- Bão Lòng
- Văn Học Miền Nam
- Thơ Viết Trong Ngày Mưa
- Kẻ Ngoài Cuộc
- Tượng Đá Cầm Gươm
- Thơ Đoàn Minh Châu
- Sau Chuỗi Đập Vân Nam Thêm Sáu Dự Án Đập Hạ Lưu Sông Mekong Đang Chết Dần
- Về Quan Điểm Và Phương Pháp Viết Văn Học Sử Ở Việt Nam Hiện Nay
- Liên Hệ Việt Nam Và Pháp Trước 1858 (phần 2)
- Hội Kín
- Ngó Vô Từ Ngoài
- Người Thả Ống Lươn
- Mưa Ở Phnom Penh
- Nói Với Cháu Nội
Mỗi dân tộc đều có một lịch sử văn học thống nhất. Nhưng trong lòng mỗi dân tộc luôn có những quan điểm nghiên cứu lịch sử văn học khác nhau, ở các thời kỳ lịch sử khác nhau, hay thậm chí trong cùng một thời điểm lịch sử nhất định.Vì vậy mà việc xây dựng một bộ lịch sử văn học thống nhất nhiều khi tưởng chừng không thể thực hiện nổi[1].
Nhu cầu viết lịch sử văn học Việt Nam thực chất được đặt ra từ những năm 40 của thế kỷ này. Những bộ lịch sử văn học đầu tiên của Việt Nam được biết đến là Đại Việt văn học lịch sử của Nguyễn Sĩ Đạo[2], Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi[3], Việt Nam văn học: Văn học đời Lý và Việt Nam văn học: Văn học đời Trần của Ngô Tất Tố[4], Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm[5]... Đó là những tác phẩm đầu tiên của lớp người "khai sơn phá thạch" cho một ngành khoa học mới mẻ mà vô cùng quan trọng: Ngành nghiên cứu lịch sử văn học ở Việt Nam.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, qua bao biến cố lịch sử, ngành nghiên cứu lịch sử văn học không ngừng phát triển. Các nhà nghiên cứu văn học sử, từ nhiều góc nhìn khác nhau, đã không ngừng đi sâu khám phá lịch sử văn học dân tộc, và xây dựng những bộ lịch sử văn học ngày càng có giá trị khoa học, góp phần nâng cao tri thức cho nhân dân.
Hiện nay tại nước Việt Nam có tới vài chục cuốn lịch sử văn học. Ở đây, chúng tôi không nói tới chất lượng của các cuốn lịch sử văn học đó. Điều đáng bàn là, chúng ta chưa có quan điểm và phương pháp biên soạn lịch sử văn học thống nhất. Sự không thống nhất này đã tồn tại hơn nửa thế kỷ qua mà nguyên nhân là do những tư tưởng khoa học, chính trị, xã hội khác nhau, thậm chí đối lập nhau, do bối cảnh lịch sử phức tạp của nước Việt Nam đưa lại. Chúng tôi thấy có bốn quan điểm chính đã tồn tại trong ngành nghiên cứu văn học sử của chúng ta:
1. Quan điểm lấy ngôn ngữ văn học làm căn cứ để nghiên cứu lịch sử văn học. Đây là quan điểm văn học sử đã xuất hiện từ rất sớm. Người ta có thể thấy mầm mống của quan điểm này được thể hiện đây đó trong một số công trình văn học sử của Nguyễn Sĩ Đạo[6], Thanh Lãng[7], Phạm Văn Diêu[8], Hà Như Chi[9], Thạch Trung Giả[10], Phạm Thế Ngũ[11], Vũ Tiến Phúc[12]... nhưng trực diện nhất là trong quan điểm của "nhóm nghiên cứu Lê Quý Đôn" ở miền Bắc trước đây[13], cũng như trong "Cương lĩnh Việt văn sử" của Bộ Quốc gia giáo dục ở Sài Gòn cũ[14].
Nhược điểm rõ nhất của quan điểm văn học sử này là, nó chỉ chấp nhận lịch sử văn học là lịch sử của các tác phẩm bằng chữ Việt, tiếng Việt. Nó gạt ra ngoài lịch sử văn học những tác phẩm không được viết bằng chữ Việt (chữ Nôm trước đây và chữ quốc ngữ ngày nay), dù đó là tác phẩm của người Việt, sáng tác về đất nước Việt, phản ánh tâm hồn, tình cảm, tâm lý, tư tưởng người Việt. Quan điểm này đã gạt bỏ các tác phẩm chữ Hán của chúng ta ở thời phong kiến cũng như những tác phẩm bằng tiếng nước ngoài của người Việt ở thời cận hiện đại ra khỏi lịch sử văn học. Và đương nhiên, những tác phẩm bằng tiếng Pháp như Truyện ký, Bản án chế độ thực dân Pháp...của Nguyễn Ái Quốc, những tác phẩm về dân quyền bằng tiếng Pháp của Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường cũng chịu chung số phận. Những tác phẩm bằng chữ Hán như Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu, nhiều tác phẩm chữ Hán của Phan Châu Trinh, cả Ngục trung nhật ký của Hồ Chí Minh... cũng chịu hoàn cảnh tương tự...
Lịch sử văn học Việt Nam, theo quan điểm này, tỏ ra mang đầy tinh thần dân tộc nhưng cực đoan, nên trở nên thật nghèo nàn và phiến diện. Nó chỉ bắt đầu một cách mơ hồ từ thế kỷ XIII với một vài tác phẩm bằng chữ Nôm. Và để "lấp chỗ trống" của một diện mạo khá nghèo nàn của một số thời kỳ văn học, người ta có khi áp đặt cả một số tác phẩm không rõ niên đại và tác giả đích thực như Truyện Vương Tường, Gia huấn ca... Và nhiều nhà văn, nhà thơ vì không sáng tác bằng chữ viết của người Việt nên được xem xét chỉ ở một vài phương diện, thậm chí rất mờ nhạt của sự nghiệp sáng tác (ví dụ như trường hợp Cao Bá Quát). Mặt khác, việc thẩm định giá trị các tác phẩm bằng tiếng Việt này cũng rất hạn chế, chủ yếu vẫn là khai thác mặt nội dung phản ánh, khai thác các giá trị tư tưởng của nó, chứ chưa có những tiến bộ đặc biệt về nghiên cứu.
2. Quan điểm lấy sự phát triển của các khuynh hướng tư tưởng (tư tưởng yêu nước, tư tưởng nhân đạo, tư tưởng giai cấp, tư tưởng triết học, tôn giáo, pháp quyền...) làm căn cứ để nghiên cứu lịch sử văn học là quan điểm phổ biến nhất từ trước đến nay. Đây cũng là một quan điểm xuất hiện từ rất sớm. Có thể thấy mầm mống của quan điểm này trong các công trình của Dương Quảng Hàm, từ 1943[15], của Ngô Tất Tố, từ 1942[16], của Kiều Thanh Quế, năm 1943[17], và sau này là của Nghiêm Toản, năm 1949[18]... Đặc biệt, quan điểm này được thể hiện trong hầu hết (tuy mức độ đậm nhạt khác nhau) các bộ lịch sử văn học của chúng ta, từ sau năm 1954 đến nay, ở miền Bắc trước đây và trên cả nước hiện nay.
Việc đề cao tư tưởng yêu nước, tư tưởng nhân đạo, tư tưởng đấu tranh giai cấp, phê phán xã hội cũ… trong văn học là quan điểm đúng và nên làm. Nhưng nếu chúng ta áp dụng một cách máy móc những phạm trù của lịch sử tư tưởng, văn hoá, tôn giáo, triết học này vào việc nghiên cứu văn học, sẽ không tránh khỏi sự khiên cưỡng. Lịch sử văn học không được quy định bởi bản thân văn học mà nhiều khi bị quy định bởi các yếu tố ngoài văn học.
Quả tình, lịch sử văn học, theo chúng ta hình dung với quan điểm này, đã hiện ra không phải với tính toàn vẹn của nó, mà với tính khuynh hướng của nó. Mà lại chủ yếu là khuynh hướng tư tưởng chứ không phải là khuynh hướng nghệ thuật. Đó là các khuynh hướng yêu nước, khuynh hướng nhân đạo, khuynh hướng phê phán, tố cáo hiện thực, khuynh hướng thoát ly tiêu cực, khuynh hướng nhập thế tích cực, khuynh hướng văn học phản động, nô dịch, văn học phản cách mạng, văn học cách mạng... Cho nên, lịch sử văn học dân tộc nhiều khi được xem đồng nhất với lịch sử của các khuynh hướng tư tưởng trong văn học.
Quan điểm này không chỉ chi phối việc nghiên cứu lịch sử văn học, nó còn chi phối cả việc biên soạn các bộ hợp tuyển văn học, một "phiên bản" quan trọng của lịch sử văn học. Hợp tuyển văn học không mang tính toàn vẹn và toàn diện của bộ mặt văn học dân tộc, mà là một bộ mặt có khuynh hướng. Cho nên, chúng ta thấy chủ yếu xuất hiện các bộ hợp tuyển văn học yêu nước, văn học nhân đạo, văn học phê phán hiện thực...
Quan điểm này cũng chi phối việc biên soạn hệ thống sách giáo khoa văn học ở các cấp học phổ thông, cũng như việc tuyển chọn những tác phẩm văn học "tiêu biểu" trong chương trình học tập ở các cấp phổ thông, để giáo dục cho hàng triệu học sinh, đội ngũ độc giả quan trọng số một của nước Việt Nam. Đó là những tác giả tiêu biểu cho cái gì? Nhất định đó phải là những tác phẩm tiêu biểu cho các khuynh hướng tư tưởng, và nhất định đó phải là các tư tưởng yêu nước, nhân đạo, đấu tranh giai cấp, tố cáo, phê phán xã hội.... Biểu hiện của quan điểm này là việc ưu tiên tối đa cho một số đề tài và chủ đề văn học nhất định.
Quan điểm này cho rằng, có những khuynh hướng văn học (thực chất là khuynh hướng tư tưởng trong văn học) chạy xuyên suốt, vĩnh cửu trong cả tiến trình lịch sử văn học (khuynh hướng yêu nước, khuynh hướng nhân đạo...), và có những khuynh hướng văn học là sản phẩm của những thời kỳ lịch sử cụ thể (như khuynh hướng phê phán, tố cáo xã hội, khuynh hướng thoát ly, bất mãn với thời cuộc...). Sự thay đổi, phát triển của các khuynh hướng tư tưởng trong văn học đó chính là sự thay đổi, phát triển của lịch sử văn học.
3. Hiện nay các nhà nghiên cứu cũng đang áp dụng một quan điểm và phương pháp viết văn học sử khác nữa, tạm gọi là quan điểm tác gia văn học lớn. Viết văn học sử không phải là viết về tất cả lịch sử văn học, mà viết về những các mốc lớn của lịch sử văn học, biểu hiện cụ thể ra là những tác gia văn học lớn, tác phẩm văn học lớn. Đây là quan điểm cũng đã quen thuộc trong ngành nghiên cứu lịch sử văn học ở nhiều nước. Quan điểm này cho rằng, mỗi thời đại sinh ra cho mình những tác gia văn học lớn tiêu biểu cho nó[19].
Rõ ràng quan điểm này có những ưu điểm không thể không thấy. Thứ nhất, nó đảm bảo tính toàn diện của lịch sử văn học, thứ hai, nó tỏ thái độ bình đẳng đối với cả nội dung và hình thức của tác phẩm văn học, người ta đều "quan tâm đúng mức" tới cả nội dung và hình thức của văn học. Nhưng quan điểm này cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Thứ nhất, những tác gia văn học lớn ấy tiêu biểu cho cái gì? Câu trả lời là: Tiêu biểu cho cả nội dung và hình thức của văn học trong từng thời kỳ phát triển. Nhưng thực chất, khi đặt vấn đề như vậy, người ta đã tách rời nội dung văn học ra khỏi hình thức văn học. Và đương nhiên, cái gọi là sự "quan tâm bình đẳng" tới cả nội dung và hình thức văn học, khi vào thực tế nghiên cứu, sẽ thường là dẫn đến tình trạng bất bình đẳng. Và, như thường thấy trong các bộ lịch sử văn học, người ta sẽ quá thiên lệch về nội dung tư tưởng của tác phẩm văn học. Hơn nữa, trong văn học, cũng như các ngành nghệ thuật khác, không có cái gì gọi là "bình quân vai trò" giữa nội dung và hình thức. Thứ hai, cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể có một tiêu chí chặt chẽ cho cái gọi là tác gia văn học lớn. Hơn nữa, trên thực tế có những thời kỳ lịch sử rất dài, hầu như không có một tác gia văn học lớn nào, hoặc có tác gia văn học lớn nhưng lại không "lớn" bằng ở thời kỳ trước đó. Vậy lịch sử văn học sẽ đứng im, hay thụt lùi?
4. Quan điểm thứ tư là quan điểm lấy đối tượng nghiên cứu của lịch sử văn học là thể loại văn học, nên tạm gọi là quan điểm thể loại. Chúng tôi cho rằng, cần đặc biệt quan tâm tới quan điểm này vì nó có rất nhiều ưu điểm có thể khắc phục được tình trạng thiếu thống nhất trong quan điểm và phương pháp viết văn học sử hiện nay, cũng như có thể đảm bảo tốt nhất cho tính thống nhất và toàn vẹn của lịch sử văn học. Quan điểm thể loại cho rằng, lịch sử văn học chính là lịch sử của hình thành, vận động, tương tác và phát triển của các thể loại văn học. Quan điểm này có lẽ đã bắt đầu có mầm mống từ rất sớm trong ngành nghiên cứu văn học sử của Việt Nam. Nó cũng là quan điểm được áp dụng rất thành công trong ngành văn học sử của Trung Quốc, của Nga và một số nước khác. Quan điểm thể loại đã chi phối mạnh mẽ các cuốn lịch sử văn học của Trung Quốc hiện được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam[20]. Ở nước ta, có lẽ quan điểm thể loại bắt đầu được đề cập đến một cách không chính thức trong Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, từ 1942[21], được phát biểu tuy không trực tiếp trong một số bài viết của một số nhà nghiên cứu như Bùi Duy Tân[22], Nguyễn Huệ Chi[23]... Nó cũng được bộc lộ trong các hợp tuyển văn học có tính chuyên biệt về thể loại văn học như các tuyển tập thơ, tuyển tập ca trù, tuyển tập các khúc ngâm, tuyển tập phú, tuyển tập truyện, tuyển tập kịch, tuyển tập văn chính luận ... của các tác giả xưa và nay. Quan điểm thể loại được đặc biệt chú ý khi những công trình lý luận về thi pháp thể loại của M. Bakhtin được giới thiệu ở Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Gần đây, nó bắt đầu được áp dụng vào nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam[24].
Mặc dù quan điểm này đã xuất hiện ở nước Việt Nam khá lâu, nhưng đến nay nó vẫn là một quan điểm khoa học mới. Bởi vì, thứ nhất, nó cần phải tiếp tục hoàn thiện về mặt lý luận để đối thoại với các quan điểm văn học sử khác đang tồn tại; thứ hai, nó phải xác định được vị trí của mình trong ngành nghiên cứu lịch sử văn học, một vị trí đầy triển vọng, nhưng hiện chưa được rõ rệt. Vị trí của quan điểm thể loại trong ngành nghiên cứu lịch sử văn học trước đây (những năm 70, 80 của thế kỷ trước) như thế nào? Đây là nhận xét của một nhà nghiên cứu: "Trong các sách văn học sử, phần dành cho thể loại vẫn còn mỏng, sơ lược, dàn đều, tuỳ tiện. Làm như vậy có phần coi nhẹ vấn đề thể loại, làm cho lịch sử văn học nghèo nàn đi về phương thức diễn đạt, dễ rơi vào khuynh hướng xã hội hoá văn học. Ý nghĩa thẩm mỹ của tác phẩm văn học không được xem xét trên bình diện hình thức thể loại"[25]. Vì thế rất cần phải "xác định đúng đắn vai trò quan trọng của các thể loại văn học trong từng giai đoạn lịch sử"[26].
Nhưng việc coi trọng thể loại thường được đánh đồng với việc coi trọng hình thức văn học trong văn học sử, nên nó trở thành một vấn đề không được "dễ dàng chấp nhận" của nhiều đối tượng khác nhau, cho nên nhiều người cho rằng "cách viết này chưa phải là cách hay nhất"[27]. Vì thế mà người ta lựa chọn và chấp nhận các quan điểm và phương pháp viết văn học sử thiên về tác gia văn học, thiên về nội dung tư tưởng của văn học, chứ không chấp nhận viết văn học sử xuất phát từ hình thức nghệ thuật của văn học. Tuy nhiên, như ta thấy, lối viết văn học sử xuất phát từ nội dung tư tưởng của văn học đã thể hiện những bất cập rõ rệt, đã không đảm báo tính thống nhất và toàn vẹn của lịch sử văn học. Trong tình hình đổi mới nhận thức lịch sử văn học hiện nay, trở lại với quan điểm và phương pháp "viết văn học sử theo thể loại" là một yêu cầu có tính hiện thực.
Tuy nhiên, cũng đã nảy sinh những nghi ngờ đối với quan điểm và phương pháp thể loại. Điều này liên quan đến một vấn đề quan trọng, rằng tính vận động, phát triển của thể loại văn học có thể hiện được tính vận động và phát triển của lịch sử văn học hay không? Điều băn khoăn của nhiều người là ở chỗ, dường như thể loại văn học thường tĩnh tại, bất biến, hay rất chậm thay đổi, nên nó không thể hiện rõ dòng chảy của của lịch sử văn học. "Đối với văn học viết của nước Đại Việt thời trung cổ, một dòng văn học có nhiều loại hình tồn tại tương đối lâu dài, bền vững, sự diễn biến và phát triển chậm, không dễ nhận thấy, và hiếm những trường hợp "đột biến"[28], thì khó có thể lấy làm căn cứ để xác định tính lịch sử của văn học.
Trong khi đó, tính hữu biến qui định tính lịch sử. Lịch sử văn học không thể bị cái tĩnh tại, ổn định, ít đột biến, không dễ nhận thấy của thể loại qui định. Vì thế tính lịch sử của văn học được các yếu tố ngoài văn học, những yếu tố của lịch sử xã hội như các khuynh hướng tư tưởng, các vương triều, các thời đại lịch sử..., quy định. Bởi vì, các yếu tố đó mang tính hữu biến, không bền vững, diễn biến và phát triển nhanh, dễ nhận thấy, có những đột biến cách mạng...
Phải chăng tính hữu biến của lịch sử xã hội quy định trực tiếp tính hữu biến của lịch sử văn học? Theo chúng tôi, nó chỉ chi phối gián tiếp tính hữu biến của lịch sử văn học mà thôi. Quan điểm xem tính hữu biến của lịch sử xã hội đã qui định tính hữu biến của lịch sử văn học là không có cơ sở. Nhiều triều đại đã thay đổi nhưng văn học có thay đổi đâu. Văn học chảy qua các các triều đại theo cách riêng của nó chứ không theo cách của các triều đại đó, cũng không theo cách của các khuynh hướng tư tưởng. Cái quy định trực tiếp đến sự vận động, biến đổi và phát triển của lịch sử văn học là cái khác. Đó là thể loại văn học.
Hãy đặt câu hỏi rằng: Thể loại văn học phải chăng là bất biến?
Câu trả lời dứt khoát là: Không! Nó là ổn định tương đối, trong những không gian và thời gian nhất định, kể cả trong thời trung cổ, nhưng lại là biến đổi tuyệt đối, trong mọi không gian và thời gian. Nó có xuất hiện, phát triển, và tiêu vong, nó có vị trí khác nhau trong hệ thống văn học ở những thời điểm khác nhau, nó có sắc thái khác nhau ở các tác giả khác nhau trong cùng một thời kỳ lịch sử, nó có diện mạo khác nhau ở ngay trong cùng một tác giả khi sáng tác những tác phẩm khác nhau ở những giai đoạn khác nhau...
Xét cho cùng, thể loại văn học không bao giờ đứng im. Những nhà văn lớn không bao giờ chịu dừng lại ở những hình thức phản ánh đã có. Những tác phẩm có giá trị bao giờ cũng thể hiện những tìm tòi phát hiện mới về nghệ thuật phản ánh.
Thể loại văn học luôn luôn vận động theo cách của nó chứ không phải theo cách của các khuynh hướng tư tưởng. Lịch sử văn học luôn luôn vận động theo cách của nó chứ không vận động theo cách của lịch sử triết học, tôn giáo hay pháp quyền. Nó bị cái vận động của thể loại quy định chứ không bị sự vận động của lịch sử xã hội quy định. Bởi vì, quy luật vận động của lịch sử văn học về cơ bản là xa lạ với quy luật vận động của lịch sử xã hội.
Thể loại văn học bị hiểu nhầm là ổn định, chậm phát triển, ít đột biến... lại là cái vận động và phát triển liên tục, không ngừng không nghỉ, trong bất kỳ không gian và thời gian nào. Nhìn nhận một cách nghiêm túc sẽ không thể tìm thấy sự đứng im nào của thể loại, trong cả tiến trình lịch sử, trong từng thời điểm lịch sử cụ thể, thậm chí trong từng tác gia văn học. Các nhà văn, kể cả nhà văn thời trung cổ, luôn luôn tồn tại trong tình trạng, một mặt, lặp lại những hình thức nghệ thuật cũ, quen thuộc và mặt khác, luôn luôn sáng tạo, tìm kiếm những hình thức nghệ thuật mới, phá vỡ những hình thức nghệ thuật cũ (tuy trong thời trung cổ, quá trình này diễn ra chậm chạp hơn, trì trệ hơn). Chính những mâu thuẫn, những xung đột này là hạt nhân cho sự phát triển của các phương thức phản ánh nghệ thuật, của việc biểu đạt những tư tưởng nghệ thuật mới trong văn học, và là hạt nhân của sự phát triển lịch sử văn học.
Nếu lịch sử xã hội có mâu thuẫn, có vận động, có phát triển, có đột biến cách mạng, thì cũng không thể tác động trực tiếp tới lịch sử văn học. Tiếng đại bác của thực dân Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng rạng sáng ngày 01 tháng 9 năm 1858 đã làm thay đổi lịch sử xã hội Việt Nam, nhưng nó không làm thay đổi lịch sử văn học Việt Nam. Sự thay đổi của lịch sử văn học sẽ muộn hơn nhiều và do những yếu tố khác chi phối. Các thể loại văn học (với tư cách là các phương thức phản ánh nghệ thuật) luôn luôn chứa đựng mâu thuẫn, xung đột, vận động, phát triển, và "đột biến cách mạng"... đã tác động trực tiếp tới lịch sử văn học.
Cần hiểu sự vận động, phát triển, "đột biến cách mạng" của thể loại văn học như thế nào? Có thể dễ dàng nhận thấy điều đó ở sự xuất hiện, sự tồn tại, sự vận động và phát triển của các thể loại văn học. Trong thời trung cổ, đột biến rõ rệt nhất của thể loại không phải chỉ là sự xuất hiện của thể loại văn học mới trước yêu cầu của nội tại văn học (điều này không thường xuyên xảy ra), mà còn là sự chiếm lĩnh vị trí trung tâm, là trở thành thể loại lớn trong hệ thống thể loại, hay ngược lại, là sự từ bỏ vị trí đó để chuyển dịch ra ngoại biên hệ thống văn học, do sự chi phối của chức năng văn học đối với từng thể loại văn học trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể (điều này thường xuyên xảy ra). Trong hệ thống văn học diễn ra một cuộc vận động, chuyển dịch thường xuyên, liên tục của từng thể loại văn học, sự tương tác và chuyển hoá thường xuyên, liên tục giữa các thể loại văn học nhằm đáp ứng những yêu cầu phản ánh nghệ thuật của từng thời đại cụ thể.
5. Theo quan điểm thể loại, lịch sử văn học được hiểu là lịch sử của các phương thức phản ánh nghệ thuật ngôn từ, là lịch sử của nghệ thuật ngôn từ, mà ở đây trực tiếp là lịch sử của thể loại văn học (chứ không phải là lịch sử các khuynh hướng tư tưởng trong văn học, hay lịch sử ngôn ngữ văn học, tác gia văn học). Đây là tiêu chí quan trọng để phân biệt lịch sử văn học với lịch sử các ngành tư tưởng, văn hoá, triết học, pháp quyền... và với cả lịch sử của các ngành nghệ thuật khác như âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc...
Theo quan điểm này, nền văn học Việt Nam được liên kết lại thành một khối thống nhất, chặt chẽ, không phải là do các khuynh hướng tư tưởng chính trị, triết học, tôn giáo hay pháp quyền, không phải là do các tác gia văn học lớn của các thời kỳ, mà là do các thể loại văn học quy định.
Nghiên cứu lịch sử văn học chính là nghiên cứu lịch sử của sự hình thành, vận động, tương tác, phát triển của các thể loại văn học. Tuy nhiên, quan điểm thể loại không loại bỏ vai trò của ngôn ngữ văn học, của khuynh hướng văn học, và của tác gia văn học trong nghiên cứu lịch sử văn học. Bởi vì, các thể loại văn học không tách rời ngôn ngữ văn học (ngôn ngữ là đơn vị cơ sở tạo nên thể loại, và mỗi loại ngôn ngữ cũng góp phần tạo nên, hoặc lựa chọn thể loại riêng), không tách rời khỏi những khuynh hướng tư tưởng triết học, tôn giáo, pháp quyền...(đó là những yếu tố chi phối việc lựa chọn hay sản sinh ra thể loại cho văn học), không tách rời các tác gia văn học lớn, với tư cách là những đại biểu ưu tú nhất trong quá trình sáng tạo hình thức thể loại. Đồng thời, nó cũng không tách rời các vương triều phong kiến, các thời đại lịch sử (mỗi thời đại có những yêu cầu riêng chi phối sự sản sinh hoặc lựa chọn thể loại riêng của mình), không tách rời các nghi thức giao tiếp xã hội (các nghi thức này cũng góp phần tạo ra hoặc lựa chọn thể loại thích hợp), không tách rời các nguyên tắc ứng xử, các thị hiếu thẩm mĩ và tâm lý thời đại (là những yếu tố góp phần sản sinh hay lựa chọn thể loại) ...
Vì vậy mà nghiên cứu lịch sử văn học theo thể loại hoàn toàn không phải là vấn đề thuần tuý hình thức. Đây cũng chính là những vấn đề của nội dung, được quan tâm có tính song trùng với chính những vấn đề hình thức thể loại. Đúng như M. Bakhtin quan niệm, thể loại văn học chính là "nhân vật chính của tấm kịch lịch sử văn học... thể hiện thái độ thẩm mỹ đối với hiện thực, cách cảm thụ, giải minh thế giới, nơi đúc kết, tích luỹ những kinh nghiệm nhận thức thẩm mỹ thế giới. Mỗi thời đại có hệ thống thể loại của mình, trong đó những thể loại chính thể hiện tập trung nhất tâm thức, tầm nhìn, những mối quan tâm, những chuẩn mực và quan niệm của con người trong thời đại đó... Lịch sử văn học trước hết là lịch sử hình thành, phát triển, tương tác giữa các thể loại"[29].
Trong điều kiện của nước Việt Nam hiện nay khi mà những mâu thuẫn giữa các lập trường khoa học do lịch sử để lại có thể tác động trực tiếp tới nhận thức và sáng tạo văn học, thì quan điểm thể loại về cơ bản khắc phục được những hạn chế của các quan điểm nghiên cứu khác. Nó đảm bảo được tính thống nhất và toàn vẹn của lịch sử văn học. Lịch sử văn học bao gồm tất cả các thể loại văn học tiêu biểu của tất cả các thời kỳ lịch sử khác nhau, thậm chí cả từ thời Bắc thuộc, của tất cả các bộ phận văn học khác nhau hợp thành nền văn học của các dân tộc, thậm chí cả những bộ phận văn học "đối kháng", của mọi khu vực văn học bằng tiếng Việt của người Việt, thậm chí cả "văn học hải ngoại", của mọi khuynh hướng văn học khác nhau, thậm chí đối lập nhau..., nếu như chúng có những đóng góp độc đáo, đột xuất cả về tư tưởng và nghệ thuật cho nền văn học. Mỗi thời đại có những thể loại lớn tiêu biểu. Và mỗi thời đại có những nhà văn lớn tiêu biểu cho những thể loại lớn. Nó đặc biệt chú ý tới các khuynh hướng văn học, không phải chỉ là các khuynh hướng tư tưởng trong văn học, mà chủ yếu là các "khuynh hướng của các biện pháp nghệ thuật"[30] trong văn học, ở đó các nhà văn được tự do lựa chọn cho mình những phương pháp nghệ thuật thích hợp để sáng tạo. Nó không tách rời nội dung ra khỏi hình thức văn học. Nội dung văn học phải được thể hiện ra bằng hình thức của chính nó. Mỗi nội dung văn học phải có hình thức của riêng mình. Những cái được xem là nội dung của văn học mà lại không có những hình thức tương hợp thì không thể là văn học. Sự đóng góp của nhà văn vào sự phát triển của lịch sử văn học là ở chỗ, họ tìm được những cách thức biểu hiện riêng biệt phù hợp với tư tưởng nghệ thuật của mình, cái tư tưởng nghệ thuật có thể đại diện cho một thời đại, trong một hình thức nghệ thuật có thể đại diện cho một thời đại. Không có một cái mốc văn học nào lại không gắn với một thể loại văn học lớn. Và nếu như thể loại văn học là cách tổ chức nghệ thuật ngôn từ thành những hình thức riêng biệt, nhằm thể hiện thái độ thẩm mĩ của con người trước cuộc sống, thì sự đóng góp quan trọng nhất của nhà văn đối với lịch sử văn học chính là những tư tưởng nghệ thụât mới trong những hình thức thể loại văn học mới.
Xin được nhắc lại rằng, quan điểm này đảm bảo được tính thống nhất và toàn vẹn của lịch sử văn học, một yêu cầu có tính bắt buộc của một bộ lịch sử văn học. Lịch sử văn học là lịch sử của tất cả các bộ phận, các khuynh hướng, các trào lưu, các trường phái, các hình thức văn học… tồn tại một cách khách quan. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải tiếp cận nó, phải đánh giá nó, phải chỉ ra được cái quy luật vận động mang tính tất yếu và khách quan của nó. Chỉ có như vậy, chúng ta mới tôn trọng tính khách quan lịch sử của văn học. Quan điểm thể loại giúp chúng ta thực hiện được điều này. Nó giúp chúng ta thấy được những bộ phận, những trào lưu, những trường phái khác nhau ấy đã có những cống hiến mới mẻ, độc đáo, đột xuất, tiêu biểu gì cho văn học. Những đóng góp ấy sẽ chỉ được thể hiện ra một cách minh bạch và công bằng qua chính những thể loại văn học tiêu biểu mà nó có được.
Quan điểm thể loại cũng cho thấy, sẽ không có một tư tưởng nghệ thuật nào là vĩnh cửu, xuyên suốt cả lịch sử văn học, và cũng không có một thể loại nào là vĩnh cửu, xuyên suốt cả lịch sử văn học. Chỉ có tư tưởng nghệ thuật này, với một hình thức nghệ thuật này, của một thời kỳ lịch sử cụ thể này. Thể loại luôn mang tính lịch sử. Nó chính là tính lịch sử của nền văn học dân tộc. Nó đối lập với các khuynh hướng tư tưởng, triết học, tôn giáo, pháp quyền... trong văn học, vốn có tính "vĩnh cửu" và "xuyên suốt" (một cách tương đối). Bởi vì, khuynh hướng tư tưởng đó chỉ là những phạm trù, chúng không có hình thức của riêng mình. Ví dụ: Tư tưởng yêu nước, tư tưởng nhân đạo, tư tưởng giai cấp, tư tưởng phê phán tố cáo xã hội... không thể có hình thức văn học riêng thì làm sao có cái gọi là "văn học yêu nước", hay "văn học nhân đạo"...với đúng nghĩa của nó? Nếu xét từ góc nhìn này, thì khuynh hướng tư tưởng trong văn học lại là cái ít biến đổi hơn rất nhiều, vì xem ra, những biến đổi của tư tưởng yêu nước, tư tưởng nhân đạo.... đã trải qua cả nghìn năm, quả là không thật rõ rệt.
Lịch sử văn học là luôn luôn thay đổi, nhưng phải trong chiều hướng phát triển, đi lên. Quan điểm tác gia văn học lớn nhiều khi làm cho người ta tưởng chừng như lịch sử văn học đang đứng im, hoặc thụt lùi, bởi vì không phải bao giờ văn học giai đoạn sau cũng có được những tác gia văn học lớn tương đương, hoặc lớn hơn giai đoạn trước. Quan điểm thể loại giúp cho người ta thấy rằng lịch sử văn học luôn phát triển, đi lên, ở chỗ những tư tưởng nghệ thuật mới, những phương thức phản ánh nghệ thuật mới luôn luôn tiến bộ hơn, tích cực hơn trong việc phản ánh đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, thái độ thẩm mĩ... của con người, trong quá trình đưa cái phản ánh tiến gần cái được phản ánh. Quan điểm thể loại cũng lấy đi mọi cơ hội thiên vị trong đánh giá lịch sử văn học của các yếu tố ngoài văn học. Vì những lẽ đó, chúng ta cần viết văn học sử theo quan điểm thể loại.
Pgs-Ts Nguyễn Phạm Hùng
Đại học Quốc gia Hà Nội
Chú thích:
[1] Điều này cho thấy vì sao tất cả các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng các bộ giáo trình lịch sử văn học được biên soạn từ những thập niên 80, 70, thậm chí 60 của thế kỷ trước. Trong một nỗ lực đáng ghi nhận, Viện Văn học đang thực hiện một đề tài độc lập cấp nhà nước nhằm tập hợp các nhà khoa học ở nhiều viện nghiên cứu và nhiều trường đại học khác nhau để biên soạn một bộ lịch sử văn học Việt Nam quy mô, đồ sộ nhất từ trước tới nay. Nhưng có điều chắc chắn rằng, các quan điểm và phương pháp biên soạn được sử dụng trong bộ sách này là không thống nhất, và nhìn vào đề cương tổng thể của cả bộ sách, người ta cũng khó hi vọng có được một cuốn lịch sử văn học mang tính thống nhất và toàn vẹn như nó cần phải có.
[2] Nguyễn Sĩ Đạo: Đại Việt văn học lịch sử. NXB Tân Hoá, H. 1941.
[3] Nguyễn Đổng Chi: Việt Nam cổ văn học sử. NXB Hàn Thuyên, H. 1942.
[4] Ngô Tất Tố: Việt Nam văn học. Tập I: Văn học đời Lý; Tập II: Văn hoc đời Trần. NXB Mai Lĩnh, H. 1942.
[5] Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu. Nha học chính Đông Pháp xuất bản, H.1943.
[6] Nguyễn Sĩ Đạo: Đại Việt văn học lịch sử. Sđd
[7] Thanh Lãng: Khởi thảo văn học sử Việt Nam: Văn chương chữ Nôm. H, 1947. NXB Văn Hợi, S. 1957 .
[8] Phạm Văn Diêu: Việt Nam văn học. NXB Tân Việt, S. 1967.
[9] Hà Như Chi: Việt Nam thi văn giảng luận. NXB Sống mới, S. 1967.
[10] Thạch Trung Giả: Văn học phân tích toàn thư. NXB Lá Bối, S. 1973.
[11] Phạm Thế Ngũ: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên. Quốc học tùng thư, S. 1960.
[12] Vũ Tiến Phúc: Việt Nam văn học giảng minh. NXB An Pha, S. 1974.
[13] Nhiều tác giả: Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam. NXB Xây dựng, H. 1957.
[14] Theo Vũ Tiến Phúc: Việt Nam văn học giảng minh. Sđd
[15] Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu. Sđd
[16] Ngô Tất Tố: Việt Nam văn học. Tập I: Văn học đời Lý; Tập II: Văn hoc đời Trần. Sđd
[17] Kiều Thanh Quế: Cuộc tiến hoá văn học Việt Nam. NXB Hoa Tiên, S. 1943.
[18] Nghiêm Toản:Việt Nam văn học sử trích yếu. NXB Vĩnh Bảo, S. 1949.
[19] Xin xem hai bộ lịch sử văn học đang sử dụng trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, được khởi thảo từ những năm 60 và hoàn thành ở những năm 70 của thế kỷ trước. Đó là bộ Lịch sử văn học Việt Nam của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và bộ Lịch sử văn học Việt Nam của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), không kể tới một bộ Lịch sử văn học Việt Nam được biên soạn dở dang của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), chỉ có tập đầu được hoàn thành và công bố năm 1980. Chúng ta thấy, cấu trúc chính trong các giai đoạn văn học của các bộ lịch sử văn học này thường gồm hai phần, phần thứ nhất giới thiệu khái quát tình hình các mặt của văn học, đặc biệt chú trọng tới các khuynh hướng tư tưởng trong văn học, phần thứ hai tập trung giới thiệu các tác gia văn học lớn, tiêu biểu cho các khuynh hướng đó của các thời kỳ văn học.
[20] Dư Quan Anh (chủ biên): Trung Quốc văn học sử, hai tập, Nxb Nhân dân văn học Bắc Kinh, 1962 (Bản tiếng Việt của Nxb Văn học, H. 1964); Khái yếu lịch sử văn học trung Quốc, hai tập, nhiều soạn giả, Nxb Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, Bắc Kinh, 1996 (Bản tiếng Việt của Nxb Thế giới, H. 1999)...
[21] Nguyễn Đổng Chi: Việt Nam cổ văn học sử. Sđd
[22] Bùi Duy Tân: Vấn đề thể loại trong văn học Việt Nam thời cổ. Tạp chí Văn học, số 3-1976
[23] Nguyễn Huệ Chi: Khảo luận văn bản. Thơ văn Lý Trần, T. I, NXB Khoa học Xã hội, H.1977.
[24] Xem Nguyễn Phạm Hùng: Văn học Lý - Trần nhìn từ thể loại, Nxb Giáo dục, H. 1996; Văn thơ Nôm thời Tây Sơn, Nxb Khoa học xã hội, H. 1997; Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 1999 (trong các cuốn sách này, diện mạo của văn học thời Lý Trần, của văn học Nôm thời Tây Sơn, hay của tiến trình văn học Việt Nam 10 thế kỷ được giới thiệu thông qua những thành tựu chủ yếu của các thể loại văn học tiêu biểu).
[25] Bùi Duy Tân: Vấn đề thể loại trong văn học Việt Nam thời cổ. Bđd
[26] Nguyễn Huệ Chi: Khảo luận văn bản. Thơ văn Lý Trần, T. I, Sđd
[27] Bùi Duy Tân: Vấn đề thể loại trong văn học Việt Nam thời cổ. Bđd
[28] Bùi Duy Tân: Vấn đề thể loại trong văn học Việt Nam thời cổ. Bđd
[29] M. Bakhtin: Lý luận và thi pháp tiểu thuyết. Trường viết văn Nguyễn Du xuất bản, H.1992.
[30] D.X.Likhasiov: Thi pháp văn học Nga cổ. NXB Khoa học, Leningrad 1967 (Tham khảo bản dịch của Phan Ngọc. Tư liệu Viện Văn học).