Dịch thuật
TÌNH YÊU NHƯ TRÁI PHÁ
Trên tạp chí mạng Da Màu ngày 02.04.2010, có đăng bài ca từ Tình sầu của nhạc sĩ kiêm thi sĩ Trịnh Công Sơn và bản dịch tiếng Anh Meditations in love của Đinh Từ Bích Thúy. Tiếp theo là phản hồi của nhiều độc giả, kể theo thứ tự thời gian: Nguyễn Đức Tùng, quynh du, T.T., ActionMinded, phaitran, Trinh - Trung Lap, Điền L., Thái Kim Lan. Sau đó, ngày 20.04.2010, đăng thêm bài góp ý của Bùi Vĩnh Phúc dưới nhan đề Tình Yêu & Con Tim trong Tình sầu của Trịnh Công Sơn: một thoáng dư ba (góp ý với Đinh Từ Bích Thúy và Thái Kim Lan), kèm theo phản hồi của ba độc giả khác là Trần Nguyên Đán, Lũy (hai lần) và phan ngọc, cộng với thư trao đổi (thân tình) giữa tác giả BVPh và dịch giả ĐThBTh.
Trọng điểm
Các lời bình luận và góp í của độc giả, tựu trung, đều xoay quanh hai trọng điểm kể sau:
* í nghĩa hai vế của nguyên tác: Tình yêu như trái phá
con tim mù lòa.
* bản dịch câu ca từ nói trên : Love as an artillery shell that blinds the heart.
Nguyên tác trích dẫn trên đây chép theo dịch giả đăng sau bản dịch: mỗi vế một hàng, giữa hai vế không có dấu phẩy dấu chấm, vế sau chữ đầu không viết hoa, cuối câu có dấu chấm.
Về bản dịch
Thay cho từ ghép artillery shell, Nguyễn Đức Tùng và quynh du đề nghị « ‘’trái phá‘’ nên dịch là ‘’grenade‘’ », còn T.T. thì là ‘’smoke grenade‘’ và Điền L. ‘’exploding shell’’, trong khi ActionMinded trực tiếp khen ngợi: « ĐTBT dịch trái phá sang artillery shell là đúng cả ý lẫn từ. », còn phaitran (« Tình yêu như lựu đạn… nghe bậy bạ quá các vị ơi. ») và Trinh - Trung Lap ( «… dịch phẩm này của chị Bích Thúy sẽ quảng bá (…) Nhạc Trịnh… ») một cách gián tiếp.
Riêng Thái Kim Lan thì không màng bàn tới từ này hay từ kia, bởi chị không hiểu hai vế của nguyên tác như họ, kể cả dịch giả, đã hiểu và đã dịch, dầu chữ dùng của họ có khác nhau. Và Bùi Vĩnh Phúc trong bài viết sau đó cũng tỏ í tán đồng cách hiểu của chị.
Í nghĩa
Theo Thái Kim Lan thì giữa hai vế của nguyên tác « không có liên hệ nhân quả kỉểu ‘’trái phá‘’ là nguyên nhân làm ‘’mù lòa‘’ con tim. ». Chị « thiển nghĩ Trịnh Công Sơn nói - hay hát - hai điều mà ta tưởng một nhưng là hai: bản chất của tình yêu và thiên chất (nature) của trái tim. ». Bằng cớ là « trong bản nhạc viết tay của Trịnh Công Sơn mà (chị) có lần đọc, ở giữa hai câu (= vế) – hai câu chứ không phải một câu kép – (…) là một dấu nghỉ bằng một phách rưỡi. » Cho nên chị chép (lại) nguyên tác như sau: « Tình yêu như trái phá. Con tim mù lòa. » - xin chú í: giữa hai vế trích dẫn có dấu chấm.
Còn Bùi Vĩnh Phúc, trong bài góp í (khá dài) với cái tựa đề (khá dài) nói trên, sau khi đà trích dẫn (khá dài) nhà thơ xứ Libăng Khalil Gibran (đầu thế kỉ XX), nhà văn Anh quốc Thomas Carlyle (thế kỉ XIX) và hoàng đế La mã Julius Caesar (thề kỉ I tcn), thì rạch « một dấu gạch chéo giữa hai hình ảnh nói về ‘’tình yêu‘’ và ‘’con tim’’, vì, trên đại thể, (ông) cũng có suy nghĩ như chị Thái Kim Lan… ». Rồi chép (lại) nguyên tác như sau: Tình yêu như trái phá / con tim mù lòa – xin chú í: giữa hai vế không có dấu chấm, mà có dấu gạch chéo tượng trưng.
Và cuối cùng, họ (ThKL + BVPh) đã thuyết phục được dịch giả (ĐThBTh). Trong thư trao đổi giữa Đinh Thị Bích Thúy và Bùi Vĩnh Phúc, ngày 23.04.2010, dịch giả viết: « Theo đề nghị của anh và chị Thái Kim Lan, Thúy sẽ sửa câu đầu trong bản dịch ‘’Tình sầu‘’ thành : Love as an artillery shell. The heart is blind. » Xin chú i: giữa hai vế có dấu chấm, nghĩa là, nói như Thái Kim Lan, không có liên hệ nhơn quả giữa trái phá và con tim mù lòa.
Thiển kiến
Chúng tôi không có cái hân hạnh được nhìn thấy bản nhạc viết tay của Trịnh Công Sơn và thấy giữa hai vế ‘’có dấu nghỉ bằng một phách rưỡi’’ (1) như Thái Kim Lan, và cũng không có cái diễm phước được đọc nhiều biết rộng qua các tác phẩm từ cổ chí kim như Bùi Vĩnh Phúc. Thành thử thiển kiến (thiển, với dấu hỏi) chúng tôi sắp trình bày dưới đây chỉ dựa trên văn bản in trên hai cuốn sách ấn hành mấy năm qua và do chính dịch giả ghi chép sau bản dịch, và, đồng thời, trên cách diễn đạt của người Việt chúng ta.
Trong hai cuốn sách, một là tập Một cõi Trịnh Công Sơn (Nxb Thuận Hóa liên kết với Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây – 2002) do Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha và Đoàn Tử Huyến sưu tầm và biên soạn, và hai là tập Trịnh Công Sơn, vết chân dã tràng của Ban Mai (Nxb Lao động liên kết với Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây – 2008), chúng tôi đọc thấy câu đầu bài ca từ Tình sầu in như sau:
* tập đầu (tr. 609): Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa.
Giữa hai vế có dấu phẩy, cuối câu không xuống hàng có dấu chấm.
* tập sau (tr. 425): Tình yêu như trái phá
Con tim mù lòa
Mỗi vế một hàng, chữ đầu vế sau viết hoa như các câu tiếp theo khác, không có dấu chấm dấu phẩy.
Căn cứ trên cách xếp câu vừa trích và của dịch giả, thì khi Thái Kim Lan đánh dấu chấm giữa hai vế và Bùi Vĩnh Phúc phân chia hai vế bằng gạch chéo để chứng tỏ và biện minh cho lối diễn dịch của mình, chúng tôi thấy có chút gì giả tạo, gò ép trong cách chấm, gạch của họ. Vì rằng, cứ lần lượt đọc hết các câu đầu (hai vế của nó có xuống hàng hay không) của tám đoạn ca từ mà xem. Hãy nhẫn nại đọc từng câu một: Tình yêu như vết cháy trong da thịt người (đoạn 2), Tình yêu như trái chín trên cây rụng rời (đoạn 3), Tình yêu như thương áo quen hơi ngọt ngào (đoạn 4), Tình yêu như nỗi chết cơn đau thật dài (đoạn 5), Tình yêu cơn bão đi qua địa cầu (đoạn 6), Tình yêu cho anh đến bên cơn muộn phiền (đoạn 7), Tình yêu đốt sáng con tim tật nguyền (đoạn 8), ắt nhận thấy rõ rằng hai vế của mỗi câu đều có liên hệ mật thiết với nhau, không bị chia cắt, không bị tách rời. Câu Tình yêu như trái phá con tim mù lòa (đoạn 1) không nằm ngoài nhận xét này.
Thế cho nên khi dịch giả, bị/được thuyết phục, ‘’sửa lại câu đầu (…) thành: Love as an artillery shell. The heart is blind.’’, thì, đơn thuần về mặt câu cú (không đụng tới í nghĩa, dầu chẳng phải là không có điều gì để bàn), dấu chấm ngăn cách hai vế đặt vào toàn bộ tám câu giáo đầu trích dẫn trên đây và của bản dịch bỗng nhiên hóa nên khúc mắc, cồm cộm như có hột sạn lọt vô trong giày khi ta rảo bước. Và lạc lõng giữa bài ca từ.
Diễn đạt Đông/Tây
Gần bốn mươi lăm năm trước, vào tháng 12/1966, khi chuyển dịch xong truyện kể La Chute (Sa đọa – 1954) của nhà văn Pháp Albert Camus (1913-1960), chúng tôi có bộc bạch như sau: « Trong công trình này, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp khó xử: người Việt nam ít khi biểu lộ những thực tại vô hình bằng những khái niệm trừu tượng, mà thường gợi ý qua nhiều cách nói vận dụng hình ảnh cụ thể. Mà ép buộc dùng hình ảnh cụ thể lại khó bề bám sát ý nghĩa của từ ngữ trừu tượng. Gặp những trường hợp tương tợ, chúng tôi đã không ngại tùy cơ ứng biến, cốt sao vừa diễn tả được trọn vẹn những ý niệm phát biểu. » (trích bản tiếng Việt) (2)
Nhắc qua khó khăn gặp phải trong công trình chuyển dịch tiếng Pháp (nghĩa là cách diễn đạt của người Pháp và, nói chung, của phương Tây) ra tiếng Việt (nghĩa là cách diễn đạt của người Việt và, nói chung, của phương Đông) cốt để lưu í bạn đọc rằng công trình chuyển dịch ngược lại, từ Đông sang Tây, cũng mắc phải khó khăn tương tự.
Trong câu Tình yêu như trái phá con tim mù lòa của Trịnh Công Sơn, có thể xem, theo cách diễn đạt của người phương Đông, trái phá ở đây chỉ là hình ảnh cụ thể biểu lộ khái niệm phác họa sự thể vừa inh tai vừa tác động mạnh chẳng ai cưỡng nổi và, trong trượng hợp này, khiến cho con tim bị mù lòa về thể chất lẫn tình cảm. Trái với cách diễn dịch của Thái Kim Lan và của Bùi Vĩnh Phúc đã thuyết phục (được) dịch giả Đinh Từ Bích Thúy, hai vế câu ca từ có quan hệ mật thiết với nhau chớ không tách rời nhau. Bởi nó là một (chữ của Thái Kim Lan), nói lên nhận xét muôn đời về tình yêu muôn thuở, không pha trộn triết lí, không đượm màu tôn giáo.
Chắc vì không nghĩ tới cách diễn đạt khác nhau giữa phương Đông và phương Tây nên đại đa số các vị độc giả và dịch giả đã luận giải với nhau về chỗ trái phá là thứ bom đạn gì, thể như phải dịch sát nghĩa đúng với thứ bom đạn đó thì bản dịch mới đạt. Rồi thì bảo phải dịch khi là grenade (lựu đạn), khi là smoke grenade (đạn khói) hay exploding shell (đạn pháo), còn dịch giả thì tra tự điển tìm coi nó mặt mũi ra sao để dịch là artillery shell, cho rằng từ ghép này ‘’có vẻ chính xác và rộng hơn từ ‘grenade‘’’. Họ bàn cãi với nhau như vậy xem ra có phần vô tích sự, không tác dụng, không lợi ích, bởi đây là một câu văn hư cấu chớ đâu thuộc loại khoa học.
Là bởi trái phá trong câu ca từ chỉ là hình ảnh cụ thể phác họa một í niệm chớ không một vật thể đặt định nào. Trái phá ở đây dịch là artillery shell, hay grenade, hay smoke grenade, hay exploding shell, hay một từ khác chỉ định bom đạn thì cũng có í nghĩa tượng trưng ngang nhau. Nhưng nếu như chuyển nó bằng một từ nào thích hạp với cách diễn đạt bản năng của người phương Tây thì chắc dễ được họ tiếp thu một cách thấm thía hơn. Chẳng hạn sử dụng í niệm coup de foudre của Pháp, hoặc love at first sight (hay coup de foudre lấy nguyên xi tiếng Pháp) của Anh và Mĩ - cả hai đều hàm nghĩa sét đánh giống như chúng ta đã nhại theo tiếng Pháp… Và chắc còn nhiều từ/thành ngữ sở tại và cách diễn đạt khác nữa mà chúng tôi không/chưa nghĩ ra, mà bạn đọc sành Anh ngữ và Mĩ ngữ đã nghĩ tới rồi.
Tạm kết
Trở lên trên là những í kiến sơ đẳng, nhưng đã được tôi luyện qua kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy và chuyển dịch Pháp->Việt, Việt->Pháp và Pháp->Anh, Anh->Pháp. Tuy chỉ chạm tới những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng chẳng phải vì vậy mà không liên quan tới những vấn đề khái quát.
Dịch thuật vốn là một công việc trần ai, ngoại trừ lối dịch cẩu thả và lấy có, kể cả của mấy dịch giả danh tiếng, thường thấy trên thị trường của chúng ta hiện nay. Cho nên câu chuyện sẽ còn dài và còn lâu mới (chưa chắc) chấm dứt. (3)
TRẦN THIỆN - ĐẠO
(
--------------------------
(1) Dấu nghỉ bằng một phách rưỡi trong âm nhạc không nhứt thiết tương đương với dầu chấm trong văn chương.
(2) Còn đây là bản tiếng Pháp: La mise en vietnamien du texte d’Albert Camus où l’abstrait abonde, nous en avons fait l’expérience, est très délicate. Aussi avons-nous souvent été partagé entre le souci de la discipline de traduction que nous avons essayé de respecter en cherchant le mot juste et le souci d’une forme vietnamienne naturelle, dans la mesure où celle-ci permet d’exprimer, en sa totalité, la pensée de l’auteur, sans pour cela nuire au style élaboré de l’œuvre. (Albert Camus, Sa đọa - Trần Thiện-Đạo phiên dịch, giới thiệu và chú giải – Nxb Giao Điểm, 1972 - tr. 228-229).
(3) Trần Thiện-Đạo, Cái tật khôn chừa – Phê bình dịch thuật (Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây sắp ấn hành).