- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tình Yêu Như Trái Phá

29 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 12380)

hopluu99-266w_0_300x183_1

Dịch thuật

TÌNH YÊU NHƯ TRÁI PHÁ 

 

 Trên tạp chí mạng Da Màu ngày 02.04.2010, có đăng bài ca từ Tình sầu của nhạc sĩ kiêm thi sĩ Trịnh Công Sơn và bản dịch tiếng Anh Meditations in love của Đinh Từ Bích Thúy. Tiếp theo là phản hồi của nhiều độc giả, kể theo thứ tự thời gian: Nguyễn Đức Tùng, quynh du, T.T., ActionMinded, phaitran, Trinh - Trung Lap, Điền L., Thái Kim Lan. Sau đó, ngày 20.04.2010, đăng thêm bài góp ý của Bùi Vĩnh Phúc dưới nhan đề Tình Yêu & Con Tim trong Tình sầu của Trịnh Công Sơn: một thoáng dư ba (góp ý với Đinh Từ Bích Thúy và Thái Kim Lan), kèm theo phản hồi của ba độc giả khác là Trần Nguyên Đán, Lũy (hai lần) và phan ngọc, cộng với thư trao đổi (thân tình) giữa tác giả BVPh và dịch giả ĐThBTh.

 

Trọng điểm

 Các lời bình luận và góp í của độc giả, tựu trung, đều xoay quanh hai trọng điểm kể sau:

 * í nghĩa hai vế của nguyên tác: Tình yêu như trái phá

 con tim mù lòa.

 * bản dịch câu ca từ nói trên : Love as an artillery shell that blinds the heart.

 Nguyên tác trích dẫn trên đây chép theo dịch giả đăng sau bản dịch: mỗi vế một hàng, giữa hai vế không có dấu phẩy dấu chấm, vế sau chữ đầu không viết hoa, cuối câu có dấu chấm.

Về bản dịch 

Thay cho từ ghép artillery shell, Nguyễn Đức Tùng và quynh du đề nghị « ‘’trái phá‘’ nên dịch là ‘’grenade‘’ », còn T.T. thì là ‘’smoke grenade‘’ và Điền L. ‘’exploding shell’’, trong khi ActionMinded trực tiếp khen ngợi: « ĐTBT dịch trái phá sang artillery shell là đúng cả ý lẫn từ. », còn phaitran (« Tình yêu như lựu đạn nghe bậy bạ quá các vị ơi. ») và Trinh - Trung Lap ( «… dịch phẩm này của chị Bích Thúy sẽ quảng bá () Nhạc Trịnh ») một cách gián tiếp.

Riêng Thái Kim Lan thì không màng bàn tới từ này hay từ kia, bởi chị không hiểu hai vế của nguyên tác như họ, kể cả dịch giả, đã hiểu và đã dịch, dầu chữ dùng của họ có khác nhau. Và Bùi Vĩnh Phúc trong bài viết sau đó cũng tỏ í tán đồng cách hiểu của chị.  

Í nghĩa

Theo Thái Kim Lan thì giữa hai vế của nguyên tác « không có liên hệ nhân quả kỉểu ‘’trái phá‘’ là nguyên nhân làm ‘’mù lòa‘’ con tim. ». Chị « thiển nghĩ Trịnh Công Sơn nói - hay hát - hai điều mà ta tưởng một nhưng là hai: bản chất của tình yêu và thiên chất (nature) của trái tim. ». Bằng cớ là « trong bản nhạc viết tay của Trịnh Công Sơn mà (chị) có lần đọc, ở giữa hai câu (= vế) – hai câu chứ không phải một câu kép – () là một dấu nghỉ bằng một phách rưỡi. » Cho nên chị chép (lại) nguyên tác như sau: « Tình yêu như trái phá. Con tim mù lòa. » - xin chú í: giữa hai vế trích dẫn có dấu chấm.

Còn Bùi Vĩnh Phúc, trong bài góp í (khá dài) với cái tựa đề (khá dài) nói trên, sau khi đà trích dẫn (khá dài) nhà thơ xứ Libăng Khalil Gibran (đầu thế kỉ XX), nhà văn Anh quốc Thomas Carlyle (thế kỉ XIX) và hoàng đế La mã Julius Caesar (thề kỉ I tcn), thì rạch « một dấu gạch chéo giữa hai hình ảnh nói về ‘’tình yêu‘’ và ‘’con tim’’, vì, trên đại thể, (ông) cũng có suy nghĩ như chị Thái Kim Lan… ». Rồi chép (lại) nguyên tác như sau: Tình yêu như trái phá / con tim mù lòa – xin chú í: giữa hai vế không có dấu chấm, mà có dấu gạch chéo tượng trưng.

Và cuối cùng, họ (ThKL + BVPh) đã thuyết phục được dịch giả (ĐThBTh). Trong thư trao đổi giữa Đinh Thị Bích Thúy và Bùi Vĩnh Phúc, ngày 23.04.2010, dịch giả viết: « Theo đề nghị của anh và chị Thái Kim Lan, Thúy sẽ sửa câu đầu trong bản dịch ‘’Tình sầu‘’ thành : Love as an artillery shell. The heart is blind. » Xin chú i: giữa hai vế có dấu chấm, nghĩa là, nói như Thái Kim Lan, không có liên hệ nhơn quả giữa trái phá và con tim mù lòa.

Thiển kiến

Chúng tôi không có cái hân hạnh được nhìn thấy bản nhạc viết tay của Trịnh Công Sơn và thấy giữa hai vế ‘’có dấu nghỉ bằng một phách rưỡi’’ (1) như Thái Kim Lan, và cũng không có cái diễm phước được đọc nhiều biết rộng qua các tác phẩm từ cổ chí kim như Bùi Vĩnh Phúc. Thành thử thiển kiến (thiển, với dấu hỏi) chúng tôi sắp trình bày dưới đây chỉ dựa trên văn bản in trên hai cuốn sách ấn hành mấy năm qua và do chính dịch giả ghi chép sau bản dịch, và, đồng thời, trên cách diễn đạt của người Việt chúng ta. 

Trong hai cuốn sách, một là tập Một cõi Trịnh Công Sơn (Nxb Thuận Hóa liên kết với Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây – 2002) do Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha và Đoàn Tử Huyến sưu tầm và biên soạn, và hai là tập Trịnh Công Sơn, vết chân dã tràng của Ban Mai (Nxb Lao động liên kết với Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây – 2008), chúng tôi đọc thấy câu đầu bài ca từ Tình sầu in như sau:

* tập đầu (tr. 609): Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa.   

Giữa hai vế có dấu phẩy, cuối câu không xuống hàng có dấu chấm.

* tập sau (tr. 425): Tình yêu như trái phá

  Con tim mù lòa

Mỗi vế một hàng, chữ đầu vế sau viết hoa như các câu tiếp theo khác, không có dấu chấm dấu phẩy.

Căn cứ trên cách xếp câu vừa trích và của dịch giả, thì khi Thái Kim Lan đánh dấu chấm giữa hai vế và Bùi Vĩnh Phúc phân chia hai vế bằng gạch chéo để chứng tỏ và biện minh cho lối diễn dịch của mình, chúng tôi thấy có chút gì giả tạo, gò ép trong cách chấm, gạch của họ. Vì rằng, cứ lần lượt đọc hết các câu đầu (hai vế của nó có xuống hàng hay không) của tám đoạn ca từ mà xem. Hãy nhẫn nại đọc từng câu một: Tình yêu như vết cháy trong da thịt người (đoạn 2), Tình yêu như trái chín trên cây rụng rời (đoạn 3), Tình yêu như thương áo quen hơi ngọt ngào (đoạn 4), Tình yêu như nỗi chết cơn đau thật dài (đoạn 5), Tình yêu cơn bão đi qua địa cầu (đoạn 6), Tình yêu cho anh đến bên cơn muộn phiền (đoạn 7), Tình yêu đốt sáng con tim tật nguyền (đoạn 8), ắt nhận thấy rõ rằng hai vế của mỗi câu đều có liên hệ mật thiết với nhau, không bị chia cắt, không bị tách rời. Câu Tình yêu như trái phá con tim mù lòa (đoạn 1) không nằm ngoài nhận xét này.

 Thế cho nên khi dịch giả, bị/được thuyết phục, ‘’sửa lại câu đầu () thành: Love as an artillery shell. The heart is blind.’’, thì, đơn thuần về mặt câu cú (không đụng tới í nghĩa, dầu chẳng phải là không có điều gì để bàn), dấu chấm ngăn cách hai vế đặt vào toàn bộ tám câu giáo đầu trích dẫn trên đây và của bản dịch bỗng nhiên hóa nên khúc mắc, cồm cộm như có hột sạn lọt vô trong giày khi ta rảo bước. Và lạc lõng giữa bài ca từ.

Diễn đạt Đông/Tây

Gần bốn mươi lăm năm trước, vào tháng 12/1966, khi chuyển dịch xong truyện kể La Chute (Sa đọa – 1954) của nhà văn Pháp Albert Camus (1913-1960), chúng tôi có bộc bạch như sau: « Trong công trình này, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp khó xử: người Việt nam ít khi biểu lộ những thực tại vô hình bằng những khái niệm trừu tượng, mà thường gợi ý qua nhiều cách nói vận dụng hình ảnh cụ thể. Mà ép buộc dùng hình ảnh cụ thể lại khó bề bám sát ý nghĩa của từ ngữ trừu tượng. Gặp những trường hợp tương tợ, chúng tôi đã không ngại tùy cơ ứng biến, cốt sao vừa diễn tả được trọn vẹn những ý niệm phát biểu. » (trích bản tiếng Việt) (2)

Nhắc qua khó khăn gặp phải trong công trình chuyển dịch tiếng Pháp (nghĩa là cách diễn đạt của người Pháp và, nói chung, của phương Tây) ra tiếng Việt (nghĩa là cách diễn đạt của người Việt và, nói chung, của phương Đông) cốt để lưu í bạn đọc rằng công trình chuyển dịch ngược lại, từ Đông sang Tây, cũng mắc phải khó khăn tương tự.

Trong câu Tình yêu như trái phá con tim mù lòa của Trịnh Công Sơn, có thể xem, theo cách diễn đạt của người phương Đông, trái phá ở đây chỉ là hình ảnh cụ thể biểu lộ khái niệm phác họa sự thể vừa inh tai vừa tác động mạnh chẳng ai cưỡng nổi và, trong trượng hợp này, khiến cho con tim bị mù lòa về thể chất lẫn tình cảm. Trái với cách diễn dịch của Thái Kim Lan và của Bùi Vĩnh Phúc đã thuyết phục (được) dịch giả Đinh Từ Bích Thúy, hai vế câu ca từ có quan hệ mật thiết với nhau chớ không tách rời nhau. Bởi nó là một (chữ của Thái Kim Lan), nói lên nhận xét muôn đời về tình yêu muôn thuở, không pha trộn triết lí, không đượm màu tôn giáo.

Chắc vì không nghĩ tới cách diễn đạt khác nhau giữa phương Đông và phương Tây nên đại đa số các vị độc giả và dịch giả đã luận giải với nhau về chỗ trái phá là thứ bom đạn gì, thể như phải dịch sát nghĩa đúng với thứ bom đạn đó thì bản dịch mới đạt. Rồi thì bảo phải dịch khi là grenade (lựu đạn), khi là smoke grenade (đạn khói) hay exploding shell (đạn pháo), còn dịch giả thì tra tự điển tìm coi nó mặt mũi ra sao để dịch là artillery shell, cho rằng từ ghép này ‘’có vẻ chính xác và rộng hơn từ ‘grenade‘’’. Họ bàn cãi với nhau như vậy xem ra có phần vô tích sự, không tác dụng, không lợi ích, bởi đây là một câu văn hư cấu chớ đâu thuộc loại khoa học.

Là bởi trái phá trong câu ca từ chỉ là hình ảnh cụ thể phác họa một í niệm chớ không một vật thể đặt định nào. Trái phá ở đây dịch là artillery shell, hay grenade, hay smoke grenade, hay exploding shell, hay một từ khác chỉ định bom đạn thì cũng có í nghĩa tượng trưng ngang nhau. Nhưng nếu như chuyển nó bằng một từ nào thích hạp với cách diễn đạt bản năng của người phương Tây thì chắc dễ được họ tiếp thu một cách thấm thía hơn. Chẳng hạn sử dụng í niệm coup de foudre của Pháp, hoặc love at first sight (hay coup de foudre lấy nguyên xi tiếng Pháp) của Anh và Mĩ - cả hai đều hàm nghĩa sét đánh giống như chúng ta đã nhại theo tiếng Pháp Và chắc còn nhiều từ/thành ngữ sở tại và cách diễn đạt khác nữa mà chúng tôi không/chưa nghĩ ra, mà bạn đọc sành Anh ngữ và Mĩ ngữ đã nghĩ tới rồi.

Tạm kết

Trở lên trên là những í kiến sơ đẳng, nhưng đã được tôi luyện qua kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy và chuyển dịch Pháp->Việt, Việt->Pháp và Pháp->Anh, Anh->Pháp. Tuy chỉ chạm tới những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng chẳng phải vì vậy mà không liên quan tới những vấn đề khái quát.

Dịch thuật vốn là một công việc trần ai, ngoại trừ lối dịch cẩu thả và lấy có, kể cả của mấy dịch giả danh tiếng, thường thấy trên thị trường của chúng ta hiện nay. Cho nên câu chuyện sẽ còn dài và còn lâu mới (chưa chắc) chấm dứt. (3)

 

TRẦN THIỆN - ĐẠO

(Paris, 03/05/2010)

--------------------------

(1) Dấu nghỉ bằng một phách rưỡi trong âm nhạc không nhứt thiết tương đương với dầu chấm trong văn chương.

(2) Còn đây là bản tiếng Pháp: La mise en vietnamien du texte d’Albert Camus où l’abstrait abonde, nous en avons fait l’expérience, est très délicate. Aussi avons-nous souvent été partagé entre le souci de la discipline de traduction que nous avons essayé de respecter en cherchant le mot juste et le souci d’une forme vietnamienne naturelle, dans la mesure où celle-ci permet d’exprimer, en sa totalité, la pensée de l’auteur, sans pour cela nuire au style élaboré de l’œuvre. (Albert Camus, Sa đọa - Trần Thiện-Đạo phiên dịch, giới thiệu và chú giải – Nxb Giao Điểm, 1972 - tr. 228-229).

(3) Trần Thiện-Đạo, Cái tật khôn chừa – Phê bình dịch thuật (Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây sắp ấn hành).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Tám 202111:36 CH(Xem: 9105)
Thỉnh thoảng tôi dọn sách vở xem cuốn nào cần giữ, cuốn nào mang cho, và đặc biệt là cuốn nào cần gửi trả khổ chủ kẻo lỡ quên đâm mang tiếng. Thuộc vào số ít sách phải gửi lại khổ chủ, tôi tìm thấy cuốn này: Vietnamese Colonial Republican – The Political Vision of Vu Trong Phung, tạm dịch là Người Việt Cộng hoà thời Thuộc địa - Viễn kiến Chính trị của Vũ Trọng Phụng, của sử gia Peter Zinoman thuộc phân khoa Sử học của Đại học California tại Berkeley. / Tôi vẫn có ý định viết bài giới thiệu tập biên khảo của GS Zinoman từ khi đọc xong, với nhiều thích thú, từ… giữa mùa đại dịch Covid vào hè năm ngoái. Bài bên dưới là lời giới thiệu khái quát tập biên khảo đã giúp tôi biết thêm rất nhiều về nhà văn Vũ Trọng Phụng vốn khá độc đáo của nền văn học tiền chiến, nay càng thêm (có thể nói là) độc nhất như một tay “tiền trạm” của chủ nghĩa cộng hoà tại Việt Nam dưới cái nhìn của sử gia Zinoman.
04 Tháng Tám 20218:53 CH(Xem: 9015)
Từ những ngày còn trẻ chưa biết lo là gì tôi đã tình cờ đọc tập thơ “Ngày Sinh Của Rắn” của nhà thơ Phạm Công Thiện, mà trong đó không biết vì sao tôi cứ nhớ mãi câu thơ này, “Cửu Long ca từ Tây Tạng!” Cũng từ đó Sông Cửu Long không bao giờ ngừng chảy trong ký ức của tôi. Và bây giờ tôi nhận được cuốn “Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch” của nhà văn Ngô Thế Vinh như một tình cờ kỳ lạ mà tôi có với dòng sông lịch sử này.
03 Tháng Ba 202112:07 SA(Xem: 11126)
“Vòng Đai Xanh” của Ngô Thế Vinh được xem là một tiểu thuyết chiến tranh, được viết rất thực bởi một quân y sĩ xông pha ngoài trận tuyến. Cuộc chiến tự vệ của người dân Miền Nam chống xâm lược của Cộng Sản Miền Bắc kéo dài đến 15 năm (1960-75), nếu không nói đến hoạt động khủng bố, phá hoại 2-3 năm trước khi chiến tranh chính thức khai mào, cho nên chúng ta không thiếu những tác giả viết về cuộc chiến đó, cảm khái từ những mất mát, đổ vỡ, tan hoang của con người, của tuổi trẻ, của gia đình, của xã hội, của đất nước vì chiến tranh.
08 Tháng Chín 20209:38 CH(Xem: 12912)
Trong những ngày đang phải cố thủ tại gia một cách tuyệt vọng trước “kẻ thù vô hình” Corona virus giăng mắc, phong tỏa nơi nơi, “Mặt Trận Ở Sài Gòn” là một nguồn quên lãng lớn cơn đại dịch này. Trước hiện tại đang thêm phần đen tối không chỉ vì đại dịch Cô-Vy và nạn suy thoái/ lạm phát mà chủ yếu vì một chính tình thối nát, có khi người ta phải đi vay mượn một vài tia sáng từ quá khứ để có thể ngày qua ngày. Những câu chuyện cách đây cả 50 năm ở một nơi nay quá xa xôi bỗng dưng sống lại một cách da diết trong trí nhớ, trong con tim của mỗi chúng ta khi có “Mặt Trận Ở Sài Gòn” đặt đầu bàn ngủ (không phải gối đầu giường).
29 Tháng Tám 20202:15 CH(Xem: 13664)
Mặt trận ở Sài Gòn là một tuyển tập 12 truyện ngắn của Nhà văn Ngô Thế Vinh viết về kí ức thời chiến tranh vào thập niên 1970s, chủ yếu ở vùng núi rừng Tây Nguyên. Tuy có nhiều chứng nhân trong cuộc chiến, nhưng tác giả là một chứng nhân hiếm hoi ghi lại một giai đoạn chiến sự khốc liệt qua các câu chuyện được hư cấu hoá. Điểm đặc biệt của tập truyện ngắn này là có phiên bản tiếng Anh do một học giả ẩn danh dịch, có lẽ muốn chuyển tải đến độc giả nước ngoài về cái nhìn và suy tư của người lính phía VNCH.
02 Tháng Sáu 202010:06 CH(Xem: 15209)
Đã từ lâu tôi có một thói quen xấu, khi đọc thơ trí não tôi tự động phân loại rành rọt. Một: loại thi ca gây cho mình cảm hứng. Hai: loại không gây cảm hứng nếu không muốn nói làm mình mất hứng. Vậy mà lật tới lật lui, đọc đi đọc lại, tật xấu không nổi lên. Thay vào đó tôi thấy mình chăm chú lắng nghe. Tôi trở lại lần tay trên bìa sách, khoảng trắng với những vân vạch to nhỏ ngắn dài của biểu đồ tần số như phát lên một âm thanh vừa rè đục vừa trong vắt. Ở một nơi chừng như trống rỗng trắng xóa, ý tưởng mọc lên giữa âm thanh nhiễu loạn. Và bài Radio mùa hè tiếp tục văng vẳng
07 Tháng Mười Một 20198:36 CH(Xem: 20024)
Trong thời niên thiếu, anh cũng như một số bạn đều mê đọc tiểu thuyết, đọc thơ của các văn thi sĩ tiền chiến. Trong các nhóm nhà văn đó thì nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã ảnh hưởng đến anh nhiều nhất. Văn của họ nhẹ nhàng, trong sáng, với những truyện tình lãng mạn lồng trong khung cảnh quê hương đơn sơ và lúc nào cũng man mác tình yêu. Truyện của họ, không lúc nào thiếu trong tủ sách gia đình của anh. Trong nhóm đó, Nhất Linh được anh coi như một mẫu người lý tưởng, một nhà văn, một chiến sĩ cách mạng. Nhiều nhân vật trong truyện đã in sâu vào ký ức anh. Họ không những đã trở thành một phần đời sống của anh mà đôi khi lại là những giấc mộng không thành. Trong những năm cuối cuộc đời, ông xa lánh cảnh trần tục, như một tiên ông quy ẩn bên dòng suối Đa Mê của rừng lan Đà Lạt.
09 Tháng Bảy 201911:36 CH(Xem: 15480)
Đọc xong cuốn sách về một con người đã chết cách đây hơn nửa thế kỷ khi còn đương xuân, đương ở những năm tháng tiềm năng nhất về sức lực và trí lực, tự tôi dằn lòng nở một nụ cười lớn hạnh phúc cho riêng tôi.
04 Tháng Năm 201911:02 CH(Xem: 16127)
Bác Sĩ Ngô Thế Vinh chia xẻ với tôi một cuốn sách anh và các bạn anh đang soạn thảo. Cuốn sách về một cuộc đời rất ngắn của người bạn đồng nghiệp: Nghiêm Sỹ Tuấn, một Bác Sĩ Quân Y, một Thi Văn Sĩ , tử trận ở tuổi 31 tại Khe Sanh năm 1968 khi anh đang là Y Sĩ Trung Úy Tiểu Đoàn 6, Nhảy Dù.
07 Tháng Chín 20183:06 CH(Xem: 25004)
Đó là những bài thơ hiếm gặp trên đời này. Đó là thơ Lý Thừa Nghiệp. Đó là những dòng chữ làm chúng ta giựt mình ngay tức khắc. Như dường chữ nhảy ra khỏi trang giấy. Nhiều bài thơ của anh có sức mạnh làm tôi sững sờ, ngồi yên lặng lẽ, và dõi mắt nhìn cho tới dòng cuối bài thơ.