“Đọc thơ Du Nguyên có cảm giác cô ấy góa chồng ngay giữa tuổi trẻ của mình” - đó là nhận định của nhà thơ Bình Nguyên Trang, khi đọc Khúc lêu hêu mùa Hè…
“Chối bỏ hiện tại”
Nhận xét nghe gây sốc nêu trên, trong cuộc trao đổi riêng sau buổi ra mắt, Bình Nguyên Trang không nhắc lại. Chị diễn đạt khác đi một chút: “Tôi có cảm giác cô gái này như đánh mất hoặc bị đời sống tước mất tuổi trẻ của mình. Có gì đó như chối bỏ hiện tại. Khi làm báo, Du Nguyên sống với thực tại, nhưng khi làm thơ, cô ấy mò mẫm tìm kiếm bản thể của mình ở đâu đó”.
“Thơ Du Nguyên khiến người đọc thấy đời sống chúng ta đang sống vô nghĩa và nặng nề quá. Tôi băn khoăn không biết cô ấy có đại diện cho thế hệ mình hay không. Tôi vẫn mong cô ấy viết về tuổi trẻ của mình tươi sáng hơn” - chia sẻ của Bình Nguyên Trang với người đồng nghiệp trẻ.
“Tuổi trẻ của mình như thế nào thì phải chân thành với nó cả trên con chữ” - Du Nguyên chia sẻ. “Ở thế hệ của tôi, chúng tôi không muốn trốn tránh hay lấp liếm thực tế bằng cách này hay cách khác. Chính tôi cũng mong thơ mình tươi sáng hơn. Tôi nghĩ cứ đi hết con đường này sẽ bước sang giai đoạn khác”.
Gần đây có một hiện tượng thơ khác, tác giả Nồng Nàn Phố ở miền Nam với những bài thơ tình viết nên từ tâm sự của bạn bè, tiêu biểu là bài Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng. Nồng Nàn Phố kém Du Nguyên 1 tuổi, cùng lứa, cùng làm nghề báo và là người miền Trung.
Thơ của cả 2 đều buồn. Nỗi buồn của thơ Nồng Nàn Phố dễ gọi tên hơn: nỗi buồn của tình yêu không thành. Còn Du Nguyên là một “ca” lạ, như Bình Nguyên Trang nói: “Phẩm chất của người sáng tạo là không thể nhìn thấy đáy của họ”. Khó có thể gọi tên nỗi buồn trong thơ Du Nguyên, và chắc chắn đó không chỉ là nỗi buồn thất tình.
Không thích thơ đơn thuần là thơ tình
Thay vì thất tình, Du Nguyên chiêm nghiệm nhiều về cuộc đời và nhấn mạnh nỗi cô độc nặng nề trong thơ. Thơ Du Nguyên vì thế không dễ cảm như thơ Nồng Nàn Phố, nhưng có nhiều bất ngờ. Cô nói: “Tôi không thích những bài thơ đơn thuần là thơ tình. Tôi muốn viết về tình yêu hay tình dục để nói rộng ra những vấn đề khác mà đã sống trong xã hội thì không thể ngoảnh mặt làm ngơ”.
Chẳng hạn, đọc những dòng thơ sau, người hay đùa cợt cũng khó có thể đùa về hai chữ “phụ khoa”: “Em ngồi đây/ dưới vùng phụ khoa ẩm ướt ê ẩm/ những cánh rừng nguyên sinh bị cắt xén/ những lòng sông bị nạo hút/ mặt đất buồn rầu câu chuyện đô thị/ vùng phụ khoa đau” (bài ...Em buồn). Ai nói đó chỉ là nỗi đau thể xác của đàn bà?
Nhà phê bình Văn Giá nói: “Thơ Du Nguyên có thể chưa phổ biến trong số đông công chúng, nhưng điều đặc biệt là được người trong giới đón nhận”.
“Có 2 con đường giới sáng tác đang đi, một là được lòng công chúng, hai là chinh phục người trong giới. Tôi thấy con đường thứ nhất đang được nhiều người lựa chọn nhưng chưa nói lên điều gì, còn chọn con đường thứ hai cho thấy người viết đang đi đúng hướng” - nhà phê bình nhận định.
Nữ nhà thơ sinh năm 1988, quê Nghệ An. Hiện tại, cô là phóng viên chuyên viết phóng sự xã hội. Xê dịch là sở thích của Du Nguyên.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
- Từ khóa :
- Nhà thơ Du Nguyên