- Mục Lục H L 96
- Thư Tòa Soạn H L 96
- Liên Hệ Việt Nam Và Pháp Trước 1858 (phần 1)
- Mùa Hạ Hỗn Mang
- Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960)
- Anh Tưởng
- Nhà Tôi - Kỷ Niệm Của Một Thời Và Mãi Mãi
- Bàn Thêm Về Bi Kịch Vũ Như Tô
- Những Khúc Sông, Mảnh Hồ Trong Cuộc Đời Cha Tôi
- Ủa, Lạ Nào!
- Băn Khoăn,
- Nội Y
- Mắt Tượng
- Dạ Ca
- Chị Yến
- Ai…
- Ký Ức Về Bốn Lần Hôn
- Tự Tình Khúc
- Dòng Sông Không Chảy...
- Qué Xê Ra Xê Ra
Hợp Lưu 96 được gởi đến quý văn hữu và độc giả là số tháng 9 và 10 năm 2007 (thay vì tháng 8 và 9). Bao nhiêu năm nay Hợp Lưu Xuân cứ rơi vào tháng 12 năm cũ và tháng 1 của đầu năm mới, trong khi đó Tết thật sự thường là đầu tháng 2 Dương lịch. Chúng tôi xin được điều chỉnh lại để số Xuân sẽ là số tháng 1 và 2 hàng năm, sự thay đổi đó sẽ không ảnh hưởng đến việc gia hạn của quý độc giả thường xuyên.
Hợp Lưu 96 khá đặc biệt về nhiều khiá cạnh. Trong thời gian qua, tại quận Cam thuộc California đã xảy ra nhiều biến cố về tự do ngôn luận, về luật báo chí, tự do phát biểu và biểu tình. Tất cả những điều đó đã nói lên những tinh hoa của một đất nước tự do và pháp trị mà người dân thật sự được hưởng. Tiếc rằng, sự khác biệt về chính kiến và lằn ranh "Quốc, Cộng" của người Việt dường như được tô đậm lên, khiến cho khi làm số báo nầy chúng tôi rất phân vân, bởi trong HL96 có một số bài rất đặc biệt:
-Thứ nhất: Bài biên khảo của Tiến sĩ Sử học Vũ Ngự Chiêu về "Liên Hệ Việt Nam và Pháp trước 1858," bài viết gồm hai phần, chúng tôi đăng phần một trong kỳ nầy. Và trong lời dẫn nhập ông đã tiếp cận một số vấn đề khá nhậy cảm.
-Thứ hai: Chuyên đề về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960), một tên tuổi còn khá xa lạ với người đọc hải ngoại, nhưng theo nhận định của nhà phê bình văn học Thuỵ Khuê, thì: "Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi là ba nhà văn có tài và có địa vị cao trong thời cách mạng. Nếu Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi có công lớn trong việc xây dựng nền văn chương tiền chế, hy sinh chữ nghiã và nhân cách để tiến thân, thì Nguyễn Huy Tưởng, cùng ở vị trí lãnh đạo văn nghệ, nhưng đã bảo toàn được nhân cách nhà văn, nhà trí thức, qua hành động và những gì ông để lại trong tác phẩm và trong nhật ký". Tuy với số trang hạn chế, nhưng với những bài của Thuỵ Khuê, Lê Đạt, Trịnh Thị Uyên, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Huy Thắng, cùng trích đoạn tiểu thuyết "Sống mãi với thủ đô", Hợp Lưu mong rằng sẽ giúp độc giả có một cái nhìn chân thật và nhân bản hơn, về con người cũng như giá trị tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng. Không ca tụng, không tâng bốc, không tô hồng, không đi quá xa những gì ông có, chúng tôi muốn giới thiệu cùng bạn đọc một Nguyễn Huy Tưởng nhà văn Việt Nam đã sống và viết trong thời điểm những năm 1930-1960, đồng thời cũng là người bạn chân thành của Nguyễn Hữu Đang và nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.
Ngoài ra, Hợp Lưu 96 còn qui tụ những sáng tác mới và giá trị của các văn hữu khắp nơi :Hồ Đình Nghiêm với "Nội Y", Đình Đình dàn trải bi kịch của xã hội trong "Em ngây thơ như con rồ", Kinh Dương Vương cực hay với "Chị Yến", Hoàng Ngọc Thư với sáng tác mới nhất - "Ký ức về bốn lần hôn", Nguyễn Xuân Tường Vy vui tươi nhưng không kém phần sâu sắc qua "Qué xê ra xê ra", Jhumpa Lahiri với "Diễn dịch bệnh trạng" do Trần Viết Minh Thanh chuyển ngữ. Kế đến là tùy bút thâm trầm của nhà văn Thế Uyên: "Hà Thúc Sinh và đại học máu, tống biệt" bên cạnh Song Thao "Tìm về", Phan Ni Tấn với những truyện thật ngắn và Phan Nhật Nam đi ngược chiều kim đồng với lối kể chuyện như một khúc phim quay chậm bằng thân phận của một con người qua những chặng thời gian đớn đau của đất nước: " Lần trở về với biển."
Đặc biệt Hợp Lưu 96 hân hạnh giới thiệu 3 người viết mới lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu: Đào Vũ Hoài (Paris), Lê Hưng Tiến (Ninh Thuận) và Ngô Thị Hải Trang (Hà nội). Phần thi ca là những sáng tác mới nhất của: Trần Mộng Tú, Lê Yêu Thương, Cát Du, Ngô Thị Thanh Vân, Nguyễn-Hòa-Trước, Trần Doãn Nho, Hoàng Ngọc Thư, Xuyên Trà, Khê Kinh Kha, Lưu Diệu Vân, Võ Công Liêm…Mục thường xuyên với Trần Thiện Đạo trong Mạn Đàm Văn Học, Giới Thiệu Sách với Trang Luân, Tin Văn Học Nghệ Thuật với Vũ Thuý Vi, và Hoàng Chính với truyện dài "Thư tình viết muộn" kỳ 2.
Tháng chín, mùa tựu trường đã bắt đầu, bài học đầu tiên vẫn mãi là bài học yêu thương, xin gởi đến qúi văn hữu và độc giả những câu thơ của Trần Mộng Tú như một chia xẻ:
Bao nhiêu mùa hạ đã đi qua
ai đem cái áo tay dài cắt đi cho ngắn
cắt cả vào thịt da.
Tạp Chí Hợp Lưu