- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tôi Đọc Vườn Măng Cụt Của Trần Mộng Tú

26 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 12436)

Trần Mộng Tú là nhà thơ. Ta quen gọi như thế và dường như chị cũng thích gọi như thế. Thực ra, Trần Mộng Tú còn viết văn, không chỉ thỉnh thoảng viết cho vui, mà viết nhiều. Đặc điểm của Trần Mộng Tú: viết văn mà vẫn "hoài thơ". Thành thử văn của chị khi nào cũng lấm tấm thơ. Thay vì gọi Trần Mộng Tú là nhà thơ/nhà văn, hãy gọi Trần Mộng Tú là nhà thơ viết văn.

Có lẽ Trần Mộng Tú là một trong số những cây bút viết nhiều ở hải ngoại. Những ai yêu văn chương thường được đọc những bài thơ rất mực trữ tình và những truyện ngắn và tản mạn của chị, xuất hiện đâu đó khá đều đặn, trên nhiều tạp chí văn học hải ngoại, giấy cũng như mạng. Chả thế mà ba năm sau "Mưa Sài Gòn Mưa Seattle" (tạp bút, Văn Mới xuất bản năm 2006), Trần Mộng Tú cho ra đời một lúc hai tác phẩm: Một tập thơ tuyển lựa từ hàng trăm bài thơ chị sáng tác trong bốn mươi năm qua và một tập truyện ngắn và tản văn là Vườn măng cụt.

Tác phẩm văn xuôi do nhà xuất bản Văn Mới ấn hành tháng 8/2009 này gồm có ba phần:

-Truyện ngắn

-Tản mạn/tùy bút và ký

-Truyện thật ngắn.

Bài viết này đi lần lượt từng phần, ngược từ cuối lên.

 

Phần ba, "Truyện thật ngắn", hay truyện "Chớp" (theo cách dịch từ tiếng Anh "flash fiction" của tạp chí mạng Da Màu), một thể loại khá mới mẻ chỉ mới xuất hiện trong vòng hơn một thập niên trở lại ở hải ngoại, là những mẩu truyện có độ dài dưới 1500 từ (*), thường xuất hiện là trên hai tạp chí mạng Tiền Vệ và Da Màu. Do độ dài có giới hạn nên truyện thật ngắn chứa đựng nhiều ẩn dụ, do đó, gần gũi với thơ. Và gần gũi với Trần Mộng Tú. Trong Vườn măng cụt, có 16 truyện thật ngắn. Truyện nào cũng lửng lửng lơ lơ, thiệt thiệt giả giả. Đọc xong, ta cảm nhận một điều gì đó, nhưng chỉ là những cảm nhận lơ mơ, không biết rõ là cái gì. Có truyện là vài nét chấm phá về cuộc sống. Có truyện như liêu trai. Có truyện như một dụ ngôn (parable). Có truyện lại ỡm ờ y như chẳng chứa đựng một điều gì đáng kể. Thử đọc qua một truyện khá ngắn trong 16 truyện: "Con gấu". Nguyên cả truyện như sau:

Con gấu của tôi cũ lắm rồi, tôi không nhớ mình có nó từ năm nào. Tôi đi ngủ với nó hàng đêm như một thói quen. Tôi ôm nó vào lòng khi nằm nghiêng, lót nó xuống một bên đùi khi nằm thẳng. Nó nhỏ thôi, nhưng sao vững chãi thế. Chắc chỉ là một thói quen tin cẩn, không có nó thì chông chênh như nằm trên thuyền, khó ngủ lắm. Ôm nó như ôm giấc ngủ, như ôm cơn mơ, như ôm bài thơ của mình. Cả tôi và nó cùng cũ kỹ lắm rồi.

Một hôm, người đàn ông đó ghé qua thành phố, chỉ kịp uống chung một tuần trà, rồi đi.

Con gấu của tôi bắt đầu trở chứng, nó vươn vai thành người đàn ông, hai mắt nó biết nhìn tôi trong giấc ngủ, hai tai nó biết nghe thơ. Tôi đọc cho nó nghe những câu thơ mới. Những câu thơ lơ mơ về tình yêu.

Nó không cũ nữa và tôi bỗng mới.

Ý nghĩa của một truyện như thế này nằm ở đâu? Về thơ, về tình yêu, về sự đổi thay? Hay không ở đâu cả! Theo tôi, có lẽ cái ý vị của nó nằm ở chỗ "không ở đâu cả" này. Vả, "không đâu" với "có đâu" đôi khi chỉ là một cái "chớp"!

Một truyện khác, dài hơn, "Mua cá". Một người đàn ông dẫn một cô gái vào chợ mua cá. Sau khi đi hết từ hàng cá này đến hàng cá khác, chợ này đến chợ khác, hắn mới chọn được một con vừa ý. Về nhà, hắn bắt cô gái nấu cho hắn ăn. "Cô gái ngồi nhìn Hắn ăn con cá như nhìn xuống chính thân phận mình trong mấy ngày hôm nay. Hắn gậm mút không bỏ quên một phân thịt nào sót lại trên thân cá." Ăn xong, hắn bảo cô gái gói xương cá lại và hôm sau dẫn cô ra hàng cá chê cá không ngon, trả lại bộ xương, đòi tiền lại. Người bán cá không chịu, đuổi hắn đi. Sau đây là đoạn kết câu chuyện:

Hắn mang cô gái ra bến xe, mua vé, trả cô về nguyên quán Việt Nam với mấy chữ: "Cá không ngon, thịt ít. Đổi con khác!"

Tháng sau, một chuyến xe từ Việt Nam đến, thả xuống một cô gái khác.

Hắn đón về.

Thử nữa!

Cách viết khô, ngắn, dửng dưng. Nhưng đầy dụng ý. Truyện là một ẩn dụ. Lại là một ẩn dụ đầy hiện thực. Nó gợi lên hình ảnh phũ phàng của một hiện tượng xã hội phổ biến ở Việt Nam hiện nay: những cô gái nghèo Việt Nam trở thành những món hàng bị bán ra nước ngoài để làm nô lệ tình dục.

 

Phần hai, tản văn, gồm những bài bút ký, tản mạn và tùy bút; nhiều bài là tổng hợp cả ba loại. Một số bút ký ghi lại mấy chuyến đi về Việt Nam. Cảm động nhất là "Những người lính cũ", ghi lại cuộc gặp gỡ giữa tác giả với một số thương binh VNCH hiện đang sống một cách vô vọng dưới chế độ Cộng Sản ở Việt Nam. Một số bài khác mang tính cách tiểu luận. Trần Mộng Tú bàn về thời gian, về người mẹ, về bức tường, về những giọt lệ, về người đưa thư, về tuổi già, vân vân…Dưới dạng nào, Trần Mộng Tú cũng viết với giọng văn đằm thắm, nhẹ nhàng. Nghe như những lời tâm sự, hơn là lý sự. Và một điều không thể thiếu: phảng phất thơ. Hãy đọc một đoạn Trần Mộng Tú "luận" về bức tường:

Bức tường ngăn cách ta với nhà hàng xóm, ta vẫn thân yêu gọi là "sát vách" đó, đôi khi nó phải nghe hết những bất bình của cả hai phía. Bức tường vô hình được dựng lên giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, các cháu với ông bà làm cho chúng ta ngộp thở ngay trong một căn buồng cửa mở. Phần nhiều những bức tường có đôi tai rất thính, nó có thể mang sự bí mật của ta sang tận một nước khác, ta nên cẩn thận khi nói thầm.

Một tản mạn khác, "Giọt lệ giấu đi". Sau khi nói về nỗi đau khổ của những người "bị" (hay "được") giấu đi tin tức về cái chết của người thân với mục đích tránh cho người đó khỏi đau khổ, Trần Mộng Tú quả quyết:

Con người đủ khả năng đương đầu với đau khổ, biết rõ nỗi đau của mình, hơn là sống trong một đám sương mù. Quyền được đau đớn cũng ngang với quyền được sung sướng. (Giọt lệ giấu đi)

Nhà thơ muốn lập thuyết, một lý thuyết về tình cảm chăng? Chắc là không. Có lẽ chị chỉ muốn nhấn mạnh một kinh nghiệm sâu sắc của bản thân về nỗi đau mà chị đã từng trải nghiệm. Riêng tôi, tôi suy đi gẫm lại cái ý lạ: Đau đớn, hóa ra, đâu chỉ là một trạng thái tâm lý, mà còn là một cái "quyền"!

Cũng đề cập đến giọt lệ, nhưng ở một tình huống khác, đó là giọt lệ của chính bà mẹ Trần Mộng Tú khi đứa con gái duy nhất sắp đi lấy chồng: "Thư cho con gái ngày đính hôn". Đây là một tùy bút, được viết dưới dạng một lá thư. Bà mẹ tân thời này cũng lạ! Mới nghe tin bạn trai của con mình sẽ ngỏ lời cầu hôn, thay vì vui mừng vì con mình không bị "ế", có đôi có đũa, thì ở đây, mẹ Tú "buông điện thoại xuống mà nước mắt trào ra." Không chỉ khóc một lần rồi thôi, mà khóc rất nhiều lần. "Mấy tháng nay sắm sửa khăn áo cho con. Đi chọn áo cô dâu với con. Đi mua trà, mua bánh, mua rượu. Mỗi lần đi về mẹ lại khóc." Tại sao lại khóc? Mẹ Tú trả lời:

Đối với các bà mẹ, con gái mình là chuỗi ngọc trai, là chiếc vòng cẩm thạch, là hoa mẫu đơn, là ly nước suối, là miếng bánh thơm tho. Con gái bà là tất cả phần gia bảo mình có. Bây giờ bà đứng nhìn cái phần gia bảo đó đang chuyển sang nhà người khác. Làm sao mà ngăn được nước mắt ứa ra!

Ra thế! Khóc thì khóc, nhưng tôi đoán là mẹ Tú không khỏi mừng thầm. Ngày đính hôn, người mẹ Tú tặng cho con gái một món quà, mà theo tôi, là trên-cả-lạ-lùng:

Mẹ mua tặng con hộp kim chỉ, mẹ biết bây giờ không còn ai may cắt quần áo ở nhà. Tất cả đều mặc quần áo may sẵn. Mẹ chỉ muốn gửi gấm tặng con lời dặn dò trong món quà đó: "Với tình yêu và sự kiên nhẫn ai cũng có thể vá được những miếng rách nhỏ, khâu lại những cái khuy bị đứt, có thể có, trong đời sống vợ chồng."

Thì ra, món quà là thật mà cái dụng của nó lại hoàn toàn hư cấu. Nghĩa là: mang cái thật để vá cái ảo. Bản thân tôi, một người cha, cũng đã từng tiễn con gái đầu lòng đi lấy chồng với một trái tim trăn trở, không làm sao có thể nghĩ ra một món quà độc đáo dường ấy. Chỉ có điều, đọc xong lá thư, tôi tự hỏi: chẳng biết bà mẹ Tú đã đích thân ra chợ mua cái món quà có thật đó về/ hay chế tạo món quà, cũng có thật đó, bằng một…bài thơ!?

 

*

Phần một, với tôi, là phần thú nhất. Chả là vì tôi thích đọc truyện ngắn. Tôi gọi mỗi truyện ngắn trong Vườn măng cụt là một "tiểu phẩm". Vừa về độ dài mà cũng vừa về tính cách. Truyện dài nhất chưa đến 10 trang, còn những truyện khác chỉ chừng 6,7 trang, có truyện chưa tới 5 trang. Tính cách Trần Mộng Tú: ngắn, gọn, vừa đủ. Thành thử, đôi khi, tôi hào hứng đang muốn đọc thêm thì truyện đã chấm dứt.

Về mặt bút pháp, Trần Mộng Tú của Vườn măng cụt cũng là Trần Mộng Tú ngày nào. Tuy nhiên, trong một vài truyện, chị có vẻ lưu tâm đến vấn đề dựng truyện, hay nói cho có vẻ chuyên môn, là kỹ thuật viết. Tuy nhiên, chị không "sáng tạo" một kỹ thuật nào tân kỳ, nghĩa là không có ý sử dụng kỹ thuật như là một hình thức sáng tạo. Tùy theo nội dung của câu chuyện, Trần Mộng Tú sử dụng một cách kể chuyện phù hợp. Và cách kể nào cũng quen thuộc, người đọc nào cũng dễ dàng tiếp cận. Trần Mộng Tú muốn truyền đạt trực tiếp đến người đọc những cảm nhận của mình về cuộc sống, chứ không tìm cách đánh đố, biểu diễn.

"Chuyện kể" là một câu chuyện tình vô cùng cảm động, sáng tác nhân ngày 30 tháng 4, được viết theo lối, tạm gọi là, "hiện thực huyền ảo". Nó tạo ra một khung cảnh nửa thực nửa hư, khá đặc biệt. Lại phảng phất không khí liêu trai. Một người đàn bà có chồng ở Mỹ, về Việt Nam, đi chơi với người chồng cũ. Hai người bồi hồi ôn lại những kỷ niệm ngày xưa, thời anh còn trong quân ngũ. Người đàn bà "bắt cá hai tay"? Vừa có/vừa không. Diễn biến và các chi tiết được Trần Mộng Tú sắp xếp một cách tinh tế khiến câu chuyện trở nên thấm thía khác thường. Đọc xong truyện này, tôi phải thừa nhận cách dựng truyện đã đóng góp một phần rất quan trọng cho chính nội dung câu chuyện. Nó tạo nhiều cảm xúc. "Đứa con" cũng có một cách dựng truyện tương tự, hiện thực huyền ảo. Truyện kể về một người đàn bà Trung Quốc chuyên hành nghề giết những đứa bé gái sơ sinh, hậu quả của chính sách "Mỗi gia đình chỉ có một đứa con" của nhà cầm quyền Cộng Sản muốn giảm dân số. Một truyện khác, "Lá thư", nội dung chính chỉ là ba lá thư chữ nghĩa lộn xộn, vô số lỗi chính tả và tràn đầy trái tim, từ Việt Nam gửi sang Mỹ mà lộn địa chỉ. Trong lúc đó, "Truyện tình" là một chuyện ngoại tình khá đặc biệt được diễn tả bằng một bút pháp hiện thực, táo bạo với nhiều chi tiết lý thú. Có lẽ truyện này, cùng với một bút ký khác trong phần tản văn, "Phất phơ bay", cho ta một Trần Mộng Tú khác với Trần Mộng Tú như ta thường biết trước đây.

Nói chung, nội dung các truyện thường đơn giản. Nhân vật cũng đơn giản. Trần Mộng Tú không muốn dài dòng. Cũng như thơ, chị muốn thâu tóm ý nghĩa của câu chuyện vào những câu văn mềm mại và nhiều hình ảnh. Có truyện chỉ là một mẩu chuyện, đôi khi diễn ra như một hoạt cảnh.

Chẳng hạn: "Một nửa người đàn ông". Truyện mô tả cuộc gặp gỡ giữa một người vợ và người tình của chồng. Hai người nói chuyện với nhau, không hẳn như hai người bạn, nhưng không gay cấn lắm. Không cãi vã, không đay nghiến, không dọa dẫm, không khóc lóc. Nói chuyện xong, hai người chia tay. Và…hết! Nhân vật thì vậy, tình huống là vậy, thế mà dường như chẳng có chuyện gì. Không có gì vui, tất nhiên. Nhưng truyện để lại một "thông điệp" khác thường. "Người tình" nói với "người vợ":

Chắc bà cho tôi là một người mất thăng bằng. Hay có thể là bà cho tôi đang tìm cách lừa bà, để một ngày nào đó tôi sẽ chiếm đoạt nguyên cả anh Minh. Không, không bao giờ tôi cần nguyên một người đàn ông cả, tôi chỉ cần một nửa thôi. Có nhiều người phải uống nguyên một ly trà mới thấy vị ngon, phải ăn nguyên một trái táo mới hài lòng, phải đến được chân núi, hay trèo lên đỉnh núi để thưởng thức thì mới mãn nguyện, sông thì phải đi hết dòng mới thỏa chí, phải được lấy nguyên một ông chồng và được gọi là vợ thì mới cho là sung sướng. Tôi thì trà uống một ngụm, táo cắn một miếng, núi nhìn một góc, sông yêu một khúc, đàn ông hưởng một nửa. Suốt đời chỉ là người tình thì cũng đã thấy mình dư thừa hạnh phúc. Bà cứ an lòng ra về.

Trần Mộng Tú cho ta một ý niệm rất mới (nghe khá lạ lùng mà cũng… hữu lý!) về tình yêu và về đàn ông, đàn bà. Hay nói chung, về sự thụ hưởng trong đời sống. Hãy tạm gọi là triết lý một nửa. Đại loại như "thuốc ngon nửa điếu", theo kinh nghiệm của những vị nghiền thuốc lá. Đúng hơn là triết lý một phần. Chị bảo: trà một ngụm, táo một miếng, núi một góc, sông một khúc. Chỉ có đàn ông thì mới một nửa! Có lẽ , theo Trần Mộng Tú thì, một ngụm, một miếng hay một góc, một khúc hay một nửa thì cũng từa tựa như nhau. Ở chỗ nó không là toàn thể, không nguyên. Cái thú thưởng thức thực phẩm trần gian, như thế, nên thiêu thiếu. Đừng đủ. Chỉ có cái thiếu mới tạo nên cái thừa. Ngộ ghê!

Chẳng hạn: "Vườn măng cụt", truyện được chọn làm tựa đề cho nguyên cả tác phẩm. Hai người bạn già (già lắm, đến "bát thập" lận!), một bà cụ (góa chồng) và một ông cụ (góa vợ) ngồi ăn cơm với nhau và kể lại chuyện xưa, thời còn trẻ mỏ xuân thời. Bà cụ kể cho ông cụ nghe (với nhiều chi tiết sống động) lúc ông hôn bà trong vườn măng cụt.

Bà Lâm nheo cặp mắt đã có thật nhiều vết nhăn kéo dài ra đến thái dương nhìn ông, từ tốn nói:

- Tôi để cho ông hôn tôi, nhưng tôi từ chối tình yêu của ông, vì lúc đó anh Lâm đã ngỏ lời cầu hôn trước ông. Chắc ông còn nhớ, hôm đó tôi mặc chiếc áo dài có những bông hoa mầu tím đỏ. Ông bảo mầu hoa trên áo đẹp giống mầu vỏ măng cụt, rồi ông bửa một trái măng ra chia cho tôi ăn một nửa, mầu vỏ tím hồng nhuộm mấy ngón tay ông, ông quệt lên má tôi, nói: " Em không cần thoa má hồng nữa, anh thoa cho em rồi"

Chi tiết đến thế này thì chuyện chắc phải có thật, mình không nhớ ra được thì ngày mai mình nên làm cái hẹn gặp bác sĩ. Tuổi tám mươi chắc bước vào tuổi mất trí nhớ rồi! Cả một dĩ vãng lãng mạn nên thơ như vậy, người đàn bà nhớ được, mình lại quên bẵng như đầu óc được nhúng vào một dung dịch hóa chất thì tệ thật. Ông không chối nữa, ông nhìn người đàn bà trước mặt, nhìn hai con mắt, mí đã sụp xuống nhưng tròng đen vẫn lóng lánh pha một chút tinh nghịch. Ông hạ mắt nhìn xuống cặp môi, cặp môi đều đặn, hơi cong, thoa một lớp son mỏng mầu hồng. Ông cố hình dung ra cặp môi thời còn trẻ của bà, cặp môi chắc tươi như bông hoa mận, cặp môi theo như bà nhớ, ông đã cúi xuống hôn trong vườn măng cụt (Chắc là vội vàng lắm, vì hôn trộm người yêu của bạn mình)

Bà cụ thì nhớ rất rõ còn ông cụ thì chẳng nhớ một chút gì. Ông cụ về nhà, lòng quá đỗi hoang mang.

Tối hôm đó, ông Thành trằn trọc trên giường, không sao ngủ được. Ông cứ nhớ mãi câu nói của cháu Lan. "Mẹ con vẽ ra một câu chuyện, mẹ con tin là đã xẩy ra trong đời mình."

Ông bâng khuâng: ‘Liên mất trí thật, hay Liên yêu mình từ trẻ mà mình không biết?"

"Vườn măng cụt", theo tôi, là dạng "tiểu phẩm" khá điển hình của Trần Mộng Tú. Bố cục gọn gàng, tình tiết đơn sơ nhưng sống động, và câu kết luận nghe nao nao lòng. Đơn giản thì đơn giản thật, nhưng nó cho ta những rung động tinh tế về tình trai gái. Đọc truyện mà như đọc một bài thơ tình…dang dở!

Mặt khác, truyện nào cũng khá "đời thường", nghĩa là không có tình tiết nào ly kỳ, không có diễn biến nào bất ngờ. Và dường như chẳng có chứa đựng một lý giải triết lý gì lớn lao nào. Nhưng cái lạ là, chúng lại gợi cho ta những ý nghĩa lớn, mở ra những cánh cửa lớn. Trần Mộng Tú, khác với nhiều nhà văn khác, mở cửa rất nhẹ, đôi khi khá khẽ khàng (và dường như chẳng có dụng ý) cho người đọc tự mình tìm thấy cái mình cho là lớn. Và nếu không tìm thấy cái gì lớn, thì cũng…không quan trọng gì đối với Trần Mộng Tú. Tôi đoán thế.

Trong truyện "Puzzle", Trần Mộng Tú mô tả một người đàn bà với hầu như toàn là khuyết điểm: xấu, cục mịch, quê mùa, bắt cặp hết người đàn ông này đến người khác, nên con đông mà là con năm cha bảy mệ. Có lẽ vì thế mà nhân vật được gọi là "mụ". "Số mụ long đong nên chồng sống, chồng chết đều có cả. Ba chục năm trước, mụ mới bốn mươi, sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, tháo vát, có chút nhan sắc. Giải phóng về, mụ cũng chạy đôn chạy đáo, làm đủ mọi việc kể cả việc thỉnh thoảng phải bán thân để nuôi được đàn con bẩy đứa.". Mụ không từ nan bất cứ "nghề" gì. Mụ như "một con kiến thợ tha bất cứ cái gì về tổ cho sự sống còn của cả nhà." Nghe người ta đi H.O, mụ "lại chạy đôn chạy đáo vừa mua bằng tiền vừa dụ bằng xác một ông đi tù về còn độc thân, tưởng là bắt được rồi, nhưng thấy gánh con của mụ đông quá, ông ta sợ nhỡ sang Mỹ rồi mụ không buông ông ta ra thì chết toi, chả dại. Thế là mụ lại hụt. May cho mụ, khi diện các con lai được đi thì mụ đã có ngay trong nhà một đứa để làm vốn rồi. Cái quá khứ nhăng nhít của mụ trước kia, hóa ra được việc. Chẳng ai biết đứa trẻ đó là con mụ giấu giếm ở đâu hay mụ mới đi mua về.

Tác giả ví cuộc đời của nhân vật "mụ" này như những mảnh trong trò chơi "puzzle", mảnh này mảnh kia lung tung y như chẳng dính dáng gì đến nhau. Nhưng: "Tôi ráp nhưng mẩu chuyện đó vào nhau, như ghép hình puzzle, nhìn theo cái lưng vẹo của bà khuất sau cánh cửa, tôi ráp được một tấm hình: "Người Mẹ".

Hình ảnh một người mẹ như thế có gì trái cựa không? Quả là trái cựa. Tác giả rõ ràng đã dựng nên một bà mẹ khác với hình ảnh (và cả khái niệm) quen thuộc của chúng ta về người mẹ: mẹ hiền. Sao lại Mẹ/Hiền? Vì "Mẹ già như chuối bà hương/Như xôi nếp một như đường mía lau" trong ca dao hay "Mẹ là giòng suối ngọt ngào, là nải chuối buồng cau…" trong bài hát nổi tiếng của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Có nghĩa là mẹ thì phải chính chuyên, thờ chồng nuôi con, mẹ thì phải hiền thục, thì phải tần tảo, thì phải chịu đựng. Người mẹ của "Puzzle" thì cũng là mẹ đó mà đồng thời lại mang nhiều nét rất "phản-mẹ". Phản mẹ mà lại rất mẹ! Mẹ chẳng "hiền" tí nào, nhưng ai dám bảo đó không là "người mẹ"?

Truyện dài nhất trong Vườn măng cụt là "Truyện tình". Nó dài nhất nó sống động nhất nó bạo nhất, hot nhất và, một thói quen không sửa được của tác giả, vẫn nhiễm chất thơ. Cô gái ấy có một anh chồng mù (vì sao cô lấy một anh chồng mù thì tác giả không nói đến). Anh chồng mù ‘thưởng thức" vẻ đẹp của vợ mình không phải bằng mắt (dĩ nhiên), mà bằng…tay.

Mặc dầu anh không cần nhìn bằng mắt, nhưng chị theo thói quen bao giờ cũng đưa tận tay chồng những gì chị muốn. Anh ngắm nghía thân thể vợ bằng bàn tay khéo léo của mình. Anh đang chọn những phần ngon trên thân thể vợ như anh đang chọn trái cây trong siêu thị. Vỏ mỏng của trái cà vừa chín tới thật là tươi mát, mùi hăng hăng của củ hành mới hái thật là quyến rũ. Đặt tay trên lưng chị, có khác nào đặt tay trên một lá rau cải vừa được tưới nước. Cái mũi có đầu nhòn nhọn vừa phải như một trái ớt Mễ thật khiêu gợi, anh hôn môi vợ mà tưởng đang ăn trái anh đào tháng tám. Cặp núm vú nhỏ xíu của chị, anh đoán khi được âu yếm nó sẽ đỏ rực lên như mầu đỏ của trái thanh lương trà .

Một lối diễn tả thật khác lạ và thú vị! Erotic mà vẫn hồn nhiên.

Cô yêu chồng, nhưng cô thất vọng vì muốn vẻ đẹp của mình phải được thưởng thức bằng… mắt. Chính cái này mới sinh chuyện. Cô tự nguyện hiến dâng cho một người đàn ông hung dữ mang trọng án vì tội giết vợ đang ở trong nhà tù, nơi cô làm y tá chuyên chăm sóc sức khỏe cho tù nhân:

Hai con mắt đó nó không còn hung hãn nữa mà nó trong suốt như hai mảnh gương cho cô nhìn thấy phản chiếu tất cả vẻ đẹp của mình, cái vẻ đẹp rực rỡ thanh xuân ở tuổi ba mươi mà mấy năm nay chỉ được chồng cô nhìn bằng tay trong bóng tối. Cái ánh sáng lấp lánh của hai mảnh gương đó như những lưỡi thủy tinh sắc cắt thân thể cô ra làm nhiều mảnh, rồi cũng lại cái ánh sáng đó dịu xuống, mềm mại như một giải băng âu yếm quấn thân thể cô liền vào với nhau như cuộn một vết thương, làm cho cô ngây ngất như người vừa được chích một mũi thuốc gây mê. Óc cô lâng lâng, trái tim cô nôn nao, cồn ngực cô bồng bềnh như những mảng bông trắng nõn đang bay lượn trong phòng. Hắn chiêm ngưỡng thân thể cô mà không vồ vập, níu kéo. Hắn đi chung quanh chiếc giường, bắt đầu bằng những bước từ từ, rồi nhanh dần, nhanh dần giống như cái bóng trong chiếc đèn kéo quân làm cô chóng mặt.

Nóng. Mà vẫn tràn đầy nữ tính.

Nếu độc giả xao động vì một "truyện tình" nóng bỏng như thế thì cái tâm cũng sẽ tĩnh lại nếu đọc một câu truyện khác. Câu chuyện này mang, nói theo thuật ngữ Phật Giáo, thiền tính: "Đồng vọng". Chuyện kể về một ngôi chùa ở nơi tiểu bang mà tác giả hiện đang sinh sống. "Gọi là chùa nhưng thực ra chỉ là một căn nhà cũ trong một khu đất rộng." Trong lúc chờ đợi "một ngôi chùa mới, lớn hơn" như dự tính của vị sư trụ trì, thì chùa chưa có gì ngoài một quả chuông khá lớn treo ở bên ngoài. Một hôm, quả chuông bị kẻ gian lấy mất.

Ngày hôm đó và rất nhiều ngày sau đó, rất nhiều tháng sau đó, mỗi tinh mơ sư vẫn nghe thấy tiếng chuông rung trong đầu, rung rất rõ rệt, tiếng kêu boong boong ròn rã, rồi cái âm kéo dài ra rung cả lồng ngực sư, sư uống từng ngụm chuông, nằm im nghe ngóng, cho tiếng chuông thấm khắp thân thể mình, tiếng chuông thấm cả vào vạt áo sư.

Từ đó, tiếng chuông trở thành một "đồng vọng" thân thiết, như một người bạn "giấu mặt cùng tu tập với sư". Thế rồi, có tín hữu mang đến tặng một quả chuông khác. Cho rằng chuông nào cũng như chuông nào, nhà sư tưởng là tiếng "đồng vọng" sẽ biến mất khi chùa đã có chuông mới. Nhưng không. Tiếng chuông mới, "cái âm rung không kéo dài ra, không thấm vào sư, không đi theo sư nguyên ngày, làm rung cả vạt áo sư" như tiếng của chuông đã bị lấy mất. Nhà sư cảm nhận như thế, nhưng không biết tại sao. Một buổi sáng khi đi ra vườn, đang "loay hoay với những xếp đặt trong đầu, nhà sư bỗng nghe thấy những tiếng động nhỏ nhưng rất rõ rệt ngay dưới chân mình, nhìn xuống thì hóa ra một chú sóc nhỏ đang tha một trái thông, trái thông khá to so với vóc của chú sóc, chú tha trái thông đi băng băng qua mấy hòn đá, qua mấy cái rễ cây trồi trên mặt đất rất nhanh nhẹn, nhưng khi kéo quả thông đi, mất hút vào một bụi cây rồi, chú vẫn để lại những tiếng động rất mơ hồ của quả thông trong không gian. Tiếng động nhỏ nhưng kéo dài âm hưởng."

Thật là bất ngờ! Chú sóc nhỏ và trái thông đã làm nhà sư "ngộ ra tiếng chuông mơ hồ trong không gian của quả chuông đã mất mà bấy lâu nay vẫn vang trong đầu mình. Kẻ trộm chỉ mang được quả chuông đó đi nhưng tiếng chuông thì phải để lại. Cái xe cần trục chở được quả chuông nặng nề kia nhưng không chở được tiếng chuông nhẹ hẫng. Nhà sư gật gù bằng lòng với bài học mình học được sáng nay từ chú sóc nhỏ."

"Đồng vọng" ngắn, gọn, lời văn nhẹ nhàng, lan man như một tùy bút. Viết về nhà chùa, không "đạo vị" mà nhiều "thiền vị". Điều thú vị là tác giả không phải là một Phật tử mà là một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành.

*

Mỗi lần đọc xong một truyện của Trần Mộng Tú, tôi đều có cảm giác lơ mơ. Cay cay. Đăng đắng. Chua chua. Bùi bùi. Ngọt ngọt. Cái gì cũng một chút. Chút này lẫn vào chút kia. Tựa như ta nếm một trái cây lạ mọc hoang trong góc vườn. Nhẹ và thấm thía, sau đó.

Mời mọi người thử nếm một chút. Không chỉ trái măng cụt, trong vườn. Mà cả trái măng cụt, ngoài vườn. Và còn nhiều thứ trái khác. Trong rừng. Dưới suối. Ngoài khơi. Và có thể là một thứ trái lạ ẩn dấu đâu đó bên dưới trái tim mỗi người. 

Trần Doãn Nho

(8/2009)

Ghi chú: (*) Con số này không có gì dứt khoát. Người thì cho là dưới 2000 từ, người thì cho là dưới 1000 từ. Truyện ngắn nhất trong thể loại này được biết chỉ có 2 từ. Ở đây, tôi chỉ tạm thời đưa ra một khái niệm chung chung về truyện thật ngắn.

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 12679)
Trên tạp chí mạng Da Màu ngày 02.04.2010, có đăng bài ca từ Tình sầu của nhạc sĩ kiêm thi sĩ Trịnh Công Sơn và bản dịch tiếng Anh Meditations in love của Đinh Từ Bích Thúy. Tiếp theo là phản hồi của nhiều độc giả, kể theo thứ tự thời gian: Nguyễn Đức Tùng, quynh du, T.T., ActionMinded, phaitran, Trinh - Trung Lap, Điền L., Thái Kim Lan.
26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 13218)
Trong lịch sử Việt Nam có hai cuộc di cư vĩ đại, cả hai cùng để lánh nạn cộng sản, vào năm 1954 và 1975. Cuộc di cư 1975, kéo dài từ những ngày tháng 4, 1975 cho tới năm 1988, là năm đóng cửa các trại tị nạn ở Đông Nam Á với sự ra đời của Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (Orderly Departure Program) sau bao thảm kịch vượt biên vượt biển với khoảng 500 ngàn người bỏ mạng trên đường đi tìm tự do, theo một thống kê của Liên Hiệp Quốc...
17 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 100664)
Coupe du Monde de football (Cúp bóng tròn Thế giới, hay World Football Cup ) do Fédération Internationale de Football Association (Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Bóng tròn, viết tắt là FIFA) tổ chức lần đầu tiên năm đó ờ Hoa kì, từ ngày 17 tháng Sáu tới 17 tháng Bảy 1994.
05 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 12139)
Đúng như giới phê bình và độc giả mê văn học dự đoán, trưa ngày 2 tháng 11/2009 này viện Hàn lâm Goncourt đã chánh thức công bố giải thưởng hằng năm của mình cho nhà văn nữ Marie NDiaye, tác giả cuốn Trois Femmes Puissantes (Ba thục nữ giàu nghị lực - Nxb Gallimard).
04 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 100416)
Claude Lévi-Strauss, từ trần hôm nay thứ ba 03/11/2009, hưởng thọ 101 tuổi, là cây đại thụ đã thủ một vai trò quan trọng và rộng lớn trong nền văn học Pháp và thế giới hơn nửa thế kỉ vừa qua, từ giữa thế kỉ XX cho đến đầu kỉ XXI này.
28 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 11970)
Trần Thiện Đạo : MẠN ĐÀM VĂN HỌC
28 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 12505)
Orhan Pamuk sinh ngày 7 tháng Sáu năm 1952 ở Istanbul. Ông dạy văn và phê bình văn học, môn Comparative Literature, xin tạm gọi là Văn học So sánh, ở Đại học Columbia (Hoa Kỳ). Ông là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên được trao giải Nobel văn chương năm 2006.
19 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 12799)
Chưa từng có một bức thư tình nào mà bán chạy ở Pháp trong mùa thu hoạch văn học rentrée littéraire 2007 này bằng tác phẩm Thư cho em mới vừa được tái bản.
25 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 12189)
NĂM MƯƠI NĂM LIÊN TỤC TRÊN SÂN KHẤU  Ngày thứ bảy 16 tháng 02 / 1957, lần đầu tiên chúng tôi chui vô rạp La Huchette, trong khu Latinh Paris quận Năm, coi vở kịch hài La Cantatrice chauve (Cô ca sĩ hói đầu - 1950) của Eugène Ionesco (1909-1994).
18 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 9670)
HENRI TROYAT (1911-2007) MỘT NGÀY KHÔNG PHÓNG BÚT LÀ MỘT NGÀY MẮC TỘI Ông là một trong những nhà văn Pháp được ưa chuộng nhứt thế kỉ XX. Ông vừa qua đời giữa đêm 2 tháng 03/2007, nhưng chỉ được thông báo hai ngày sau - để lại cho đời một sự nghiệp đồ sộ khác thường.