trong khi Peng Zhen [Bành Chân] lên án Nga là bọn “xét lại” [revisionists]. Mùa Hè 1960, trở lại Mat-scơ-va, Khrushchev triệu hồi 1,400 chuyên viên; vì họ bị ngược đãi–dù có nhiều lời chứng ngược lại. (111)
4. Dị biệt về mô thức thực hiện Marxist-Leninism:
Năm 1958 toàn thể Hoa lục bị xáo trộn từ rễ gốc trong kế hoạch “Bước Đại Nhảy Vọt” [BĐNV, Great Leap Forward] của Mao. Ngày 28/1/1958, Mao đưa ra chủ thuyết “bất đoạn cách mạng” [pu tuan ko-ming], hay “cách mạng không ngừng.” Tại Hội nghị 2, khóa VIII vào tháng 4/1958, Mao khởi xướng việc cải biến xã hội Trung Hoa thành một xã hội Cộng Sản. Theo Mao, dân Trung Hoa có hai đặc tính: nghèo và đầu óc tinh khôi như tờ giấy trắng. Vì nghèo, dân chúng mong muốn thay đổi, một đặc tính của cách mạng. Vì đầu óc tinh khôi, như trang giấy trắng, có thể khởi viết lên những đại tự tốt đẹp nhất. Tại Đại hội IX Đảng CSTH vào tháng 5/1958, Lưu Thiếu Kỳ đề xướng khẩu hiệu “cách mạng không ngừng”, và tuyên bố bắt đầu thí nghiệm“công xã nhân dân” [renmin gongshe]–mô hình được dự trù như đơn vị xã hội tại vùng thôn quê của một xã hội Cộng Sản, phần tự phát, phần do chính quyền địa phương chủ xướng. Mẫu đơn vị xã hội kiểu Mao-ít này tách biệt hẳn với trại kiểu mẫu tập thể [collective farms] của Nga trong kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1953-1958), nhằm công nghệ hóa nông thôn, nhảy vọt lên xã hội Cộng Sản mà không cần qua khâu tiểu tư sản như theo truyền thống Stalin. Tuy nhiên, trước chỉ trích của khối Nga Sô, ngày 5/5/1958 Lưu Thiếu Kỳ tuyên bố rằng TH vẫn trung thành với thuyết cách mạng giai đoạn [revolution by stages] của Marxist-Leninism. Ngày 1/7/1958, Hồng Kỳ đăng bài của Chen Pota [Trần Bá Đạt], chính thức đóng dấu Marx, Lenin và Mao trên kế hoạch công xã nhân dân. Tiếp đó, Bá Đạt đi diễn thuyết giải thích thêm về mô hình Cộng Sản trên. Mao cũng đi thăm các vùng nông thôn, kể cả Hồ Nam, để vận động sự ủng hộ chống lại thái độ lưng chừng của nhóm thư lại [bureaucracy] Đảng và chính phủ, do Bành Thế Hoài cùng Thiếu Kỳ-Tiểu Bình đại diện. Cuối năm 1958, Mao cho lập công xã nhân dân trên toàn quốc, trên đường chuyển sang Cộng Sản. Ngày 29/8/1958, BCHTW mở rộng (enlarged) chấp thuận một tiêu chuẩn Cộng Sản bị Mao-hoá, theo đó hệ thống phân phối tùy theo mức lao động, thay vì tùy thuộc theo nhu cầu của Marx. Đề nghị mỗi công xã có trung bình 2000 hộ.
Hậu quả rõ ràng nhất là kế hoạch ngũ niên thứ hai rập khuôn Nga bị tạm gác. Các nông trường được cải biến thành khoảng 24,000 công xã nhân dân, trung bình gồm 5,000 hộ, qui tụ khoảng 30,000 người. Nhưng số hộ và đầu người thay đổi theo địa phương, từ 5,000 đến 100,000 người. Tư sản hoàn toàn bị loại bỏ. Nhóm Mao-ít cũng thí nghiệm thực hiện công xã nhân dân ở thành thị nhưng không thành công. (112)
Việc lôi kéo sự chú ý của những nhà quan sát là cuộc thanh trừng Bành Đức Hoài [Peng Dehuai, 1898-1974] tại Hội nghị 8 ở Lu Shan [Lư Sơn, 2-26/8/1959], và chiến dịch tảo thanh bọn “hữu khuynh” của Mao cùng nhóm Thiếu Kỳ-Tiểu Bình. Thống chế Hoài, Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Quốc Phòng–từng theo Mao từ Ching kang shan [Tĩnh Cương Sơn] năm 1928, thành lập Sô-viết Cộng HòaTrung Hoa ở phía nam tỉnh Giang Tây [Jiangxi] (Juichin) vào tháng 11/1931, được coi như diễn tập cho giai đoạn Yenan [Diên An]. Hoài còn là danh tướng chỉ huy trận chiến Triều Tiên (1950-1954), nên chủ trương phải gấp rút hiện đại hóa Quân Giải Phóng. Khi thăm Nga và Đông Âu trong mùa Xuân 1959, Hoài không dấu Khrushchev sự bất bình về chính sách Đại Nhảy Vọt. Chính sách chống Nga và tái lập dân quân của phe Maoist, theo Hoài, gây tổn hại cho kế hoạch hiện đại hóa QĐGP [PLA]. Về lại Bắc Kinh, Hoài tiếp tục đả kích chính sách Bước Đại Nhảy Vọt [BĐNV]. Ngày 14/7, Hoài viết thư [letter of Opinions] cho MTĐ phản kháng “sự hoang tưởng tiểu tư sản của nhóm Mao-ít.” Giữa lúc đó, ngày 18/7, trong một diễn văn tại Poland [Ba Lan], Khrushchev đả kích công xã nhân dân của Mao–lập lại những nhận xét như “sơ khai và cuồng điệu [primitive and fanatical]” khi nói với TNS Hubert Humphrey ngày 1/12/1958. (Báo NY Herald Tribune vào cuối tháng 12/1958 và báo Life ngày 12/1/1959 đã phổ biến tin trên.
Mao và giới thân cận–như Lâm Bưu, Chu Ân Lai, v.. v. ..– kết án Hoài đã toa rập với ngoại quốc [Khrushchev] chống lại Đảng và nhà nước. Từ diễn văn ngày 23/7/1959 tại Hội nghị trù bị Lư Sơn, tới nghị quyết Hội nghị 8 ngày 26/8/1959, Hoài bị tố khổ rồi cách chức vì hữu khuynh và chống Đảng. (113)
Giọng điệu thượng tôn chủng tộc và văn hóa–nhất là khía cạnh bài ngoại nói chung–trong hai chiến dịch đánh Cao Cương-Nhiêu Thấu Thạch và Bành Đức Hoài khiến Khrushchev cực kỳ quan tâm. Theo một học giả, tại Bucharest năm 1960, Khrushchev cho rằng Cao Cương hay Đức Hoài chẳng có lỗi gì hơn chống đối chính sách của Mao. Cơ quan tuyên truyền Bắc Kinh cũng tung ra tin đồn Khrushchev đang âm mưu khuyến khích những phần tử chống Mao nổi dạy, lật đổ một Mao đã già nua, bị thời gian và thực tế vượt qua. Nhưng Hội nghị Lư Sơn không mang lại chiến thắng trọn vẹn cho phe Mao-ít. Nó phản ánh dấu hiệu thụt lùi đầu tiên của BĐNV. Thông cáo ngày 26/8/1959 của Hội nghị tiết lộ những kết quả kinh tế của năm thứ nhất BĐNV đã phóng đại tới 40-50%. Thóc, chẳng hạn, thực tế chỉ thu được 250 triệu tấn thay vì 375 triệu tấn. (114)
Thiên tai, bão lụt và sự thất thu vụ Mùa 1959 cùng sự chống đối của dân chúng với kế hoạch công xã nhân dân [collectivization và communes] trong hai năm 1959-1960 khiến tình hình tồi tệ hơn. Nạn thiếu thực phẩm và đói đe dọa nhiều nơi. Nhưng Mao qui trách sự thất bại của bước Đại Nhảy Vọt cho bọn tư sản đã đột nhập hàng ngũ Đảng.
5. Chính sách “sống chung hòa bình” mà Nga đề xướng không mang lại ưu thế mong muốn cho BK.
Ngày 24/2/1956, cũng tại Đại hội XX Đảng CSLS, Khrushchev công bố chủ trương “sống chung hòa bình” giữa các nước có hệ thống tổ chức xã hội khác nhau–tức tạm ngưng cuộc đấu tranh giành độc quyền thống trị thế giới của giai cấp vô sản. Thực ra, từ cuối năm 1953, Chu Ân Lai cũng đã đưa ra năm [5] nguyên tắc sống chung hòa bình. Nhưng cùng hiện hữu hòa bình của Khrushchev nhắm vào các xã hội kỹ nghệ hóa, Ki-tô giáo vật bản phương Tây, thường tự nhận đứng trên một vị thế cao hơn những nước đang phát triển hay chậm tiến. Sống chung hòa bình của Mao và Chu Ân Lai thực hiện giữa các nước mà sau này Mao gọi là “thế giới thứ ba”–tức những quốc gia hành tinh của hai siêu cường Mỹ-Nga, và một số quốc gia trái độn như Pháp, v.. v... Khoảng cách kỹ thuật khó lấp bằng giữa các nước công nghệ hóa và đang phát triển đưa Mao đến ảo vọng lấy ý chí con người để vượt qua hố ngăn cách khoa học-kỹ thuật. Hơn một lần, Mao ví Mỹ như “cọp giấy” và Nga Sô, “con gấu Bắc cực.” Bài thơ viết trong dịp sinh nhật 69 tuổi [1962] của Mao phần nào phản ảnh cao vọng đó: “Chỉ đấng anh hùng dám săn cọp; chẳng ai can đảm lại e sợ loài gấu.” Nhóm Mao-ít giúp diễn nghĩa thêm rằng cọp đây là cọp giấy Mỹ, và gấu là ám chí gấu Bắc Cực Nga.
“Only the heroes dare to chase the tiger [USA],
Still less does any braver fellow fear the bear [USSR].” (115)
Ngày 9/1/1963–tức hai ngày sau khi báo Pravda chính thức tấn công TH–Mao làm bài thơ đuợc công bố cuối cùng trong đời, ví kẻ thù như loài độc trùng cần diệt trọn:
“We must swept away all the harmful insects,
Until not a single enemy remains.” (116)
Ngày 14/6/1963, Mao viết thư, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Nga, rồi buộc tội Khrushchev đã phản bội [betrayed] phong trào cách mạng tại Nga cũng như trên thế giới [its revolutionary at home and abroad]. (117)
6. Vấn đề trợ giúp “phong trào giải phóng quốc gia.”
Tại Đông Dương, trong hai năm 1955-1956, Bắc Kinh muốn Hà Nội tạm thời lo xây dựng miền Bắc, chỉ đấu tranh chính trị để thực hiện điều khoản thống nhất đất nước qua tổng tuyển cử. Mao và lãnh đạo Đảng CSTH nhiều lần khuyên Hà Nội tạm quên miền Nam. Mao đưa ra triết lý cái chổi và đống bụi Đài Loan–chổi chưa quét tới, bụi vẫn nằm yên.
Sau khi Ngô Đình Diệm tuyên bố không bị ràng buộc bởi Hiệp định Geneva, Chu Ân Lai chỉ phản đối chiếu lệ, đòi tái triệu tập Hội nghị Geneva, nhưng Bri-tên phản đối. Sau buổi họp tại London ngày 11/4/1956, Gromyko và Lord Reading đồng ý không thể triệp tập Hội nghị Geneva, tạm đình hoãn bầu cử vô hạn định, và cởi bỏ cho Pháp trách nhiệm tổ chức bầu cử. UBQT/KSĐC [ICC] được yêu cầu tiếp tục nhiệm vụ cho tới ngày tổng tuyển cử. Pháp cũng được yêu cầu làm trung gian. (118)
Tuy nhiên, Hồ và Lê Duẩn không chịu buông tay, theo đúng đường lối Marxist-Leninist: cách mạng là tấn công, không tấn công tất thất bại. Chuyến viếng thăm Hà Nội từ ngày 2 tới 6/4/1956 của Phó Thủ tướng Nga Anatas Mikoyan không có thông cáo chung–vì Mikoyan có lẽ thông báo quyết định tạm thời chấp nhận có hai nước Việt Nam sẽ đạt được tại London trong phiên họp sơ bộ giữa Gromyko và Lord Reading ngày 11/4/1956. Để có quân viện đánh miền Nam, Hồ và Lê Duẩn đạt một thoả thuận nào đó với Bắc Kinh–như quay mặt làm ngơ cho Bắc Kinh chiếm hai đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa năm 1956, và rồi ngày 14/8/1958, Phạm Văn Đồng nhân danh Thủ tướng chính phủ viết thư cho Chu Ân Lai thừa nhận biên giới do Bắc Kinh vẽ ra mười ngày trước. (Trong hai năm 1945-1946, tưởng nên thêm, Hồ và Hoàng Minh Giám hơn một lần dùng vịnh Cam Ranh làm mồi nhử Mỹ can thiệp vào Việt Nam, nhưng không thành công). Từ cuối 1957, đầu 1958, Duẩn bắt đầu đưa cán bộ tập kết trở lại miền Nam (như Trần Bạch Đằng, qua ngả Căm-bốt), trong khi QĐND dưới quyền Chu Huy Mân và Trần Văn Trà tiến sang Hạ Lào–dưới danh nghĩa trợ giúp Pathet Lào–thiết lập hành lang tiếp vận dài theo biên giới, từ đèo Mụ Già tới vùng Tchépone mà có tin Bắc Việt đặt tên thành quận “Hương Lập.” (119) Sau này, một cựu Thiếu tá Lực lượng Đặc Biệt Đệ I VNCH bài bác chi tiết trên, cho rằng ông ta vẫn an toàn lái xe Jeep từ Lao Bảo tới Tchépone. Chẳng hiểu cấp chỉ huy Bắc Việt khéo che dấu lực lượng theo lệnh Lê Duẩn, hay quận Hương Lập chỉ là một chi tiết tiểu thuyết hoá lịch sử.
Từ năm 1958, trong một tính toán kỹ lưỡng và phức tạp, Mao muốn dùng phong trào giải phóng quốc gia để mở rộng ảnh hưởng. Cuộc pháo kích Kim Môn-Mã Tổ tháng 8/1958–ngoài tuyên truyền đòi thống nhất lãnh thổ–còn có mục đích phản đối sự can thiệp bằng võ lực của Mỹ và Bri-tên ở Trung Đông và Lebanon. Cuối năm 1958, Bắc Kinh quân viện cho Algeria trong cuộc chiến kháng Pháp. Từ 1958 tới 1963, Bắc Kinh cho Algeria khoảng 150,000 vũ khí cá nhân và đại bác, kể cả 30,000 súng do Mỹ chế tạo, tịch thu được ở Hoa lục và Triều Tiên. (Zhai 2000:82)
Mao cũng giao cho Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình cùng Bành Đức Hoài nghiên cứu và lập kế hoạch giúp Đảng LĐVN, đồng thời chống lại ý định can thiệp vào Đông Dương của Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ đồng ý cho đánh nhỏ, nặng về đấu tranh chính trị hơn quân sự, theo phương thức “trường kỳ kháng chiến.” Mục tiêu giai đoạn đặt ra là “trung lập” hóa miền Nam, theo kiểu mẫu Kampuchea và Lào, hầu tránh trực diện với Mỹ. (120)
Cuộc thanh trừng Bành Đức Hoài tại Hội nghị Lư Sơn và mối hiềm khích Nga-Hoa quanh chủ đề quyền lợi quốc gia và an ninh, khiến nhiệt tình trợ giúp cuộc cách mạng giải phóng quốc gia ở Đông Dương thêm phức tạp.
Với mục đích lôi cuốn Hồ và Đảng LĐVN về phía Bắc Kinh, từ năm 1959-1960, Mao từ bỏ chính sách “cây chổi và đống bụi,” trực tiếp giúp Đảng LĐVN mở rộng chiến tranh qua Lào rồi lấn chiếm Nam Việt Nam. Ngày 11/3/1959, TC cực lực đả kích chủ nghĩa đế quốc xâm lược [của Mỹ]. Sau khi Đồng qua Bắc Kinh xin viện trợ để đánh miền Nam, Bắc Kinh cử Luo Riqing [La Thụy Khanh], Tham mưu trưởng Không quân Trung Cộng, cầm đầu một phái đoàn qua Việt Nam nghiên cứu tình hình. Phái đoàn này gồm có Zeng Sheng, Đệ nhất Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải. Zhang Aiping chỉ thị cho phái đoàn là Trung Cộng sẽ thỏa mãn bất cứ những gì Hà Nội yêu cầu trong khả năng. (Zhai 2000:82-3.
Tới Hà Nội ngày 10/11/1959, phái đoàn Luo Riqing tham quan năm quân khu, phi trường, cửa biển và các nhà máy. Phạm Văn Đồng nhân danh Bộ Chính Trị Đảng LĐVN ba lần tuyên bố đặt mọi hy vọng ở sự giúp đỡ của Bắc Kinh. Tuy nhiên, tháng 5/1960, trước khi Hà Nội triệu tập Đại Hội III để công bố chính sách thôn tính miền Nam bằng võ lực, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh rằng Đảng LĐVN phải linh động, giới hạn cường độ cuộc chiến để tránh sự can thiệp trực tiếp của Mỹ–tức đấu tranh chính trị ở thành phố và vũ lực giới hạn ở nông thôn. (121) Thuật ngữ “chiến tranh nhân dân” của Mao bắt đầu được các cấp chỉ huy và tuyên giáo Việt Nam tô hồng chuốt lục, coi như kinh điển.
Tháng 12/1960, sau khi Hà Nội khai sinh giả túc Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam [MTDT/GPMN], Bắc Kinh thừa nhận ngay tổ chức “giải phóng quốc gia” này và viện trợ vũ khí, kinh tế cũng như cho mượn diễn đàn tuyên truyền tinh vi, khổng lồ của Bắc Kinh. Bởi thế, dài theo giai đoạn thứ hai của cuộc chiến 30 năm, không thiếu học giả và chính khách thế giới đưa ra lập luận rằng MTDT/GPMNVN là một phong trào “tự phát” của dân chúng miền Nam, chống lại chế độ độc tài, tham nhũng của Ngô Đình Diệm. Ngày 29/11/1961, chẳng hạn, Thượng nghị sĩ Mỹ Allen J. Ellender tuyên bố với các viên chức Mỹ tại Sài Gòn rằng tình hình rối loạn ở Nam Việt Nam chẳng liên hệ gì đến Bắc Việt. Tất cả do sự tham nhũng của chính phủ Ngô Đình Diệm. Sự tham nhũng này do viện trợ Mỹ gây nên. (122) Được Bộ Chính trị Đảng LĐVN cho ra công khai giữa lúc Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến làm đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm ngày 11/11/1960, MTDT/GPMN chính thức công bố thành lập ngày 12/12/1960, và làm lễ ra mắt đêm 19 rạng 20/12/1960 tại chiến khu C (tức Dương Minh Châu), phía bắc Tây Ninh. Nó chẳng là gì hơn một cơ cấu chính trị ngoại vi của Đảng LĐVN, do cán bộ CS quản trị trên thực tế, và điều động từ Ban Bí Thư cùng Bộ Chính Trị ở Hà Nội. (123)
Trong chuyến thăm Hà Nội từ ngày 9 tới 14/5/1960, Chu Ân Lai cũng nhắc đến thuyết “thế giới thứ ba,” yêu cầu Hà Nội chống Kremli và yểm trợ cuộc tranh chấp biên giới với India. Như để nhử mồi, khi Phạm Văn Đồng đề nghị vay 500 triệu nhân dân tệ cho kế hoạch ngũ niên, Lai nói có thể vay một số tiền lớn hơn. Nhưng khi Lê Duẩn gợi ý về “công xã nhân dân,” Ân Lai khuyên nên tập trung vào việc phát triển nông nghiệp và công nghệ nhẹ. (124)
Tại Đại Hội III của Đảng LĐVN vào tháng 9/1960, N. A. Mukhitdinov, Bí thư thứ nhất BCHTƯ Uzbekistan, chỉ được vỗ tay lịch sự khi nói về sự quan trọng của chính sách sống chung hòa bình giữa các xã hội theo hệ thống chính trị xã hội khác nhau. Trong khi đó, Lý Phú Xuân được cả hội trường nồng nhiệt hoan nghênh khi ca ngợi và hô hào “những cuộc chiến tranh giải phóng chống lại đế quốc Mỹ và tay sai người Việt.” (Radványi, 1978:30) Hồ Chí Minh và Lê Duẩn thì thề sẽ đả bại chế độ phát xít Diệm và thống nhất đất nước bằng vũ lực, và kêu gọi thành lập một mặt trận thống nhất để giải phóng miền Nam. (125)
Mặc dù chống lại việc này, Khrushchev phải quay mặt làm ngơ. (Zhai 2000:89) Trọng tâm chính sách ngoại giao của Khrushchev vẫn là Âu Châu, Trung Đông và châu Mỹ Latin.
Phần Bắc Kinh, dù chưa muốn leo thang chiến tranh, vẫn chiều theo Hà Nội với điều kiện chỉ được đánh nhỏ, cầm chân Mỹ ở Đông Dương. Rắc rối nhất là sự chia rẽ khó bề hàn gắn giữa Nga và Trung Cộng sau ngày Khrushchev hạ bệ Stalin năm 1956. Chuyến viếng thăm Trung Hoa vào tháng 10/1959 của Khrushchev chỉ làm hiềm khích giữa hai bên mở rộng. Tháng 4/1960, Nhân Dân Nhật Báo viết bài “Vạn Tuế Chủ nghĩa Lê-nin,” gián tiếp tấn công chủ trương của Khrushchev. Từ giữa năm 1960, cuộc tranh chấp Nga-Trung chuyển từ vấn đề chủ thuyết qua những lời sỉ vả. Tại Đại hội Đảng Cộng Sản Rumania vào tháng 6/1960, Khrushchev và đại diện Trung Cộng Peng Zhen (Bành Chân) trao đổi những lời nhục mạ. Phe Liên Sô lên án Bắc Kinh là “khùng,” áp dụng những đường lối “Trốt-kít” chống lại Liên Sô. Bắc Kinh chụp cho Mat-scơ-va cái mũ “xét lại.” Hồ tìm cách hòa giải, nhưng thất bại.( 126)
Tại Đại hội lần thứ ba của Đảng LĐVN (5-10/9/1960), đại diện Nga vẫn khuyên Hà Nội nên theo đuổi chính sách “thống nhất trong hòa bình” theo tinh thần hiệp định Geneva.( 127). Tuy nhiên, từ năm 1960, nếu không phải sớm hơn, Bí thư thứ nhất của Đảng LĐVN chủ trương chẳng còn một giải pháp nào khác hơn lật đổ chế độc tài, phát xít Diệm. (128)
Từ năm 1962, Bắc Kinh và Hà Nội xích lại gần nhau hơn. Một trong những lý do là chính sách hòa hoãn với Mỹ và khối tư bản của Khruschev.
Chủ thuyết tân biên cương của chính phủ John F. Kennedy (1961-1963)–nhằm đáp ứng chính sách “chiến tranh giải phóng quốc gia” của khối CS mà Tướng Maxwell D. Taylor diễn tả như những cuộc xâm lược bằng du kích chiến [Khrushchev’s “wars of liberation” which were para-wars of guerilla aggression](129)–thoạt tiên khiến Khrushchev tạm thời từ bỏ lập trường cùng tồn tại hòa bình giữa hai siêu cường. Trong hai năm 1961-1962, Khrushchev trực tiếp đương đầu Mỹ trên một trận tuyến không nguyên tử tại Cuba, Lào, Tây Berlin và Việt Nam, dưới dạng thức “chiến tranh giải phóng quốc gia.”
Tại Hội nghị thượng đỉnh Vienna (3-4/6/1961), Khrushchev chỉ đồng ý với Kennedy cho Lào được độc lập và trung lập. Ngày 16/11/1961, để phúc đáp hai lá thư của Khrushchev về Germany, Lào và Việt Nam, Kennedy cho rằng những điều Khrushchev phân tích về VN không chính xác. Khẳng định sẽ ủng hộ chế độ trung lập ở Lào và bảo vệ VNCH. Yêu cầu Khrushchev can thiệp cho BV để yên miền Nam. (130)
Biến cố “hỏa tiễn Cuba” năm 1962 tạo cơ hội cho hai phe Nga-Mỹ tìm cách giảm thiểu mối đe dọa hủy diệt nguyên tử. Nỗ lực thương thuyết các hiệp ước giới hạn vũ khí nguyên tử được khởi xướng, đạt kết quả đầu tiên vào ngày 25/7/1963 giữa ba nước Mỹ, Nga và Bri-tên. (131)
Mặc dù Trung Nam Hải cũng có những cuộc tiếp xúc bí mật với Mỹ, được Mao chấp thuận trên nguyên tắc, nhưng Mao đi dần đến lập trường chỉ còn mình Mao và 600 triệu dân Trung Hoa gánh vác cuộc trường chinh cách mạng. Con gấu Bắc Cực Liên Sô đã bị chi phối bởi thuyết Khrushchev, tức xét lại. Cọp giấy Mỹ thì vẫn là kẻ thù của “cách mạng.” Hai ngày sau khi Pravda chính thức đả kích bọn giáo điều Mao vào ngày 7/1/1963, trong bài thơ cuối cùng được công bố, Mao khẳng định: Phải diệt trọn loài côn trùng nguy hiểm, cho tới khi không còn kẻ thù nào hiện hữu.” (132)
Từ thời điểm này, nếu tin được Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN, Tổng Bí thư Đặng Tiểu Bình tìm đủ cách ly gián Hà Nội và Nga Sô, hứa sẽ viện trợ một tỉ nhân dân tệ nếu Lê Duẩn chấp thuận gia nhập khối Thế Giới Thứ Ba [11 quốc gia] do Bắc Kinh cầm đầu và ngưng nhận viện trợ Nga. (133)
Tuy nhiên, Lê Duẩn từ chối, giữ nguyên tình trạng đi giây, khai thác mâu thuẫn của hai nước vừa là đồng chí vừa là anh em, hy vọng giữ được một khoảnh trời xoay xở theo ý riêng. Hồ và Duẩn hiểu rõ rằng chỉ có Liên Sô Nga cung ứng được vũ khí tối tân để chống trả liên minh Mỹ-Diệm. Hơn nữa, sự nghi ngờ, lo sợ về áp lực Trung Hoa tồn đọng đã nhiều đời. Để duy trì quan hệ bất bình đẳng Hoa-Việt, không thể không có những đồi tác mạnh hơn hay ngang hàng với Bắc Kinh. Hình ảnh biểu trưng nhất của Đảng LĐVN là một con bạch tuộc nhiều vòi–hai vòi lớn nhất hướng về Mat-scơ-va và Bắc Kinh; trong khi những chiếc vòi nhỏ khác chia nhau nhòm ngó tứ phương xin viện trợ và yểm trợ chính trị-ngoại giao từ Đông Âu qua Trung Đông, Nam Mỹ, trong chiến lược mà cán bộ Trung Cộng và Đông Âu mỉa mai là “anh hùng khất thực.” Hồ Chí Minh sau này còn viết thư cho cả Giáo Hoàng Ki-tô và Tổng thống Pháp Charles de Gaulle yêu cầu tìm một giải pháp cho Việt Nam trên lập trường của Hà Nội và giả túc MTDT/ GPMNVN, căn bản do Ban Bí Thư cùng Bộ Chính Trị ở Hà Nội soạn thảo.
Sự rạn nứt Nga-Hoa khiến Hà Nội rơi vào tình trạng bối rối. Cả hai cường quốc đàn anh đều muốn lôi kéo Hà Nội về phía mình. Hà Nội thì chỉ muốn khai thác mâu thuẫn của hai đàn anh để hưởng lợi, thực hiện tham vọng “nhất thống” đất nước, đưa Đảng CSVN lên vị thế cầm quyền, hầu có toàn quyền thay tim, đổi óc con người. Bởi vậy, Hà Nội giữ một khoảng cách vừa phải với Kremli, trong khi tình thân “môi hở, răng lạnh” với Bắc Kinh cải thiện. Tuy nhiên, Hà Nội không hoàn toàn thỏa mãn trong vòng tay che chở của Trung Nam Hải, vì cho tới tháng 5/1963, Bắc Kinh vẫn khuyên Hà Nội chỉ nên đánh nhỏ, cầm chân Mỹ ở miền Nam, và chỉ cung cấp cho MTDT/GPMN vũ khí nhẹ. (134)
Khai thác mâu thuẫn giữa các đối tác để giành phần bánh lớn nhất có thể có cho mình là bài học khai tâm của đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi thế, ngày 16/1/1963, tin từ Paris ghi nhận ảnh hưởng Trung Cộng gia tăng ở Bắc Việt. Nhiều nguồn tin Pháp ghi nhận số cố vấn Liên sô giảm từ 60 tới 15% trong hai năm 1960-1961; trong khi cố vấn TC tăng từ 28% tới 80%. (135)
Việc Mat-scơ-va đòi Bắc Việt trả nợ, và nhất là việc thương thuyết hiệp ước giới hạn thí nghiệm vũ khí nguyên tử giữa Mat-scơ-va và Mỹ càng khiến Lê Duẩn-Lê Đức Thọ nghiêng dần về phía “giáo điều” Trung Cộng, dù không công khai chống lại phe “xét lại” Nga.
Tháng 3/1963, La Thụy Khanh lại dẫn đầu một phái đoàn quân sự thăm Hà Nội, có lẽ để đánh giá chiến thắng Ấp Bắc. Hai tháng sau, Lưu Thiếu Kỳ–Chủ tịch NN, kiêm Phó Chủ tịch Đảng CSTH–thăm Hà Nội từ 10 đến 16/5/1963. Sau khi gặp Hồ và Lê Duẩn, Thiếu Kỳ tuyên bố Trung Cộng sẽ là hậu phương lớn cho VNDCCH nếu Mỹ tấn công. Thiếu Kỳ còn khen diễn văn của Lê Duẩn trong tháng 3/1963 nhân dịp giỗ thứ 80 Marx, ca ngợi mô hình chiến tranh cách mạng của Đảng CSTH, và xác định chiến tranh giải phóng mới bảo vệ hòa bình một cách tích cực vì làm suy yếu đế quốc Mỹ. Trong tuyên cáo chung, cùng đả kích xét lại Tito. (136)
Ngày 4/6/1963, Mao còn nói với một phái đoàn CSBV tại Wuhan về việc Nga đòi nợ Hà Nội. Theo Mao, vay nợ TH lúc nào có trả cũng được; không trả cũng chẳng sao. (137)
Việc Khruschchev ký với Mỹ và Bri-tên Hiệp ước cấm thí nghiệm nguyên tử trên không gian, trong khí quyển và dưới đáy biển [The Treaty Banning Nuclear Weapons Tests in the Atmosphere, in Outer Sapce and Under the Water] tại Mat-scơ-va (14 UST 1313) ngày 5/8/1963) tạo cơ hội cho Bắc Kinh công khai phủ nhận vị thế lãnh đạo khối CS của Kremli. Ngày 31/7/1963, Bắc Kinh gay gắt phản đối hiệp ước trên–một văn kiện chứng tỏ sự bội phản của Nga Sô với phong trào Cộng Sản–tức thỏa hiệp với đế quốc Mỹ. Từ ngày này, quan hệ giữa Kremli và Bắc Kinh trở thành công khai đối nghịch. Hà Nội có vẻ bênh vực lập trường BK. (138)
Tháng 9/1963–khi Khrushchev triệu tập một cuộc hội thảo để trục xuất Bắc Kinh khỏi phong trào CS– Chu Ân Lai tổ chức một cuộc gặp mặt đại biêu các Đảng CS Việt, Lào, Indonesia. Phái đoàn Việt Nam có Nguyễn Chí Thanh, và Mười Cúc [Nguyễn Văn Linh], (Zhai, 2000:117-19). Có lẽ đây là dịp Lai đề nghị 11 nước liên minh chống Nga, nhưng vì Lê Duẩn từ chối, nên không thành. Theo Hà Nội, Đặng Tiểu Bình từng đề nghị 1 tỉ nhân dân tệ nếu Hà Nội ngưng nhận viện trợ Nga. (139)
Tuy nhiên, tháng 10/1963, Hà Nội đả kích lập trường xét lại của Yugoslavia và Tito, đồng thời bênh vực lập trường giáo điều [“dogmatism”] của Bắc Kinh. Để khuyến khích Hồ và Đảng LĐVN gia nhập khối tân QTCS do Bắc Kinh chủ trương, tháng 12/1963, Li Tianyou [Lý Thiên Hữu], Phó TTMT PLA, dẫn một phái đoàn quân sự sang thăm VN. Trong khi đó, Hội nghị 9 khoá III của Đảng LĐVN quyết nghị đưa quân chính qui CSBV vào Nam. Và ngày 27/12/1963, Mao viết thư nồng nhiệt khen Hồ có một cuộc đàm thoại xuất sắc với Mao.(140)
Chưa một tư liệu nào của chính phủ Diệm liên quan đến quan hệ giữa Bắc Kinh, Mat-svơ-va và Hà Nội được phát hiện. Nhưng một chi tiết đáng ghi nhận là chiều ngày 2/9/1963, Nhu nói với Lodge rằng Trung Cộng từng đề nghị bán hai [2] phi cơ U-40. Thực chăng có đề nghị trên? Chi tiết này liên quan gì đến việc Y sĩ Trần Văn Đỗ và Ngô Đình Luyện thường nhắc đến lời mời thiết lập một Tòa Lãnh sự Nam Việt Nam tại Bắc Kinh của Chu Ân Lai sau khi ký Hiệp định Geneva 20-21/7/1954? Hiển nhiên, anh em Diệm Nhu rất mơ hồ về sự rạn nứt Nga-Hoa, cùng ảnh hưởng của nó trên chủ trương “cách mạng là tấn công, không tấn công là thất bại” của Hồ và Lê Duẩn.
Cho tới khi tài liệu văn khố giải mật, chúng ta mới biết rõ được bàn tay của Trung Cộng và cán bộ tình báo nằm vùng của Trung Cộng trong cảnh mà Cố vấn Ngoại giao McGeorge Bundy gọi là “cơn điên cuồng tập thể trong một gia đình cai trị chưa hề thấy từ thời Nga Hoàng.”
B. VATICAN:
Giáo hoàng John XXIII (1958-1963), người từng trao đổi quà tặng với Khrushchev nhân dịp Giáng Sinh 1962, cũng ít nhiều tiếp tay anh em Diệm-Nhu trong việc “ve vãn” Cộng Sản (với niềm tin rằng Hồ Chí Minh chủ hòa, và Trung Cộng chủ chiến).
Từ năm 1962, John XXIII bắt đầu tách khỏi vị thế “thánh chiến chống Cộng,” tìm cách hòa hoãn với Liên Sô Nga và Đông Âu. Hơn 100 triệu tín đồ Đông Âu hẳn có giá trị chiến lược cao hơn năm, sáu triệu tín hữu của “cô con gái đầu lòng” tại Đông Nam Á.
Vì thế, họ có thể khuyến khích Nhu mở đường giây đối thoại với Hà Nội. Sau cái chết của anh em Diệm, Paul VI (1963-1978), người kế vị John XXIII, còn hăng say hơn trong việc mưu tìm hòa bình cho Việt Nam. [Năm 1968, Vatican tự hào tuyên bố là đã góp công lớn cho Hà Nội ngồi vào bàn hội nghị với Mỹ tại Paris].
Những nhà nghiên cứu tương lai không thể không làm việc trên văn khố Hội Truyền giáo Pháp và nhất là Vatican về những bước thoái trào của cuộc thánh chiến chống Cộng tại Việt Nam. Tác phẩm Bồ Đề và Thập tự giá của Ghedo mới chỉ cung cấp những nét thủy mạc của mối liên hệ cực kỳ tế nhị và phức tạp này. (141)
.
C. INDIA:
Từ đầu cuộc chiến 1945-1975, India đã bày tỏ thiện cảm với chính phủ Hồ Chí Minh. Với phương vị một quốc gia trung lập, India được cử làm Chủ tịch UBQT/KSĐC. Ngày 26/7/1956, Nguyễn Cơ Thạch, Tổng lãnh sự Hà-Nội, trình ủy nhiệm thư tại India.(142)
Ngày 4/2/1958, HCM cầm đầu một phái đoàn qua thăm India [cho tới ngày 17/2/1958]. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Cộng và India bùng nổ, Hồ chọn vị thế trung lập.
Ngày 7/12/1961, khi Phạm Ngọc Thạch (từng tiếp xúc mật với Mỹ từ năm 1946-1947) tới New Dehli (India), chính phủ Mỹ chuyển cho Thạch một văn bản minh định lập trường của Mỹ, đó là yểm trợ một chế độ miền Nam chống Cộng. (143)
Ngày 5/5/1962, từ New Dehli, Đại sứ John K. Galbraith báo cáo rằng phe “ôn hòa” ở Hà Nội muốn tiếp xúc với miền Nam. (144) Phải chăng vì thế mà cuối tháng 10/1963, nếu tin được Trần Văn Dĩnh, chính phủ India định dàn xếp cho đại diện Hà Nội gặp đại diện của Diệm ở New Dehli vào khoảng trung tuần tháng 11/1963? (Xem supra)
D. PHÁP:
Liên hệ giữa Pháp và Nam Việt Nam từ năm 1954 tới 1963 khi vui, lúc buồn bất chợt. Sau hơn 20 năm sống trong sự nghi ngờ của các viên chức Bảo hộ Pháp–đi tu thì không thành, người vợ chưa cưới bỏ vào dòng tu kín Carmel–Diệm bắt đầu đi tìm những bát cơm mới, khác với bát cơm bảo hộ Pháp mà Ngô Đình Khả, Khôi, Thục và cá nhân Diệm từng kiêu hãnh hưởng thụ. (145)
Sau gần bốn năm trời tự đặt mình trong quĩ đạo Hiến binh [Kempeitai] Nhật ở Huế và Sài Gòn, từ cuối năm 1946 Diệm hướng về Oat-shinh-tân. Bởi thế một số đạo hữu của Diệm, như Giám mục Lê Hữu Từ và Luật sư Lê Quang Luật, từng gọi Diệm là “trùm chăn,” không chịu tích cực yểm trợ chế độ Bảo Đại do Pháp tạo ra.
Khác với dư luận người Việt đồn đại, Diệm chẳng có bao công lao trong việc giành độc lập cho Việt Nam từ tay Pháp. Tháng 7/1933, Diệm đã từ chức Thượng thư Bộ Lại chỉ vì cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa nhóm hợp tác cựu trào (tiêu biểu bằng Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài thuộc khối Ki-tô giáo) và (tân trào tiêu biểu bằng Phạm Quỳnh, Nguyễn Thái Bạch, Nguyễn Bá Trác, Huỳnh Thúc Kháng). Nhóm tân trào chủ trương hợp tác thay vì đồng hóa (tức Ki-tô hóa, theo kế hoạch Puginier) mà nhóm cựu trào cổ động. Thành tích “chống Pháp” của Diệm, thực ra, chỉ khởi đầu từ ngày ngả theo Nhật vào khoảng năm 1942-1944, và rồi mưu cầu viện trợ Mỹ từ năm 1946, qua trung gian hệ thống Giáo hội Vatican. (146)
Trên thực tế, từ ngày 4/6/1954 (nếu không phải 3/7/1953), Pháp đã đồng ý trả lại độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. Tuy nhiên, do tình thế quân sự trong hai năm 1954-1955, Mỹ và Pháp–với sự đồng ý, nếu chẳng phải yêu cầu của Diệm–muốn lưu giữ quân viễn chinh Pháp tại phía Nam vĩ tuyến 17 hầu bảo vệ cho vùng đất này, trong khi chờ đợi cuộc tổng tuyển cử dự trù vào tháng 7/1956, hoặc một biến chuyển chính trị mới.
Vì Diệm là lá bài của phe cực hữu Pháp, với sự chấp thuận của Mỹ, nên hai đề nghị của Diệm đều được chấp thuận. Tháng 9/1954, Pháp thuận tham gia Liên Minh phòng thủ Đông Nam Á [Southeast Asian (Collective Defense) Treaty Organization, hay SEATO]. Đổi lại, Liên bang Mỹ đồng ý trả quân phí cho quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương.
Liên minh Mỹ-Pháp này là điều chế độ Diệm, đặc biệt là Bùi Văn Thinh và Trần Chánh Thành, cố tình dấu kín dư luận Việt Nam. Thực ra, chính nhờ liên minh Mỹ-Pháp trong giai đoạn 1954-1955, họ Ngô mới được thừa hưởng quyền cai trị miền Nam vĩ tuyến 17 “từ trên trời rớt xuống.”
Mặc dù cũng muốn duy trì một miền Nam chống Cộng, điểm khác biệt giữa Pháp và Mỹ là khả năng lãnh đạo của Diệm. Các viên chức Pháp đều cho rằng Diệm không đủ khả năng lãnh đạo một chế độ chống Cộng ở miền Nam, và muốn thay Diệm từ mùa Hè 1954, ngay sau khi ký Hiệp ước Geneva. (Một chuyên viên Pháp từng nhận định rằng một lãnh tụ đủ khả năng duy trì miền nam chống Cộng hoặc đã chết (Nguyễn Hữu Trí), hoặc còn đang ở tuổi ấu thơ, hoặc chưa sinh ra đời) Hơn nữa, Pháp còn có những quyền lợi kinh tế và văn hóa ở miền Bắc, nên muốn duy trì tòa Tổng Đại biểu ở Hà Nội, và thành lập một công ty hỗn hợp Pháp-CSVN. Qua mắt nhìn của họ Ngô, Pháp theo đuổi chính sách thời cơ, không triệt để ủng hộ Diệm và phản bội lại cuộc “thánh chiến chống Cộng.” Tuy nhiên, vì nhận hiểu tình trạng sơ sinh của Quân đội Quốc Gia Việt Nam, Diệm vẫn núp bóng quân viễn chinh Pháp trong giai đoạn hòa bình chuyển tiếp mà Hiệp ước Geneva mang đến–dù trên danh nghĩa cả Quốc Gia Việt Nam lẫn Mỹ đều không ký hoặc nhìn nhận hiệp ước nói trên (chỉ tôn trọng [respect]).
Phần vì bị ràng buộc bởi Hiệp ước Geneva, phần vì muốn chiều lòng Mỹ, chính phủ Pierre Mendès-France tạm thời chấp thuận yểm trợ Diệm, với điều kiện sẽ phải tìm một giải-pháp-khác-Diệm, tức tìm một người khác làm Thủ tướng (vào khoảng tháng 11/1954).
Sau ba ngày hội thảo, chiều 29/9/1954, Mỹ và Pháp ký mật ước [Minute of Understanding] Walter B. Smith-Guy La Chambre, ủng hộ Diệm và chính phủ chống Cộng ở miền Nam. Pháp hứa trả tự trị cho VN càng sớm càng tốt. Việc bàn giao các cơ sở hành chính, kinh tế sẽ hoàn tất vào cuối tháng 12/1954.
Tuy nhiên ngày Thứ Bảy, 2/10, Bộ Ngoại Giao Pháp gửi thư cho Bộ Các Quốc Gia Liên Kết, thông báo bỏ câu “yểm trợ chính phủ Diệm” trong mật ước ngày 29/9/1954. Nói cách khác, Pháp chỉ còn ủng hộ nguyên tắc một chính phủ chống Cộng ở miền Nam, không nhất thiết do một cá nhân nào cầm đầu. Đây là nguồn gốc của tình trạng căng thẳng giữa Diệm với Paris.
Trong khi đó, ngày 28/9/1954, Bảo Đại nói với Maurice Dejean, Phụ tá Tổng ủy viên đặc trách dân sự, là Diệm cần phải rời chính quyền để chiến thắng Việt Minh, và đề cử Tướng Nguyễn Văn Xuân thay thế. Đại sứ Donald Heath, phải xin với BNG cho qua Cannes gặp Bảo Đại. Bởi thế, trong buổi hội kiến ngày 3/10/1954, Bảo Đại khẳng định không chống lại việc giữ Diệm làm Thủ tướng, và giải thích rằng lệnh bắt Diệm nhận Xuân, Hinh và Bảy Viễn vào chính phủ là một “lầm lẫn khi thảo văn thư [drafting error].”
Tại Sài Gòn, sau khi thuyết phục Bảo Đại cho lệnh Tướng Nguyễn Văn Hinh rời nước vào tháng 11/1954, ngày 13/12/1954 hai Tướng J. Lawton Collins và Paul Ely ký với một mật ước [Minute of Understanding] khác, khẳng định yểm trợ một miền Nam tự do, chống Cộng. Pháp hứa sẽ trả quyền tự trị hoàn toàn cho miền Nam ngày 1/7/1955; và cơ quan MAAG Mỹ sẽ bắt đầu huấn luyện Quân Đội QGVN từ tháng 1/1955, dưới quyền tổng quát của Tổng Tư lệnh Đông Dương (Ely). Quân đội viễn chinh Pháp sẽ ở lại Đông Dương, và Mỹ viện trợ 100 triệu Mỹ kim quân phí. Ngày 16/12/1954, BNG và QP Mỹ chấp thuận thoả ước này. Nhưng Pháp không hài lòng, vì chỉ được 1/4 số quân viện đòi hỏi. Ngày 18/12/1954, nhân dịp nhóm họp ở Paris, các Ngoại trưởng Dulles, Eden và Mendès-France họp tay ba về Việt Nam. Thoạt tiên, Mandès-France khẳng định phải ngưng yểm trợ Diệm, nhưng cuối cùng, đồng ý với Dulles 3 điểm: (a) Tiếp tục ủng hộ Diệm; (b) Nghiên cứu một giải pháp khác; (c) Chỉ thị cho Collins và Ely nghiên cứu giải pháp khác Diệm, kể cả việc sử dụng Bảo Đại. Collins và Ely cũng nghiên cứu thời gian còn có thể tiếp tục yểm trợ Diệm, và đặt ra thời hạn chót. Dulles đưa thêm điểm thứ tư: Nếu thấy không ai khá hơn Diệm, Mỹ sẽ nghiên cứu có nên tiếp tục đầu tư vào Đông Dương nữa hay chăng. Trường hợp này, sẽ phải xét lại chính sách Đông Dương, và tham khảo ý kiến của các tiểu ban Quốc Hội.
Ngày 6/1/1955, Guy La Chambre than phiền với Đại sứ Mỹ tại Pháp (Douglas Dillon) rằng La Chambre rất bất mãn mật ước ngày 18/12/1954. Sự thỏa thuận giữa ba Ngoại trưởng tương phản lại những gì Tướng Smith và La Chambre đã thỏa thuận vào tháng 9/1954, khi Pháp đồng ý ủng hộ Diệm: Đó là cho Diệm một thời gian vừa phải, rồi sẽ nghiên cứu một thí nghiệm khác. Theo La Chambre, “thời gian vừa phải” đã chấm dứt từ lâu, nếu Mỹ từ chối thực hiện một thí nghiệm khác, sẽ không còn đủ thì giờ đương đầu Việt Minh trong kỳ Tổng Tuyển cử 1956. Tuy nhiên, La Chambre tạm yên lòng khi Ngoại trưởng Dulles sẵn sàng nghiên cứu biện pháp khác Diệm, và hy vọng rằng Dulles sẽ cho Collins toàn quyền để phối hợp với Ely tìm ra biện pháp khác ấy. La Chambre tiết lộ đã chỉ thị cho Ely trở lại Sài Gòn để làm việc với Collins, hầu tìm ra một phương thức trước cuối tháng 1/1955. Chính phủ Pháp cũng đồng ý duy trì 75,000 quân viễn chinh Pháp cho tới ngày 1/6/1955. Sau đó, việc triệt thoái sẽ từ từ cho tới trước ngày Tổng tuyển cử. Theo La Chambre, giải pháp tốt nhất là cho Bảo Đại hồi hương tức khắc. Trần Văn Hữu có thể làm Thủ tướng; Nguyễn Văn Tâm coi Nội vụ. Diệm có thể tham gia chính phủ.
Một biến cố khác khiến liên hệ giữa Pháp và Diệm thêm căng thẳng là Pháp khai trương Tòa Tổng Đại biểu ở Hà Nội ngày 26/12/1954. Jean Sainteny, người đã ký Tạm ước 6/3/1946 với Hồ, được cử làm Tổng Đại biểu. Mỹ cũng không tán thành việc lập những tổ hợp liên doanh Pháp-Bắc Việt. La Chambre biện minh rằng Sainteny chỉ lo về quyền lợi kinh tế và thương mại, và Pháp dự định họp các công ty ở miền Bắc thành một tổ hợp lớn để dễ điều hành. Ngày 11/2/1955, Jacques Roux, Phó Tổng Giám đốc Chính trị vụ BNG Pháp, nói thẳng với nhân viên Mỹ rằng kế hoạch duy trì quyền lợi kinh tế và văn hoá tại Bắc VN không phải là ý riêng của Sainteny, mà là chính sách của Pháp. Pháp chẳng có lợi gì khi rút lui, vì cố vấn Trung Cộng sẽ thay thế, và điều khiển các cơ sở Pháp để lại. Sự hiện diện của Pháp sẽ khiến Hồ bớt tùy thuộc vào quĩ đạo CS. Roux nhấn mạnh rằng Hồ, trái ngược với miền Nam, muốn Pháp ở lại; và Việt Minh muốn Pháp hướng dẫn kỹ thuật. Roux hy vọng Mỹ nghiên cứu lại vấn đề những công ty hỗn hợp Pháp-Việt Minh sẽ không bị ràng buộc trong Sắc Luật “buôn bán với các quốc gia Cộng Sản” của Mỹ. Nhưng BNG Mỹ vẫn không đồng ý kế hoạch công ty hỗn hợp Pháp-Bắc Việt. Theo kế hoạch này, Hà Nội giữ đa số cổ phần, như thế đi ngược lại lời tuyên bố yểm trợ Nam VN và chính sách liên hiệp Pháp-Mỹ; nó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của Pháp tại Lào và Cambodia; và làm hại đến cơ hội của miền Nam trong cuộc Tổng tuyển cử 1956.
Trong mùa Xuân 1955, liên hệ Pháp-Việt thêm căng thẳng qua quyết định tấn công Bình Xuyên và các giáo phái của Diệm. Từ ngày 30/3/1955, Đặc sứ Collins lại muốn thay ngựa sau khi Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, nhóm Tinh Thần và Hồ Thông Minh xin từ chức, trong khi Diệm ngày một hiếu chiến với các giáo phái và Bình Xuyên. Ngày 7/4, Tướng Ely cũng cảm thấy rằng không thể cứu được miền Nam nếu giữ Diệm. Hai ngày sau, 9/4, Collins lập lại đề nghị xin thay Diệm. Thoạt tiên, Ngoại trưởng Dulles đồng ý. Chính phủ Edgar Faure cũng nhiệt liệt tán thành. Nhưng ngày 17/4, do sự can thiệp của TNS Mansfield, Eisenhower muốn giữ Diệm vì chưa thấy “ngựa” nào khá hơn. Khi Collins ra điều trần trước HĐANQG ngày 28/4, do sự ủng hộ nhiệt thành Diệm của Mansfield, Lansdale và phe quân sự tại Việt Nam, Eisenhower cuối cùng quyết định duy trì Diệm.
Trong khi đó, tại Việt Nam, ngày 28/4, Diệm cho Quân đội tấn công Bình Xuyên, thu lại sự kiểm soát ngành Cảnh Sát trong vòng một tuần lễ. Lê Văn “Bảy” Viễn phải chạy qua Pháp. Diệm cũng chống lại lệnh Bảo Đại, không chịu qua Cannes tham khảo. Đồng thời, sử dụng Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng do Nguyễn Thành Phương và Trình Minh Thế đứng đầu, phát động phong trào đòi Pháp triệt thoái và truất phế Bảo Đại. Sau đó, mở những cuộc càn quét cứ điểm Hòa Hảo, Cao Đài. Phạm Công Tắc chạy qua Pnom Penh tị nạn. Tướng “Năm Lửa” Trần Văn Soái về hàng. Lãnh chúa Hòa Hảo cuối cùng là Ba Cụt Lê Quang Vinh bị bắt sống khi về thương thuyết, rồi bị làm hai án tử hình.
Chiến thắng này khiến Eisenhower quyết tâm ủng hộ Diệm, chấp thuận cho Diệm truất phế Bảo Đại, thiết lập chế độ Cộng Hòa. Đồng thời, quay mặt làm ngơ cho Diệm mở chiến dịch bài Pháp dữ dội. Giám mục Thục còn vận động việc triệu hồi các nhà truyền giáo để “Việt Nam hóa” giáo hội Ki-tô bản xứ.
Pháp chẳng còn chọn lựa nào khác hơn là rút nhanh quân viễn chinh khỏi Đông Dương. Hội nghị Tam cường từ ngày 9 tới 11/5/1955 tại Paris đánh dấu sự tách biệt giữa Mỹ và Pháp. Faure đồng ý yểm trợ Diệm với hai điều kiện: Ngưng chống Pháp; và, mở rộng chính phủ. Faure cũng muốn tạm thời duy trì Bảo Đại. Dulles đề nghị Pháp tiếp tục ủng hộ Diệm cho đến ngày bầu cử Quốc Hội, để quyết định thể chế miền Nam, có hay không có Diệm.
Ngày 12/5, Dulles chỉ thị Collins thông báo với Diệm về những điểm đã đồng ý trong Hội nghị Tam cường. Hôm sau, 13/5, Dulles chỉ thị cho G. Frederick Rheinardt, tân Đại sứ được chỉ định, về những việc phải làm:
(1) Tiếp tục yểm trợ chính phủ Diệm, và đối xử với chính phủ này như một chính phủ độc lập, có chủ quyền mà chúng ta tin rằng nó là như thế và phải như thế.
(2) Chúng ta muốn thấy chính phủ này mạnh hơn.
(3) Chính phủ sẽ có quyền không những với quân đội mà cả cảnh sát. Bình Xuyên phải bị giải tán.
(4) Cần chấm dứt việc chống Pháp.
(5) Mỹ và VN đều không ký hiệp ước Geneva, nhưng đồng ý nghiên cứu việc Tổng tuyển cử vào tháng 7/1956, với điều kiện được tự do bầu cử.
(6) Quân Pháp sẽ triệt thoái nhanh khỏi Nam Việt Nam.
(7) Tự do không thể duy trì được ở VN nếu các lực lượng cách mạng được mang ra chơi ở VN. Chắc chắn VM sẽ tìm cách điều khiển vì họ là những bậc thày trong ngành này. Diệm cần thi hành một chính sách ôn hòa và xây dựng.
Hôm sau, 14/5, Collins rời Việt Nam. Alphonse A. Kidder XLTV một thời gian. Ngày 21/5, Kidder báo cáo đã thông báo với Ely về kết quả hội nghị Tam cường ở Paris. Ely không tán thành nghị quyết trên, và xin hồi hương.
Trong khi đó, Diệm phát động phong trào bài Pháp và truất phế Bảo Đại. Ngày 31/5, Hội đồng Nhân Dân Cách Mạng bắt mở cửa Ngọ Môn, tịch thu ấn tín và nhiều vật dụng trong văn phòng Bảo Đại. Đứa con “tập ấm” của “bát cơm Bảo hộ Pháp” quyết tâm vùi chôn một lần và mãi mãi “tàn dư phong, thực, cộng.” Người cầm đầu chiến dịch chống Pháp này là Trần Chánh Thành. Hơn một tháng sau–nhân dịp 20/7/1955, ngày dự trù bàn thảo về việc Hiệp thương Bắc-Nam–Diệm phát động chiến dịch Tố Cộng, kéo dài từ 15 tới 22/7/1955. Thuộc hạ Diệm còn tổ chức học sinh, sinh viên di cư biểu tình tấn công phái đoàn quân sự BV của Văn Tiến Dũng tại khách sạn Majestic và khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo. Ba tháng sau, Diệm tổ chức “trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại ngày 23/10/1955, bước lên ngai vị Tổng thống.
Ngày 1/12/1955, Diệm cắt đứt liên hệ kinh tế và tài chính với Pháp, và đòi triệu hồi phái đoàn Sainteny ở Hà Nội. Ngày 7/12, ra Dụ số 10 về quốc tịch. Theo một tờ trình của Bộ Tư lệnh Viễn chinh Pháp, ngày 23/1/1956, 6,650 trong số khoảng 7,000 người Việt có quốc tịch Pháp trước ngày 8/3/1949 đã xé bỏ quốc tịch. Trong số này, có các tướng Trần Văn Minh, André Trần Văn Đôn và 14 sĩ quan cao cấp khác. Y sĩ Trần Văn Đôn, cha André Đôn, đại sứ ở Roma, và Luật sư Trần Văn Chương, đại sứ ở Mỹ, cũng xin bỏ quốc tịch. Những người có quốc tịch Pháp sau ngày 8/3/1949 sẽ tự động bị hủy bỏ vì hiệp ước Pháp-Việt ngày 6/8/1955. (147)
Tháng 4/1956, quân viễn chinh Pháp triệt thoái khỏi Nam Việt Nam.
Pháp vẫn duy trì Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Paris, nhưng từ năm 1962 đón nhận một đại diện thương mại của Hà Nội. Trong khi đó, Tòa Đại sứ Pháp đặt tại Sài Gòn, nhưng Pháp cũng có một đại diện ở Hà Nội. Pháp viện trợ kinh tế và văn hóa cho VNCH, nhưng cương quyết đứng ngoài “cuộc thánh chiến chống Cộng” của Diệm và nước Mỹ. Chính sách công khai của Pháp là không can thiệp vào chính trị nội bộ của Việt Nam, mà chỉ lo vấn đề kinh tế và văn hóa với cả hai miền.
Giao tình Việt-Pháp cải thiện vào năm 1959, sau khi Roger Lalouette tới làm Đại sứ. Pháp cho VNCH vay 70 triệu MK để thực hiện khu kỹ nghệ An Hòa, cùng một số công trình kỹ nghệ khác. Nhưng tình trạng suy thoái an ninh ở Lào, và nhất là việc Pháp ký Hiệp ước hoàn trả Việt kiều từ Nouvelle Calédonie về Bắc Việt khiến họ Ngô luôn luôn hoài nghi Pháp.
Ngày 24/8/1960, chẳng hạn, Nhu nói với Đại sứ Durbrow rằng người Pháp đứng sau vụ Kong Le đảo chính ở Lào. Nhu cũng tin rằng Pháp đứng sau lưng các nhóm bất mãn ở miền Nam để gia tăng tinh thần trung lập. Pháp lầm lẫn tưởng rằng giảm ảnh hưởng của Mỹ tại Lào và Việt Nam có thể giúp Pháp tăng gia ảnh hưởng trong vùng. De Gaulle đã lầm lẫn khi ký hiệp ước với Hà Nội về việc hồi hương Việt kiều tại Nouvelle Calédonie sẽ khiến Hà Nội giảm bớt ao ước xâm chiếm Lào hay Nam Việt Nam.( 148)
Sau chuyến thăm Pháp lần thứ ba vào tháng 6/1961–mặc dù de Gaulle từ chối không can thiệp vào Lào như lời yêu cầu của Kennedy ngày 31/5/1961–Nhu và các viên chức Việt Nam Cộng Hòa tìm cách cải thiện liên lạc với Pháp.( 149)
Một trong những lý do là tình hình miền Nam ngày thêm suy thoái, khiến ngày 18/10/1961 Diệm phải tuyên bố tình trạng lâm nguy.
Ngày 26/10/1961, khi gặp Lalouette, Diệm nói tình hình nghiêm trọng. Cần sự liên kết của tất cả các quốc gia tự do chống lại Cộng Sản. “Trường hợp chúng tôi là điển hình. Nước Pháp sẽ làm gì?” [Nos cas est un symbole. Que va faire la France?] Việc quân đội Mỹ đến VN sẽ được dân Việt Nam nồng nhiệt tiếp đón. [La présence des forces alliées sur le territoire d'un pays, a-t-il ajouté, n'est plus considérée aujourd'hui comme une atteinte à l'indépendance de ce pays.] Khi được hỏi liệu khi tình hình khẩn trương, Diệm có kêu gọi sự giúp đỡ của các cường quốc thân hữu, Diệm trả lời: “Trong những công điện mới đây, tôi đã khẩn thiết kêu gọi sự đoàn kết của Thế giới Tự Do. Lập lại những lời kêu gọi trên chỉ khiến làm giảm ý nghĩa” [Dans mes récents messages, j'ai déjà adressé un appel pressant à la solidarité du Monde Libre. Renouveller cet appel serait en affaiblir la portée]. Theo Diệm, một cuộc chiến tranh Cao Ly thứ hai đang hiện hữu ở miền Nam [La guerre de Corée existe déjà au Vietnam, mais elle n'avoue pas son nom].( 150)
Theo phúc trình ngày 9/1/1962 của Nha Á Châu-Đại Dương, Sở Căm-Bốt-Lào-Việt, từ tháng 10/1961, các giới trong Dinh Độc Lập còn cho Pháp biết là muốn cân bằng áp lực Mỹ bằng cách dựa vào các thế lực khác, nhất là Pháp. “Một lời tuyên bố ý định đã đủ.”( 151)
© 2003, 2010 by Chieu N. Vu. All Rights Reserved.