- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sandra Cisneros : Đừng Bao Giờ Lấy Mễ / Chuyển Ngữ: Hoàng Chính

20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 12178)

blankSandra Cisneros / Chuyển ngữ: Hoàng Chính / Nguyên bản: Never Marry a Mexican / Nguồn:Woman Hollering Creek and Other Stories / Random House 1991

Đừng bao giờ lấy Mễ, mẹ tôi đã nói một lần và sẽ mãi mãi nói như thế. Bà nói câu ấy cũng vì ba tôi. Bà nói thế dù bà cũng là người Mễ. Có điều bà chào đời ở bên này; trên đất Mỹ, còn ba tôi sinh ra ở bên kia, khác nhau xa, bạn biết mà.

 

Tôi sẽ không bao giờ lấy chồng. Không lấy ông nào hết. Tôi rành đàn ông quá. Tôi đã chứng kiến sự phản trắc của họ, tôi cũng đã từng tiếp tay cho họ nữa. Tháo dây kéo, cởi móc và đồng thuận với những động tác mờ ám. Tôi đã từng là tòng phạm, tham gia những tội ác có mưu tính. Tôi đắc tội cố tình làm những người đàn bà khác đau khổ. Tôi thù oán và tàn bạo, tôi có thể làm bất cứ chuyện gì.

Cũng phải nhìn nhận là đã có lúc tôi không muốn điều gì khác hơn là thuộc hẳn về một người đàn ông. Mang chiếc nhẫn vàng trong bàn tay trái và được đeo trên cánh tay anh như một món nữ trang lấp lánh và mắc mỏ giữa thanh thiên bạch nhật. Chứ không phải thứ lén lút trong những quán rượu nhìn giống hệt nhau, thảm đỏ với những họa kiểu vỉ nướng mầu đen, giấy dán tường rắc bột vải, những đèn treo trên vòng bánh xe gỗ với chụp đèn bão tỏa ra thứ ánh sáng mầu hổ phách bệnh hoạn như mầu những chiếc ly uống nước mà bạn được cho không tại các cây xăng.

 

Quán rượu tối tăm, rồi nhà hàng tối tăm. Và nếu không – thì cũng là căn phòng chung cư của tôi, với bàn chải răng của anh ấy gắn chắc vào chỗ cắm bàn chải như trụ cờ trên Bắc Cực. Chiếc giường quá lớn bởi vì anh không bao giờ ở lại nguyên đêm. Dĩ nhiên là không rồi.

 

Mượn. Tôi làm chủ người đàn ông của tôi bằng cách đó. Chỉ lấy váng kem vớt trên bề mặt. Chỉ lấy phần ngọt nhất của trái cây, bỏ qua cái vỏ đắng của cuộc sống lứa đôi mà một người phối ngẫu phải gánh chịu. Chính họ cũng tìm đến tôi khi họ cần phần nhân ngọt ngào.

 

Thành ra, không. Tôi không lấy chồng và sẽ không bao giờ lấy chồng. Chẳng phải vì tôi không thể lấy ai, mà vì tôi quá lãng mạn để vướng vào chuyện cưới hỏi. Hôn nhân làm tôi thất vọng, bạn có thể nói như vậy. Chẳng người đàn ông nào hiện hữu trên thế gian này mà chưa làm tôi thất vọng, người mà tôi có thể tin cậy để yêu thương theo cách yêu thương của tôi. Cũng vì quá tin vào hôn nhân nên tôi không thể tin nữa. Thà không lấy ai còn hơn sống chung trong gian dối.

 

Đàn ông Mễ, đừng nghĩ tới làm gì. Từ lâu rồi với tôi, những người đàn ông dọn bàn hay chặt thịt sau những quầy hàng hoặc lái xe buýt mà tôi vẫn đi mỗi ngày đến trường, không phải là đàn ông. Không phải những kẻ tôi coi như có thể là người tình. Người Mễ, người Puerto Rico, Cuba, Chile, Columbia, Panama, Salvador, Bolivia, Hunduras, Dominican, Venezuela, Guatemala, Equador, Nicaragua, Costa Rica, Paraguay, Uraguay. Tôi chẳng cần biết. Tôi không bao giờ nhìn thấy họ. Mẹ tôi đã làm cho tôi thành ra như thế.

 

Tôi đoán mẹ tôi làm vậy để che chở cho tôi và Xemina khỏi sự đau khổ mà bà đã trải qua. Lấy một người đàn ông Mễ khi mới mười bẩy tuổi. Phải đương đầu với tất cả những sầu não một gia đình người Mễ có thể đặt lên một đứa con gái chỉ vì nó đến từ el otro lado, phía bên kia, ba tôi đã xuống cấp vì lấy mẹ tôi. Nếu ông kết hôn với một người đàn bà da trắng từ el otro lado, chuyện đã khác đi nhiều. Đó là hôn nhân lên cấp, cho dù cô gái da trắng có nghèo đi nữa. Nhưng còn gì khôi hài hơn một cô gái Mễ mà ngay cả tiếng Tây Ban Nha cũng không nói được, không có đủ kiến thức để sắp xếp cho đúng loại đĩa cho mỗi món ăn trong bữa tối, và cũng không biết cách xếp khăn vải bàn ăn, không biết cách sắp đặt dao, muỗng, nĩa bạc.

 

Trong nhà mẹ tôi, đĩa luôn được xếp thành chồng ở giữa bàn, dao, nĩa và muỗng nằm trong lọ, tự mình lấy mà dùng. Tất cả các đĩa đều sứt mẻ hoặc rạn nứt và không cái nào giống cái nào. Khăn bàn không bao giờ có. Giấy báo chồng chất trên bàn mỗi khi ông ngoại tôi bổ dưa hấu, và mẹ tôi hết sức mắc cỡ mỗi khi bạn trai của bà, tức là ba tôi, lại chơi và thấy giấy báo rải đầy trên bàn và trên nền nhà bếp. Ông ngoại tôi, người đàn ông Mễ to con, cần cù, nói Lại đây, lại đây ăn, và cắt một lát thật lớn từ trái dưa hấu vỏ xanh thẫm, một miếng thật lớn, ông ngoại không bao giờ hẹp hòi miếng ăn. Không bao giờ, ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Lại đây, lại ăn, với bất kỳ người nào gõ cửa sau. Đám dân lang bạt ngồi ở bàn ăn và lũ trẻ nhìn chăm chăm. Bởi ông ngoại tôi luôn muốn chắc ăn là không đứa nào bị thiếu ăn. Bột và gạo, từng thùng, từng bao. Khoai tây. Những túi lớn đựng đậu đốm. Dưa hấu, mỗi lần mua hai ba trái, lăn lóc dưới gầm giường ông ngoại và lôi ra khi bạn không ngờ đến nhất. Ông ngoại tôi đã sống sót ba cuộc chiến, một ở Mexico và hai cuộc chiến kia ở Mỹ, ông đã nếm mùi thiếu thốn. Ông đã biết.

 

Cha tôi, trái lại, thì không. Đúng vậy, khi mới tới xứ sở này ông làm nghề lột vỏ sò, rửa bát đĩa, trồng hàng rào, ngồi ở cuối xe buýt ở Little Rock để bác tài hét, Thằng kia - ngồi trên này, và cha tôi đã ngượng ngùng nhún vai nói, No speak English.

 

Nhưng ông không phải di dân kinh tế, cũng chẳng phải tị nạn chiến tranh. Cha tôi bỏ nhà đi vì sợ phải đương đầu với ông nội tôi sau khi bảng điểm năm đầu đại học của ông chứng tỏ rằng ông bỏ nhiều thời giờ lêu lổng hơn là học. Ông bỏ lại một căn nhà không giầu không nghèo ở thành phố Mexico, mà ông nghĩ nó cứ vừa vừa bậc trung như thế lại hay. Cậu thiếu niên sẽ xuống khỏi xe buýt khi thấy cô gái mà cậu quen biết lên xe trong khi cậu không có tiền mua vé cho cô ta. Đó là thế giới cha tôi bỏ lại sau lưng.

 

Tôi hình dung cha tôi trong trang phục một gã fanfarrón, bởi ông là như thế, một anh chàng hào nhoáng có hạng. Đó là điều mẹ tôi nghĩ lúc bà quay đầu lại khi nghe tiếng ai đó mời mình khiêu vũ. Quá là phô trương, những năm sau này mẹ tôi nói thế. Chỉ giỏi phô trương. Nhưng bà không nói vì sao bà lấy ông. Cha tôi trong bộ y phục xanh mầu da cá mập với khăn tay hồ cứng nhét ở túi áo ngực, cái mũ nỉ, chiếc áo khoác vải len sợi nhiều mầu với hai vai rộng, và giầy mũi nhọn nặng nề họa kiểu quanh lỗ xỏ dây ở gót và ngón chân. Bộ quần áo tốn bộn tiền. Đắt đỏ. Đó là điều mà những trang phục của cha tôi phát biểu. Calidad. Phẩm chất.

 

Hẳn cha tôi phải cho là dân Mỹ gốc Mễ vô cùng kỳ cục, khác hẳn với những gì ông biết khi còn ở quê nhà, thành phố Mexico nơi đầy tớ dọn dưa hấu trên đĩa với nĩa bạc và khăn vải, hoặc xoài với cái xâu đặc biệt. Đâu có như thế này, ngồi dạng chân trước sân mà ăn, hoặc cắm cúi ăn trên lớp giấy báo trong nhà bếp. Vào đây, vào đây ăn. Không, không bao giờ như thế.

 

Cách mưu sinh của tôi cũng thay đổi. Đôi khi tôi làm thông dịch viên. Có lúc tôi được trả tiền tính theo số chữ có lúc tính theo giờ tùy theo công việc. Tôi đi dịch ban ngày, ban đêm tôi vẽ. Ban ngày tôi làm bất cứ việc gì để đêm có thể tiếp tục vẽ.

 

Tôi còn làm giáo viên phụ giảng, cho Sở Giáo dục Độc lập ở San Antonio. Tin tôi đi, chuyện đó còn tồi tệ hơn dịch mấy tấm quảng cáo du lịch có chữ nhỏ li ti. Tôi không chịu nổi trẻ con. Tuổi nào cũng vậy. Nhưng việc đó giúp tôi trả tiền thuê nhà. Bạn có nhìn bằng góc cạnh nào cũng vậy, việc làm của tôi là một hình thức mãi dâm. Người ta hỏi tôi, "Họa sĩ à? Có lý quá nhỉ," rồi ngỏ ý mời tôi tham dự những buổi tiệc của họ, nhờ tôi trang trí khu vườn của họ sao cho giống một vườn lan ngoại lai cho mướn. Nhưng đời nào họ mua tranh.

 

Tôi là loài lưỡng cư. Tôi là người không thuộc về bất cứ tầng lớp nào. Đám giàu muốn giao du với tôi vì ganh tị với khả năng sáng tạo của tôi; là thứ mà họ biết là không mua được. Bọn nghèo thì chả cần bận tâm chuyện tôi sống trong khu xóm của họ vì họ biết tôi cũng nghèo như họ, cho dù trình độ học vấn và cách ăn mặc của tôi khiến họ và tôi cách nhau một trời một vực. Tôi không thuộc về tầng lớp nào hết. Không thuộc đám nghèo ở cùng xóm tôi. Không thuộc tầng lớp giầu, những người đến xem triển lãm và mua tranh của tôi. Không thuộc về giới trung lưu mà tôi và em gái Ximena của tôi đã thoát khỏi.

 

Hồi còn trẻ, lần đầu tiên xa nhà, thuê một căn chung cư với em gái và lũ con của nó sau khi chồng nó bỏ đi, tôi nghĩ làm họa sĩ chắc sẽ vinh quang lắm. Tôi muốn được như Frida hoặc Tina. Tôi đã sẵn sàng để đau khổ với chiếc máy ảnh và cây cọ sơn trong căn phòng tồi tệ mà chúng tôi thuê với giá $150 một người. Trần nhà cao và những khung kính cửa sổ trên trần nhà là những thứ đã thuyết phục chúng tôi phải thuê nó. Chả cần phải bận tâm đến việc không có chậu rửa mặt trong phòng tắm, một bồn tắm trông giống cái quách, ván lót nhà hở, và một hành lang làm người chết hoảng sợ. Chỉ cần trần nhà cao mười bốn phân Anh là đủ cho chúng tôi ký tấm chi phiếu để đặt cọc ngay lúc đó và ngay chỗ đó. Chúng tôi nghĩ thật là lãng mạn. Bạn biết chỗ đó mà, chỗ Zaramora ngay phía trên một tiệm cắt tóc với những bức hình in Casasola về cuộc cách mạng Mexico. Dấu hiệu BIRRIA TEPATITLÁN thắp đèn nê-ông ở góc đường, hai con dê cụng đầu vào nhau, bao nhiêu tiệm bánh Mễ, Las Brisas cho món huevos rancheros, carnitasbarnacoa vào ngày Chủ nhật, rồi nước xay trái cây tươi, paletas xoài, với nhiều bảng hiệu tiếng Tây Ban Nha hơn tiếng Anh. Chúng tôi nghĩ thật là tuyệt, thật là tuyệt. Khu thị trấn trông dễ thương vào ban ngày, như cảnh trong Sesame Street. Trẻ con nhảy lò cò trên lề đường, những đứa bé thò lò mũi xanh dễ thương. Những tiệm đồ ngũ kim vẫn còn bán chổi quét bụi bằng lông đà điểu, cả gia đình dắt díu nhau đến nhà thờ Đức Bà Guadalupe vào ngày chủ nhật, đám con gái trong những chiếc áo đầm xoắn xuýt, giầy da có bằng sáng chế, lũ con trai diện hàng Stacy và áo sơ mi bóng láng.

 

Nhưng về đêm, không có gì giống như những điều chúng tôi đã biết ở phía bắc. Súng lục nổ cứ như đang ở miền viễn tây hoang dã, tôi với Ximena và lũ trẻ co cụm trong một chiếc giường đèn đóm tối thui lắng nghe hết mọi thứ, và bảo nhau, Ngoan ngoan, ngủ đi, pháo nổ đấy mà. Nhưng chúng tôi biết rõ hơn. Ximena có thể nói, Clemencia, hay là chúng mình về nhà đi. Tôi bảo, Cứt! Bởi vì nó với tôi cùng biết rõ rằng có nhà đâu mà về. Không về với mẹ chúng tôi. Không về với người đàn ông mà bà đã kết hôn. Ba chết rồi, chúng tôi trở thành vô nghĩa. Làm như mẹ bận rộn tối ngày hối tiếc cho chính bà, tôi cũng không biết nữa. Tôi không giống Ximena. Lòng tôi vẫn không lắng xuống được sau bao nhiêu năm tháng, dù bây giờ mẹ đã mất rồi. Đám em cùng mẹ khác cha của tôi sống trong căn nhà mà lẽ ra của chúng tôi, tôi và Ximena. Nhưng đấy là – tôi nên dùng chữ thế nào đây nhỉ? - nước chẩy hoa chui? (1) Tôi không thể nói cho đúng được cái thành ngữ ấy dù tôi sinh ra ở xứ sở này. Trong nhà chúng tôi không bao giờ nói ba thứ vớ vẩn ấy.

 

Ba mất đi, mẹ tôi coi như không còn hiện hữu, như thể bà cũng đã chết rồi vậy. Dạo trước tôi có một con chim sẻ nhỏ, chẳng hiểu sao một cái chân nhỏ xíu mầu đỏ của nó bị kẹt xoắn giữa những chấn song của chiếc lồng. Cái chân khô quắt đi và rụng mất. Còn một chân, con chim của tôi vẫn sống một thời gian lâu sau đó, với một cái mõm cụt nhỏ mầu đỏ. Thực ra nó vẫn bình thường. Ký ức về mẹ tôi cũng như thế, như một thứ gì đó đã khô quắt và rụng đi, tôi không còn nhớ mẹ tôi trước đây ra sao. Như thể tôi chưa bao giờ có mẹ. Tôi cũng chẳng thấy xấu hổ khi phải nói ra điều đó. Khi mẹ tôi kết hôn với người đàn ông da trắng ấy, ông ta cùng đám con trai con riêng của ông ta dọn vào căn nhà của ba tôi, coi như bà không còn là mẹ chúng tôi nữa. Như thể tôi chưa bao giờ có mẹ.

 

Mẹ bao giờ cũng ốm đau và lo lắng cho sinh mạng của bà, tới mức nếu cần phải bán chúng tôi cho ma quỷ bà cũng làm. "Tại mẹ lấy chồng quá sớm, con à," bà nói. "Tại bố chúng mày, ông ấy lớn tuổi hơn tao nhiều quá, và tao không bao giờ có cơ hội để sống cái thời tuổi trẻ. Cưng à, ráng hiểu cho mẹ…." Rồi tôi không thèm lắng nghe nữa.

 

Người đàn ông mẹ tôi gặp ở chỗ làm, Owen Lambert, làm giám thị trong một xưởng rửa hình, là người mẹ tôi hẹn hò ngay khi ba tôi còn đang bệnh. Ngay từ hồi đó lận. Ấy là điều mà tôi không thể tha thứ.

 

Khi ba tôi ho ra máu và đàm trong bệnh viện, một bên mặt ông tê cứng, lưỡi ông sưng phù tới mức ông không thể nói chuyện được, trông ông quá nhỏ bé với những ống tiêm, dây nhợ và bọc nhựa chằng chịt chung quanh. Nhưng điều tôi nhớ nhất là cái mùi, như thể thần chết đã ngồi sẵn trên ngực ông. Tôi nhớ lúc bác sĩ dùng miếng vải trắng để vét đờm ra khỏi miệng ba tôi, làm ông muốn ói tôi đã muốn hét lên, Ngừng lại, ngừng ngay lại, ông ấy là ba tôi. Tiên sư ông. Hãy làm cho ba tôi sống. Ba, đừng. Chưa được, chưa được, chưa được. Và tôi đã không còn đứng vững được, tôi không đứng vững được. Như thể người ta đã đánh tôi, hoặc lộn ngược tôi từ trong ra ngoài qua hai lỗ mũi, như thể người ta đã nhồi tôi bằng quế và đinh hương, và tôi đã đứng đó hai mắt khô queo bên cạnh Ximena và mẹ, Ximena đứng bên tôi vì tôi không muốn đứng cạnh mẹ. Mọi người đọc đi đọc lại kinh Kính Mừng và kinh Lạy Cha. Vị linh mục vẩy nước thánh, Đời đời chẳng cùng, amen.

 

Drew, còn nhớ cái thời mà anh vẫn gọi em là Malinalli của anh không? Ấy là một câu nói đùa, một trò chơi riêng tư của hai chúng ta, bởi trông anh giống ông Cortez với bộ râu ấy. Da của em sậm mầu nổi bật bên da của anh. Đẹp, anh nói. Anh bảo em đẹp quá, và lúc anh nói điều ấy thì em đẹp thật, Drew nhỉ.

 

Malinalli của tôi, Malinche, người kỹ nữ của tôi, anh nói, và cầm bím tóc kéo đầu em lại. Gọi em bằng cái tên ấy giữa những ngụm hơi thở và những nụ hôn thô anh trao, anh cười từ phía sau hàm râu đen nhánh.

 

Trước khi trời sáng, anh đã đi rồi, như thông lệ, ngay cả trước khi em kịp phát hiện. Như thể em đã chỉ tưởng tượng ra anh, chỉ có vết răng anh trên bụng và núm vú em chứng minh em lầm.

 

Da anh trắng nhưng tóc anh đen hơn cả tóc cướp biển. Malinalli, anh gọi em như thế, còn nhớ không? Mi doradita. Em thích nghe anh nói với em bằng tiếng mẹ đẻ của em. Em sẽ yêu mình và nghĩ em xứng đáng được yêu thương.

 

Con trai anh. Nó có biết em dính líu đến sự ra đời của nó nhiều lắm không? Em là người đã thuyết phục anh để nó được chào đời. Anh có nói với nó là khi mẹ nó đang nằm trên giường với cơn đau chuyển bụng sinh nó, thì em nằm trên chiếc giường của mẹ nó, ân ái với anh không?

 

Không có em anh sẽ không là gì cả. Em tạo ra anh từ nước miếng và bụi đỏ. Và em có thể nhào nặn anh giữa những ngón tay nếu em muốn. Thổi anh cho tới khi trời đất giao hòa. Anh chỉ là một vệt sơn nhòe em chọn để sáng tạo trên khung vải. Và khi em tái tạo anh xong, anh không còn là một phần của chị ấy nữa, anh hoàn toàn là của em. Quang cảnh thân thể anh căng như mặt trống. Trái tim bên dưới lớp da ấy búng như dây đàn. Em sẽ không hoàn lại một phân nào.

 

Em vẽ đi vẽ lại anh theo cách mà em thấy phù hợp, ngay cả bây giờ. Sau những năm qua. Anh có biết điều đó không? Chàng ngốc bé nhỏ. Anh nghĩ em sống đời mình khập khiễng, rên rỉ và kêu rêu giọng mũi như kẻ quê mùa miền tây khi anh trở về với chị ấy. Nhưng em đã chờ. Làm cho thế giới nhìn thấy anh qua con mắt của em. Và cái đó không phải là quyền lực, thì cái gì mới là?

 

Ban đêm em thắp tất cả những ngọn nến trong nhà, những ngọn nến ở bàn thờ Thánh Nữ Đồng Trinh Guadalupe, những ngọn nến ở bàn thờ El Niño Fidencio, Don Pedrito Jaramillo, Santo Niño de Atocha, Đức Bà San Juan de les Lagos, và nhất là, thánh nữ Lucia, với đôi mắt đẹp của bà trong lòng đĩa.

 

Mắt em đẹp quá, anh đã nói. Anh bảo đó là đôi mắt đen nhất mà anh thấy từ trước đến giờ rồi anh hôn từng bên một như thể chúng có thể làm ra phép lạ. Và khi anh đã đi rồi, em muốn lấy cái muỗng móc chúng nó ra, đặt lên cái đĩa dưới bầu trời xanh xanh, làm món ăn cho lũ quạ đen.

 

Thằng bé, con trai anh. Đứa bé với khuôn mặt của người đàn bà tóc đỏ, vợ của anh. Thằng bé với tàn nhang đỏ như thức ăn của cá nổi trên mặt nước. Thằng con trai ấy.

 

Em đã kiên nhẫn chờ đợi như một con nhện suốt bao nhiêu năm tháng, từ năm em mười chín tuổi lúc nó mới chỉ là một ý tưởng bay lượn mập mờ trong đầu mẹ nó, em là người cho phép nó hiện hữu và làm cho điều đó xảy ra, thấy không.

 

Bởi vì ba của con muốn bỏ mẹ con để sống với cô. Mẹ của con khao khát có một đứa con, Ít nhất là điều đó. Ba con thì cứ tiếp tục bảo, Thong thả xem sao đã, thong thả. Nhưng mà nói trắng ra ba con chỉ muốn ở với cô, chỉ với cô thôi, ba con đã nói vậy.

 

Cô muốn nói với con điều đó những buổi chiều con lại gặp cô. Khi con đã kể chán chê về những áo quần nào con dự tính mua, trước đây lúc bắt đầu vào trung học con như thế nào và bây giờ con thay đổi ra sao khi gần tốt nghiệp. Và con cũng được thiên hạ biết tới như một tay chơi nhạc rock, ban nhạc của con, cây đàn guitar mầu đỏ con mới sắm vì mẹ con cho con chọn, hoặc cây đàn hoặc chiếc xe, nhưng con chưa cần xe, phải vậy không, bởi vì cô chở con đi khắp nơi. Nếu da con đậm mầu chút nữa, con đã là con ruột của cô rồi.

 

Chuyện này đã xảy ra. Cách đây lâu rồi. Trước khi con chào đời. Cô là học trò của ba con, đúng vậy, cũng như con là học trò của cô bây giờ. Ba con đã vẽ và vẽ cô, bởi vì ba con nói, cô là doradita của ông ấy, vàng óng và rám nắng, đó là loại đàn bà ông thích nhất, những người đàn bà da nâu như cát dưới lòng sông, đúng vậy. Ông đã nâng đỡ cô dưới đôi cánh của ông và nâng đỡ cô lên giường, người đàn ông ấy, ông thầy giáo ấy, ba của con đấy. Cô đã rất hãnh diện đón nhận vinh dự ấy nơi ông. Cô còn trẻ như thế đấy.

 

Cô chỉ biết là cô ngủ với ba con ngay cái đêm con ra chào đời. Trong cùng một chiếc giường nơi mẹ con thụ thai con. Cô đã ngủ với ba con và chẳng cần biết quái gì về người đàn bà đó, mẹ của con. Nếu như bà ấy là một người đàn bà da nâu như cô, hẳn cô đã áy náy biết chừng nào, nhưng vì bà ta không phải, nên cô chả cần bận tâm. Cô luôn luôn có mặt ở đó trước. Cô luôn hiện diện ở đó, trong tấm gương, dưới làn da của ba con, trong máu huyết, trước khi con chào đời. Và ba con đã ngự trị nơi đây trong tim cô ngay cả trước khi cô quen biết ông ấy. Hiểu không? Ông ấy đã có mặt ở đó từ lâu rồi. Luôn luôn. Rã ra như một cánh hoa dâm bụt, nổ bùng như một sợi dây thừng trong bụi. Cô không cần biết phải trái ra sao nữa. Cô không cần biết về vợ ông ấy. Bà ta có phải là chị gái của cô đâu.

Và đó cũng không phải lần cuối cùng cô ngủ với một người đàn ông ngay trong đêm vợ hắn ta chuyển bụng cho một đứa bé ra đời. Tại sao mình lại làm thế, cô tự hỏi? Ngủ với một người đàn ông trong khi vợ anh ta đẩy ra một đời sống, đang bị bú bởi một sinh vật mà hai con mắt còn nhắm nghiền. Sao lại làm vậy? Cô luôn có chút vui sướng điên cuồng khi có thể giết những người đàn bà đó như thế mà họ không hay biết. Biết rằng mình đang chiếm đoạt chồng của họ trong khi họ đang bị neo cứng trong những căn phòng bệnh viện mầu xanh, ruột rà móc ngược ra ngoài, đứa bé bú vú họ trong khi chồng họ bú vú cô. Mọi thứ xảy ra khi những vết khâu cửa mình của họ còn đau rát.

 

Một hôm, đang say men margaritas, cô điện thoại cho ba con lúc bốn giờ sáng, đánh thức chị ta dậy. Hello, mẹ con ríu rít. Cho tôi nói chuyện với Drew. Chờ một chút, chị ta nói bằng thứ tiếng Anh phòng tiếp tân lịch sự nhất của mình. Chờ một chút. Cô cười bò chuyện đó cả mấy tuần sau. Thật là ngu ngốc khi chuyển ống nghe điện thoại cho tên cà chớn đang say ngủ bên cạnh chị ta. Xin lỗi, cưng ơi, điện thoại của anh nè. Khi Drew lẩm bẩm hello cô đã cười ngặt nghẽo đến mức không nói nên lời. Drew? Con mụ vợ ngu ngốc của anh, cô nói, và cô chỉ nói được có thế. Thật là ngu ngốc ngu ngốc ngu ngốc. Không người đàn bà Mễ nào lại có thể phản ứng như thế. Xin lỗi, cưng ơi. Nó làm em kiệt sức.

 

Thằng bé có cùng một mầu da. Tất cả những vạch gân xanh và trong giống hệt mẹ nó. Da như những bông hồng tháng chạp. Thằng bé đẹp trai. Phiên bản nhỏ bé của ba nó. Những tế bào nhỏ bé tách ra thành con thành con và con. Nói cho cô nghe đi, chú bé, phần nào của con là máu thịt của mẹ con. Cô cố gắng hình dung đôi môi bà ấy, cái hàm bà ấy, đôi chân dài dài quấn quanh người đàn ông làm cha này, kẻ dìu cô lên giường của ông ta.

 

Chuyện này đã xảy ra. Em đang ngủ. Hay đang giả vờ ngủ. Anh ngắm em, Drew, em cảm nhận được sức nặng của anh khi anh ngồi xuống góc giường, áo quần thẳng thớm, sửa soạn ra về, nhưng anh chỉ ngồi ngắm em ngủ. Không làm gì hết. Không một chữ. Không một nụ hôn. Chỉ ngồi. Anh quan sát em chăm chú. Anh nghĩ gì thế nhỉ.

 

Em vẫn không ngừng mơ thấy anh. Anh biết điều đó không? Anh có nghĩ điều đó khác thường không? Dù vậy, em chẳng bao giờ kể cho ai nghe. Em giữ cho riêng mình như đã ấp ủ mọi ý nghĩ em dành cho anh.

 

Sau bao nhiêu năm tháng.

 

Em không muốn anh nhìn em. Em không muốn anh dò xét em khi em đang ngủ. Em mở mắt và làm anh giật mình bỏ đi. Đó. Em đã nói với anh như thế nào nhỉ? Drew? Chuyện gì thế? Không có gì. Em biết anh sẽ nói thế.

 

Đừng nói. Mình không phải là loại người khéo nói. Với anh, em là kẻ vô dụng cùng chữ nghĩa. Như thể bằng cách này hay cách khác em phải học nói lại từ đầu, như thể những ngôn từ mà em cần thì chưa được phát minh. Chúng ta là những kẻ hèn nhát. Trở lại giường với em. Ở đó ít ra em cũng cảm thấy em có anh một chút. Trong một khoảnh khắc. Để kịp thở. Anh buông thả. Anh đau đớn và chằng kéo. Anh xé rách thịt da em.

 

Không có quần áo, anh gần như không còn là người đàn ông chững chạc. Em phải cắt nghĩa thế nào đây nhỉ? Anh giống hệt đứa bé trong giường em. Không gì khác hơn đứa bé trai to xác cần nâng niu. Em sẽ không để ai làm tổn thương anh. Tên cướp biển của em. Người đàn ông của em trong thân hình thiếu niên thon thả.

 

Sau bao nhiêu năm tháng.

 

Cô đã không tưởng tượng ra. Sông Hằng, tâm bão. Chỉ một chút thôi. Khi chúng ta thất lạc, con kéo cô lại, cô nhảy vào lòng con và tách đôi con như bổ một trái táo. Mở ra cho những người khác nhìn và không hoàn trả nữa. Có cái gì đó tự nới cho lỏng. Thân thể con không gian dối. Nó không im lặng như con.

 

Con trần trụi như viên ngọc trai. Con đánh mất vạt khói của mình. Con mềm mại như mưa. Nếu cô ngậm trong miệng, con sẽ tan như tuyết.

 

Con đã mắc cỡ vì quá trần trụi. Con co người lại. Nhưng cô nhìn thấy con qua con người thật của con, lúc con mở chính mình ra đón nhận cô. Khi con bất cẩn buông xuôi chính mình. Cô bắt gặp nhịp thở hụt hẫng ấy. Cô đâu có điên.

 

Khi ngủ, con kéo cô về phía con. Con tìm kiếm cô trong bóng đêm. Cô không ngủ. Mọi tế bào, mọi túi nang, mọi dây thần kinh, tỉnh táo. Chứng kiến con thở dài, trăn trở và xoay người ôm cô cho gần hơn. Cô không ngủ. Lần ấy, cô đã đón con vào.

 

Mẹ của con? Chỉ một lần thôi. Nhiều năm sau khi ba con và cô không còn gặp nhau nữa. Trong một buổi triển lãm nghệ thuật. Cuộc trưng bày nhiếp ảnh của Eugène Atget. Những bức hình đó, cô có thể nhìn nó hàng giờ. Cô dẫn một nhóm sinh viên.

 

Đầu tiên cô trông thấy ba con. Và trong khoảnh khắc ấy cô cảm thấy như mọi người trong căn phòng, tất cả những bức hình mầu nền nâu đen, đám học trò của cô, những người đàn ông tươm tất trong y phục văn phòng, những người đàn bà mang guốc cao gót, những nhân viên an ninh, tất cả mọi người, đều có thể nhìn ra con người thật của cô. Cô phải bước vội ra ngoài, dẫn đám sinh viên đi qua một phòng triển lãm khác, nhưng một định mệnh nào đó đã sắp đặt sẵn cho con.

 

Ba con theo kịp bọn cô trong khu gửi áo khoác, tay trong tay với con búp bê Barbie tóc đỏ khoác chiếc áo lông thú. Một trong những loại hàng Dallas thấy sợ, tóc cột đuôi ngựa, khuôn mặt sáng rực như những người đàn bà phía sau những quầy hàng mỹ phẩm ở tiệm Neiman. Đó là điều cô nhớ được. Suốt buổi hôm ấy chị ta chắc chắn phải đeo dính ông ấy, có điều là, cô thề mãi tới giây phút đó cô mới nhìn thấy chị ta.

 

Con có thể nói từ sự ngập ngừng thoáng qua, chỉ thoáng qua thôi bởi vì ông ta quá khéo léo để ngập ngừng, rằng ông ta bối rối. Rồi ông ấy bước về phía cô, và cô không biết phải làm gì, chỉ đứng đó thẫn thờ như con thú băng qua đường ban đêm choáng váng vì ánh đèn xe hơi.

 

Cô không nhớ tại sao, nhưng bỗng dưng cô nhìn xuống đôi giầy của mình và thấy xấu hổ vì chúng quá cũ. Rồi ông ấy tiến về phía cô, người yêu của cô, ba của con, trong cái cách riêng của ông ấy với nụ cười nhăn nhở khiến cô muốn đánh ông ấy, khiến cô muốn làm tình với ông ấy, và ông ấy nói bằng giọng thành thật con chưa hề được nghe, "A, Clemencia! Đây là Megan." Không có sự giới thiệu nào độc ác hơn. Đây là Megan. Đơn giản như thế đấy.

 

Cô nhăn răng cười như con mẹ ngốc và chìa móng vuốt của mình ra – "Hello Megan" – rồi nhăn nhở cười cái kiểu người ta hay làm khi không chịu nổi kẻ đối diện. Rồi cô ra khỏi nơi chết tiệt ấy, miệng bép xép như một con khỉ với đám học trò suốt đường về. Về nhà, cô phải nằm xuống đắp khăn lạnh lên trán và mở truyền hình. Tất cả những gì cô có thể nghe được là tiếng đập phập phồng bên dưới tấm khăn vải trong vùng sâu thẳm phía sau con mắt: Đây là Megan.

 

Và cô ngủ thiếp đi như thế, mở ti vi và tất cả mọi ngọn đèn trong nhà. Cô thức giấc khoảng đâu ba giờ sáng. Cô tắt đèn và ti vi rồi đi kiếm aspirin, lũ mèo, đang ngủ với cô trên ghế sa lông, cũng thức dậy theo cô vào nhà vệ sinh như thể chúng cũng biết việc gì phải làm. Rồi chúng theo cô vào giường, nơi chúng không được phép, nhưng lần này cô mặc chúng nó, có bọ chét hay không cũng chả sao.

 

Chuyện này cũng xảy ra. Cô thề cô không bịa đặt. Tất cả đều đúng sự thật. Đó là lần cuối cô với ba con. Cô với ba con đã thỏa thuận. Tất cả cho mọi việc được tốt đẹp. Chắc chắn cô có thể thấy điều đó, phải không? Tốt cho chính cô. Chơi đẹp. Một người con gái trẻ như cô. Cô không từng hiểu… trách nhiệm sao. Ngoài ra, ông ấy cũng không bao giờ có thể cưới . Con không nghĩ…? Đừng bao giờ lấy Mễ… không, dĩ nhiên là không. Cô hiểu. Cô hiểu.

 

Không biết cách nào đó mà cô với ba con có căn nhà trong vài hôm. Mẹ con và con đi đâu đó. Phải dịp lễ Giáng Sinh không? Cô không nhớ nữa.

 

Cô nhớ ngọn đèn thủy tinh tráng chì với ly sữa trên bàn ăn. Cô kiểm kê trong đầu hết mọi thứ. Cấu trúc hoa sen Ai Cập trên bản lề cửa. Cái hành lang hẹp và tối nơi ba con và cô đã có lần ân ái. Cái bồn tắm có bốn chân nơi ông ấy gội đầu cho cô và xối nước bằng cái ca thiếc. Cửa sổ này. Cái quầy kia. Căn phòng ngủ với ánh sáng sớm mai, mềm mại không ngờ, như ánh sáng từ một đồng mười xu đánh bóng.

 

Căn nhà vẫn vậy, sạch như lau, không một sợi tóc vương vãi bất kỳ nơi đâu, không một vẩy gầu trên tóc hay một cái khăn tắm nhàu nhò. Ngay cả những bông hồng trên bàn phòng ăn cũng nín thở. Một thứ thanh khiết thiếu dưỡng khí luôn khiến cô muốn hắt hơi.

 

Tại sao cô lại thắc mắc về người đàn bà chung sống với ông ta? Mỗi khi vào nhà tắm, cô luôn thấy mình mở tủ thuốc, nhìn tất cả những thứ thuộc về chị ta. Những cây son Esteé Lauder. Mầu san hô và hồng, dĩ nhiên. Những lọ thuốc sơn móng tay màu hoa cà mà gan như chị ta mới dám xài. Những cục bông gòn và kim gài tóc mầu vàng. Một đôi dép da cừu mầu xương, sạch như cái ngày chị ta mua về. Trên cái móc cửa - một áo khoác trắng với nhãn CHẾ TẠO TẠI ITALY, và áo ngủ bằng lụa với những cúc ngọc trai. Cô chạm vào mặt vải. Calidad. Phẩm chất.

 

Cô không biết giải thích cách nào việc cô làm sau đó. Lúc ba con đang bận rộn trong bếp, cô đi lại chỗ cô đã để cái túi đeo vai, lấy ra một gói kẹo cao su hình con gấu cô đã mua trước đó. Khi ông ta bận rộn với soong chảo, cô đi vòng trong nhà và nhét những cục kẹo vào những nơi mà cô biết bà ấy sẽ tìm thấy. Một cục trong tủ đựng đồ trang điểm bằng nhựa trong vắt. Nhét vào mỗi lọ thuốc sơn móng tay một con. Cô vặn mở cây son môi mắc tiền ra đẩy dài tối đa và nhồi một cục kẹo cao su hình con gấu vào chóp trước khi đậy nắp lại. Cô còn đặt một cục kẹo con gấu vào hộp đựng màng chắn chống thụ thai ngay ở trung tâm của khung hình mặt trăng cao su phát quang.

 

Tại sao phải bận tâm? Drew sẽ lãnh đủ. Hoặc ông ấy sẽ đổ thừa là bùa phép Voodoo của Mexico gì đó của người đàn bà dọn dẹp. Cô cũng biết điều đó. Chẳng có gì quan trọng. Cô có sự hài lòng kỳ lạ khi đi lang thang trong căn nhà đặt kẹo cao su hình con gấu vào những chỗ mà chỉ chị ta mới để mắt tới.

 

Và ngay lúc Drew réo gọi, "Ăn tối!" cô thấy nó trên bàn. Một trong những con búp bê babuska bằng gỗ mà Drew đã mua cho chị ta trong chuyến đi Nga. Cô biết. Ba con cũng mua cho cô một bộ giống y như thế.

 

Cô đã làm cái điều phải làm, mở con búp bê này ra khỏi con búp bê kia, con kia ra khỏi con kia nữa, tới khi cô vào tới con trong cùng, con búp bê nhỏ xíu bên trong tất cả những con khác, và cô thay thế con nhỏ nhất ấy bằng một cục kẹo con gấu. Rồi cô sắp những con búp bê ấy lại như lúc cô mở chúng ra, con này nằm trong con kia, con kia nằm trong con kia nữa. Ngoại trừ con nhỏ nhất, cô cất vào túi của mình. Suốt bữa ăn tối tay cô cứ mò mẫm túi áo khoác. Khi chạm vào nó, cô cảm thấy thú vị.

 

Trên đường về nhà, qua cây cầu bắc ngang arroyo trên đường Guadalupe, cô ngừng xe, mở đèn chớp khẩn cấp, bước ra, và thả món đồ chơi gỗ xuống con rạch bùn lầy nơi đám bợm rượu đái và lũ chuột cống bơi lội. Món đồ chơi của chị búp bê Barbie hầm trong đống uế tạp dưới đấy. Nó cho cô một cảm giác không giống bất cứ cảm giác nào cô đã từng có và sẽ có từ lúc ấy.

Rồi cô lái xe về nhà và ngủ như chết.

Những buổi sáng này, tôi pha cà phê cho mình, pha sữa cho thằng bé. Tôi nghĩ đến người đàn bà ấy và tôi không thể tìm ra chút dấu vết nào của người tôi yêu trong thằng bé này, như thể chị ta đã có nó bằng cách thụ thai vô nhiễm.

 

Tôi ngủ với thằng bé, con của họ. Làm cho thằng bé yêu tôi cái cách tôi yêu ba nó. Làm cho nó thèm muốn tôi, đói khát, trăn trở trong giấc ngủ, như thể nó đã nuốt phải thủy tinh. Tôi ngậm nó trong miệng. Đây, trái tim nhỏ bé của tôi. Thằng con trai với cặp đùi cứng, một chút lông tơ mịn, cặp mông nhỏ và rắn chắc như ba nó, và cái lưng như một bức tranh tình ái. Lại đây, cariñito của tôi. Lại với mamita. Hãy nhắp chút rượu mừng này.

 

Tôi có thể nói qua cách nó nhìn tôi, rằng tôi nắm quyền sinh sát nó. Lại đây, con chim sẻ nhỏ. Tôi có sự kiên nhẫn của vô tận. Lại đây với mamita. Con chim nhỏ ngu ngốc của tôi. Tôi không cử động. Tôi không làm nó giật mình. Tôi để nó rỉa. Tất cả, tất cả cho cưng. Xoa bụng nó. Gõ nhẹ lên người nó. Trước khi hàm răng tôi gõ vào nhau lập cập.

 

Cái gì bên trong tôi đã làm tôi lên cơn điên lúc 2 giờ sáng. Tôi không thể đổ lỗi cho độ rượu trong máu khi chẳng có giọt rượu nào. Do cái gì tệ hơn thế. Cái gì đó tẩm độc trong máu làm tôi nghiêng ngửa khi bóng đêm căng phồng, tôi cảm thấy như cả bầu trời nghiêng đè xuống óc mình.

 

Và nếu tôi giết ai đó vào một đêm như thế này? Và nếu như chính tôi là kẻ mà tôi giết, tôi sẽ can tôi lọt vào vòng giao tranh, thứ khách bộ hành vô tội, không phải là điều đáng hổ thẹn sao. Tôi sẽ đi bộ với cái đầu đầy ắp hình ảnh và cái lưng xoay về phía tội lỗi. Tự sát? Tôi không thể nói được. Tôi có thấy nó đâu.

Có điều tôi không phải là kẻ mà tôi muốn giết. Khi sức hút của các hành tinh kết hợp cao độ, nó sẽ xô nghiêng tất cả và xáo trộn mọi sự thăng bằng hiển nhiên. Đó là lúc mà nó muốn ra khỏi mắt tôi. Ấy là lúc tôi cầm điện thoại lên, nguy hiểm như một kẻ khủng bố. Không có gì để làm ngoài trừ việc để cho nó đến.

 

Vậy đó. Bạn nghĩ gì? Bạn đã tin là tôi điên như một cánh hoa uất kim hương hay là một chiếc ta-xi chưa? như một đám mây lang bạt?

 

Đôi khi bầu trời quá lớn làm tôi thấy mình vô cùng nhỏ bé về đêm. Đó là nghiệp dĩ phải chịu khi làm mây trời. Bầu trời lớn khủng khiếp. Tại sao nó lại trầm trọng hơn về đêm, khi tôi có nhu cầu khẩn thiết như thế để giao tiếp mà không có ngôn từ để tạo thành ngôn ngữ? Chỉ có mầu sắc. Hình ảnh. Và bạn biết điều tôi nói ra không phải lúc nào cũng dễ nghe.

 

Ô, tình yêu, đó đó. Tôi đã đi và làm chuyện đó. Tốt ở chỗ nào đâu? Tốt hay xấu, thì tôi cũng đã làm chuyện phải làm và cần làm. Anh đã trả lời điện thoại, làm em giật mình bay đi như cánh chim. Và bây giờ chắc anh đang nén tiếng chửi thề rồi cố ngủ lại, với bà vợ ấy của anh, ấm áp, tỏa ra hơi nóng của riêng chị ta, sống động dưới tấm nỉ gối nhồi lông tơ toát ra mùi sữa và kem thoa tay, mùi ấy quen thuộc và thân ái đối với anh.

 

Nhân loại qua mặt tôi trên đường phố, tôi muốn với tay ra và gẩy họ như thể họ là những cây đàn guitar. Đôi khi cả nhân loại này xuất hiện trước mắt tôi thật đáng yêu. Tôi chỉ muốn vươn tay ra, chạm vào ai đó, và nói Đó, đó, không sao, cưng à. Đó, đó, đó. 

Sandra Cisneros

Hoàng Chính chuyển ngữ 

(1) Tạm dịch từ "Water under the damn" trong nguyên bản.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Bảy 201511:10 CH(Xem: 26153)
Ruben là một danh họa bậc nhất ở Mexico, ông lại yêu say đắm Isabel, cô người mẫu của mình. Ấy vậy mà ngược lại, cô nàng lại tỏ ra tình tứ với tình địch của ông, gã này chẳng tiếng tăm gì cả. Isabel vẫn hay gọi ông Ruben là “Churro” bé nhỏ của nàng. “Churro” vốn là tên một loại bánh ngọt, mà cũng là tên thường gọi của người Mễ cho những chú chó con nuôi trong nhà. Ruben lại cho đó là một cái tên gọi tuyệt vời. Bởi thế cho nên hễ có ai đến thăm nơi ông vẽ, ông lại hí hửng khoe: “Ấy, nàng lại sắp gọi tôi “Churro” đấy”. Mỗi khi ông cười, chiếc áo lót như muốn bật tung ra, bởi lẽ ông càng ngày càng béo ra.
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 30486)
“Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh?” là một tranh luận lâu đời giữa các nhà văn. Tại Việt Nam, câu hỏi này chìm khuất vào trong chiến tranh rồi chịu kiểm soát của Ban Tuyên giáo. Tại Nam Mỹ, dấn thân vẫn còn là nguyên liệu của sáng tác và Santiago Sylvester nhắc lại một lần nữa ý nghĩa cùng điều kiện của dấn thân. [Trần Vũ]
01 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 34626)
Một tiếng đồng hồ sau nàng trở lại chỗ tản bộ trên boong tàu, khoác trên người một bộ quần áo nhẹ và hở hang nhưng rất trang nhã khiến nàng trông khêu gợi một cách kín đáo, một áo khoác không cánh tay hơi hở ngực và quần lụa ống rộng trông tựa như váy. Nàng không nhìn ai hết, nằm dài xuống ghế mở sách ra đọc.
19 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 59096)
Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ qua ba giai đọan trong vòng ba năm tới và chế độ của nó sẽ cáo chung vào năm 2016, theo tạp chí Frontline của Hương Cảng, một tờ báo tập trung phân tích tình hình chính trị Hoa lục.
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 37324)
Nhân viên mai táng đến thật đúng giờ khiến María Dos Prazerès, còn khoác áo choàng tắm và đầu gắn các kẹp tóc, chỉ kịp giắt một đoá hồng đỏ lên vành tai để không xuất hiện quá ít quyến rũ như bà đang ấn tượng về chính mình.
04 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 33636)
N gười người tập hợp đòi dân chủ tại trung tâm thành phố...Vị lãnh tụ đương thời truyền lệnh cho quân đội nổ súng vào những người chống đối...Trên báo chí, chúng tôi đọc được lời tuyên bố của vị lãnh đạo là ông sẵn sàng giết hai trăm ngàn mạng người để đổi lấy hai mươi năm ổn định cho xã hội cộng sản.
24 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 32656)
N hững lần đầu tôi xem thường cái ghen của anh. Tôi ôm anh, hôn anh và thì thầm vào tai là chỉ yêu anh và anh nên ngưng cái tính ghen ngớ ngẩn đó. Thế nhưng sau đó tôi nhận thấy làm vậy lại làm anh giận thêm. Anh không chịu được khi tôi phủ nhận trí tưởng tượng đầy ghen tuông của anh.
15 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 52424)
Lời người dịch.  Đứa con gái đồng hoang (La fanciulla della Pampa) dịch từ nguyên bản Ý ngữ là một trong bảy truyện ngắn trong tập truyện Sette donne intorno al mondo (Bảy người phụ nữ vòng quanh thế giới) của Arnaldo Fraccaroli, một nhà văn kiêm nhà báo và diễn viên hí viện Ý vào thời đầu cho đến giữa thế kỷ 20.
25 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 104172)
Lời giới thiệu: Bài “Giã Từ Trung Quốc” được dịch từ bản Anh ngữ tựa là “Walking Out on China”(do Wen Huang dịch từ tiếng Trung Hoa) của nhà văn đối kháng Trung Hoa, Liao Yiwu, xuất bản trên The New York Times số ra ngày 15 tháng 9, 2011. Ông Liao, tên Hán Việt là Liêu Diệc Vũ, cũng còn được biết tới dưới tên Lao Wei, sinh năm 1958 tại tỉnh Sichuan, đúng vào năm Mao trạch Động phát động chiến dịch Một Bước Nhẩy Vọt đã đưa cả nước vào nạn đói trầm trọng...
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 67563)
C hristine Falkenland, sinh năm 1967, đang là hiện tượng và hy vọng của văn chương Thụy Điển hiện nay. Cô viết tiểu thuyết và làm thơ. Những tác phẩm đã được dịch qua tiếng Pháp: Bóng Tôi (Mon ombre), Cơn Khát Của Hồn (La soif de l’âme), Búa Đe (Le marteau et l’enclume). Bút pháp tiêu biểu Bắc Âu. Văn phong đơn giản, cô đặc nhưng lại cực kỳ day rứt. Nội dung thường hướng về những đau đớn và khúc mắc ái, dục. Búa Đe là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Christine Falkenland được dịch ra tiếng Pháp, do nhà Actes Sud xuất bản tháng Sáu năm 1998.